18/06/2018, 11:32

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa năm thứ 3 (1637)

Thái Tổ Cao hoàng đế đời thánh triều lấy võ công định yên thiên hạ, chưa kịp xuống xe đã trước hết tìm thăm các nhà Nho, mở trường học, xuống chiếu cầu hiền tài, mà thịnh ý dựng nền học để kén chọn nhân tài đã sớm thể hiện ra từ hồi mới khai quốc. Liệt thánh hoàng đế lấy văn giáo để mở cuộc ...

Thái Tổ Cao hoàng đế đời thánh triều lấy võ công định yên thiên hạ, chưa kịp xuống xe đã trước hết tìm thăm các nhà Nho, mở trường học, xuống chiếu cầu hiền tài, mà thịnh ý dựng nền học để kén chọn nhân tài đã sớm thể hiện ra từ hồi mới khai quốc. Liệt thánh hoàng đế lấy văn giáo để mở cuộc thái bình, đặt khoa thi không chỉ một lần, được người kể rất nhiều vậy. Đăng khoa có sách, đề danh có bia, mà ý tôn Nho trọng đạo lại thấy ở các lề phép hàng ngày, ý hay phép tốt có phần hơn xưa trước. Mưu hay nối tiếp sáng ngời, mở đường cho hậu nhân.

Tuy vận nước bỗng lúc gặp bước gian truân, mà mệnh trời vẫn ràng buộc quyến luyến. Trang Tông Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế lập lại tổ nghiệp để cứu dân, phấn chí dấy nghĩa quân để dẹp loạn. Tất cả đều nhờ có Thế tổ Minh Khang thái vương phò giúp nhật nguyệt, chỉnh đốn càn khôn, bèn trước hết mở thi Chế khoa rộng vời tài tuấn. Thế Tông Nghị hoàng đế nắm giữ đại quyền, lo mở mang tổ nghiệp, thực nhờ có Thành Tổ Triết vương kính giúp hoàng gia cầu tìm hiền triết. Đang lúc chấn tác thần uy, khai sáng cơ đồ, đã một lần mở thi Chế khoa và bốn khoa thi Tiến sĩ. Kíp đến khi dẹp tan dư dảng nghịch Mạc, thu phục kinh đô, lại theo quy chế nhà Chu tôn vinh người hiền, đặt khoa thi theo phép nhà Hán để kén chọn kẻ sĩ, nhân tài bắt đầu đông đảo, đương thời khen ngợi cho là đời trị bình.

Kính Tông Huệ hoàng đế đảm đương hoàng cực ngôi kiền, nhân thời nắm vận, thực nhờ Thành Tổ Triết vương chỉnh đốn triều cương, rộng cầu các bậc Nho học, kẻ sĩ xuất thân khoa mục đều được đăng dụng vào triều, công lao vun trồng sáng ngời đương đại.

Kính nghĩ: Hoàng đế bệ hạ nắm vận trùng hanh, nối tiếp giữ gìn quy chế cũ. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] giữ yên xã tắc, thu hút chiêu nạp anh tài, bèn mở ba khoa thi vào các năm Mậu Thìn, Tân Mùi, Giáp Tuất mà kẻ sĩ tài giỏi văn chương đông đảo. Năm Đinh Sửu niên hiệu Dương Hoà thứ 3 lại theo thành lệ mở khoa thi Hội các sĩ nhân trong nước, đăng tên dự thi đông đến mấy nghìn, chọn hạng trúng cách chỉ được 20 người. Ngày hôm sau vào Điện thí, Hoàng thượng thân ra đề thi văn sách, hỏi về đạo trị nước. Bấy giờ Đề điệu là Thái bảo Kiên Quận công Trịnh Quân, Tri Cống cử là Binh bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu Thiếu phó Tuyền Quận công Nguyễn Duy Thì, Giám thí là Hộ bộ Tả Thị lang Mai Quận công Nguyễn Tiến Dụng, Lễ bộ Hữu Thị lang Thọ Hải hầu Trần Hữu Lễ vâng mệnh dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng sáng suốt xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban Tiến sĩ cập đệ cho bọn Nguyễn Xuân Chính 3 người, ban Tiến sĩ xuất thân cho bọn Nguyễn Viết Thường 2 người, ban đồng Tiến sĩ xuất thân cho bọn Nguyễn Cổn 15 người. Sai xướng danh treo bảng để tỏ sự vinh quang cho các sĩ tử, ban cho tước trật để tỏ lòng ưu đãi, ban áo mũ yến tiệc để tỏ hậu lễ. Bấy giờ sĩ tử và dân chúng trầm trồ ngợi khen, nối nhau kéo đến chật cả hai bên đường để đón xem, cho Bắc đẩu khôi tinh lại hiện ra ngày nay, ý nói thánh triều tôn Nho hơn cả thời xưa nên mới được như thế chăng?

Khoa mục được tôn trọng như thế, song việc dựng bia đá đề danh theo lệ thì lúc đó chưa kịp cử hành. Giờ đây Thánh thượng xem xét đủ việc xưa nay, nghĩ muốn vun đắp mệnh mạch. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] sáng nối nghiệp lớn, nghĩ mưu lớn dành cho đời sau, chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] lo yên thiên hạ, sùng chuộng tư văn, bèn sai dựng bia khắc đá cho các khoa Chế khoa và khoa Tiến sĩ từ hồi Trung hưng mà trước chưa có bia. Đặc sai thần soạn bài ký về khoa thi Tiến sĩ năm Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa thứ 3.

Thần kính vâng mệnh sáng, không dám lấy sự vụng về nông cạn để chối từ. Kính cẩn dâng lời rằng:

Phàm trời sinh muôn vật là để bày bố khí vận, điều hòa mưa móc; vua được người hiền là để hoàn thành mỹ giáo, rộng mở cơ đồ. Các bậc đế vương thời xưa cho đến các triều Hán, Đường, Tống, chưa có đời nào không coi trọng hiền tài mà có được trị bình. Nghĩ quốc triều, chế độ kỷ cương sáng tỏ, khuôn hay phép tốt đầy đủ rõ ràng. Làm rạng danh đời xưa mà chấn tác cho đời sau chính là lúc này đây !

Kính nghĩ: Thánh thượng sáng suốt, tôn sùng Nho đạo, thấy rằng lừng lẫy ở một thời sao bằng để tiếng thơm tới muôn thuở, cho nên khắc đá đề danh khoa này dựng ở cửa nhà Thái học là để rạng rỡ sự nghiệp đến vô cùng và lưu truyền tiếng tăm mãi mãi. Vậy thì kẻ sĩ may mắn được đăng tên vào tấm đá này, phải nên đáp ơn nước thế nào đây? Nếu biết dồi mài trung nghĩa, gắng sức liêm cần, mong cho vua được như Nghiêu Thuấn, muốn cho mình được như Cao Quỳ, làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, khiến cho công danh rực rỡ, sự nghiệp chói lòa, để người đời sau tới đây trèo lên bia mà xem, tất phải nghiêm trang nét mặt, trung nghĩa đầy lòng mà ca ngợi đó là đại thần của xã tắc, đó là đá trụ của đạo Nho, được như thế thì may lắm. Còn như trái lại, thì người ta sẽ chỉ trích chê cười, cho là ngọc trắng mang nhơ, bia kia lấm bẩn, há chẳng nên thận trọng lắm sao! Thế thì bia này dựng lên đủ để bồi đắp danh tiết tới nghìn vạn đời, cũng đủ để tỏ rõ đặt quốc gia trên nền tảng vững bền muôn ngàn năm đến vô cùng.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, Tham Chưởng Hàn lâm viện sự, Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Trịnh Cao Đệ1 vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

NGUYỄN XUÂN CHÍNH 阮春正2 người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn.

NGUYỄN NGHI 阮沂3 người xã Kim Thanh huyện Vũ Tiên.

NGUYỄN THẾ KHANH 阮世卿4 người xã Phù Lưu huyện Đông Sơn.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

NGUYỄN HỮU THƯỜNG 阮有常5 người xã Hải Yến huyện Quảng Xương.

NGUYỄN SÁCH HIỂN 阮策顯6 người xã Dương Sơn huyện Đông Ngàn.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:

NGUYỄN CỔN 阮滾7 người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại.

PHẠM VĨNH MIÊN 范永綿8 người xã Thanh Da huyện Lương Tài.

DƯƠNG HOÀNG 楊潢9 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm.

NGÔ VĂN CHÍNH 吳文政10 người xã Phù Vệ huyện Đường Hào.

PHẠM LIỄN 11 người xã Ngọc Cục huyện Đường An.

LÊ HƯNG NHÂN 黎興仁12 người xã Viên Nội huyện Chương Đức.

NGÔ TRIỆT 吳澈13 người xã Đường Hào huyện Đường Hào.

TRẦN KHÁI 陳概14 người xã Quất Động huyện Thượng Phúc.

LƯƠNG ĐẠT 粱達15 người xã Hoàng La huyện Hoằng Hóa.

NGUYỄN NHUẬN 阮潤16 người xã Chi Nê huyện Chương Đức.

NGUYỄN KINH HỌC 阮經學17 người xã An Khải huyện Đường Hào.

NGUYỄN VỊ 阮渭18 người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa.

NGUYỄN NHÂN ĐẠI 阮仁大19 người xã Thượng Đáp huyện Thanh Lâm.

LÊ ĐỨC VỌNG 黎德望20 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm.

NGUYỄN ĐẠT 阮達21 người xã Đông Phiên huyện Thanh Hà.

Trung thư giám hoa văn học sinh, người xã Thái Lạc huyện Văn Giang, Đỗ Minh Nhĩ vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

1. Trịnh Cao Đệ: Xem chú thích 2, Bia số 23.

2. Nguyễn Xuân Chính (1588-?) người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là ông nội của Nguyễn Xuân Đỉnh. Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Kinh diên, tước Đạo Ngạn bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước hầu. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Xuân Sinh.

3. Nguyễn Nghi (1577-1664) nguyên quán xã Tòng Hóa huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương), trú quán xã Kim Thanh huyện Vũ Tiên (nay là xã Tiền Phong thị xã Thái Bình). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Tả Thị lang. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.

4. Nguyễn Thế Khanh (1601- 1670) người xã Phù Lưu huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Quảng Thắng thị xã Thanh Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Phương Lộc hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang.

5. Nguyễn Hữu Thường (1574-1661) người xã Hải Yên huyện Quảng Xương (nay huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Tả Thị lang, về trí sĩ. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước Quận công.

6. Nguyễn Sách Hiển (1601-?) người xã Dương Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ.

7. Nguyễn Cổn (1589-?) người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Trí Quả huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử, từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) và ông bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Tương.

8. Phạm Vĩnh Miên (1587-?) người xã Thanh Da huyện Lương Tài (nay thuộc xã Quảng Phú huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Phạm Lương Hiển, làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

9. Dương Hoàng (1597-1656) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay là xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Công, tước Thọ Lâm hầu. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư.

10. Ngô Văn Chính (1597-?) người xã Phù Vệ huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Phụng Thiên Phủ doãn.

11. Phạm Liễn (1584-?) người xã Ngọc Cục huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là con của Phạm Điển, làm quan Hữu Thị lang Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hộ.

12. Lê Hưng Nhân (1607-?) người xã Viên Nội huyện Chương Đức (nay là xã Viên Nội huyện ng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hộ khoa Đô Cấp sự trung.

13. Ngô Triệt (1588-?) người huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hộ, Tả Thị lang Bộ Lại. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước Quận công.

14. Trần Khái (1606-?) người xã Quất Động huyện Thượng Phúc (nay là xã Quất Động huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang, tước Thọ Phúc hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư, tước Quận công.

15. Lương Đạt (1580-?) người xã Hoàng La huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Xuân huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham chính.

16. Nguyễn Nhuận (1607-?) người xã Chi Nê huyện Chương Đức (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Phương Nam tử và được cử làm Chánh sứ (năm 1667) sang nhà Thanh (Trung Quốc), mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công. Có tài liệu ghi là Ngô Thuận.

17. Nguyễn Kinh Học (1585-?) người xã An Khải huyện Đường Hào (nay thuộc xã Bắc Sơn huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông là em của Nguyễn Kinh Tế và làm quan Thừa chính sứ.

18. Nguyễn Vị (1608-?) người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Lại khoa Đô Cấp sự trung.

19. Nguyễn Nhân Đại (1579-1657) người xã Thượng Đáp huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Châu huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đô Cấp sự trung, sau thăng Tự khanh.

20. Lê Đức Vọng (1605-1669) người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thừa chính sứ Hải Dương, tước Hương Thụy tử.

21. Nguyễn Đạt (1609-?) người xã Đông Phiên huyện Thanh Hà (nay thuộc xã Tân An huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

0