18/06/2018, 16:40

Đại Nam Thục Lục viết về cái chết của Trung Thư Phụng Chính Trần Văn Kỷ

Nguyễn Văn Nghệ Lâu nay khi đọc những bài viết liên quan đến Trần Văn Kỷ-một vị đại thần triều Tây Sơn- có nhiều quan điểm trái ngược nhau, đại đa số các tác giả được đào tạo dưới chế độ cộng sản thì bảo là Trần văn Kỷ trốn thoát khỏi quân nhà Nguyễn và về quê nhà mai danh ...

400px-tran_van_ky

Nguyễn Văn Nghệ

         Lâu nay khi đọc những bài viết liên quan đến Trần Văn Kỷ-một vị đại thần triều Tây Sơn- có nhiều quan điểm trái ngược nhau, đại đa số các tác giả được đào tạo dưới chế độ cộng sản thì bảo là Trần văn Kỷ trốn thoát khỏi quân nhà Nguyễn và về quê nhà mai danh ẩn tích sau đó  vua Gia Long cho mời lên kinh đô để hợp tác và để khỏi hợp tác ông đã trầm mình tại Ngã Ba Sình  vào năm 1801(có tác giả ghi năm 1802). Riêng Thạc sĩ Đỗ Hữu Hà – cán bộ  Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế thì cho rằng:  “Triều Tây Sơn tan rã, ông trở về quê mai danh ẩn tích, bị phát hiện, ông bị bắt và bị xử tử”(1).                                                                                               

          Vậy đâu là sự thật?

             1- Trần Văn Kỷ trốn thoát quân nhà Nguyễn  rồi mai danh ẩn tích hay là quy thuận nhà Nguyễn

              Tác giả  Trần Thị Huyền Trang viết: “…vào tháng 3-1802, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu đã dẫn 3000 binh và 80 voi trận theo đường thượng đạo sang Lào về Nghệ An.Trần Văn Kỷ chắc chắn có mặt trong quân. Kế hoạch bị lộ dọc đường Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu lần lượt sa vào tay giặc,Trần văn Kỷ may mắn thoát được”.Tác giả viết tiếp:“Tháng 11 năm 1802, Nguyễn Ánh đưa những tù binh Tây Sơn bắt được ra pháp trường…Trần Văn Kỷ lúc ấy đã tìm về ẩn náu tại quê nhà” (2).

              Đại Nam thực lục ghi vào tháng 5 năm Tân Dậu (1801): “Nội hầu giặc (quân vua Cảnh Thịnh- T.G.) là Lê Văn Lợi, Thiếu úy Văn Tiến Thể, Phụng chính Trung thư Trần Văn Kỷ, Thượng thư Lại bộ Hồ Công Diệu và quan văn thì Bộ thị lang phụng nghị, quan võ thì bọn đô đốc đô ty, đem nhau đến quy thuận.

             Vua thấy đại để mới định, sử dụng còn thiếu người, bèn cho được theo sai phái”

              Các tướng lãnh khuyên can Nguyễn Ánh chớ sử dụng những người quy thuận  sợ họ đem lòng phản trắc , nhưng Nguyễn Ánh  dụ rằng: “Bọn khanh trình bày, cố nhiên là có ý phòng ngừa từ trước . Nhưng từ khi ta lấy lại Phú Xuân, bọn tướng giặc đầu hàng có,bắt được cũng có, ta đã tùy nghi xếp đặt, quân của chúng cho xen lẫn với quân ta, dưới quyền quan ta cai quản. Bọn chúng bất quá cai quản năm ba tên thuộc binh mà lệ theo súy phủ, phỏng có mang lòng phản trắc cũng không thi hành vào đâu. Bọn khanh ở quân thứ xa, chưa rõ sự cơ, nên đặc dụ cho biết”(3)

              Như vậy theo Đại Nam thực lục thì Trần Văn Kỷ “quy thuận” vào tháng 05 năm Tân Dậu(1801), chứ không phải “may mắn thoát được” vào tháng 03 năm Nhâm Tuất (1802)

           2- Trần Văn Kỷ tự trầm mình ở Ngã Ba Sình hay là bị xử tử?

         Tác giả Trần Thị Huyền Trang viết là sau tháng 11 năm 1802  “sứ giả của Gia Long đến tận nhà mời Trần Văn Kỷ đến kinh thành” để cộng tác với nhà vua. Sau khi “Giáp mặt vua Gia Long xong , Trần Văn Kỷ ra bến đò Tượng xuống đò trở quê cũ với lời hứa sau khi thu xếp xong việc nhà sẽ trở lại cộng tác với triều đại mới”. Và con đò đưa ông về làng, ngang Ngã Ba Sình, “ từ trên mũi đò, Trần Văn Kỷ lao mình xuống sông tự vẫn(4). Ông chọn cái chết để không thẹn với đất trời, không phụ thâm tình ân sâu của Quang Trung Nguyễn Huệ”(5)

               Tác giả Nguyễn Công Trí viết : “ Nguyễn Ánh cho “mời” Trần Văn Kỷ vào Phú Xuân cùng hợp tác” “cuối cùng không lay chuyển được Trần Văn Kỷ, Nguyễn Ánh cho người về tịch biên gia sản và buộc án tử hình xử theo lối “tam ban triều điển”. Trước khi chết Trần Văn Kỷ xin về quê bái yết từ đường. Nguyễn Ánh cấp thuyền cho ông về quê. Theo ngã sông Hương ra phá Tam Giang để đến làng Vân Trình. Về đến ngã ba Sình, Trần Văn Kỷ nhảy xuống sông tự tử. Hôm đó nhằm ngày 04 tháng 12 năm 1801(tức ngày 19-11 năm Tân Dậu)”(6)

               Tác giả Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế viết : “ Năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân (Huế), ông không đầu hàng nhà Nguyễn, tự trầm mình chết trong năm đó”(7)

           Đa số các tác giả thống nhất Trần Văn Kỷ chết vào năm 1801, chỉ riêng tác giả Trần Thị Huyền Trang viết Trần Văn Kỷ chết sau tháng 11 năm 1802

         Đại Nam thực lục ghi tháng 10 năm Tân Dậu(1801): “ Hàng thần Trần Văn Kỷ có tội bị giết. Kỷ đã quy thuận, làm ám thông với Nguyễn Quang Toản, việc lộ vua sai quan tra hỏi. Kỷ đều thú nhận, bèn giết và tịch thu gia sản. Nhân dụ cho thần dân xứ Thuận Hóa rằng : “Từ khi Tây Sơn trộm chiếm, xa giá lánh xa, thần dân các người hoặc có kẻ tình thế bức bách, hoặc có kẻ cam tâm theo giặc. Nay kinh đô cũ mới khôi phục ,ta đối với mọi người chung một lòng nhân, không hỏi đến việc trước nữa .Khốn nỗi, Trần Văn Kỷ lòng vẫn ngấm ngầm gian giảo, viết thư trộm cho địch, tội trạng đẫ quá rõ ràng, chết còn chưa đáng tội, nên phải xử theo trọng hình để răn kẻ khác, đó là nó tự thân tác nghiệt,không liên quan đến ai, các ngươi chớ nên lo sợ”(8)

          Theo Đại Nam thực lục thì Trần Văn Kỷ  bị  tịch biên gia sản và bị xử tử vào năm Tân Dậu (1801).  Sau đó vua Gia Long còn ra chỉ dụ trấn an thần dân xứ Thuận Hóa về việc xử tử Trần Văn Kỷ

          Khi đề cập đến triều đại nhà Tây Sơn và triều đại nhà Nguyễn các nhà sử học cộng sản thường thiên lệch về triều đại nhà Tây Sơn. Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” “ Các nhà sử học chúng ta thường tự coi là mác xít nhưng bệnh thiên lệch lại hay dễ mắc. Mà thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua”(9).Trung thư Phụng chính Trần Văn Kỷ là một con người có thật trong lịch sử chứ không phải là một nhân vật “ huyền thoại”, nên sự việc phải ghi lại đúng với sự  thật lịch sử .Vậy chúng ta cần phải làm sáng tỏ  ông  đã “ quy thuận’ hay là “trốn thoát”, “ tự trầm mình” hay là  “bị xử tử”? Không thể để sự việc chỉ xảy ra cách nay hơn 200 năm mà  kẻ viết thế này , người ghi thế nọ được, làm cho hậu thế phân vân không biết ai đúng ai sai!            

 Tổ dân phố Phú Lộc Tây I- Thị trấn Diên Khánh -Khánh Hòa

Chú thích:

1 . Ths. Đỗ Hữu Hà , Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phong trào Tây Sơn ở Thừa Thiên Huế, In chung trong tác phẩm Tây Sơn- Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ, Nxb Chính trị Quốc gia , trg 194     

2,5 – Trần Thị Huyền Trang, Trần Văn Kỷ người hạnh thần tri kỷ của Quang Trung, đăng trong Tạp chí Xưa& Nay  số 286 tháng 6-2007 ,trg 20-24

3,8 – Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo Dục, trg 444, 470

4 – Tự lấy dao đâm vào cổ gọi là “tự vẫn”. Tự mình nhảy xuống

       nước chết gọi là tự tử hoặc “tự trầm”.

6-Nguyễn Công Trí , Trung thư Phụng chính Trần Văn Kỷ, đăng trong Tạp chí Xưa & Nay  số 382 tháng 6-2011,trg 28-30

7-  Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam(in lần thứ năm), Nxb Văn Hóa,trg 901

9- Hà Văn Tấn, Lịch sử sự thật và sử học, đăng trên tạp chí Tổ Quốc tháng giêng năm 1988. Được in lại trong “Một số vấn đề lý luận sử học”, Nxb ĐHQGHN, 2007

0