18/06/2018, 11:31

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức năm thứ 12 (1481)

Năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức (1481) là năm thứ 54 Hoàng triều mở vận và năm thứ 22 Hoàng thượng trung hưng 1 , mở khoa thi Hội đến năm nay cũng đã 11 năm. Khoa này các Cử nhân 2 đến đua tài ở Bộ Lễ đông đến hơn 2.000, chỉ tuyển chọn được 31 người, lựa chọn như thế thật là kỹ càng. ...

Năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức (1481) là năm thứ 54 Hoàng triều mở vận và năm thứ 22 Hoàng thượng trung hưng1, mở khoa thi Hội đến năm nay cũng đã 11 năm. Khoa này các Cử nhân2 đến đua tài ở Bộ Lễ đông đến hơn 2.000, chỉ tuyển chọn được 31 người, lựa chọn như thế thật là kỹ càng.

Ngày thi Đình, quan Hữu ti và các viên chấp sự mỗi người một việc. Vua ngự ở chính điện, đích thân ra đề văn sách. Sáng hôm sau, Hoàng thượng xem quyển chọn bài, lấy Phạm Đôn Lễ đỗ đầu, Lưu Hưng Hiếu thứ hai, Nguyễn Doãn Địch thứ ba, đều ban cho hạng Tiến sĩ cập đệ; những người còn lại ban cho các hạng Tiến sĩ xuất thân và đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Thứ lớp ban ơn y theo điển cũ. Những người được chọn vào viện Hàn lâm thì đặc cách cho thêm một cấp. Hoàng thượng đích thân sắc dụ sai quan Bộ Công dựng đá đề tên ở Quốc tử giám, sai bề tôi là Trọng Ý soạn bài ký.

Thần cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

“Người người đều anh tài”3 đó là do cái tâm dạy người không biết mệt của Văn Vương. “Sao không trồng người ? ”4 đó là lời giáo huấn rất dễ hiểu. Hoàng thượng cổ vũ nhân tài, chấn hưng văn trị. Thơ Vực phốc tỏ đạo nhân từ, thơ Tinh nga ngụ lời giáo hóa, mặc dầu xưa nay khác nhau mà công dụng vẫn là một. Kẻ sĩ sinh ở đời này gặp gỡ đấng thánh minh, trang điểm tiếng tăm văn chương, tắm gội thấm nhuần giáo hóa; thừa buổi gặp hội gió mây, ngước trông vừng nhật nguyệt; lên đường vinh quí, bước chân vào hạng anh hùng; tên khắc bia đá, để lại lâu dài, há chẳng phải là vinh hạnh ư? Nhưng, danh là bề ngoài của thực, tốt là đối tượng của xấu. Có danh có thực, há chẳng phải tốt sao? Có danh không thực, há chẳng phải xấu sao? Những người được đề danh vào bia đá này, cố nhiên phải lấy đạo nghĩa đức hạnh để tu dưỡng bản thân, phải dùng văn học mà trau dồi tâm tính; làm vị Trạng nguyên chân chính, làm vị Tiến sĩ chân chính, trên không phụ ơn tri ngộ của triều đình, dưới không phụ với sở học thường ngày, đừng như Công Tôn học thức a dua, phép canh tân gạt người, hoặc như Trại Lang đặt ra chỉ làm lụy cho khoa mục mà thôi. Vả chăng bia đá này dựng ở nhà Thái học là cốt để cho những người làm quan và những người làm việc từ chương chữ nghĩa mắt nhìn chăm chú, miệng đọc thuộc lòng, bồi hồi xem đọc, ngưỡng mộ sự tốt đẹp lớn lao, để cho nhân tâm có cơ được khích lệ, khiến cho ý nghĩa của bài văn này càng thêm lớn lao sáng tỏ. Điều đó đối với căn nguyên của đạo trị, đối với phong tục giáo hóa có quan hệ rất lớn vậy. Thần há dám viện cớ quê mùa nông cạn mà chối từ.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Hiển cung đại phu Hàn lâm viện Thị thư kiêm Tú lâm cục Tư huấn Nguyễn Xung Xác vâng sắc soạn.

Mậu lâm tá lang Trung thư giám Điển thư Phan Trung vâng sắc viết chữ (chân).

Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

PHẠM ĐÔN LỄ  范敦禮5 người huyện Ngự Thiênphủ Tân Hưng.

LƯU HƯNG HIẾU 劉興孝6 người huyện Vĩnh Ninhphủ Thiệu Thiên.

NGUYỄN DOÃN ĐỊCH 阮允迪7 người huyện Thanh Oai phủ ng Thiên.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

NGÔ VĂN CẢNH吳文景8 người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.

VŨ KHẮC MINH 武克明9 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.

LƯU NGẠN QUANG 劉彥光10 người huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên.

NGUYỄN DUY TRINH 阮惟禎11 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

PHẠM HÙNG 范雄12 người huyện Thiên Bản phủ Kiến Hưng.

HOÀNG BÁ DƯƠNG 黃伯陽13 người huyện Thanh Oai phủ ng Thiên.

BÙI SƯ LỤC 裴師錄14 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

LÊ ĐỨC THIỆU 黎德邵15 người huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 29 người:

NGUYỄN MINH THÔNG 阮明通16 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.

ĐÀM ĐÌNH PHƯƠNG 譚廷芳17 người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.

PHẠM CHUYẾT 范拙18 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.

VŨ NGUYÊN TRINH 武原禎19 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

LÊ CẤU 黎覯20 người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

NGUYỄN TÔN MIỆT 阮孫蔑21 người huyện Kim Hoa.

NGUYỄN NHÂN BỊ 阮仁被22 người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.

NGUYỄN VĂN TÚ 阮文秀23 người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.

VŨ NGHI HUYNH 武宜兄24 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.

NGUYỄN ĐỔ 阮堵25 người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.

NGUYỄN THÁI 阮泰26 người huyện Thọ Xương.

KHỔNG CƯ LỖ 孔居魯27 người huyện Lập Thạch phủ Tam Đới.

THÂN TÔNG VŨ 申宗武28 người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.

LÊ CÔNG TRUYỀN 黎公傳29 người huyện Giáp Sơn phủ Kinh Môn.

PHẠM TỬ HIỀN 范子賢30 người huyện Thụy Anh phủ Thái Bình.

NGUYỄN TẤT THÔNG 阮必聰31 người huyện Vũ Giang32

NGUYỄN TỬ LOA 阮子騾33 người huyện Chí Linh phủ Nam Sách.

NGUYỄN ĐÌNH TUẤN 阮廷俊34 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.

NGUYỄN NHÂN LỄ 阮仁禮35 người huyện Hoằng Hóa phủ Hà Trung.

PHAN ỨNG TOẢN 范應瓚36 người huyện Thạch Hà phủ Hà Hoa.

LƯU DI QUYẾT 劉貽厥37 người huyện Tế Giang phủ Thuận An.

LÊ TỨ 黎賜38 người huyện Tế Giang phủ Thuận An.

ĐỖ BÁ LINH 杜伯齡39 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.

NGÔ KHẮC TUẤN 吳克俊40 người huyện Trường Tân phủ Hạ Hồng.

THANG NGHĨA PHƯƠNG 湯義芳41 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.

LÊ ĐỨC TRUNG 黎德忠42 người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.

NGUYỄN OANH 阮轟43 người huyện Gia Lâm phủ Thuận An.

PHAN DƯ KHÁNH 潘餘慶44 người huyện La Giang phủ Đức Quang.

LÊ DUY HÀN  黎惟翰45 người huyện Hoằng Hóa phủ Hà Trung.

Chú thích:

1. 54 năm là tính từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428), 22 năm là tính từ năm Lê Thánh Tông lên ngôi (năm 1460). Văn bia các khoa Tiến sĩ đời Lê sơ nói thời Trung hưng là nói về sự kiện năm 1459 quan quân tại triều lật đổ Lê Nghi Dân và đón Lê Tư Thành lên ngôi (tức vua Lê Thánh Tông).

2. Cử nhân: người đỗ thi Hương, hiểu đúng nghĩa là những người được các trường thi Hương tiến cử về kinh dự thi Hội. Cách ghi này cho thấy tên gọi Cử nhân đã từng được dùng từ đời Lê sơ, sau đổi gọi là Hương cống, Hương tiến hoặc Cống cử, đến triều Nguyễn lại trở lại chính thức dùng danh hiệu Cử nhân.

3. Câu này dùng ý trong Kinh Thi: "Cổ chi nhân vô dịch, dự mao tư sĩ" nghĩa là: Cổ nhân (chỉ Chu Văn Vương) dạy người không mỏi, người người đều anh tài (Đại nhã, Tư tề).

4. Câu này cũng dùng ý Kinh Thi: "Chu nhân thọ khảo, hà bất tác nhân", nghĩa là Chu nhân (chỉ Chu Văn Vương) tuổi cao, sao không trồng người? (Đại nhã, Vực phốc).

5. Phạm Đôn Lễ (1455-?) nguyên quán làng Hải Triều huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phạm Lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình), trú quán xã Thanh Nhàn huyện Kim Hoa (nay thuộc huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu và làm quan Tả Thị lang.

6. Lưu Hưng Hiếu (1456-?) người xã Lương Hà huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Chưởng Hàn lâm viện sự và từng được cử đi sứ.

7. Nguyễn Doãn Địch (?-?) nguyên quán xã Cảo Dương (nay thuộc xã Hồng Dương huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây), trú quán xã Canh Hoạch cùng huyện (nay thuộc xã Dân Hoà cùng huyện). Ông làm quan Hữu Thị lang.

8. Ngô Văn Cảnh (1443-?) nguyên quán xã Yên Ninh huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Hoàng Ninh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang), trú quán xã Liên Hồ cùng huyện (nay thuộc xã Quảng Minh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Hiến sát sứ.

9. Vũ Khắc Minh (?-?) người xã Bình Lãng huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Ngọc Liên huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát sứ.

10. Lưu Ngạn Quang (1457-?) nguyên quán xã Viên Khê (nay thuộc xã Đông Anh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa), trú quán xã Ngọc Bôi cùng huyện (nay thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tả Thị lang.

11. Nguyễn Duy Trinh (1443-?) người xã Thượng Cát huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Thượng Cát huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

12. Phạm Hùng (?-?) người xã Đường Sơn huyện Thiên Bản (nay thuộc huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình.

13. Hoàng Bá Dương (?-?) người xã Bối Khê huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tri phủ và được cử đi sứ (năm 1488) sang nhà Minh (Trung Quốc).

14. Bùi Sư Lục (1444-?) người xã Lại Hạ huyện Thanh Lâm (nay là xã Lại Hạ huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chánh sứ.

15. Lê Đức Thiệu (1453-?) người thôn Hòe Lâm huyện Đường Hào (nay thuộc xã Ngọc Lâm huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

16. Nguyễn Minh Thông (?-?) người xã Xuân Canh huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Xuân Canh huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thừa Chính sứ. Có tài liệu ghi là Nguyễn Minh Đạo.

17. Đàm Đình Phương (1443-?) người xã Trung Thụy huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đức Thượng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Bí thư.

18. Phạm Chuyết (1439-?) người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng (nay là thuộc xã Kim Giang huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang.

19. Vũ Nguyên Trinh (?-?) người huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

20. Lê Cấu (1443-?) người xã Lạc Thực huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Đồng Lạc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

21. Nguyễn Tôn Miệt (1441-?) người xã Xuân Hy huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phúc Thắng huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị thư và là thành viên Hội Tao đàn. Bia Văn miếu Bắc Ninh ghi là Nguyễn Tôn Mậu.

22. Nguyễn Nhân Bị (1448-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Binh, thành viên Hội Tao Đàn và từng được cử đi sứ.

23. Nguyễn Văn Tú (1450-?) người xã Vũ Di huyện Bạch Hạc (nay là xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thừa chính sứ.

24. Vũ Nghi Huynh (1455-?) người làng Thạch Lỗi huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Thạch Lỗi huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

25. Nguyễn Đổ (1443-?) người xã Cựu Quán huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đức Thượng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Viên ngoại lang.

26. Nguyễn Thái (1436-?) người huyện Vĩnh Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đoán sự .

27. Khổng Cư Lỗ (?-?) người xã Thạch Lôi huyện Lập Thạch (nay thuộc xã Cao Phong huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

28. Thân Tông Vũ (1444-?) người xã Yên Ninh huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Hoàng Ninh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ. Thân Tông Vũ là con Thân Nhân Trung, em Nhân Tín, chú của Cảnh Vân. Có tài liệu ghi là Thân Nhân Vũ.

29. Lê Công Truyền (?-?) người xã Khinh Dao huyện Giáp Sơn (nay thuộc xã An Hưng huyện An Hải Tp. Hải Phòng. Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có sách ghi ông là Nguyễn Công Truyền.

30. Phạm Tử Hiền (?-?) người xã Xá Thị huyện Thụy Anh (nay thuộc xã Thụy Hưng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ.

31. Nguyễn Tất Thông (?-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ.

32. Bia soạn dựng đời Hồng Đức chưa có tên huyện Vũ Giang. Tên huyện đương thời là Vũ Ninh thuộc phủ Từ Sơn, đến đầu đời Trung hưng vì kiêng huý Trang Tông Lê Duy Ninh (1533-1548 ) nên đổi huyện Vũ Ninh thành Vũ Giang. Ở đây văn bia khắc Vũ Giang, có lẽ do người đời Lê Trung hưng khi khắc lại đã thay chữ Ninh bằng chữ Giang.

33. Nguyễn Tử Loa (1433-?) người thôn Hộ Xá huyện Chí Linh (nay thuộc xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan An bang Kinh lược sứ.

34. Nguyễn Đình Tuấn (1451-?) người xã Quảng Bố huyện Thiện Tài (nay thuộc xã Quảng Phú huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Làm quan Thượng thư.

35. Nguyễn Nhân Lễ (1453-?) người xã Bột Thượng huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Vinh huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hữu Thị lang.

36. Phan Ứng Toản (1446-1515) người xã Đông Bàn huyện Thạch Hà (nay thuộc xã Thạch Ngọc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Quốc tử giám Tế tửu.

37. Lưu Di Quyết (1446-1515) người xã Như Phượng huyện Tế Giang (nay thuộc xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiến sát sứ.

38. Lê Tứ (1444-?) người xã Khúc Lộng huyện Tế Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

39. Đỗ Bá Linh (1443-?) người xã Thượng Minh huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Tứ Minh Tp. Hải Dương tỉnh Hải Dương. Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

40. Ngô Khắc Tuấn (?-?), người xã An Tân huyện Trường Tân (nay thuộc xã Gia Tân huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát sứ.

41. Thang Nghĩa Phương (?-?), nguyên quán xã Cẩm Phương huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Quang huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), trú quán xã Yên Ninh huyện

0