18/06/2018, 16:43

Chế độ Phát Xít (bài 1)

Tác giả: Jeliu Jeliev – Cựu tổng thống Bungaria Dịch giả: Phạm Văn Viêm Phần mở đầu Ðáng lẽ, do khoảng thời gian rất dài cuối chiến tranh thế giới thứ hai và những thế hệ mới ở cuối thế kỷ này, chủ đề phát xít sẽ ít được chú ý, nhưng chúng ta quan sát thấy một xu thế hoàn ...

Hitler_youth.jpg

Tác giả: Jeliu Jeliev – Cựu tổng thống Bungaria
Dịch giả: Phạm Văn Viêm

Phần mở đầu

Ðáng lẽ, do khoảng thời gian rất dài cuối chiến tranh thế giới thứ hai và những thế hệ mới ở cuối thế kỷ này, chủ đề phát xít sẽ ít được chú ý, nhưng chúng ta quan sát thấy một xu thế hoàn toàn ngược lại. Chủ nghĩa phát xít như hệ tư tưởng, như chế độ chính trị và hiện thực xã hội, ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Tài liệu về chủ đề này có thể chất cao như núi.

Rõ ràng, nguyên nhân của hiện tượng đặc biệt này không thể giải thích bằng mối quan tâm đến lịch sử quá khứ. Tồn tại nhiều nguyên nhân chính trị và xã hội, bắt rễ trong những điều kiện phức tạp của thế kỷ 20 có thể giải thích được điều này: Một bộ phận đáng kể những người đương thời và cùng cộng tác với chế độ phát xít vẫn đang còn sống; chiến tranh đã thay đổi số phận của họ và để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Ðối với những người này, nghiên cứu về chế độ phát xít được xem như là mô tả về cuộc đời, cuộc đấu tranh và những khổ đau của họ. Rất nhiều nơi trên hành tinh xuất hiện có tính chất định kỳ các chế độ cảnh sát quân sự, sử dụng thẳng thừng những biện pháp chính trị của chế độ phát xít (kiểu hủy diệt các đối thủ chính trị của Pinoche, chính sách diệt chủng ở Campuchia). Những chế độ này có xu hướng tiến tới hiện tượng quái dị được gọi là chế độ phát xít. Bối cảnh quốc tế phức tạp, mâu thuẫn thế giới càng ngày càng tăng và mối đe dọa đối đầu gữa các nước có vũ khí hạt nhân khiến chúng ta nhớ lại những bài học của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, mà châm ngòi là các nước phát xít; càng làm chúng ta quan tâm đến chủ đề phát xít. Sau cùng để xác định những di sản văn hóa và nhận định đúng chu kỳ chuyển động và phát triển phức tạp của xã hội văn minh, chúng ta cần quan tâm đến chủ đề phát xít, vì biết đâu nó chưa bị hủy diệt triệt để và cần phải nhổ tận gốc một lần chót mọi mầm mống của nó.

Rõ ràng, còn có thể tồn tại nhiều nguyên nhân khác. Nhưng điều đó càng nhắc nhở chúng ta rằng, đã đến lúc phải xây dựng một Lý Thuyết Thống Nhất Về Chế Ðộ Phát Xít, có thể thâu tóm mọi nghiên cứu riêng biệt đã làm. Sự thật là, dù tài liệu về chủ đề này có thể chất cao như núi, nhưng một lý thuyết thống nhất vẫn chưa được xây dựng.

1. Tính thời sự của chủ đề

Ba mươi sáu năm trôi qua, kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khoảng thời gian này đã xuất hiện thêm hai thế hệ mới trong cuộc sống loài người. Các thế hệ này không có ấn tượng cụ thể về chế độ phát xít, mà chỉ hiểu nó qua phim ảnh và sách báo. Vì lý do này, đối với đa phần thế hệ trẻ, chế độ phát xít được xem như kỳ dị, nhiều hơn là kinh hoàng. Những nỗi khổ đau, kinh hoàng, những cuộc giết người hàng loạt, đẫm máu, mà chế độ phát xít đã gây cho các thế hệ tiền bối, đối với họ không còn sống động và rõ ràng như đối với những người đương thời. Thời gian đã có tác động của nó.

Ðấy là lẽ đương nhiên. Những gì xảy ra hôm nay, ngày mai đã trở thành lịch sử. Không thể bắt thế hệ trẻ sống với qúa khứ, với khổ đau và hy sinh của thế hệ trước đó. Họ có những nhiệm vụ mới, đeo đuổi mục đích mới. Nếu không, làm sao có thể phân biệt được họ với các thế hệ tiền bối.

Nhưng cũng chính tại đây chứa đựng một mối nguy hiểm khôn lường. Bởi vì, cách sống này chỉ sinh ra ảo tưởng tốt đẹp, làm lu mờ những mối nguy hiểm to lớn nhất của thời đại, trong khi đó rõ ràng chủ nghĩa phát xít không chỉ là lịch sử.

Chủ nghĩa phát xít tồn tại cả ở thời kỳ hiện đại như một mối đe dọa thực sự.

Rất nhiều sự việc khiến chúng ta phải liên tưởng tới nó. Gần đây là cuộc đảo chính không thành công nhằm phục hồi chế độ phát xít ở Tây Ban Nha, do những phần tử cận vệ dân tộc tiến hành bằng cách tấn công vào quốc hội.

Vụ mưu sát Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan cho thấy có liên quan đến đảng Quốc Xã Mỹ, tồn tại gần như tự do ở đất nước này.

Rất nhiều đảng phái, nhóm quốc xã cận phát xít tồn tại công khai ở các nước Tây Âu. Hiện nay những đảng này đang còn yếu và chưa gây ảnh hưỏng lớn đến đời sống chính trị, nhưng không phải là không nguy hiểm.

Một số trong những đảng này tổ chức huấn lyện và vũ trang quân sự cho đảng viên, số khác tổ chức những cuộc gặp gỡ và hội nghị quốc tế, những cuộc diễu hành trên đường phố và hát những bài hát phát xít, đập phá tượng đài chống phát xít, tấn công nhà thờ người Do Thái, gây tội ác với người da màu. Hiện tượng đặt bom nổ chậm ở những nơi công cộng trở thành phổ biến, làm thiệt hại tính mạng cả những người hoàn toàn vô tội. Ở các nước phương Tây xuất hiện thường xuyên khi thì mốt râu, khi thì mốt tóc cuả Hitler.

Chúng tôi cho rằng vấn đề khả năng phục hồi chế độ phát xít cần phải đặt ra và giải quyết trên cơ sổ khoa học nghiêm túc, chứ không thể bằng hình thức hoặc tuyên truyền.
Nhưng trước tiên cần phân biệt giữ vấn đề tuyệt diệt của chủ nghĩa phát xít trên quan điểm chính trị và lịch sử.

Về mặt Lịch Sử, chủ nghĩa phát xít đã bị tuyệt diệt và không thể nói đến khả năng phục hồi. Ðiều đó có nghĩa rằng, như hệ tư tưởng và thực tiễn chính trị được tô vẽ như con đường mới mẻ của loài người, như một trật tự mới cho thế giới và mang ý nghĩa cao đẹp hơn về cuộc đời, chủ nghĩa phát xít đã bị phá sản hoàn toàn và không thể tái sinh!

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đạc biệt là sau phiên tòa Nuernberg, các dân tộc được chứng kiến những tư liệu khổng lồ về tội ác của chế độ phát xít; do đó, nó không còn có thể thu hút bất kỳ dân tộc nào. Ðối với loài người, chủ nghĩa phát xít là một thứ tư tưởng phản động, suy đồi.

Trong thời đại chúng ta, chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với đồi bại nhất về chính trị và tinh thần. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng, trên quan điểm lịch sử chế độ phát xít đã bị tuyệt diệt hoàn toàn!

Nhưng từ đó không thể suy ra rằng, trên quan điểm chính trị nó cũng đã bị tuyệt diệt, rằng trong những điều kiện nhất định giới cầm quyền chóp bu của một nước nào đó sẽ từ chối không dám xử dụng những vũ khí chiến lược của chủ nghĩa phát xít.

Không ai có thể đảm bảo được điều này. Hơn thế nữa, những người theo dõi tình hình chính trị đều không chỉ một lần quan sát thấy những âm mưu tương tự của các tập đoàn quân sự giành chính quyền thông qua đảo chánh. Chế độ chính trị của Pinoche là một dẫn chứng mới mẻ nhất.

Về mặt Chính Trị, khả năng tuyệt diệt của chủ nghĩa phát xít có cơ sở sâu xa trong lĩnh vực kinh tế, trong quá trình tập trung, thâu tóm tư bản và sở hữu- những đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc. Ở đây không muốn nói về những hiện tượng lỗi thời, mà về xu hướng khách quan của giới tư bản lũng đoạn. Mức độ tập trung và thâu tóm phương tiện sản xuất vào tay bọn tư bản kếch xù và nhà nước càng lớn bao nhiêu, tiềm lực kinh tế của chúng càng hùng hậu bao nhiêu, thì khả năng hủy diệt những tư tưởng tự do và triệt tiêu quyền tự do chính trị, quyền tự do công dân càng dễ xảy bấy nhiêu, rồi từ đó dẫn đến độc tài phát xít.

Cách đây 60 mươi năm, Lênin đã giành sự chú ý cho vấn đề này trong Chủ Nghĩa Ðế Quốc và nhiều công trình khác: việc thay thế cạnh tranh tự do bằng thống soái trong nền kinh tế tương ứng với việc thay thế nền dân chủ tư sản bằng chế độ chính trị phản động tại thượng tầng kiến trúc. Nói cách khác, độc đoán trong nền kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến độc đoán trong chính trị và mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Và như chúng ta đã biết, độc đoán trong chính trị chỉ có độc một hình thái duy nhất: chuyên chính độc tài.

Tất nhiên khả năng về chuyên chính phát xít không phải bao giờ cũng được hình thành trong đời sống chính trị, nhưng nó tồn tại một cách khách quan và trong những bối cảnh mâu thuẫn xã hội gay gắt ở thời đại chúng ta thì điều đó không phải là không nguy hiểm. Xu hướng độc tài hóa trong thế giới hiện đại mạnh đến mức ngay cả những nền dân chủ tư sản truyền thống cũng không còn được bảo tồn như ở thế kỷ 19; trong đời sống chính trị của những nước này thường xuất hiện những hành động và sự kiện gần với chuyên chính hơn là dân chủ.

Tính thời sự của chủ đề này còn được xác định từ một vấn đề khác: sự cần thiết phải diễn giải cấu trúc, những quy luật, cơ cấu và đòn bẩy ẩn giấu trong nhà nước phát xít. Thiếu cái đó, sẽ không thể giải thích được bằng cách nào mà chế độ phát xít, đặc biệt là phát xít Ðức, với hệ tư tưởng phản động và phản khoa học của nó, có thể lôi cuốn tất cả các dân tộc châu Âu, biến họ thành những công cụ cho những mục đích tội lỗi; không thể hiểu được hệ thống chính trị man rợ, mị dân, ngu dân, vô lương tâm, vô nhân đạo đã biến hàng nhiều triệu công dân tự do, hàng triệu những người lạc hậu, phục tùng mù quáng thành một đội quân hỗn tạp Tamerlanov hiện đại, đe dọa hủy diệt nền văn minh nhân loại. Chúng ta biết rất nhiều về những tội ác của chế độ phát xít (trại tập trung cải huấn, lò hơi độc, thiêu hủy sách báo tiến bộ, v.v…), nhưng biết quá ít về cơ cấu bộ máy nhà nước phát xít đã gây ra những tội ác này.

Chúng ta cũng biết rất nhiều về “chế độ phát xít man rợ”, nhưng hầu như không biết gì về chế độ phát xít bình thường, mà từ đó mới phát triển thành chế độ phát xít man rợ. Bởi vậy khi nghiên cứu những vấn đề này, không thể xem đã đầy đủ nếu chỉ kết luận rằng, chế độ phát xít là nền chuyên chính của các tầng lớp đế quốc phản động nhất (tất nhiên điều này hoàn toàn đúng), mà cần thiết phải phát triển rộng hơn nữa: tìm hiểu chi tiết nền chuyên chính phát xít như hệ thống chính trị và hình thái chính quyền.

2. Những định nghĩa về chủ nghĩa phát xít

Trong những giai đoạn khác nhau, rất nhiều định nghĩa về chủ nghĩa phát xít đã được đưa ra, dựa trên những cơ sở khác nhau. Vào năm 1921, sau sự kiện “Tiến Về Thành Rôma”, bọn phát xít Italia cướp được chính quyền, rất nhiều nhà macxit đã xem đó như là một cuộc cách mạng tiểu tư sản. Ngay từ năm 1923, X.M. Bronxci đã xem đó như là một “cuộc cách mạng tiểu tư sản” và “cuộc đấu tranh đòi quyền tự chủ của các tầng lớp trung lưu”. Theo L. Longo, trong nhận thức lúc bấy giờ của những người cộng sản và những người xã hội Italia, phong trào phát xít được xem như “kết quả cuộc bạo loạn của giai cấp tiểu tư sản, do nó bị chèn ép giữa giới đại tư sản và phong trào công nhân”.

Sau năm 1926, khi bọn phát xít Italia xây dựng hệ cơ cấu nhà nước đặc biệt, và ở chân trời đã xuất hiện thắng lợi của phong trào quốc xã Ðức phản động hơn nhiều, người ta cũng bắt đầu thêm vào định nghĩa về chủ nghiã phát xít tính chất phản cách mạng của nó. Vào năm 1942, Ẹ Telman định nghĩa chủ nghĩa phát xít như “cuộc phản cách mạng vũ trang, thể hiện như một phong trào quần chúng, được chuyển thành những tổ chức hitlerist”. Nhà sử học người Italia, Dele Piane, gọi chủ nghĩa phát xít là “cuộc phản cách mạng triệt để”; còn L. Longo thì xem đó là “một trong những hình thái phản cách mạng triệt để”.

Vào những năm 1940, người cộng sản Pháp J. Politxer, định nghĩa chủ nghĩa phát xít như “cuộc cách mạng phản động nhất trong lịch sử” và “cuộc phản cách mạng của thế kỷ 20”.

Evgeni Cocx: “Cuộc cách mạng phản động”.

E. Franxel: “Cuộc cách mạng cánh hữu”.

Erikh Hex: “Chủ nghĩa phong kiến công nghiệp”.

Herman Rausing: “Cuộc cách mạng cuả chủ nghĩa hư vô”, và “Cuộc cách mạng phủ định”.

Uinxtun Trurtrin: “Chủ nghĩa phát xít là cái bóng hay con đẻ của chủ nghĩa cộng sản”.

Giáo sư triết học và xã hội học Luidji Xturxo: “Thực chất nước Nga và nước Italia chỉ có một khác biệt nhỏ – cụ thể là chủ nghĩa Bonsevist hay chuyên chính cộng sản là chủ nghĩa phát xít tả, còn chủ nghĩa phát xít hay chuyên chính bảo thủ là chủ nghĩa bonsevist hữu. Nước Nga Bonsevist sinh ra huyền thoại Lenin, còn nước Italia phát xít sinh ra huyền thoại Muxolini”.

L. Mumford cho rằng cội rễ của chủ nghĩa phát xít phải tìm “trong tâm hồn con người chứ không phải trong cội rễ kinh tế”.

Vilhelm Raikh: “là sự thể hiện cấu trúc phi lý của con người đã bị bóp méo, trở nên đần độn”.

Cần phải nói rằng, trong tất cả những định nghĩa trên đây đều chứa đựng một phần sự thật của vấn đề. Chúng phản ánh những khía cạnh riêng biệt của một hiện tượng chính trị có thật, được gọi là chủ nghĩa phát xít. Bởi vì chủ nghĩa phát xít đồng thời vừa là “phong trào quần chúng”, “cuộc cách mạng tiểu tư sản”, “cuộc cách mạng cánh hữu”, “cuộc cách mạng triệt để”, v.v…

Nhưng trong tất cả các định nghĩa trên không có một định nghĩa nào cho thấy được cội rễ sâu xa và bản chất đặc biệt của chủ nghĩa phát xít. Tại đại hội lần thứ 7 của quốc tế cộng sản, chủ nghĩa phát xít được định nghĩa như: “Nền chuyên chính khủng bố trắng trợn của những phần tử đế quốc phản động và sô-vanh nhất trong giới tư bản tài chính”. Giới tư bản tài chính là cội rễ của chủ nghĩa phát xít và xác định cương linh của nó. Thiếu sự có mặt của giới tư bản tài chính, chủ nghĩa phát xít sẽ đánh mất bản chất, đặc điểm và nội dung chính trị của mình. Thiếu sự có mặt của giới tư bản tài chính, chủ nghĩa phát xít không thể trở thành một phong trào dân tộc sâu rộng và không thể cướp chính quyền. Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa phát xít xuất hiện trong thời đại đế quốc, trong điều kiện của cuộc khủng khoảng xã hội sâu sắc, đe dọa sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trong lịch sử đã từng có các phong trào quần chúng của giai cấp tư sản và sinh ra chủ nghĩa Bonapac, nhưng không phải là chủ nghĩa phát xít.
Cho đến nay, định nghĩa của Quốc tế Cộng sản, trong diễn văn của Georgi Ðimitrov tại Ðại Hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 7 năm 1935, vẫn là định nghĩa sâu sắc nhất về chủ nghĩa phát xít, thể hiện được bản chất xã hội và giai cấp của hiện tượng này.

Tuy nhiên, thật sai lầm nếu như cho rằng định nghĩa của Quốc tế Cộng sản đã thâu tóm được mọi khía cạnh đặc biệt của chủ nghĩa phát xít. Trong định nghĩa này còn thiếu hẳn cơ cấu chính trị đặc biệt và hình thái chuyên chính đặc thù, mà nếu không có chúng thì không bao giờ có thể cắt nghĩa được sức mạnh quỷ quái cuả các nhà nước phát xít, những kẻ đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đẫm máu với mức độ khủng bố và tội ác đối với loài người đã đạt tới đỉnh điểm chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Rõ ràng rằng, chế độ phát xít trước hết là chính quyền, là nền chuyên chính của giới tư bản tài chính và đây là đặc thù xã hội giai cấp cụ thể nhất của nó, nhưng cũng rõ ràng rằng, trong tất cả những nước tư bản phát triển, chính quyền nhà nước là chính quyền của giới tư bản tài chính với những hạn chế nhất định về dân chủ, quyền tự do công dân, tự do chính trị… Ðiều này đúng cho tất cả các nước tư bản phát triển trong thế giới hiện đại. Nhưng chỉ trên cơ sở đó, không ai có thể khẳng định rằng, tại các nước này đang hiện hành chế độ phát xít, rằng hình thái nhà nước là chuyên chính phát xít.

Ðiều đó chứng tỏ, định nghĩa chế độ phát xít như chính quyền, như chuyên chính của giới tư bản tài chính, dù thể hiện được nội dung cơ bản nhất của hiện tượng này, vẫn chưa thâu tóm được toàn bộ bản chất của nó. Cần phải thêm vào định nghĩa này cơ cấu chính trị đặc biệt và hình thái chuyên chính đặc thù, mà chính quyền của giới tư bản tài chính đã được cấu thành trong những điều kiện khủng khoảng xã hội tổng thể không bao giờ còn có thể xảy ra giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Ở đây không chỉ nội dung giai cấp, mà cả hình thái chuyên chính đặc thù cũng là khía cạnh đáng kể cuả vấn đề. Sự thống nhất hai đặc tính này phản ánh bản chất đặc biệt của chế độ phát xít.

Việc thiếu mất khía cạnh “hình thức” này trong định nghĩa của Quốc tế Cộng Sản kể cũng là lạ, bởi vì tất cả những nhà tư tưởng của Quốc Tế Cộng Sản đều đã từng quan tâm nghiêm túc đến dấu hiệu này của chế độ phát xít.

Như chúng ta sẽ thấy trong những mục tới, ngay từ phiên tòa Laixich, G. Ðimitrov đã giành sự chú ý đặc biệt đến cơ cấu chính trị đặc biệt và đặc thù độc tài của nhà nước quốc xã. P. Toliati trong “Những Bài Giảng Về Chủ Nghĩa Phát Xít” đã phân tích rất chi tiết về cơ cấu cuả chế độ phát xít Italia, đã nhìn thấy thực chất đặc thù độc tài đặc biệt cuả nó. Và dựa trên tính chất đặc biệt này của chuyên chính phát xít, các nhà Mác-xít như E. Telman, L. Longo, V. Pic, v.v… đã thử giải thích một vài hiện tượng trong đời sống chính trị của những nhà nước này, những hiện tượng có vẻ như là khác lạ, khó nhận biết, nếu đặt chúng ra khỏi cấu trúc của các hệ thống chính trị này.

Như vậy chúng ta có thể nói, dấu hiệu độc tài là khía cạnh đặc biệt quan trọng của chuyên chính phát xít, phản ánh được bản chất chính trị của nhà nước này, và vì thế, nó cần được thể hiện trong định nghĩa về chế độ phát xít. Trong trường hợp đó, định nghĩa của Quốc Tế Cộng Sản cần đuọc bổ xung như chính quyền độc tài, nền chuyên chính độc tài của giới tư bản tài chính, của bộ phận tư bản tài chính phản động nhất. Vấn đề cụ thể ở đây là chuyên chính độc tài – không phải chuyên chính quân sự, hay chuyên chính uy tín, mà là chuyên chính độc tài.

3. Khái niệm về nhà nước độc tài

Những người sáng lập nhà nước phát xít xử dụng thuật ngữ “nhà nước độc tài” trước tiên. Muxolini định nghĩa nhà nước độc tài là “nhà nước thâu tóm trong mình… toàn bộ sức mạnh, quyền lợi và hy vọng cuả một dân tộc”.

Pau Riterbus, một trong những nhà lý luận quốc xã, đã định nghĩa: “… Nhà nước độc tài là nhà nước, mà với sự giúp đỡ của nó, một đảng hoặc một hệ tư tưởng được nâng lên thành tổng thể, thành xu hướng đặc biệt trong xây dựng chính trị của đời sống dân tộc… Nhà nước độc tài là sự phá vỡ mang tính nguyên tắc khái niệm tương đối, trong đó bao hàm một vấn đề là bất cứ một đảng phái nào cũng chỉ chứa đựng một sự thật tương đối”.

Tại tòa án Niurnberg, Spee, Bộ trưởng Bộ Chiến Tranh trong chính phủ Hitler, đã đánh giá nhà nước độc tài như nguyên nhân quan trọng nhất gây nên thảm họa cho nhân dân Ðức: “Nhưng mối nguy hiểm ghê gớm, chứa đựng trong nhà nước độc tài, chỉ trở nên rõ ràng ở tận giai đoạn cuối. Hãy cho phép tôi thể hiện điều này như sau: mãi tận giai đoạn cuối, trong sự tan rã của chế độ này, mới thấy được mối nguy hiểm ghê gớm đến mức nào ẩn dấu trong những chế độ như thế, thậm chí kể cả khi chúng ta đặt ra một phía những nguyên tắc tập trung. Sự kết hợp giữa Hitler và hệ thống chính trị này đã mang lại thảm họa kinh hoàng cho toàn thế giới”.

Tại tòa án Niurnberg, Soucrox gọi chính phủ Hitler là “chính phủ độc tài” vì “không chấp nhận bất kỳ xu hướng đối lập nào” và hủy diệt mọi quyền công dân và tự do chính trị. Eibl Plen lên án đảng “Falanga- Tây Ban Nha” như “đội quân hiếu chiến”, “độc tài”, xây dựng nhà nước độc tài đồng dạng với nó. Curt Rix mô tả “hình thái chuyên chính độc tài” như sau: “Ðối với nó, tự do in ấn và quốc hội bị hủy diệt”. A. Mankhatan, khi trích dẫn báo cáo của Ðại sứ Italia tại Madrid, ngày 25.3.1939, cũng đã nói đến “liên hiệp phát xít châu Âu bao gồm những nước độc tài trên lục địa này”.

Thuật ngữ “nhà nước độc tài” cũng được những tác giả macxit sử dụng khi xác định chế độ phát xít, đặc biệt là vào những năm cuối cùng của nó. Tại tòa án Laixich, G.Ðimitrov đã dùng thuật ngữ này trong “Mười Câu Hỏi Cho Các Viên Cảnh Sát”, đồng thời đã xây dựng cho nó một nội dung cụ thể. Chúng ta sẽ trích dẫn toàn văn câu hỏi thứ mười.

“10- Có đúng là trong tình hình căng thẳng như thế, vụ cháy Raihxtaga được sử dụng như nguyên nhân để đàn áp phong trào công nhân, như công cụ nhằm vượt qua những khó khăn trong “liên minh dân tộc”, nhằm thiết lập “chính quyền độc nhất” quốc xã và nhằm xây dựng cái gọi là “nhà nước độc tài”, nghĩa là dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phát và tổ chức khác, nhằm “đồng hóa” mọi công sở nhà nước, kinh tế, quân sự, văn hóa, tôn giáo, thể thao, thanh niên, ấn loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v…

Nói gọn hơn, theo G. Dimitrov, nhà nước độc tài là nhà nước có tham vọng: thứ nhất, “dùng bạo lực hủy diệt tất cả các đảng phái và tổ chức khác”; và thứ hai, nhằm đồng hóa mọi công sở nhà nước, kinh tế, văn hóa, quân sự, thể thao, thanh niên, tôn giáo, ấn loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v…”, nghĩa là nhằm đồng hóa toàn bộ đời sống xã hội.

P.Toliati, trong “Những Bài Giảng Về Chủ Nghĩa Phát Xít” đã xem phát xít Italia như “chế độ độc tài”, “nhà nước độc tài”. Với những khái niệm này, Toliati đã nêu bật được bản chất của chế độ phát xít và xây dựng những nội dung sau:

Thiết lập “chính quyền độc nhất” hay cơ cấu một đảng quyền của chế độ phát xít bằng cách dùng bạo lực hủy diệt tất cả những đảng phái và tổ chức quần chúng khác, không kể là cánh tả hay cánh hữu;

Ðảng phát xít khống chế nhà nước, biến nhà nước thành công cụ của nó;

Thiết lập hệ thống các tổ chức quần chúng quốc gia, và thông qua chúng đảng phát xít kiểm soát toàn bộ xã hội công chúng (tổ chức công đoàn, thanh niên, tổ chức Dopolavoro), v.v..;

Thành lập hệ thống hợp tác xã như cơ sở kinh tế của nhà nước phát xít và “chế độ phát xít” (Muxolini) tương lai.

Trong tác phẩm Sau Franco “Ði Hướng Nào”, Cantiago Carino đã xác định chế độ phát xít Tây Ban Nha như “chính quyền độc tài” và “chuyên chính độc tài”.

Trong tác phẩm Tây Ban Nha Thế Kỷ 20 của Hoxe Garxia, chúng ta có thể bắt gặp những nhận định về chế độ phát xít như “chuyên chính độc tài phát xít tập trung”, nhà nước với “đặc thù độc tài”, “chế độ độc tài phát xít”, hay “nhà nước độc tài phát xít”, v.v…

Như vậy khái niệm “nhà nước độc tài” mang ý nghĩa như là nhà nước phát xít lý tưởng và thuần nhất cho một nhóm cụ thể những hiện tượng, để sau đó có thể dùng mô hình này làm cơ sở, đi sâu vào bản chất đặc trưng của từng hiện tượng riêng biệt.

Xây dựng mô hình nhà nước phát xít “lý tưởng” có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt, nó cho phép chúng ta trong những trường hợp cụ thể, xác định một nước nào đó có thể xem là nhà nước phát xít hay không.

Và thí dụ, nếu không có mô hình tổng quát về nhà nước phát xít điển hình, thì không thể phát hiện được “tính chất đặc biệt” của chế độ phát xít Bungaria. Trước khi xác định tính chất dân tộc đặc biệt của một chế độ phát xít cụ thể (Bungaria, Rumania, Hunggaria hay Anh), cần phải nhận biết được thế nào là chế độ phát xít và những dấu hiệu cơ bản của nhà nước này.

Trên cơ sở những phân tích đã nêu, con đường nhiều hứa hẹn nhất để xây dựng được mô hình nhà nước phát xít lý tưởng là nghiên cứu cấu trúc của các nhà nước phát xít điển hình, nhằm phát hiện những nét chung tiêu biểu nhất, mà thiếu chúng một nhà nước cụ thể không thể là phát xít. Bằng phương pháp so sánh, chúng ta thu được những đặc thù cơ bản sau đây cho một nhà nước độc tài:

Thiết lập cơ chế một đảng quyền bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái khác;

Sát nhập đảng phát xít và nhà nước;

Ðồng hóa toàn bộ đời sống xã hội;

Tư duy uy tín với tôn thờ lãnh tụ dân tộc;

Trại tập trung cải huấn.

Tất nhiên, các nghiên cứu mà tác giả làm ở đây chưa thể giải quyết được ngọn nguồn mọi vấn đề đặt ra. Mục đích những nghiên cứu này khiêm tốn hơn nhiều: nhằm chỉ ra một hướng khác trong quá trình nghiên cứu chế độ phát xít và góp phần tiến tới xây dựng “Lý thuyết thống nhất về chế độ phát xít”.

Phần I – Cấu trúc của một nhà nước phát xít

I. Thiết lập cơ chế một đảng quyền

Thiết lập cơ chế một đảng quyền bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái chính trị khác là bước đầu tiên của bọn quốc xã, nhằm xây dựng nhà nước độc tài. Quy luật này cũng đã được thực hiện ở Italia từ năm 1925-1926, và ở Tây Ban Nha năm 1939, nó đuọc xem là dấu hiệu thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa phát xít.

Trong các tài liệu nghiên cứu, thường bỏ qua nguyên tắc cơ bản này của mọi nhà nước phát xít và do đó đã làm giảm mất một nửa sự thật của vấn đề. Người ta chấp nhận rằng sau khi nắm được chính quyền, chủ nghĩa phát xít hủy diệt tất cả mọi đảng phái và tổ chức chính trị, vô sản cũng như tư sản, và thiết lập sự thống soái toàn diện của đảng mình. Ðiều này có thể minh chứng không chỉ bằng những thực tiễn lịch sử, mà còn bằng những tài liệu và những tác phẩm công khai cuả các lãnh tụ phát xít.

Nhận thức sai lầm này xuất phát từ quan niệm là chế độ phát xít, một khi được xem là chuyên chính của giai cấp tư sản đế quốc, không thể hủy diệt những đảng phái tư sản, hoặc giả sử tính logic này không được đảm bảo và chủ nghĩa phát xít tiêu diệt các đảng phái tư sản ở một mặt nào đó thì đây chỉ là ngẫu nhiên và có thể bỏ qua. Nhưng sự ngẫu nhiên này xuất hiện ở tất cả các nước phát xít điển hình (Ðức, Italia, Tây Ban
Nha), và như một xu thế hiện thực, nó tồn tại ở cả những nước cận phát xít hay những nước phát xít phục hồi. Hơn thế nữa, chỉ có những nước thiết lập được cơ chế một đảng quyền mới có thể xây dựng thành công nhà nước phát xít toàn thiện!

Thậm chí để thiết lập cơ chế một đảng quyền của chế độ phát xít, không phải ở đâu cũng bắt đầu bằng việc hủy diệt những đảng phái cộng sản và vô sản. Thí dụ ở Italia, chủ nghĩa phát xít đầu tiên tấn công Ðảng Nhân Dân- đảng của giai cấp tiểu tư sản và tư sản trung bình. P. Toliate giải thích điều này như sau: “Trước hết đảng phát xít tấn công những đảng phái có cùng cơ sở quần chúng với nó. Ðảng Nhân Dân vì thế mà bị tấn công trước Ðảng Cộng Sản Italia… Ðảng Nhân Dân có cùng cơ sở quần chúng với Ðảng Phát Xít Italia – nó bao gồm những tầng lớp tiểu tư sản, tư sản trung bình và tầng lớp điền chủ, nghĩa là những tầng lớp mà Ðảng Phát Xít cũng muốn thống nhất trong đội ngũ của mình để trở thành một đảng quần chúng”.

Ở Ðức, sự việc diễn ra theo một tiến trình khác. Thiết lập cơ chế một đảng quyền ở đây bắt đầu bằng việc hủy diệt Ðảng Cộng Sản Ðức vì những nguyên nhân tương tự. Ðây là đảng mạnh nhất, có thể dễ dàng tổ chức những cuộc đấu tranh. Nhưng sau khi đã tiêu diệt được kẻ thù nguy hiểm nhất, chủ nghĩa phát xít không ngần ngại tiêu diệt mọi đảng phái còn lại, không từ một đảng nào.

Sau khi hủy diệt mọi đảng phái chính trị và các tổ chức quần chúng- quá trình này kéo dài đến mùa hè năm 1933 – ngày 14.7.1933, chính phủ quốc xã ban hành sắc luật công nhận sự thống soái tuyệt đối của ASDAP (Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức – ND). Ðiều luật này cấm phục hồi những đảng phái chính trị đã bị tan rã và cấm thành lập những đảng phái mới. “Ðảng Công Nhân Quốc Xã Ðức là đảng phái chính trị duy nhất ở Ðức. Kẻ nào còn bảo vệ cho cơ cấu những đảng phái chính trị khác hoặc có ý định thành lập những đảng phái chính trị mới, sẽ bị phạt lao động khổ sai tới 3 năm, hoặc bị phạt tù trong ngục tối từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp cố tình vi phạm luật, sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn”.

Ở đây chỉ được phép tồn tại những tổ chức quần chúng do Ðảng Quốc Xã tạo ra, chấp nhận cương lĩnh, điều lệ, và hoạt động dưới sự kiểm soát, lãnh đạo của nó. Trong tài liệu hướng dẫn lãnh đạo đảng, vấn đề này được nêu rõ như sau: “Ở Ðức chỉ tồn tại các tổ chức tin tưởng vào những nguyên tắc tập trung và sự hiểu biết quốc xã về nhà nước và nhân dân trong ý nghĩa quốc xã nhất của từ này, những tổ chức tự xem mình là một bộ phận của đảng, được đảng thành lập và chịu sự kiểm soát của đảng cả ở hiện tại và tương lai… Tất cả những cơ sở muốn được tự lập là những tổ chức lạc loài, hoặc phải đi theo đảng, hoặc phải biến khỏi đời sống xã hội”.

Rõ ràng không còn có thể nghi ngờ vào quyết tâm thiết lập cơ chế một đảng quyền của NSDAP.

Giới lãnh đạo quốc xã chóp bu nhận thức được giá trị vô cùng quan trọng của cơ chế một đảng quyền trong cấu trúc chế độ này. Vì vậy, mọi ý đồ chống lại nguyên tắc này, nhằm phục hồi nền dân chủ tư sản với cơ chế đa đảng bị xem là phá hoại nền an ninh quốc gia và bị trừng phạt dã man, tàn bạo như những biểu hiện chống đối nhà nước, chống đối nhân dân, bởi vì chuyên chính khủng bố không thể tồn tại lâu dài, nếu không dựa trên cơ chế một đảng quyền.

Ngày 19.4.1943, tại phiên tòa xử nhóm sinh viên chống phát xít Bông Hồng Trắng, một trong những lời buộc tội nặng nề nhất với Curt Huber – Giáo sư khoa triết học trường đại học Miuhen, là ông đã chứng minh cho các sinh viên thấy sự cần thiết phải phục hồi nền dân chủ và cơ chế đa đảng ở Ðức. Vì tội lỗi này, giáo sư Curt Huber đã bị tuyên án tử hình.

Tầm quan trọng của nguyên tắc một đảng quyền trong cấu trúc chế độ phát xít, cũng được những người âm mưu đảo chính ngày 20.7.1944 đánh giá rất cao. Dù nhận thức của các tướng lĩnh còn rất xa những nguyên tắc của nền dân chủ, họ cũng đã đi đến kết luận là phải hủy diệt sự thống soái của đảng quốc xã. Kế hoạch của họ bao gồm: tước vũ khí các đội SS- cảnh sát riêng của Ðảng Quốc Xã và bắt giữ ban lãnh đạo của nó.
Tham vọng thiết lập cơ chế một đảng quyền của bọn quốc xã- bước đầu tiên quan trọng nhất khi xây dựng nhà nước độc tài- còn có thể nhìn rõ hơn trong những dẫn chứng lịch sử.

Trước hết bọn quốc xã tấn công Ðảng Cộng Sản. Vụ cháy tòa nhà quốc hội Raihxtaga đêm 27 rạng ngày 28.2.1933 được sử dụng như tín hiệu cho tội ác toàn diện chống lại những cán bộ lãnh đạo và tổ chức cộng sản. Chỉ riêng đêm ấy, có tới 10 nghìn người bị bắt, trong đó đa phần là những người cộng sản.

Ngày hôm sau chính phủ quốc xã cấm tất cả những cơ sở ấn loát cộng sản. Tại Berlin, các đội mật vụ chiếm tòa nhà Carl Libeneht và biến nó thành trụ sở của cảnh sát chính trị. Cùng ngày, chính phủ quốc xã ban hành hai sắc lệnh, về hình thức để chống “âm mưu cộng sản” nhưng thực chất là chuẩn bị cơ sở nhằm hủy diệt mọi đảng phái chính trị ở Ðức: sắc lệnh “Chống Ðảo Chính Nhà Nước và Những Hành Ðộng Phản Bội”, và sắc lệnh “Bảo Vệ Nhân Dân”. Trong sắc lệnh thứ hai có đoạn viết: “Các điều 114, 115, 117, 118, 123, và 125 của Hiến pháp nước Ðức cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Vì vậy việc hạn chế những quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do in ấn, tự do thành lập hiệp hội, tự do hội họp, phá vỡ bí mật thư từ, điện tín, điện thoại, và việc hạn chế những quyền sở hữu sẽ được thực hiện không cần phụ thuộc vào khuôn khổ pháp luật đã ban hành”.

Những sắc lệnh này trên ngôn từ là cấm Ðảng Cộng Sản, nhưng thực tế đã đặt nó ra ngoài vòng pháp luật.

Ngày 3.3.1933, Ernxt Telman bị bắt tại cơ sở bí mật của ông ta ở Sarlotenburg. Hai thành viên trung ương đảng- Valter Stecer và Ernxt Snele cũng bị bắt.

Bị mất ban lãnh đạo, bị cấm in ấn, bị theo dõi, bị khủng bố gắt gao, Ðảng Cộng Sản không còn giữ được vai trò như một lực lượng chính trị thực sự.

Ðảng thứ hai mà chủ nghĩa phát xít tiêu diệt là Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức. Lịch sử hủy diệt đảng này là minh chứng hùng hồn cho luận điểm của chúng ta về tham vọng thiết lập cơ chế một đảng quyền cuả bọn quốc xã bằng bất kỳ giá nào.

Tiêu diệt Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức cũng bắt đầu bằng việc cấm cơ quan ngôn luận của đảng này hoạt động. Hàng nghìn công nhân dân chủ xã hội bị bắt. Sau cuộc bỏ phiếu tại Raihxtaga ngày 5.3.1933, chín nghị sỹ xã hội dân chủ cũng bị bắt. Cánh hữu trong ban lãnh đạo của Ðảng Xã Hội Dân Chủ (Velx, Stampfer) vẫn nuôi ảo tưởng vào chế độ mới, rằng sau khi Hitler đàn áp xong Ðảng Cộng Sản và cánh tả của Ðảng Xã Hội Dân Chủ, thì sẽ dừng khủng bố, chính quyền quốc xã sẽ điều hành chính quyền theo luật pháp, và Ðảng Xã Hội Dân Chủ sẽ giữ được vị trí của mình như “xu hướng chính trị công khai”. Báo Forbertx- cơ quan ngôn luận của Ðảng Xã Hội Dân Chủ trong số ra ngày 26.3.1933 có đoạn viết: “… Thắng lợi của các đảng phái chính phủ (ở đây muốn nói đến bọn quốc xã và dân tộc Ðức – JJ) tạo cho họ khả năng điều hành đất nước chặt chẽ theo hiến pháp, họ chỉ còn hoạt động như một nhà nước pháp quyền. Từ đó suy ra rằng, chúng ta sẽ tồn tại như xu hướng công khai… Chúng ta chỉ cần hạn chế vai trò công kích”.

Thậm chí cơ quan ngôn luận của Ðảng Xã Hội Dân Chủ còn muốn được công nhận công lao của đảng mình trong việc đưa Hitler lên nắm chính quyền. Báo Fornertx, số ra ngày 3.3.1933 đã viết cho Hitler như sau: “Thưa Ngài, Ngài gọi chúng tôi là những kẻ phạm tội tháng 11 nhưng về phía Ngài, có thể nói là Ngài thuộc về các tầng lớp công nhân không (?!), nếu không có chúng tôi, liệu Ngài có thể trở thành Quốc Trưởng được không? Ðảng Xã Hội Dân Chủ đã mang lại cho những người công nhân quyền bình đẳng và kính trọng. Chỉ với sự giúp đỡ của chúng tôi, thưa Ngài Adolf Hitler, Ngài mới có thể trở thành Quốc Trưởng”.

Ban lãnh đạo quốc xã đã sử dụng cả ảo tưởng này của những người đứng đầu Ðảng Xã Hội Dân Chủ cánh hữu để ru ngủ dư luận quốc tế về những hành động khủng bố công chúng. Ðích thân Hitler yên cầu những người này dùng quan hệ quốc tế của họ, để giúp ông ta gạt bỏ nhận thức “sai lầm” xung quang việc đàn áp, khủng bố ở Ðức. Các thủ lãnh xã hội dân chủ chấp nhận yêu cầu này, cử đại diện ra nước ngoài, tác động với diễn đàn dân chủ thế giới nhằm dập tắt những công kích nhằm chống lại chính phủ quốc xã. Trên tờ báo Chính Trị ngay lập tức xuất hiện bài phê bình của nhà xã hội dân chủ Herx, trong đó có đoạn viết: “Những tin tức lừa bịp về khủng bố quốc xã, đăng trên các báo nước ngoài, chỉ gây ảnh hưởng xấu đến nền dân chủ nước Ðức. Tôi sẵn sàng tuyên bố, rằng chúng tôi, những người xã hội dân chủ Ðức, phản đối những thông tin lừa bịp về tội ác của những người quốc xã là hoàn toàn sai sự thật”.

Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức còn đi xa hơn nữa. Khi Ðệ Nhị Quốc Tế họp xét xử những vụ khủng bố quốc xã, đại diện Ðức Oto Velx đã bỏ ra ngoài và Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức chính thức từ bỏ Ðệ Nhị Quốc Tế.

Ðể tỏ rõ nguyện vọng từ bỏ chế độ mới và để giữ cho đảng mình khỏi bị tan rã, Ban lãnh đạo Ðảng Xã Hội Dân Chủ khai trừ hàng loạt đảng viên và loại bỏ những tổ chức phụ thuộc tuyên bố chống khủng bố và yêu cầu đảng này mở cuộc đấu tranh. Tất cả những tổ chức thanh niên xã hội dân chủ Berlin đã bị giải tán. Tháng 4.1933, Ðảng Xã Hội Dân Chủ tiến hành đại hội, bầu lại Ban lãnh đạo và đồng thời khai trừ tất cả những thủ lĩnh đảng đã tố cáo những cuộc khủng bố quốc xã và đang sống tị nạn ở nước ngoài. Và tất cả những điều này xảy ra cùng một thời điểm, khi hàng nghìn thành viên xã hội dân chủ bị ném vào nhà tù và trại tập trung.

Nhưng điều đó cũng không cứu được Ðảng Xã Hội Dân Chủ khỏi bị tiêu diệt. Ngày 10.5.1933, chính phủ quốc xã ban hành sắc lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức và những tổ chức phụ thuộc. Ngày 22.6.1933, Ðảng Xã Hội Dân Chủ bị buộc tội là “kẻ thù của nhân dân và nhà nước “, và bị giải tán theo sắc luật ban ngày 28.2.1933; cấm đảng này không được tuyên truyền, tổ chức hội họp, phát hành báo chí. Sau đó Bộ trưởng Nội Vụ Fric, với sắc lệnh đặc biệt, buộc tội toàn bộ các nghị sĩ dân chủ xã hội là không trung thực, và Ðảng Xã Hội Dân Chủ bị loại ra khỏi vũ đài chính trị.
Và giống như là điều vẫn thường xảy ra với một đảng chính trị bị tan rã trong điều kiện bị khủng bố gắt gao, một bộ phận các thủ lĩnh và đảng viên xã hội dân chủ đi theo chính quyền, cố gắng phục vụ cho nó hòng chiếm lòng tin và sửa chữa “sai lầm” quá khứ; số khác vẫn bảo vệ quan điểm chính trị của mình, bị chết mỏi mòn trong các trại tập trung cải huấn và nhà tù hoặc phải sống tị nạn ở nước ngoài.

Nhưng điều quan trọng trong trường hợp này là, mặc dù đã tỏ rõ sự đầu hàng, sẵn sàng phục vụ chế độ mới, sẵn sàng tuân theo và phục vụ mọi yêu cầu của nó, Ðảng Xã Hội Dân Chủ Ðức vẫn không tránh khỏi bị hủy diệt. Ðiều đó chứng tỏ, ngay từ đầu bọn phát xít đã có tham vọng giành quyền thống soái chính trị tuyệt đối cho đảng mình, rằng mục đích của chúng là cơ chế một đảng trị, chứ không phải là liên minh chính trị.

II. Sát nhập giữa đảng và nhà nước phát xít

Sự thống nhất toàn diện của đảng và nhà nước là bước đầu quan trọng thứ hai trong quá trình xây dựng chế độ độc tài của chủ nghĩa phát xít. Nó liên quan chặt chẽ đến bước thứ nhất- thiết lập cơ chế một đảng trị – đến mức có thể xem như sự tiếp diễn của bước này. Không thể khẳng định triệt để sự thống soái chính trị của một đảng phát xít, nếu sau đó đảng này không tự đồng nhất với nhà nước, không biến nhà nước thành sở hữu của riêng mình hay ít ra là thành công cụ thống soái. Lúc đó đảng này có thể chia quyền lợi cho các đảng viên của mình dưới các hình thức công sở nhà nước, trọng trách nhà nước, và khiến họ quan tâm một cách vật chất đến sự thống nhất giữa đảng và nhà nước. Ðây là con đường chắc chắn nhất để sát nhập đảng và nhà nước.

Bọn quốc xã đã nhận thức được giá trị quyết định của nguyên tắc này ngay từ năm đầu tiên nắm chính quyền. Sau khi tiến hành rất nhiều phương cách theo hướng đó, ngày 1.12.1933, nguyên tắc này được củng cố bằng điều luật đặc biệt Sự Cần Thiết Phải Thống Nhất Ðảng Và Nhà Nước, trong đó tuyên bố: “Sau thắng lợi của cuộc cách mạng quốc xã, Ðảng Công Nhân Quốc Xã trở thành người giữ trọng trách nhà nước Ðức và liên quan mật thiết với nhà nước.”

1. Sát nhập giữa bộ máy lãnh đạo nhà nước và bộ máy lãnh đạo đảng

Thực chất, việc thống nhất giữa đảng và nhà nước đã được thực hiện ngấm ngầm từ phía dưới bằng cách cho các đảng viên nắm giữ những vị trí và trọng trách nhà nước.

Kết quả là đảng biến thành nhà nước và ngược lạị Các thủ lĩnh phát xít trở thành những cán bộ nhà nước cao cấp. Hitler vừa là Thống Lĩnh- theo trọng trách đảng, vừa là Quốc Trưởng- theo trọng trách nhà nước; Goring vừa là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ trưởng – Toàn quyền Pruxia – theo trọng trách nhà nước, vừa là Thủ lĩnh SA và SS theo trọng trách đảng; Gobelx vừa là thủ lĩnh trong vùng Berlin, phụ trách tuyên truyền- theo trọng trách đảng, vừa là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng Tối Cao- theo trọng trách nhà nước; Himler trong đảng là Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao về Bảo Tồn Ðặc Tính Dân Tộc Ðức, thủ lĩnh SS, trong nhà nước là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng tối Cao; Ạ Rozenberg trong đảng là Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao về Giáo Dục Tư Tưởng cho đảng viên, trong nhà nước- Bộ trưởng Không Bộ; R. Hex trong đảng là – Phó Thống Lĩnh, Uy Viên Ban Lãnh Ðạo Tối Cao, trong nhà nước- Bộ Trưởng Không Bộ, thành viên Hội Ðồng Quốc Phòng Tối Cao, v.v…

Sát nhập vị trí lãnh đạo của nhà nước và đảng được thực hiện xuống một cơ sở. Tất cả những vị trí quan trọng trong Ðế Chế 3 đều do các đảng viên quốc xã nắm giữ và đặc biệt là những kẻ phục vụ đắc lực cho phong trào quốc xã. Tham gia đảng phát xít là dấu hiệu quan trọng nhất để được phép đứng trên những vị trí trọng trách của nhà nước.
Sát nhập bộ máy lãnh đạo nhà nước và đảng là một hiện tượng tổng thể, đa hình, song một vài biểu hiện mang giá trị cơ bản.

Thứ nhất, các đảng viên phát xít và những kẻ phục vụ đắc lực chiếm giữ những vị trí nhà nước.

Thứ hai, (trong giới lãnh đạo chóp bu) thống nhất quyền lực của đảng và chính quyền cho cùng một số người (Hitller, Goring, Gobelx, Himler, Rozenberg, Hex, v.v…).

Thứ ba, nhà nước hợp pháp hóa quyền kiểm soát của đảng trên mọi tổ chức nhà nước, mọi cán bộ viên chức và mọi biểu hiện của họ.

Thứ tư, trao nhiệm vụ nhà nước cho những tổ chức của đảng phát xít. Thứ năm, thống nhất giữa tổ chức tạm thời của đảng với nhà nước.

Thứ sáu, nhà nước trả lương cho các cán bộ đảng viên.

Chúng ta hãy nghiên cứu kỹ từng trường hợp riêng biệt của sự sát nhập này.

A. Các đảng viên phát xít chiếm giữ những trọng trách nhà nước

Cùng với việc Hitler lên nắm chính quyền, hàng nghìn đảng viên quốc xã đã tham gia trong bộ máy nhà nước, “để củng cố chính quyền”, đồng thời dần dần chiếm quyền lãnh đạo bộ máy này. Ðối với những người đó, việc chủ nghĩa quốc xã nắm quyền là lễ khải hoàn của “cuộc cách mạng quốc xã”. Trong diễn văn ngày 18.5.1933, Goring đã tuyên bố: “Ai chiếm được trọng trách, người đó có thể điều hành.” Một tháng sau, Rudolf Hex giải thích thêm: “…Thậm chí trong trường hợp những người có công lao với đảng không đủ khả năng, thì điều đó sẽ được bổ xung bằng lòng nhiệt huyết của họ muốn được cống hiến cho sự nghiệp của nhà nước quốc xã.”

Thậm chí cả trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, các đảng viên cũng giành được sự ưu ái đặc biệt.

Trên thực tế, trước khi kết thúc năm 1933, các đảng viên phát xít đã chiếm giữ tất cả mọi vị trí lãnh đạo ở các cơ quan trung ương, vùng, tỉnh, địa phương. Giới lãnh đạo đảng quan tâm và khuyến khích quá trình này. Ðể củng cố chính quyền, ban lãnh đạo đảng thi hành kế hoạch làm trong sạch bộ máy nhà nước, và bằng cách đó, bật đèn xanh cho những phần tử có công lao với đảng chiếm giữ những vị trí hành chính. Với sắc luật Phục Hồi Viên Chức Lành Nghề, ngày 7.4.1933, tại các cơ quan trung ương, vùng, tỉnh, và địa phương, người ta thải hồi “những nhân viên vì quan điểm chính trị mà cho đến nay vẫn chưa chịu tuyên bố sẵn sàng phục vụ nhà nước quốc xã.”; đồng thời những kẻ trung thành với chết độ lập tức chiếm giữ những trọng trách này.

Tháng 2.1935, chính phủ ban hành điều luật nhằm củng cố hơn nữa sự thống soái của đảng trên các trọng trách nhà nước. Theo luật này, chỉ có những tổ chức quốc xã cao nhất ở địa phương mới có quyền đề cử Thị Trưởng. Sau đó, đề cử viên duy nhất này được Bộ Nội Vụ chuẩn y và giữ trọng trách Thị Trưởng trong vòng 12 năm. Những tổ chức phát xít địa phương kiêm luôn việc bổ nhiệm cố vấn cho Thị Trưởng. Bằng cách đó, bọn hitlerist hủy diệt quyền tự trị và thay thế bởi hệ thống lãnh đạo tập trung, đứng đầu là giới cầm quyền của Ðảng Quốc Xã.

Ngày 27.2.1936, Bộ Nội Vụ Ðế Chế và Pruxia ban hành sắc luật, trong đó nêu rõ, người viên chức không thể không là đảng viên, “do mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa đảng và nhà nước,” và đặc biệt là không thể từ bỏ hàng ngũ của đảng vì không đồng ý với “cương lĩnh và điều lệ chính trị của đảng.” Sắc lệnh viết: “trong mọi trường hợp, cần phải tiến hành kiểm tra xem với mục đích và những nguyên nhân gì, mà người viên chức ra khỏi đảng. Nếu anh ta hành động như vậy vì không đồng ý với cương lĩnh và điều lệ chính trị của đảng, thì anh ta không thể là viên chức”.

Và, thậm chí không phải vì lý do như thế, việc ra khỏi đảng của viên chức trong mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ giữa đảng và nhà nước có thể xem là anh ta đã không có lòng yêu mến nhà nước quốc xã và tinh thần hy sinh tự nguyện. Ngày 26.2.1937, cái gọi là Những Cơ Sở Căn Bản Trong Luật Lệ Nhà Nước Ðức Về Viên Chức được ban hành, theo điều luật này, mọi bổ nhiệm trọng trách nhà nước đều bị xem là không có hiệu lực, nếu không được sự đồng ý của những tổ chức Ðảng Quốc Xã. Bởi vì, “mối liên quan thân hữu giữa viên chức và đảng là cơ sở để bổ nhiệm trọng trách của anh ta… Viên chức cần phải là người thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước quốc xã, mà nhà nước quốc xã là do đảng lãnh đạo.”

Ðiều luật này pháp luật hóa triệt để và toàn diện sự kiểm soát của đảng trên các tổ chức nhà nước, thiết lập sự thống soái của Ðảng Quốc Xã đối với nhà nước Ðức.
Quá trình này không chỉ diễn ra tại các công sở hành chính mà còn ở cả các tòa án. Các quan tòa là các thành viên của các đảng phái và hiệp hội cánh tả đều bị thải hồi, còn những người không tham gia đảng phái thì dùng áp lực bắt buộc phải trở thành đảng viên phát xít.

Trong diễn văn đọc tại Quốc Hội Raihxtaga ngày 20.8.1938, Hitler tuyên bố: “Không còn một công sở trong nhà nước này mà không phải là quốc xã. Ở Ðức, mọi trọng trách đều do những người quốc xã nắm giữ. Tất cả mọi cơ sở của Ðế Chế đều phục tùng Ban Lãnh Ðạo Chính Trị Tối Cao. Ðảng ta lãnh đạo chính trị nước Ðức.”
Muxolini, ngoài Những Luật Phát Xít Ðặc Biệt, cũng ban hành những điều luật về cán bộ viên chức với tên gọi không được chính xác – Luật Hành Chính. Thông qua điều luật này, ông ta tạo điều hiện cho những đảng viên phát xít nắm giữ những vị trí nhà nước. Nó buộc người viên chức đúng trước sự lựa chọn: hoặc trở thành đảng viên phát xít (nếu chưa phải là đảng viên) và làm việc như một phần tử phát xít tích cực, hoặc phải xin từ chức; đồng thời điều luật này loại bỏ những viên chức “công khai hoặc bí mật chống đối hay không ủng hộ chính quyền.”

Theo điều luật trên, nhà nước không thể chấp nhận những cán bộ viên chức chống lại chính phủ, bởi vì đối với chuyên chính phát xít, “chính phủ và nhà nước”

0