18/06/2018, 15:54

Cương vực Việt Nam dưới thời Nguyễn

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu Năm 1471, Lê Thánh Tông mở rộng biên cương nước ta tới núi Đá Bia trên Đèo Cả (Phú Yên). Trong thời gian 64 năm (1528 -1592), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527, tôi Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm suy tôn Lê Trang Tông lên ngôi năm 1533 bên đất Lào, ...

ndd-lsvn000331

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Năm 1471, Lê Thánh Tông mở rộng biên cương nước ta tới núi Đá Bia trên Đèo Cả (Phú Yên). Trong thời gian 64 năm (1528 -1592), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527, tôi Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm suy tôn Lê Trang Tông lên ngôi năm 1533 bên đất Lào, đoạn đem quân về lấy lại Nghệ An và Thanh Hóa, tạo thành nạn phân tranh Nam Triều (nhà Lê) – Bắc Triều (nhà Mạc). Năm 1593, Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) với sự tiếp tay của Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim) lấy lại được Thăng Long và chấm dứt nhà Mạc.

Vừa hết nạn phân ly Nam triều- Bắc triều, lại tiếp theo cảnh chia rẽ Trịnh – Nguyễn tạo thành cuộc phân chia Đàng Ngoài – Đàng Trong, lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm giới tuyên (l 600 – 1771). Tuy nhiên, Đàng Ngoài vẫn phát triển dân tộc vê phía tây, còn Đàng Trong thì phát triển cả về phía tây lẫn Biển Đông (Hoàng Sa – Trường Sa) và chủ yếu về phía Nam tới mũi Cà Mau và Vũng Thơm hoặc Hương Úc (Kompong Som).

Trong giai đoạn ngắn ngủi 30 năm (1771 – 1801), nhà Tây Sơn nổi lên phá vỡ cái thế Trịnh – Nguyễn  phân tranh và vua Lê – chúa Trịnh chuyên quyềnNgười anh hùng áo vải cờ đào đã tiêu diệt quân Xiêm ở Rạch Gầm – Nam bộ do chúa Nguyễn mang về, và đại phá quân Thanh ở Thăng Long do vua Lê mời vào. Đất nước ta chưa bao giờ bị nội chiến lung tung và ngoại xâm” uy hiếp như thế. Đã có lúc giang sơn tổ quốc chia thành 3 -4 vương quốcChẳng may Quang Trung – Nguyễn Huệ băng hà năm 1792 và Nguyễn Nhạc quá cố năm 1793.

Sau nhiều lần bị đánh đuổi khỏi Nam bộ, năm 1788  Nguyễn Ánh thâu phục lại được một phần đất đai và xây thành Bát Quái vững chắc làm Gia Định kinh (1790)Sau khi Nhuyễn Huệ và Nguyễn Nhạc mất, Tây Sơn yếu thế, Nguyễn Ánh bèn theo  gió mùa hằng năm đem quân đánh phá dần ra BắcNăm 1802, Nguyễn Ánh thu phục được Phú Xuân – Thuận Hóa, lên ngôi vua lấy đế hiệu Gia Long, rồi tiến ra Thăng Long lấy luôn Bắc Hà, lập nên nhà Nguyễn  thống nhất giang sơn, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau và Vũng Thơm.

Ngày 17, tháng 2 năm Giáp Tý. (1804), Gia Long tuyên chiếu đặt quốc hiệu Việt Nam. Chiếu rằng : Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ quốc thống. Xét từ các đấng thánh tiên vương ta (tức các chúa Nguyễn ở Đàng Trong) xây nên dấy nghiệp, mở đất Viêm Bang, gồm cả đất đai Việt Thường về nam (từ Trung bộ xuống Nam bộ), nhân đó lây chữ Việt mà đặt tên nước. . . Nay bờ cõi Nam Giao (từ đời Đường gọi là An Nam) đều vào bản tịch . . . Nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay. . . cải chính quốc hiệu là VIỆT NAM. . . Phàm công việc nước ta điều gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lây VIỆT NAM làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa.

Lại chiếu cho các nước Xiêm La (Thái Lan), Lữ Tống (Phi Luật Tân) và các thuộc quốc Chân Lạp (Kampuchia), Vạn Tượng (Ai Lao), khiến đều biết cả[1].

Triều Nguyễn coi việc xác định lãnh thổ làm trọng, kể cả cương vực các vương quốc – tiểu vương quốc – châu mường thuộc quyền bảo hộNhà nước phải để 32 năm (1804 – 1836) mới đo đạc xong và làm sổ địa bạ cho khoảng 6.000 xã thôn toàn quốc của 30 tỉnh đương thờiCòn cương vực của các thuộc quốc được xác định bởi những thỏa hiệp giữa các dân tộc hay quốc gia. Lịch sử biên cương rất phức tạp và đổi thay tùy từng thời đoạn. Sau đây, chỉ xin tìm hiểu cương vực nước ta (kể cả thuộc quốc) dưới triều Nguyễn trước khi bị Pháp đô hộ và chia cắt. Chúng ta nghiên cứu từ Bắc xuống Nam để vấn đề được nhận định dễ dàng và rõ ràng.

I. Biên cương phía bắc: mất tổng Tụ Long và tổng Phương Độ.

Sử Thực lục ghi: “Khoảng năm Lê Bảo Thái (1720 – 1728), nước Thanh sai tổng đốc Vân Nam là Ngạc Nhĩ Thái sang hội đồng dựng bia, quyết lấy sông Đổ Chú nước ta làm giới hạn. Từ sông Đổ Chú vê phía tây, các châu Tung Lăng, Lê Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phi, Khiêm Châu, Lai Châu, cộng bảy châu, đều thuộc Hưng Hóa”[2]. Tụ Long có mỏ đồng quan trọng cung cấp 80 phần 100 thuế đồng của ta, sau trở thành tổng Tụ Long gồm 6 xã: Tụ Long, Tụ Thành, Tụ Nhân, Tụ Nghiã, Tụ Hòa, Tụ Mỹ. Tổng Tụ Long thuộc huyện Vĩnh Tuy, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Sách Đồng Khánh địa dư chí ghi: “Mỏ đồng Tụ Long là một danh thắng ở xã Tụ Long. Thuế cả năm là 12.000 cân đồng đỏ. Dân cư ngụ có thuộc hộ, khách thuộc và người Thanh, người Nùng, người Mán, cộng là 224 người (153 Việt, 33 Thanh, 23Nùng, 15 Mán)”[3]

Phía tây giáp giới tổng Tụ Long có tổng Phương Độ. Tổng này có 3 xã: Phương Độ, Bình Di, Phân Vũ, cũng thuộc về huyện Vĩnh Tuy, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Xã Phương Độ có cửa thương chính Bình Kênh môi năm chịu thuế 7.000 cân đông đỏ[4].

Trên đây là tình hình phân ranh hành chính khoảng năm 1861Pháp cưỡng chiếm rồi ký Kà bảo hộ nước ta theo hòa ước Giáp Thân (1884)Năm 1887, Pháp điều đình với nhà Thanh để xác định biên giới Việt – Trung. Pháp đã nhượng một phần rất lớn thuộc hai tổng Tụ Long và Phương Độ cho Trung Quốc. Ở tổng Tụ Long ta mất các xã Tụ Long, Tụ Hòa, Tụ Nghĩa, Tụ Nhân và Tụ Mỹ. Còn ở tổng Phương Độ thì ta mất hai xã Bình Di và Phấn Vũ. Tác giả Bonifacy nhận định: Ngoài mỏ đồng rất phong phú ở xã Tụ Long; xã Bình Di có mỏ sắt, mỏ than và mỏ đồng; xã Tụ Hòa có mỏ bạc Nam Đăng mỗi năm đóng thuế 30 cân bạc; bến Bắc Tử thuộc xã Tụ Hòa trên sông Đổ Chú và bến Bình Kênh thuộc xã Phấn Vũ mỗi năm cũng đem về một nguồn lợi lớn . . .[5]

So sánh hai biên giới Việt – Trung cũ và mới (sau 1887 đến nay), Pháp đã để Việt Nam mất đất cho Trung Quốc một diện tích rộng tới 700km2 với nhiều hầm mỏ quý giá như vàng, bạc, đồng và than đá. . . Thật đáng tiếc! Gần 30 năm trước, tác giả bài này đã viết bài Mấy nét về mỏ đồng Tụ Long của nước ta bị phong kiến Trung Quốc xâm chiếm đăng trên tạp chíNghiên cứu Kinh tế (sô 10- 1979) đã mô tả khá chi tiết trường hợp mất đất này[6].

Hiện nay, hai tổng Tụ Long và Phương Độ chỉ còn phần đất nhỏ thuộc tỉnh Hà Giang. Phần đất còn lại của Tụ Long nằm trong huyện Hoàng Su Phì. Đó là xã Tụ Nhân. Năm xã Tụ Long, Tụ Thành, Tụ Nghĩa, Tụ Hòa, Tụ Mỹ thì mất về Trung QuốcPhần đất còn lại của tổng Phương Độ hiện nằm trong huyện Vị XuyênĐó là xã Phương ĐộHai xã còn lại là Bình Di, Phân Vũ thì cũng đã thuộc về Trung Quốc[7].

Biên cương phía Bắc nước ta giáp với Trung Quốc, nên từ khi ta thâu hồi nền tự chủ ở thế kỷ X, thì biên giới Việt – Trung được định đoạt khá rõ ràng. Lịch sử cũng chứng kiến đôi lần có tranh chấp, nhưng không khi nào nước ta để chịu mất đất một phần khá lớn của lãnh thổ tổ quốc như thỏa ước Pháp – Trung bất công kể trên. Tuy nhiên, nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn coi đó là “đường biên giới lịch sử” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì đây là việc đã rồi, tuy bất công đối với ta, đã xảy ra từ 120 năm nay (1887 – 2007)

II. Biên cương phía tây – bắc: Mường Lữ của Việt Nam chiếm một phần đất Diến Điện.

Sử Thực lục chép: Tháng 8 năm Tân Mão (1831), Mường Lữ nước Diễn Điện (ở phía tây Lai Châu thuộc Hưng Hóa) sai sứ La-xa-phàm (chức quan) tên là Thiếp và Thiên-trấn-tha-chất (chức quan) tên là Ai Huấn đến trấn Thanh Hóa xin phụ thuộc vào nước ta. . . Minh Mạng cho sứ giả biết rằng: Triều đình đối với người xa, ai quy phục cũng không từ chối. Gần đây, không những các thổ ty ở các nơi mới mở mang đã phụ thuộc vào đô bản, mà ngay như Chân Lạp (Kampuchia) và Nam Chưởng (Luang Prabang) là những nước to cũng đều đã xưng thần phụng cống[8].

Bản đồ Lê Thành Khôi ghi địa bàn Mường Lữ (Muong Lu) rất rộng lớn có lẽ cả nghìn km2nằm ngang sông Mêkông, bắc giáp Trung Quốc, nam giáp Nam Chưởng (Luang Prabang), đông giáp Điện Biên Phủ, tây giáp Diễn Điện (coi bản đô đính kèm)[9] Theo hiệp định ký Kà ngày 15 – 1- 1896, giữa Anh thay mặt Diễn Điện và Pháp thay mặt Việt Nam, phân đất Mường Lữ nằm ở hữu ngạn sông Mêkông cho về Diễn Điện còn phân đất tả ngạn thuộc quyền Việt Nam[10]Mường Lữ bao gồm cả đất Xiêng Hồng và Mường Sing.

Cũng tháng 8 năm Tân Mão (1831, sử Thực lục ghi: “Mường Cai thuộc Trấn Ninh và Xà Cóc Bạn ở nước Vạn Tượng, bị nước Xiêm quấy nhiễu, xin nhập quốc tịch ta và nộp thuế”[11].Chúng tôi chưa tìm ra vị trí Mường Cai và Xà Cóc Bạn, xin để hậu cứu.

III. Lập phủ huyện mới tại biên cương phía tây miền bắc Trung bộ.

1. Phủ Trấn Man thuộc  về Thanh Hóa.

Tháng 9 năm Mậu Tý – Minh  Mệnh thứ 9 (1828), “bắt đầu đặt phủ Trấn Man, lấy 3 huyện Trình Cố – Xầm Nưa – Man Xôi (trước thuộc) phủ Trấn Biên cho lệ vào và đổi cho thuộc về Thanh Hóa quản hạt. . . Lại định số dân 3 huyện chỉ có Trình Cố là nhiều (Trình Cố 1.215 người, Sầm Nưa 414 người, Man Xô 300 người), thuộc hạt có 2 động Chấp Yết – Trình Phủ, xin đổi làm 2 tổng đặt mỗi tổng một cai tổng”[12]

2. Phủ Trấn Biên thuộc về Nghệ An.

Tháng 3 năm Mậu Tý – Minh Mệnh thứ 9 (1828), bắt đầu đặt phủ Trấn Biên ở Nghệ An; lấy 7 huyện là Xa Hổ, Sầm Tộ, Man Soạn, Mường Lan, Trình Cố, Sầm Nưa, Man Xôi cho thuộc về. Năm ngoái (1827) 7 huyện ấy nội phụ, đã đặt thổ tri huyện và thổ huyện thừa[13] tức bổ dụng người tại chỗ coi người địa phương.

3. Phủ Trấn Ninh thuộc về Ngh ệ An.

Tháng 5 năm Mậu Tý (1828), “bắt đầu đặt thổ tri huyện và Thổ huyện thừa ở 7 huyện thuộc phủ Trấn Ninh”[14]. Trấn Ninh đã thuộc bản đồ nước ta từ thời Lê, nay mới đặt thổ tri huyện. Bảy huyện đó là Quảng (trước là Khoáng), Liên, Xôi, Khâm, Khang, Cát, Mộc.

4. Phủ TrấnTĩnh thuộc về Nghệ An.

Tháng 7 năm Mậu Tý (1828) “đặt 3 động (sau là huyện) Thâm Nguyên, Mộng Sơn, Yên Sơn làm phủ Trấn Tĩnh”[15] thuộc về Nghệ An.

5. Phủ Trấn Định thuộc về Nghệ An.

Tháng 5 năm Mậu Tý (1828), “Đổi châu Trịnh Cao phủ Ngọc Ma trấn Nghệ An làm phủ Trấn Định. Vẫn lấy 3 huyện Cam Cát, Cam Môn, Cam Linh cho thuộc vào”[16].

6. Phủ Lạc Biên thuộc về Nghệ An.

Tháng 7 năm Mậu Tý (1828), “Đặt Lạc Hoàn làm phủ Lạc Biên”[17] Trước đó, sử ghi: “Man Mục Đa Hán xin quy thuậnMục Đa Hán ở hai bờ sông Khung Giang (Mêkông), tiếp với Tam Động, Lạc Hoàn và Vạn Tượng chèn ép . . . Bèn đem phẩm vật địa phương đến cửa ải xin nội phụ”[18]. Trên bản đồ Pavie 1889, ghi thị trân Lakhôn (đọc Lạc Hôn) bên hữu ngạn dòng sông Mêkông, có lẽ Lạc Hoàn là đây. Vậy phủ Lạc Biên nằm ở cả hai bờ sông Mêkông .

7. Phủ Cam Lộ thuộc về Quảng Trị.

Tháng 11  năm Đ inh Hợi (1827), “đặt 9 châu và 15 tổng ở đạo Cam Lộ”[19]. Chín châu đó là Mường Vang, Nà Bôn, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mường Bổng, Làng Thìn. Cộng chung có 10.793 đinh và 922 sở ruộng. Lại đổi 2 nguồn Viên Kiệu, Tầm Linh, 5 sách, Làng Sen, La Miệt, Làng Thuận, Ả Nhi, Tầm Thanh, 6 tộc Làng Hạ, Tầm La, Làng Khống, Kỳ Thác Hương Bạn, Làng Lục, 2 nguồn Ô Giang Cổ Lâm thành 15 tổng gom thành châu Hướng Hóa thuộc về đạo (năm 1831 là phủ) Cam Lộ. Khi đạo đổi ra phủ thì các châu đổi thành huyện .

IV Thuộc quốc Nam Chưởng tại biên cương phía tây miền Bắc Trung bộ.

Tháng 9 năm Mậu Tý (1828), “nước Nam Chưởng đến Cống . . Nam Chưởng năm xưa quy phục rồi lại thôi, thực là mất cái lễ nước nhỏ thờ nước lớn. . . Đất nước Nam Chưởng đông giáp Trấn Ninh, nam giáp Vạn Tượng, tây giáp Xiêm La, bắc giáp Miền Điện. Dân chỉ có 7 mường, dân số không quá 2 vạn người, không có thuế điền, không có ngạch lính. Tục lấy tháng 10 làm đầu năm, chuộng sắc trắng, chợ búa mua bán lấy vỏ ốc thay tiền, người đều vẽ mình . . . Xăm hình chim muông . . , trong nước không có thợ rèn binh khí, giáo gươm súng ống đều mua từ ngoại quốc”[20]. Năm 1353 vua nước Lão Qua là Fa Ngum chiếm được nước Viên Kham (Viên Chăn – Vientiane) và thống nhất các bộ lạc Ai Lao ở tả ngạn sông Mêkông, dựng nên nước Lan Xang tức Nam Chưởng (thành Lão Qua tức Mường Luông Luang Prabang)[21].

V. Các tổ Chức dân tộc thiểu số tại biên cương phía tây miền Nam Trung bộ.

Vùng đất này bây giờ, gọi là Tây Nguyễn  gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đông, nằm ở phía tây các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhưng dưới thời Nguyễn, vùng Tây Nguyên  chưa chia thành tỉnh và miền Nam Trung bộ chỉ gồm 6 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Phần này sẽ chia làm 3 đoạn nghiên cứu:

1 ) Phía tây Quảng Nam, Quảng Ngài.

2) Phía tây Bình  Định, Phú Yên.

 3) Phía tây Khánh Hòa, Bình Thuận.

1. Rất khó thuần phục hết các dân tộc thiểu số ở phía tây Quảng Nam Quảng Ngãi.

Người Xơ Đăng và người Ca Tu ở phía tây Quảng Nam Người Đá Vách và người Tà Liêng ở phía tây Quảng Ngãi. Những tộc người này còn một số không thuần phục triều đình Huế, song vẫn giao thiệp và trao đổi hàng hóa với người Kinh.

Tháng 5 năm Ất Tỵ – Thiệu Trị thứ 5 (1845), hơn 400 người thiểu số “lẻn xuống nguồn Chiến Đàn giết người cướp của của dân buôn người Kinh” Nguồn Chiếu Đàn vừa là trạm thu thuế vừa là đồn biên phòng cai quản những buôn làng thượng đã quy phụ. Ở sâu hơn còn có một đồn thượng nguồn debị đánh cướp. Triều đình cho bãi binh ở đồn thượng nguồn, rút cả về đồn Chiến Đàn. “Người Kinh và người Man, đã quen buôn bán với nhau, nếu nhất khái câm chỉ, thì không những sinh ra cái hố gian, mà cũng không tỏ được cái ý thương dân như một của triều đình”[22].

Tháng 7 năm Giáp Thìn (1844), “bọn dân Man ở tỉnh Quảng Ngãi đã đâu hàng lại tụ họp đồ đảng đến hơn nghìn người kẻo xuống các đồn đánh phá và cướp bóc nhân dân và súc vật. Lãnh binh Nguyễn Vĩnh tả xung hữu đột đối phó, đuổi lấy về được những người và súc sản bị chúng bắt”[23]. “Nguyễn Vĩnh ở quân thứ Tĩnh Man phái người đi dụ 3 bộ lạc Ác Man, La Tru, Thuộc Vinh. . . Vua cho dụ Vĩnh rằng: Ngươi ở lâu chỗ biên thùy, thuộc hết tình hình dân Man. . . Nơi nào thực lòng hàng phục thì vỗ về yên ủi, e nếu ngoan ngạnh thì đánh đẹp đi.Nguyễn Vĩnh chia quân tiến đánh, đi qua các trại Minh Long, Suối Tía, đốt những chỗ tích tụ. Bọn Man dựa vào chỗ hiếm Bắn ra và thừa hư đánh úp, phá các đồn trong 4 cơ. Vĩnh lo vì không có gì để phòng thủ, đêm rút quân về... Triều đình bèn sai Đề đốc Quảng Ngãi là Tôn Thất Bật đem đại quân đi tiễu trừ. Bật chia đường kéo đại binh thẳng đến các trại Thuộc Vinh: đi đến đâu cũng đốt nhà và phá hủy thóc lúa của giặc . . . Sau đó vì mưa,lụt, nên rút quân về, ủy cho dân buôn và những người Man đã đầu hàng chia đi khắp nơi để chiêu dụ, báo cho chúng biết ý tốt của triều đình. Đoạn, các tù trưởng Man theo nhau đầu hàng đến 14 trại (Minh Long, Suối Tía, Làng Xanh, La Lưu, Thuộc Vinh, Ba Tê, Nước Tà, Làng Y, Nước Đương, Đồng Lầm, Nước Khâm, Lang Huy, Côn Nhục, Đinh Hé). Bật đều yên ủi vỗ về, thưởng cấp cho áo mặc, rồi tha cho về. Duy có một trại Tru Khê hãy  còn ngờ vực, sợ hãi, chưa đầu hàng”[24].

2. Hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá ở phía tây Bình Định Phú Yên.

Tháng 10  năm Tân Mùi (1751), “Thủy Xá – Hỏa Xá vào cống. Hai nước ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về phía tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy Xá ở phía đông núi, vua Hỏa Xá ở phía tây núi. Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì săm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến. Tới đây sai sứ sang cống. Chúa Võ – Nguyễn  Phước Khoát hậu từ rồi cho về”[25].

Theo bản đồ Taberd, dân mọi Đá Hàn sinh sống tại phía tây Phú Yên và mọi Đá Vách tại phía tây Bình Định. Theo nghiên cứu mới thì người Đê (Ra Đê), người Man (Gia Rai) làm chủ vùng này, suốt từ núi Trường Sơn tới quá sông Mêkông. Đầu năm Quý Hợi (1803) khi Gia Long vừa lên ngôi, hai nước Thủy Xá Hỏa Xá sai sứ đến xin quy phục, sứ giả đến Phú Yên. Đình thần tâu lên, vua sai ban áo gấm, xuyến ngà, rồi cho về”[26]Từ đấy Thủy Xá – Hỏa Xá luôn giữ lệ công hiến.

Tháng Giêng năm Kỷ Sửu – Minh Mệnh thứ 10 (1829) “nước Thủy Xá sai sứ đến thông khoản. . . Ban yến ủy lạo rồi cho về. Lại sai hỏi sứ giả rằng: Thủy Xá – Hỏa Xá vốn là một nước hay hai nước? Sứ giả đáp rằng mình là Hỏa Xá, quốc trưởng xưng là Hỏa Vương, không từng nghe có Thủy Xá, tên Thủy Xá là tự sứ trước phiên dịch nhầm. Từ đây nước ấy đến cống, xưng là Hỏa Xá”[27].

Tháng 3 năm Tân Sửu – Thiệu Trị thứ nhất (1841), “đổi lại danh hiệu hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá. Hai nước này xưa gọi Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành. Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lập cho con cháu vua nước ấy gọi là nước Nam Bàn ở phía tây núi Thạch Bi.(Nước Thủy Xá phía tây giáp nước Hỏa Xá, đông giáp đồn Phúc Sơn tỉnh Phú Yên và bọn Man chịu thuế ở Thạch Thành, bắc giáp bọn Man chưa quy phục ở Bình Định. Nước Hỏa Xá đông giáp Thủy Xá, tây giáp đất Sơn Phủ thành Trấn Tây (Kampuchia), bắc giáp bọn Man có bộ lạc nhất định). Khi bản triều mới bắt đầu dựng nước thường cứ 5 năm một lân sai sứ tiên cống (nước Hỏa Xá không thê tự đến được, phải phụ với nước Thủy Xá) . . . Thủy – Hỏa vôn là hai nước, nước Hỏa nhỏ mà ở xa, nước Thủy gần mà lại toHai nước Thủy Xá – Hỏa Xá chung với nhau bắt đầu từ đây”[28]

3. Các dân tộc phía tây Bình Thuận quy phục rất sớm.

Theo bản đô Taberd, phía tây Bình Thuận (nay gồm luôn Ninh Thuận), có người Mọi Vị, Mọi Bồ Vun, nước Stiêng cư ngụ. Theo tài liệu dân tộc học thì đó là người Kà Ho, Roglai, Châu Ro, Mạ, Stiêng, Nông,. ở rải rác tới sông Mêkông khắp vùng Lâm Đông – Đà Lạt, Đăk Nông, Đăk Lăk nay.

Tháng 5 năm Tân Sửu (1841), có “bảy sách Man chưa khai tên vào sổ chịu thuế ở tỉnh Bình Thuận. Đó là sách Kà Ho Ba Tốt, sách Kà Ho Ba Linh, sách Kà Ho Ba Liêu, sách Kà Ho Ba Nên, sách Kà Ho Ba Con, sách Kà Ho Ba Chú, sách Kà Ho Ba Tạc. Những sách này xin lệ thuộc vào triều đình. Truyền cho bảy sách ấy lệ thuộc vào huyện Đa Hòa đăng tên vào sổ chịu thuế”[29]. Bảy sách này ở trên địa bàn rất rộng và gồm nhiều sắc tộc khác nhau, không chỉ là người Ko Ho.

VI. Biên cương nước ta tại phía tây Nam bộ.

Phần này nghiên cứu hai đê tài : 1) Cương vực các tỉnh phía tây Nam bộ. -2) Vương quốc Chân Lạp (Kampuchia hay Cam Bốt) từng là thuộc quốc ở phía tây nam nước ta.

1. Cương vực các tỉnh phía tây Nam bộ.

Trước khi bị Pháp xâm chiếm, Nam kỳ chia ra 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trừ tỉnh Vĩnh Long, 5 tỉnh còn lại đều có biên giới phía tây giáp với Cam Bốt. Giữa Nam kỳ và Cam Bốt có vẽ 3 đường biên giới: a) Biên giới do sĩ quan Pháp nhận biết hồi năm 1861(frontière telle que d’abord percue par les officiers francais en 1861).b) biên giới định đoạt năm 1873 (frontière fixée en 1873). c) Biên giới theo các bản đồ vẽ năm 1909  (frontière selon l’Atlas en 1909)[30]

Với 3 đường biên giới nói trên, đường biên giới thứ 3 (c) phân ranh tỉnh Biên Hoà với Cam Bốt hầu như không có vấn đề gì Còn 2 đường biên giới thứ nhất (a) và thứ hai (b) phân ranh giữa các tỉnh Gia Định – Định Tường – An Giang – Hà Tiên với Cam Bốt, cho thấy chính quyền Pháp thuộc địa đã cắt một phần đất khá lớn của Việt Nam đưa sang Cam Bốt. Đây là vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm. Nhưng cũng là vấn đề lịch sử cần làm sáng  tỏ, mặc dầu chúng ta khẳng định phải tôn trọng các đường biên giới lịch sử giữa Việt Nam và các nước láng giêng đã ký kết dưới thời Pháp thuộc. Như biên giới Việt Nam – Cam Bốt đã quyết định năm 1873 và khẳng định theo hiệp ước về nguyên  tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDC Kampuchia ký ngày 20-7-1983.

Theo sách Gia Định thành thông chí[31] và Đại Nam nhất thống chi[32]vùng biên cương phía tây tỉnh Gia Định bị cắt một phần đất của huyện Tân Ninh thuộc phủ Tây Ninh đưa sang Cam Bốt, đây là phần đất mệnh danh Mỏ Vịt đâm sâu vào xứ Nam kỳ. Vùng biên cương phía tây tỉnh Định Tường bị cắt một phần đất của huyện Kiến Phong thuộc phủ Kiến Tường đưa sang Cam Bốt, đây là phần bưng biền của Đồng Tháp Mười rộng lớn. Vùng biên cương phía tây tỉnh An Giang bị cắt một phần đất của huyện Hà Âm thuộc phủ Tuy Biên (trước là phủ Tĩnh Biên) đưa sang Cam Bốt, đây là phân đất rộng lớn nằm dài trên phía bắc kinh Vĩnh Tế. Vùng biên cương phía tây tỉnh Hà Tiên bị cắt một phần đất của tổng Hà Nhuận thuộc huyện Hà Châu, phủ An Biên đưa sang Cam Bốt, đây là phần đất rộng lớn bao gồm núi Linh Quỳnh (cách biên giới ngày nay khoảng 25km) và cả miền duyên hải tới gần Vũng Thơm (Kompong Som)[33]. Đến nay chúng ta không biết cụ thể Pháp đã cắt đất của Việt Nam đưa sang Cam Bốt một diện tích tổng cộng bao nhiêu km2?

2. Nước Chân Lạp nay là Kampuchia, Cao Mên hay Cam Bốt từng là thuộc  quốc lớn củaViệt Nam ở biên cương phía tây nam.

Từ thế kỷ XVIII, Chân Lạp luôn là nước phiên thuộc của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Khi Gia Long vừa lên ngôi lập ra nhà Nguyễn và thống nhất đất nước, sứ thần các nước Chân Lạp, Xiêm La, Vạn Tượng, Nam Chưởng (cũng gọi là Lào Lung) đem quốc thư đen mừng (tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802)[34]

Tháng 4 năm Đinh Mão – Gia Long thứ 6 (1807), vua Chân Lạp mới xin cầu phong: vua Chân Lạp là Nặc Chăn sai bầy tôi là Oc-nha Vị Bôn Rạch đến xin phong. Vua y cho. Sai tham tri Binh bộ Ngô Nhân Tĩnh. . . mang sắc phong Chăn làm quốc vương (Ấn bạc mạ vàng. . . , lễ tuyên phong cử hành tại thành gỗ La Bích). Định 3 năm một lần cống, bắt đầu từ năm nay”[35]

Tháng 6 năm Kỷ Sửu – Minh Mệnh năm thứ 10 (1829), sau khi “Thống chế lãnh ấn Bảo hộ nước Chân Lạp. . . là Nguyễn Văn Thụy (Thoại) chết. . . Đặt quan Bảo hộ Chân Lạp văn võ đều 1 người. Lấy Thống chế Nguyễn Văn Tuyên lãnh ấn Bảo hộ nước Chân Lạp . . . và Tả tham tri Binh bộ là Bùi Đức Minh làm Hiệp đồng bảo hộ”[36].

Tháng giêng năm Ất Mùi (1835), cho “đổi đồn An Man ở Nam Vang làm thành Trấn Tây.Vua thấy thành Trấn Tây buổi đầu mới thiết lập, công việc bề bộn, sai bộ Lại chọn những viên chức . . . lây 20 người . . . cho đi theo Tống đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương để sai phái công việc . . . Bọn Giảng lại tâu xin đặt ở thành Trấn Tây 1 đội pháo thủ và 1 đội chăn voi. . . Vua y cho, rồi dụ sai mộ 1 000 dân ngoại tịch. . . đặt làm Trấn Tây tả vệ và Trấn Tây hữu vệ”[37]. vậy là thi hành chính sách trực trị hơn bảo hộ! Trấn Tây Thành cũng như Gia Định Thành hay Bắc Thành là một đơn vị hành chính lớn của cả nước Mọi việc quân dân chính đều thay đổi : Trương Minh Giảng làm Trấn Tây Thành Tướng quân, Lê Đại Cương làm Trấn Tây Thành Tham tán, Bùi Công Huyên làm Trấn Tây Thành Đề đốc. Toàn hạt Trấn Tây Thành đều dưới quyền cai quản của Giảng và Cương, không phải mang ấn và hàm bảo hộ nước Chân LạpToàn hạt Trấn Tây Thành chia ra 17 phủ với địa danh Việt hóa như Ba Nam, Hóa Di, Chân Thành, Tầm Vu…[38]

Trong 12 năm (1835 – 1847) trực trị Trấn Tây Thành không được ổn thỏa, một bộ phận vương triều và nhân dân Khơ me bất mãn lại có ý ngả theo Xiêm La. Đầu năm 1845, lão tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri đem quân sang xâm chiếm Trân Tây Thành và can thiệp vào chuyện phế lập trong triều đình Cao Miên. Thiệu Trị liền cho Đô thông Vũ Văn Giải làm Phủ biên tướng quân và Nguyễn Tri Phương làm Khâm sai đại thần kéo quân sang đối Phó với Chất Tri. Chất Tri xin điều đình bãi quân sau mấy trận chiến bại. Kết quả là: “Chuẩn cho sứ bộ (Cao Miên) tiến kinh (Huế), xét lòng thành thực có thể cho tập phong, noi theo lệ chế cũ, sai tuyên phong Ong Giun làm Cao Miên quốc vương, truy niệm nghiệp nhà. . . Nước người dựng lại, trả cả thổ địa, nhân dân. . . Làm việc nghĩa, dựng lại một nước đã mất; ra cái ơn, nối lại tôn tự không còn. Cho Cao Miên lâu giữ cõi xa, kính dâng lễ cống. Mới xuống chiếu kéo quân vê, tâu khúc nhạc khải hoàn” vào đầu năm 1847[39]. Thế là quy chế trực trị Trấn Tây Thành chấm dứt. Vương quốc Cao Miên lại trở về vị trí và nhận triều cống định kỳ.

Tóm lại, cương vực đất nước ta dưới triều Nguyễn  rộng lớn hơn bao giờ hết. Cương vực ấy đã được các văn bản pháp quy sổ sách địa bạ, bản đồ chính xác và cả công pháp quốc tế thừa nhận. Nhưng chính quyền thuộc địa Pháp đã cắt xén nhiều nghìn km2 diện tích cho lân bang và thành lập các quốc gia tự trị trên cơ sở các thuộc quốc của Việt Nam xưa, làm cho ranh giới nước ta bị thu hẹp rất nhiều. Tuy nhiên, ngày nay nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố vẫn tôn trọng các đường biên giới lịch sử ấy do quá khứ để lạiThiện chí của nhân dân và quốc gia Việt Nam thật đã rõ ràng.

 

[1] Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. Chính biên. T.III Viện Sử học phiên dịch Nxb Sử học Hà Nội, 1963 , tr. 169- 170.

[2]Như trên, tr.288.

[3] Đồng Khánh địa dư chí. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên , Philippe Papin dịch. XB : Viện Nghiên cứu Hán – Nôm. Ecole Francaise d’extrême-orient, Ecole Pratrque des Hautes Etudes. Nxb Thế Giới. Hà Nội, 2003. Tập I, tr.865-867.

[4] Như trên.

[5] Bonifacy, Les mines de 1a province de Tuyên Quang en 1861. Trong Revue Indochmoise. Hà Nội, 1912.

[6] Nguyễn Đình Đầu, Mấy nét về mỏ đồng Tụ Long của nước ta bị phong kiến Trung Quốc xâm chiếm. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 10- 1979, tr.28-32.

[7] Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh thành phố Việt Nam. Nxb Bản đồ. Hà Nội, 2005, tr. 15,

tỉnh Hà Giang, tỷ lệ 1 :650.000.

[8] Thực lục, Sđd, Tập X, tr.329-330.

[9] Lê Thành Khôi, Le Việt Nam. Histoire et civilisation. Les Editrons deMinuit. Paris, 1955.Bản đồ trích dẫn đặt tại trang 532 .

[10] Auguste Pavie, Atlas of the Pavie Mission (1879-1895). White Lotus press. Bangkok, 1990 tr. 2 .

[11] Thực lục, Sđd, Tập X, tr.323.

[12] Thực lục, Sđd. Tập IX, tr. 125.

[13]Như trên, tr.49.

[14] Như trên, tr.58.

[15] Như trên, tr.96 .

[16] Như trên, tr.59.

[17] Như trên, tr.97.

[18] Như trên, tr.86.

[19] A. Pavie, Sđd, tr.53.

[20]Thực lục, Sđd, Tập IX, tr. 115-116.

[21] Đào Duy Anh, Đất nước  Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 196.

[22] Thực lục, Sđd, Tập XXV, tr.291 -292.

[23] Như trên, tr. 101 – 103 .

[24] Như trên, tr. 132- 134.

[25] Như trên, Tập I, tr.214.

[26] Như trên, Tập III, tr. 122.

[27] Như trên, Tập IX, tr.212-213 .

[28] Như trên, Tập XXIII, tr. 115- 117.

[29] Như trên, Tập XXIII, tr.265-266.

[30] Philippe Langlet, Quách Thanh Tâm, Atlas historique des six provinces du sus du

Vietnam du milieu du XIXe au début du XXe siecle. Les Indes Savantes. Paris, 2001Bản

đồ trích trang 19.

[31] Trinh Hoài Đức, Gia Đình thành thông chí. Nxb Giáo dục, 1998.

[32] Quốc Sử quán, Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Vệt. Nguyễn Tạo dịch. Nxb

Nhà Văn hóa. Sài Gòn, 1 973 .

[33] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn. Hà Tiên. Nxb. TPHCM. 1994,

Tr. 185- 187.

[34] Thực lục, Sđd, Tập III, tr.45 và 65.

[35] Như trên, tr.347.

[36] Thực lục, sđd, Tập IX, trang 254-255.

[37] Như trên, Tập XVI, tr. 22.

[38] Như trên, Tập XVII, tr. 185.

[39] Như trên, Tập XXVI, tr.299-305.

Nguồn bài đăng

0