18/06/2018, 11:31

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hoằng Định năm thứ 17 (1616)

Trời cho thọ trường nền trí trị, nước sinh bậc toàn tài. Nước ta thánh đức long thịnh, văn vận sáng ngời. Kính nghĩ: Kính Tông Huệ hoàng đế nối giữ cơ nghiệp bao đời, đảm đương trọng trách làm vua làm thầy, vỗ yên bốn phương, mở mang trăm việc. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương nối nghiệp ...

Trời cho thọ trường nền trí trị, nước sinh bậc toàn tài. Nước ta thánh đức long thịnh, văn vận sáng ngời.

Kính nghĩ: Kính Tông Huệ hoàng đế nối giữ cơ nghiệp bao đời, đảm đương trọng trách làm vua làm thầy, vỗ yên bốn phương, mở mang trăm việc. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương nối nghiệp lớn của Thế Tổ Minh Khang thái vương, giữ yên xã tắc tông miếu, thu dụng hiền tài. Bèn vào năm Bính Thìn niên hiệu Hoằng Định thứ 17 mở khoa thi Hội. Đặc sai Đề điệu là Tả đô đốc Lỵ Quận công Lê Lựu, Tri Cống cử là Lễ bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu Đông các Đại học sĩ Nghĩa Khê hầu Nguyễn Lễ, Giám thí là Lại bộ Tả Thị lang Phú Xuân hầu Ngô Trí Hòa và Hộ bộ Tả Thị lang Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ vâng mệnh thi Hội các sĩ nhân trong nước, chọn hạng xuất sắc chỉ được 4 người. Khâm vâng triệu vào Điện thí. Hoàng thượng lâm ngự, ra đề thi Đình đối, đích thân định thứ bậc cao thấp. Đặc ban cho bọn Lê Trí Dụng 4 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi xướng danh, yết bảng vàng trước cửa nhà Quốc học, ban cho áo mũ phẩm phục, cho dự yến Quỳnh Lâm, rồi cho vinh quy về làng, ban cho tước lộc phẩm trật trọng hậu, ơn huệ thật nhuần thấm dồi dào. Nhưng khắc tên lên đỉnh vạc, đề lên tre lụa thì vẫn là việc phải nên làm.

Đến nay Hoàng thượng bệ hạ đức thánh ân trời, đảm đương mệnh sáng, nối giữ cơ đồ lớn lao, tôn trọng người hiền, chuộng kẻ có công, quyết chí mưu trị. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] chỉnh đốn càn khôn, vỗ yên trong ngoài, chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] trong thống quản bách quan, ngoài điều hòa bốn biển, lập dựng kỷ cương, sửa sang pháp độ. Bấy giờ xã tắc vững yên, triều đình vô sự, khi muôn việc rảnh rỗi, chạnh nghĩ quốc triều từ ngày Trung hưng khôi phục về sau các khoa thi Chế khoa và thi Tiến sĩ mà tiên triều chưa dựng bia thì nay đều dựng thêm cho đủ.

Kính nghĩ: Thánh thượng ở ngôi vẫn có ý muốn biểu dương tôn sùng, nhưng khắc đá đề danh là quy chế lớn thì từ trước vẫn chưa hoàn thành. Đến nay là ngày tháng 10 niên hiệu Thịnh Đức năm đầu (1653) bèn sai từ thần chia nhau soạn các bài ký khắc lên đá xanh để biểu dương cho nổi bật. Bọn thần thẹn vâng mệnh sáng, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Nước nhà có nhân tài cũng như con người có nguyên khí. Nguyên khí thịnh mạnh thì con người sống lâu, mà đông đảo nhân tài thì nước nhà vững như núi Thái. Cho nên các bậc thánh đế minh vương không đời nào không coi việc nuôi tài kén sĩ để bồi bổ nguyên khí là việc hàng đầu.

Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế hồi mới khai quốc, lấy võ công mà thu thiên hạ, chưa kịp xuống xe, đã vội tìm hỏi những người Nho học, cho mở trường học để vun đắp nền lớn cho muôn năm. Liệt thánh hoàng đế kế thừa sự tốt đẹp, lấy văn đức vỗ yên bốn biển, chưa rỗi việc khác đã đặt thi Nho khoa, buông lưới lớn thu nạp tài tuấn để khai mở nền thái bình muôn đời.

Nay mừng Hoàng thượng, trời mở cuộc Trung hưng, đích thân giữ đạo trị nước, chế tác nắm quyền, làm đầy đủ các việc đời trước chưa đầy đủ. Chao ôi! Thịnh thay! Kẻ sĩ được đề danh vào bia đá, há chẳng vinh hạnh lắm sao? Cho nên phải nên lấy trung hậu mà đứng trong triều, tự giữ phép công minh liêm chính, văn chương phải đủ để đẹp nước, đạo đức phải đủ để cứu đời, làm cho vua dân đạt được như vua dân đời Nghiêu Thuấn, để cho sự nghiệp được như sự nghiệp của Cao Dao, Hậu Quỳ. Được như thế thì trên không phụ ơn sâu của thánh thiên tử ngợi khen, dưới không phụ bình sinh sở học, mà bia đá này cũng được lưu thơm mãi mãi không nát. Thảng hoặc không được như thế thì kẻ ấy là trung chính hay gian tà, hiền hay không hiền, những việc đã làm đắc thất, phải trái ra sao, sau cả nghìn năm công luận vẫn rành rành, há chẳng đáng sợ hay sao? Ý nghĩa dựng bia ngày nay há phải chỉ truyền lâu dài xem cho đẹp cảnh mà thôi đâu! Mà chính là để phúc lâu dài muôn vạn năm đến vô cùng cho cháu thần con thánh của hoàng gia ta nữa.

Bọn thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Lê Đình Lại1 vâng sắc soạn.

Trung thư giám Hoa văn học sinh, người giáp Tây Đài phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên là Đỗ Công Vị vâng sắc viết chữ (chân).

Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái hàm Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:

LÊ TRÍ DỤNG 黎智用2 người xã Yên Nhân huyện Chương Đức.

VŨ MIỄN 武勉3 người xã Ngọc Tri huyện Lương Tài.

TRẦN NGHI 陳沂4 người xã Châu Kiều huyện Gia Lâm.

NGUYỄN HI TÁI 阮熙載5 người xã Nội Duệ huyện Tiên Du.

Chú thích:

1. Lê Đình Lại: Xem chú thích 16, Bia số 37.

2. Lê Trí Dụng (?-?) người xã Viên Ngoại huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên An huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây), trú quán xã Yên Nhân (nay thuộc xã Hòa Chính cùng huyện). Ông là cha của Lê Trí Trạch và làm quan Hiến sát sứ.

3. Vũ Miễn (1553-?) người xã Ngọc Trì huyện Lương Tài (nay thuộc Bình Định huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan tới chức Tham chính, tước Lương Xuyên tử.

4. Trần Nghi (1584-?) người xã Châu Cầu huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Dực vận Tán trị công thần, Tả Thị lang Bộ Lễ, tước Thọ Xuyên hầu và được cử làm Phó sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.

5. Nguyễn Hy Tái (?-?) người xã Nội Duệ huyện Tiên Du (nay là xã Nội Duệ huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.

0