Người mong muốn dân tộc Việt Nam được độc lập tự do, mọi người dân Việt Nam đều có cơm ăn áo mặc, đều được học hành. Trước thái độ nhân nhượng của Người và nhân dân ta, bọn thực dân Pháp càng lấn tới và buộc người Việt Nam phải cầm súng chống lại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng ta, nhân dân ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh và đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều kỳ diệu trong lịch sử cách mạng thế giới: một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu đánh bại hai kẻ thù lớn nhất của thời đại. Nhưng khác với Trần Nhân Tông là Bác Hồ đã già và không còn sống được đến ngày toàn thắng. Bác hoàn toàn không có điều kiện để thực thi ý tưởng của mình sau chiến tranh. Trước khi đi xa, Người chỉ để lại cho chúng ta một bức di chúc thật giản dị, trong sáng nhưng vô cùng vĩ đại với một tầm nhìn xa, rất xa về thời cuộc trong nước và thế giới. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là một bản di chúc, và cũng chỉ viết được những điều chính yếu. Còn hiệu lực của bản di chúc không còn thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, một lãnh tụ thiên tài. Vì vậy, nếu như Trần Nhân Tông sau chiến thắng ông còn rất trẻ, đủ sức mạnh ý chí, nghị lực, quyền hành và ảnh hưởng trực tiếp cuộc xây dựng lại đất nước để giải hoá các mâu thuẫn trong nước và quốc tế, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời trước khi toàn thắng. Việc đánh cho “Mỹ cút, Nguỵ nhào” có thể không còn Bác vẫn được thực hiện thắng lợi vì tất cả đều được thiết kế theo ý đồ của Bác và của Đảng. Còn sau chiến tranh, rõ ràng không còn có sự lãnh đạo trực tiếp của Bác nên việc hóa giải mâu thuẫn gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
a) Việc hóa giải trong nội bộ nhân dân: Sau chiến tranh tôi còn nhớ GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn giao nhiệm vụ cho tôi khi vào nam là phải đến thăm các nhà trí thức Sài Gòn và không được đưa tư tưởng chiến thắng của miền Bắc vào. Bởi vì tất cả trí thức và nhân dân miền Nam có mặt trong ngày giải phóng, họ đều là những người chiến thắng. Tôi đã cố gắng thực hiện đúng lời dặn dò của GS vì đó là một ý tưởng rất nghiêm túc và đúng đắn. Nhưng tình hình miền Nam đã không hoàn toàn đi theo hướng đó. Việc phân biệt đối xử bên này, bên kia đã góp phần làm nên một phong trào phân ly dân tộc. Những câu chuyện di tản thuyền nhân diễn ra để lại bao đau xót cho kẻ ở, người đi. Thậm chí còn khắc sâu hận thù và sự chống đối ở một bộ phận người Việt di tản và gia đình của họ. Các gia đình miền Nam trong hoàn cảnh đặc biệt đó, đều theo cả hai phía, đều phân đôi, do đó việc hóa giải dân tộc phải đi vào từng gia đình, từng cộng đồng, đến toàn dân tộc là một việc hết sức quan trọng, sống còn, nhưng chúng ta để kéo dài gây nhiều tổn thất. Việc phân biệt Bắc - Nam còn gây mâu thuẫn sâu sắc đến sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, nội bộ chính quyền. Cho đến nay đã gần bốn mươi năm trôi qua mà vẫn còn xảy ra nhiều việc không vui.
b. Việc hóa giải với Campuchia (có thể coi tương đương với Chăm pa thời Trần Nhân Tông): Chúng ta đã không làm tốt việc hoá giải này. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cả ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia đều chung một chiến hào. Miếng cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi. Quan hệ Việt Nam - Campuchia khá tốt đẹp. Ngày giải phóng đất nước Campuchia, chế độ Pôn pốt quay trở lại chống Việt Nam và hình thành chế độ diệt chủng ở Campuchia. Khi chúng đem quân tấn công vùng biên giới Việt Nam, gây biết bao tổn thất cho người và của, nhất là tổn thất về tình cảm của hai dân tộc. Chúng ta buộc phải đánh trả, và chúng ta đã tiến hành tiêu diệt chế độ Pôn pốt để cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Chúng đã co cụm lại, kêu gọi những lực lượng thù địch chống Việt Nam, lôi kéo cả Trung Quốc tham gia về phía chúng. Do đó, chúng ta không thể rút quân ngay được mà buộc phải ở lại xây dựng lực lượng cách mạng. Cuộc chiến kéo dài, gây bất lợi cho Việt Nam. Trong nước thì hao người tốn của, kinh tế khó khăn. Ngoài nước thì chúng ta bị bao vây phản đối. Có thể nói sau chiến tranh thắng Mỹ chúng ta đã được hưởng không khí hòa bình nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục. Nhưng giờ đây kẻ thù không phải là quân xâm lược Mỹ mà lại là những người bạn Campuchia. Cuộc chiến ấy đã kéo theo cả cuộc chiến tranh Trung - Việt 1978. Cuộc sống sau chiến tranh đã khó khăn, chúng ta lại rơi vào một tình thế khủng hoảng nan giải, nhất là sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Đương nhiên đối với nhân dân Việt Nam thì dù ở trong tình thế nào dân tộc ta cũng tìm ra được lối thoát. Đó là nghị quyết đổi mới của Đại hội VI (1986).
Rõ ràng là tầm chiến lược của Bác Hồ ngày càng chứng minh Bác là một thiên tài. Thiên tài đã đưa ra được những giải pháp mà người thường dù rất giỏi cũng không thể nào làm được. Và điều quan trọng là các giải pháp ấy được toàn dân Việt Nam và thế giới ủng hộ.
So sánh quan hệ Đại Việt và Champa với quan hệ Trung Hoa, Campuchia và Việt Nam chúng ta thấy có mối liên hệ tương đồng. Chămpa từ khi thành lập (thế kỷ IV) cho đến khi kết thúc (thế kỷ XVII) quan hệ với Đại Việt là quan hệ đối địch triền miên, và cuối cùng Đại Việt đã thôn tính Chăm pa. Chỉ có Trần Nhân Tông mới đưa được một đáp án tối ưu, nhưng sau ông, tình hình trở lại như cũ. Cũng vậy với Trung Hoa cổ đại hai mươi thế kỷ thường xuyên xâm lược và chiếm đóng Việt Nam, buộc Việt Nam phải chống lại. Không ai có thể chấm dứt được tư tưởng chống Tàu trong người Việt Nam. Nhưng dưới thời cách mạng, Bác Hồ là người duy nhất xây dựng được tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa, và một thời chúng tôi được sống trong tình hữu nghị tốt đẹp ấy. Và chúng ta mới cảm nhận được sự yên ổn khi người Việt Nam không phải đối đầu với Trung Hoa. Chỉ có Bác Hồ, lãnh tụ thiên tài mới làm được điều đó. Ai cũng biết Trung Quốc là một nước lớn, có tư tưởng Đại Hán với quốc sách “dựng nước đi đôi với bành trướng” như các dân tộc Trung Hoa đã vẽ nên một bức tranh, một biểu tượng về Hán Vũ Đế với tám chữ “Hiếu đại hỉ công cùng binh độc vũ” mà xưa Nguyễn Trãi đã nhắc lại. Nhưng với Bác Hồ vượt lên mọi đố kỵ của con người với một tấm lòng rộng lượng, một tình thương vô hạn đối với nhân dân đã có một lối ứng xử hợp lòng người lôi cuốn người khác đi theo con đường chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, sau cuộc chiến tranh Trung Quốc Việt Nam, đi sang Trung Quốc chúng tôi mới thấy được những giá trị hữu nghị mà Người đã vun đắp lên trong thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Người. Sau đó, chúng ta không thể tiếp tục.
Tuy nhiên, để giải thích tình hình nước ta hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một điều chúng ta ngày càng nhận ra sự hẫng hụt của đất nước khi Bác Hồ một thiên tài đã ra đi! Một thiên tài xuất hiện trong một giai đoạn lịch sử của một dân tộc đã làm rạng danh cho dân tộc đó. Nhưng khi thiên tài ra đi cũng để lại một sự hẫng hụt không thể nào bù đắp được. Điều mà ngày nay dần dần chúng ta mới nhận thức được một cách sâu sắc sự hẫng hụt đó. Lịch sử thế giới cũng đã cho thấy, thiên tài vốn là những người có tầm nhìn rất xa, nhưng cuộc đời mỗi con người lại rất ngắn. Arixtotle là một thiên tài, nhưng những người đi sau làm theo Arixtotle (chúng ta gọi là chủ nghĩa Arixtotle) đã biến tư tưởng vĩ đại của ông thành lực cản làm cho châu Âu chìm đắm trong đêm trường ngàn năm thời trung cổ. Khổng Tử cũng là một thiên tài, nhưng những người đi theo ông (Chủ nghĩa Khổng giáo) đã biến đổi tư tưởng của ông thành lực cản đối với sự phát triển trong hai nghìn năm ở những nước chịu ảnh hưởng của ông. Đến lượt Marx cũng không tránh khỏi. Là một thiên tài và lý luận của ông cho đến nay chưa ai có thể vượt qua và đang là kim chỉ nam cho hàng triệu con người trên khắp hành tinh đứng dậy giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước..., nhưng những người theo chủ nghĩa Marx làm biến đổi nó và dẫn đến sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa. Sinh thời Marx gọi đó là hiện tượng tha hóa của con người.
Âu đó cũng là quy luật. Đi theo thiên tài, chúng ta cần khiêm tốn và trên những thành tựu mà thiên tài đó đã mang lại để xây dựng đất nước một cách bình thường như bao dân tộc khác. Và biết đâu vài trăm năm sau lại xuất hiện một thiên tài mới đưa dân tộc ta bứt phá lên một đỉnh cao mới. Năm 1986, trong cuộc đối thoại giữa đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đại hội VI, với các nhà khoa học tôi đã trình bày ý kiến riêng của mình rằng: “nước ta phát triển trong điều kiện không bình thường, bởi vì chiến tranh là không bình thường. Nhưng với người Việt Nam chiến tranh quá kéo dài nên cái không bình thường ấy trở thành cái bình thường, làm cho thế giới ngạc nhiên. Ngày nay chúng ta đã bước sang thời kỳ hòa bình, chúng ta phải bình thường hóa các quan hệ mới để phát triển”. Rất tiếc rằng ý kiến của tôi không được đồng chí Nguyễn Văn Linh chấp nhận. Sau khi lắng nghe hai ngày, đồng chí Nguyễn Văn Linh phát biểu trong 40 phút, mà mọi người đều biết phần lớn thời gian đó, đồng chí dùng để giải thích cho tôi. Theo đồng chí, nước ta phát triển trong điều kiện bình thường. Năm 1945, chưa có cách mạng, nạn đói hoành hoành đến nỗi ngày nay vẫn có người đi tìm người nhà. Dân Nghệ An, trước đây phải ăn độn, nay họ đã có gạo đủ ăn. Với thế hệ người lớn tuổi, thường tư duy theo lối lịch đại từ một điểm xuất phát thấp ban đầu sau đó ngày càng khá lên đó là bình thường và họ rất dễ bằng lòng với những điều đã đạt được. Thế hệ trẻ, bằng tư duy đồng đại, họ đặt vấn đề tại sao dân tộc ta thông minh, anh dũng mà lại kém Nhật, kém Hàn Quốc và kém cả Thái Lan. Với họ, giá trị hiện đại là quan trọng. Với lối tư duy cơ giới phân tích dựa trên nguyên tắc nhị nguyên người ta đối lập một cách tuyệt đối giữa đồng đại và lịch đại, đo đó, lịch đại dễ dẫn đến sự bảo thủ, đồng đại dễ dẫn tới sự mất gốc. Ngày nay trong khoa học người ta liên kết cả đồng đại và lịch đại, thống nhất trong sự đối logic với mối liên hệ đồng quy mang tính toàn hình. Với tư duy phức hợp, người ta vừa phải quan tâm đến lịch đại để giữ gìn gốc rễ dân tộc, đồng thời phải hướng tới đồng đại để phát triển. Tư duy đôi như vậy mới là tư duy khoa học (Xem Edgar Morin: Nhập môn tư duy phức hợp. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009).
Chính bài học của Nghị quyết VI gợi ý chúng tôi phải thường xuyên đổi mới tư duy. Nhất là ngày nay khi thế giới chuyển từ đối đầu chạy đua vũ trang sang đối thoại cùng tồn tại hòa bình, từ phát triển Châu Âu - Đại Tây Dương sang châu á - Thái Bình Dương, và tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: cuộc cách mạng Khoa học Công nghệ từ văn minh công nghiệp sang văn minh tin học hóa (hay hậu công nghiệp), cuộc cách mạng xã hội chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội (hay hậu tư bản) và hai quá trình đồng thời: quá trình khu vực hóa và quá trình toàn cầu hóa, làm cho thế giới biến đổi khôn lường, buộc chúng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức để thích nghi với thời cuộc. Tư duy mới đó là tư duy phức hợp, đa dạng, nhiều chiều, không thể đơn giản một chiều theo kiểu cũ. Cộng sinh văn hóa là đặc điểm của thời đại chúng ta.
Trên đây là hướng nghiên cứu của tôi, kết hợp giữa tư duy đồng đại và lịch đại theo phương pháp liên ngành. Nghiên cứu quá khứ để hiểu sâu hơn hiện tại và ngược lại, tìm ra những giải pháp để đi từ truyền thống đến hiện đại. Trong chiến tranh, chạy đua theo thành tích là một biện pháp rất quan trọng để cổ vũ toàn dân ta tham gia diệt Mỹ, nhưng trong xây dựng hòa bình việc chạy đua theo thành tích đã gây biết bao tổn thất. Đổi mới tư duy và nhận thức là vô cùng quan trọng đối với chúng ta nếu như chúng ta muốn không bị gạt ra bên lề và tụt hậu so với thời đại./.