18/06/2018, 11:36

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 33 (1772)

Kính nghĩ: Hoàng thượng ở ngôi đã 33 năm, thánh đạo đã định, văn vận khởi hưng. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] 1 khôi phục mở mang pháp độ, tuyển chọn hiền tài. Mùa đông năm Nhâm Thìn, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ, sai Phó Đô tướng Quế Quận công Trịnh Bồng làm Đề ...

Kính nghĩ: Hoàng thượng ở ngôi đã 33 năm, thánh đạo đã định, văn vận khởi hưng. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương]1 khôi phục mở mang pháp độ, tuyển chọn hiền tài. Mùa đông năm Nhâm Thìn, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ, sai Phó Đô tướng Quế Quận công Trịnh Bồng làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Hộ bộ Tả Thị lang Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Liên Khê hầu Vũ Miên, Hộ bộ Hữu Thị lang Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu làm Giám thí, lấy trúng cách 13 người. Qua tháng sau Điện thí, cho 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 11 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Bèn sai từ thần soạn bài ký khắc vào bia đá dựng ở nhà Thái học.

Thần mừng gặp lễ lớn, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền trí trị được bền vững lâu dài. Cho nên nuôi dưỡng người tài năng ở trường học, dùng khoa mục để tuyển chọn, là để cho họ làm rạng rỡ pháp độ của vua, làm mưu lược của vua được tốt đẹp, há chỉ cốt làm vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi đâu! Lớn có thể làm rường cột, nhỏ có thể làm rui mè. Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà. Kinh Thi có câu: “Ái ái vương đa cát sĩ, duy quân tử sử” (Lớp lớp triều đình đông đảo hiền tài, do quân tử mà có được như vậy). Khoa này chọn người hiền, ngõ hầu cũng được như thế chăng?

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

HỒ SĨ ĐỐNG 胡士棟2 người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, Huấn đạo, đỗ năm 35 tuổi, Hội nguyên.

NHỮ CÔNG CHÂN 汝公瑱3 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, Tự thừa, đỗ năm 22 tuổi, Thiếu tuấn, nhiều đời đăng khoa.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 11 người:

TRẦN CÔNG XÁN 陳功燦4 người xã An Vĩ huyện Đông Yên, Thiêm tri Hộ phiên, Tự khanh, thi đỗ năm 42 tuổi.

NGUYỄN DUY HIỆP 阮維洽 5 người xã Đông Địa Linh huyện Phụ Dực, Giám sinh, thi đỗ năm 28 tuổi.

NGUYỄN QUÝNH 阮囧  6 người xã Lai Thạch huyện La Sơn, Tri huyện, Giải nguyên, thi đỗ năm 29 tuổi.

LÊ NGUYỄN THƯỜNG 黎阮常 7 người thôn Bình Vọng huyện Thượng Phúc. Trú quán xã Phúc Khê huyện Ngự Thiên, Nho sinh trúng thức, thi đỗ năm 30 tuổi, sau đổi tên là Lê Nguyễn Triệu.

ĐÀO VŨ HƯƠNG 陶武香8 người xã Đan Luân huyện Đường An, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 30 tuổi, Văn chức.

VŨ DUY DIỆM 武惟琰9 người xã Hoa Đường huyện Đường An, Giám sinh, Giải nguyên, thi đỗ năm 26 tuổi.

VŨ HUY TRÁC 武輝倬10 người xã Lộng Điền huyện Đại An, Tự thừa, thi đỗ năm 43 tuổi, Trưởng khoa, ng chế hợp cách.

DƯƠNG NGUYỄN HUỐNG 楊阮貺11 người xã ỶLa huyện Từ Liêm, Sinh đồ, thi đỗ năm 25 tuổi.

TRẦN HUY VĨ 陳輝瑋12 người xã Thọ Lão huyện Yên Lạc, Giám bạ, thi đỗ năm 34 tuổi.

NGUYỄN HUY BIỂU 阮輝表13 người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương, Nho sinh, thi đỗ năm 29 tuổi.

LƯU TIỆP 劉睫14 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, Giám sinh, thi đỗ năm 32 tuổi.

Bia dựng ngày 24 tháng 12 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) Hoàng Lê.

Thiếu tuấn, đồng Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Đông các Đại học sĩ Nhập thị Thiêm sai Tri Thị nội thư tả Hộ phiên Thự thiêm Đô Ngự sử kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp Tứ Xuyên bá Phan Trọng Phiên15 vâng sắc soạn.

Hội nguyên, đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị nội Bồi tụng Binh bộ Thượng thư cải thụ Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Quyền Phủ sự đồng dự chính vụ, trí sĩ, Trung Phái hầu Nhữ Công Toản vâng sắc nhuận.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Sâm.

2. Hồ Sĩ Đống (1739-1785) hiệu là Trúc HiênDao Đìnhtự là Long Thủ và Thông Phủngười xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông từng giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hộ, Quyền Phủ sự, Đồng Tham tụng, tước Kinh Dương hầu và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Binh và ban tước Quận công. Ông còn có tên là Hồ Sĩ Đồng

3. Nhữ Công Chân (1751-?) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu nội Nhữ Tiến Hiền, con của Nhữ Đình Toản và làm quan Hàn lâm Thị chế, Tri Công phiên, Thự Lễ bộ Hữu Thị lang. Dòng họ ông nhiều đời đăng khoa.

4. Trần Công Xán (1731-?) người xã Yên Vĩ huyện Đông Yên (nay là xã An Vĩ huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Phái Trạch hầu. Sau ông đổi tên là Trần Công Thước.

5. Nguyễn Duy Hiệp (1744-?) người xã Đông Địa Linh huyện Phụ Dực (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Thời Tây Sơn, ông lánh cư ở ẩn. Đến đời Nguyễn Gia Long (1802-1819) ra nhậm chức Học sĩ, rồi bổ chức Hiệp trấn Kinh Bắc, Đốc học Quảng Nam, sau cáo quan về nhà. Ông nguyên tên là Nguyễn Bá Thông. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Duy Hợp.

6. Nguyễn Quýnh (1734-?) người xã Lai Thạch huyện La Sơn (nay thuộc xã Song Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là em của Nguyễn Huy Oánh và làm quan Hàn lâm Thị chế, Đốc thị Thuận Quảng. Sau ông đổi tên là Nguyễn Trực. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Huy Quýnh hoặc Nguyễn Duy Quýnh.

7. Lê Nguyễn Thường (1743-?) người thôn Bình Vọng huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây), trú quán xã Phú Khê huyện Ngự Thiên (nay là xã Hiệp Hòa huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm Thị thư, Thị Tham chính Kinh Bắc. Sau ông đổi tên là Lê Nguyễn Triệu.

8. Đào Vũ Hương (1743-?) người xã Đan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo, Đốc đồng xứ Sơn Nam.

9. Vũ Duy Diệm (1737-?) người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Thự Hiến sát sứ.

10. Vũ Huy Trác (1730-?) người xã Lộng Điền huyện Đại An (nay thuộc xã Nghĩa Đồng huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị giảng, Tả Thị lang Bộ Lễ kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp.

11. Dương Nguyễn Huống (1748-?) người xã Ỷ La huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Dương Nội huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.

12. Trần Huy Vĩ (1739-?) người xã Thọ Lão huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông Làm quan Đô Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông là Trần Huy Thường.

13. Nguyễn Huy Biểu (1744-?) người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Tú Sơn huyện Kiến Thụy Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Quang Biểu hoặc Nguyễn Trọng Biểu.

14. Lưu Tiệp (1742-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc, Đốc trấn Cao Bằng.

15. Phan Trọng Phiên: Xem chú thích 6, Bia số 74.

 

0