06/02/2018, 10:03

Truyện Kiều của Nguyễn Du

Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên ; quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ; sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống về văn học. Nguyễn Du sống hàng chục năm phiêu bạt trên ...

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên ; quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ; sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống về văn học.

Nguyễn Du sống hàng chục năm phiêu bạt trên đất Bắc rồi về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn và lên ngôi (1802), Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn. Năm 1813 – 1814 được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Năm 1820, dưới triều Minh Mạng, ông lại được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì mất tại Huế.

Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, có vốn sống phong phú, là một thiên tài văn học, được Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc công nhận là danh nhân văn hoá thế giới.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm thơ chữ Hán, chữ Nôm. Đặc sắc nhất là truyện thơ Nôm Đoạn trường tân thanh thường gọi là Truyện Kiều gồm 3254 câu lục bát.

2. Tóm tắt Truyện Kiều

Thuý Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Trong một lần chơi xuân, nàng gặp Kim Trọng, một người hào hoa phong nhã. Hai người thầm yêu nhau. Kim Trọng dọn đến ở gần nhà Thuý Kiều. Hai người chủ động, tự do đính ước với nhau.

Kim Trọng phải về quê gấp để chịu tang chú. Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Kiều nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, còn nàng thì bán mình để chuộc cha và cứu gia đình. Thuý Kiều bị bọn buôn người Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, bắt phải tiếp khách làng chơi ở lầu xanh. Nàng được một khách chơi là Thúc Sinh chuộc ra, cưới làm vợ lẽ. Vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen, bắt Kiều về làm con ở và đày đoạ. Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư đến nương nhờ cửa Phật. Một lần nữa, nàng lại bị sa vào tay bọn buôn người Bạc Bà, Bạc Hạnh, phải vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây, nàng gặp Từ Hải. Hai người lấy nhau, Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Do bị Hồ Tôn Hiến lừa, Từ Hải bị chết, Thuý Kiều phải hầu rượu Hồ Tôn Hiến và bị ép gả cho viên thổ quan. Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nàng được cứu và lần thứ hai nương mình nơi cửa Phật.

Khi Kim Trọng trở lại tìm Kiều thì Kiều đã lưu lạc. Chàng kết duyên với Thuý Vân nhưng vẫn thương nhớ Thuý Kiều. Sau khi thi đỗ, chàng đi tìm Kiều, nhờ gặp sư Giác Duyên nên gia đình được đoàn tụ. Thuý Kiều tuy nốĩ lại duyên với Kim Trọng nhưng họ cùng nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Du có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều.

Về thời đại: Giai đoạn lịch sử đầy biến động, chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng, phong trào nông dân khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn. Cuộc khủng hoảng trực tiếp ảnh hưởng đến gia đình Nguyễn Du. Bản thân Nguyễn Du lưu lạc, ẩn dật, sau ra làm quan với triều Nguyễn.

Về gia đình: Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc có truyền thông văn học. Cha là người đỗ đạt, làm Tể tướng, anh là Nguyễn Khản, từng làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Nhưng khi phong trào khởi nghĩa nổi lên, gia đình sa sút. Nguyễn Du lưu lạc hơn mười năm, rồi về ở ẩn tại quê hương. Sự từng trải cung cấp cho Nguyễn Du một vôn sống phong phú để nhà văn sáng tác.

Bản thân Nguyễn Du là người có kiến thức rộng, có năng khiếu văn chương, lại được lăn lộn trong thực tế, có điều kiện cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của nhân dân.

Các yếu tố trên đã tác động đến việc sáng tác Truyện Kiều.

2. Kể tóm tắt Truyện Kiều. Hãy tham khảo bản tóm tắt trong sách giáo khoa và tóm tắt ngắn hơn hoặc chi tiết hơn, dài hơn.

Mai Thu

0