18/06/2018, 15:54

Khủng hoảng tên lửa Cuba những điều chưa biết

Bản đồ mô tả cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 Minh Thành Khủng hoảng tên lửa Cuba (tháng 10/1962) là sự kiện kịch tính nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từng đẩy Mátxcơva và Oasinhtơn đến bên bờ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng rốt cuộc, ít người biết được nguyên ...

Bản đồ mô tả cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962

Bản đồ mô tả cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962

Minh Thành

Khủng hoảng tên lửa Cuba (tháng 10/1962) là sự kiện kịch tính nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từng đẩy Mátxcơva và Oasinhtơn đến bên bờ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng rốt cuộc, ít người biết được nguyên nhân sâu xa gây ra nó và nhân loại đã thoát ra khỏi thảm họa hạt nhân nhãn tiền đó như thế nào. 

Từ sự kiện Vịnh Con lợn

Chiến tranh Lạnh bắt đầu được một thời gian, Trung Âu và khu vực Viễn Đông  trở thành mặt trận giằng co, đấu tranh chủ yếu của hai phe Xô, Mỹ. Điều đo cũng có nghĩa thế trận được bày ngay trước cổng của Liên Xô. Đối với Mátxcơva, đặc biệt là Nikita Khrushchev, người đang giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đó là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, Cremli quyết tâm tìm cách thay đổi tình hình. Sau khi cách mạng Cuba thắng lợi vào năm 1959, cơ hội đã đến với người Liên Xô.

3914a

Đứng trước sự uy hiếp về quân sự và quyết định đình chỉ viện trợ kinh tế của Mỹ, Cuba vẫn kiên cường. Nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mátxcơva, ngày 3/7/1960, lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, tuyên bố từ nay về sau sẽ là một bộ phận cấu thành của phe xã hội chủ nghĩa. Ngày 2/9 năm đó, trong một cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, Fidel đã đọc bản “Tuyên ngôn La Habana” nổi tiếng, kịch liệt chỉ trích chính sách mở rộng xâm lược của Mỹ ở Mỹ Latinh, tuyên bố “Mỹ Latinh là của người Mỹ Latinh”

Sau khi đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, dưới sụ ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, tình cảm chống Mỹ của người Cuba dâng cao. Tháng 1/1961, Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Cuba. Quan hệ giữa Mỹ và Cuba căng thẳng cực độ. Ngày 20/1/1961, John Kennedy lên thay Dwight Eisenhower làm tổng thống thứ 35 của Mỹ. Tình hình vẫn không có gì thay đổi bởi trong quá trình tranh cử, Kennedy đã biểu thị một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ không để cho Liên Xô biến Cuba thành căn cứ của mình trên biển Caribê. Tiếp quản Nhà Trắng, Kennedy càng cho thúc đẩy kế hoạch ủng hộ các phẩn tử lưu vong Cuba lật đổ chính quyền của Fidel. Theo Dobrynin, nhà ngoại giao kỳ cựu của Liên Xô, Cục tình báo trung ương Mỹ và Lầu Năm góc đã lên kế hoạch bí mật mang tên Mangosta với mục tiêu là làm suy yếu và sụp đổ hoàn toàn chính quyền của Fidel.

Quân lưu vong Cuba bị bắt trong Sự kiện Vịnh Con lợn.

Quân lưu vong Cuba bị bắt trong Sự kiện Vịnh Con lợn.

Ngày 15/4/1961, ba chiếc máy bay B-26 sơn cờ hiệu Cuba mang theo bom, tên lửa và súng máy tấn công một số sân bay chủ yếu gần La Habana như ở Ciudad Libertad, San Antonio de Los Banos… Sau đó, hai trong ba chiếc B-26 hạ cánh xuống Florida (Mỹ), những tên phi công bước xuống, tự xưng là người của không quân Cuba đào tẩu, yêu cầu được tị nạn chính trị. Chiếc B-26 còn lại bị pháo cao xạ Cuba bắn bị thương, buộc phải hạ cánh xuống Giamaica. Kì thực, ba chiếc máy bay này không giống những chiếc máy bay không quân Cuba sử dụng. Trên thực tế, nó cất cánh từ một căn cứ ở trong lãnh thổ Goatêmala và do những phần tử lưu vong điều khiển. Chúng muốn tiêu diệt hoàn toàn lực lượng không quân của Cuba, nhưng đã không thể toại nguyện.

Cũng đúng lúc này, hơn 1.200 phần tử lưu vong Cuba tổ chức thành một đội đột kích viễn chinh, lên 4 chiếc tàu rời cảng ở Nicaragoa. Chúng mang theo 5 chiếc xe tăng, nhiều khẩu pháo 75 mm và súng chống tăng, sáng sớm ngày 17/4 đổ bộ lên bãi biển Giron ở trung nam bộ Cuba. Ngoài ra, các phần tử phản động lưu vong Cuba còn sử dụng máy bay để thả xuống Cuba 175 tên lính dù. Tuy nhiên, điều chúng không ngờ là vừa chân ướt chân ráo lên bờ đã bị tan tác bởi lưới lửa phục kích của các lực lượng vũ trang Cuba. Kết quả: 82 tên đền mạng, gần 1.200 tên bị bắt sống, chỉ có khoảng 50 tên lóp ngóp trên biển được tàu Mỹ cứu vớt mang đi.

Đây chính là Sự kiện bãi biển Giron hay còn gọi là Sự kiện Vịnh Con lợn. Hệ quả của nó là: 

1/ Làm tăng thêm quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cùng Liên Xô của nhân dân Cuba. Tháng 5/1961, Fidel chính thức tuyên bố Cuba la một nước xã hội chủ nghĩa, hợp nhất Phong trào 26/7, Đảng Xã hội nhân dân và Ủy ban chỉ đạo cách mạng 13/3, xây dựng tổ chức cách mạng thống nhất (năm 1965 đổi thành Đảng Cộng sản Cuba).

2/ Làm cho chính phủ Mỹ bị dư luận trong ngoài nước chỉ trích. Cuộc đổ bộ lên bãi biển Giron thảm bại là đòn đánh mạnh vào Kennedy. Sau khi Sự kiện Vịnh Con lợn xảy ra, Kennedy lập tức phái hai thuộc hạ thân tín tới Florida theo dõi việc lãnh đạo chính trị những phần tử lưu vong Cuba đang phẫn nộ vì bị CIA cấm tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Không lâu sau, Kennedy đã hòa giải thành công với những tên lãnh đạo lực lượng Cuba lưu vong, đồng ý với chúng rằng Mỹ sẽ bỏ 53 triệu USD để chuộc những tên phản động lưu vong bị bắt trong Sự kiện Vịnh Con lợn về trước lễ Noel và sẽ loại Cuba ra khỏi Tổ chức các nước châu Mỹ trong hội nghị của tổ chức này vào tháng 1/1962…

3/ Cổ vũ mạnh mẽ phe xã hội chủ nghĩa. Ngày 184/1961, Liên Xô ra tuyên bố kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh dũng cảm giành độc lập, tự do của nhân dân Cuba, yêu cầu Mỹ ngừng mọi hành động xâm lược nhằm vào Cuba. Khrushchev sau này cũng viết: “Sau khi Fidel giành thắng lợi quyết định trước các phần tử phản cách mạng, chúng tôi đã tăng cường viện trợ quân sự cho Cuba. Quân đội Cuba có thể tiếp nhận được bao nhiêu vũ khí, chúng ta sẽ cung cấp bấy nhiêu”.

Nếu đem kết hợp ba yếu tố trên lại, rõ ràng, Cuba ngày càng gần với Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh giữa Mátxcơva và Oasinhtơn lấy La Habana làm thể mang cũng ngày càng quyết liệt. Cuộc khủng hoảng trên biển Caribê đã xảy ra trong bối cảnh đó.

Đến những chuyến tầu bí mật trên biển Caribê

Từ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, hai phe Xô, Mỹ luôn trong tình trạng “tên chuẩn bị rời cung, súng sẵn sàng lẩy cò” và bên nào cũng muốn giành phần thắng. 

Về phần Oasinhtơn, sau khi Eisenhower bước vào Nhà Trắng, John Dulles thay George Marshall làm Ngoại trưởng, từ “ngăn chặn”, chính sách đối phó với phe xã hội chủ nghĩa của Mỹ đã chuyển thành “ngăn chặn và giải phóng”: một mặt dựa vào ưu thế hạt nhân quân sự để đạt được hiệu quả uy hiếp cao nhất với giá thấp nhất, thông qua răn đe hạt nhân và thiết lập vòng vây quân sự tiếp tục ngăn chặn sự “bành trướng” của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản; mặt khác dựa vào các hành động bí mật và tấn công tâm lý để lật đổ chính quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa, dùng biện pháp hòa bình “giải phóng nhân dân các nước Đông Âu khỏi ách áp bức của chủ nghĩa cộng sản” (chiến lược Diễn biến hòa bình).

Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà lãnh đạo Khrushchev của Liên Xô, hai nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.

Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà lãnh đạo Khrushchev của Liên Xô, hai nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.

Đối với Mátxcơva, sau khi Stalin mất, Georgy Malenkov lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong hơn hai năm nắm quyền, Malenkov đã cho thực thi chính sách đối ngoại tương đối hòa hoãn, làm dịu bớt sự đối kháng vốn rất quyết liệt với thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu. Năm 1955, sau khi Malenkov từ chức, Khrushchev đã không vì những bất đồng với Malenkov trong vấn đề đối nội mà thay đổi chính sách đối ngoại của Liên Xô, thậm chí còn tỏ ra hòa hoãn hơn với phương Tây so với người tiền nhiệm. Ví dụ: Liên Xô kết thúc tình trạng chiến tranh với Đức, thừa nhận sự trung lập của Áo và rút quân đội ra khỏi nước này, cải thiện quan hệ với Mỹ, tìm cách giải trừ quân bị, cấm bom nguyên tử, đưa ra đường lối tổng thể cho chính sách đối ngoại với nội dung chủ yếu là chung sống hòa bình… 

Ở một mức độ nào đó, những điều chỉnh của Mỹ và Liên Xô đã làm dịu bớt sự căng thẳng của tình hình quốc tế kể từ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Mátxcơva và Oasinhtơn lùi bước vì thực chất đây là thủ đoạn tấn công mới. Trước tiên, cả Liên Xô và Mỹ khi đó đều gặp phải nhiều khó khăn lớn. Với Mỹ là vai trò minh chủ phe phương Tây bị lung lay do không thể giành chiến thắng trên chiến trường Triều Tiên. Với Liên Xô là khuynh hướng li tâm của các nước Đông Âu do phải đối mặt với những khó khăn kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, cả Liên Xô và Mỹ đều lấy thực lực quân sự làm lá chắn bảo vệ và không chịu đơn phương nhượng bộ. Do đó, mặc dù mùa đông băng giá của Chiến tranh Lạnh đã đi qua, nhưng mùa xuân hòa hoãn vẫn chưa tới. Trong thời khắc giao mùa đó, giữa Liên Xô và Mỹ, giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa lại xuất hiện những dòng hàn lưu đối kháng như cuộc khủng hoảng Béclin lần thứ hai, sự kiện bức tường Béclin, sự kiện máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô, sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh Pari… Tuy nhiên, dòng hàn lưu lớn nhất lại đến từ biển Caribê. 

Sau sự kiện bãi biển Giron, chính sách khống chế và phong tỏa của Mỹ đối với Cuba càng ngặt nghèo hơn. Ngoài việc cấm vận mậu dịch toàn diện, Oasinhtơn tiếp tục sử dụng biện pháp cô lập để ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản kiểu Fidel ở Mỹ Latinh và không từ bỏ ý định can thiệp vũ trang. Vì thế, Lầu Năm góc thường xuyên phái máy bay do thám tầm cao U-2 tiến hành giám sát Cuba, chiêu mộ 150.000 quân dự bị, cho phép những phần từ Cuba lưu vong gia nhập quân đội Mỹ, tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn ở biển Caribê… 

Hơn ai hết, Chủ tịch Fidel Castro, hiểu rõ thế và lực của Cuba lúc này, muốn chống lại Mỹ cách tốt nhất là nhờ vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau sự kiện bãi biển Giron, Khrushchev đã hai lần viết thư cho Kennedy nói rõ với người Mỹ rằng Liên Xô phải cung cấp cho Cuba mọi sự viện trợ cần thiết. Tháng 7/1962, Fidel phái Raul và Che Guevara dẫn đầu đoàn đại biểu Cuba thăm Liên Xô với mục đích chủ yếu là yêu cầu Liên Xô có biện pháp giúp Cuba tránh khỏi sự xâm lược của Mỹ. Trên thực tế, từ khi xảy ra sự kiện bãi biển Giron, Khrushchev luôn suy nghĩ nghiêm túc về sách lược đối với vấn đề Cuba. Theo Khrushchev, người Mỹ sẽ không thể chấp nhận được sự tồn tại của chính quyền Fidel. Nếu Liên Xô không có bước đi quyết định bảo vệ Cuba thì rất có thể sẽ mất Cuba. Nếu Cuba sụp đổ, các nước Latinh khác sẽ rời bỏ Liên Xô, làm sụt giảm nghiêm trọng vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Với suy nghĩ đó, Khrushchev quyết tâm biến Cuba thành lô cốt đầu cầu ngay trong sân sau của phương Tây.

 

Trong chuyến thăm này, Cuba và Liên Xô đã đạt được một hiệp định đàm phán quân sự. Theo đó, Liên Xô sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Cuba và cử chuyên gia quân sự tới đảo quốc này. Nội dung cụ thể của hiệp định không được công bố, nhưng sau đó người Mỹ phát hiện, số lượng tầu Liên Xô chở vật tư đi tới biển Caribê tăng mạnh, chỉ trong hai tháng 7 và 8/1962 đã là hơn 100 lượt. Đặc biệt, những chiếc tàu này sau khi cập cảng Cuba, hàng hoá đều do người Liên Xô bốc dỡ. Điều này đã làm cho người Mỹ nghi ngờ. Khi đó, ở nước Mỹ cũng loang đi tin có 16 tàu hàng của Liên Xô chở theo 3.000-5.000 nhân viên kĩ thuật và rất nhiều cấu kiện tên lửa đã tới Cuba. Tuy chưa được kiểm chứng, nhưng nó đã làm cho người Mỹ cảm thấy bất an. Ngay lập tức, Mỹ tăng cường giám sát đường không và đường biển đối với Cuba, chụp ảnh tất cả những tàu Liên Xô đi vào vùng biển Cuba. Kennedy rất quan tâm tới những thông tin tình báo này. Bắt đầu từ tháng 8/1962, việc nhân viên và trang bị của Liên Xô được đưa vào Cuba luôn nằm trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng. Phái cứng rắn của đảng Cộng hòa càng được thể, phê phán sự yếu kém về chính sách đối ngoại của chính quyền Kennedy (thuộc đảng Dân chủ). 

Cuối tháng 8 năm đó, Che Guevara dẫn đầu doàn đại biểu thứ hai của Cuba sang thăm Mátxcơva. Ngày 2/9, hai nước ra thông báo cho biết Liên Xô đồng ý với yêu cầu cung cấp vũ khí và chuyên gia kĩ thuật cũng như huấn luyện cho lực lượng vũ trang của Cuba. Sự hoài nghi của người Mỹ đã được chứng thực. Ngày 4/9, Nhà Trắng ra tuyên bố về việc Liên Xô thiết lập trận địa tên lửa phòng không ở Cuba và tàu chở tên lửa của Liên Xô. Người Mỹ không thể chấp nhận được cảnh những quả tên lửa đất đối đất và các loại vũ khí tiến công khác được bố trí ở Cuba. Đứng trước sự phản ứng quyết liệt của Mỹ, ngay ngày hôm đó, Khrushchev đã viết thư gửi Kennedy, bảo đảm rằng trước khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ diễn ra sẽ không có bất cứ hành động gì làm phức tạp hóa tình hình quốc tế và khiến quan hệ hai nước căng thẳng thêm. Một tuần sau, chính phủ Liên Xô ra tuyên bố: Liên Xô không cần thiết phải di chuyển vũ khí tiến công chiến lược sang nước khác như Cuba. Liên Xô có khả năng chi viện cho bất cứ nước nào yêu chuộng hoà bình ngay từ lãnh thổ của mình.

 Cuộc đấu vẫn tiếp tục

Vào những năm 1960, trong khi vẫn tiếp tục đàm phán về việc dừng thử nghiệm hạt nhân và cắt giảm quân bị, cả Liên Xô và Mỹ lại tăng cường thử nghiệm hạt nhân. Năm 1959, một tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự đoán: cuối năm 1962, số lượng tên lửa tầm xa của Mátxcơva sẽ gấp 3 lần Mỹ. Kennedy rất quan tâm tới điều này. Chính vì vậy, trong ba năm cầm quyền (1961-1963), Kennedy liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng. 

Tháng 3/1961, Kennedy ra lệnh đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất tên lửa Polaris bắn từ tàu ngầm và tên lửa Minuteman phóng từ lòng đất. Ngoài ra, Mỹ còn tìm cách tăng cường sự có mặt của mình ở Tây Đức, Áo, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để hình thành thế bao vây đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trong hai năm: 1959 và 1960, quân đội NATO và quân đội Tây Đức nhiều lần tổ chức diễn tập liên hợp lấy Liên Xô và Đông Âu làm kẻ địch giả tưởng. Những quả tên lửa của Mỹ bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mất 5-6 phút là có thể vươn tới Mátxcơva. Trong khi đó, nếu phóng từ lãnh thổ của mình và muốn đến được nước Mỹ, tên lửa của Liên Xô phải mất từ 20-30 phút bay. 

Il-28, loại máy bay từng được bố trí bí mật ở Cuba trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân

Il-28, loại máy bay từng được bố trí bí mật ở Cuba trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân

Cục diện bất lợi này khiến Khrushchev cảm thấy bất an. Trước chuyến thăm Mátxcơva của Raul Castro, tháng 5/1962, Khrushchev đi thăm Bungari. Một hôm, Khrushchev đi dạo trên bờ Biển Đen với Nguyên soái Rodion Malinovsky – Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Malinovsky chỉ tay sang phía bờ đối diện nói: “Chỉ cần vài phút là những quả tên lửa hạt nhân bố trí ở các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có thể huỷ diệt Kiép, Minxcơ và Mátxcơva”. Khrushchev hỏi: “Vậy tại sao chúng ta không thể thiết lập căn cứ quân sự ở gần nước Mỹ?” Và Khrushchev quyết tâm biến ý tưởng đó thành hiện thực. Đúng lúc này, quan hệ giữa Mỹ và Cuba leo thang căng thẳng. Trong một thời gian ngắn, Cuba đã cử hai đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô, đề nghị Mátxcơva giúp La Habana chống lại sự xâm lược của Oasinhtơn. 

Nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ, Khrushchev đương nhiêu đã vui vẻ nhận lời giúp đỡ Cuba. Nhưng giúp bằng cách gì? Cung cấp những loại vũ khí thông thường như xe tăng, đại pháo …cũng chỉ giúp Cuba nâng cao khả năng phòng ngự thông thường, không thể tạo ra sức mạnh răn đe đối với Mỹ. 

Tên lửa Polaris của Mỹ tại bãi phóng ở mũi Canaveral.

Tên lửa Polaris của Mỹ tại bãi phóng ở mũi Canaveral.

Khrushchev cho rằng: “Chúng ta nhất định phải nghĩ ra biện pháp thực tế để đối phó với Mỹ và sự can thiệp của Mỹ ở biển Caribê”. Cuối cùng, Khrushchev quyết định phải xây dựng căn cứ quân sự và bố trí tên lửa hạt nhân, máy bay Il-28 ở Cuba. 

Khrushchev dự tính nếu hoàn thành việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba trước khi bị người Mỹ phát hiện thì chỉ cần 1/10 số tên lửa của Liên Xô thoát khỏi đòn trả đũa của Lầu Năm góc cũng đủ giáng đòn sấm sét vào New York. Kết quả của việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba không chỉ có thể khống chế hành động quân sự tuỳ tiện của Mỹ nhằm vào Cuba, mà còn giúp tạo thế cân bằng hạt nhân giữa Mátxcơva và Oasinhtơn. Theo Khrushchev, người Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự bao vây Liên Xô, sử dụng vũ khí hạt nhân đe doạ Liên Xô, nên họ đáng được nếm vị đắng khi thấy tên lửa của Liên Xô chĩa vào. 

Chính phủ Liên Xô phê chuẩn kế hoạch của Khrushchev, căn cứ vào hiệp định bí mật kí với Cuba, quyết định bố trí tên lửa tầm trung ở Cuba và cung cấp máy bay ném bom phản lực Il-28 cho Cuba. Hàng chục quả tên lửa (mỗi quả có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá lớn gấp hàng chục lần so với quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki – Nhật Bản) và hàng chục chiếc máy bay đã được tháo rời, đóng vào kiện, bí mật chuyển lên những chiếc tàu chở hàng đưa đến Cuba. Khoảng 3.500 nhân viên kĩ thuật Liên Xô cũng xuống tàu sang Cuba. Tới ngày 2/9, khi hai đoàn đại biểu Liên Xô và Cuba ra tuyên bố chung, kế hoạch vận chuyển vũ khí và nhân viên kĩ thuật của Liên Xô cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, Khrushchev không thể ngờ rằng kế hoạch chuyển thế trận từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu của mình lại gây ra một cơn sóng gió lớn đến vậy trong quan hệ giữa Mátxcơva và Oasinhtơn cũng như trên trường quốc tế. Nguy cơ chiến tranh cũng không đặt Liên Xô vào vòng ngoại lệ.

Phát hiện kinh hoàng của những chiếc máy bay do thám tầm cao U-2

Trong khi người Liên Xô bí mật vận chuyển tên lửa và máy bay đến Cuba, người Mỹ cũng không một phút ngơi nghỉ, vận dụng mọi thủ đoạn có thể để tìm hiểu chân tướng sự việc và đề ra sách lược đối phó. Ở phương diện này, U-2, chiếc máy bay do thám từng làm người Mỹ mất mặt khi bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô rạng sáng 1/5/1960 và sau đó làm phá sản hội đàm thượng đỉnh4 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 5/1960 tại Pari, giờ lại tỏ ra hữu dụng đối với Kennedy. Bởi nhờ nó, ông chủ Nhà Trắng đã có được bằng chứng về việc Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba trước khi quá muộn.

Máy bay do thám U-2 của Mỹ

Máy bay do thám U-2 của Mỹ

Sau khi xảy ra sự kiện bãi biển Giron, Kennedy đã phê chuẩn kế hoạch phục hồi những chuyến bay do thám của U-2. Rạng sáng chủ nhật ngày 14/9/1962, một chiếc U-2 được lệnh cất cánh làm nhiệm vu trinh sát đường không ơ khu vực phía tây Cuba. Tối hôm đó, các chuyên gia phân tích không ảnh của CIA đã thức trắng để kiểm tra, đối chiếu, so sánh những tấm ảnh U-2 vừa chụp với những tấm ảnh có từ trước. Họ bàng hoàng phát hiện dấu vết đầu tiên về sự có mặt của một căn cứ tên lửa tầm trung của Liên Xô ở San Cristobal (tỉnh La Habana). Ngay lập tức, thông tin trên được cấp báo cho cố vấn an ninh quốc gia, George Bundy. Nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc, không một chút chậm trễ, Bundy vội vàng sang gặp tổng thống. 11 giờ trưa 16/10, trên bàn Kennedy đã có tất cả những tấm ảnh phóng to cùng lời chú giải của CIA về căn cứ tên lửa của Liên Xô trên đất Cuba.

Ảnh máy bay U-2 chụp bãi phóng tên lửa của Liên Xô ở San Cristobal

Ảnh máy bay U-2 chụp bãi phóng tên lửa của Liên Xô ở San Cristobal

Theo CIA, những bãi phóng tổng hợp của Liên Xô xây dựng ở Cuba được cấu thành từ 16-20 quả tên lửa, có thể sẵn sàng tham chiến trong vòng 2 tuần nữa. Khi đó, Oasinhtơn, Dalas hay Saint Louis và rất nhiều thành phố khác cùng toàn bộ các căn cứ trực thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Liên Xô. Viễn cảnh khủng khiếp trên khiến người Mỹ không thể ngồi yên. Trong một hành động được cho là đối phó, Lầu Năm góc nhanh chóng vạch ra kế hoạch huấn luyện quân sự và lấy đó làm bình phong che mắt để tiến hành tập kết binh lực ở các căn cứ quân sự thuộc bang Florida, gần Cuba. Tham gia kê hoạch huấn luyện quân sự trên của Lầu Năm góc có khoảng 40.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, trong đó 5.000 quân được bố trí ở căn cứ hải quân Guantnamo của Mỹ trên lãnh thổ Cuba. Sư đoàn đổ bộ đường không số 101, tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. 

Tất cả chỉ đợi lệnh là nổ súng tiến công Cuba. 

Từ 11 giờ trưa đến 6 giờ chiều ngày 16/10, Kennedy đã triệu tập hai cuộc họp bí mật thảo luận về kế hoạch hành động đối với Cuba. Phái diều hâu trong Lầu Năm góc đưa ra hai phương án cứng rắn: 

1/ Lực lượng vũ trang Mỹ trực tiếp tấn công Cuba. Ban đầu, máy bay Mỹ sẽ tiến hành tấn công đường không, phá hủy các cơ sở phòng thủ, kho vũ khí và sân bay của Cuba. Sau đó, lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đổ bộ lên Cuba, tiêu diệt toàn bộ tên lửa, nhân viên kỹ thuật của Liên Xô và chính quyền Fidel. 

2/ Huy động khoảng 500 chiếc máy bay tiến hành ném bom rải thảm đối với Cuba, mục tiêu chủ yếu là các bãi phóng tên lửa của Liên Xô. 

Tuy nhiên, cả hai phương án này rõ ràng mang tính xâm lược, đặc biệt là có thể khơi nguồn cho một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô, nên đã gặp phải sự phản đối của phái ôn hòa chiếm đa số tại cuộc họp. Quan trọng hơn, Kennedy vẫn chưa biết rõ mục đích thực sự của Liên Xô khi đem tên lửa bố trí tại Cuba: là thử phản ứng của Mỹ hay dụ Oasinhtơn ra đòn tiến công quân sư nhằm vào Cuba, khiến Mỹ phải hứng chịu búa rìu dư luận hoặc buộc Mỹ tham gia vào cuộc mặc cả mang tính toàn cầu (muốn Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba, Mỹ phải nhượng bộ trong vấn đề Béclin hoặc rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ). Do vậy, Kennedy cho rằng việc phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Cuba lúc này là vô cùng mạo hiểm. 

Sau nhiều lần cân nhắc và hiệp thương với các nhân vật chóp bu Nhà Trắng và Lầu Năm góc, Kennedy quyết định thành lập hai tiểu ban đặc biệt, yêu cầu hai tiểu ban này khẩn cấp hoàn thành kế hoạch chi tiết cho việc đối phó với tình hình mới phát sinh ở Cuba. Đê bảo mật, những người tham gia hai tiểu ban này vẫn phải làm những công việc thường nhật của mình. 

Nhìn vẻ ngoài, cuộc sống của những người dân Mỹ vẫn diễn ra bình thường, ít ai ngờ rằng khi đó đất nước họ đang chuyển động cùng quá trình thai nghén một hành động quân sự lớn nhằm vào đảo quốc nhỏ bé-Cuba. 

Một số nét về U-2 

U-2 là máy bay do thám phản lực tầm cao một chỗ ngồi của Mỹ, có thể bay làm nhiệm vụ do thám ở độ cao trên 20 km. U-2 do hãng Lockheed sản xuất theo đơn đặt hàng của CIA. U-2 được trang bị máy chụp ảnh hồng ngoại có ống kính đặc biệt 915 mm, có thể chụp được những khu vực rộng khoảng 200 km, dài trên 4.800 km. Sau khi phóng to ảnh U-2 chụp, người ta có thể phân biệt rõ những vật thể có đường kính khoảng 50 cm. 

Cuộc khủng hoảng bắt đầu ló dạng

Về thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, sử sách đều ghi bắt đầu từ ngày 22/10/1962 khi Mỹ tuyên bố phong tỏa Cuba và kết thúc vào ngày 28/10 khi Liên Xô và Mỹ kí hiệp định, theo đó, Mátxcơva sẽ đình chỉ việc xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba và triệt thoái tên lửa khỏi Cuba. 

Trong “tuần lễ đen tối” (nói theo lời Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó, Robert Kennedy) này, cả thế giới như căng lên cùng cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Xô-Mỹ. 

Chính vào lúc Nhà Trắng tập trung tinh lực nghiên cứu đề ra đối sách, Cremli đẩy nhanh tốc độ vận chuyển vũ khí sang Cuba và xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba. Trên phương diện ngoại giao, Mátxcơva cũng thể hiện rõ thái độ cứng rắn. Ngày 18/10, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Andrei Andreyevich Gromyko, lần lượt hội kiến với Tổng thống Mỹ, John Kennedy và Ngoại trưởng Mỹ, David Dean Rusk, tại New York. Gromyko khẳng định: “Nếu Mỹ lựa chọn hành động thù địch đối với Cuba, cũng có nghĩa Mỹ đã nhằm vào một số nước có quan hệ tốt đẹp với Cuba, tôn trọng độc lập của Cuba và viện trợ cho Cuba những lúc khó khăn. Trong bối cảnh đó, Liên Xô sẽ không đứng nhìn. 

Tổng thống Kennedy thảo luận về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba với Bộ trưởng Quốc phòng McNamara.

Tổng thống Kennedy thảo luận về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba với Bộ trưởng Quốc phòng McNamara.

Giờ không phải là giữa thế kỷ 19, không phải là thời đại thế giới phân chia thành những mảnh đất thuộc địa thực dân, cũng không thể xảy ra cảnh một nước bị xâm lược hàng tuần rồi mà vẫn không kêu gọi cứu viện được. Liên Xô là một quốc gia vĩ đại. Liên Xô sẽ không là một kẻ bàng quan trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn gây ra bởi vấn đề Cuba hay tình hình ở khu vực khác trên thế giới”.

Khi đó cả Tổng thống Kennedy, Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng quốc phòng McNamara, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy và Thứ trưởng Ngoại giao George Power đều biểu thị Mỹ không muốn tấn công vũ trang đối với Cuba, nhưng quyết không cho phép Liên Xô biến hòn đảo này thành căn cứ quân sự tiến công Mỹ và các nước Mỹ Latinh. Gromyko phản đòn: “Mỹ xây dựng căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và phái tới đó không ít cố vấn quân sự. Ấy là chưa nói tới ở Anh, Italia và một số quốc gia Tây Âu khác. Một khi Mỹ có thể xây dựng căn cứ quân sự ở những quốc gia trên thì Mỹ cũng có thể ký hiệp ước quân sự ưới những quốc gia này. Lẽ nào Liên Xô không có quyền giúp Cuba phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng”. Sự cứng rắn của Mátxcơva như chất xúc tác khiến Nhà Trắng ngày càng thiên về lựa chọn một quyết sách cứng rắn.

Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Andrei Andreyevich Gromyko.

Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Andrei Andreyevich Gromyko.

Sau cuộc họp bí mật của Nhà Trắng, các thành viên tiểu ban bí mật (sau này có tên: “Tiểu ban chấp hành Ủy ban An ninh Quốc gia”) cũng tham gia vào 4 cuộc thảo luận trong 4 đêm liên tục nhằm tập hợp ý kiến, đưa ra các phương án đối phó với việc Liên Xô đưa tên lửa sang Cuba. Đa số đồng ý với việc thiết lập một vành đai phong tỏa đặc biệt ngăn chặn Liên Xô đưa các thiết bị nguyên tử vào Cuba. Ngày 18/9, Kennedy quyết định thành lập ủy ban chuyên môn phụ trách việc hoạch định những hành động đối phó cụ thể và chỉ một ngày sau, ủy ban này đã đưa ra được một loạt phương án khác nhau, chỉ đợi tổng thống phê chuẩn.

Chiều 20/9, lấy lý do sức khỏe không được tốt, Kennedy rời Chicago về Oasinhtơn, lập tức cho triệu tập hội nghị lần thứ 505 Ủy ban An ninh Quốc gia tại phòng bầu dục ở Nhà Trắng. Kennedy đưa ra những tấm ảnh chụp các bãi phóng tên lửa Liên Xô ở Cuba, rồi giải thích rõ cho những người dự hội nghị về phương án phong tỏa Cuba. Qua thảo luận và nghe ý kiến của các thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia cũng như sự tham vấn của Bộ tư lệnh không quân chiến lược, Kennedy quyết định cho thực thi kế hoạch phong tỏa trên biển đối với Cuba. Để giảm bớt mùi thuốc súng, thay vì dùng từ “phong tỏa”, kế hoạch này sử dụng từ “cách ly”. Trước khi công bố quyết sách quan trọng, đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp, chính phủ Mỹ đã khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị, gồm: liên lạc với các sứ quán Mỹ ở nước ngoài, khởi thảo tuyên bố kiểm tra, cách ly tàu thuyền, thông báo cho Tổ chức các nước châu Mỹ, tăng viện binh lực cho căn cứ hải quân Guantanamo…. 

Đặc biệt, 6 giờ tối 22/10, một tiếng trước khi Mỹ công bố lệnh phong tỏa Cuba, Ngoại trưởng Rusk triệu kiến khẩn cấp Dobrynin, trao cho vị Đại sứ Liên Xô tại Mỹ này bức thư Tổng thống Kennedy gửi nhà lãnh đạo Khrushchev và tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp sắp được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoại trưởng Rusk từ chối đưa ra bất kì lời giải thích hay hồi đáp nào. Sau khi tiếp nhận hai văn kiện trên, Đại sứ Dobrynin nói luôn: “Chính phủ Mỹ đang âm mưu gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa Mỹ đã từ chối đàm phán về các vấn đề song phương giữa hai nước”. Trong bức thư gửi Khrushchev, Kennedy viết: “Nếu như xảy ra một sự kiện nào đó, nhằm bảo vệ mình và an ninh của các đồng minh, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm. Ở Cuba đã xuất hiện căn cứ tên lửa và hệ thống vũ khí tiến công của Liên Xô, do đó, tôi phải nói với ngài rằng Mỹ quyết định phải loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu. Hành động mà chúng tôi sắp sửa tiến hành chỉ là mức thấp nhất của việc loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu”. 

7 giờ tối 22/10/1962, Kennedy bắt đầu bài phát biểu trên truyền hình. Kennedi nói: “Giống như những gì đã cam kết, chính phủ liên tục theo dõi chặt chẽ hành động quân sự của Liên Xô ở Cuba. Tuần trước, có rất nhiều bằng chứng không thể chối cãi cho thấy trên hòn đảo này đang có sự xây dựng một hệ thống tên lửa mang tính tiến công. Căn cứ tên lửa này, ngoài việc đem tới sức mạnh vũ trang tấn công Tây bán cầu thì không có mục đích nào khác. Có được loại vũ khí tầm xa mang tính tiến công với sức sát thương quy mô lớn như vậy, Cuba sẽ lập tức biến thành căn cứ chiến lược quan trọng, tạo ra sự uy hiếp rõ ràng đối với người châu Mỹ và hòa bình, an ninh. Lần đầu tiên, người Liên Xô quyết định bí mật bố trí thứ vũ khí chiến lược này ngoài lãnh thổ của họ. Điều đó cho thấy họ cố ý thay đổi hiện trạng. Nếu chúng ta hy vọng bạn bè tin vào dũng khí và những lời cam kết của chúng ta, Mỹ phải quyết không để Liên Xô làm như vậy”. 

Ngay sau đó, Kennedy ra lệnh cho quân đội Mỹ bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, 24 tiếng đồng hồ sau đó lại ký văn kiện số 3504, tuyên bố bắt đầu từ 14 giờ (giờ GMT) ngày 24/10, Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Cuba, bất cứ tàu thuyền nào tới Cuba đều phải chịu sự kiểm tra của các chiến hạm Mỹ, nếu chống lệnh sẽ bị bắn chìm. Một biên đội hải quân khổng lồ của Mỹ được tập kết ở biển Caribê. Một nửa số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ sẵn sàng cất cánh. Những chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa Polaris đã tiến vào trận địa tác chiến. Bài phát biểu trên truyền hình của Kennedy được phát đi trên toàn thế giới bằng 38 loại ngôn ngữ khác nhau đã gây ra phản ứng mạnh mẽ. Mỹ bắt đầu hành động. Nguy cơ về một cuộc đối đầu nghiêm trọng kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, thậm chí là sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã lộ diện.

Hành động ngăn chặn của quân đội Mỹ

Hành động của Mỹ nhận được sự ủng hộ của 84% người dân nước này. Trên bình diện quốc tế, chính phủ nhiều nước như Tây Đức, Anh, Pháp, Canađa và 14 nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đứng về Oasinhtơn. Trong một thời gian ngắn ở Tây bán cầu đã hình thành liên minh chống Liên Xô. 

Lợi dụng tình hình, ngày 23/10, Kennedy ra thông báo “Cấm vận chuyển vũ khí tiến công đến Cuba”, tuyên bố “Quân đội do tôi làm thống soái từ 14 giờ GMT ngày 24/10/1962, căn cứ vào những chỉ thị đưa ra trong thông báo này sẽ tiến hành cấm việc vận chuyển vũ khí tiến công và các vật tư liên quan đến Cuba”. 

Thông báo quy định những vật tư bị cấm gồm: Tên lửa đất đối đất, bom, rốckét và tên lửa không đối đất, các loại đầu đạn lắp vào những loại vũ khí trên, những thiết bị duy trì và điều khiển các loại vũ khí trên… Kennedy còn uỷ quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đưa ra những điều lệ và chỉ thị cần thiết về việc hoạch định những khu vực cấm, khu vực hạn chế, tuyến đường cũng như việc ngăn chặn, kiểm tra tên hiệu, hàng hoá và cảng đến của những con tầu tới Cuba.

Tàu Poltava của Liên Xô trên đường tới Cuba ngày 15/9/1962.

Tàu Poltava của Liên Xô trên đường tới Cuba ngày 15/9/1962.

Đối mặt với sự bức bách quá đáng của Mỹ, Liên Xô vẫn không hề nao núng. Ngày 23/10, Cremli ra tuyên bố lên án việc Mỹ tiến hành phong toả vùng biển xung quanh Cuba là “hành vi cướp biển chưa từng có trong lịch sử”, là “đi theo hướng phát động chiến tranh hạt nhân trên thế giới”. 

Mátxcơva cũng tỏ rõ quan điểm: Nếu quân xâm lược phát động chiến tranh sẽ phải chịu đòn giáng trả mạnh mẽ nhất từ Liên Xô. Hai siêu cường nắm trong tay loại vũ khí giết người hàng loạt khủng khiếp – vũ khí hạt nhân cùng tuốt kiếm giương cung. Đương nhiên, một cuộc đọ sức vô tiền khoáng hậu đã xảy ra. Biển Caribê vì thế mà dậy sóng. Thế giới cũng đứng trước bờ vực của thảm họa chiến tranh hạt nhân. 

Trên Đại Tây Dương, quân đội Mỹ đã cho thiết lập một tuyến phong tỏa nghiêm mật với sự tham gia của 16 tàu khu trục, 3 tàu tuần dương, một tàu sân bay chống ngầm, 6 tàu cung cấp và 150 tàu dự bị để có thể kiểm soát tất cả các con tàu ra, vào Cuba. Đêm 23/10, đội tàu chở hàng của Liên Xô vẫn cứ ào ào tiếp cận đường cách ly. Sáng hôm sau, 8 tàu ngầm và 18 tàu chở hàng của Liên Xô tới địa điểm hội quân. Phía Mỹ đã sẵn sàng ra lệnh tấn công nhấn chìm bất cứ chiếc tàu ngầm nào xâm phạm đường cách ly. Chính trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc đó, những chiếc tàu Liên Xô gần đường cách ly nhất dừng lại rồi quay đầu. Hai bên tránh được một cuộc xung đột mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ rất khó lường.

Tàu khu trục Joseph P. Kennedy (trái) của Mỹ dừng, kiểm tra tàu Marucla của Liên Xô ngày 26/10/1962.

Tàu khu trục Joseph P. Kennedy (trái) của Mỹ dừng, kiểm tra tàu Marucla của Liên Xô ngày 26/10/1962.

Đề cập tới nguyên nhân Liên Xô và Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột sáng 24/10, có người nói là do sự thận trọng của Kennedy và Khrushchev; có người lại cho rằng những chiếc tàu dừng lại trước đường cách ly chở trang thiết bị mang tính tiến công tới Cuba; có người suy đoán Mátxcơva không dám mạo hiểm để lọt vào tay người Mỹ những bí mật công nghệ chế tạo tên lửa, đầu đạn hạt nhân và thiết bị điện tử. Tuy nhiên, theo cựu Đại sứ Liên Xô tại Mỹ, Dobrynin, những chiếc tàu trên chở vũ khí hạt nhân. 

Ngày 25/10, lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện lệnh ngăn chặn một chiếc tàu chở hàng của Liên Xô, mang tên Bucharest. Tháng 9/1962, sau khi chất lên 9.000 tấn hàng, chiếc tàu này rời cảng Odessa bên bờ Biển Đen, bắt đầu hành trình tới Cuba. Ngày 24/10, một chiếc tàu sân bay của Mỹ tiến lại gần tàu Bucharest. Hai bên chỉ cách nhau khoảng 300 m. Sáng sớm ngày 25/10, một số máy bay Mỹ được lệnh lượn vòng bên trên tàu Bucharest. Tàu Mỹ gặng hỏi tàu Liên Xô chở hàng gì, nhưng vẫn không phái người lên boong kiểm tra. Sau khi quan sát kĩ, các quan chức Mỹ cho rằng Bucharest là một chiếc tàu chở dầu bình thường. Sáng 26/10, tàu Bucharest tới La Habana, nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của mọi người. Thuyền trưởng và 50 thuyền viên vinh dự đón nhận những bó hoa tươi thắm cùng quốc kì Cuba và huy hiệu Fidel vì đã “không sợ sự uy hiếp của chủ nghĩa đế quốc Mỹ” dũng cảm đến với Cuba. 

Tuy nhiên, những chiếc tàu khác lại không may mắn như Bucharest. Ngày 26/10, tàu Marucla (do Mỹ chế tạo, đăng ký ở Libăng) được Liên Xô thuê của Panama rời cảng Riga ở bờ biển Baltic chở hàng tới Cuba. Khi còn cách quần đảo Bahamát khoảng 180 hải lý về phía đông bắc thì bị hai chiếc tàu khu trục của Mỹ chặn lại. Lính Mỹ lên tàu khám xét hàng hoá, tra hỏi thuyền viên. Tàu Marucla chỉ được phía Mỹ tha cho đi khi xác nhận hàng hoá nó chở chỉ là ô tô và linh kiện ô tô. Ngày 27/10, quân Mỹ lại chặn một chiếc tàu của Cuba để kiểm tra. Sau này quân Mỹ giải thích họ không khám xét tàu của Liên Xô, mà chỉ kiểm tra một chiếc tàu do Liên Xô thuê và sự lựa chọn đó là có chủ ý. Mục đích nhằm tránh xung đột không cần thiết với Liên Xô, nhưng vẫn cho thấy việc Mỹ ra lệnh ngăn chặn tàu đến Cuba không phải là lời nói suông. 

Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn xuống thang, nhưng cũng không muốn nổ súng vào nhau. Liên Xô bị buộc phải dừng việc vận chuyển trang thiết bị mang tính tiến công tới Cuba, nhưng vẫn đẩy nhanh việc xây dựng kho dự trữ vũ khí hạt nhân, bãi phóng tên lửa ở Cuba. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân trên không. Ngoài ra, hai bên Xô-Mỹ còn tiến hành một cuộc đấu tranh tâm lý không khoan nhượng.

Những bức thư qua lại giữa Kennedy và Khrushchev

Biển Caribê đột nhiên dậy sóng trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Ai cũng lo lắng, nín thở chờ mong đám mây đại chiến hạt nhân qua đi. Với tư cách là “thủ lĩnh” của hai phe Đông-Tây, cả Liên Xô và Mỹ đều muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba theo hướng có lợi cho mình, vừa chuẩn bị cho khả năng huyết chiến, vừa triển khai thế tấn công ngoại giao kịch liệt. 

Trong thời gian này, Khrushchev ăn ngủ luôn trong Điện Cremli để ứng phó kịp thời với tình huống khẩn cấp. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Kennedy lúc nào cũng kè kè bên máy điện thoại, sẵn sàng nhận thông tin và ra mệnh lệnh tác chiến. Trong một tuần xảy ra khủng hoảng, Khrushchev và Kennedy đã 9 lần trao đổi thư với nhau thông qua đại sứ của hai nước, trong đó Khrushchev gửi đi 4 bức và Kennedy viết 5 bức. Nội dung của những bức thư này đa số đã được công khai.

Tàu Grozny vượt qua đường cách ly nhưng dừng lại khi thấy tàu chiến Mỹ quay nòng pháo hướng về nó ngày 27/10/1962

Tàu Grozny vượt qua đường cách ly nhưng dừng lại khi thấy tàu chiến Mỹ quay nòng pháo hướng về nó ngày 27/10/1962

Ba giờ chiều 23/10/1962, Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva nhận bức thư đầu tiên Khrushchev gửi Kennedy. Trong thư, nhà lãnh đạo Liên Xô tỏ ra rất cứng rắn: “Nói một cách thẳng thắn, những biện pháp mà ngài đưa ra trong tuyên bố là sự uy hiếp nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của nhân dân các nước. Nước Mỹ đã công khai đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc một cách thô bạo, vi phạm quy định quốc tế về việc đi lại tự do trên biển, đi theo con đường chống lại Cuba và Liên Xô”. Liên quan đến tuyên bố của Oasinhtơn rằng việc Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba là nhằm tiến công nước Mỹ, Khrushchev khẳng định: “Những loại vũ khí ở Cuba, cho dù là thuộc loại gì đều dùng vào mục đích phòng thủ, nhằm bảo vệ Cuba khỏi sự tấn công của quân xâm lược”. Cuối cùng, ông chủ Điện Cremli đưa ra lời cảnh cáo: “Tôi hy vọng chính phủ Mỹ sẽ thận trọng, từ bỏ hành động đang theo đuổi, có khả năng gây ra hậu quả mang tính thảm họa đối với toàn thế giới. Liên Xô sẽ có phản ứng quyết liệt nhất, ra đòn giáng trả Mỹ”.