Vấn đề 11: Vấn đề dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa
Khái niệm dân tộc – Khái niệm dân tộc thường được dùng với hai nghĩa: + Một là, chỉ cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hoá đặc thù; xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc; kế thừa, phát triển cao hơn những nhân tố tộc ...
Khái niệm dân tộc
– Khái niệm dân tộc thường được dùng với hai nghĩa:
+ Một là, chỉ cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hoá đặc thù; xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc; kế thừa, phát triển cao hơn những nhân tố tộc người ở bộ lạc, bộ tộc và thể hiện thành ý thức tự giác tộc người của dân cư cộng đồng đó.
+ Hai là, chỉ một cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ, quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung và có ý thức về sự thống nhất quốc gia của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống văn hoá và truyền thống đấu tranh chung trong suốt quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước.
Theo nghĩa này, dân tộc đồng nghĩa với quốc gia – dân tộc. Ví dụ: dân tộc Việt Nam, dân tộc Trung Hoa, v.v..
Kết luận:
• Với nghĩa thứ nhất, dân tộc là một bộ phận của quốc gia, là cộng đồng người theo nghĩa các tộc người.
• Với nghĩa thứ hai, dân tộc là toàn bộ nhân dân của quốc gia đó – quốc gia dân tộc.
Dưới giác độ môn học, dân tộc được hiểu theo nghĩa thứ nhất. Tuy nhiên, chỉ khi đặt nó bên cạnh nghĩa thứ hai, trong mối liên hệ với nghĩa thứ hai thì sắc thái nội dung của nó mới bộc lộ đầy đủ.
Xem thêm:
– Những đặc trưng chủ yếu để nhận biết dân tộc:
+ Có chung một phương thức sinh hoạt kinh tế. Đây là đặc trưng quan trọng nhất của dân tộc. Các mối quan hệ kinh tế là cơ sở liên kết các bộ phận, các thành viên của dân tộc, tạo nên nền tảng vững chắc của cộng đồng dân tộc.
+ Có thể cư trú tập trung trên một vùng lãnh thổ của một quốc gia, hoặc cư trú đan xen với nhiều dân tộc anh em. Vận mệnh dân tộc một phần rất quan trọng gắn với việc xác lập và bảo vệ lãnh thổ đất nước.
+ Có ngôn ngữ riêng và có thể có chữ viết riêng (trên cơ sở ngôn ngữ chung của quốc gia) làm công cụ giao tiếp trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, tình cảm…
+ Có nét tâm lý riêng (nét tâm lý dân tộc) biểu hiện kết tinh trong nền văn hoá dân tộc và tạo nên bản sắc riêng của nền văn hoá dân tộc, gắn bó với nền văn hoá của cả cộng đồng các dân tộc (quốc gia dân tộc).
Như vậy, cộng đồng người ổn định chỉ trở thành dân tộc khi có đủ các đặc trưng trên, các đặc trưng của dân tộc là một chỉnh thể gắn bó chặt chẽ với nhau, đồng thời mỗi đặc trưng có một vị trí xác định. Sự tổng hợp các đặc trưng nêu trên làm cho các cộng đồng dân tộc được đề cập ở đây – về thực chất là một cộng đồng xã hội – tộc người, trong đó những nhân tố tộc người đan kết, hoà quyện vào các nhân tố xã hội. Điều đó làm cho khái niệm dân tộc khác với các khái niệm sắc tộc, chủng tộc – thường chỉ căn cứ vào các đặc điểm tự nhiên, chẳng hạn màu da hay cấu tạo tự nhiên của các bộ phận trong cơ thể để phân loại cộng đồng người.
– Lịch sử ra đời, phát triển của cộng đồng dân tộc:
+ Trước khi cộng đồng dân tộc ra đời, loài người đã trải qua những hình thức cộng đồng: thị tộc, bộ lạc và bộ tộc. Những hình thức cộng đồng này có sự phát triển từ thấp đến cao theo sự biến đổi của phương thức sản xuất.
+ Sự hình thành cộng đồng dân tộc trên thế giới diễn ra không đều nhau.
• Ở các nước phương Tây, sự hình thành dân tộc gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của phương thức sản xuất TBCN.
Theo Lênin, ở các nước phương Tây chỉ khi CNTB ra đời cộng đồng bộ tộc mới phát triển thành cộng đồng dân tộc. Bởi vì, do sự phát triển của lực lượng sản xuất và trên cơ sở đó nền sản xuất hàng hóa TBCN mở rộng đã phá vỡ tình trạng cát cứ phong kiến, thị trường có tính địa phương khép kín bị xóa bỏ và thị trường dân tộc xuất hiện. Cùng với quá trình kinh tế đó là sự phát triển ngày càng chín muồi các nhân tố ý thức tộc người, văn hóa, ngôn ngữ đã tác động hình thành dân tộc trên cơ sở một bộ tộc hoặc do nhiều bộ tộc hợp nhất lại. Đây là loại hình dân tộc chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, do giai cấp tư sản lãnh đạo, nên được gọi là dân tộc tư sản.
Xem thêm:
• Ở các nước phương Đông, sự hình thành cộng đồng dân tộc chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử có tính đặc thù, trong đó, các yếu tố cố kết tự nhiên – xã hội, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước… đã hình thành nên dân tộc. Do đó, cộng đồng dân tộc đã ra đời trước khi CNTB được xác lập. Có thể coi đây là loại hình dân tộc tiền tư bản hình thành trên cơ sở một nền văn hóa, một ý thức, tâm lý dân tộc phát triển chính muồi nhưng lại có một cơ sở kinh tế chưa phát triển.
Những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc
– Vấn đề dân tộc luôn luôn là một nội dung quan trọng có ý nghĩa chiến lược của cách mạng XHCN. Giải quyết vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự ổn định, phát triển hay khủng hoảng, tan rã của một quốc gia dân tộc.
– Theo quan điểm của chủ nghĩa Marx – Lenin, vấn đề dân tộc là một bộ phận của những vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Do đó, giải quyết vấn đề dân tộc phải:
+ Gắn với cách mạng vô sản và trên cơ sở của cách mạng XHCN.
+ Đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân.
+ Trên cơ sở và vì lợi ích cơ bản lâu dài của dân tộc.
– Giải quyết vấn đề dân tộc, thực chất là xác lập quan hệ công bằng giữa các dân tộc trong một quốc gia, giữa các quốc gia dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ngôn ngữ.
– Trên cơ sở tư tưởng của K.Marx, F.Engels về vấn đề dân tộc và giai cấp; cùng với sự phân tích hai xu hướng của quá trình dân tộc, Lenin đã nêu ra “cương lĩnh dân tộc” với ba nội dung cơ bản: các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại. Đây được coi là cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Marx – Lenin, của Đảng Cộng sản.
Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Marx – Lenin là một bộ phận không thể tách rời trong cương lĩnh cách mạng của giai cấp công nhân, là tuyên ngôn về vấn đề dân tộc của Đảng Cộng sản trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc. Cương lĩnh đã trở thành cơ sở lý luận cho chủ trương, đường lối và chính sách dân tộc của các Đảng Cộng sản và nhà nước XHCN.
– Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng
+ Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc. Tất cả các dân tộc, dù đông hay ít người, có trình độ phát triển cao hay thấp đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, không có đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ cho bất cứ dân tộc nào.
+ Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc phải được pháp luật bảo vệ và trong thực tế phải được thực hiện, trong đó việc khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc do lịch sử để lại có ý nghĩa cơ bản.
+ Trong quan hệ giữa các quốc gia – dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bá quyền nước lớn, chống sự áp bức, bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước lạc hậu, chậm phát triển về kinh tế. Mọi quốc gia đều bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
– Các dân tộc được quyền tự quyết
+ Về thực chất, quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc, quyền tự quyết định con đường phát triển kinh tế, chính trị – xã hội của dân tộc mình.
+ Quyền dân tộc tự quyết bao gồm:
• Quyền tự do phân lập thành cộng đồng quốc gia dân tộc độc lập (vì lợi ích của các dân tộc, chứ không phải vì mưu đồ và lợi ích của một nhóm người nào).
• Quyền tự nguyện liên hiệp lại với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.
+ Khi xem xét giải quyết quyền tự quyết của dân tộc cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân: ủng hộ các phong trào tiến bộ, kiên quyết đấu tranh chống lại những mưu toan lợi dụng quyền dân tộc tự quyết làm chiêu bài để can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đòi ly khai chia rẽ dân tộc.
Xem thêm:
– Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc.
+ Đây là tư tưởng, nội dung cơ bản trong cương lĩnh dân tộc của V.I.Lenin.
Tư tưởng này là sự thể hiện bản chất quốc tế của giai cấp công nhân, phong trào công nhân và phản ánh tính thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp.
+ Đoàn kết giai cấp công nhân các dân tộc có ý nghĩa lớn lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, có vai trò quyết định đến việc xem xét, thực hiện quyền bình đẳng dân tộc và quyền dân tộc tự quyết.
Đồng thời, đây cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh đảm bảo cho thắng lợi của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Bạn có thể xem lại toàn bộ câu hỏi và đáp án chi tiết của môn Chủ nghĩa Mac – Lênin tại: