18/06/2018, 11:31

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái năm thứ 5 (1577)

Trời mở thánh triều, trao cho vận lớn. Thế Tông Nghị hoàng đế đức lớn thông minh, chí mưu khôi phục. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương kế thừa cơ nghiệp của Thế Tổ Thái vương, dùng hiền tài phò trì kính giúp, tiến cử bậc chân Nho giúp trị, đặt khoa mục để chọn người tài, theo lệ đặt Chế khoa của ...

Trời mở thánh triều, trao cho vận lớn. Thế Tông Nghị hoàng đế đức lớn thông minh, chí mưu khôi phục. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương kế thừa cơ nghiệp của Thế Tổ Thái vương, dùng hiền tài phò trì kính giúp, tiến cử bậc chân Nho giúp trị, đặt khoa mục để chọn người tài, theo lệ đặt Chế khoa của hai khoa Giáp Dần và t Sửu, vào năm Đinh Sửu lại đặt Chế khoa, sai các viên Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí chia giữ các việc. Vâng mệnh khảo thí sĩ tử, dâng đọc quyển thi, kính vâng Hoàng thượng đích thân xem xét, chọn hạng xuất sắc được 5 người. Vâng sắc ban cho bọn Lê Trạc Tú 3 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, bọn Hồ Bỉnh Quốc 2 người đỗ đồng Chế khoa xuất thân; cho dự yến tiệc, ban mũ áo cân đai. Trăm quan mặc triều phục chúc mừng, dân chúng bốn phương chụm đầu xem bảng, đều bảo bậc chân Nho xuất hiện thì thế đạo hanh thông. Nhưng đương thời chưa kịp ghi chép họ tên, còn để lần lữa đến nay.

Hoàng thượng bệ hạ thừa vận thái bình, thống nhất đất nước. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] giúp, quyết chí anh hùng, dẹp yên trong cõi, uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] trong thống suất trăm quan, ngoài vỗ yên bốn biển. Riêng nghĩ hiền tài hữu ích cho quốc gia, cảm nhớ kẻ sĩ trong các Chế khoa có công lớn với nước, bèn sai từ thần tại Viện Hàn lâm chia nhau soạn bài ký. Bọn thần cung kính cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Ngước nghĩ khí vận của quốc gia quan hệ ở nhân tài, mà nhân tài cao thấp do khoa mục tuyển định. Sự thu dụng được hiền tài đáng được coi là khí cụ để đạt đến thịnh trị.

Thái tổ Cao hoàng đế dùng võ công bình định, mở rộng văn đức, bủa lưới tìm kiếm hiền tài mà khoa mục mới được khởi thuỷ. Liệt thánh hoàng đế noi theo quy chế thành văn, kế thừa mưu lược sáng suốt, đặt khoa thi chọn kẻ sĩ mà nhân tài nối nhau xuất hiện.

Đến nay Hoàng thượng trung hưng, trăm việc mở mang, ba năm lại tổ chức một khoa thi lớn, noi theo phép chọn kẻ sĩ đời Hán, tuỳ thời cuộc mà đặt các môn thi, lo kiếm nhân tài để gây dựng công nghiệp. Từ năm Đinh Sửu (1577) niên hiệu Gia Thái tới nay, nhờ khoa mục mà chọn được nhân tài cho nước nhà sử dụng đến vô cùng, thật là thịnh vượng tốt đẹp lắm thay! Lại nhân đó mà đề danh vào bia đá để ghi lại sự kiện lớn, khiến người đời sau sẽ trông vào đó mà bắt chước vậy.

Thế thì những người thi đỗ làm quan phải nên đem hết tài năng làm tròn chức trách, dám can ngay nói thẳng, phò vua giúp dân, khiến người đời sau khen là bậc quân tử chính trực, ngõ hầu không phụ với khoa danh.

Thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng thì người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục.

Thế thì bia đá này dựng lên, há chỉ để làm vẻ vang bề ngoài mà thôi đâu? Tất phải lấy đó để khuyên răn người đời, há chẳng nên thận trọng sao?

Bọn thần cúi vâng lời ngọc, do chức trách phải biên chép, há dám lấy cớ vụng về kém cỏi chối từ, bèn phô bày tán dương ý nghĩa chế tác của thánh triều để tỏ rõ cho đời sau được biết.

Bọn thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Hàn lâm viện Đãi chế Nguyễn Đăng Cảo1 vâng sắc soạn.

Trung thư giám Hoa văn học sinh người xã Thái Lạc huyện Văn Giang là Nguyễn Thế Nho vâng sắc viết chữ (chân).

Trung thư giám Hoa văn học sinh, người thôn Nguyệt Lãng xã Nhân Lý huyện Đông Sơn là Lê Đình Đống vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, 3 người:

LÊ TRẠC TÚ 黎擢秀2 người xã Thượng Cốc huyện Lôi Dương.

NGUYỄN BẬT LƯỢNG 阮弼亮3 người xã Cương Gián huyện Nghi Xuân.

LÊ PHÚC NHẠC 黎福岳4 người xã Lạc Xuyên huyện Kỳ Hoa.

Đệ nhị giáp Chế khoa xuất thân, 2 người:

HỒ BỈNH QUỐC 胡秉國5 người xã Bình Lãng huyện Thiên Lộc.

NGUYỄN HOÀNH TỪ 阮宏詞6 người xã Phất Não huyện Thạch Hà.

Chú thích:

1. Nguyễn Đăng Cảo: Xem ở chú thích 5, Bia số 15 .

2. Lê Trạc Tú (1534-1609) người xã Thượng Cốc huyện Lôi Dương (nay thuộc địa phận huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông là cháu nội của Lê Tán Tương. Ông được Trịnh Tùng kính trọng, cho giữ chức Đô Ngự sử, tước Văn Trinh tử. Trong vụ biến loạn năm 1600, ông theo vua về Thanh Hóa, giúp nhiều mưu kế, được xếp hạng Hiệp mưu Tá lý công thần và giữ các chức quan như: Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, tước Văn Dương hầu. Khi mất, ông được phong phúc thần, tước Quận công.

3. Nguyễn Bật Lượng (1546-?) người xã Cương Gián huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Cương Gián huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Tự khanh, tước nam. Khi mất, ông được tặng Thị lang, tước bá.

4. Lê Phúc Nhạc (1553-?) người xã Lạc Xuyên huyện Kỳ Hoa (nay thuộc xã Cẩm Lạc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan đến Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước hầu. Có tài liệu ghi ông người xã Dư Lạc.

5. Hồ Bỉnh Quốc (?-?) người xã Bình Lãng huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Đức Thuận huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Hộ, Thừa chính sứ Thanh Hoa. Năm Bính thân (1596), ông cùng Phạm Hồng Nho làm đặc phái viên của Hàn lâm viện đi quan sát việc đo đạc ruộng đất, phân định ngạch thuế của các địa phương và được thăng Tả Thị lang Bộ Lại, tước Lễ Cung nam. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước Quận công.

6. Nguyễn Hoành Từ (1536-1599) người xã Phất Não huyện Thạch Hà (nay thuộc xã Thạch Bình huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại.

0