Kỹ năng ra đề kiểm tra và đánh giá năng lực tiếng Việt cho học viên GYBM
Giới thiệu về đối tượng giảng dạy - học viên GYBM (ĐHVH)- Học viên GYBM là những học viên đặc biệt thuộc dự án Đào tạo các nhà kinh doanh trẻ toàn cầu của Học viện Deawoo Sky Hàn Quốc. Đó là những thanh niên chưa lập gia đình, tuổi đời từ 24 đến 32, đã tốt nghiệp Đại học ở Hàn ...
- Giới thiệu về đối tượng giảng dạy - học viên GYBM
(ĐHVH)- Học viên GYBM là những học viên đặc biệt thuộc dự án Đào tạo các nhà kinh doanh trẻ toàn cầu của Học viện Deawoo Sky Hàn Quốc. Đó là những thanh niên chưa lập gia đình, tuổi đời từ 24 đến 32, đã tốt nghiệp Đại học ở Hàn Quốc hoặc Singapo, Mỹ…Tất cả đều có trình độ tiếng Anh tốt. Họ đều có những tố chất của một nhà quản lí và kinh doanh. Đó là sự nghiêm túc, kỉ luật, nhanh nhẹn và năng động.
Họ học Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam trong thời gian 10 tháng, chia làm 3 trình độ A, B và C. Theo yêu cầu của phía đối tác, chúng tôi đã xây dựng chương trình dựa trên cơ sở bộ giáo trình tiếng Việt dành cho người nước ngoài của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, do GS.TS Đoàn Thiện Thuật chủ biên và được các chuyên gia đánh giá là có nhiều ưu điểm nhất trong những bộ giáo trình tiếng Việt khác ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nếu như với đối tượng học viên nước khác như Trung Quốc, Thái Lan đã từng học ở Đại học Văn hóa Hà Nội (HUC) hoặc ở các cơ sở đào tạo khác thì ở mỗi trình độ chỉ có 2 bài kiểm tra (một bài giữa kì và một bài cuối kì, tổng số bài kiểm tra chỉ có 6 bài thôi) thì với đối tượng học viên của GYBM số lượng bài kiểm tra theo yêu cầu của phía đối tác được tăng lên rất nhiều. Ở trình độ A, mỗi tuần 1 bài luyện và một bài kiểm tra; ở trình độ B và C thì 2 tuần một bài kiểm tra. Tổng số các bài luyện và thi là 26 bài. Điều đó, thực sự là một áp lực lớn đối với giáo viên và người chịu trách nhiệm duyệt bài luyện và bài kiểm tra. Bởi vậy, việc thiết kế bài luyện tập và bài kiểm tra phải đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, tính chính xác luôn được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, kết quả chấm phải phản ánh đúng trình độ học viên, đảm bảo tính công bằng, thỏa mãn hài lòng cả những đối tượng học viên có kết quả kiểm tra không cao.
So sánh với sinh viên nước ngoài có cùng thời gian học ở các trường khác hoặc so sánh với sinh viên Trung Quốc đã học tại HUC thì tốc độ số bài học của sinh viên GYBM nhanh gấp đôi. Trước đây, sinh viên Trung Quốc đã học tiếng Việt một năm ở nước sở tại và sau đó sang HUC học tiếp 10 tháng thì cũng mới chỉ hết chương trình C (4 quyển của giáo trình Đoàn Thiện Thuật). Trong khi đó, học viên GYBM từ lúc “một chữ bẻ đôi tiếng Việt không biết” mà sau 10 tháng phải đạt được trình độ C, với tốc độ học“siêu khủng”, “thần tốc” như vậy nên số bài trong giáo trình không đủ để đáp ứng với thời gian học. Vì thế, chúng tôi phải phân bố lại chương trình, cứ sau 2 hoặc 3 bài có sẵn, giáo viên phải soạn một bài xen kẽ với đủ các kĩ năng nghe - nói - đọc - viết, đòi hỏi họ phải dành thời gian và nỗ lực rất nhiều.
Giảng dạy và kiểm tra có mối liên hệ qua lại với nhau. Kiểm tra đánh gia năng lực tiếng Việt phải thỏa mãn hai yêu cầu: vừa đánh giá kết quả học tập qua từng thời gian cụ thể vừa tăng cường năng lực cho người học. Với mục đích đó, trong bài viết này, chúng tôi muốn chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng tới sự đánh giá năng lực của người học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai; cách thức xây dựng các bài kiểm tra và đáp án, kinh nghiệm điều chỉnh thẩm định kết quả đánh giá.
II. Kĩ năng ra đề kiểm tra
Nội dung kiểm tra phải đảm bảo yêu cầu thích ứng với các kĩ năng cần kiểm tra; đảm bảo được tính liên tục trong bài học. Ngữ liệu cần có tính hệ thống được phân bổ trong tương quan hợp lí. Có quan hệ qua lại giữa các hình thức hoạt động giao tiếp.
1. Đề kiểm tra đọc
Cái khó của đề đọc là lựa chọn bài đọc. Bài đọc phải đảm bảo yếu tố nội dung gắn với chủ đề của các bài đã học, chẳng hạn, liên quan đến văn hóa ẩm thực, đến phương tiện giao thông, địa điểm du lịch nổi tiếng, môi trường đầu tư… Giáo viên có thể tự sáng tác một bài đọc hoặc có thể tham khảo những bài viết trong các sách báo hoặc trên mạng internet nhưng phải biên tập lại cho phù hợp với yêu cầu của bài
Với bài thi đọc, không những phải đảm bảo nội dung chính thống, phù hợp với văn hóa, chính trị mà còn phải đảm bảo dung lượng để sinh viên đọc- hiểu. Vì trong một thời gian ngắn (khoảng 20 phút), sinh viên vừa đọc, vừa trả lời nên giáo viên ra đề phải chọn bài đọc hợp lý nhất, không ngắn quá cũng không dài quá, không dễ quá cũng không khó quá. Bài đọc không được có cấu trúc ngữ pháp chưa học, bài đọc không nên có quá nhiều từ mới, hoặc chủ đề mới. Không thể đòi hỏi một bài đọc hoàn toàn không có từ mới nhưng số lượng từ mới của bài đọc không được vượt quá 5% lượng từ của cả bài. Nếu có từ mới nên chú thích bằng tiếng Anh chính xác (tất cả các học viên của GYBM đều biết tiếng Anh). Đối với bài đọc trước trình độ C, không nên có những từ ngữ trừu tượng, mang tính ẩn dụ văn học hoặc những từ láy tượng hình, tượng thanh. Nếu bài đọc có những từ ngữ như thế thì cần phải biên tập lại cho dễ hiểu. Chẳng hạn, câu văn sau đây: “Chị đứng chôn chân chờ chồng 3 năm liền” thì chỉ có thể dùng trong bài kiểm tra trình độ tiếng Việt cao cấp. Bởi lẽ, sẽ rất khó để học viên trình độ trung cấp hiểu được từ ngữ “chôn chân”.
Ngoài ra, còn phải đảm bảo yếu tố về dung lượng dài ngắn phù hợp với trình độ. Thời gian đầu mới học thì bài đọc ngắn với những từ đơn giản. Nhưng theo thời gian, bài đọc sẽ tăng dần độ dài và độ phức tạp của từ ngữ. Một trong các dạng bài tập của bài đọc là: khoanh tròn đáp án đúng (Đ), sai (S) hoặc không có thông tin (K). Với dạng đề này, người duyệt đề cần đặc biệt chú ý đến kiểu đáp án (S) hoặc (K) vì sinh viên rất dễ nhầm lẫn khi trả lời.
Bên cạnh đó, cách ra đề bài đọc không chỉ đơn thuần là đọc - trả lời câu hỏi mà còn đòi hỏi sinh viên phải chú ý về nội dung, ngữ pháp, lập luận logic. Ví dụ: Bài đọc về Chợ Viềng ở Nam Định, sinh viên không chỉ biết thêm về văn hóa độc đáo trong ngày Tết ở Việt Nam mà còn đòi hỏi sinh viên phải hiểu - lập luận ngữ pháp. Trong bài đọc có câu: “Nhưng không phải vì như vậy mà ở chợ này không có việc nói thách và mặc cả như các loại chợ bình thường khác”. Và trong bài thi yêu cầu: “Dựa vào nội dung bài nghe viết tiếp những câu sau:
1. Chợ Viềng cũng giống như các chợ bình thường khác là ………”.
Theo ngữ pháp tiếng Việt, nếu trong câu có 2 từ “không” thì nghĩa có thể thay đổi thành “có”. Ví dụ: “Nhưng không phải vì như vậy mà ở chợ này không có việc nói thách và mặc cả như các loại chợ bình thường khác”. Như vậy câu này sẽ có nghĩa là ở Chợ Viềng cũng có nói thách và mặc cả.
Một số sinh viên lập luận không logic đã viết sai là “1. Chợ Viềng cũng giống như các chợ bình thường khác là không có việc nói thách và mặc cả ”.
Nhưng một số sinh viên lập luận ngữ pháp logic hơn đã trả lời đúng là: “1. Chợ Viềng cũng giống như các chợ bình thường khác là có việc nói thách và mặc cả”.
Đặc biệt, với đối tượng là sinh viên học tiếng Việt để sống và làm việc ở Việt Nam lâu dài. Chúng tôi còn chú trọng cách hiểu, cách cảm của các em về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Cho nên ngoài những dạng đề bài đọc như: xác định đúng/ sai; trả lời câu hỏi; đặt câu hỏi cho các câu dưới đây… thì chúng tôi luôn có các câu hỏi khác như: Ý nghĩa của bài đọc là gì? hoặc câu hỏi: Em có suy nghĩ như thế nào về bài đọc trên? Em có suy nghĩ như thế nào về Việt Nam?... nhằm củng cố ngữ pháp, khả năng viết tiếng Việt mà còn biết được các sinh viên nước ngoài hiểu và cảm nhận như thế nào về văn hóa, đất nước Việt Nam và tạo thành kênh đối thoại thông tin thông qua bài kiểm tra tiếng Việt.
Trên đây là vài vấn đề đối với các bài đọc tiếng Việt giao tiếp, còn đối với những bài đọc tiếng Việt chuyên ngành kinh tế, thương mại thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, giáo viên tiếng Việt của HUC đâu phải là giáo viên chuyên ngành kinh tế, hiểu được những thuật ngữ kinh tế bằng tiếng Việt đã khó lại còn truyền đạt sự hiểu biết ấy cho sinh viên nước ngoài hiểu được như người bản ngữ quả là không đơn giản chút nào. Chẳng hạn trong giờ học tiếng Việt chương trình C, sinh viên đưa cho giáo viên một quyển sách luật Việt Nam và nhờ cô hãy giải thích thuật ngữ “chiếm hữu ngay tình” là gì? Đây không phải là sinh viên cố tình “bẫy” để đưa giáo viên và tình thế lúng túng mà đơn giản là họ nghĩ rằng đã là giáo viên người Việt thì từ ngữ tiếng Việt nào cũng hiểu.
Ngoài 10 buổi học tiếng Việt trên lớp mỗi tuần, sinh viên GYBM lại phải học thêm một buổi tiếng Anh về luật, về kinh tế, thương mại do các giáo viên bản ngữ dạy vào sáng thứ bảy. Hơn nữa, mục đích là sẽ làm việc trong các công ty nước ngoài ở Việt Nam cho nên họ cần phải nắm vững luật pháp. Vì vậy, ngoài việc dạy tiếng Việt giao tiếp; văn hóa, lịch sử Việt Nam, giáo viên còn phải dành một lượng thời gian đáng kể của chương trình C để giảng dạy tiếng Việt thương mại. Đây là một thách thức và là một công việc vô cùng khó khăn vất vả của giáo viên khi phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của đối tác để góp phần giành thị phần đào tạo. Trong khi đó thì giáo trình tiếng Việt kinh tế thương mại hiện nay quá hiếm và nếu có cũng thiếu chuẩn, bởi lẽ theo thời gian, sự thay đổi về ngoại giao hoặc chính sách, luật kinh tế cũng có nhiều thay đổi. Tại cuộc Hội thảo Quốc tế về Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học (International conference: “Teaching Vietnamese and Vietnamese studies at Universities) tổ chức ở Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngày 12 và 13/12 năm 2014 mà chúng tôi có cơ hội tham dự, hầu hết các chuyên gia giảng dạy tiếng Việt đều đề cập đến khó khăn của vấn đề này, đặc biệt là Đại học Đài Loan. Được biết rằng, ở Đài Loan, tiếng Việt sẽ được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông như là một ngoại ngữ chính. Hiện nay, có khoảng 200.000 người học tiếng Việt. Vì thế, vấn đề giáo trình là rất quan trọng. Họ cũng phải tự mày mò để soạn những tài liệu giảng dạy tiếng Việt thương mại nhưng cũng mới chỉ ở dạng lưu hành nội bộ mà thôi. (Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác).
2. Đề kiểm tra nghe
Có nhiều dạng bài kiểm tra nghe, chẳng hạn như (1) nghe- điền thanh điệu; (2) nghe - viết chính tả; (3) nghe - điền từ; (4) nghe - sắp xếp hội thoại; (5) nghe - khoanh tròn đáp án đúng…Tùy từng thời điểm kiểm tra mà người làm đề sẽ lựa chọn dạng nào. Và cũng tùy thời điểm để giáo viên sẽ lựa chọn đọc bài nghe tốc độ chậm hay tốc độ bình thường; cho nghe 2 lần hay 3 lần… Trong các dạng bài nghe thì nghe và điền từ ghép có vần phức tạp là khó nhất. Trong một đoạn văn phải có 10 chỗ điền từ ứng với 10 điểm trong bài thi, khoảng cách giữa các từ điền không được dày quá và cũng không được thưa quá; phải vừa đủ thời gian để học viên kịp điền từ vào chỗ trống với tốc độ đọc thích ứng và phù hợp với từng giai đoạn học tập. Ngoài việc bài nghe phải liên quan đến chủ đề thì điều quan trọng là còn phải có các dấu hiệu ngữ pháp để chỉ dẫn các từ được điền, chẳng hạn như trước từ phải điền là phó từ đã, sẽ, đang thì chắc chắn từ điền sẽ là động từ hoặc trước từ điền là phó từ rất hoặc sau từ điền có từ quá thì chắc chắn từ điền sẽ là tính từ. Đồng thời, các từ được điền phải có những vần liên quan đến các bài vừa học. Chẳng hạn, trong 3 bài vừa học có các vần như uyêt, iêu, ưu, uơ, oai… Bởi vậy, việc làm một bài nghe đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên đòi hỏi giáo viên phải mất khá nhiều thời gian công sức để sáng tạo, chọn lựa hoặc biên tập kĩ càng.
Ngoài ra, dạng đề: nghe một đoạn hội thoại và trả lời câu hỏi. Đây là dạng bài nghe đòi hỏi sinh viên phải nắm chắc ngữ pháp, phát âm, từ vựng và tư duy logic. Bởi vì khi hiểu được ngữ pháp, nhớ từ vựng, đặc biệt là phát âm chính xác thì sinh viên mới có thể hiểu nội dung hội thoại và trả lời đúng câu hỏi trong bài thi. Ví dụ: Họ sống ở Việt Nam bao lâu? Họ đã sống ở Việt Nam bao lâu rồi? Họ sẽ sống ở Việt Nam bao lâu nữa? 3 câu hỏi này ở 3 thời gian khác nhau, nếu sinh viên nắm chắc ngữ pháp thì khi nghe những câu hỏi này sẽ có thể trả lời chính xác câu hỏi trong bài thi.
Thậm chí khi thay đổi vị trí ngữ pháp trong 1 câu thì nghĩa của câu hỏi cũng khác nhau, thời gian khác nhau. Ví dụ: câu hỏi “khi nào”? Nếu ở vị trí đầu câu: Khi nào anh đi Hàn Quốc? đây là câu hỏi kế hoạch ở tương lai. Nhưng khi vị trí ở cuối câu: Anh đi Hàn Quốc khi nào? Thì nghĩa của câu hỏi ở thời quá khứ. Ví dụ từ “đã”: Khi đứng giữa câu thì nó là phó từ chỉ thời gian quá khứ: Tôi đã ăn cơm. Nhưng khi nó đứng vị trí cuối cùng thì nó biểu thị ý kiến chủ quan của người nói cho rằng hành động sự việc được nêu là việc cần làm trước khi tiếp tục hoàn thành việc đang làm hoặc làm một việc khác. Ví dụ: Anh ở lại thêm một lúc nữa đã.
Cho nên thi nghe không chỉ đơn thuần nghe một cách máy móc, thụ động mà đòi hỏi sinh viên phải nghe - hiểu - nhớ ngữ pháp thì mới có thể làm tốt bài nghe được. Đây cũng là một hình thức ôn luyện bài đã học.
Đặc điểm của ngôn ngữ tiếng Việt là trong một số trường hợp, một từ có thể có nhiều nghĩa, đòi hỏi sinh viên phải hiểu và vận dụng đúng trong hoàn cảnh, tình huống sử dụng. Sinh viên khi học không chỉ được giáo viên giải thích nghĩa đen mà còn giải thích nghĩa bóng, hoặc từ đồng âm khác nghĩa hoặc một nghĩa có nhiều từ. (Một kinh nghiệm khi giải thích từ cho học viên, hạn chế tối đa dùng từ điển mà nên giải thích bằng ngữ cảnh. Kinh nghiệm này cũng đã được các chuyên gia giảng dạy tiếng Việt của Đại học Khoa học nhân văn Hà Nội nhấn mạnh trong khóa học: Kĩ năng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ). Cho nên khi thi nghe, sinh viên không chỉ nghe phát âm đúng của từ mà còn phải hiểu nghĩa và tìm nghĩa chính xác nhất để trả lời câu hỏi trong đề thi.
Trong chương trình A, sinh viên sẽ được nghe giáo viên đọc bài thi nghe. Các giáo viên phải thống nhất với nhau về tốc độ đọc giữa các lớp để đảm bảo sự công bằng. Nhưng sang đến trình độ B, sinh viên phải nghe đọc qua băng, việc chọn lựa người đọc có giọng chuẩn và diễn cảm tốt là rất quan trọng. Trước khi thi nghe, lớp học phải được chuẩn bị tốt để có một không gian yên tĩnh, tránh những tác động khách quan ầm ĩ, ồn ào ngoài phòng học. Laptop và radio cần phải kiểm tra trước để tránh trục trặc kĩ thuật hoặc bị rè tiếng.
Bài ôn luyện và bài kiểm tra phải có các kiểu dạng bài tập tương tự nhau. Có như vậy, thì việc ôn tập mới có hiệu quả. Tuy nhiên, ngữ liệu cụ thể ở bài ôn và bài thi phải khác nhau.
Trong bài luyện dung lượng bài đọc có thể dài hơn, khó hơn, nhiều từ mới hơn để các em có thể mở rộng nghĩa của từ, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa với các từ có trong bài đọc…
Trong bài luyện, các dạng bài ngữ pháp cũng nhiều hơn, đặc biệt đối với kiểu bài sắp xếp các từ sau thành câu đúng, cho phép sinh viên có nhiều lựa chọn sắp xếp từ khác nhau, miễn là đúng ngữ pháp, hợp logic. Ví dụ:
Không/ nghe/một/ từ/ tôi/ trong/ bài/ hiểu / đó.
=>Tôi không hiểu một từ nào trong bài nghe đó.
=>Trong bài nghe đó tôi không hiểu một từ nào.
Anh/ tìm /thì/được/cẩn thận/làm sao/không/thấy/mà.
=>Anh tìm cẩn thận thì làm sao mà không thấy.
=>Anh không cẩn thận thì làm sao mà tìm thấy.
3. Đề kiểm tra ngữ pháp - viết
Đề thi viết phải rõ ràng, phải phù hợp với thời gian làm bài kiểm tra, phải giới hạn lượng từ ngữ nhất định. Vì với 30 phút làm bài nếu viết dài quá thì sinh viên không có đủ thời gian để viết mà nếu ngắn quá thì sinh viên sẽ viết rất sơ sài.
Ở mỗi lần thi, người ra đề cần sáng tạo những dạng bài tập ngữ pháp khác nhau để tránh nhàm chán, có thể có những kiểu dạng như: Chữa lỗi sai của câu, Xác định câu có nghĩa tương đương, Sắp xếp trật tự từ trong câu…
Đề thi không được phép để lọt một câu hỏi ở dạng ngữ pháp chưa học vì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc chấm bài. Bởi lẽ, nếu sinh viên thông minh hoặc học trước thì có thể sẽ có câu trả lời đúng. Nhưng đối với số đông học viên sẽ cho đáp án sai vì họ chưa học cấu trúc ngữ pháp ấy. Trong trường hợp đó, các giáo viên chấm sẽ thống nhất điều chỉnh không trừ điểm câu sai này và phải giải thích cho học viên biết đó là sơ xuất của đề kiểm tra. Tất nhiên, đó là điều tối kị khi ra đề. Người ra đề và người duyệt đề phải chịu trách nhiệm về lỗi sơ suất này.
Ví dụ: Câu hỏi “bao giờ” và “bao giờ chưa?”. Trong phân phối chương trình của Tiếng Việt trình độ A tập 1 bài học số 10 thì các em đã được học ngữ pháp “Bao giờ”? một các chính thống, được giáo viên giải thích cẩn thận, sinh viên lấy ví dụ để hiểu ngữ pháp. Nhưng đến bài học số 11, bài tập 3 có câu: Bạn đã gặp tình huống này bao giờ chưa? Thử miêu tả các tình huống đó. Nghĩa của câu hỏi “bao giờ” và “bao giờ chưa?” là khác nhau, nhưng ngữ pháp “bao giờ” được học bài bản, sinh viên hiểu và nhớ kỹ. Nhưng một ngữ pháp khác “bao giờ chưa?” chỉ có ở một câu hỏi trong phần bài tập. Giáo viên đã giải thích để sinh viên hiểu khi làm bài tập. Nhưng khi ra đề thi giới hạn từ bài học số 8 đến bài học số 10, giáo viên ra đề có thêm một câu hỏi “bao giờ chưa”? của bài số 11, nếu sinh viên nhớ ngữ pháp này sẽ làm tốt câu trả lời trong bài thi, nếu sinh viên chưa học và không nhớ ngữ pháp này sẽ không làm được. Cho nên đối với tình huống này khi chấm thi, các giáo viên thống nhất không trừ điểm của sinh viên ở câu hỏi này.
Khi ra đề về ngữ pháp thì giáo viên không chỉ yêu cầu sinh viên viết đúng ngữ pháp mà còn ra đề theo hình thức “mở”. Nghĩa là cho một vài từ, các em viết tiếp câu, hoặc sắp xếp các từ thành câu đúng. Đồng thời các em có thể vận dụng các ngữ pháp đã học để viết thành một câu hoàn chỉnh, hợp lý, đúng ngữ pháp, đúng logic.
Ví dụ: Viết tiếp các câu sau:
1. Dù em không tìm thấy chìa khóa…
2. Anh ấy đi xe máy nhanh đến nỗi…
3. Trước kia khi làm việc ở công ty này…
4. Đề kiểm tra nói
Thời gian đầu, phần thi nói có thể được chuẩn bị trước một số câu hỏi cụ thể nhưng ở giai đoạn sau, đề nói chỉ liên quan đến chủ đề mà không phải là một câu cụ thể. Như thế, học viên sẽ không thể trả bài bằng cách học thuộc bài nói ở nhà hoặc tham khảo bài nói tốt của một sinh viên nào đó đã được giáo viên giúp sửa chữa trong giờ luyện tập. Tránh tình trạng nhiều ông bố của các học viên đều giống nhau từ ngoại hình đến nghề nghiệp và ông chú của họ ai cũng bị ung thư phổi vì thường xuyên hút thuốc lá và lười tập thể dục (?!)… Vì thế, trong giờ thi nói, giáo viên nên hỏi mỗi học viên khoảng 3 câu hỏi khác nhau để sinh viên bộc lộ năng lực thực sự của mình, qua đó, k;ết quả đánh giá sẽ chính xác hơn. Khi nói, nên hướng dẫn các em cách nói tỉnh lược phù hợp với yêu cầu thực tế của ngữ dụng học: Chẳng hạn câu hỏi: Em sinh năm nào? Sinh viên không nhất thiết phải trả lời đầy đủ là: Em sinh năm một nghìn chín trăm tám mươi bảy ạ. Mà chỉ cần nói: Em sinh năm tám bảy ạ!
Một điều cần lưu ý nữa là các học viên phải được đảm bảo công bằng về thời gian chuẩn bị bài (10 phút) và thời gian trình bày (5 phút). Người ra đề cần phải ước lượng nội dung sinh viên sẽ trả lời để ra đề phù hợp với năng lực của sinh viên. Nếu đề nói quá khó thì sinh viên không thể trình bày được.
Tuy nhiên, ở những bài thi nói cuối chương trình C, để giúp sinh viên có những kĩ năng trả lời tốt khi xin việc ở các công ty, chúng tôi đã gợi ý cho sinh viên viết ra những kiểu câu hỏi có thể có trong nội dung của cuộc phỏng vấn khoảng 50 câu hỏi cụ thể, thiết thực. Khi thi nói ở giai đoạn này, sinh viên sẽ không gắp thăm câu hỏi và chuẩn bị trong 5 phút nữa mà với hệ thống câu hỏi đó, giáo viên sẽ chỉ vào bất cứ câu nào và sinh viên sẽ trả lời trực tiếp, giống như một cuộc phỏng vấn thực sự vậy.
Đối với đề thi nói, chúng tôi hướng tới kiểu đề “mở” để tạo cơ hội cho sinh viên có thể nêu suy nghĩ, quan điểm, cảm nhận hoặc những lập luận của riêng mình, tạo cơ hội để sinh viên phát huy sự sáng tạo, chủ động, tích cực của mình, nhất là với đối tượng sinh viên đào tạo để trở thành những nhà quản lí trẻ tương lai của Daewoo Sky.
III. Kĩ năng đánh giá bài kiểm tra và công bố điểm
Theo yêu cầu của đối tác (Học viện Deawoo Sky), bài kiểm tra chiều hôm trước phải được thông báo điểm vào chiều ngày hôm sau. Đó là một áp lực không hề nhỏ. Bởi lẽ, hầu hết các giáo viên đều là giáo viên thỉnh giảng nên ngoài nhiệm vụ giảng dạy cho học viên GYBM, họ còn có nhiệm vụ ở khoa, trường của họ. Thế nên, để tránh chậm trễ, chúng tôi phải tổ chức chấm và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Danh sách giáo viên chấm bài đã được lên kế hoạch từ đầu chương trình. 4 giáo viên chấm, mỗi người sẽ chấm một kĩ năng theo yêu cầu của đáp án để đảm bảo sự đều tay, nhất là chấm bài viết và bài nói. Sinh viên của tất cả các lớp sẽ được trộn lẫn và chia đều vào các phòng thi, mỗi một bài thi sẽ đảo danh sách giáo viên hỏi thi để tránh có sự “ưu ái” hoặc “cảm tình riêng” cho sinh viên của lớp mình trực tiếp dạy.
Cho học viên “check” lại bài kiểm tra trước khi giáo viên gửi bảng điểm chính thức cho quản lí lớp học là một khâu rất quan trọng để đảm bảo tính công bằng và chính xác của điểm thi.
Vào buổi sáng hôm sau, giáo viên sẽ trả bài thi và các học viên sẽ được dành 20 phút để tự kiểm tra. Đối với học viên người Hàn Quốc, giáo viên có thể yên tâm trả bài mà không sợ có sự gian lận, tẩy xóa để chữa lại lỗi sai. Bởi lẽ, các em rất tự giác, nếu giáo viên cộng nhầm điểm tuy có lợi nhưng những sinh viên này cũng vẫn mong muốn được sửa lại đúng số điểm thực; hoặc nếu so sánh bài của mình với bài của bạn mà thấy dường như có lỗi giống nhau nhưng bài thì chỉ trừ 0,25 điểm, bài lại trừ 0,5 thì các em cũng yêu cầu được giải thích.
Chẳng hạn trong bài đọc có câu hỏi: Thành yêu Hoa vì lí do gì? Đáp án đúng là: Thành yêu Hoa vì Hoa xinh đẹp, thông minh, lạc quan và luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Nếu sinh viên trả lời thiếu một lí do “luôn quan tâm giúp đỡ người khác” thì sẽ trừ 0,5/1 điểm. Nhưng nếu sinh viên nào không viết lí do cuối mà viết dấu 3 chấm (…) hoặc v.v.. thì chỉ trừ 0,25/1 điểm thôi. Hoặc khi sắp xếp trật tự từ trong câu: Việt Nam/ thành viên/ đã/ của/ năm/ . / trở thành/ WTO/ 2006/. Đáp án đúng sẽ là: Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO năm 2006. Nhưng nếu sinh viên viết:
Năm 2006, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.
Câu này sẽ chỉ trừ 0,25/1 điểm bởi vì, mặc dù mắc lỗi đã “sáng tác” thêm dấu phẩy nhưng đúng ngữ pháp. Nhưng nếu viết: Năm 2006 Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Thì sẽ trừ 1/1 điểm bởi vì ngữ pháp sai.
Chấm đề thi viết là khó nhất đòi hỏi phải đảm bảo sự “đều tay” giữa những người chấm. (Các kĩ năng khác thường chỉ một người chấm nhưng kĩ năng viết thì chấm lâu hơn nên thường là có 2 người). Trước hết về số lượng từ, nếu yêu cầu của đề là phải viết 200 từ thì dù sinh viên viết đúng ngữ pháp nhưng chỉ khoảng 100 từ thì sẽ trừ 50% số điểm. Hoặc trường hợp