Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Dần niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 7 (1746)
Sao Khuê mở vận thái, sao Đẩu hiện nhân tài, cầu hiền kén sĩ, khoa cử thịnh hành. Hoàng thượng bệ hạ kế tục thể chế, giữ pháp độ lập thành, trọng đãi người hiền, chấn hưng trị đạo. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] tạo dựng mọi việc, lựa dùng nhân ...
Sao Khuê mở vận thái, sao Đẩu hiện nhân tài, cầu hiền kén sĩ, khoa cử thịnh hành.
Hoàng thượng bệ hạ kế tục thể chế, giữ pháp độ lập thành, trọng đãi người hiền, chấn hưng trị đạo. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] tạo dựng mọi việc, lựa dùng nhân tài. Mùa xuân năm Bính Dần thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Tả hòa quân doanh Đô đốc phủ Đô đốc đồng Tri Thự phủ sự phó tướng Thụy Quận công Trịnh Tân làm Đề điệu, hành Tham tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhuyễn Đình hầu Trịnh Ngô Dụng làm Tri Cống cử, Thiêm sai Công bộ Hữu Thị lang hành Phó Đô Ngự sử kiêm Đông các Học sĩ tả chính ngôn Thư Trạch hầu Vũ Công Trấn, Thiêm sai Công bộ Hữu Thị lang Ôn Trạch bá Vũ Khâm Lân làm Giám thí, cùng các quan bách ty trong ngoài chia giữ các việc.
Buổi ấy sĩ tử tới đua tài không dưới 2.000 người, số trúng tuyển là bọn Trần Danh Tố 4 người. Ngày 21 tháng 5 vào Điện thí. Hôm sau quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng định thứ bậc cao thấp, cho Đoàn Thụ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Danh Tố 3 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền gọi tên, Bộ Lễ treo bảng vàng ngoài cửa nhà Thái học. Việc ban áo mũ yến tiệc đều y theo lệ cũ.
Mùa thu năm Đinh Mão, quan Bộ Công xin dựng bia đá đề danh. Vua y theo lời tâu, bèn sai thần soạn văn bia. Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Tính danh thêu lên cờ lệnh, khắc vào đỉnh vạc, các bậc tiên vương nêu cao công lao của các cựu thần. Nhưng tạc đá khắc bia, quy chế bản triều tôn Nho thì đời xưa chưa có, mà khoa thi Tiến sĩ thì từ trước đã có tiếng là chọn được nhiều hiền tài. Người thì giúp mưu lược từ thủa đầu sáng nghiệp, người có hoài bão lớn trong buổi thái bình, công kinh lược giúp đời đã thấy rờ rỡ. Cho nên từ xưa đến nay đời nào cũng coi trọng khoa mục. Khi chưa thi thì muốn cất nhắc đồng đều, cúng lễ ở các đền miếu để tỏ lòng chí thành. Khi đã đỗ thì ưu ái trọng hậu, lại khắc tên vào đá cứng để lưu truyền mãi mãi. Kẻ sĩ ở chốn nhà tranh vách đất, một khi được ghi tên ở bảng Long hổ, thân được dự vào hạng khoa danh thì phải làm thế nào để không hổ thẹn với tấm đá này. Bài ký trước có câu: "Thuần chính cứng sáng thì bia đá vẻ vang, a dua dựa dẫm thì bia đá hổ thẹn", há chẳng đáng thận trọng lấy làm răn hay sao!
Thần đem điều ấy ghi vào bia này, chẳng những để rạng đời tỏ tới đời sau mà còn gửi ý khuyên răn đối với hàng sĩ phu nữa.
Thần kính cẩn dâng bài ký.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tả Tư giảng Thiêm sai Tri Thị nội Thư tả Lại phiên Hàn lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Dương Công Chú1 vâng sắc soạn.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Suy trung Dực vận công thần Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 16 tháng 9 niên hiệu Cảnh Hưng 8 (1747) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
ĐOÀN THỤ 段 澍 2 người xã Phù Lỗ huyện Kim Hoa, Giám sinh.
Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:
TRẦN DANH TỐ 陳名做 3 người xã Ngọc Điền huyện Thạch Hà, Giám sinh.
ĐÀO VŨ THƯỜNG 陶武常 4 người xã Yên Lũ huyện Thanh Lan, Huấn đạo.
NGUYỄN NHƯ THỨC 阮 如 式 5 người xã Phú Yên huyện Thư Trì, Giám sinh.
Đô lại Bộ Lại người xã Liêu Hạ huyện Đường Hào là Nguyễn Thái Huy vâng viết chữ (chân).
Bá hộ Lê Khắc Thực cùng toàn đội vâng khắc chữ.
Chú thích:
1. Dương Công Chú: Xem chú thích 14, Bài số 65.
2. Đoàn Thụ (1715-?) người xã Phù Lỗ huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phù Lỗ huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang, tước Diên Trạch hầu. Có tài liệu ghi là Đoàn Chú.
3. Trần Danh Tố (1713-?) người xã Ngọc Điền huyện Thạch Hà (nay thuộc thị trấn Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Cấp sự trung.
4. Đào Vũ Thường (1705-?) người xã Yên Lũ huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Đông Quan huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ.
5. Nguyễn Như Thức (1719-?) người xã Phú Yên huyện Thư Trì (nay thuộc xã Hoà Bình huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.