18/06/2018, 15:56

Ngô Sĩ Liên Còn Có Ẩn Ý Nào Khác Chăng?

Vấn Đề Về Các Sự Phân Biệt Trong Thế Kỷ Mười Lăm Đền thờ Ngô Sĩ Liên O.W. WOLTERS NGÔ BẮC dịch Lời người dịch: Tác giả công trình nghiên cứu này — một học giả Tây Phương hàng đầu về lịch sử Việt Nam thời Lý-Trần-Lê – đã dùng lăng kính của chính trị ...

 Vấn Đề Về Các Sự Phân Biệt Trong Thế Kỷ Mười Lăm 

Đền thờ Ngô Sĩ Liên

Đền thờ Ngô Sĩ Liên

O.W. WOLTERS

NGÔ BẮC dịch

Lời người dịch: 

  1. Tác giả công trình nghiên cứu này — một học giả Tây Phương hàng đầu về lịch sử Việt Nam thời Lý-Trần-Lê – đã dùng lăng kính của chính trị thực tế (real politik) của Tây Phương để đối chiếu các lời giảng dạy về học thuyết chính trị chính thống của Đông Phương từ Mạnh Tử thời Trung Hoa cổ xưa với các lời bàn của Ngô Sĩ Liên, một sử gia Việt Nam hồi thế kỷ 15, ghi trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư khi soi chiếu vào các sự kiện chính trị trong lịch sử Việt Nam dưới thời nhà Trần.  Chúng ta có thể mệnh danh Ngô Sĩ Liên chính là Mạnh Tử của Việt Nam.
  2. Sử thần có nhiệm vụ quan trọng nhất là xác định một cách chân xác đâu là phải đâu là trái trong các hành vi của nhà lãnh đạo.  Sử thần cũng là thẩm quyền duy nhất được viết lịch sử chứ không phải là các hoàng đế.  Do đó, sử thần ở vào vị thế bắt buộc phải đứng về phía nhân dân, để nói tiếng nói của người dân nhằm kiềm chế các sự lạm dụng của các vị vua độc đoán.  Sử thần chính là một định chế dân chủ vô cùng đặc sắc trong các chế độ quân chủ chuyên chế thời cổ ở Đông Phương, chứng tỏ một sự khôn ngoan chính trị và trình độ tổ chức xã hội tinh vi so với các xã hội chính trị cùng thời đại tại các vùng đất khác trên hành tinh này.
  3. Ngô Sĩ Liên bắt buộc phải lên tiếng một cách nghiêm khắc trong các lời bình luận của ông, và chúng ta có thể hiểu được thông điệp có giá trị vĩnh cửu như lịch sử mà các sử thần như Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Thời Sĩ …  muốn nhắn nhủ đến các nhà lãnh đạo Việt Nam đương thời và tương lai như sau: “Mọi lời tán dương hay ho đến đâu trong lúc đang cầm quyền rồi cũng sẽ bị duyệt xét, lọc lựa bởi lịch sử sẽ chỉ ghi nhận công lao đích thực và sẽ kết tội rất rành mạch các hành vi xấu xa, hại dân, hại nước của các nhà lãnh đao.  Lịch sử bao giờ cũng có đôi mắt nghiêm khắc hơn người thường rất nhiều và sẽ chiếu rọi vào công và tội của nhà lãnh đạo đến muôn đời sau.”
  4. Để tiện việc tham khảo của người đọc, người dịch có trích lại các lời bàn của Ngô Sĩ Liên tương ứng với các phần trích dẫn trong bài viết nguyên thủy, từ bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội: Hà Nôi, 1998).

Ngô Sĩ Liên là một người Việt Nam tôn sùng nho học đến nỗi sự tán dương cao đẹp nhất mà ông không tiếc lời khen ngợi dành cho một nhà vua cầm quyền của Việt Nam rằng những thành quả của nhà vua không thể nào làm hay hơn được ngay dù bởi các vị hoàng đế Trung Hoa nổi danh nhất thời thương cổ.  Năm 1479 Ngô Sĩ Liên được cử nhiệm bởi vị hoàng đế của ông, Lê Thánh Tôn, để biên soạn bộ Sử Ký Biên Niên của Việt Nam.  Khoảng giữa của cùng thế kỷ này một sử gia khác, Phan Phu Tiên, đã sẵn biên tập Sử Biên Niên của Triều Đại nhà Trần (1226-1400), là thời khoảng mà tôi quan tâm đến nơi bài viết này.  Các lời bình luận của ông Ngô Sĩ Liên trong các quyển Sử Biên Niên Thời Nhà Trần nằm trong truyền thống viết sử Trung Hoa và nhằm dạy những bài học của quá khứ để giáo dục lớp người sống trong giai đoạn hiện tại và trong tương lai; phần lớn những gì ông viết nhằm đối chiếu những gì xảy ra ở Việt Nam với những sự việc được ghi chép trong sử sách Trung Hoa cổ thời — hầu như là luôn luôn bất lợi khi liên quan đến nhà Trần.(2) 

Những gì ông Ngô Sĩ Liên đọc thấy trong Biên Niên Sử Nhà Trần khiến ông lấy làm hối tiếc cho lịch sử cận đại của xứ sở ông là vì nó khó chứng minh được lời tuyên cáo là một quốc gia “có nghi vệ của một thiên triều” chính danh, được cai trị bởi một “Con Trời (Thiên Tử)”, một vị “hoàng đế”, và có thể so sánh trong mọi khía cạnh ngoại trừ về kích thước với một quốc gia có “nghi vệ thiên triều” duy nhất khác: Trung Hoa.  Các lời bàn của ông có thể mang ý nghĩa gì?  Các lời bình luận này có thể phát lộ một vài điều gì khác hơn là sự thông hiểu hiển nhiên của ông đối với học thuật cổ điển Trung Hoa và tài biến hóa của ông trong việc động viên sự thông hiểu này vào việc phê bình lịch sử nhà Trần?  Người ta phải cố gắng như thế nào để hiểu được một sử gia của hồi cuối thế kỷ 15 khi ông viết về một thời khoảng mới chỉ kết thúc chưa đầy một thế kỷ trước đó. 

Bẩy mươi hai lời bình luận của ông được viết theo văn phong mà tôi tìm cách mô tả như “ngôn ngữ răn dạy”, hay ngôn ngữ thích hợp cho việc xác định và phán đoán hành vi.  Chúng ta không được quên rằng, trong truyền thống chịu ảnh hưởng Trung Hoa mà ông Ngô Sĩ Liên đã chấp bút, một sử gia – và hơn nữa là một nhà biên soạn chính thức được bổ nhiệm – ít có nhiệm vụ nào kém nghiêm trọng hơn bằng việc xác định với sự chân xác những gì là đúng và sai.  Ngôn từ của ông Ngô Sĩ Liên đầy ắp các thành ngữ mang sẵn hàm ý như “bổn phận chính đáng”, “lòng nhân: humaneness”, hay “các mối quan hệ vợ chồng”, những thành ngữ làm liên tưởng tới sự thông thái cổ điển của Trung Hoa.  Bất kỳ khi nào có thể được, ông cảnh cáo rằng hành vi xấu xa trước sau gì cũng có quả báo. Ông, giống như người Việt đã làm từ nhiều thế kỷ, trích dẫn các tiết đoạn từ tác phẩm của Trung Hoa để mang lại sự hậu thuẫn hùng hồn cho các lời phát biểu của chính ông; các lời bàn của ông được nêm bằng các sự tham chiếu đến các triều đại và các nhà lãnh đạo của “Trung Hoa cổ thời” hay “các Thánh Hiền Xưa” hay “các “vị lão trượng”.  Thế nhưng công cụ giảng dạy chính yếu của ông – và là đặc điểm cơ cấu quan trọng của các lời bình luận – chính là việc ông thường đặt các châm ngôn khai tâm, được rút ra từ văn chương cổ điển của Trung Hoa, bên cạnh điều mà ông xem là các thí dụ của hành vi sai lạc của phía người Việt Nam.  Bằng cách này ông có thể làm nổi bật sự tương phản của các tiêu chuẩn hành động đứng đắn và sai sót.  Khi một lời bình luận chứa đựng một châm ngôn, nó tác động với ảnh hưởng giáo dục tối đa của châm ngôn và nhiều phần chứa đựng một đoạn văn chưa được nhận biết từ Mạnh Tử, bậc thầy về chính quyền.(3) 

Những lời bình luận của Ngô Sĩ Liên dựng lên một sự phê bình được xác minh, mãnh liệt cũng như dút khoát. Ông là một nhà giáo rõ rệt và thích phát biểu rằng một điều gì đó là không chính đáng hay sai lạc “một cách thái quá.” Ông ưa dùng các tán thán từ, một phương thức để chuyển đạt ấn tượng rằng ông đang ra sức quát tháo tôi để bày tỏ cảm giác của ông về sự xúc phạm.  Tôi cũng nghe được giọng nói của ông khi các lời bình luận của ông đòi hỏi tôi phải “chăm chú” hay “nhìn rõ” các mục khoản trong bộ Biên Niên Sử theo đó ông cảm thấy bắt buộc phải biểu lộ sự phẫn nộ của mình. 

Đây là một vài công cụ văn chương của ông giúp ông có thể phác họa câu chuyện của mình về triều đại nhà Trần.  Chuyện kể là một câu chuyện ảm đạm: sự lên ngôi bẩn thỉu của triều đại, thời cực thịnh ngắn ngủi, thời suy tàn kéo dài, và sự sụp đổ nhục nhã và có thể tiên đoán được.  Bẩy mươi hai lời bình luận của ông trên các tiết mục của Biên Niên Sử tượng trưng cho điều ông đang giảng dạy: làm sao đã không thành lập một triều đại có nghi vệ thiên triều, làm sao đã không cai trị, nhưng đã lại sụp đổ như thế nào. 

Thoạt nhìn các lời bình luận có thể mang vẻ tẻ nhạt khi chúng không mang nét khoa trương hoa mỹ.   Câu chuyện của bắt đầu với sự bất chấp đáng hổ thẹn của gia đình nhà Trần về sự đối xử “nhân đạo” và về các giềng mối quan hệ vợ chồng chính đáng khi, trong năm 1226 và các năm kế tiếp, nó đã nắm giữ và củng cố quyền kiểm soát quốc gia.

NgườI chú của vị hoàng đế thiếu nhi, kẻ dũng mãnh chế ngự những năm khởi đầu của triều đại mới, đã không ngần ngại cưỡng bách nhà vua sau cùng của triều đại nhà Lý trước đó phảI tự vẫn bất kể là ông ta đã thoái vi rồi và đã gả con gái cho Thái-tôn, vị hoang tử nhỏ tuổi nhà Trần được lựa chọn bởi gia đình để đăng quang lên ngai vàng bỏ trống (4).  Ngô Sĩ Liên, mang trong đầu đầy lời dạy dỗ của Mạnh Tử, kêu lên rằng đây là một “hành vi vô nhân đạo ngoại hạng.”(5)  Chính vì thế, triều đại đã được thiết lập bằng một hành động thí quân (giết vua: regicide).  Tệ hại hơn nữa, kẻ sát nhân lại lấy người vợ góa của nạn nhân và chôn sống các thành viên còn lại của gia đình họ Lý để cho nhân dân không còn nghĩ đến họ nữa. 

Tình tiết câu chuyện còn được bổ sung khi Ngô Sĩ Liên bắt đầu ghi nhận rằng sự vô đạo đức của nhà Trần không chỉ giới hạn ở sự đối xử của nó với dòng họ cai trị trước đó.  Ngay trong vòng các đoàn viên gia đình của chíng dòng họ nhà Trần cho thấy một sự không quan tâm đến các quan hệ con người chính đáng qua việc cưới gả một loạt các cuộc hôn nhân đáng kinh hãi.  Thí dụ, trong năm 1237 Thái Tôn bị thuyết phục bởi người chú, một Trần Thủ Độ dũng mãnh, để lấy bà vợ đang mang thai của người anh bởi vì bà ấy hiển nhiên có khả năng thụ thai và do đó cung cấp cho nhà vua một người kế ngôi; hai mươi mốt năm sau đó nhà vua gả người vợ cũ cho một bầy tôi như là một phần thưởng cho các chiến công trong cuộc chống xâm lăng lần đầu của quân Mông Cổ.  Tệ hơn nữa, các hoàng tử nhà Trần có thói quen lấy các quận chúa cùng họ nhà Trần.  Các quan hệ gia đình ô nhục này lại còn được bắt chước bởi các người khác.(1251/1) (a). 

Cũng có các sự suy đồi nghiêm trọng trong thuần phong mỹ tục của xã hội.  Ghi nhận cách cư xử phóng túng tại một yến tiệc của triều đình năm 1251, khi quan ngự sử đứng ra làm trò, Ngô Sĩ Liên than lên rằng: “Hãy nhìn xem điều này! Khi nhà vua và triều đình ông cùng mở tiệc vui chơi với nhau, họ không còn bị kiềm chế bởi các nghi lễ nữa … Không còn kỷ cương hạn chế.” Ông xúc động mạnh đến nỗi ông gia tăng cường độ cho ý kiến của mình bằng việc trích dẫn môn đồ của Khổng tử: “Một khi chính sự hòa đồng không được điều hòa bởi nghi lễ, sự việc vẫn sẽ đi đến chỗ sai quấy”(6). Ông Ngô Sĩ Liên tiếp tục nhấn mạnh rằng “nếu quan ngự sử không lên tiếng, điều này sẽ không trở thành một nguồn gốc của sự sai lầm trong Triều hay sao?”(1251/2) (b). Ông cảnh cáo về sự quả báo.

 

Khi đó, theo Ngô Sĩ Liên, các nguồn gốc của triều đại nhà Trần – tương ứng với thời trị vì đầu tiên – mang vết nhơ.(7)  Trong bốn mươi năm sau năm 1277, khi nhà vua cai tri đầu tiên mất đi, hồ sơ được cải thiện, và các lời bình luận của Ngô Sĩ Liên giờ đây nhắm tới điều mà ông xem như một vài đặc điểm đáng ngưỡng mộ, mặc dù ngắn ngủi, của triều chính nhà Trần giúp làm giảm nhẹ cho câu chuyện mặt khác vốn dĩ bẩn thỉu. Ông gán tầm quan trọng nhất cho việc cùng nhau “họp bàn” chuyện quốc sự.  Các hoàng đế “đã họp bàn” một cách thành công trong các cuộc chiến chống lại quân Mông Cổ hồi thập niên 1280.  Thời kỳ vui vẻ này, kéo dài mãi cho đến khi có sự băng hà của hoàng đế Anh tôn năm 1320, là giai đoạn duy nhất mà Ngô Sĩ Liên có thể ca ngợi Triều đình nhà Trần.  Các nhà cai trị thì năng động, và điều không kém quan trọng, là đã bổ nhiệm bầy tôi có tài năng.  

Nhưng đặc điểm đáng ghi nhận trong các lời bình luận của ông về thời kỳ ngắn ngủi này – và đặc điểm giải thích lý do tại sao ông Ngô Sĩ Liên phán định đó sẽ là thời cực thịnh của nền cai trị của nhà Trần – là sự trình bày của ông về chính hoàng đế Anh Tôn (1293-1320).  Chúng ta phải ghi nhớ trong đầu rằng phạm vi các lời bình luận của ông thường được giới hạn vào sự việc xảy ra có ghi chép trong Biên Niên Sử; ông phải vồ lấy tài liệu này để phục vụ cho mục đích giáo huấn của ông.(8)  Trong trường hợp vua Anh-tôn ông gom một vài chi tiết vô tình về tác phong của nhà vua để xây dựng một nhãn quan về một vị hoàng đế chính danh, và không còn chi tiết nào thích hợp hơn cho ông bằng một sự tường thuật dài dòng về tính say rượu của vua Anh-tôn.  Cha nhà vua đe dọa truất bỏ quyền kế ngôi của nhà vua, và nhà vua đã phải hối hận và sửa đổi.  Sự đáp ứng đầy hiếu thảo của nhà vua trước lời đe dọa đúng là loại chi tiết đã giúp cho Ngô Sĩ Liên giảng dạy đâu là ý nghĩa của một nhà cầm quyền lý tưởng. 

Lời bình luận của ông vào dịp băng hà của vua Anh-tôn năm 1320 bắt đầu với một châm ngôn được nói là của Mạnh Tử: “Có một thành ngữ quen thuộc, “Đế Quốc, nhà nước, gia đình.  Đế Quốc đặt căn bản ở nhà nước, nhà nước đặt căn bản ở gia đình, và gia đình đặt căn bản trên chính mỗi người.”(9)  Ngô Sĩ Liên tiếp tục nhấn mạnh rằng, khi gia đình được giáo huấn, người dân trong nước có thể chắc chắn được giáo huấn.”  Ngay cả dưới thời vua Nghiêu và vua Thuấn [các nhà cai trị trong truyền thuyết thời hoàng kim của Trung Hoa] cũng không làm hơn được điều này.”  Sau đó Ngô Sĩ Liên ghi nhận đoạn ghi trong Biên Niên Sử cho hay là một Anh tôn lúc thanh niên đã hứa với phụ hoàng là không bao giờ say rượu nữa, đoạn văn này một lần nữa giúp Ngô Sĩ Liên đem vua Anh-tôn ra so sánh với vua Nghiêu và vua Thuấn. Ông Ngô Sĩ Liên tiếp tục ca ngợi vua Anh-tôn về việc tôn kính tổ tiên.  Giờ đây, ông đưa ra một lời phát biểu quan trọng: “Bởi vì gia đình của Nhà Vua dưới sự lãnh đạo của Ngài đã đứng làm một gương mẫu toàn hảo, những người khác bên ngoài sẽ noi theo.  Chính quyền của Nhà Vua được giác ngộ hoàn toàn và thường dân được thịnh vượng vượt mức. Đây không phải là vì Nhà Vua đã rán sức tu thân làm nền tảng cho việc chỉnh đốn gia đình của Ngài hay sao?”  Ngô Sĩ Liên kết luận sự tán dương của mình bằng việc dành cho vua Anh tôn lời ca tụng cao cả nhất: “Liệu còn điều gì hơn điều này để có thể được bổ túc cho những gì đã được ngợi khen trong Kinh Thi và Kinh Thư [hai tác phẩm kinh điển vô cùng nổi tiếng của Trung Hoa] nữa hay không?” Chính với một nhiệt tình giáo dục như thế mà Ngô Sĩ Liên đã tìm cách tán tụng vua Anh tôn bằng cách tối đa hóa ý nghĩa của một vài chi tiết cá nhân khuất lấp đâu đó trong Biên Niên Sử [Toàn Thư]. 

Nhưng không phải mọi chuyện đều thỏa đáng ngay dù trong giai đoạn cực thịnh của nhà Trần.  Thí dụ, liên hệ đến một tang lễ lộn xộn năm 1310, Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng một triều đình, như một vấn đề nguyên tắc, cần giữ “sự nghiêm khắc hơn là khoan dung quá độ”.  Việc thiếu vinh danh các quả phụ thủ tiết — một thí dụ khác trong đó hành động chính đáng, cần có “để khuyến khích các thế hệ mai hâu noi theo,” (1295) (c) — đã bị lãng quên trong thời kỳ này.  Cha của vua Anh-tôn đã là một nhà cai trị tài ba hoạt động một cách thành công với người con thừa kế và bầy tôi trong giai đoạn có các cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ.  Song Ngài cũng có lỗi lầm: ông đã ẩn mình lui thân trong một tu viện Phật Giáo, một hành động không thích đáng cho những kẻ tôn trọng tác phong bình thường (1308) (d). 

Các khiếm khuyết đạo đức làm nhơ nhuốc các thập kỷ ban đầu của triều đại tái xuất hiện khi gia tộc cầm quyền bắt đầu tiến tới sự suy tàn sau khi có sự băng hà của vua Anh-tôn trong năm 1320. Các quan hệ tình dục vẫn tiếp tục đi sai đường so với các quy tắc của tác phong xã hội tốt lành.  Trong năm 1371 một công chúa nhà Trần, hãy còn trong thời hạn cư tang chính thức cho cái chết của người chồng, được gả cho Lê Quý Ly, anh em rể [ở một đoạn dưới lại nói là con rể, và theo sử sách là đúng hơn, chú của người dịch] của hoàng đế Nghệ Tôn và là kẻ tiếm ngôi trong tương lai: “Gạt bỏ sang một bên mối quan hệ vợ chồng là làm xáo trộn Đạo của Tam Cương ràng buộc con người.  Khi điều này xảy ra, đó chẳng phải là điềm báo trước cho sự nổi loạn sắp bùng nổ hay sao?”(10) Trong năm 1373 người vợ đã mất của vị hoàng đế được truy tặng cùng một tước hiệu vốn được phong cho một vị hoàng hậu từ hơn một thế kỷ trước đây.  Ngô Sĩ Liên cảm thấy sự xúc phạm: “Các vị Vua thời Ban Sơ [của nước Trung Hoa cổ xưa] đã lập ra các quy tắc và lễ tiết là nhằm phục vụ tình cảm của con người.  Khi xét đến danh hiêu truy tặng này, làm sao mà các tình cảm con người lại có thể thoải mái được? Đây là một sự vi phạm vô cùng trầm trọng các nghi thức và lễ tiết”. (11) 

Nhưng trầm trọng hơn là những sự việc xảy ra giờ đây mà Ngô Sĩ Liên cảm thấy bị bắt buộc phải bình luận.  Không chỉ có các cuộc hôn thú trong hoàng triều sau này gây tai tiếng; mà chính các hoàng đế cũng cẩu thả và đặc biệt trong việc dự liệu sự kế ngôi trong triều.  Một hoàng đế trong năm 1328, thay vì cứu xét nhiều giải pháp khác nhau được đề trình lên vua khi bà hoàng hậu của ông vẫn chưa sinh được đứa con kế ngôi, đã bị thuyết phục ra lệnh hạ sát cha vợ, là người đã khuyên nhà vua nên kiên nhẫn, và chỉ định đưa con trai của bà vợ thứ nhì làm kẻ kế vị.  Trong năm 1369 một hoàng đế khác đã băng hà mà không chỉ định một người kế vị và suýt nữa đã làm sụp đổ triều đại của mình bởi việc tạo cho kẻ muốn tiếm ngôi một cơ hội.  Quan trọng hơn về khi xét về khía cạnh an toàn của triều đại, hoàng đế Nghệ-tôn, người cai tri sống lâu sau cùng của nhà Trần, đã “khinh xuất” và đã không nhận thức được rằng người con rể của ông [bên trên ghi là anh em rể của nhà vua Nghệ tôn, chú của người dịch], có ý định tiếm ngôi.  “Những người khôn ngoan phải nhận thức sớm các ý đồ của bầy tôi bất trung” (1387) (e).  Cá tính của Nghệ tôn chất đầy mọi điều mà Ngô Sĩ Liên chán ghét.  Nhà Vua thì không đếm xỉa đến các quan hệ hôn nhân chính đáng; ông ta không cẩn trọng; ông ta không cương quyết; ông ta là một kẻ hèn nhát. 

Khi triều đại sắp sửa đi vào chỗ suy sụp, nhu cầu cần có bầy tôi có khả năng và trung thành sẽ có ảnh hưởng quan hệ nhất. Đây là bài học lịch sử mà các năm sau này của nhà Trần đã minh chứng một cách sống động nhất và là một vấn đề gây sự quan tâm lớn lao của Ngô Sĩ Liên.  Tuy nhiên, ông chỉ tìm thấy một thí dụ duy nhất về một bầy tôi có khả năng, Chu Văn An.(12)  Nhưng Chu Văn An lấy làm thất vọng và đã từ nhiệm.  Sự từ trần của ông này vào năm 1370 là một dịp cho Ngô Sĩ Liên đưa ra một trong các sự bình luận xúc động nhất và dài nhất.  Trong suốt bốn trăm năm của triều Lý và triều Trần, ông chỉ tìm thấy một bầy tôi duy nhất, dưới thời nhà Lý, là kẻ dành được “sự tín nhiệm của nhà vua cầm quyền.”  Ngô Sĩ Liên bắt lấy cơ hội để chê bai các loại tính tình của các quan chức Việt Nam: những kẻ tìm kiếm công trạng và tiếng tăm và những kẻ chạy theo bổng lộc làm lợi cho riêng mình.(13)  Ông không thể tìm thấy một người nào, ngoại trừ ông Chu Văn An, “là các kẻ quan tâm đến đạo đức khi hành động nhân danh nhà vua nhằm mang lại phúc lợi cho người dân.”(14) Tại đây Ngô Sĩ Liên trút bỏ trách nhiệm của ông trong việc xác định tiêu chuẩn của một chính quyền lương hảo. Ông làm như thế trong một lời bình luận khác rất dài, về sự việc trong năm 1328, khi ông phê bình hoàng đế đã tự mình làm việc cẩu thả trong sự chỉ định một người kế ngôi khi nghe theo một quan chức xấu.  Trong lời bình luận này ông định nghĩa một cách rõ ràng điều mà ông mong đợi nơi một quan chức bầy tôi: “hoàn toàn trung thực trong việc can gián để giúp nhà vua của mình trở thành một vua Nghiêu vua Thuấn.”(15)  Ông đã kết thúc lời bàn của ông về giai đoạn năm 1328 bằng một châm ngôn: “Do đó một nhà lãnh đạo, khi bổ nhiệm một người có tài năng vào một chức vụ, phải khảo sát người đó để người đó không biến thành một kẻ tiểu nhân.  Một kẻ “tiểu nhân” là mẫu người đối nghịch với một người “Quân Tử”, như được định nghĩa nhiều lần bởi Ngô Sĩ Liên.  Trong một lời bình luận liên quan đến năm 1025, “Quân Tử” thì trái ngược với nhà sư; nhà sư tuyên xưng có khả năng tiên tri, quay lưng với xã hội, cự tuyệt thế giới, và thiền định để đạt tới hòa bình.  Người Quân Tử không làm điều gì trong các điều này.  Liên quan đến năm 1378, khi một quan chức can đảm nguyền rủa một kẻ xâm lăng người Chàm và chết đi vì các vết thương của mình, Ngô Sĩ Liên, có lẽ đã phỏng theo một đoạn trong sách Mạnh Tử, xác định rằng “người Quân Tử không tham sinh úy tử”.(16)  Và một lần nữa, trong một lời bình luận về năm 1390 liên quan đến một hoàng thân nhà Trần, tên Nguyên Đán, một kẻ đã không hội đủ các tiêu chuẩn của Ngô Sĩ Liên, ông đã phát biểu như sau: “Tuân hành với điều phải và không mưu cầu tư lợi, hiểu được Đạo và không cậy công lao. Đây là tư tưởng của người Quân Tử”. (17)  Sau hết, “một kẻ không phải là người Quân Tử hành động cho lợi lộc của riêng mình” (1335/2) (f). 

Những gì mà Ngô Sĩ Liên giả thiết sẽ là sự hữu hiệu của tấm gương “người Quân Tứ” như thế?  Ngôn ngữ “giảng dạy” của ông – như dưới hình thức các châm ngôn, lời hùng biện, hay sự sử dụng các từ ngữ liên hệ đến việc giáo huấn – giúp ý kiến cho câu trả lời.  Các thí dụ lập lại nhiều lần phản ảnh sự quan tâm của ông về tác phong tốt lành; ba điều kiện đặc biệt nổi bật trong điều mà người ta có thể ám chỉ như mạng lưới tín hiệu của bẩy mười hai lời bình luận: sự tự kiềm chế cá nhân, một thái độ vô tư và mang tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia và xã tắc, và một sự quy định nghiêm ngặt mọi khía cạnh của các mối quan hệ chính trị và xã hội.  Trong thực tế, phần lớn ngôn ngữ giáo huấn được lập lại nhiều lần trong mạng lưới tín hiệu của Ngô Sĩ Liên có nghĩa sự hành sử sự kiểm soát cá nhân và công cộng hay sự quản trị các quy tắc và luật lệ,(18)   Nếu người ta đi tìm hai từ ngữ để chuyên chở sức mạnh trong ngôn ngữ giảng dạy của ông, hai chữ đó sẽ là “sự quy định: regulation” và “tính nghiêm ngặt: strictness”, các ý niệm được nhấn mạnh trong các sách vở cổ điển của Trung Hoa và được sử dụng nhiều lần bởi Ngô Sĩ Liên để biểu thị các giá trị mà các quan chức có học thức có thể tạo ra một ấn tượng như thế nào tại triều đình và trong xã hội với điều kiện rằng có tầng lớp “Quân Tử” hiện diện và các nhà lãnh đạo lắng nghe họ. Điều này không bao giờ xảy ra dưới thời nhà Trần. 

Tôi đã cố gắng để chuyển tải âm điệu trong các lời bình luận của Ngô Sĩ Liên về các đời vua nhà Trần.  Bây giờ tôi sẽ bắt đầu tìm hiểu xem có thể ông đã suy nghĩ ra sao. 

Trong mọi biến cố ông nhấn mạnh trong mọi dịp rằng, dưới thời nhà Trần, “thể diện bề ngoài” của xứ sở ông thì không thể chấp nhận được.  Nói đến “thể diện” tôi muốn nói là cách thức điều hành công việc của triều đình đã xuất hiện như thế nào dưới cặp mắt của một người luôn luôn so sánh một cách cáu kỉnh những gì ông ta nhìn thấy với những gì đã được ghi chép vào thời Trung Hoa cổ xưa.  Và như thế thỉnh thoảng ông lại thúc dục độc giả của mình hãy “chú ý” hay “xem xét” một số trích đoạn nào đó trong Biên Niên Sử: “Chú ý đến lời lẽ của quan Ngự Sử Quốc Kế. Các lời lẽ này không những chỉ có ý nghĩa nông cạn, mà còn thô tục nữa” (1290/2) (g). Đây là lý do tại sao văn bản của ông có pha trộn các thành ngữ như “bất chính”, “không đúng”, hay “sai lầm” và tại sao đôi khi ông còn nhấn mạnh thêm rằng một điều gì đó là “thái quá.” 

Song, dù hiếm hoi, khi “thể diện bề ngoài” giống như điều mà Ngô Sĩ Liên xem là đúng với các tiêu chuẩn được tuyên bố trong các sách vở Trung Hoa cổ thời, niềm hãnh diện của ông thật vô bờ.  Tán dương vua Anh-tôn, ông kêu lên: ““Liệu còn điều gì hơn điều này để có thể được bổ túc cho những gì đã được ngợi khen trong Kinh Thi và Kinh Thư nữa hay không?” (1320/2) (h).  Ngô Sĩ Liên luôn luôn mong muốn quốc gia của ông mang vẻ phù hợp với các tiêu chuẩn trong sách vở của Trung Hoa, và các quan chức trong thời nhà Trần cần phảI được nhấn mạnh về điều này.  Họ đã không làm như thế, và thể diện của triều đình đã bị tổn thương một cách trầm trọng.  Sự hiện diện của các quan chức xấu xa luôn luôn làm nhơ nhuốc thể diện của triều đình, và đã có quá nhiều những người như thế dưới thời nhà Trần.  Liệu ngay tại chính Trung Hoa có nhiều quan chức có từng ứng xử ở bất kỳ thời điểm nào mà Ngô Sĩ Liên giả định rằng di sản cổ điển của họ đã thuyết phục họ hành động như thế hay không là một vấn đề mà tôi không thể có ý kiến gì cả. 

Sự quan tâm của Ngô Sĩ Liên đến “sĩ diện” có thể không gì khác hơn là vì tính khí tầm thường và gàn dở.  Song tôi tin rằng có điều gì quan trọng ở nơi đó. 

Ngay từ thế kỷ thứ mười ba, “bề ngoài” của triều đình đã được gán cho một ý nghĩa quan trọng.  Bị chế ngạo bởi các lời tuyên bố xác nhận chủ quyền của Kublai Khan (Thành Cát Tư Hãn), sử thần Lê Văn Hưu, với sự tán thành của triều đình, đã khẳng định quy chế độc lập của Việt Nam bằng cách gắn chặt vào một sự nhìn nhận của Trung Hoa trong một văn bản cổ xưa rằng một sứ quân Trung Hoa tại thành phố Quảng Châu (Canton) (kẻ mất năm 137 trước Dương Lịch và đã được tôn vinh như kẻ đã thành lập ra “đế quốc” Việt Nam) thống trị một triều đình có cỗ xe ngựa làm lễ được chế tạo y như cỗ xe của hoàng đế nhà Hán và bởi thế mang ý nghĩa chỉ quy chế đế quốc độc lập của sứ quân thành Quảng Châu.(19)  Thể diện bên ngoài của một thiên triều đế quốc và đặc biệt sự tuyên nhận đế hiệu đã là, và có lẽ đã xảy ra từ lâu, các ẩn dụ cho sự độc lập và có thể là một sự bảo đảm cho một hệ thống chính quyền bền bỉ và được giả định là mạnh mẽ vốn được củng cố bởi ý niệm về triều đại của Trung Hoa. 

Vào thời điểm của ông Ngô Sĩ Liên, hai thế kỷ sau đó, khái niệm khá hạn chế này về ý nghĩa của một “nghi vệ thiên triều” được xem là chuyện đương nhiên.(20)  Định nghĩa của Ngô Sĩ Liên vượt quá bối cảnh của các quan hệ đối ngoại và đã mọc thêm nhiều nhánh khác. Ông đã lượng giá tác phong cá nhân của gia tộc cầm quyền cùng các quan chức của nó và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gương mẫu của nhà lãnh đạo.  Quốc thể phải được phán đoán từ bên trong xứ sở. 

Bây giờ tôi sẽ bước qua giai đoạn xa hơn để tìm hiểu ý nghĩa trong các lời bình luận của Ngô Sĩ Liên.  Tôi nghĩ rằng ông muốn nhấn mạnh rằng thể diện chính danh của chính thể Việt Nam sẽ phản ảnh sức mạnh nội tại.  Triong thế kỷ thứ mười ba, theo sử thần Lê Văn Hưu, sự an toàn của một xứ sở tùy thuộc vào các quan hệ ngoại giao khôn ngoan với Trung Hoa, có nghĩa vẫn triều cống trong khi giả bộ rằng điều đó không thành vấn đề.  Trong nhãn quan của Ngô Sĩ Liên, còn cần đến rất nhiều yếu tố khác nữa, và ông triển khai sâu rộng mối liên hệ giữa thể diện và sức mạnh để bao gồm gương mẫu đạo đức của một gia tộc cầm quyền có kỷ cương, sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo và các quan chức, và hậu quả đối với xã hội có một triều đình quân chủ, được quy định nghiêm ngặt, tuân hành các tiêu chuẩn khả dĩ chấp nhận được cho tác phong đã đặt ra trong kinh điển Khổng học Trung Hoa.  Bất kỳ người nào quen thuộc với sự giáo huấn Trung Hoa về thái độ đàng hoàng và thuần phong xã hội, như ông Ngô Sĩ Liên, sẽ không khó khăn trong việc liên kết giữa các nghi thức và lễ tiết với sự kiềm chế các xúc cảm của con người và kỷ cương xã hôi. (21)  Và chính vì thế mà các nút xoắn (tao) trong mạng lưới tín hiệu  của Ngô Sĩ Liên lại thường mang ý nghĩa “sự quy định” và “tính nghiêm ngăt.” 

“Thể diện” giờ đây trở nên tương đương với một chính quyền và quốc gia có kỷ cương, và bằng chứng là, trong lời bình luận của Ngô Sĩ Liên, tác phong vô đạo đức hay một cách nào khác bất chính luôn luôn mang lại sự quả báo và làm suy yếu xứ sở. Ông Trời đã trừng phạt hành động thí quân đi liền với sự lên ngôi của nhà Trần bằng sự tự sát của nhà vua cuối cùng của nhà Trần (1226/1) (i). Các tước hiệu tạo ra thể diện; vì thế Ngô Sĩ Liên đã phản đối một tước hiệu vinh danh bất thường được phong cho người anh của vị vua đầu tiên trong năm 1234 và nêu ý kiến rằng chính vào lúc đó mà người anh đã bắt đầu nung nấu các ý định phản bội (trong thực tế, vì hoàng huynh này đã nổi loạn vài năm sau đó bởi nhà vua đã cưỡng hôn người vợ đang mang thai của ông).  Hay một lần nữa, trong thế kỷ thứ mười bốn, sự chỉ định các người kế ngôi vương triều mà, trong nhãn quan của Ngô Sĩ Liên, đã thực hiện cẩu thả, sai lầm, hay trì hoãn một cách đầy nguy hiểm.  Không một thiên triều chính danh nào, theo Ngô Sĩ Liên, lại không có một người kế ngôi được chỉ định càng sớm càng tốt.(22) 

Một nguồn gốc khác và đặc biệt nghiêm trọng của sự yếu kém được gắn liền với thể diện không toàn hảo của triều đình là sự vắng mặt của các quan chức sẵn sàng can gián nhà vua không chấp thuận các biện pháp sẽ làm phương hại đến nhà vua: “Các lời trung thực luôn luôn làm chói tai nhà vua nhưng cũng luôn luôn có ích cho nhà vua.” (1377) (j) Ông đưa ra một thí dụ như một vị hoàng đế đã không đếm xỉa đến các lời can gián như thế và đã bị giết chết trong một cuộc chiến tranh mà đúng ra không bao giờ nên khởi chiến.  Ngô Sĩ Liên gán cho các sự chiến thắng trước quân Mông Cổ không phải dựa nhiều trên lòng can đảm mà trên sự hoạch định chung của các nhà lãnh đạo với các quan chức, một loại chính quyền được ước định hiện diện trong một thiên triều chính danh.  Từ quan điểm của ông, các cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ đã là các thử thách tối cao cho sức mạnh của Việt Nam dưới triều nhà Trần và đã được đối phó với sức mạnh tối đa của xứ sở, biểu thị bằng sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo và các quan chức họp bàn cùng nhau.  “Sự đoàn kết” là “tài sản quý giá” của quốc gia và khích lệ quần chúng tuân phục: “Nó là căn bản của chính quyền vương đạo”.(23)  Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng người thành lập triều đại của chính mình hiểu được điều này khi ông cho phép các tù binh Mông Cổ được hồi hương, trong khi Hưng Đạo vương, vị anh hùng trong các cuộc chiến tranh chống quân Mông Cổ, đã giết chết các tù nhân Mông Cổ mà ông đã hứa sẽ gửi họ về nước .  Hay một lần nữa, khi một quan ngự sử trong triều đã không can gián trong một dịp triều đình phóng túng, điều này sẽ là một nguyên uỷ của tội lỗi, (1251/2) 

Sự liên kết sức mạnh với thể diện có thể chấp nhận được của ông Ngô Sĩ Liên được biểu thị một cách sâu sắc nhất trong những thập kỷ sau cùng của thời trị vì của nhà Trần, khi triều đại và xứ sở bị cai trị bởi một hoàng đế yếu kém, vua Nghệ tôn, là kẻ đã thả lỏng sự kiểm soát của ông trên chính quyền ngay dù xứ sở bị dày xéo bởi các cuộc xâm lăng từ người Chàm ở phương nam và một kẻ thoán ngôi đang rình rập bên cạnh.  Trong năm 1379 các của cải quý giá được đem đi dấu trong vùng đồi núi xa xôi để bảo vệ chống lại người Chàm.  Ngô Sĩ Liên bày tỏ sự chán ghét của mình bằng cách vẽ ra mà không chú dẫn từ bản phác thảo của Mạnh Tử về một nhà lãnh đạo giỏi giang.  Khi vị Thiên Tử thịnh trị, Ngô Sĩ  Liên khẳng định “kho lúa của nhà vua đầy lẫm”.  Mạnh Tử và Ngô Sĩ Liên tiếp tục: “Một nhà lãnh đạo lợi dụng thời bình để giải thích luật lệ cho dân chúng.” (24)  Ngô Sĩ Liên lần nữa mượn lời từ Mạnh Tử để giảng dạy rằng một Thiên Tử phải được chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.(25)  Mức độ vay mượn của Ngô Sĩ Liên từ Mạnh Tử được phản ảnh trong cung cách mà ông kết luận sự mô tả của mình về vị Thiên Tử đích thực: một nhà lãnh đạo như thế sẽ không bị đối xử bằng sự “xấc láo”, (26)  Nghệ-tôn là một ông Con Trời rất khác biệt, và sự phán đoán của Ngô Sĩ Liên thì tàn nhẫn.  Sau khi trích đoạn về việc di chuyển ngân khố đến nơi an toàn, ông kết luận rằng các thế hệ sau này sẽ chế nhạo và xem là “không còn người [giỏi] nào trong quốc gia.” Ông bày tỏ sự buồn phiền với sự hồi tưởng mặc nhiên bài ai điếu của Ch’u Yuan [Chu Nguyển] khi đối diện với nỗi sầu muộn. (27) 

Lời bình luận của Ngô Sĩ Liên về sự kiện năm 1379 biểu trưng sự giảng dạy của ông một cách sống động.  Một thiên tử đích thực – và mỗi nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn tuyên nhận mình như thế — phải được xác định theo các tiêu chuẩn đã nêu ra từ Trung Hoa cổ thời.  Khi đó nhà lãnh đạo trở nên mạnh mẽ bởi vì ông cưỡng hành luật lệ và chuẩn bị xứ sở sẵn sàng đối phó với các tình trạng khẩn cấp.  Thể diện của một quốc gia như thế sẽ không tạo ra sự diễu cợt. (28) 

Sự nhận định của tôi về ý nghĩa trong các lời bàn của Ngô Sĩ Liên có thể đi quá xa và không thuyết phục.  Thí dụ, liệu Ngô Sĩ Liên có thực sự đúng trong việc phàn nàn rằng sự mai táng một vị hoàng đế đã bị trì hoãn trong bốn năm trong khi đúng ra phải được lo liệu bẩy tháng sau khi băng hà? (29) Điều này đã có thể xảy ra tại Trung Hoa nhưng chắc chắn không có tại Việt Nam.  Liệu sự liên kết thể diện với sức mạnh của Ngô Sĩ Liên chỉ nói về sự tốt mã bề ngoài không thôi hay sao?  Hay là liệu ông còn ẩn ý nào khác nữa? 

Dĩ nhiên, Ngô Sĩ Liên có thể hiểu lầm và đè nén hoàn cảnh lịch sử thời nhà Trần bởi vì, vào thời điểm của ông, một khoảng trống văn hóa đã được tạo ra giữa ông và quá khứ như là một hậu quả của một loại giáo dục và chính quyền mới, bởi có sự chiếm đóng của nhà Minh hồi đầu thế kỷ thứ 15.(30)  Trong một lời bình luận, ông ca ngợi Chu Hsi [Chu Hy ?] về việc cứu vãn các sự giảng dạy của Khổng học ra khỏi tình trạng đổ vỡ sau khi Mạnh Tử chết đi (1396).  Nếu điều này là đúng tôi sẽ phải đọc các lời bình luận của ông như thế nào, ý định của ông sẽ chỉ đơn giản để phê bình gay gắt triều đại trước bằng cách hướng sự công kích dữ dội của ông chống lại điều mà ông xem là có vẻ không phù hợp với Khổng học hay sao.  Nếu đúng như thế, tôi có thể xem nhẹ ông như một nhà thông thái rởm đời ưa soi mói, một nguồn tư liệu về Việt Nam thời thế kỷ thứ 15 chứ nhất định không phải là một sử gia. 

Nhưng có một cách đọc khác.  Ngô Sĩ Liên đã quá hiểu rõ tình trạng thời nhà Trần bởi vì ông là một người Việt Nam có học thức, người mà các ký ức về quá khứ gần cận, sự thụ huấn, và chức nghiệp đã gắn ông một cách vững chắc vào nền văn hóa của ông.  Nếu như thế, ý định của ông sẽ nhằm cảnh cáo các người đồng thời, y như Biên Niên Sử nhà Trần đã cảnh báo ông, rằng những gì ông xem là các khuyết điểm trong phong cách của sinh hoạt công trước đây tự chúng có thể được tái xác lập bất kỳ khi nào.  Nếu đây là điều mà ông đã lo sợ có thể xảy ra, ông sẽ bị bắt buộc phải nhấn mạnh rằng xứ sở bị tai ương bởi các tính chất cố hữu, được biểu thị một cách khích mục trong sử ký nhà Trần.  Một sự hiểu biết về ý định của ông theo đường hướng này sẽ giải thích cho cường độ mãnh liệt trong các lời bàn của ông và sự nhấn mạnh của ông vào sự quả báo khi tác phong không được chính đáng.  Nói cách khác, thay vì là một một kẻ quấy rầy cáu kỉnh, ông sẽ trở thành một nguồn tư liệu đặc biệt để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam trong các giai đoạn trước đây. 

Và như thế, câu hỏi bây giờ có thể là: Ngô Sĩ Liên có thể còn có ẩn ý nào khác nữa chăng? Đặt câu hỏi một cách khác, liệu người ta có thể nhìn xuyên qua “bề ngoài” đã ám ảnh ông và nhận thức ra, ít nhất trong đường nét đại cương, một vài điều gì đó mà, không quá xa với thời đại của Ngô Sĩ Liên, có thể tương ứng với “tư cách” của Việt Nam hay không? Từ ngữ “tư cách: countenace” hấp dẫn tôi bởi vì ngữ căn của nó hàm ý “cùng nhau gìn giữ”.  Trong bối cảnh này, làm thế nào mà hệ thống trước đây đã “trì thủ (maintain)” (giữ trong tay) được một hình thái chính quyền cá biệt, đã kết hợp, lý luận, và hoạt động được và có thể làm như thế mà không cần đến sự yểm trợ mà Ngô Sĩ Liên mong muốn đem lại cho nó sao cho nó sẽ là “một quốc gia thiên tử chính danh”?  Có lẽ Ngô Sĩ Liên đã có thể phê bình “thể diện” và, cùng một lúc, vạch ra các điểm nổi bật của “tư cách.” 

Tôi sẽ nghĩ rằng điều mà Ngô Sĩ Liên phàn nàn không phải là những sự sai trật khỏi những tiêu chuẩn Trung Hoa vốn sẵn được thiết lập nhưng hày còn che dấu một cách sơ sài các dấu hiệu của một tình trạng văn hóa kiên trì tồn tại trong nhiều thế kỷ ở Việt Nam bất kể đến mối quan hệ lâu dài với Trung Hoa.  Điều mà Ngô Sĩ Liên, từ một quan điểm “Khổng học” của hồi cuối thế kỷ thứ 15, đã nhìn như các khuyết điểm, thay vào đó, phải được xem như các dấu hiệu của một chính thể Việt Nam cấu kết theo truyền thộng  Liệu chính thể đó mạnh hay yếu không phải ở đây cũng như không ở nơi khác hay chăng. Đó là vấn đề của Ngô Sĩ Liên, chứ không phải của tôi, mặc dù tôi không thể không ghi nhận rằng, theo các Biên Niên Sử, kẻ nổi loạn sống sót sau cùng của thờI Lý đã nhìn thấy điềm gở và đã thần phục trong vào ba năm sau sự nắm quyền của gia tộc nhà Trần.  Người chép sử biên niên đã gán ý nghĩa đầy đủ cho biến cố này khi ông ta bổ túc bằng một vài từ ngữ của chính mình: “Đế quốc lại quy về một”, (31)  Mười bảy năm sau đó một cuộc kiểm tra dân số trên toàn quốc đã được hoàn tất trong hai tháng.  Và, dĩ nhiên, quân Mông Cổ đã ba lần bị tống xuất.  Chính thể mà Ngô Sĩ Liên chỉ trích đã có khả năng cung cấp sự lãnh đạo.  Như thế, liệu Ngô Sĩ Liên còn có ẩn ý nào khác nữa chăng? 

Trước tiên tôi muốn nhắc nhở về đặc điểm cơ cấu quan trọng trong các lời bình luận của Ngô Sĩ Liên: đặt để các châm ngôn giáo hóa Trung Hoa bên cạnh các thí dụ của tác phong sai lac.  Tôi đã mô tả các ngôn ngữ sư phạm của các châm ngôn như một màng lưới phát tín hiệu, bao gồm ngôn ngữ của việc hoạch định, quy định (nếu cần, quy định nghiêm ngặt), sự kiềm chế, và một quy tắc hành động vô tư lợi trong một thế giới khách quan và hợp lý.  Loại thái độ tập thể cũng như cá nhân này, được phê chuẩn bởi các sách vở Trung Hoa, sẽ, trong cái nhìn của Ngô Sĩ Liên, là toa thuốc cho một chính phủ lành mạnh và hữu hiệu.  Trong thực tế, ở một lời bàn ông có trích dẫn Mạnh Tử khi phát biểu rằng “không ai phạm phải sai lầm khi tuân theo các thí dụ của các Nhà Vua [Trung Hoa] thời trước đây”, (32) 

Nhưng điều mà Ngô Sĩ Liên nhìn như hành vi sai lạc có mạng lưới tín hiệu riêng của nó hay có ngôn ngữ điệp khúc riêng của nó.  Trước khi ghi chú về nó, tôi muốn lập lại rằng sử thần trong truyền thống của Ngô Sĩ Liên không có bổn phận nào nghiêm trọng hơn là việc định nghĩa với sự chân xác đâu là đúng và đâu là sai. Điều này có nghĩa rằng, như chính Ngô Sĩ Liên đã vạch ra, sử gia phải nhận rõ sự khác biệt khi đưa ra sự phán đoán. (33)  Sử gia phải có khả năng đưa ra các sự khác biệt đích xác.  Bởi thế tôi lấy làm khích lệ để kỳ vọng rằng các sự khác biệt mà ông phân tích giữa hành vi xấu và tốt trong thời nhà Trần là bất kỳ sự kiện nào chứ không phảI là sự ngẫu hứng.  Tôi cũng giả định với một số sự tin tưởng rằng các nhân vật tiếng tăm có hành vi xấu theo các tiêu chuẩn của Ngô Sĩ Liên tiêu biểu cho cung cách thịnh hành của sinh hoạt công vụ trong suốt các thế kỷ thứ 13 và 14.  Khi đó, tại sao hành vi của họ lại xấu xa như thế? 

Tôi sẽ làm ngơ trước ngôn ngữ sỉ nhục của Ngô Sĩ Liên; một vài quan chức có hành động mang “thú tính cực kỳ”, là các kẻ nịnh bợ, vu khống, tham nhũng, hay bất trung trắng trợn.  Sự kiện đáng kể là điều mà Ngô Sĩ Liên nhìn như là khuyết điểm thâm nhập khắp nơi trong sinh hoạt công cộng và khuyết điểm chịu trách nhiệm về thể diện không thể chấp nhận được của triều đình: sự tìm kiếm trắng trợn công trạng khi phục vụ nhà lãnh đạo hầu thụ hưởng một quan hệ đặc ưu quyền với nhà lãnh đạo. 

“Công trạng.” trong bối cảnh này tôi hiểu là thành tích công tác được nhắm mang lại lợi ích trong sự thăng thưởng chức nghiệp.  Ngô Sĩ Liên bác bỏ hình thức công trạng vị kỷ như thế ngay dù khi chính các nhà lãnh đạo sẽ hưởng lợi ích từ các thành quả của một quan chức lập nhiều công trạng. Đối với Ngô Sĩ Liên sự tưởng thưởng cho thành quả chỉ có thể được thỏa đáng từ sự công nhận rằng một cá nhân nào đó đã làm hết sức mình. 

Khi đó, tìm kiếm công trạng, với các hàm ý và hậu quả của nó, chính là khuyết điểm mà quanh nó mạng lưới triệu chứng khác của Ngô Sĩ Liên được đan kết. (34). Ở đây có vài thí dụ về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nhà Trần. 

Tôi đã có nêu sự kiên rằng Hưng-đạo vương, vị danh tướng trong các cuộc chiến chống Mông Cổ, đã hạ sát các tù binh sau khi hứa hẹn cho họ hồi hương.  Trong cách nói của Ngô Sĩ Liên, Hưng đạo vương đã muốn hưởng “công trạng” tức thì, giả thiết bằng việc hạ sát các kẻ thù của xứ sở, với giá phải trả là làm mất danh tiếng vì việc nuốt lời hứa của mình.  Ngô Sĩ Liên đối chiếu sự theo đuổi “công trạng” tức thời với tính “liêm chính” cá nhân.  Hay một lần nữa, vị tướng lão thành, người trong nhiều năm trước đây đã đứng ra  hòa giải nhà vua say rượu Anh-tôn với cha của nhà vua, đã mất mạng do sự khinh xuất trên chiến trường bởi ông muốn lập công trạng to lớn.  Khuyết điểm của ông là ông đã “kiêu ngạo”, một khuyết điểm tương phản theo Khổng Tử — như được trích dẫn bởi Ngô Sĩ Liên — với “sự thận trọng hợp thức”, (35)  Trong cả hai trường hợp sự truy tìm công trạng tức thời phải trả giá đắt vượt quá sự so sánh: danh tiếng và sinh mạng.  Một quan chức cao cấp khác thì “tự phu và kiêu ngạo” và “khinh miệt các quan đồng sự của mình”  Ngô Sĩ Liên lại trích dẫn Khổng Tử: “Nếu một người có các thiên tài tuyệt vời như của Chu Công [một chính khách gương mẫu trong Trung Hoa cổ thời], song lại kiêu ngạo và tiểu tâm, [người đó] không có gì đáng chú ý cả”. (36)  Ở đây sự tương phản là giữa sự kiêu ngạo và lòng khiêm tốn.  “Sự kiêu ngạo” gợi lên ý niệm về các mối quan hệ với các bạn đồng sự bị đụng chạm: sự dèm pha và vu khống. 

Đây chưa phải là sự kết thúc của các hàm ý và hậu quả của động lực lập công trạng.  Một sự tương phản khác là giữa “việc phục vụ nhà lãnh đạo để làm lợi cho người dân” với việc tìm kiếm một công danh, lợi lộc cá nhân, hay “để tự cứu mạng hoặc tránh sự nguy hiểm.”  Theo Ngô Sĩ Liên, chỉ có Chu Văn An trong thời nhà Trần là không thấy ham muốn theo chiều hướng này.  Chu Văn An không phải là kẻ xu thời. Ông đã từ chức khi nhà vua từ khước không lắng nghe ông và bởi thế đã chu toàn bổn phận cá nhân của ông với năng lực tối đa của mình (1370/3) (m).  Tìm cách lập công ở đây tương phản với hình thức cao cả nhất của bổn phận cao quý.  Một lời bình luận khác phát biểu rằng một người không phải là một “Quân Tử” đi tìm lợi lộc cho mình; người đó là một kẻ “tiểu nhân” (1335/2) (n).  Một vương tử nhà Trần, Nguyên Đán, không phải là một “Quân Tử” ngay dù ông ta “có học”. Ông đã chọn lựa “lợi lộc” cá nhân đến nỗi lãng quên “bổn phận” cao cả hơn (1390) (o). 

Nhưng một sự theo đuổi quá đáng công trạng và lợi lộc cá nhân sẽ không thể nào xảy ra được nếu không có sự tán trợ của các nhà lãnh đạo.  Các nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm các quan chức bị thôi thúc như thế bởi nhiệt tình của họ và cũng bởi họ có thể cai trị mà không cần có sự cố vấn chuyển đến họ bởi các bầy tôi.  Trong vòng các giới hạn này, tác phong của triều đình có thể không có tính cách chính thức.  Chính vì thế Ngô Sĩ Liên trách cứ các lãnh đạo nhà Trần vì “quá khoan dung” thay vì phải “nghiêm nghị vừa phải”, sự nghiêm ngặt là một đức tính cần thiết trong việc quy định mối tương giao của con người, bao gồm cả mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo và các quan chức.(37)  Phong tục thì “đơn giản” và không có sự “kiềm chế” (1251/2) (p).  Ông nhận xét rằng các nhà lãnh đạo nhà Trần, giống như nhà Lý trước họ, “tôn kính Đức Phật như là nguồn gốc của mọi việc” (1231) (q), một tín ngưỡng sẽ khuyến khích họ bày tỏ lòng trắc ẩn và cổ vũ các khuynh hướng quảng đại. 

Ngô Sĩ Liên kỳ vọng một mối tương quan liên lập hiện diện giữa các nhà lãnh đạo quảng đại với các bầy tôi nhiệt tình của họ, những kẻ gắng sức để trở thành các người tiếp nhận được sự quảng đại từ các nhà lãnh đạo của ho.  Không có gì ngạc nhiên, chuyện kể trong Biên Niên Sử nhà Trần phản ảnh sự thông cảm của Ngô Sĩ Liên với tình trạng này. (38)  Cả hai bên đã tương tác với nhau trong các tình trạng nơi mà các mối quan hệ có thể mang tính cách không chính thức và cá nhân.  Trong thế giới được quản lý một cách linh động của quyền lợi vị kỷ này, không có nơi nào cần đến các bộ luật cứng ngắc cho tác phong kiểu mẫu hay cho người “Quân Tử”, người mà mọi cử động trong sinh hoạt công cộng hay trong đời sống riêng tư, như Ngô Sĩ Liên ghi nhận với sự tán đồng, được xác định một cách cẩn thận cho họ ngay từ thuở bắt đầu đi học (1379) (r).  Tương tự, không có chỗ cho sự hiện diện của các mẫu mực của Ngô Sĩ Liên: các quan chức vô vị lợi, các quan ngự sử can gián, các quan chức bằng lòng phục vụ trong một triều đình được kiềm chế bởi các nghi thức và các lễ tiết, và các quan chức muốn biến đổi các nhà lãnh đạo của họ thành một vua “Nghiêu hay vua Thuấn.” 

Ngô Sĩ Liên có vẻ nhìn nhận rằng hình thái chính quyền của các vua nhà Trần chỉ đòi hỏi ít điều từ các thuộc viên của họ ngoài “lòng trung thành” và đã không bị thử thách bởi các tư tương đua tranh về các mục tiêu của chính quyền.  Hệ thống mà ông chỉ trích thì thích hợp trong một xứ sở nhỏ bé nơi mà cá tính của các nhà lãnh đạo năng động có thể mau chóng được truyền đạt mà không cần đến sự trợ giúp của một nền thư lại phức tạp.  Người ta sẽ giả thiết rằng các nhà lãnh đạo cảm thấy thoải mái khi họ có trong tay một đoàn tùy tùng gồm các thân nhân trung thành, ràng buộc với việc phục vụ cho họ bằng các quan hệ cá nhân.  Và trong thực tế Ngô Sĩ Liên mạnh. mẽ phản đối sự sẵn lòng của các nhà lãnh đạo trong việc ban cấp các ưu đãi cho các người vô học bằng cách bổ nhiệm họ vào các chức vụ then chốt trong phần vụ liên lạc giữa triều đình với guồng máy hành chánh hàng ngày (1288 (s) và 1370/2 (t)).  Các đoàn tùy tùng, bao gồm các nhóm người thân thuộc trung thành, đã là mọi điều cần thiết giúp cho triều đình tự mình duy trì một cách hữu hiệu.  Sự sắp xếp tại triều đình và các tập đoàn trở thành tiêu chuẩn chứ không phải là các quy lệ và các nghi thức mà Ngô Sĩ Liên tin tưởng làm cho chính quyền vững mạnh. 

Và vì thế các lời bình luận của Ngô Sĩ Liên, cắt tỉa bỏ bớt các châm ngôn và tính chất gắt gỏng của chúng, khuyến khích tôi suy nghĩ một cách nhiều tin tưởng hơn về chính quyền nhà Trần theo các đường hướng này, và các Biên Niên Sử, đ

0