18/06/2018, 16:41

Nước Mỹ và Trump- những lí giải

Khoa Nguyễn Với rất nhiều người, việc tỷ phú người Mỹ – Donald Trump đắc cử Tổng thống là một cú sốc lớn. Bởi lẽ ngay trước sáng ngày T4 định mệnh (giờ VN), mọi người đều nghĩ cựu Ngoại trưởng sẽ là người được lựa chọn. Nhưng không, lá phiếu của những đại cử tri đã nhuộm đỏ nước ...

14993479_10154639738401866_5226904914246177114_n.jpg

Khoa Nguyễn

Với rất nhiều người, việc tỷ phú người Mỹ – Donald Trump đắc cử Tổng thống là một cú sốc lớn. Bởi lẽ ngay trước sáng ngày T4 định mệnh (giờ VN), mọi người đều nghĩ cựu Ngoại trưởng sẽ là người được lựa chọn. Nhưng không, lá phiếu của những đại cử tri đã nhuộm đỏ nước Mỹ (màu của Đảng Cộng hòa) trên cả 3 mặt trận: Tổng thống, Hạ viện và Thượng viện bất chấp những chia rẽ của Đảng này trong thời gian tranh cử.

Nguyên nhân thất bại của Bà Hillary Clinton thì các tờ báo cũng đã đăng tải rất nhiều trong hai ngày qua. Một phần đến từ sự chủ quan và đi sai hướng trong các chiến dịch tranh cử của bà. Việc để mất các bang truyền thống như Wisconsin, Pennsylvania cũng như các bang chiến trường quan trọng nhất: Florida, Ohio và North Carolina đã lật ngược tình thế của cuộc bầu cử.

Một phần đến từ cương lĩnh tranh cử. Nhiều người đã ví von Hillary Clinton làm Tổng thống sẽ là một phiên bản ‘Obama+’. Tức là hầu hết các chính sách đều sẽ không thay đổi và kế thừa di sản của người đang đứng đầu Nhà Trắng. Đây không phải là điều mà tính cách nước Mỹ muốn.

Sau 8 năm cầm quyền của một vị Tổng thống Đảng Dân chủ, mặc dù nền kinh tế và xã hội Mỹ đã có những biến chuyển sâu sắc. Tổng thống Obama đã đưa nước Mỹ thoát ra khỏi cuộc đại khủng hoảng kinh tế, xây dựng một xã hội bình đẳng cho các nhóm thiểu số và người thu nhập thấp, giải quyết các điểm nóng quốc tế (rút quân khỏi Afghanistan, thỏa thuận hạt nhân Iran…).v.v… Tuy nhiên với người Mỹ, họ mong đợi một sự thay đổi. Là một quốc gia được kế thừa di sản từ nước Anh, văn hóa của Mỹ được xếp vào loại hình văn hóa du mục / văn hóa thương nghiệp với đặc điểm mang nặng ‘tính dương’. Điều này hoàn toàn khác với mục tiêu hướng đến ‘an cư lạc nghiệp’ trong các nền văn hóa lúa nước như phương Đông. Người Mỹ luôn muốn cái mới tốt hơn, nhanh hơn hoặc thậm chí chỉ là ‘cái mới’ trong cuộc sống của họ. Bốn năm cho một chính sách nước Mỹ bình yên không phù hợp với tính cách của đó.

Một đặc điểm khác của nền văn hóa du mục chính là ‘sự hung hăng’. Đó là bản chất tiềm ẩn cộng thêm quá trình lịch sử mở mang bờ cõi, chiến tranh và thống trị thế giới. Họ không muốn thấy nước Mỹ quá mềm-yếu trên toàn cầu. Họ muốn thấy một nước Mỹ ‘diều hâu’, áp đặt sức mạnh của mình lên thế giới. Dĩ nhiên chiến tranh cũng đem lại lợi ích cho giới tài phiệt Mỹ vốn là đại diện của Đảng Cộng hòa.

Bên cạnh đó, vụ FBI công bố điều tra việc bà Clinton sử dụng email cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng xuất hiện vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc bầu cử đã làm những cử tri thất vọng. Thậm chí lý do về một nước Mỹ không muốn thấy một ai đó làm chính trị quá lâu hay một ‘gia đình trị’ trong lòng nước Mỹ cũng là những nguyên nhân tạo ra ‘sự kiện 9/11’.

Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thừa nhận rằng chính bà Clinton mới là người được đa số người dân Mỹ lựa chọn. Mặc dù phải mãi đến 6/1/2017, kết quả chính thức mới được công bố, nhưng với hầu hết thông tin trên báo giới, bà Clinton giành được nhiều phiếu phổ thông hơn ông Donald Trump (ước tính ít nhất 100.000 phiếu). Sự chênh lệch này đến từ sự khoảng chênh lệch giữa cử tri (dân số) và đại cử tri ở mỗi bang. Đây không phải là lần đầu tiên một vị Tổng thống đắc cử với ít hơn số phiểu phổ thông so với đối thủ. Tổng thống George W.Bush (đối thủ Al Gore) và Tổng thống Benjamin Harrison (đối thủ Grover Cleveland) là hai trường hợp như thế trong lịch sử nước Mỹ. Dĩ nhiên chính trị là một cuộc chơi mà ở đó những người tham gia phải chấp nhận luật chơi nó đặt ra. Kết quả này có thể là sự an ủi nhưng có thể là nỗi đắng cay cho bất kỳ các ứng viên rơi vào hoàn cảnh đó.

Vì sao hầu hết các cuộc khảo sát đều nghiêng về phía bà Clinton đến tận phút chót mà bà vẫn phải nhận kết quả cay đắng? Điều này đã phản ánh về sự cách biệt giữa giới truyền thông Mỹ và những cử tri. Truyền thông Mỹ vốn dĩ là truyền thông tư nhân (Mỹ không hề có một đài truyền hình quốc gia nào cả) nên các thông tin sẽ bị chi phối theo cảm tính của người lãnh đạo hoặc theo tài trợ của các Đảng phái. Đơn cử CNN là kênh ủng hộ Clinton hoặc Fox News là kênh ủng hộ Trump. Nhưng ngay cả kết quả khảo sát của Fox News cũng cho thấy bà Clinton được ủng hộ nhiều hơn. Có lẽ nguyên nhân đến từ cách lấy mẫu khảo sát. Đa phần các cuộc khảo sát được thực hiện bằng hình thức lựa chọn trên internet hoặc qua điện thoại. Những cách thức mà vô tình đã bỏ qua các cử tri lớn tuổi, cử tri ít sử dụng công nghệ. Thêm vào đó, trụ sở của các cơ sở truyền thông vốn dĩ được đặt tại các thành phố lớn, nơi những người dân ủng hộ Clinton nhiều hơn. Do đó, việc khảo sát cũng chỉ dựa vào dân ‘thành phố’ là chủ yếu. Nếu chúng ta nhìn chi tiết vào bản đồ bầu cử từng bang, chúng ta sẽ hoàn toàn bất ngờ khi ngay cả những bang bầu cho ông Trump thì ‘sắc xanh’ sẽ le lói vài điểm nhưng điểm đó sẽ là những thành phố lớn của bang đó. Một sự phân chia quan điểm rõ ràng giữa người thành thị và người sống ở vùng ngoại ô. Các chuyên gia đã gọi điều này là một cái ‘gap’ (khoảng cách) giữa giới truyền thông và đại bộ phận người dân.

Cuộc bầu cử lần này cũng cho thấy sức mạnh của những ‘cử tri thầm lặng’, những người vốn dĩ không đưa ra quan điểm của bản thân, những người muốn thay đổi những sợ sẽ bị dán nhãn là ‘kẻ kỳ thị’. Đa số họ đều xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân, cảm thấy công việc của họ, nước Mỹ của họ đang bị những người nhập cư gốc Á – Phi – Latin tước đoạt (thực tế công việc của họ bị thay thế là do tự động hóa). Họ cảm thấy tự ti về một sự cạnh tranh công bằng, họ cảm thấy lo sợ nước Mỹ sẽ yếu ớt trong việc bảo vệ đất nước vốn dĩ tổ tiên của họ là những người khai hoang đầu tiên. Từ nỗi sợ hãi ấy, họ đã không nói ra, không thừa nhận gì trong các cuộc khảo sát ngoài trừ ở phòng phiếu. Và khi họ lên tiếng thì giới chính trị và những nhà xã hội học mới ‘bật ngửa’ vì bất ngờ. Họ muốn một người thẳng tính, một người có thể truyền tải những khao khát, mong muốn trong thâm tâm của họ thay vì những nhà chính trị gia ‘mị dân’. Không ai khác cho họ thấy được đồng cảm nhiều hơn là Donald Trump, một người không ngần ngại dùng những từ mạnh bạo, thậm chí thô lỗ để miêu tả xã hội, chỉ trích đối thủ. Sức mạnh của họ đã đưa một nhà kinh tế không có kinh nghiệm nào ở chính trường lên vị trí lãnh đạo tối cao.

—–

Sự cầm quyền trở lại của Đảng Cộng hòa (gần như là tuyệt đối khi lưỡng viện cũng đã ‘đỏ’) sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện trong nước lẫn quốc tế. Các chính sách của Tổng thống đương nhiệm sẽ bị xóa bỏ. Sẽ không còn chính sách tăng thuế với tầng lớp trung lưu (thu nhập trên $200.000/năm). Chương trình trợ giá bảo hiểm y tế Obamacare cũng sẽ bị xóa bỏ. Các hoạt động xã hội, hoạt động cho những nhóm yếu thế (phụ nữ, người da màu, người LGBT – đồng tính, song tính, chuyển giới…) sẽ bị cắt giảm ngân sách. Điều này đồng nghĩa với sự kỳ thị trong xã hội nước Mỹ sẽ bắt đầu được ‘khoét sâu’ trở lại bởi lẽ các hành vi phân biệt sẽ không còn đứng trước nguy cơ bị lên án hay truy tố. Bởi lẽ vị Tổng thống mới của nước Mỹ là một người kỳ thị nên chẳng có lý do gì mà những người racist (phân biệt chủng tộc) có thể e dè trước các hành động của mình.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những gì Trump nói và những gì Trump làm sẽ khác. Bởi lẽ tranh cử cần phải ‘nói bất chấp’ để lấy phiếu. Còn sau đó thì phải tính đến một nền dân chủ hiến định. Sự chi phối tam quyền phân lập giữa Quốc hội – Tổng thống – Tòa án sẽ đảm bảo một nước Mỹ được tuân thủ theo đúng các nguyên tắc và quyền hạn chứ không phải những điều Trump nói sẽ làm được (Nhưng các cử tri của Trump thì dường như không quan tâm mấy đến Hiến pháp và cơ chế của nền chính trị). Với một người có kinh nghiệm kinh tế như Trump cộng thêm đội ngũ cố vấn thì các chính sách đưa ra sẽ ‘thực tế’ hơn là những điều ông từng nói khi tranh cử.

Ở bài viết sau, tôi sẽ phân tích kỹ hơn về chính sách đối ngoại cũng như những dự đoán về trật tự thế giới mới dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đây sẽ là những thứ tác động trực tiếp đến Việt Nam trong tương lai.

11/11/2016

0