Về đạo quân Lê – Trịnh ở Phú Xuân từ Giáp Ngọ (1774) đến Bính Ngọ (1786)
Cầu ngói Thanh Toàn, dựng khoảng năm 1776, di tích đánh dấu thời đất nước Đại Việt mở nền thống nhất, sau hai trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh. Trần Viết Điền Khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã mở rộng vương quốc “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”, đạt một số thành tựu nhất ...
Trần Viết Điền
Khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã mở rộng vương quốc “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”, đạt một số thành tựu nhất định, thì vương bắt đầu tự mãn, có xu hướng hưởng lạc, lơ là việc triều chính, để phe phái đại thần Trương Phúc Loan dần dần lộng quyền, tham nhũng và đẩy nhân dân Đàng Trong vào cảnh đói khổ lầm than. Phong trào Tây Sơn phát triển nhanh chóng, nhân dân vương quốc nói chung và dân chúng đô thành Phú Xuân nói riêng, đa phần mong cầu đổi thay; khấp khởi niềm mong quân khởi nghĩa Tây Sơn sẽ “phò Nguyễn diệt Trương” hoặc quân Lê -Trịnh sẽ chinh Nam diệt phe “ác ôn” Trương quốc phó. Nắm bắt tình hình, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đã quyết động binh, giao cho Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh binh tướng chinh Nam từ năm Giáp Ngọ [1774]. Tĩnh Đô vương sau đó cũng tự cẩm quân vào Nghệ An để hỗ trợ đạo quân Việp quận công và quân đội Lê-Trịnh sớm chiếm đô thành Phú Xuân vào đầu năm Ất Mùi [1775], không hao binh tổn tướng lắm, thậm chí súng đạn giáo gươm chẳng hao mòn.Những tưởng đoàn quân Việp quận công sẽ giúp Duệ vương thoát khỏi ách Trương quốc phó như lời hịch 1774, nào ngờ gia đình nhà chúa Nguyễn tan tác như ong vỡ tổ, chúa Duệ Vương Nguyễn Phúc Thuần phải cùng triều thần xuôi Nam tìm cách ứng phó.
Đàng Trong tin lời hịch hấp dẫn của Đàng Ngoài:
Những năm Giáp Ngọ [1774], Ất Mùi [1775], Bính Thân [1776], đoàn quân Lê Trịnh được dân chúng Đàng Trong chào đón khá nồng nhiệt, chân thành, vì dân chúng tin lời hịch truyền vào mùa đông Giáp Ngọ: “ Nhà vua có mệnh, tỏ điều trừ bạo là nhân; quan tướng cầm quân, tìm cách giữ lời là nghĩa. Việc binh cách vốn là bắt buộc; bọn ác gian lẽ phải diệt trừ…”(sđ d, tr. 309). Hịch vừa truyền tròn tháng, thấy tình hình nguy cấp, chúa Nguyễn Phúc Thuần đã tiến dâng đồ phương vật lên vua Lê, với biểu văn mất hết “hùng khí” của tiền nhân:
“Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ biên thần Nguyễn Phúc Thuần cẩn tấu Hoàng thượng vạn vạn tuế.
Mùa thu năm ngoái, Tây Sơn nổi loạn, chưa chịu quỳ hàng, ngửa nhờ Hoàng thượng thương đến dòng dõi huân thần, sai quân đến làm thanh viện, nay đã hơi yên hơi phục, đó cũng là nhờ ơn thánh minh… Run rẩy ở lòng, muôn trông chuẩn nhận. Thần thực sợ thực hải, xiết bao cảm kích…”.
Giới trí thức Đàng Trong, mừng đất nước nhất thống dưới bóng cờ vua Lê (dẫu hư vị) rất chân thành, họ tỏ vẻ hân hoan như thầy đồ già Trần Duy Trung, huyện Đăng Xương(Quảng Trị) chẳng hạn. Ông này đón đường rước quân Lê Trịnh, còn dâng thơ tỏ lòng thành: “Sâu co gặp sấm vừa vang tiếng/Lúa héo chờ mưa đã được thì/Xin thẳng Phú Xuân mà bước tới/Việc binh nên chóng chẳng nên trì.”(sđ d, tr.313).Lại lắm thầy đồ như Lê Viết Trinh quên liêm sĩ, cúi mình nịnh hót mong được dung nạp, viết liền ba bài thất ngôn bát cú, xúi quân Lê Trịnh phá đồ đồng của Thuận Quảng đẳng xứ để đúc tiền, thơ của thầy Trinh có câu: “Tiền Thương khuôn mới chì đem đúc/Đồng Nguyễn đồ xưa phải phá tung”(sđ d, tr.314).Các đại quan Lê Trịnh nghe mưu ấy, dâng sớ lên Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, chúa Trịnh đồng ý tiêu hủy rất nhiều đồ đồng của Thuận Quảng đẳng xứ vào năm Bính Thân [1776] để đúc tiền. Quan Hiệp trấn Lê Quí Đôn đã chép việc này trong Phủ biên tạp lục:
“Mùa xuân năm Bính Thân [1776], vâng truyền rằng phàm bắt được súng đồng ở Thuận Hóa, nòng súng đã rộng không dùng được, cùng là đồ đồng, tấm đồng nặng lớn không dùng được và không chở đi được, thì nên đem phá hủy gấp mà đúc tiền cất chứa, đồng tiền nặng một đồng cân, đề chưa “Cảnh Hưng thuận bảo”, rồi xem đúc được bao nhiêu, làm khải đệ lên, để chứa dùng vào việc ngoài biên…Đỉnh to, vạc lớn, thùng lớn của họ Nguyễn từ rộng 7,8 thước, cao 3,4 thước, nặng 700, 800 cân trở xuống, đều phá để đúc tiền. Ngày 22-2 bắt đầu làm, ngày 30-6 thì xong, theo số tính, phá các hạng đồ đồng, đỉnh đồng cùng là đồng đỏ, cân được 799 tạ. Mỗi tạ nặng 100 cân…”(sđ d, tr 223).
May thay các quan Lê-Trịnh đã giữ lại chuông chùa Thiên Mụ (đúc thời chúa Nguyễn Phúc Chu) và 10 cái vạc đúc thời chúa Nguyễn Phúc Tần… Lại có nho sĩ Mai Chiêu Tư, làm biểu văn nịnh các đại quan Lê Trịnh, dùng điển cố “sặc mùi nô dịch”, vô tình ca ngợi “xâm lược Hán” khi ví các đại quan Lê Trịnh như các quan thái thú, thứ sử của bọn xâm lược Hán Đường thuở xưa “ …Cung thái thú làm việc tiện nghi, gỡ Bột Hải gặp cơn rối loạn…Không ngờ ngày nay lại thấy Hán quan, dám tỏ lòng thành”…
Vài năm đầu, dẫu triều đình Lê Trịnh đã không giữ lời hứa phục dựng “ngôi vị” của con cháu “họ Nguyễn huân thần” và “lưu dung” các quan tốt của Thuận Quảng đẳng xứ nhưng bốn hạng sĩ nông công thương của Đàng Trong cũng tự an ủi; rằng dù sao đi nữa “ đất nước thống nhất”, chung một hồng ân của vua Lê. Hơn nữa lúc bấy giờ Tĩnh Đô vương đang còn sáng suốt, liên tục cử những đại thần khoa bảng như Phan Trọng Phiên, Lê Quí Đôn, Phan Huy Ích,Uông Sĩ Điển,Phạm Nguyễn Du …vào Phú Xuân coi sóc công việc vỗ yên bá tánh Đàng Trong. Dân xiêu tán lục tục trở về làng cũ, chăm lo cày cấy, học trò trở lại sách đèn, nho sĩ miền Thuận Hóa thường đến Văn miếu Long Hồ học tập, dự những buổi bình văn giảng sách của các bậc thầy như Lê Quí Đôn, Phan Trọng Phiên,…và có sĩ tử ra Thăng Long ứng thí, đỗ cao như Trần Văn Kỷ,…
Nhưng rồi ngày vui chóng tàn, ở Đàng Ngoài Tĩnh Đô vương lại tự mãn, việc triều chính bỏ bê, yêu con nhỏ vì yêu mẹ con nhỏ, bỏ “trưởng lập út”, tấn tuồng Đàng Trong diễn lại ở Đàng Ngoài, năm Quí Dần [1782] Tĩnh Đô vương mới nhắm mắt, chúa trẻ mới lên ngôi thì loạn “kiêu binh” nổ ra, không còn kiểm soát. Loạn! Phụ chánh Hoàng Đình Bảo của Trịnh Cán bị Trịnh Khải giết, thủ hạ của Bảo là Nguyễn Hữu Chỉnh trốn vào Quảng Nam theo Tây Sơn. Quan tướng ở Phú Xuân như Tạo quận công Phạm Ngô Cầu lao vào hưởng lạc, cầu Phật Thánh để được phúc, giữ của giữ ghế để có nhiều tiền. Khi quân Tây Sơn đã hàng quân triều đình, đang ra sức đánh diệt quân chúa Nguyễn mặt nam, quân Lê Trịnh là quân chiến thắng , rút khỏi Quảng Nam về đóng ở Phú Xuân, trở thành quân nhàn rỗi, mỗi người lính bắt đầu kiêu rông , chỉ huy sai đốn cũi trên núi để đúc tiền thì rũ nhau phá dỡ nhà rường của vua quan chúa Nguyễn, lấy cột kèo chạm trỗ tinh xảo kịp nộp ở Trường đúc tiền, để có thời gian học làm “trưởng giả”. Họ chiếm lấy những đồ vật tinh xảo, như đồ trà ống nhỗ, ngồi đánh cờ “sớm rượu tối trà”, coi trời bằng vung, coi dân Phú Xuân như cỏ rác. Chính quan Hiệp Trấn Lê Quí Đôn cũng chép lại sự kiện bất cập, gây phẫn uất trong lòng dân Phú Xuân:
“ Dinh Phú Xuân của họ Nguyễn có nhà quan và nhà lính tới mấy vạn nhà. Từ tháng giêng năm Ất Mùi [1775], quan quân đóng đồn, tướng sĩ và binh lính theo làm việc có hơn 3 vạn người, mặc ý đi lấy củi, lâu ngày phá rỡ, dân gian nhân đoa mà lấy trộm cũng không ngăn cấm, mấy năm đốt cháy, không những gỗ kiền kiền, gỗ sao, đến cả gỗ trắc và gỗ giáng hương chứa đầy một gian để làm củi. Mùa xuân năm Bính Thân[1776] mở trường đúc tiền, lại lấy để làm than. Lập dinh trấn thủ, lại lấy để làm phòng ốc cho các cơ đội các quân, dùng hãy còn thừa. Đến tháng 5 mới sai các quân đi lấy củi ở núi Hòn Chén, cấm không dỡ nhà quan cũ nữa. Nhưng trường tiền đốt than một lần đã dỡ đến bốn năm chục gian chưa thôi…” (sdd, tr. 321).
Chỉ riêng tiền bạc ngọc ngà châu báu của gia đình Trương Phúc Loan đã lớn, huống gì tài sản vạn nhà khác nữa ở Phú Xuân! Các đại quan chạy loạn, xuôi nam nhưng có các quan phải ở lại, những người “bị thua” này tất nhiên phải chịu “sách nhiễu” của đa phần binh tướng của đội quân chiến thắng Lê-Trịnh. Vài năm đầu, phải vỗ yên nên triều đình Lê-Trịnh có dụ nghiêm cấm mọi sự sách nhiễu, dân Đàng Trong còn chịu được, “hồ hởi phấn khởi”, chứ khi Thăng Long gặp loạn kiêu binh, Phú Xuân chịu kiểm soát lỏng lẻo của Thăng Long, thế là những tên lính Bắc Hà cũng thành “kiêu binh”, nạn tham những hối lộ tràn lan, dân bắt đầu ta thán. Chính Lê Quí Đôn cũng chép lại thói tệ ấy có ngay từ thời đầu quân Lê-Trịnh mới đến Phú Xuân:
“Năm Giáp Ngọ [1774], quân nhà vua đến Hồ Xá, đưa thư kể tội [ Trương Phúc Loan], họ Nguyễn thừa cơ, cùng nói với Phúc Thuần, bắt đưa đến trước quân, quân dân Thuận Hóa reo mừng, phá cướp cả nhà, đua nhau chửi mắng. Con Loan sai đem biếu tỳ tướng của Việp công tên là Tạo Nhuận 30 nén vàng để cầu chu toàn. Năm Ất Mùi [1775] mùa xuân, giao giam [Loan] ở phía tả nội dinh.Lại nhờ Tuân Thọ hầu nộp vàng 30 nén, bạc 200 nén để xin chuộc tội. Gặp việc thường biếu riêng vàng bạc châu báu cũng còn kể hàng nghìn. Năm Bính Thân [1776] mùa xuân, vâng truyền giải về Kinh sư, lại riêng xin hoãn đi, hối lộ cho tôi [Lê Quí Đôn] 20 nén, cho dịch mục 5 nén bạc, đều khước từ không nhận. Hỏi nó sao còn nhiều vàng thế, thì người nhà nói đó là cầm bán cầm bán ruộng vườn thôi”(s đ d, tr.337).
Sự việc này xảy ra với gia đình Trương Phúc Loan, còn hàng vạn gia đình hoàng tộc triều Nguyễn cùng các đại quan khác không kịp xuôi nam thì việc “chạy tội”, “chạy án”, chạy “công ăn việc làm”,…thì vàng bạc châu báo vào túi của binh tướng Lê Trịnh chắc chắn có một lượng không nhỏ.
Đồ trang sức của một vương phi thời chúa Nguyễn(ảnh tư liệu của T.S Trần Đức Anh Sơn)
Sông Phú Xuân nhuộm máu và trở thành sông Hương.
Lại nói Nguyễn Hữu Chỉnh, năm Giáp Ngọ [1774] từng theo đoàn quân Lê Trịnh, dưới trướng Việp quận công, vào đô thành Phú Xuân, sớm trở thành chánh sứ mang chế biểu vua Lê vào bản doanh của thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc để phong, nắm rõ thế và lực của Tây Sơn, sau khi trở lại Thăng Long, gặp loạn kiêu binh, mất ô dù liền đem bầu đoàn thê tử, dong buồm vào Quảng Nam, theo Tây Sơn và sớm trở thành “quân sư “ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ chuyên lo mặt Bắc. Nguyễn Hữu Chỉnh biện thuyết hấp dẫn, Nguyễn Nhạc nghe Chỉnh, sớm phát chính binh và kỳ binh, giao Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Nguyễn Hữu Chỉnh lo tiến hành chiến dịch đánh chiếm Phú Xuân vào mùa hè năm Bính Ngọ [1786].
Ba cánh quân Tây Sơn, cánh chính binh công tập đồn Hải Vân trực diện, còn hai đạo kỳ binh được điều phối: tượng binh theo đường thượng đạo, thủy binh đã sẵn sàng ngoài khơi Thuận Hóa, thậm chí đã có quân gián điệp Tây Sơn ếm sẵn ở đô thành Phú Xuân chờ lệnh. Bộ chỉ huy đầu não quân Lê Trịnh ở Phú Xuân gồm Trấn thủ Phạm Ngô Cầu, phó tướng Hoàng Đình Thể, … mắc mưu Tây Sơn, ngờ vực nhau… Chỉ trong tháng 5 Bính Ngọ, đồn An Nong thất thủ và không lâu thành Phú Xuân mắc kế điệu hổ ly sơn, trận bộ chiến cầu Lạc Nô lớp lớp quân phục Tây Sơn, bức hại cha con Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Vị. Phạm Ngô Cầu không ứng cứu hai cha con hổ tướng họ Hoàng, kéo cờ trắng ra hàng, không ngờ quân Tây Sơn cùng đám dân Phú Xuân uất ức lâu ngày, vùng dậy giết sạch khoảng hai ngàn quân Trịnh đang đồn trú trong thành, chỉ có một người lính Bắc có việc ra Đăng Xương, vừa đi bộ vừa xin ăn trên một tháng mới về Thăng Long báo cấp Phú Xuân đã bị Tây Sơn chiếm.
Xác quân Lê Trịnh, xác quân Tây Sơn, xác dân kinh thành bị tên bay đạn lạc ngỗn ngang, dân sở tại cùng binh lính Tây Sơn vội vàng chôn tạm ở hai bờ sông Kim Long, đoạn cuối sông đổ vào sông Phú Xuân, gần Thế Lại, chảy qua làng Lạc Nô. Lớp lớp bùn non chưa khô dày đặc, vừa qua trận lụt sớm, bất thường vào tuần cuối tháng 5 ở Huế, được tạm vùi nông những thi thể ngàn người xấu số. Từ biến cố tháng 5 Bính Ngọ[1786], cứ vào tháng 5 ta, dân sở tại hằng năm tổ chức cúng những cô hồn, thắp hương mộ cô hồn tập thể ở ngã ba sông, lại thả bè chuối có hương hoa quả phẩm, trên cắm hương, làm khúc sông về đêm đỏ rực.
Khách đi đò dọc, tự Ngã Ba Sình, ngược lên Huế, muốn vào sông Kim Long thường nói với người chèo đò “cho tui tới đoạn sông có thắp hương nhiều”, “cho tui tới cửa sông nhiều hương”, “cho tui tới sông …hương”; không ngờ hiện tượng “nuốt âm” trong ngôn ngữ nói của dân thương hồ đã làm sông Phú Xuân có thêm một cái tên vừa dân dã vừa đẹp. Giới có chữ phiên thành Hương Giang tức sông Hương vậy. Một điều chắc chắn, danh xưng Hương Giang hay sông Hương chỉ xuất hiện trong thư tịch cổ sau mốc lịch sử 1786. Trước đó sông Hương có danh xưng sông Linh Giang, sông Kim Trà, sông Phú Xuân. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, những bản sớm, gần bản gốc, không có danh xưng Hương Giang, chỉ những bản chép tay Phủ biên tạp lục về sau(vào thời vua Nguyễn), người chép có đổi sông Phú Xuân thành sông Hương.
Vì thế dân miền Thuận Quảng nói chung và dân đô thành Phú Xuân nói riêng đã âm thầm tạo điều kiện cho quân Tây Sơn sớm ra tay. Lật thuyền đổ nước cũng là dân, ai cũng biết nhưng được mấy ai hành xử thật đúng với dân một cách trọn vẹn? Sông Hương còn đó, móng cầu Lạc Nô còn đó nhưng đã nhuốm màu “tang thương ngẫu lục”. Ngẫm câu nói người xưa “Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố dã” thấy cũng ngậm ngùi. Nước sông, gỗ mục cành khô, mây trắng cứ trôi hoài, không bao giờ trở lại, thế nhưng việc người âu có tính tuần hoàn.
Thực vậy, cũng trên sông Hương, thành Huế, đúng 100 năm sau, kể từ biến cố tháng 5 Bính Ngọ [1786], đến tháng 5 Ất Dậu [1885], giặc Tây Dương lại đánh phá kinh thành Huế, nước mất nhà tan, dân, lính, quan tướng chết đầy đường, lại chôn tạm hai bờ sông Hương dưới những vồng sắn, vồng khoai, …và tháng 5 hai bờ sông rợp màu hương khói.
Điều này minh chứng danh xưng sông Hương của một dòng sông bi tráng, không phải vì mùi thơm thạch xương bồ của đại ngàn mà vì mùi hương của những cây nhang tháng 5, cấm nhiều trên những nấm mộ cô hồn chôn dọc hai bờ sông hiền hòa nhưng quá đỗi đau thương.