Huyền thoại Nelson Mandela
Ông Mandela nhậm chức Tổng thống Nam Phi năm 1994. Thùy Dương Hãy tưởng tượng bạn lớn lên ở một đất nước mà uống nước nhầm vòi cũng có thể bị tống giam; nơi mà bạn làm việc như hàng xóm nhưng chỉ vì màu da nên lương cả năm không bằng lương một tuần của anh ta; một đất nước mà ...
Thùy Dương
Hãy tưởng tượng bạn lớn lên ở một đất nước mà uống nước nhầm vòi cũng có thể bị tống giam; nơi mà bạn làm việc như hàng xóm nhưng chỉ vì màu da nên lương cả năm không bằng lương một tuần của anh ta; một đất nước mà chính phủ coi thường tổ tiên và lối sống của bạn. Đó chính là đất nước của Nelson Mandela, vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Lớn lên dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid hà khắc, thay vì cúi đầu trước sự bất công, Mandela đã trở thành một chiến binh quả cảm trong cuộc chiến giải phóng đất nước khỏi ách phân biệt chủng tộc. Trong cả quãng đời hoạt động của mình, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo được cả thế giới tôn vinh là “Người anh hùng vì tự do”.
Cậu bé Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918 trong ngôi làng Mvezo bé nhỏ trên bờ sông Mbashe ở Transkei, Nam Phi. Rolihlahla trong ngôn ngữ của người Bantu da đen ở Nam Phi có nghĩa đen là “kéo cành cây”, nhưng thông thường được hiểu là “người gây rắc rối”.
Cha của cậu bé Mandela là người đứng đầu bộ lạc ở Mvezo đồng thời là cố vấn của các trưởng tộc, nhưng mất cả hai chức tước và tài sản do không được lòng chính quyền thuộc địa. Lúc đó, Mandela mới vừa lọt lòng và đã buộc phải theo cả nhà đến ở làng Qunu, một ngôi làng còn nhỏ hơn nằm ở phía bắc Mvezo. Qunu chỉ có mấy trăm người, co cụm trong một thung lũng hẹp đầy cỏ cây, không có đường đi lại, chỉ có những con đường nhỏ nối các đồng cỏ với nhau.
Cả nhà Mandela phải sống trong ba cái lều vách trát bằng bùn, nhìn từ xa như những cái tổ ong. Trong ba cái lều, một dùng để nấu ăn, một để ngủ và một để làm nhà kho. Lối vào duy nhất là cái cửa thấp đến mức ra vào phải cúi khom người. Như những người cùng làng, gia đình Mandela phải lấy nước từ sông suối, ăn những thứ rẻ tiền như ngô, kê, bí ngô, đậu được nấu ngoài trời. Những gia đình giàu hơn còn mua được trà, cà phê và đường – những thứ xa xỉ ngoại lai với phần lớn người Qunu. Phụ nữ và trẻ con trong làng đều khoác trên mình những cái chăn nhuộm màu đất, chỉ vài người Thiên chúa giáo trong làng mặc những thứ quần áo “tây” hơn.
Ngay từ khi còn bé, phần lớn thời gian cậu bé Mandela dành để lang thang trên thảo nguyên, đánh lộn với lũ trẻ con cùng làng rồi tối đến lại ăn chung ngủ chung với những đứa trẻ đó. Mới lên 5 nhưng Mandela đã phải đi chăn cừu, chăn bê trên cánh đồng và cậu bé lấy đó làm thú vui. Trong lúc cừu và bê mải miết gặm cỏ, Mandela biết cách bắn chim bằng súng cao su, lấy mật ong và quả rừng, đào các loại rễ cây ăn được, uống dòng sữa ấm ngọt trực tiếp từ bò cái, bơi lội thỏa thích trong dòng suối trong mát lạnh. Sau những ngày chơi đùa mệt lả, Mandela về với túp lều nơi mẹ đang nấu ăn tối.
Cuộc sống của cậu bé Mandela được nhào nặn, vây quanh bởi phong tục, nghi lễ và những điều cấm kỵ. Con trai theo con đường mà cha đã dọn sẵn, con gái theo dấu chân của mẹ.
Mandela trở thành người đầu tiên trong gia đình được đến trường học. Ngày đầu tiên đi học, theo phong tục thời bấy giờ, cô giáo Mandela đã đặt cho cậu cái tên mới Nelson, theo người châu Âu – những người đã đặt chân đến Nam Phi từ thế kỷ 18 và chiếm mảnh đất này làm thuộc địa. Thay vì khoác một cái chăn như hàng ngày, Mandela lần đầu được mặc quần, một cái quần của cha được sửa lại.
Khi Mandela 9 tuổi, cha cậu chết vì bệnh phổi. Từ đó, cuộc đời cậu bé đột ngột thay đổi. Mandela được tù trưởng Jongintaba Dalindyebo nhận nuôi để tỏ lòng biết ơn người cha quá cố của cậu, người đã từng tiến cử ông làm tù trưởng.
Mandela nhanh chóng phải rời bỏ cuộc sống vô tư lự ở làng Qunu, thậm chí còn sợ rằng cậu sẽ không bao giờ được nhìn thấy ngôi làng của mình. Cậu được đưa đến Mqhekezweni, thủ phủ tỉnh Thembuland – nơi có dinh thự của tù trưởng. Dù trong lòng vẫn vấn vương làng cũ nhưng Mandela nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và phức tạp hơn ở Mqhekezweni. Ở đây, Mandela có địa vị và được đối xử như hai người con của tù trưởng Jongintaba là Justice và Nomafu.
Hàng ngày, Mandela đến trường học bên cạnh dinh thự, học tiếng Anh, lịch sử và địa lý. Trong chính khoảng thời gian này, Mandela đã tỏ ra quan tâm đến lịch sử châu Phi, những câu chuyện được các tù trưởng mang đến mỗi khi bàn việc tại dinh thự của cha nuôi. Cậu biết rằng người châu Phi đã sống khá yên bình cho đến khi người da trắng xuất hiện.
Theo lời các tù trưởng, trẻ con Nam Phi từng sống như anh em một nhà nhưng chính người da trắng đã phá vỡ mối quan hệ đó. Trong khi người da đen chia sẻ đất đai, không khí, nước uống với người da trắng thì người da trắng lại vơ hết về cho mình.
Khi 16 tuổi, Mandela tham gia nghi lễ truyền thống cắt bao quy đầu của người châu Phi cùng 25 cậu bé khác để đánh dấu thời điểm cậu chính thức trở thành một người lớn, một người đàn ông thực thụ. Nghi lễ này không chỉ là một ca phẫu thuật mà còn là một nghi lễ rất tỉ mỉ. Theo truyền thống châu Phi, một người đàn ông chưa trải qua nghi lễ này không thể thừa kế tài sản của cha, kết hôn hay tham gia các nghi lễ của bộ tộc.
Tâm trạng háo hức, vui mừng xen lẫn hồi hộp của Mandelan chợt chùng xuống khi tù trưởng Meligqili lên phát biểu trước “những người đàn ông mới lớn” rằng họ bị bắt làm nô lệ trong chính quê hương của mình, rằng mảnh đất của họ bị người da trắng xâm chiến, rằng họ sẽ không bao giờ có quyền làm chủ chính bản thân mình. Vị tù trưởng than vãn rằng những thanh niên trẻ chỉ lãng phí thời gian nếu họ chỉ sống và làm những nhiệm vụ vô hồn cho người da trắng. Về sau, Mandela thừa nhận rằng cậu không hoàn toàn hiểu những lời của tù trưởng, nhưng chính những lời đó lại hình thành trong cậu lòng quyết tâm mang về độc lập cho Nam Phi.
Mandela theo học trường nội trú Clarkebury của Hội giám lý và tìm thấy niềm đam mê học hành và tiến bộ rất nhanh. Năm 1939, Mandela vào học trường Đại học College of Fort Hare, trường đại học duy nhất dành cho người da đen ở Nam Phi bấy giờ. Fort Hare được coi như trường Oxford hay Harvard của Nam Phi, thu hút rất nhiều học giả từ mọi nơi ở vùng tiểu Sahara.
Ngay từ năm đầu đại học, Mandela đã tập trung học để trở thành một phiên dịch viên hoặc một thư ký – những nghề được coi là tốt nhất đối với một người da đen thời bấy giờ. Năm thứ hai, Mandela được bầu vào Hội đồng đại diện sinh viên (SRC).
Từ lâu, sinh viên vốn không hài lòng với đồ ăn ở trường và việc SRC không có thực quyền gì. Phần lớn sinh viên đã tuyên bố tẩy chay SRC nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Cùng quan điểm với đa số sinh viên, Mandela đã từ bỏ vị trí trong SRC, bị hiệu trưởng coi là bất hợp tác và đã trục xuất khỏi trường trong cả năm còn lại. Ông chỉ cho Mandela quay lại nếu chịu vào SRC. Lúc về nhà, cha nuôi của Mandela đã nổi giận, buộc anh phải nhận lỗi và quay lại trường vào mùa thu.
Chiến đấu không mệt mỏi
Vài tuần sau khi Nelson Mandela về nhà, tù trưởng Jongintaba (Regent) thông báo rằng ông đã sắp xếp một cuộc hôn nhân cho cậu con trai nuôi. Vị cha nuôi muốn đảm bảo rằng cuộc đời Mandela sẽ được lên kế hoạch đúng đắn và theo phong tục của bộ tộc, ông có quyền sắp đặt hôn nhân cho Mandela.
Quá sốc trước thông tin này, với cảm giác bị mắc kẹt và cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác, Mandela đã bỏ nhà trốn đến thành phố Johannesburg. Chàng thanh niên làm đủ mọi việc, từ bảo vệ cho đến thư ký trong khi vẫn hoàn thành nốt bằng cử nhân từ xa. Sau đó, anh đã ghi danh vào trường Đại học Witwatersrand ở Johannesburg để học luật.
Thời kỳ đó, Nam Phi chìm trong chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid hà khắc. Apartheid trong tiếng Hà Lan nghĩa là tách biệt, dùng để chỉ hệ thống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi giữa thiểu số người da trắng và phần đông người da đen trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Chế độ này trở thành chính sách phát triển chính thức của Nam Phi từ năm 1948 khi đảng Quốc gia lên nắm quyền.
Kể từ năm đó, hàng loạt đạo luật Apartheid đã ra đời. Theo những đạo luật này, người da đen đa số bị đối xử khác hẳn với người da trắng thiểu số. Người da đen không được kinh doanh hay hành nghề ở những khu vực dành riêng cho người da trắng trừ khi có phép. Các cơ sở giao thông và dân sự đều được phân chia rõ ràng. Xe buýt có loại dành cho người da trắng và người da đen. Điểm chờ xe buýt cũng riêng biệt. Tàu hỏa, bệnh viện, xe cứu hỏa dành cho người da trắng cũng tốt hơn dành cho người da đen. Hồ bơi công cộng, cầu đi bộ, chỗ đỗ xe, sân vườn, công viên, nhà vệ sinh công cộng, rạp chiếu phim… tất cả đều có biển chỉ dẫn “Dành cho người da đen” hoặc “Chỉ dành cho người da trắng”.
Không chỉ trong hoạt động xã hội, người da đen còn bị phân biệt đối xử và bị kỳ thị trong các hoạt động kinh tế, chính trị. Lương của người da trắng cao hơn rất nhiều người da đen. Người da đen bị ngăn cấm thành lập các liên đoàn thương mại và phải ở trong các khu nhà tập trung ổ chuột nghèo nàn, bị kiểm soát ngặt nghèo trong các ngành khai mỏ, nông trại, nhà máy…ở Nam Phi.
Chứng kiến cảnh bất công đó, Mandela sớm trở thành một người hoạt động tích cực trong phong trào chống chủ nghĩa Apartheid rồi gia nhập phong trào Đại hội Dân tộc Phi (ANC) năm 1942. Trong lòng ANC, một nhóm người châu Phi trẻ đã đoàn kết với nhau, gọi mình là Liên đoàn thanh niên của ANC (ANC Youth League) với mục tiêu biến ANC thành một phong trào quần chúng rộng rãi, tận dụng sức mạnh của hàng triệu nông dân và người lao động vốn không có tiếng nói dưới chế độ do người da trắng cầm quyền. Điều đặc biệt là, Liên đoàn thanh niên ANC cho rằng những biện pháp cũ của ANC là “kiến nghị lịch sự” không có hiệu quả.
Năm 1949, ANC chính thức áp dụng các phương pháp của Liên đoàn thanh niên gồm tẩy chay, đình công, bất hợp tác và bất phục tùng nhằm đạt được quyền công dân toàn diện, phân phối lại đất đai, quyền công đoàn, giáo dục bắt buộc và miễn phí cho mọi trẻ em.
Trong suốt 20 năm, Mandela đã chỉ đạo những hoạt động hòa bình, phi bạo lực chống lại chính phủ Nam Phi và chính sách phân biệt chủng tộc, nổi bật là hai chiến dịch năm 1952 và 1955.
Ông còn thành lập công ty luật Mandela & Tambo cùng với Oliver Tambo – một sinh viên ưu tú mà ông đã quen khi học ở trường Fort Hare. Công ty của ông cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí và giá rẻ cho những người da đen.
Năm 1956, Mandela và 150 người khác bị bắt và kết tội phản quốc vì các hoạt động chính trị của họ nhưng về sau được tuyên trắng án. Trong lúc đó, ANC gặp nhiều thách thức từ một nhóm gồm các nhà hoạt động người da đen – những người cho rằng biện pháp hòa bình của ANC là không có hiệu quả. Nhóm này tách ra khỏi ANC và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến ANC, làm mất đi một lực lượng hỗ trợ đáng kể.
Khi chính phủ Nam Phi cấm ANC hoạt động, Mandela đành phải rút vào bí mật. Một cuộc sống bí mật đòi hỏi ông phải cực kỳ cảnh giác, mọi hành động đều phải có kế hoạch, kể cả những việc nhỏ. Mandela đã rút ra được một điều rằng không tin bất kỳ điều gì nếu bạn là một người da đen ở Nam Phi, đặc biệt là khi bạn có một cuộc sống bí mật.
Trong thời gian này, Mandela đã trở thành một sinh vật của bóng đêm. Ông ẩn mình ban ngày và chỉ làm việc khi trời tối. Mọi công việc của ông chủ yếu ở Johannesburg nhưng ông cũng phải đi ra ngoài nếu cần thiết. Dù là người thích giao du nhưng ông thậm chí thích ở một mình hơn để có thể suy nghĩ, lên kế hoạch hành động. Tuy nhiên, có những lúc Mandela cảm thấy cực kỳ cô đơn và nhớ gia đình.
Cuộc sống bí mật đã khiến Mandela học được cách “vô hình”. Ông biết cách bước vào một căn phòng mà không bị ai chú ý. Ông không cắt tóc hay cạo râu và phần lớn thường đóng giả làm lái xe, đầu bếp hay người làm vườn. Ông thường mặc một bộ quần áo màu xanh da trời, kèm một cái mũ của người lái xe. Đóng giả một lái xe rất thuận tiện vì ông có thể đi lại và giả vờ đang lái xe cho ông chủ.
Có lúc Mandela đi cùng người Hồi giáo ở Cape, có lúc đi cùng công nhân đồn điền mía ở Natal, khi lại đồng hành cùng công nhân nhà máy ở cảng Elizabeth. Mandela đến rất nhiều thành phố khác nhau ở Nam Phi để tham gia các cuộc họp bí mật ban đêm. Ông thoắt ẩn thoắt hiện khiến cảnh sát rất tức giận.
Bản thân Mandela chưa bao giờ là một người lính, chưa bao giờ ra trận, chưa bao giờ chĩa súng vào kẻ thù nhưng lại được giao nhiệm vụ xây dựng một đội quân. Đó chính là một nhóm vũ trang của ANC có tên Umkhonto we Sizwe hay còn gọi là MK. Mandela sáng lập nhóm này để chuyên dùng các chiến thuật du kích và phá hoại nhằm chấm dứt chủ nghĩa Apartheid. Mandela đã không còn tin vào các biện pháp đấu tranh hòa bình như trước. Giờ đây, ông cho rằng phải đấu tranh bằng bạo lực mới có thể làm nên chuyện.
Ngày 26/6/1961 là Ngày Tự do của Nam Phi. Mandela đã gửi một bức thư cho báo chí, kêu gọi tổ chức một hội nghị hiến pháp toàn quốc. Ông tuyên bố nếu chính phủ không tổ chức hội nghị này, sẽ có một chiến dịch bất hợp tác trên quy mô toàn quốc. Mandela kêu gọi người dân: “Tôi sẽ sát cánh cùng các bạn chiến đấu chống lại chính phủ từng bước, cho đến khi giành chiến thắng. Các bạn sẽ làm gì? Các bạn có đến với chúng tôi hay sẽ hợp tác với chính phủ để đàn áp nguyện vọng và đòi hỏi của chính người dân nước bạn? Các bạn sẽ yên lặng và thờ ơ trong một vấn đề sống còn với người dân của chúng ta? Về phần tôi, tôi đã có lựa chọn của mình. Tôi sẽ không rời Nam Phi cũng sẽ không đầu hàng. Chỉ trải qua gian khó, hi sinh và hành động quân sự chúng ta mới giành được tự do. Cuộc đấu tranh này là cuộc đời tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì tự do cho đến ngày cuối cùng”.
Những thời khắc đen tối
Năm 1961, Mandela “đạo diễn” một cuộc đình công của công nhân toàn quốc trong 3 ngày. Ông đã bị bắt ngay năm sau đó vì đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đình công và bị kết án 5 năm tù. Năm 1963, ông lại bị đưa ra xét xử. Lần này, ông và 10 thủ lĩnh ANC bị kết án tù chung thân vì các tội danh liên quan đến chính trị.
Trong suốt 27 năm bị tù đày, Mandela bị giam trên đảo Robben tới 18 năm. Những năm tháng này là khoảng thời gian đen tối trong cuộc đời của Mandela. Ông từng viết: “Trong tù, bạn phải đối mặt với thời gian. Không có gì khủng khiếp hơn điều này”.
Bị giam trong phòng nhỏ hẹp, lấy sàn nhà là giường, phải lao động khổ sai, chỉ được tiếp một khách mỗi năm trong 30 phút, chỉ được viết và nhận một bức thư trong 6 tháng, nhưng cuộc sống tù đày trên đảo Robben đã trở thành môi trường tôi luyện Mandela. Bằng sự thông minh, tinh thần quyết chiến, Mandela đã đóng vai trò lãnh đạo bạn tù, trở thành ông chủ trong chính nhà tù của mình.
Một ngày tù của ông diễn ra như thế này: Ông và các tù nhân khác bị cai ngục đánh thức lúc 5 giờ 30 sáng nhưng mãi đến 6 giờ 45 mới được ra khỏi phòng giam sau khi đã lau phòng, gấp thảm và chăn. Tù nhân không có nước máy, không có nhà vệ sinh trong phòng giam. Thay vào đó là một cái xô vệ sinh bằng sắt đường kính khoảng 25 cm, có nắp đậy bằng sứ và lõm ở giữa để đựng nước dùng khi cạo râu, rửa mặt, rửa tay.
Khi được ra khỏi phòng giam, việc đầu tiên họ làm là đổ và rửa xô. Điều thú vị nhất trong khi làm việc này là có cơ hội để trao đổi với bạn tù vài tiếng, tất nhiên là phải khẽ khàng và nhanh chóng vì cai ngục không thích tù nhân lề mề.
Sau đó đến giờ ăn sáng. Trong vài tháng đầu tiên ở tù, Mandela và các tù nhân được các tù nhân thường mang bữa sáng đến tận phòng giam. Bữa sáng gồm cháo ngô đặc, ngũ cốc được đổ vào bát và đẩy qua chấn song phòng giam. Cũng giống như mọi thứ khác trong tù, khẩu phần ăn cũng có sự phân biệt đối xử. Nói chung, người da màu và người da đỏ được ăn ngon hơn một chút so với người châu Phi. Gọi là ngon hơn nhưng thực ra không có gì khác nhau đáng kể giữa một loại thức ăn có mùi vị khó chịu và một loại không thể ăn được.
Sau vài tháng đầu, tù nhân sẽ ăn ở khu vực sân. Trong bữa sáng, mỗi người được uống một cốc đựng một thứ dung dịch gọi là cà phê, nhưng thực tế đó là ngô nghiền rang cháy đen và pha với nước nóng.
Giữa bữa sáng, Mandela và các bạn tù có thể bị cai ngục bắt ngừng ăn, ra ngoài phòng giam để kiểm tra. Nếu ba khuy áo khoác kaki không được cài ngay ngắn, nếu không bỏ mũ xuống khi cai ngục đi qua, nếu không dọn phòng giam sạch sẽ, họ sẽ bị coi là vi phạm luật lệ nhà tù và bị phạt dưới hình thức giam biệt lập hoặc cắt bữa ăn.
Sau bữa ăn, tù nhân phải lao động khổ sai, phần lớn là đập đá trong sân nhà tù đến tận trưa mà không được nghỉ. Ăn trưa xong, họ phải làm việc đến tận 4 giờ chiều, rồi điểm danh, dọn dẹp, tắm táp bằng nước lạnh bất kể thời tiết.
Chính xác lúc 4 giờ 30 chiều, sẽ có một tiếng gõ lớn trên cánh cửa gỗ cuối hành lang báo hiệu bữa ăn tối sắp được đưa vào. Bữa tối là cháo ngô đặc, đôi khi được thả cà rốt hoặc bắp cải hay củ cải đường nhưng tù nhân thường phải tìm kỹ mới thấy. Tù nhân phải ăn cùng một loại đến hàng tuần, đến khi cà rốt và bắp cải đã héo mốc và họ chán đến tận cổ. Đôi khi họ được một mẩu thịt nhỏ trong bát cháo, nhưng phần lớn là sụn.
Những thứ mà Mandela và các tù nhân khác phải nếm thậm chí còn không đạt tiêu chuẩn của nhà tù. Nguyên do là các tù nhân làm nhiệm vụ nấu ăn thường giữ lại những thức ăn ngon nhất cho họ và bạn bè họ. Họ cũng nhặt riêng những thứ ngon để đút lót cai ngục.
Đúng 8 giờ tối, cai ngục đêm sẽ vào trong hành lang, khóa trái cửa lại và đưa chìa khóa qua một cái lỗ nhỏ cho cai ngục khác ở bên ngoài. Cai ngục này sẽ đi đi lại lại dọc hành lang ra lệnh cho tù nhân ngủ. Những ai đang dở học hành sẽ được đọc đến tận 10 hoặc 11 giờ. Một ngày tù tội đã kết thúc. Với Mandela, ông phải trải qua 18 năm đằng đẵng như thế.
Chế độ nhà tù Apartheid khắc nghiệt đến mức Mandela thậm chí không được phép dự đám tang khi mẹ đẻ và con trai cả qua đời. Trong thời gian đen tối trong tù, Mandela bị bệnh lao và do là một tù nhân chính trị da đen, ông chỉ được chữa trị ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, trước khi ra tù, Mandela đã học xong bằng cử nhân luật trường Đại học Luân Đôn theo chương trình học từ xa.
Trong một cuốn hồi ký năm 1981, điệp viên tình báo Nam Phi Gordon Winter tiết lộ rằng chính phủ Nam Phi âm mưu sắp xếp cho Mandela vượt ngục để định bắn chết ông trong lúc ông bị bắt lại. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị tình báo Anh phá tan.
Năm 1982, Mandela và các thủ lĩnh ANC bị đưa tới nhà tù Pollsmoor để tiện liên lạc với chính phủ Nam Phi. Năm 1985, Tổng thống P.W. Botha đã đề xuất thả tự do cho Mandela với điều kiện ông từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên, người tù da đen thẳng thừng bác bỏ đề nghị.
Trong khi Mandela và các thủ lĩnh khác của ANC bị tù đày hoặc phải sống lưu vong, thanh niên da đen Nam Phi đã làm mọi cách để chống lại nhà cầm quyền da trắng thiểu số. Họ coi Mandela là một biểu tượng không khuất phục trong cuộc phản kháng của người da đen.
Năm 1980, dưới sự lãnh đạo của ông Tambo, người từng chung văn phòng luật với Mandela và đang sống lưu vong, ANC đã phát động một chiến dịch quốc tế chống chế độ Apartheid và khéo léo hướng chiến dịch tới một mục tiêu duy nhất là đòi thả ông Mandela. Chiến dịch lên tới đỉnh điểm năm 1988 tại sân vận động Wembley ở Luân Đôn (Anh) khi khoảng 72.000 người và hàng triệu người xem TV trên toàn thế giới đã cùng hô vang “Hãy thả Nelson Mandela”.
Phong trào có sức mạnh lớn đến mức các lãnh đạo thế giới đã siết chặt lệnh trừng phạt chính quyền Nam Phi. Áp lực trong nước và quốc tế ngày càng lớn và đã có kết quả. Ngày 11/2/1990, Tổng thống Frederik Willem de Klerk đã ra lệnh thả Mandela, đồng thời tuyên bố bỏ lệnh cấm ANC, dỡ bỏ hạn chế đối với các nhóm chính trị và hủy hành quyết.
Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi
Sau khi được thả tự do, ông Nelson Mandela ngay lập tức kêu gọi các cường quốc không giảm áp lực với chính phủ Nam Phi để đòi cải cách hiến pháp. Một mặt, ông tuyên bố cam kết hướng tới hòa bình, mặt khác ông khẳng định cuộc đấu tranh vũ trang của ANC sẽ tiếp tục cho đến khi nào người da đen chiếm đa số ở Nam Phi được quyền bầu cử.
Năm 1991, ông Mandela được bầu làm chủ tịch đảng ANC, còn người bạn thân thiết và đồng nghiệp Oliver Tambo được bầu làm chủ tịch quốc gia. Mandela tiếp tục đàm phán với Tổng thống de Klerk về cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi. Người Nam Phi da trắng sẵn sàng chia sẻ quyền lực, tuy nhiên, nhiều người da đen muốn chuyển giao quyền lực hoàn toàn. Quá trình đàm phán thường xuyên căng thẳng và nhuốm màu bạo lực. Với cái tài của mình, Mandela đã phải cân bằng giữa một bên là áp lực chính trị và một bên là các cuộc đàm phán căng như dây đàn.
Nhờ nỗ lực hủy bỏ chế độ Apartheid, ông Mandela và Tổng thống de Klerk cùng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1993. Nỗ lực của họ đã có kết quả khi ngày 27/4/1994, Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Nelson Mandela đã nhậm chức tổng thống ngày 10/5/1994, trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, trong khi ông de Klerk đảm nhiệm chức phó tổng thống.
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Mandela đã thực hiện chuyển giao chế độ cầm quyền từ tay người da trắng thiểu số sang người da đen đa số. Ông đã tận dụng niềm đam mê thể thao của người Nam Phi để thúc đẩy hòa giải giữa người da đen và da trắng, khuyến khích người da đen ủng hộ đội bóng rugby quốc gia từng bị ghét bỏ. Tổng thống Mandela cũng có công lớn trong vực dậy nền kinh tế Nam Phi đang trên bờ sụp đổ.
Kể từ khi hết nhiệm kỳ tổng thống năm 1999, ông Mandela trở thành đại sứ cấp cao nhất của Nam Phi, đi đầu trong chiến dịch chống HIV/AIDS và giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup năm 2010. Ông cũng tham gia vào đàm phán hòa bình ở CHDC Cônggô, Burunđi và các nước khác ở châu Phi.
Năm 2004, ông Mandela rút lui khỏi công chúng để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình – thứ mà ông đã phải hi sinh để theo đuổi tham vọng chính trị của mình. Trong mối quan hệ với vợ mình, bà Winnie Madikizela, ông Madela đã cảm thấy cực kỳ có lỗi vì những gì mà vợ ông đã phải chịu đựng, ông hối tiếc vì đã không có thời gian chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, với một “chiến binh” như Mandela, vợ và gia đình luôn xếp thứ hai sau tình yêu lớn ông dành cho ANC và cuộc đấu tranh tự do.
Bà Winnie kết hôn với ông Mandela đúng vào thời điểm quan trọng trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Nam Phi. Cùng chung lý tưởng với ANC và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid, hai vợ chồng ông không thể tận hưởng một cuộc sống gia đình bình thường. Dù chịu nhiều áp lực nhưng tình yêu mà hai người dành cho nhau tiếp tục lớn dần.
Trong gần 20 năm sống đời tù nhân trên đảo Robben, đối với ông Mandela, Winnie là trụ cột hỗ trợ và niềm an ủi không thể thiếu. Bà chấp nhận gánh nặng nuôi dạy con cái một mình. Bà chịu đựng những cuộc khủng bố từ chính phủ da trắng và không bao giờ ngừng tin tưởng vào cuộc đấu tranh giành tự do của chồng. Sự ngoan cường của Winnie đã củng cố tình yêu, sự tôn trọng của ông Mandela và khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, căng thẳng nảy sinh do những khác biệt giữa ông Mandela và vợ đã khiến họ đi đến quyết định chia tay. Ông nói rằng quyết định chia tay không phải xuất phát từ việc bà Winnie ngoại tình.
Trong cuốn tự truyện, ông Mandela viết: “Có lẽ tôi bị lóa mắt trước một số điều nhất định vì phải chịu nỗi đau khi không thể hoàn thành vai trò của một người chồng với vợ tôi và người cha với các con tôi. Tôi cho rằng cuộc sống của vợ tôi khi tôi ở trong tù còn khó khăn hơn tôi, sự trở về của tôi cũng khó khăn với cô ấy hơn là với tôi. Cô ấy đã lấy một người mà người đó sẽ sớm rời bỏ cô ấy; người đàn ông đó trở thành thần thoại, và rồi thần thoại đó trở về nhà và xét cho cùng lại chỉ là một người đàn ông bình thường.
Như tôi về sau đã nói trong đám cưới của con gái Zindzi, dường như số mệnh của những người đấu tranh cho tự do là phải có cuộc sống cá nhân bất ổn. Khi cuộc đời của bạn là đấu tranh, giống như cuộc đời tôi, hầu như không còn chỗ cho gia đình. Đó luôn là hối tiếc lớn nhất của tôi và là phần đau đớn nhất trong lựa chọn của tôi”.
Ông nói trong đám cưới đó: “Chúng tôi chứng kiến con cái trưởng thành mà không có sự dìu dắt của chúng tôi. Và khi chúng tôi ra khỏi tù, con tôi nói chúng con nghĩ rằng chúng con có một người bố và một ngày nào đó bố sẽ quay về. Nhưng thật thất vọng, bố chúng con về và ông ấy bỏ chúng con một mình vì giờ ông ấy đã là người cha của cả dân tộc”.
Ông Mandela kết luận: “Là cha của cả dân tộc là một vinh dự lớn lao, là một người cha của gia đình là một niềm vui lớn hơn. Nhưng đó là niềm vui mà đến nay tôi có quá ít”.
Vào sinh nhật thứ 80, Nelson Mandela kết hôn với bà Graca Machel, quả phụ của cựu Tổng thống Môdămbích. Ông vẫn tiếp tục đi khắp thế giới, gặp gỡ các lãnh đạo, tham gia hội nghị và giành được nhiều giải thưởng. Phần lớn công việc của ông liên quan đến Tổ chức Mandela, một quỹ từ thiện mà ông thành lập
Nguồn bài đăng