18/06/2018, 11:31

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511)

Trời mở vận trung hưng, năm đúng kỳ mở khoa thi lớn. Mùa xuân năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Bộ Lễ kính theo lệ cũ, triệu tập sĩ tử tới kinh đô để đua tài, chọn được hạng ưu tú 47 người. Ngày 17 tháng 4, Hoàng thượng 1 đích thân ra bài văn sách, hỏi về đạo trị nước xưa nay. ...

Trời mở vận trung hưng, năm đúng kỳ mở khoa thi lớn. Mùa xuân năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Bộ Lễ kính theo lệ cũ, triệu tập sĩ tử tới kinh đô để đua tài, chọn được hạng ưu tú 47 người. Ngày 17 tháng 4, Hoàng thượng1 đích thân ra bài văn sách, hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai Đề điệu là Suy trung Tán trị Minh kính Khiêm cung công thần Đặc tiến Khai phủ Kim tử Vinh lộc đại phu Bình chương quân Quốc trọng sự Thống quốc chính Thái tể Thái sư Thiệu quốc công thượng trụ quốc Lê Quảng Độ, Phụng trực đại phu Công bộ Thượng thư Tư chính Thượng khanh Trình Chí Sâm; Giám thí là Gia hạnh đại phu Hộ bộ Tả Thị lang Khuông nghĩa doãn Phạm Hạo, Tả Thị lang Bộ Lại Triều liệt đại phu Tu thận doãn Đặng Minh Khiêm cùng các quan hữu ty chia giữ các việc.

Sáng hôm sau, các viên đọc quyển là Phụng trực đại phu Lễ bộ Thượng thư Tư chính Thượng khanh Nguyễn Bá Nhậm, Phụng trực đại phu Thượng thư Ngự sử đài Đô Ngự sử Tư chính thượng khanh Nguyễn Thì Ung, Phụng trực đại phu Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên Tư chính Thượng khanh Đỗ Nhạc dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp. Lấy bọn Hoàng Nghĩa Phú 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Bùi Doãn Hiệp 9 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Doãn Minh 35 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngày mồng 4 tháng 5, Hoàng thượngngự điện Kính Thiên, cho truyền loa xướng tên người thi đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Bộ Lại vâng ban ơn mệnh, Bộ Lễ vâng rước bảng vàng treo ở ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban áo mũ cân đai cho các vị tân khoa, ban ơn cho dự yến tiệc, lễ đãi hiền đầy đủ cả lễ nhạc.

Đặc sai Dương vũ Hiệp mưu Đồng đức Hiệu trung khai quốc công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tán lý Hiệp thuận Khai phủ Nghi đồng Tam ty Bình chương quân Quốc trọng sự Phụ quốc Thừa tướng Thượng tể Thái phó Nghĩa quốc công Thượng trụ quốc Nguyễn Văn Lang sửa lại trường Quốc học, cất nhà bia mới ở phía đông và tây. Lại sai Tá lý công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Công bộ Thượng thư Chưởng lục bộ Sự tri Hiển Phúc điện Uy Quận công Thượng trụ quốc Nguyễn Bá Lân trông coi việc dựng bia đề tên, sai từ thần soạn bài ký. Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Trời đất sinh thành muôn vật ắt phải nhờ có bốn mùa để thành công. Đế vương muốn yên định muôn phương ắt phải tìm người hiền giúp trị. Cho nên nhà Ngu do không bỏ sót người hiền ở đồng quê mà tới mức thái bình thịnh trị. Nhà Chu có cảnh vui vẻ khang ninh là nhờ trong triều có nhiều hiền tài. Đến các đời Hán, Đường, Tống vua nào muốn có trị bình, ắt phải coi việc dùng hiền kén sĩ làm việc đầu tiên.

Kính nghĩ thánh triều:

Thái Tổ Cao hoàng đế dùng võ công dẹp yên thiên hạ, lấy văn giáo dấy nền thái bình, bắt đầu lập Quốc học mà văn giáo từ đây ngày càng mới.

Thái Tông Văn hoàng đế nối tiếp nghiệp lớn, sửa sang điển chế, bắt đầu mở khoa thi mà văn minh càng thêm rực rỡ.

Nhân Tông Tuyên hoàng đế kính theo mưu lược của tiên đế, tuân giữ điển chương chế độ, nuôi dưỡng dự bị sẵn người tài, Nho phong phấn phát.

Thánh Tông Thuần hoàng đế chỉnh đốn mối giềng, sửa sang trị bình giáo hóa, chuộng văn trọng đạo, học vấn cao minh, chăm lo tác thành người tài tuấn, các bậc chân Nho nối nhau xuất hiện.

Hiến Tông Duệ hoàng đế giữ cơ nghiệp sẵn thành, mở mang cội nguồn giáo hóa, lựa dùng hiền tài, nhân tài chen vai cùng tiến.

Kính nghĩ hoàng đế bệ hạ ứng vận hội, trời thuận người theo, vỗ yên chúng dân trong nước, tới trường giảng đạo, chuộng mến nho phong, bắt đầu từ khoa Tân Mùi là khoa thứ nhất trong đời Trung hưng2. Nghĩ hiền tài là nguyên khí của quốc gia, phải chăm lo bồi đắp; khoa mục là điển chương của thánh triều, phải chấn hưng trước hết. Kẻ hào kiệt thường vẫn từ con đường ấy mà tiến thân. Nhà Đường được Phòng [Huyền] Linh mà đạt được nền thái bình đời Trinh Quán. Nhà Tống được Hàn Kỳ mà đặt thiên hạ vào thế yên như Thái Sơn. Trải qua các đời nhờ khoa mục thu dụng được nhân tài mà giúp ích cho nền trị đạo, quan hệ lớn lao như thế.

Lòng thánh đế lo xa, đã có sẵn quy hoạch, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời.

Kẻ sĩ ở đời được ghi tên vào tấm đá này thực may mắn biết bao! Nếu quả thật biết dồi mài trung nghĩa, cố gắng liêm cần để có tiếng là vị Trạng nguyên trung hiếu, là bậc quân tử ngọc vàng, thì mai sau các học trò nhà Thái học sẽ chỉ vào tên mà nói: Vị này vào hàng khoa bảng, vị này là bậc hiền tài, người hiền lương biết vậy mà lấy làm khích lệ. Thảng như có kẻ ngoài ngọc trong đá, bề ngoài như chim phượng mà tiếng kêu như cú diều, dua nịnh giống phường dựa cột, hèn nhát như lũ bó tay, thiên hạ đời sau sẽ chê cười nói: kẻ ấy tà học như hạng Công Tôn Hoằng, kẻ kia phản lại kinh sách cũng như Vương An Thạch, kẻ gian ác thấy đấy mà tự lấy làm răn. Được như thế thì tấm bia này dựng lên, trong chỗ ngợi khen còn có ngụ ý khuyên răn nữa.

Rực rỡ lớn lao thay quy mô chọn dùng hiền tài của liệt thánh. Kế thừa cao cả thay mực thước chọn dùng hiền tài của Thánh thượng ngày nay. Đó là vì muốn cho trời đất sinh hiền tài mà lập tâm, vì muốn nước nhà sử dụng được hiền tài mà lập pháp; và vì có ý mở ra cuộc thái bình muôn nghìn đời cho thiên hạ vậy.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu Tri Kinh diên sự Đôn Thư bá trụ quốc Lê Tung3 vâng sắc soạn.

Triều liệt đại phu Trung thư giám Trung thư xá nhân Tu thận doãn Ngô Ninh vâng viết chữ (chân).

Lễ bộ Tả Thị lang hành Kim quang môn Đãi chiếu Tri Thượng bảo giám các cục sự Nguyễn Huệ vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 3 niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 (1513).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

HOÀNG NGHĨA PHÚ 黃義富4 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.

TRẦN BẢO TÍN5 người huyện Nghi Xuân phủ Đức Quang.

VŨ DUY CHU 武維周6 người huyện Sơn Minh phủ Ứng Thiên.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 9 người:

BÙI DOÃN HIỆP 裴允協7 người huyện Phù Vân phủ Thường Tín.

NGUYỄN HY TÁI 阮熙載8 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.

LÊ TƯ 黎鼒9 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

NGUYỄN DUY TƯỜNG 阮維祥10 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.

MAI BANG 梅邦11 người huyện Quế Dương phủ Từ Sơn.

ĐÀO KHẮC CẦN 陶克勤12 người huyện Thủy Đường phủ Kinh Môn.

PHAN CHÍNH NGHỊ 潘正誼13 người huyện Nghi Xuân phủ Đức Quang.

PHẠM VĨNH TOÁN 范永算14 người huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng.

NGUYỄN DỰC 阮翌15 người huyện Tiên Du phủ Từ Sơn.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 35 người:

TRẦN DOÃN MINH 陳允明16 người huyện Bình Hà.

LÊ BÁ KHANG 黎伯康17 người huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên.

THÁI KÍNH 蔡敬18 người huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang.

TRẦN BÍCH HOÀNH 陳璧宏19 người huyện Duy Tiênphủ Lị Nhân.

NGÔ SĨ KIỆN 吳士健20 người huyện Thanh Trìphủ Thường Tín.

ĐÀO XUÂN VI 陶春圍21 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

DƯƠNG KHẢI 楊楷22 người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.

ĐÀM SÂM 譚森23 người huyện Văn Lãngphủ Tam Đới.

NGUYỄN Ý 阮懿24 người huyện Giao Thuỷ phủ Thiên Trường.

KIỀU VĂN BÁ 喬文伯25 người huyện Phúc Lộc phủ Quốc Oai.

NGUYỄN QUANG 阮珖26 người huyện Tiên Du phủ Từ Sơn.

NGUYỄN THÌ KHẮC 阮時克27 người huyện Lập Thạch phủ Tam Đới.

NGỌ CƯƠNG TRUNG 午剛中28 người huyện Yên Phúphủ Từ Sơn.

TRẦN VIẾT THỨ 陳曰恕29 người huyện Thạch Hà phủ Hà Hoa.

NGUYỄN HỮU QUAN 阮有官30 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.

NGUYỄN HUYỄN 阮鉉31 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.

NGUYỄN VÔ ĐỊCH 阮無敵32 người huyện Gia Định phủ Thuận An.

NGUYỄN BẠT TỤY 阮拔萃33 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.

NGÔ ĐĨNH TRỰC 吳挺直34 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.

PHẠM NGUYÊN 范元35 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

TẠ ĐÌNH HUY 謝廷暉36 người huyện Duy Tiên phủ Lị Nhân.

LA THẾ NGHIỆP 羅世業37 người huyện Thuần Hựu phủ Hà Trung.

ĐÀO TRUNG HÒA 陶中和38 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.

ĐOÀN VĂN THÔNG 段文通39 người huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên.

NGUYỄN THÁI HOA 阮泰華40 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

QUÁCH THU ƯNG 郭秋鷹41 người huyện Tiên Lữ phủ Khoái Châu.

NGUYỄN TUỆ 阮鏏42 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.

NGUYỄN MẬU THUẬT 阮懋述43 người huyện Chí Linh phủ Nam Sách.

NGUYỄN THU 阮秋44 người huyện Thiện Tàiphủ Thuận An.

LÊ VÔ CƯƠNG 黎無疆45 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.

NGUYỄN VĂN ĐÀM 阮文談46 người huyện Kim Thành phủ Kinh Môn.

VŨ PHI HỔ 武非虎47 người huyện Hoành Bồ phủ Hải Đông.

LƯƠNG ĐỨC MẬU 梁德懋48 người huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng.

NGUYỄN MẠO 阮瑁49 người huyện Kim Bảng phủ Lị Nhân.

NGUYỄN KIỀU 阮嶠50 người huyện Đông Yên phủ Khoái Châu.

Chú thích:

1. Chỉ vua Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516).

2. Chỉ sự kiện Lê Oanh, con của Cẩm Giang vương Lê Sùng đem quân từ Thanh Hóa về Thăng Long lật đổ Lê Uy Mục (1505-1509). Vì Uy Mục là kẻ tàn bạo vô đạo giết hại cả bà nội, chú ruột và các anh em. Sử ghi cuộc chính biến này là cuộc Trung hưng đời Hồng Thuận.

3. Lê Tung (1452-1514), nguyên họ tên là Dương Bang Bản , quê xã An Cư huyện Thanh Liêm (nay thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) năm 33 tuổi. Sau khi thi đỗ được vua ban quốc tính họ Lê và đặt tên là Tung. Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lễ, Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Đôn Thư bá và từng được cử đi sứ.

4. Hoàng Nghĩa Phú (1840-?) nguyên quán xã Mạc Xá huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây), trú quán xã Đan Khê huyện Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham tri Chính sự kiêm Đô Ngự sử.

5. Trần Bảo Tín (1483-?) người xã Khải Mông huyện Nghi Xuân (nay thuộc huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại. Khi nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê, ông ẩn ở tại núi Hành Sơn rồi mất. Nhà Lê Trung hưng, truy tặng ông chức Thượng thư và được phong phúc thần.

6. Vũ Duy Chu (1484-?) người xã Tu Lễ huyện Sơn Minh (nay thuộc huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang.

7. Bùi Doãn Hiệp (?-?) người xã Đào Xá huyện Phù Vân (nay thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đô Ngự sử.

8. Nguyễn Hy Tái (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Đoán sự.

9. Lê Tư (?-?) người làng Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đoán sự.

10. Nguyễn Duy Tường (?-?) người xã Lý Hải huyện Yên Lãng (nay thuộc xã Phú Xuân thị xã Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tham chính. Khi mất, ông được tặng chức Thị lang và phong phúc thần.

11. Mai Bang (1482-?) người xã Đào Tai huyện Quế Dương (nay thuộc xã Đào Viên huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm. Có tài liệu ghi ông là Đỗ Bang.

12. Đào Khắc Cần (1477-?) người xã Mai Đồng huyện Thủy Đường (nay thuộc xã Liên Khê huyện Thủy Nguyên Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hàn lâm.

13. Phan Chính Nghị (1476-?) người xã Phan Xá huyện Nghi Xuân (nay là thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Đô Ngự sử. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, ông tử nạn. Sau triều Lê Trung hưng, phong ông làm phúc thần.

14. Phạm Vĩnh Toán (1488-?) người xã Hoa Xá huyện Gia Phúc (nay thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Thượng thư, tước hầu. Sau khi mất, ông được thăng Quận công.

15. Nguyễn Dực (1476-?) người xã Nội Duệ huyện Tiên Du (nay là xã Nội Duệ huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến chức Giám sát, có tài liệu ghi làm đến Hàn lâm Hiệu lý.

16. Trần Doãn Minh (?-?) người xã Lan Khê huyện Bình Hà (nay thuộc xã Việt Hồng huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Khoa trước, năm 1508 ông đi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, nhưng vì không đỗ hạng cập bị (Tam khôi) nên ông không nhận. Khoa thi này, ông cũng chỉ đỗ Tiến sĩ và làm quan Thượng thư, tước Văn An bá. Ông được cử đi sứ hai lần.

17. Lê Bá Khang (?-?) người xã Phủ Lý huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Thiệu Trung huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan đến Tham chính.

18. Thái Kính (1479-?) người xã Kiệt Thạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thanh Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh), trú quán xã Đậu Liên cùng huyện. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình.

19. Trần Bích Hoành (1470-?) người xã Điền Khê huyện Duy Tiên (nay thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Trần Hoành Bích. Huyện Duy Tiên, đời Lê sơ tên là Duy Tân, thành lập và đặt tên vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông. Đến Lê Trung hưng từ năm Hoằng Định thứ 1 (1601), vì kiêng huý Kính Tông Lê Duy Tân, nên đổi là huyện Duy Tiên.

20. Ngô Sĩ Kiện (?-?) người xã Cổ Điển huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Tứ Hiệp huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiến sát sứ.

21. Đào Xuân Vi (?-?) người xã Lạc Thực huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Đồng Lạc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tự khanh.

22. Dương Khải (?-?) người huyện Vũ Ninh (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông là người chống lại nhà Mạc và bị bắt. Sau trốn vào Thanh Hóa, làm quan nhà Lê đến Thừa chính sứ Quảng Nam.

23. Đàm Sâm (?-?) người xã Xa Kệ huyện Văn Lãng (nay thuộc xã Văn Lãng huyện Đồng Hỉ tỉnh Bắc Thái). Ông làm quan Thượng thư. Tên huyện đúng phải là Yên Lãng, có thể do bia mờ khi khắc lại đã nhầm Yên thành Văn .Vì đời vua Lê Thánh Tông, khi định bản đồ toàn quốc (năm 1469) đặt huyện Yên Lãng thuộc phủ Tam Đái.

24. Nguyễn Ý (1485-?) người xã Thư Nhi huyện Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định). Ông làm quan Tự khanh. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Xác , có lẽ nhầm vì hai chữ này tự dạng hơi giống nhau.

25. Kiều Văn Bá (1479-?) người xã Đông Ma huyện Phúc Lộc (nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên.

26. Nguyễn Quang (1475-?) người xã Lũng Sơn huyện Tiên Du (nay thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư.

27. Nguyễn Thì Khắc (?-?) người xã Lũng Tuyền huyện Lập Thạch (nay thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ. Sau làm quan với nhà Mạc.

28. Ngọ Cương Trung (?-?) người xã Xuân Lôi huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử. Khi nhà Lê mất, không theo Mạc và tiết nghĩa.

29. Nguyễn Viết Thứ (1487-1556) người xã Phất Não huyện Thạch Hà (nay thuộc xã Thạch Bình huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Đô Cấp sự trung. Khi nhà Lê mất, ông không chịu theo nhà Mạc và tiết nghĩa.

30. Nguyễn Hữu Quan

0