Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 (1463)
Thánh thiên tử lên ngôi báu đã 4 năm, vận hội văn chương tựa sao sáng, nhân tài như mây họp. Gặp năm có khoa thi lớn, kẻ sĩ ca bài Lộc minh 1 mà đến, đông tới 1.400 người, để cùng nhau đua tranh tài nghệ trong chốn xuân vi, hạng xuất sắc chọn được 44 người. Ngày 16 tháng hai, Hoàng ...
Thánh thiên tử lên ngôi báu đã 4 năm, vận hội văn chương tựa sao sáng, nhân tài như mây họp. Gặp năm có khoa thi lớn, kẻ sĩ ca bài Lộc minh1 mà đến, đông tới 1.400 người, để cùng nhau đua tranh tài nghệ trong chốn xuân vi, hạng xuất sắc chọn được 44 người.
Ngày 16 tháng hai, Hoàng thượng ngự ở hiên điện thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương; sai bọn Kiểm hiệu Tư đồ Bình chương sự kiêm Đô đốc Đồng Bình chương sự Đông đạo chư vệ quân Nguyễn Lỗi làm Đề điệu, Quốc tử giám Tế tửu Lê Niệm cùng trông coi công việc.
Sáng hôm sau, Tả ty môn Hạ sảnh Tả gián nghị đại phu Tri Bắc đạo quân dân bộ tịch sảnh kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ Nguyễn Như Đổ, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ Tri Đông đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Vĩnh Tích, Quốc tử giám Tế tửu Nguyễn Bá Ký dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống đỗ Tiến sĩ cập đệ, xuất thân thứ bậc có khác nhau.
Ngày 22, Vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Đông Hoa để cho các sĩ tử xem tên. Lại ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu. Nhưng việc dựng đá đề danh vẫn chưa kịp làm, đến nay đã 22 năm, là chỗ thiếu sót của điển lễ.
Nay Hoàng thượng2 luôn nghĩ nhân tài là nguyên khí của nước nhà, không thể không ra sức vun trồng bồi đắp; chế độ làm vẻ đẹp cho nước nhà, không thể không xếp đặt rõ ràng đầy đủ. Bèn sai quan Bộ Công khắc đá đề danh dựng ở nhà Thái học. Lại sai bề tôi là Đào Cử soạn bài ký.
Thần kính vâng mệnh sáng, đâu dám viện cớ nông cạn chối từ. Kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:
Khí chân nguyên hội hợp rồi sau hiền tài trong thiên hạ mới nảy sinh. Bậc chân chúa lên ngôi tất hiền tài đắc dụng. Cử Nguyên Khải3 hỏi quan nhạc mục 4, đó là cách dùng người hiền ở đời Nghiêu Thuấn. Trọng người tài năng, thăng dùng bậc tuấn kiệt, đó là lối dùng người ở đời Thành Chu, cho nên phong tục tốt lành, nước nhà yên ổn. Xem thế đủ thấy phép trị nước ắt phải lấy việc cử người hiền dùng người tài làm căn bản vậy.
Kính nghĩ Hoàng triều, Thái Tổ Cao hoàng đế đại định võ công, mở mang văn đức, gươm giáo chưa kịp xếp lại đã mở cửa cầu hiền tài, sửa sang văn đức, cổ vũ lòng dân, quy mô thật sâu xa rộng lớn.
Thái Tông Văn hoàng đế nối tiếp mở mang quy mô, tập hợp anh hùng, đặt khoa mục để chọn người hiền tài, tiến cử bậc chân Nho để giúp đời thịnh trị, sự thành công mới rực rỡ làm sao!
Nhân Tông hoàng đế dõi theo nếp cũ, kế nối quy mô hiển hách của tiên vương, lấy Nho thuật để tô điểm trị bình, lấy nhân hậu để vun bồi mệnh mạch nước nhà, mà cách chọn kẻ sĩ vẫn theo điển chế cũ.
Nay Hoàng thượng vẻ vang khôi phục cơ đồ, vâng theo mệnh lớn, nhân nghĩa khắp chốn vang danh, văn trị võ công rõ ràng sau trước. Nền giáo hóa lớn đến đây thật tốt đẹp, vầng nguyên khí đến đây thật bao la. Lớn lao thay văn hóa phô bày lan tỏa, cao ngút thay một phen đại chấn Nho phong. Cho nên nhân tài nối nhau xuất hiện, lớp lớp kế tiếp. Phàm ai vùng vẫy trên khoảng trời diều liệng, hoặc là xoay quanh dưới đám đất kiến đùn, không ai là không thích như chim bằng vươn cánh bay cao để khoe vẻ đẹp, mong được thử sức đua tài giữa đời thịnh trị. Khoa này là khoa thứ nhất trong buổi Trung hưng, chọn được nhiều người giỏi, rực rỡ hơn cả đời xưa, nhân tài được tuyển dùng trong ngoài rất đông. Người sắp đặt chấn hưng lễ nhạc, kẻ chuyên giữ việc văn từ, đông như cá nối đuôi, như ve liền cánh. Người giữ biên cương hoặc làm thú lệnh đông đảo sát cánh kề vai. Quẻ Thái trong Kinh Dịch nói: "Nhổ cỏ tranh được luôn cả cụm rễ"5, Kinh Thi nói: "Nhà Chu hiền sĩ đông đúc, bởi vua biết dùng người" đều là nói về việc thịnh như thế. Có lẽ trời trao cho Thánh thượng sự tốt lành của nền văn minh muôn đời đó chăng?
Đến nay chế độ văn vật rõ ràng sáng suốt, khắc vào bia đá dựng ở nhà Quốc học, một là để làm thịnh điển của triều vua sáng, hai là để làm vinh quang cho kẻ sĩ, soi tỏ mai sau, ngụ lời khuyến khích.
Kẻ sĩ may mắn được ghi danh vào tấm đá này, phải làm cho danh đúng với thực, sửa nết giữ mình, bắt chước Văn Hiến giữ lòng, đừng theo Công Tôn học hành xiên vạy. Thanh danh đức hạnh phải như Triệu Duyệt Đạo, khí tiết cứng cỏi phải giống Phạm Cảnh Nhân. Những người ở chức tháp tùng hầu vua phải lo dâng tiến mưu hay, những người nắm giữ kỷ cương phải lo làm cho chính sự trong sạch, những người cai trị địa phương phải lo làm sao rạng tỏ đức bề trên mà thấu tình người dưới, những người giữ quyền chăn dân phải lo sao cho nơi mình làm quan dân được no đủ mà gốc nước được vững bền. Ngõ hầu trên không phụ thịnh ý của triều đình ban khen, dưới không phụ hoài bão lớn muốn phò vua giúp nước, để danh dự được lưu lại đời đời, danh thơm truyền mãi mãi, khiến cho người đời đến xem đọc bia đá này, chỉ vào tên mà nói: đây là những người trung với nước, hiếu với dân, bàn nói ngay thẳng làm sáng thánh đạo, giữ vững đạo đức kiến lập công lao, được như thế là may mắn lắm. Nếu không được thế thì người xem đưa mắt bảo: kẻ này nhu nhược, kẻ này đức mỏng, kẻ này hèn nhát v.v... Công luận còn đó, há chẳng nên cẩn thận lắm sao?
Xem thế đủ biết Thánh thiên tử có ý ban khen khuyến khích rất sâu sắc, lòng kỳ vọng rất mực, sự khích lệ cao cả chân thành hơn cả xưa nay. Đó là vì vua muốn được người chân Nho giúp việc trị nước, truyền lại cơ đồ tốt đẹp cho con cháu đời sau. Thế thì việc khắc đá đề danh chẳng những là tốt đẹp cho đất nước muôn vạn năm, mà cũng là phúc lớn cho con thần cháu thánh muôn vạn đời.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Hiển cung đại phu Hàn lâm viện Thị giảng Đông các Hiệu thư Đào Cửvâng sắc soạn.
Cẩn sự Thị lang Trung thư giám Chính tự Nguyễn Tủng vâng sắc viết chữ (chân).
Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ,3 người:
LƯƠNG THẾ VINH 梁世榮6 người huyện Thiên Bảnphủ Nghĩa Hưng.
NGUYỄN ĐỨC TRINH 阮德貞7 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
QUÁCH ĐÌNH BẢO 郭廷寶8 người huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 15 người:
PHẠM LỖ 范 魯9 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN TÀI 阮才10 người huyện Tứ Kỳphủ Hạ Hồng.
DƯƠNG VĂN ĐÁN 楊文旦11 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
NGUYỄN TƯỜNG 阮祥12 người huyện Tân Phong phủ Tam Đới.
LÊ ĐÌNH TUẤN 黎廷俊13 người huyện Tế Giang phủ Thuận An.
ĐÀO BẠT 陶拔14 người huyện Bình Hà phủ Nam Sách.
ĐỖ HÂN 杜欣15 người huyện Thanh Miện phủ Hạ Hồng.
PHẠM NGỮ 范語16 người huyện Nghi Xuân phủ Đức Quang.
NGUYỄN KÝ 阮驥17 người huyện Chí Linh phủ Nam Sách.
VŨ NHỮ NHUẾ 武汝芮18 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
HOÀNG BỒI 黃培19 người huyện Phúc Lộc phủ Quốc Oai.
ĐINH THÚC THÔNG 丁叔通20 huyện Gia Viễn phủ Trường Yên.
VŨ HỮU 武有21 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN ĐÌNH LIÊU 阮廷僚22 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
LƯU CÔNG NGẠN 劉公彥23 người huyện Thủy Đường phủ Kinh Môn.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 26 người:
NGUYỄN ĐÌNH KHÔI 阮廷魁24 người huyện Quế Dương phủ Từ Sơn.
NGUYỄN TÔNG TÂY 阮宗西25 người huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang.
PHẠM TỬ NGHI 范 子儀26 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
NGUYỄN BÁ KỲ 阮伯騏27 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.
CHU LỘC 周祿28 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
ĐỖ BÁ LƯỢC 杜伯略29 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
ĐÀO BẢO 陶寶30người huyện Phù Vân phủ Thường Tín.
PHẠM BÁ KÝ 范伯驥31người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
TRẦN VĂN THIỆN 陳文善32 người huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên.
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG 阮春陽33 người huyện Hoằng Hóa phủ Hà Trung.
PHẠM LƯƠNG 范良34 người huyện Tiên Du phủ Từ Sơn.
ĐÀO TUẤN KHANH 陶俊卿35 người huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín.
NGUYỄN TÔNG 阮琮36 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
ĐÀO VĂN HIỂN 陶文顯37 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
LÊ NGHĨA 黎義38 người huyện Bình Hà phủ Nam Sách.
PHẠM NẠI范櫀39 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.
NGUYỄN CẤU 阮構40 người huyện Tân Phúc phủ Bắc Giang.
CÁI PHÙNG 蓋馮41 người huyện Thiên Thi phủ Khoái Châu.
PHẠM PHỔ 范溥42 người huyện Bình Lục phủ Lỵ Nhân.
DƯƠNG ĐỨC NHAN 楊德顏43 người huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN CÔNG ĐỊNH 阮公定44 người huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng.
HẠ CẢNH ĐỨC 夏景德45 người huyện Yên Lạc phủ Tam Đới.
NHỮ VĂN LAN 汝文蘭46 người huyện Tân Minh phủ Nam Sách.
NGUYỄN CƯ TRUNG 阮居中47 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN VĂN CHÍNH 阮文正48 người huyện Đông Yên phủ Khoái Châu.
NGUYỄN NHƯ TRÁC 阮如琢49 người huyện Kim Thành phủ Kinh Môn.
Chú thích:
1. Lộc minh: Tên bài thơ đầu tiên trong phần Tiểu nhã của Kinh Thi, có câu đầu: "Ao ao lộc minh", tả con hươu cất tiêng kêu gọi chúng bạn ra bãi núi ăn cỏ non. Bài thơ này từng được phổ nhạc dùng trong các buổi yến hội ở triều đình nhà Chu.
2. Chỉ vua Lê Tương Dực.
3. Nguyên Khải: Họ Cao Tân có 8 người con có tài đức, thiên hạ gọi là Bát Nguyên. Họ Cao Dương cũng có 8 người con hiền có tài đức, thiên hạ gọi là Bát Khải.
4. Nhạc mục: Nhạc là chức quan Tứ nhạc, tức các vị chư hầu bốn phương. Mục là chức quan đứng đầu một châu.
5. Nguyên văn: “Bạt mao liên nhự” (Nhổ cỏ tranh được luôn cả cụm rễ), nói ý vì cùng loài nên liên quan chằng chịt với nhau. Vì hình tượng nhấc gốc tranh lên cao trên mặt đất cũng như người dân thường do thi cử được cất nhắc (đề bạt) lên địa vị cao trong xã hội, nên thơ văn xưa khi nói việc thi cử thường dẫn câu này.
6. Lương Thế Vinh (1441-?) người thôn Cao Hương huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Liên Bảo huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định). Ông làm quan thăng đến chức Hàn lâm viện Thị giảng Chưởng viện sự, Nhập thị Kinh diên, Tri Sùng văn quán. Sinh thời, không sách nào ông không đọc. Sau khi mất, ông được phong phúc thần ở thôn Cao Hương.
7. Nguyễn Đức Trinh (1439-1472) người làng An Giới huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Sơn huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông giữ chức Phó Đô Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1471) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.
8. Quách Đình Bảo (1444-?) người làng Phúc Khê huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lại, Thượng thư Bộ Hình kiêm Đô Ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ và được cử đi sứ (năm 1740) sang nhà Minh (Trung Quốc).
9. Phạm Lỗ (?-?) người xã Lỗi Dương huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình.
10. Nguyễn Tài (?-?) người làng Hương Quất huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông từng làm quan Hiến sát sứ.
11. Dương Văn Đán (?-?) người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp.Hà Nội). Ông làm quan Thừa chính sứ và được cử đi sứ (năm 1486) sang nhà Minh (Trung Quốc).
12. Nguyễn Tường (?-?) người xã Cao Cương huyện Tân Phong (nay thuộc xã Đông Quang huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây. Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình.
13. Lê Đình Tuấn (?-?) người xã Thanh Lãng huyện Tế Giang (nay thuộc xã Minh Hải huyện Châu Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Đông các Hiệu thư.
14. Đào Bạt (?-?) người xã Tiền Liệt huyện Bình Hà (nay thuộc xã Tân Phong huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư.
15. Đỗ Hân (?-?) người xã Cao Mặc huyện Thanh Miện (nay thuộc xã Cao Thắng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang.
16. Phạm Ngữ (1434-?) nguyên quán xã Phan Xá huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Xuân Mỹ huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh), trú quán xã Phù Ninh huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thiêm đô Ngự sử.
17. Nguyễn Ký (1434-?) người thôn Linh Giang huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Hưng huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại.
18. Vũ Nhữ Nhuế (1435-?) người xã Thượng Đặng huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Nam Trung huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Khởi cư trú.
19. Hoàng Bồi (1437-?) người xã Cam Giá Hạ huyện Phúc Lộc (nay thuộc xã Cam Thượng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hộ kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám.
20. Đinh Thúc Thông (1442-?) nguyên quán xã Quan Vinh huyện Gia Viễn (nay thuộc huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình), trú quán xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thắng Lợi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư.
21. Vũ Hữu (1444-1530) hiệuƯớc Trai, người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay là thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ. Sau này ông có ra làm quan cho nhà Mạc.
22. Nguyễn Đình Liêu (1443-?) người xã Cối Giang huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư.
23. Lưu Công Ngạn (?-?) người xã Khúc Lễ huyện Thủy Đường (nay thuộc huyện Thủy Nguyên Tp. Hải Phòng). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
24. Nguyễn Đình Khôi (1436-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay thuộc xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Hữu Thị lang.
25. Nguyễn Tông Tây (1436-?) người xã Thời Hoạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông từng giữ chức Tri phủ Phụng Thiên, thăng đến chức Thừa chính sứ kiêm Quản đô lực sĩ.
26. Phạm Tử Nghi (?-?) người xã Bảo Đà huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Bình Minh huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình.
27. Nguyễn Bá Kỳ (?-?) người xã Viên Nội huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên Nội huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thị lang.
28. Chu Lộc (?-?) người xã Phù Vân huyện Đường An (nay thuộc huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.
29. Đỗ Bá Lược (1436-?) người xã Vĩnh Kỳ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Tân Hội huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan Chuyển vận sứ, Hàn lâm Thừa chỉ.
30. Đào Bảo (?-?) người xã Gia Cầu huyện Phù Vân (nay thuộc xã Tân Dân huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thừa chính sứ.
31. Phạm Bá Ký (?-?) người xã Canh Hoạch huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Dân Hòa huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Binh.
32. Trần Văn Thiện (1438-?) người xã Phủ Lý huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Thiệu Trung huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình.
33. Nguyễn Xuân Dương (1440-?) người xã Từ Minh huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tri huyện.
34. Phạm Lương (?-?) người xã Chi Lê huyện Tiên Du (nay thuộc xã Tân Chi huyện Tiên Du tỉnh Bắ