Việt Nam thời Pháp đô hộ (bài 3)
Phần thứ ba PHẢN – ỨNG CỦA DÂN VIỆT – NAM ĐỐI VỚI CHẾ – ĐỘ THUỘC – ĐỊA GS Nguyễn Thế Anh Ai về địa phủ hỏi Gia-Long, Khải-Định thằng này phải cháu ông? Môt lễ tứ-tuần vui lũ trẻ, Trăm gia ba chục khổ nhà nông. Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến, ...
Phần thứ ba
PHẢN – ỨNG CỦA DÂN VIỆT – NAM ĐỐI VỚI CHẾ – ĐỘ THUỘC – ĐỊA
GS Nguyễn Thế Anh
Ai về địa phủ hỏi Gia-Long,
Khải-Định thằng này phải cháu ông?
Môt lễ tứ-tuần vui lũ trẻ,
Trăm gia ba chục khổ nhà nông.
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến,
Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng!
Bảo-hộ trau giồi nên tượng gỗ:
Vua thời còn đó, nước thời không!
ù
Nước thời không có, có vua chi?
Có cũng như không, chả ích gì!
Người vét đinh điền còn bạch địa,
Ta khoe dụ chỉ tự đan trì!
Cấp tiền nguyệt bổng vinh nào có,
Ăn của quan trường, tệ lắm ri!
Thọ lắm lại càng thêm nhục lắm,
Nhỏ cu li, lớn cũng cu li!
Thơ NGÔ ÐỨC KẾ, 1923
(dẫn bởi NGUYỄN HIẾN LÊ, Đông-Kinh Nghĩa-Thục. Saigon, Lá Bối, 1968, tr.124-125).
CHƯƠNG I: NHẬN XÉT TỔNG QUÁT
Câu nói của Henri Brunschwig, vào lúc sự đô hộ của người Pháp ở Việt-Nam đã bị lay chuyển, vẫn còn có giá trị hai mươi năm sau : “Ngày nay chưa thể có được một sự nghiên cứu khách quan về sự đối lập quốc gia. Ai sẽ viết cho chúng ta những quyển tiểu sử phê bình về ông hoàng Cường-Để và Phan Bội Châu, hiện thân của những sự phát biểu đầu tiên của những phong-trào quốc-gia ở Nhật-Bản và ở Trung-Hoa? Ai có thể tìm manh mối của những sự lien hệ giữa phe đối lập Đông-Dương và Trung-Hoa Quốc-Dân-Đảng, giữa phong trào quốc-gia Việt-Nam và phong trào quốc-tế cộng-sản? Chúng ta chưa có được tất cả những dữ kiện cần thiết cho một sự nghiên cứu khoa học. Chúng ta mới chỉ có thể phác hoạ những nét chính của sự diễn biến mới đây” ([186]).
Sự thật, chưa có tác giả nào nghiên cứu một cách tường tận và khách quan phong-trào quốc-gia Việt-Nam trong giai đoạn Pháp-thuộc, bằng cách đặt phong trào này vào trong phối cảnh của sự diễn biến kinh-tế, sự xuất hiện của những giai cấp xã-hội mới (đặc biệt giai cấp trung lưu và giai cấp lao động), và sự đổi thay tổng quát của Á-châu. Ô. Nguyễn Văn Trung đã muốn làm công việc này khi ông phân tích và phê bình chủ-nghĩa thực-dân Pháp ở Việt Nam ([187]); tiếc thay, quan điểm của ông Trung đã là một quan điểm triết-lý, vì ông đã muốn nêu rõ tầm quan trọng của hai vấn đề nòng cốt “huyền thoại và bạo động” trong nhân-sinh-quan, và, để chứng minh cho quan điểm của ông, ông đã đưa ra những sự giải thích có tính cách chủ quan, nhiều khi gượng gạo và cưỡng ép.
Để đạt được một cái nhìn tổng hợp về phong-trào quốc-gia Việt-Nam, chúng ta cũng cần phải có những quyển tiểu sử của các nhân-vật chính-trị và những tác phẩm biên khảo về các tổ-chức đấu-tranh chính-trị mà mục tiêu là giành độc-lập quốc-gia. Song, những sách viết về những nhân-vật đã giữ một vai trò chính-trị lại chú trọng đến các giai thoại và chi tiết vụn vặt hơn là đến chủ trương và sự diễn biến tư tưởng của các nhân vật này. Chúng ta biết khá rõ về ngày tháng của sự hoạt động của các chính đảng; nhưng chúng ta lại thiếu tài liệu về tổ chức và sinh hoạt nội bộ của chúng, về căn bản xã-hội của các lãnh-tụ và các đảng-viên, về ảnh hưởng của chúng đối với dư-luận, và về các phương pháp xách động của chúng ([188]). Sự so sánh giữa các phong trào khác nhau có thể cho ta thấy chúng có những khuynh hướng trái ngược: một khuynh hướng cực đoan và bao hàm một tổ-chức bí mật và ngăn vách cùng với sự hoạt động bằng những cuộc bạo động thình lình (ví dụ: Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng); một khuynh hướng ôn hoà với sự tham gia của các nhân-sĩ (ví dụ : đảng Lập Hiến ở Saigon vào khoảng 1925).
Sự kiện quan trọng là, trong khoảng thời gian 1858-1945, luôn luôn có những sự nổi loạn, những cuộc dấy binh hay những vận động chính-trị hiện ra để phát biểu ý chí của dân Việt muốn giành lại nền độc lập đã mất. Phong-trào giải-phóng quốc-gia này trải qua những giai đoạn khác nhau; sự tranh đấu giành độc-lập được thực hiện dưới những hình thức khác nhau, với những mục tiêu chính-trị khác nhau, với những ý thức hệ khác nhau. Trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên phác hoạ qua các giai đoạn khác nhau của phong-trào quốc-gia Việt-Nam cùng những đặc điểm chính yếu của mỗi một giai đoạn, ngõ hầu có được một khái niệm sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn sự diễn biến của các vận động đòi tự-trị hay độc-lập.
- Giai đoạn đầu của phong-trào quốc-gia.
Sự kháng cự của các thành-phần quốc-gia đã bắt đầu ở Nam-kỳ ngay từ khi quân đội viễn-chinh Pháp đặt chân tại đây, và tiếp tục trên toàn cõi lãnh-thổ Việt-Nam với sự chiếm cứ miền Bắc. Trong giai đoạn này, sự lãnh đạo chính-trị và tinh-thần được đảm nhiệm bởi các phần-tử của các giai-cấp thượng-lưu cũ: giới sĩ-phu cầm đầu các cuộc nổi loạn kháng Pháp (phong-trào Cần-Vương, Văn-Thân). Đây là một cuộc kháng chiến mãnh liệt nhưng vô vọng: các sĩ-phu không đặc biệt mong muốn một sự cải-cách xã-hội hay chính-trị nào, mà chiến đấu cho danh dự, với hoài bão khôi phục một quá khứ không thể nào trở lại. Thêm nữa, họ đề cao nguyên tắc trừu tượng của chính-thể quân-chủ truyền-thống, trong khi nhà vua và triều-đình ở Huế lại chấp nhận hợp tác với người Pháp; sự kiện này đặt các sĩ-phu vào một tình thế khó xử: hoặc họ phải qui phục chế-độ mới, hoặc họ phải kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng để tái lập một chế-độ đã tự ý đầu hàng quân xâm lăng.
Các phong-trào kháng Pháp cầm đầu bởi các sĩ-phu được hưởng ứng rộng rãi bởi dân chúng chứ không phải không; điều này được chứng minh bởi tính cách mạnh mẽ và lâu bền của chúng. Song, chúng chỉ có một tầm quan trọng địa-phương, kể cả khi chúng được điều khiển bởi những nhà lãnh-đạo táo bạo và kiên gan (như trường hợp Đề Thám, đã chống chọi với quân Pháp trong vùng Yên-Thế cho đến tận năm 1913). Tính cách địa-phương và cá-nhân này giới hạn ảnh hưởng của các phong-trào văn-thân và kết cục không cho phép chúng đạt được những thành công dài hạn ([189]).
Giai-đoạn đầu của phong-trào quốc-gia chấm dứt vào khoảng 1895-1900. Vào lúc này, giới sĩ-phu phân chia thành nhiều khuynh-hướng. Đối với một số người, nhà vua mặc dầu bị bảo-hộ, vẫn là nhân-vật tượng trưng cho truyền-thống và biểu hiện của quốc-gia; cần phải bảo vệ các đại-quyền của nhà vua và nhờ vậy mà nước Việt-Nam có thể duy trì những gì là chủ yếu, đồng thời cũng lợi dụng được các lợi ích của sự canh-tân nhờ ở sự hợp tác với người Pháp. Đối với một số người khác, nhà vua đã phản-bội dân-tộc, vương-quyền đã phá sản. Kể từ khi vua Hàm-Nghi phải lưu vong, nhà vua chỉ còn là một bức bình-phong cho các nhà chức trách người Pháp ([190]). Nếu sự tranh đấu giành độc-lập vẫn là mục tiêu tối hậu của những nhà lãnh-đạo này, sự tái thiết tổ-chức cũ sẽ không còn quyến rũ họ nữa.
- b) Giai đoạn thứ nhì của phong-trào quốc-gia.
Trong khoảng một phần ba thế-kỷ sau năm 1900, phong-trào quốc-gia Việt-Nam có nhiều hình trạng hơn. Với sự chiến thắng của Nhật-Bản sau chiến-tranh Nga-Nhật năm 1905, ý thức quốc-gia của người Việt và phong trào quốc-gia Việt-Nam được phối hợp với một phong trào rộng lớn hơn, phong trào Liên-Á. Đông-Kinh, thủ đô của cường-quốc Á-Châu đầu tiên đã thắng được người da trắng, trở thành hy vọng và biểu tượng của các nhà cách mạng: năm 1905, Kỳ-Ngoại-Hầu Cường-Để tới Đông-Kinh với Phan Bội Châu và trong lâu năm, có một xu hướng chờ đợi ở sự giúp đỡ của Nhật-Bản và đặt mọi tin tưởng vào chủ-nghĩa Liên-Á. Do đó, phong-trào Đông-Du phát triển, muốn làm cho nước mạnh dân giàu theo kiểu Nhật-Bản, vì, với Phan Bội Châu, sự giải phóng quốc gia phải đi đôi với sự canh-tân, chứ không phải với sự sung bái một quá-khứ lỗi thời nữa.
Một số các nhà cách-mạng khác lại không tin tưởng ở hoạt-động chính-trị bằng ở hiệu năng của giáo-dục và y-học tân thời. Phan Chu Trinh và các đồng chí của ông trong phong-trào Đông-Kinh Nghĩa-Thục vận động bằng những bài giảng dạy ở trường, những cuộc diễn thuyết, những bài xã-thuyết đăng trên mặt báo, những thơ ca lưu hành trong nhân dân, để khai thông dân-trí, đề cao dân-quyền, chống lối học khoa-cử và tinh thần hủ-nho thủ-cựu, chấn hưng công thương trong nước, và cổ động lòng yêu nước cùng với sự kết đoàn để đi tới sự tự cường, tự lập. Đối với những người này, sự giáo hoá khối dân chúng là điều kiện tiên quyết của sự giải-phóng dân-tộc; vì thế, họ nhấn mạnh lên vấn đề mở mang dân-trí và bồi-dưỡng dân-khí.
Kể từ năm 1920 trở đi, các nhà cách-mạng Việt-Nam hướng về phía Trung-Hoa nhiều hơn: với Tôn Dật Tiên và Trung-Hoa Quốc-Dân-Đảng, phong-trào cách mạng Trung-Hoa trở thành gương mẫu đối với các nhà ái-quốc Việt-Nam. Trong các trung-tâm thành-thị, và nhất là trong các giới tiểu trung-lưu, ảnh hưởng của tư tưởng của Tôn Dật Tiên rất mạnh. Được tổ chức theo tiêu chuẩn của Trung-Hoa Quốc-Dân-Đảng một đảng phái quốc-gia, Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng; đảng này hoạt động theo chiều hướng chống đối chính-quyền thuộc-địa, nhưng bị loại ra ngoài sinh-hoạt chính-trị sau khi cuộc nổi loạn đảng tổ chức ở Yên-Báy vào năm 1930 bị mật-thám Pháp khám phá. Những đảng-viên thoát được sự đàn áp của chính-quyền thuộc-địa đã bỏ trốn qua Trung-Hoa, và sẽ chỉ trở về năm 1945 với các đội quân của Trung-Hoa Dân-quốc được giao phó nhiệm-vụ chiếm cứ các lãnh thổ Việt-Nam phía Bắc vĩ-tuyến 16.
Không phải tất cả giới trí-thức và giới trung-lưu đều chủ trương xung đột với chính-quyền bảo-hộ; cũng có một khuynh-hướng ôn-hoà, với những nhóm như Đảng Lập-Hiến (Parti Constitutionnaliste) của Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu ở Nam-Kỳ, hay nhóm Nam-Phong của Phạm Quỳnh. Khuynh-hướng này không đòi hỏi gì ngoài sự hoà-giải với chính-quyền thuộc-địa, và thoả mãn với những sự nhượng bộ nhỏ bé mà nhà cầm quyền Pháp đôi khi chấp thuận cho.
Nhưng hoạt-động chính-trị của giới trí-thức và giai cấp trung-lưu hoàn toàn bị cắt đứt với các từng lớp bình-dân của các đô-thị và các vùng nông-thôn. Các điều kiện sinh sống của các từng lớp này càng trở nên khó khăn thêm ([191]). Nhưng, về phía quần chúng, vì thiếu sự tiếp xúc chặt chẽ với giới lãnh-đạo của phong-trào quốc-gia, ý thức chính-trị vẫn chưa thức tỉnh; khối quần chúng vẫn kính nể thế lực của người Pháp, cái thế lực quỉ sợ thần kinh mà cây cầu Doumer (Long-Biên) là biểu hiệu. Tuy nhiên, các loại thuế má thiết lập bởi chính-quyền thuộc-địa rất thất nhân tâm, và vì thế có một sự bất mãn ngấm ngầm phát sinh và được nuôi dưỡng bởi những bài ca-dao, những bài vè. Sự bất mãn này được biểu lộ bằng những cuộc bạo động có tính cách ngẫu sinh ở thôn quê hay những cuộc đình-công bất ngờ tại các trung-tâm đông thợ thuyền. Năm 1907-1908, nông-dân các tỉnh miền Nam Trung-kỳ biểu tình chống đi phu và nộp thuế; những người biểu tình cắt tóc để chứng tỏ ý muốn thoát ly với các tập-quán xã-hội của quá-khứ. Ở Saigon vào khoảng 1910-1915, nhiều hội kín như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Hội, tổ chức dân chúng trong sự chờ đợi một vị tân vương giáng thế để đuổi người Pháp đi khỏi Việt Nam. Trong những năm 1927-1929, cũng có nhiều cuộc đình công của giới thợ thuyền ở Saigon.
Ở Nam-Kỳ, cũng xuất hiện những phong-trào tôn giáo có liên hệ mật thiết với hoạt động của các hội kín ([192]). Đạo Lành hay Đạo Phật-đường hiến cho các lãnh-tụ của các cuộc phiến loạn nơi giấu khí-giới trong các đền chùa, và nhiều khi còn có những tu-sĩ đứng ra cầm đầu những cuộc nổi loạn nữa; nếu cần phải chiến đấu, các đồ-đảng của các vị lãnh-tụ này tin tưởng là tính mạng không thể nào bị tổn thương, nhờ những bùa gòng mà các nhà sư phân phát cho họ. Từ đạo Phật-đường, sẽ xuất phát những đạo giáo hỗn dung nhu Hòa-Hảo và Cao-Đài, mà các thể thức gia nhập được toa rập theo các thể thức nhập hội của các hội kín. Vì lập trường của các đạo giáo mới này là chống đối chính-quyền, phong-trào Hòa-Hảo và Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ (Cao-Đài) cũng có tính cách kháng Pháp ([193])
Những yếu tố khác nhau này khiến phong trào quốc-gia trong giai đoạn thứ nhì của nó có tính cách phức tạp. Trong khi giới trí-thức hiểu rằng phải thay thế Nho-giáo bằng một ý-thức hệ tiến bộ, trong khi được tổ chức những đảng phái chính-trị theo lối Tây phương, thì các hội kín lại hướng về quá-khứ và chủ nghĩa ái-quốc của họ chỉ nhắm tới mục đích khôi-phục một nền quân-chủ độc-lập căn cứ trên thiên-mệnh.
- c) Giai đoạn thứ ba của phong-trào quốc-gia
Khủng hoảng kinh-tế năm 1930 đánh dấu một khúc quanh quan trọng: sự sụt giá của các nguyên-liệu và các nông-phẩm trên thị-trường, như chúng ta đã thấy, đã có ảnh hưởng nặng nề đối với công-nhân các mỏ và các đồn-điền, cũng như đối với giới tiểu-nông. Tất cả đã bị thiệt hại nhiều bởi tình trạng thất-nghiệp, mắc nợ, hay bởi những sự sa thải thợ thuyền. Các hậu quả xã-hội của khủng hoảng kinh-tế đã hiến thêm sức mạnh cho phong-trào quốc-gia; giới thợ thuyền và giới bần-cố-nông hướng phong-trào đấutranh vào một con đường khác hẳn với giai đoạn trước, khi phong-trào còn hoàn toàn được điều khiển bởi giai-cấp trung-lưu. Tuy số công-nhân các mỏ và các kỹ-nghệ còn ít ỏi, họ đã có một ảnh hưởng quan trọng; đối với họ, chủ nhân các xí-nghiệp có thể bóc lột họ là nhờ sự ưu đãi của chính-quyền thuộc-địa và vì vậy, độc-lập của xứ sở sẽ đi đôi với sự cải-thiện đời sống của họ. Ngoài ra, giới thợ thuyền có thể lôi cuốn giới nông-dân hưởng ứng phong-trào quốc-gia một cách hữu hiệu hơn giới trí-thức và trung-lưu, vì lợi ích của họ không khác gì lợi ích của giới nông-dân, và họ cũng đã xuất thân từ giới nông-dân.
Như vậy, các lực lượng bình-dân giữ một vai trò quyết định hơn trong giai đoạn thứ ba này, qua trung gian của các nghiệp-đoàn và đảng Cộng-sản. Năm 1930, nông-dân và thợ thủ-công ở Nghệ-An được vũ trang bởi đảng cộng-sản, nổi loạn; ở miền Nam, nhiều phong trào đòi hỏi bộc phát trong giới công-nhân các xưởng máy và phu khuân vác ở thương-cảng Saigon, trong giới phu đồn-điền cao-su, trong giới tá-điền ở lục-tỉnh Nam-Kỳ.
Đảng Cộng-sản, thành lập trong những năm 1928-1929, muốn phối hợp hoạt động của giai-cấp bình-dân với hoạt động của giới trí-thức. Song mục-tiêu của đảng Cộng-sản không phải là mục tiêu quốc-gia: cuộc đấu tranh cách-mạng của đảng nhắm vào chế-độ thuộc-địa thiết lập bởi người Pháp, vì đây là sự biểu lộ địa-phương của chủ-nghĩa thực-dân nói chung. Do đó, cuộc đấu tranh này nằm trong khung cảnh do người Pháp lập nên, nghĩa là khối Đông-Dương, tổ chức chính-trị bao gồm cả Ai-Lao, Cao-Mên và ba xứ Bắc-Kỳ, Trung-Kỳ và Nam-Kỳ. Điều quan hệ là tấn công đối phương để góp phần vào sự thắng lợi của phong-trào cộng-sản quốc-tế, hơn là vận động cho sự chấn-hưng quốc-gia Việt-Nam. Vì vậy, đảng Cộng-sản lấy tên là đảng Cộng-Sản Đông-Dương mặc dầu hầu hết các đảng-viên là người Việt.
Bị ngăn chặn trong một thời gian bởi chính-quyền thuộc-địa, phong-trào quốc-gia gặp được những điều kiện thuận tiện hơn khi liên-minh Mặt Trận Bình-dân của các phái tả ở Pháp thắng thế trong các cuộc bầu cử năm 1936. Khuynh hướng chính-trị mới ở Pháp bắt buộc các cơ-quan hành-chánh thuộc-địa, nhất là sở Mật-thám, phải nới lỏng sự kiểm-tra. Nhiều tù-nhân chính-trị bị giam ở Côn-Đảo được phóng thích. Ở Việt-Nam đã có thể có được một sinh hoạt chính-trị tương đối hợp pháp: báo chí được hưởng nhiều dễ dãi, quyền tự do hội họp được chấp nhận ở Nam-Kỳ. Hội-đồng Đô-Thành Saigon và các Viện Dân-biểu Bắc-kỳ đã có thể trở thành diễn đàn của phong trào quốc-gia. Những nguyện vọng được phát biểu là đạt cho dân Việt những quyền chính-trị có tính cách dân-chủ, chứ còn vấn đề độc-lập chưa được đặt một cách rõ ràng. Tuy nhiên, khi đệ-nhị thế-chiến bùng nổ, quyền lực của người Pháp ở Việt-Nam vẫn chưa bị sứt mẻ chút nào.
Với sự chiếm cứ của quân-đội Nhật-Bản, phong trào quốc-gia Việt-Nam, sau sự thất bại của các cuộc nổi loạn năm 1940, phải tổ chức lại trong một khung cảnh mới, thích ứng với các nhu-cầu mới của sự đấu tranh. Việt-Nam Độc-lập Đồng-minh Hội được thành lập năm 1941, liên kết tất cả các đảng phái và các thành-phần ái-quốc, với một chương trình gồm có sự chấm dứt tình trạng thuộc-địa và các hậu quả của nó (chậm tiến kinh-tế, chế-độ thiếu dân-chủ, v.v…) và sự đánh đuổi quân-đội Nhật-Bản ra khỏi Việt-Nam. Tuy nhiên, khuynh hướng cộng-sản của Việt-Minh càng ngày càng bộc lộ rõ rệt, đưa tới sự ly khai của các phần-tử quốc-gia chân chính, mặc dầu cho đến năm 1945 các nhà ái-quốc thuộc mọi khuynh hướng đã tham dự phong-trào giải-phóng quốc-gia trong một tình trạng đoàn kết vững chắc.
oOo
Trước sự phát-triển của phong-trào quốc-gia Việt Nam, chính-quyền thuộc-địa đã không bao giờ tìm một kẻ đối thoại có giá trị, theo kiểu đảng Quốc-Đại ở Ấn Độ, mặc dầu ở Việt-Nam hiện diện một giới trí-thức lãnh-đạo chịu ảnh hưởng của Tây-Phương và có đủ khả năng phát biểu nguyện vọng của dân Việt. Ngoại trừ trong vài giai-đoạn ngắn ngủi (thời toàn-quyền Varenne hay trong những năm 1936-1938), chính-sách của chính quyền thuộc-địa đã là một chính-sách đàn áp. Phan Bội Châu bị bắt bởi sở Mật-Thám năm 1925, chết năm 1940 trong trình trạng quản thúc tại gia. Các làng Nghệ-An nổi loạn năm 1930-1931 bị oanh tạc bởi không-quân, và hàng ngàn người hoạt-động chính-trị bị bắt gửi đi giam giữ trong những tù-lao ở Côn-Đảo hay Sơn-La.
Ta cũng phải nhìn nhận là hiệu năng của phong-trào tranh-đấu quốc-gia bị suy giảm bởi những mối bất hòa nội bộ. Các phe phái khác nhau, tuy đều có tinh-thần ái-quốc, thường tranh chấp với nhau để tìm cho riêng mình thế lực và ảnh hưởng. Đối với các vị lãnh-tụ của các phe phái này, sức mạnh là lợi khí độc nhất để đạt ảnh hưởng chính-trị chứ không phải là những phương thức hợp pháp, dù chính-quyền thuộc-địa có hiến cho họ những phương thức này đi nữa ([194]). Ngoài ra, các phe phái này chỉ trích chính-quyền bằng cách phô bày tình trạng khổ cực của giới hạ-lưu, nhưng không đề nghị một biện pháp nào để giải quyết tình trạng ấy cả. Các đảng-phái như Đại-Việt, Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, Đồng-Minh Hội, kêu gọi sự hưởng ứng của toàn dân, nhưng bỏ quên những vấn đề như sự lien hệ giữa các giai-cấp xã-hội, hay chế độ kinh-tế sẽ thay thế sự đô-hộ của người ngoại-quốc. Trong bản tuyên-ngôn của Đảng Cộng-Sản năm 1929, được đề cập đến việc cải cách điền-địa và việc quốc-hữu hóa các ngân-hàng và các đồn-điền cao-su, nhưng “đây chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, không đi vào chi tiết và không viện chứng, và hình như là để dành cho người Pháp đọc” ([195]).
THƯ-MỤC CHỌN LỌC
CHESNEAUX Jean, “Stage in the development of the Vietnam national movement, 1862-1910”, Past and Present (London), 1955, no. 7, tr. 63-75.
CHESNEAUX Jean, L’Asie orientale aux XIXè et XXè siècles. Paris, P.U.F., 1966, 371 tr.
DEVILLERS Philippe, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952. Paris, Ed. du Seuil, 1952, 480 tr.
EMERSON R., MILLS L., THOMPSON V., Government and nationalism in Southeast Asia, New York, 1942, 242 tr.
GRIMAL Henri, La décolonisation, 1919-1963. Paris, A. Colin, 1965, 408 tr.
HOLLAND W.-L., Asian nationalism and the West. New York, Macmillan, 1953, viii-449 tr.
LANCASTER Donald, The emancipation of French Indochina. London, Oxford U.P., 1961, xiii-445 tr.
MUS Paul, Viêtnam, Sociologie d’une guerre. Paris, Ed. du Seuil, 1952, 374 tr.
ROMEIN Jan, The Asian century. A history of modern nationalism in Asia. London, George Allen and Unwin, 1962, 448 tr.
SMITH Ralph, Vietnam and the West. London, Heinemann, 1968, ix-206 tr.
***
CHƯƠNG II
CÁC PHONG-TRÀO QUỐC-GIA TRONG GIAI-ĐOẠN 1900-1930.
- CÁC YẾU TỐ TỔNG QUÁT CỦA SỰ DIỄN BIẾN CHÍNH-TRỊ.
Những năm đầu của thế-kỷ XX đánh dấu một sự chuyển hướng chính-trị của giai-cấp lãnh-đạo Viêt-Nam: sau những năm dài chống cự sự cai trị của người Pháp bằng khí-giới mà chỉ gặp toàn thất bại, giới sĩ-phu ý thức được các khuyết điểm của tổ-chức chính-trị và xã-hội truyền-thống, và bắt đầu bị quyến rũ bởi các hình thức cai trị mới. Hiểu rằng các thể-chế chính-trị xuất phát từ Nho-giáo khó lòng đương đầu nổi với sự tiến triển về tinh-thần và kỹ-thuật của Tây-phương, giới trí thức nhận thấy cần phải có một sự canh-tân mới mong thoát ách đô-hộ của người Pháp được. Mặc dầu phong trào cải-cách năm1898 ở Trung-Hoa đã không thành công, tư tưởng của các nhân-vật cầm đầu phong-trào, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, có rất nhiều ảnh hưởng đối với giới trí-thức Việt-Nam, và khiến giới này hưởng ứng theo chủ-nghĩa tiến-bộ. Do đó, một trào lưu tư tưởng phát triển, cho rằng cần phải bổ túc tri-thức thánh hiền để lại với kiến-thức khoa-học và kỹ-thuật Tây-phương và cả với những tư tưởng chính-trị Tây-phương nữa. Để làm quen với các học thuyết của Âu-Tây, các nhà Nho tiếp xúc với các tác phẩm của các triết-gia danh tiếng Âu-Tây, qua các bản dịch từ Trung-Hoa đưa tới: Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Diderot, v.v..
Trường hợp của Nhật-Bản trở thành một cái gương sáng đáng noi theo: Nhật-Bản đã mượn của người da trắng bí quyết của cường-lực Tây-phương, và nhờ vậy đã đánh bại Trung-Hoa năn 1895; với sự thắng trận vẻ vang này, Nhật-Bản đã chứng minh rằng khoa-học Âu-Tây có thể được đồng hóa trong môi-trường Á-Châu. Hơn nữa, Nhật-Bản là quốc-gia Ðông-phương độc nhất có thể đối thoại ngang hàng với các quốc-gia Âu-Tây. Năm 1905, Nhật-Bản lại thắng Nga một cách vẻ vang; sự thắng trận này chứng tỏ là các đế-quốc thực-dân không phải là vô địch, và gây một tiếng vang rộng lớn ở Á-châu. Nó hiến cho những dân-tộc bị trị ở Á-Đông hi vọng một sự giải phóng gần kề. Uy tín của người da trắng sẽ còn giảm thêm, khi đệ-nhất thế-chiến tỏ cho người da vàng thấy sự chia rẽ giữa các cường-quốc Tây-phương. Cách-mạng cộng-sản tháng 10/1917 cũng làm nhiều người Nga tới lánh nạn tại nhiều nơi ở Á-Đông: để sinh sống, những người lưu vong này phải làm nhiều công việc được coi là đê tiện: một số phụ nữ Nga trở thành gái mãi-dâm, trong khi đàn ông làm nghề phu thợ trong những thương-cảng như Thượng-Hải, Hương-Cảng v.v… Gương mẫu của Nhật-Bản và sự “thất danh” của Tây-phương ([196]) gây nên một chủ nghĩa Á-tế-á, (asiatisme) coi Nhật-Bản như là quốc-gia lãnh-đạo các thuộc-địa Á-châu chống lại sự đô-hộ của Tây-phương. Tất nhiên các nhà ái-quốc Việt-Nam không thể nào lạnh nhạt với phong trào này.
Gương mẫu của Nhật-Bản cũng chứng tỏ rằng không thể trở lại các hình thức chính-trị và xã-hội của quá-khứ nữa, mà phải thích ứng với các tư tưởng mới sẽ giúp cho sự giải-phóng dân-tộc. Những người tán thành chủ-nghĩa tiến-bộ rất cảm phục nước Nhật và muốn tìm hiểu tại chỗ bí-quyết mầu nhiệm nào đã làm cho nước Nhật trở nên giàu mạnh: Đông-Kinh trở thành trung tâm lôi cuốn thanh-niên Việt-Nam; Phan Bội Châu tổ chức phong-trào Đông-du để bí mật đưa những người trẻ tuổi có tài qua Nhật-Bản du học.
Trong khoảng một phần tư đầu của thế-kỷ XX, giới Nho-học vẫn giữ vai trò lãnh-đạo trong phong-trào quốc-gia. Nhưng, với sự phế bỏ các kỳ thi Hương năm 1918, vai trò này bắt đầu giảm đi nhiều, và dần dần phát triển một giai-cấp trí-thức mới, giáo dục theo các phương-pháp Âu-Tây và rất nhạy cảm trước các tư tưởng cách mạng của học-thuyết Âu-Tây. Nhờ được tiếp xúc chặt chẽ hơn với văn-hóa Tây-phương, họ hiểu rằng người Tây-phương có được ưu thế là chỉ nhờ ở tổ-chức và kỹ-thuật của họ; muốn chấm dứt sự đô-hộ chính-trị và sự khai thác kinh-tế bởi Tây-phương, thì phải noi gương người Tây-phương trong lãnh vực tổ-chức kỹ-thuật. Giới trí-thức mới lại càng bất mãn đối với chính-quyền thuộc-địa vì họ bị loại khỏi các chức-vụ điều khiển, mặc dầu giàu khả năng. Chủ-nghĩa quốc-gia của họ có nhữnh hình thức mới mẻ và cực đoan hơn: họ muốn có những cải cách chính-trị sẽ trao trả quyền điều khiển xứ sở cho một chính-phủ quốc-gia. Mục tiêu của Việt-Nam Quốc Dân Đảng sẽ là giành lấy quyền độc-lập cho nước Việt-Nam và tổ chức nước nhà thành một quốc-gia dân-chủ và đại-nghị theo kiểu các quốc-gia Tây-phương.
Đối với khối quần chúng, có một thái độ kháng cự thụ động trước các sự đổi thay mà các cơ-cấu hành-chánh và kinh-tế của người Pháp đã đem vào nếp sống truyền thống. Sự đô-hộ của người Pháp ở Việt-Nam quá mới mẻ, và người dân Việt chưa hiểu rõ lợi ích của các con đường xe lửa hay của hệ-thống đường sá, mà chỉ thấy rằng người Pháp đã thiết lập những hệ-thống giao-thông này với công lao và tiền của của người Việt. Sự chống đối của khối quần chúng thường chỉ được phát biểu một cách tiêu cực, nhưng thỉnh thoảng cũng bộc phát thành những cuộc nổi loạn tuyệt vọng; chính-quyền thuộc-địa có thể dẹp những cuộc nổi loạn này một cách dễ dãi, nhưng sự đàn áp lại làm tăng thêm nỗi bất-mãn của dân chúng.
- CHỦ-NGHĨA QUỐC-GIA VIỆT-NAM TỪ ĐẦU THẾ-KỶ XX
ĐẾN ĐỆ-NHẤT THẾ-CHIẾN.
Giới sĩ-phu cựu-học điều khiển phong-trào quốc-gia trong hai mươi năm đầu của thế-kỷ XX; nhưng ta phải phân biệt hai trào-lưu khác biệt với nhau về mục tiêu cũng như về phương-pháp hoạt-động.
- Phong-trào của Phan Bội Châu ([197]).
Hoạt động của Phan Bội Châu và những đồng-chí của cụ nhằm vào sự khôi phục một chế-độ quân-chủ độc-lập với sự trợ giúp của những nước bạn, như Trung-Hoa và Nhật-Bản. Muốn tổ chức trong vòng bí mật cuộc cách-mạng sẽ lật đổ chính-quyền thuộc-địa, phong-trào hoạt động dưới hình thức những hội kín.
Giữa năm 1900 và 1905, sau khi đỗ thủ-khoa trường Nghệ ([198]), Phan Bội Châu cố gắng lôi cuốn các nhà nho miền Trung hưởng ứng sự chống đối nền bảo hộ của Pháp. Các nhà chí-sĩ này đồng ý lựa chọn Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để, hậu-duệ vua Gia-Long, làm lãnh tụ của phong-trào quốc-gia, để sau này lên ngôi vua trong một nước Việt-Nam độc-lập và cải-tân. Đồng thời, Phan Bội Châu cũng soạn cuốn Lưu-cầu huyết-lệ tân-thư (1903) để tả cái nhục mất nước, và để cảnh tỉnh nhóm quan lại Nam-triều. Cuối năm 1904, Phan Bội Châu gặp Tăng Bạt Hổ vừa mới ở Nhật-Bản trở về; cuộc gặp gỡ này mở đầu một giai-đoạn mới trong đời sống cách-mạng của Phan Bội Châu.
Năm 1905, Phan Bội Châu quyết định cùng với các đồng-chí của cụ đưa Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để qua Đông-Kinh, để tổ chức tại đó bản-dinh của phong-trào quốc-gia; cụ bắt đầu kêu gọi đưa thanh-niên Việt-Nam xuất ngoại qua Đông-Kinh (Phong-trào Đông-du), để tại đây họ được huấn luyện về mặt quân-sự và chính-trị, ngõ hầu sau này có thể giữ vai trò lãnh-đạo trong việc chống Pháp và việc cổ-đông dân-tâm, nâng cao dân-trí. Để góp phần vào công việc vận-động này, Phan Bội Châu soạn nhiều quyển sách được bí mật đưa về Việt-Nam phát hành: Khuyến thanh-niên du-học, Việt-Nam vong quốc-sử ([199]), Hải-ngoại huyết thư, Tân-Việt Nam kỷ niệm lục, Ai cáo Nam kỳ phụ lão, Việt-Nam sử khảo, v.v… Năm 1906, Phan Bội Châu thành lập tổ chức chính-trị đầu tiên của cụ, Việt-Nam Duy-tân hội; cụ cố gắng phối hợp qua trung gian của hội các hoạt động của các đồng-chí trên lãnh-thổ Việt-Nam. Chương trình của hội gồm có 3 điểm chính: giải-phóng quốc-gia Việt-Nam, phục-hưng một chính-thể quân-chủ thoát ách đô hộ của người Pháp, công bố một hiến-pháp theo gương Nhật-Bản. Như vậy, thời gian ở Nhật đã khiến Phan Bội Châu từ bỏ lập-trường cần-vương lúc ban đầu của cụ để chủ trương quân-chủ lập-hiến, rập theo kiểu Nhật-Bản.
Ở trong nước, Duy-tân hội lập ra nhiều cơ quan để tổ chức và dẫn đạo du học-sinh sang Nhật. Sự tuyên truyền của hội cũng gây nên những cuộc phiến động trong khắp ba Kỳ.
Ở Bắc-kỳ, hãng buôn Đồng-lợi-tế tại Hà-Nội vừa hiến phương tiện để gửi học-sinh du-học Nhật-Bản, vừa cổ động tinh-thần phát-triển kinh-doanh. Sự kêu gọi phiến loạn chính-trị của Duy-tân hội được hưởng ứng bởi nhiều thành phần xã-hội khác nhau: các nhà nho, các thầy phong-thủy, các thong ngôn và viên chức của các cơ-quan hành-chánh hay các hội buôn, các hạ sĩ quan của các đội lính khố xanh, khố đỏ. Nhiều nhóm bí mật tổ chức cuộc tranh-đấu và liên lạc chặt chẽ với Hoàng Hoa Thám để thực hiện các âm mưu chống Pháp. Năm 1908, nhân danh Phan Bội Châu, ông Đồ Đàm và một thầy cúng mưu toan với Hoàng Hoa Thám đầu độc quân lính Pháp ở Hà-Nội; âm mưu này bị phát giác vì không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Những người lien hệ bị đàn áp nặng nề, và năm 1909 quân Pháp được phái đến vùng Yên-Thế để phá chiến-lũy của Đề Thám; năm 1913, Hoàng Hoa Thám bị hạ sát.
Ở Nam-Kỳ, sự tuyên truyền chống Pháp có một tính cách đặc biệt, dưới sự điều khiển của Trần Chánh Chiếu, tức Gilbert Chiếu, còn gọi là Phủ Chiếu nữa: xứ Nam-kỳ là một xứ giàu, nên chủ trương của Duy-tân hội ở đây là làm phương tiện tài-chính cho hội và kêu gọi dư luận tôn phò Cường Để, qua trung gian của các hội kín như Thiên-Địa-Hội, Nhân-Hòa-Ðường, Lương-Hữu-Hội, Ðồng-Bào Ái-Chưởng v.v…([200]). Tại Saigon–Chợ-Lớn, Gilbert Chiếu lập Minh-Tân Công-nghệ xã và Nam-Trung khách-sạn; một khách-sạn khác cũng được mở ở Mỹ-Tho. Công-nghệ xã và các khách-sạn này cho phép Gilbert Chiếu kinh tài cho Duy-Tân hội, và cũng cho phép các đồng-chí đi lại và tụ họp mà không bị nghi ngờ. Nhờ hoạt động của Gerlbert Chiếu mà các sách cách-mạng của Phan Bội Châu được truyền vào Nam, và một số đông thanh-niên được đưa qua Nhật: Năm 1908 trong số 200 du học-sinh thì có 100 học-sinh ở Nam-Kỳ. Tờ Lục-tỉnh Tân-văn do Gerlbert Chiếu làm chủ bút cũng hô hào dân chúng chống Pháp bằng những bài “Hợp quần giữa các đồng bang”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, “Khuyến nông”, v.v… Hoạt-động của Gilbert Chiếu khiến chính-quyền thuộc-địa e ngại: tổ-chức của ông bị phá hủy khi ông bị bắt cùng 92 đồng-chí; song, vì những người bị bắt đa số có Pháp-tịch, họ đều đã được tha bổng tại vì pháp-luật Pháp đã không tìm ra lý do để kết án họ.
Nhưng sau năm 1907, chính-phủ Nhật không còn ủng hộ các nhà chính-khách Việt-Nam lưu vong trên đất Phù-tang nữa. Vì gặp nhiều khó khăn tài-chính sau chiến tranh Nga-Nhật, chính-phủ Nhật phải nhìn nhận tất cả các thuộc-địa của Pháp ở Á-Châu với hiệp-ước ngày 10-7-1907, để đổi lấy một ngân-khoản là 300 triệu phât-lăng mà Pháp cho Nhật vay. Không bao lâu sau, chính-phủ Nhật tỏ ý không muốn dung nạp các du học-sinh Việt-Nam nữa; một số phải bỏ qua Trung-Hoa, một số khác tới Xiêm-La. Năm 1910, để lấy lòng chính-phủ Pháp, chính-phủ Nhật trục xuất Cường Để và Phan Bội Châu; Kỳ Ngoại-Hầu đi Hương-Cảng, còn cụ Sào-Nam thì tới Xiêm trú ngụ. Nhưng khi cuộc cách-mạng Tân-Hợi bùng nổ ở Trung-Hoa, cả Cường Để và Phan Bội Châu đều tới Quảng-Châu. Phan Bội Châu cải tổ phong-trào của ông, vì Duy-Tân hội không những mất sự ủng hộ của Nhật, mà cũng mất cả một số đồng-chí không còn tán thành các mục tiêu bảo-thủ của hội nữa. Dưới ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên và của Trung-Hoa Quốc-Dân Đảng, Phan Bội Châu quyết định từ bỏ quan-niệm quân-chủ cải cách cũ của cụ. Tổ chức mà cụ thiết lập năm 1912, Việt-Nam Quang-Phục Hội, công bố rằng sẽ lập một cộng-hòa dân-chủ sau khi thắng người Pháp. Phan Bội Châu cũng thành lập một chính-phủ lưu vong, với Cường Để là Tổng Đại-Biểu; bộ bình nghị của Việt-Nam Quang-Phục Hội gồm có những người tiêu biểu cho cả ba kỳ: Bắc-kỳ có Nguyễn Thượng Hiền, Trung-kỳ có Phan Bội Châu, Nam-kỳ có Nguyễn Thành Hiến.
Tuy phong-trào của Phan Bội Châu có mục tiêu mới, nó thiếu một chương trình thích đáng. Phan Bội Châu là một nhà cách-mạng hoạt-động, nhưng cụ không phải là một lý-thuyết-gia chính-trị, và cụ không nghĩ đến việc dự thảo những cải cách chính-trị cụ thể và những biện-pháp kinh-tế, vừa để làm chương trình hoạt động một khi đạt được độc-lập, vừa lôi cuốn khối quần chúng hưởng ứng sự tranh đấu quốc-gia. Trái lại, Cường Để và Phan Bội Châu vẫn chờ đợi ở sự giúp đỡ của ngoại-quốc để thực hiện sự giải-phóng Việt-Nam: giúp đỡ của Trung-Hoa, và giúp đỡ của nước Đức nữa (khi đệ-nhất thế-chiến bùng nổ, Cường Để đi Bá-Linh để xin viện trợ, còn Phan Bội Châu gặp vị lãnh-sự Đức ở Vọng-Các và được giúp một số tiền 10.000$).
Tuy nhiên, Phan Bội Châu được người Pháp coi như là nhà cách-mạng đáng sợ nhất. Cho đến khi đệ-nhất thế chiến chấm dứt, không một hành động kháng chiến nào xảy ra mà không có sự nhúng tay của các uỷ-viên mà Việt-Nam Quang-Phụng Hội phái về vận động trong nước hay thực hiện những kế-hoạch bạo động:
- Năm 1913, nhiều cuộc bạo động xẩy ra trên khắp lãnh-thổ Việt-Nam; Việt-Nam Quang-Thục Hội gửi về nước nhiều trái bơm mua ở Thượng-Hải. Đặc biệt ở Nam-kỳ, các hội kín nhận mệnh lệnh của hội để gây xáo trộn; ngày 24 tháng 3, tám quả bom nổ ở Saigon và Chợ-Lớn; ngày 28 tháng 3, 600 nông-dân mặc áo trắng và mang bùa biểu tình ở Saigon với hy vọng Phan Xích Long, một thầy phù-thủy tự xưng là con vua Hàm-Nghi, sẽ từ trên trời xuống để hướng dẫn họ đánh đuổi quân Pháp. Ở Bắc-kỳ, quan tuần-phủ Thái-Bình bị ám sát ngày 12 tháng 4 với một quả tạc đạn; ngày 26 tháng tư, một quả bom khác được liệng vào nhà hàng Hanoi-Hotel. Song, tất cả những vụ khủng bố nói trên không nằm trong một phong-trào nổi loạn tổng quát, và chính-phủ thuộc-địa đã có thể cho thi hành những sự trừng phạt một cách dễ dãi: ở Nam-kỳ Phan Xích Long bị bắt giam; ở Bắc-kỳ, có 254 người bị bắt, 7 người bị xử tử trong khi Cường Để và Phan Bội Châu bị kết án khiếm diện ([201]).
- Năm 1914-1915, nhiều cuộc nổi loạn của dân miền núi xẩy ra trong vùng Yên-Thế và Phú-Thọ, và các đồn biên-giới vùng Lao-Kay bị tấn công. Những cuộc nổi loạn này, mặc dầu chưa phối hợp lực lượng được với nhau, hầu hết đều có dính líu với Việt-Nam Quang-Phục Hội. Riêng về việc tấn công những đồn biên-giới như đồn Tà-Lùng, nó nằm trong kế hoạch quân-sự và chính-trị của hội.
- Vào tháng giêng-hai năm 1916, các tù-nhân chính-trị bị giam ở Biên-Hoà nổi loạn, chiếm khí giới, tràn ra các vùng lân cận và được tiếp ứng bởi những đoàn nông-dân võ trang và tổ chức bởi các hội kín. Ngày 15-2-1916, khoảng 300 người tấn công nhà khám lớn ở Saigon để giải phóng Phan Xích Long, đã bị kết án khổ sai chung thân từ năm 1913. Đồng thời, nhiều cuộc bạo động cũng xẩy ra tại Vĩnh-Long, Sa-Ðéc, Gia-Định, Mỹ-Tho, Chợ-Lớn, Bà-Rịa, Tây-Ninh, Cần-Thơ, Trà-Vinh, Châu-Đốc, Long-Xuyên, Thủ-Dầu-Một; các cuộc bạo động này đều có những đặc điểm y hệt nhau, chúng đều được tổ chức bởi các hội kín và chúng có mục đích tiếp tay phong trào nổi loạn ở Saigon. Cho đến khi ấy, chính quyền thuộc-địa còn coi thường hoạt động của các hội kín, tưởng rằng ảnh hưởng của các hội này không sâu rộng lắm; phong-trào rộng lớn năm 1916 khiến chính quyền thuộc-địa phải áp dụng những biện-pháp trừng phạt rất nặng nề.
- Việt-Nam Quang-Phục Hội cũng có nhiều ảnh hưởng đối với vua Duy-Tân, đã nối ngôi vua Thành-Thái năm 1907. Vốn có tinh thần nhiệt thành yêu nước, nhà vua lại căm tức hành động ngang tàng của khâm-sứ Mahé đã đào lăng-tẩm vua Tự-Đức để tìm vàng. Vào tháng năm năm 1916, được biết Trần Cao Vân khởi nghĩa ở Quảng-Nam, nhà vua mưu toan trốn khỏi Huế để cầm đầu phong trào; nhưng, cơ mưu bại lộ, vua Duy-Tân bị bắt, và bị Pháp đầy sang đảo Réunion. Chính-phủ bảo-hộ đặt con vua Đồng-Khánh là Khải-Định lên ngôi ([202]).
- Tháng 8 năm 1917, Lương Ngọc Quyến, một trong những người đầu tiên qua Nhật và đã được Phan Bội Châu phái về nước hoạt động nhưng bị Pháp bắt giam ở Thái-Nguyên, mưu với viên đội khố xanh Trịnh Văn Cấn phá ngục và chiếm đồn Thái-Nguyên. Các đội lính tập nổi loạn đã có thể chiếm nhà tù, thả tù nhân, cướp phá kho súng và kho bạc, trước khi rút ra khỏi tỉnh lỵ trước các đội quân được phái từ Hà-Nội tới để dẹp loạn. Cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn lúc đầu được nông-dân ủng hộ, vì họ thù ghét viên công-sứ Darles đã cai trị tỉnh Thái-Nguyên một cách tàn-bạo. Nhưng Đội Cấn cũng chỉ cầm cự được đến cuối năm mà thôi ([203]).
- Tháng hai năm 1918, tù-nhân ở Côn-lôn, được tuyên truyền rằng quân-đội Đức thắng thế ở Âu-Châu bởi những nhân vật chính-trị bị lưu đầy ra tù-lao này, nổi loạn. Viên quản ngục ra lệnh nổ súng; kết quả, có 83 tù-nhân bị bắn chết ([204]).
Sau đệ-nhất thế-chiến, ảnh hưởng của Việt-Nam Quang-Phục Hội giảm đi nhiều, nhất là cách-mạng cộng-sản ở Nga gây nên một sự chuyển hướng của các lực-lượng cách-mạng Việt-Nam; phải đợi đến năm 1925, khi Phạm Hồng Thái mưu sát toàn-quyền Merlin nhân một bữa tiệc ở Quảng-Châu, phong trào của Phan Bội Châu mới lại được để ý đến nhiều. Tuy nhiên, tầm quan trọng lịch-sử của Việt-Nam Quang-Phục Hội không phải là do những kết quả trực tiếp mà hội gặt được, mà là do sự giúp đỡ của hội đối với những nhóm hoạt-động khác, kể cả nhóm cộng-sản. Nhờ sự bí mật giúp đỡ phương-tiện của hội, nhiều sinh-viên Việt-Nam đã có thể qua Trung-Hoa du học và, kể từ năm 1920 trở đi, được huấn luyện quân sự tại trường võ-bị Whampoa (Hoàng-Phố) gần Quảng-Châu, hoặc được gửi đi xa hơn nữa, tới Paris hay Mạc-tư-khoa. Hội cũng gửi về nhiều truyền đơn, và chính nhờ những truyền đơn này mà nhiều nhà cách-mạng tương lai đã học hỏi những tư tưởng chính-trị đầu tiên của họ.
Năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng-Hải bởi mật-thám Pháp và được đưa về Hà-Nội; Hội-đồng Đề-Hình Pháp kết án cụ khổ sai chung thân. Nhưng trước áp lực của dư luận, toàn-quyền Varenne ân xá cho cụ, và đem cụ về giam lỏng tại Bến Ngự (Huế). Cuộc đời chính-trị của Phan Bội Châu chấm dứt tại đây, mặc dầu cụ còn sống thêm 15 năm nữa: cụ tượng trưng cho một giai-đoạn của phong-trào quốc-gia đã thuộc về quá khứ.
Sự thất bại của Phan Bội Châu cũng là sự thất bại của một phong-trào cách-mạng chỉ căn cứ trên các nguyện vọng chính-trị của giới thượng-lưu trí-thức. Việt-Nam Quang-Phục Hội không phải là một đảng-phái chính-trị thật thụ, mà là một liên-minh mưu bạn, tin tưởng ở hiệu năng chính-trị của hoạt động khủng bố bởi một tổ-chức bí mật. Hội đòi hỏi các hội-viên phải có kỷ-luật và phải bảo mật; các hội-viên phải trả những món tiền nhập hội khá cao, và điều này loại bỏ khối quần chúng nghèo. Các quan niệm tổ chức này, cùng với các tư tưởng Tây-phương của Phan Bội Châu khiến phong-trào của cụ trở nên xa lạ với khối quần chúng, và chỉ giới hạn trong giới học-thức và có khả-năng tài-chính. Các tác-phẩm của Phan Bội Châu cũng chỉ nhắm tới giới trí-thức và chỉ đề cập tới những ước-vọng chính-trị của giai-cấp thượng-lưu; sự thật, cụ đã không phân tích xã-hội Việt-Nam, cụ đã không đặt vấn đề về những mâu thuẫn quyền lợi giữa giới trí-thức và khối bình-dân mù chữ; cụ đã không phát biểu những đòi hỏi cụ thể về cải-cách xã-hội và đã không vạch ra một chương trình có thể khiến khối quần chúng hiểu rằng có độc-lập quốc-gia mới có thể cải thiện đời sống của họ. Tóm lại, chủ-trương của Phan-Bội-Châu có thể tóm lược trong một điểm độc nhất: đuổi người Pháp ra khỏi Việt-Nam.
Đường lối hoạt động của Phan Bội Châu cũng phản ảnh một phần nào sự mâu thuẫn trong con người của cụ: cụ đã tiếp xúc với các nhà cách-mạng Nhật-Bản và Trung-Hoa, cụ đã mong muốn dùng khoa-học và kỹ-thuật Âu-Tây vào việc lật đổ sự đô-hộ của người Pháp, nhưng cụ lại hay để ý đến những điểm tốt xấu, và luôn luôn hỏi ý kiến những pháp-sư, những phù-thủy, trước khi hành động. Mặc dầu đã đề xướng phong-trào duy-tân, Phan Bội Châu vẫn còn là con người của quá khứ.
b) Phan Chu Trinh và nhóm Đông-Kinh Nghĩa Thục ([205]).
Chúng ta cần lưu ý là hai nhà chí-sĩ họ Phan, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, là người của cùng một thế-hệ; hoạt động của cả hai đã xảy ra đồng thời và đôi khi có nhiều liên-hệ với nhau. Tuy nhiên, phong trào của Phan Chu Trinh có nhiều điểm khác biệt với phong-trào của Phan Bội Châu.
Sinh năm 1872 ở Quảng-Nam, đậu cử-nhân năm 1900 và phó-bảng năm 1901, Phan Chu Trinh được bổ làm thừa-biện bộ Lễ năm 1903. Thấy đời làm quan của Nam-triều quá vô ích, cụ đã từ chức để lien lạc với những nhà nho đồng chí hướng để mưu tìm cho xứ Việt-Nam một sự canh-tân. Đầu năm 1906, cụ qua Nhật cùng với cụ Phan Bội Châu, nhưng ngay từ đầu cụ đã bất đồng quan điểm với cụ Sào-Nam. Phan Chu Trinh nghi ngờ thiện-chí giúp đỡ của Nhật-Bản, vì chủ-nghĩa đế-quốc của Nhật-Bản đương được biểu lộ ở Triều-Tiên và Đài-Loan, và cũng nhằm vào sự đô-hộ tất cả Á-Đông; cụ cũng nghi ngờ lòng dạ của Hoàng Hoa Thám, và cụ tiên đoán rằng cuộc kháng Pháp của Đề Thám sẽ thất bại. Cụ tin rằng muốn thực hiện sự canh-tân nước Việt thì trước hết phải giáo-dục quần chúng, nâng cao dân-trí rồi mới đòi sự độc-lập cho xứ sở bằng một phong trào bất bạo động.
Quan điểm mà Phan Chu Trinh muốn đồng-bào cùng chia xẻ là chấp nhận nền bảo-hộ của người Pháp, vì tình trạng của nước Việt-Nam lúc bấy giờ không cho phép Việt-Nam có thể hoàn toàn tự trị, mà trái lại làm Việt-Nam bị đe dọa bởi những quốc-gia láng giềng đông dân cư. Từ Nhật trở về nước, cụ viết một bức thư ngỏ gửi toàn-quyền Paul Beau vào tháng 8 năm 1906 ([206]); trong bức thư này, cụ thẳng thắn tố cáo quan lại Nam-triều đã dựa vào chính-phủ bảo-hộ để mà hà hiếp dân chúng, và cụ đề nghị nhà cầm-quyền Pháp nên xích lại gần với giới trí-thức Việt-Nam trong một tinh-thần hợp tác.
Để khiến dư luận chú ý đến việc phát triển nền kinh-tế quốc-gia, để gột bỏ óc mê tín của dân quê, và gây tư tưởng mới, Phan Chu Trinh đi khắp nơi diễn thuyết; cụ chủ trương thiết lập nhiều trường học để giáo huấn dân chúng và nếu cần, giao các chùa chiền cho các thầy giáo làm nơi dạy học. Cụ thuyết minh cho giới sĩ phu thấy rằng sự phân chia xã-hội thành 4 cấp Sĩ, Nông, Công, Thương đã lỗi thời, và phải chấn hưng công thương để làm cho nước giàu dân mạnh:
Người mình đã vụng về trăm thức,
Lại khoe rằng “sĩ nhất tứ dân”
Người khanh tướng kẻ tấn thân,
Trăm nghề hỏi có trong thân nghề nào?
………………………………….
Hỡi những người chí cả thương quê,
Mau mau đi học lấy nghề,
Học rồi ta sẽ đem về dậy nhau ([207]).
Để làm gương, Phan Chu Trinh đứng ra mở một hội buôn ở Đà-Nẵng, gọi là Quảng-Nam thương-hội, để buôn quế và dệt những thứ vải dầy, và khuyến khích dân chúng dùng đồ nội-hóa. Hưởng ứng lời kêu gọi của cụ, một số nhà Nho có nhiệt huyết cũng từ bỏ thái độ khinh công thương, lập hội buôn để khuếch trương thương-nghiệp và công-nghiệp. Phong-trào duy tân, tự cường nhờ vậy mà phát triển mạnh mẽ ở trong nước.
Với mục đích khai-trí cho dân, các đồng-chí của Phan Chu Trinh lập tại Hà-Nội vào đầu năm 1907 Đông-Kinh Nghĩa-Thục, sẽ mở những lớp dạy học miễn phí và tổ chức những cuộc diễn-thuyết để đề cao sự cần thiết phổ biến giáo-dục và khuyếch-trương thương-nghiệp. Ngay từ khi trường được mở, số người ghi tên học đã lên tới trên một ngàn; chương trình giảng dạy gồm cả Việt-văn, Hán-văn và Pháp-văn, và từ bỏ lối học từ chương để nhấn mạnh lên thường-thức và thực-nghiệp. Để truyền bá tư tưởng mới, trường cũng soạn sách và những bài ca ái-quốc hay có tính cách khai-trí ([208]).
Năm 1907, xẩy ra một cuộc khủng-hoảng chính-trị ở Huế, khi vua Thành-Thái bị buộc phải thoái vị và bị đầy qua đảo Réunion. Lợi dụng sự bất mãn gây nên bởi sự kiện này, phong-trào duy-tân chuyển sang việc chống nộp thuế: vào tháng 3-1908, nông-dân Quảng-Nam biểu tình trước dinh tổng-đốc yêu cầu giảm thuế; phong-trào lan rộng sang các tỉnh khác ở miền Trung; nông-dân tụ tập trước các toà công-sứ Pháp ở Hội-An; Quảng-Ngãi, Bình-Định, Hà-Tĩnh, Nghệ-An, Tuy-Hoà để đòi giảm thuế. Khắp mọi nơi, các cuộc biểu tình này là những cuộc biểu tình ôn hoà, trừ ở vài nơi dân chúng đã đi lùng bắt và đánh đập các lý-dịch thu thuế.
Tuy các cuộc biểu-tình miền Trung không có tính cách bạo động, nhà cầm quyền Pháp đã phản ứng bằng cách bắt giam nhiều nhân-sĩ nổi tiếng trong phong-trào duy-tân. Đông-Kinh Nghĩa-Thục bị đóng cửa, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Đức Ngôn, Ngô Đức Kế, v.v…đều bị kết án tù và đày đi Côn-Đảo. Trong thời gian ở Côn-Đảo, Phan Chu Trinh vẫn không ngớt hoạt động; cụ đã lợi dụng thời gian bị giam cầm này để viết quyển Tân Việt-Nam chi kế-hoạch và một số thơ văn. Năm 1911, nhờ sự can thiệp của Hội Nhân-quyền (Ligue des Droits de l’Homme), cụ được trả tự do và sang Pháp với thâm ý hoạt động chính-trị ngay tại Pháp. Chính trong những năm trực tiếp tiếp xúc với nền dân-chủ Tây-phương này mà Phan Chu Trinh bắt đầu từ bỏ những quan niệm quân-chủ của cụ để cải hoán theo chủ-nghĩa dân-chủ. Năm 1922, vua Khải-Định sang Pháp dự đấu xảo, cụ viết thư kể tội nhà vua đã quên bổn phận đối với dân ([209]). Về nước năm 1925, cụ tỏ rõ chiều hướng tư tưởng của cụ bằng cách đi diễn thuyết khắp nơi về chế-độ quân-chủ và dân-chủ, về luân-lý và đạo-giáo Á-Đông và Tây-phương ([210]). Song cụ lâm bệnh và mất ngày 24-3-1926.
III.- CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG TỪ NĂM 1918 ĐẾN NĂM 1930:
Đệ-nhất thế-chiến đã gây nhiều kỳ vọng cho dư luận Việt-Nam. Xứ Việt-Nam đã tham dự vào sự cố gắng chiến-tranh của mẫu-quốc bằng cách gửi qua Pháp đến gần 100.000 người lính và thợ. Giới trí-thức nghĩ rằng mẫu-quốc Pháp sẽ tỏ lòng biết ơn với thuộc-địa bằng cách dành cho họ một phần quan trọng hơn trong việc điều khiển công việc nhà nước. Họ tràn trề hy vọng vì toàn-quyền Albert Sarraut trước khi về nước cuối năm 1919, đã hứa hẹn là sẽ có nhiều cải cách rộng rãi trong các bài diễn-văn của ông.
Vào năm 1919, sự chống đối cũ của các nhà Nho cũng đã bắt đầu nguôi dần, có lẽ vì những nhà lãnh-đạo cực đoan đều đã bị lưu đày cả, hoặc thay đổi lập-trường sau khi nhận thấy sự kháng cự không có được kết quả cụ thể. Kể cả Phan Bội Châu sau khi bị bắt cũng tỏ ý sẵn sàng cộng tác với người Pháp: trong bài Pháp-Việt Đề Huề Chính Kiến Thư ([211]), cụ cho rằng không ích lợi gì thương tiếc một