Câu phủ định
Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Đặc điểm hình thức của câu phủ định Như các em đã biết, mỗi một kiểu câu thường có đặc điểm hình thức riêng của mình. Câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán có đặc điểm hình thức là thường dùng những từ ngữ đặc trưng : các từ ...
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Đặc điểm hình thức của câu phủ định
Như các em đã biết, mỗi một kiểu câu thường có đặc điểm hình thức riêng của mình. Câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán có đặc điểm hình thức là thường dùng những từ ngữ đặc trưng : các từ nghi vấn, từ cầu khiến, từ cảm thán. Hoặc với kiểu câu trần thuật có đặc điểm hình thức là không dùng các từ ngữ nghi vấn, cầu khiến hoặc cảm thán.
Tương tự như vậy, câu phủ định cụng có đặc điểm hình thức riêng của mình. Đó là việc câu phủ định thường dùng các từ ngữ phủ định. Ví dụ:
– không, không phải, không phải là,…
– chưa, chẳng, chả, chẳng phải, chả phải,..
– đâu phải, đâu có phải,…
Vì vậy, để nhận ra đâu là câu phủ định, các em có thể dựa vào những từ ngữ này có xuất hiện trong câu hay không. Nếu có, thường những câu đó là câu phủ định.
2. Chức năng của câu phủ định
thường dùng để:
a) Thông báo, xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó. Ta còn gọi đây là câu phủ định miêu tả. Đây là loại câu đưa ra một nhận định, một ý kiến nào đó cho nên có thể xuất hiện ở phần đầu hoặc mở đầu một văn bản. Ví dụ:
Nam chưa đi Huế
Nam cũng chẳng đi Hà Nội.
b) Bác bỏ một ý kiến, một nhận định. Ta còn gọi đây là câu phủ định bác bỏ. Ví dụ:
– Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn.
– Đâu có, nó bè bè như cái quạt thóc.
3. Phân loại câu phủ định
Tuỳ thuộc vào vị trí và tác dụng của từ ngữ phủ định trong câu, ta có thể chia câu phủ định thành:
a) Phủ định hoàn toàn
Đây là loại câu có từ phủ định đứng trước nòng cốt câu và phủ định toàn bộ nòng cốt câu. Ví dụ:
Không phải cả lớp học giỏi toán.
b) Phủ định bộ phận
Đây là loại câu có từ ngữ phủ định tác động đến chủ ngữ, vị ngữ hoặc một bộ phận nào đó trong câu. Thông thường, sự phân biệt nghĩa khẳng định và phủ định chủ yếu tập trung ở phần vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ,… Ví dụ:
– Bài toán này không khó.
– Nó đọc không phải báo mà là truyện.
– Nó về nhà không phải ngày hôm qua.
4. Phân biệt câu phủ định bác bỏ với câu phủ định miêu tả
a) bác bỏ bao giờ cũng xuất hiện sau một ý kiến, một nhận xét nào đó đã được đưa ra trước. Ví dụ:
(Đưa ra nhận xét: Tưởng con voi như thế nào, hóa ra nó sun sun như con
đỉa)
Không phải nó chần chẫn như cái đòn cần.
Đây là câu phủ định bác bỏ ý kiến: nó sun sun như con đỉa.
Vì vậy, câu phủ định bác bỏ thường không đứng ở vị trí mở đầu của một văn bản. Đây là điểm khác biệt giữa câu phủ định bác bỏ với câu phủ định miêu tả.
b) Sự phân biệt giữa câu phủ định bác bỏ với câu phủ định miêu tả không phải lúc nào cũng hiện ra một cách rõ ràng bằng dấu hiệu hình thức. Có những lúc, cả hai loại câu này đều có dùng các từ phủ định không, chưa, chẳng,... nên việc nhận ra đâu là câu phủ định bác bỏ, đâu là câu phủ định miêu tả phải dựa vào tình huống.
Ví dụ, với câu: Nó chưa làm bài tập, ta có thể xác định là:
+ bác bỏ, nếu câu này dùng để bác bỏ ý kiến của ai đưa ra trước đó: Nó làm bài tập rồi.
+ miêu tả, nếu câu này dùng để trả lời cho câu hỏi: Nó làm bài tập chưa?
5. Lưu ý
a) Không phải chỉ câu phủ định mới biểu thị ý nghĩa phủ định mà cả câu nghi vấn, câu trần thuật khẳng định trong những trường hợp nào đó cũng có thể biểu thị ý nghĩa phủ định. Ví dụ:
– Hát thế mà hay à?
(Hát thế không hay.)
– Học thế cũng lả giỏi hay sao?
(Học thế không giỏi.)
b) Sự liên kết hai hình thức phủ định có thể sẽ cho kết quả là sự khẳng định. Nói khác đi, sự phủ định đối với sự phủ định sẽ cho ta ý nghĩa khẳng định. Ví dụ:
– Chẳng ngày nào mà Lan lại không lo học bài và làm bài cẩn thận.
(Ngày nào Lan cũng lo học bài và làm bài cẩn thận.)
– Không phải tôi không biết Lan học giỏi.
(Tôi biết Lan học giỏi.)
II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Bài tập yêu cầu các em xác định câu phủ định bác bỏ trong số các câu đã cho. Muốn xác định đúng, các em có thể tiến hành lần lượt theo từng bước sau:
– Bước 1: Tìm câu phủ định có trong các đoạn văn.
– Bước 2: Dựa vào ý nghĩa của câu phủ định để xác định có phải là câu phủ định bác bỏ hay không.
Nếu đó là câu có những đặc điểm dưới đây thì chúng là câu phủ định bác bỏ:
– Dùng để bác bỏ, phản đối lại một ý kiến, một nhận định đã đưa ra trước đó.
– Không đứng ở vị trí đầu đoạn văn (trong một văn bản đầy đủ).
Kết quả, các em sẽ có những câu phủ định bác bỏ như sau:
a) Không có.
b) Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu!
Trong văn bản, đây là câu của tác giả phản bác lại ý kiến của lão Hạc nhận xét về con chó đã đưa ra trước đó.
c) Không, chúng con không đói nữa đâu.
Đây là câu của cái Tí phản bác lại điều mà chị Dậu nghĩ: mấy đứa con mình đang đói quá đã đưa ra ở phần văn bản trước đó.
2. Bài tập này có hai yêu cầu:
– Xác định xem các câu được đưa ra trong bài tập có ý nghĩa phủ định hay
không.
– Thay câu trong bài tập bằng câu không có từ ngữ phủ định tương đương với nghĩa của chúng và nhận xét, so sánh về ý nghĩa của chúng.
Ở bài tập này, các em sẽ thây cả ba câu trong các phần trích đều có từ phủ định: không (a, b), chẳng (c), nên chúng là câu phủ định. Nhưng ý nghĩa của từng câu có khác nhau:
– Câu trong (a) dùng cách nói phủ định – phủ định (không phải là không) để thể hiện sự khẳng định.
Câu ở (a) có thể chuyển thành câu tương đương là: Câu chuyện có lẽ chỉ là một câu chuyện hoang đường, song vẫn có ý nghĩa.
– Câu trong (b) cũng dùng cách nói phủ định – phủ định (không ai không) để thể hiện sự khẳng định.
Câu ở (b) có thể chuyển thành câu tương đương là: Tháng tám, hồng ngọc đỏ, hồng hạc vàng, ai cũng đã từng ăn trong Tết Trung thu, ăn nó như ăn cả mùa thu vào lòng vào dạ.
– Câu trong (c) không dùng cách nói phủ định – phủ định mà lại dùng từ nghi vấn kết hợp với từ phủ định (ai chẳng) để khẳng định.
Câu ở (c) có thể chuyển thành câu tương đương là: Từng qua thời thơ ấu ở Hà Nội, ai cũng có một lần nghển cổ nhìn lên tán lá cao vút mà ngắm nghía một cách ước ao chùm sấu non xanh hay thích thú chia nhau nhấm nháp món sấu dầm bán trước cổng trường.
3. Câu văn: Choắt không dậy dược nữa, nằm thoi thóp.
– Nếu thay từ phủ định không bằng chưa thì câu phải bỏ từ nữa và được viết thành:
Choắt chưa dậy dược, nằm thoi thóp.
– Khi thay như thế, nghĩa của câu sẽ thay đổi:
+ Dùng từ phủ định không, nghĩa của câu được hiểu là: phủ định khả năng dậy của Choắt. Sau thời điểm nói, Choắt cũng không còn khả năng đứng dậy được nữa. Đây là kiểu phủ định vĩnh viễn.
+ Dùng từ phủ định chưa, nghĩa của câu được hiểu là: phủ định khả năng dậy của Choắt ở thời điểm nói, nhưng sau thời điểm đó, Choắt vẫn có thể còn khả năng đứng dậy được. Đây là kiểu phủ định tạm thời.
– Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp là câu phù hợp với ngữ cảnh câu chuyện hơn, vì sau đó Choắt đã chết.
4. Các câu đưa ra trong bài tập đều không phải là câu phủ định vì không chứa các từ ngữ phủ định.
Tuy vậy, những câu này đều dùng để biểu thị ý nghĩa phủ định, bác bỏ một nhận xét trước đó.
Vậy các câu trên biểu thị ý nghĩa phản bác tương tự như các câu dưới đây:
a) Không đẹp.
b) Không có chuyện dó.
c) Bài thơ này không hay.
d) Tôi không sung sướng hơn.
5. Không thể thay từ quên trong đoạn trích bằng không hoặc chưa, bởi vì:
– quên: biểu thị ý nghĩa không quan tâm, không lưu tâm hoặc để ý đến. Đây không phải là từ phủ định.
– không, chưa: biểu thị ý nghĩa phủ định.
Vì vậy, nếu thay quên bằng không hoặc chưa thì ý nghĩa sẽ thay đổi, sẽ không thể hiện rõ được lòng căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn đến muốn ăn mà không ăn được, muốn ngủ mà không ngủ được vì căm thù giặc đến tột cùng.
6. Các em tự làm.
Mai Thu
Từ khóa tìm kiếm:
- cau phu dinh tinh cam