06/02/2018, 10:03

Bài 24 – Nước Đại Việt ta (trích Bình ngô đại cáo)

Bài 24 – Nước Đại Việt ta (trích Bình ngô đại cáo) Hướng dẫn ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Đoạn trích là phần mở đầu bài Bình Ngô đại cáo. Đoạn này có ý nghĩa nêu tiền đề cho toàn bài. Tất cả nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh tiền đề đó. Những tiền đề tác giả nêu lên đều có ...

Bài 24 – Nước Đại Việt ta (trích Bình ngô đại cáo)

Hướng dẫn

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Đoạn trích là phần mở đầu bài Bình Ngô đại cáo. Đoạn này có ý nghĩa nêu tiền đề cho toàn bài. Tất cả nội dung được phát triển về sau đều xoay quanh tiền đề đó.

Những tiền đề tác giả nêu lên đều có tính chất chân lí, theo em có những chân lí nào được khẳng định?

Trả lời: Đoạn trích này đã khẳng định những chân lí sau đây:

a) Làm điều nhân nghĩa, cốt yếu nhất là phải làm cho nhân dân được sống cuộc đời yên bình.

b) Nước ta và nước Trung Hoa phong kiến là hai quốc gia riêng biệt, đã song song tồn tại từ nhiều triều đại.

c) Ở thời nào, chúng ta cũng có người hào kiệt nên nhiều tướng giặc xâm lăng nước ta đã phải thất bại nhục nhã, có người phải bỏ mạng tại đất này.

2. Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gì? Người dân ở đây là ai? Kẻ bạo ngược là những kẻ nào?

Trả lời:

Hai câu: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Cho ta thấy rõ điều cốt lõi trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là: yêu nước, thương dân. Người lãnh đạo đất nước phải biết chăm lo cho đời sống của muôn dân và phải biết chiến đấu để bảo vệ biên cương bờ cõi, giữ cho đất nước được độc lập, thanh bình.

Người dân mà tác giả nói đến là tất cả mọi công dân, trong đó phần đông nhất là những người dân lao động bình thường. Họ thuộc nhiều dân tộc khác nhau cùng sống chung trên lãnh thổ Việt Nam.

Kẻ bạo ngược là những kẻ gian tham, độc ác dùng quyền lực để áp bức, bóc lột nhân dân, là kẻ thù xâm lược.

2. Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, tác giả đã dựa vào các yếu tố nào?

Trả lời: Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, tác giả đã dựa vào các yếu tố sau:

a) Yếu tố văn hóa:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,…

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Nước Đại Việt đã được thành lập từ lâu nên có cả một truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp, trong đó những phong tục, tập quán của dân ta ở phương Nam khác hẳn những phong tục tập quán của các dân tộc Trung Hoa ở phương Bắc.

b) Yếu tố địa lí:

Núi sông bờ cõi đã chia

Mỗi nước đã có biên cương bờ cõi, núi sông riêng biệt.

c) Yếu tố lịch sử:

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,

Nước Việt Nam và nước Trung Hoa đã có nhiều triều đại cùng song song tồn tại, mỗi bên có chủ quyền riêng, có nền độc lập riêng.

– Đoạn trích Nước Đại Việt ta là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài thơ Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt. Vì sao?

Trả lời: Đúng là đoạn trích Nước Đại Việt ta là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc ở bài thơ Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt vì bài thơ Sông núi nước Nam đã khẳng định:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

(Dịch nghĩa:

Đất nước Nam có vua Nam ở

Điều này đã ghi rành rành tại sách trời

Cớ chi quân bay tới đây xâm lược

Nhất định chúng bay sẽ phải chuốc lấy thất bại)

Và trong bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi lại một lần nữa nhắc lại ý trên bằng lời lẽ khác, bằng một cách nói khác.

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác…

Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,

Cửa Hầm Tủ bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

Như vậy là cả hai văn bản này đều khẳng định chủ quyền và nền độc lập của nước Việt Nam và khẳng định sự thất bại thảm hại của mọi kẻ thù xâm lược.

4. Nghệ thuật của đoạn văn có gì đặc sắc?

Trả lời: Đoạn văn thể hiện một nghệ thuật viết đặc sắc:

Các từ ngữ: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác đã kết hợp chặt chẽ với nhau giống như các móc xích trong một dây xích làm cho ý khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt luôn xuyên suốt đoạn văn và trở nên rất vững chắc.

Câu văn biền ngẫu sóng đôi cân xứng có tác dụng nâng cao vị thế của đất nước ta lên ngang hàng với đất nước Trung Quốc, nâng cao vị thế của các triều đại của chúng ta lên ngang hàng với các triều đại Trung Quốc:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến dã lâu…

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác…

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,

Ởsáu câu này thì bốn câu đều được viết ngắn thể hiện một sự khẳng định đanh thép, nhưng hai câu cuối lại giãn dài ra và cái âm hưởng kéo dài ra của hai câu văn đã góp phần nói lên sự đường hoàng tương xứng của các triều đại Việt Nam so với các triều đại Trung Hoa. Đó cũng là hiệu quả của sự so sánh: so sánh để khẳng định sự ngang tầm. Mấy từ “mỗi bên xưng đế một phương” thật sảng khoái, hào hùng.

5. Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Hãy chứng minh điều đó.

Chứng minh:

Lí lẽ chính ở đoạn trích này là bàn về nhân nghĩa.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

nhằm làm nổi bật các ý: phải đánh đuổi, trừng phạt kẻ bạo ngược tham tàn để giữ gìn cuộc sống yên bình của muôn dân. Từ đó nêu ra nhiều dẫn chứng thực tế về văn hóa, địa lí, lịch sử để khẳng định rằng nước Đại Việt đã được thành lập từ lâu, đã cùng các triều đại Trung Hoa song song tồn tại và nước Đại Việt luôn trọng điều nhân nghĩa nên ở thời đại nào cũng có nhiều người hào kiệt tài giỏi đứng lên cùng toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm để giữ cho dân yên, sông núi vẹn toàn. Sự thất bại thảm hại của nhiều tướng giặc đã được sử sách ghi lưu.

6. Thử khái quát trình tự lập luận của đoạn trích này bằng một sơ đồ.

Sơ đồ

LUYỆN TẬP

Trên cơ sở so sánh với bài thơ Sông núi nước Nam, hãy chỉ ra sự tiếp nối và phát triển của ý thức độc lập dân tộc trong đoạn trích Nước Đại Việt ta.

– Xem lại câu 3 ở trên để giải quyết vấn đề này.

– Lưu ý trên: Bài thơ Sông núi nước Nam chủ yếu là cô đúc lí lẽ trong bốn câu thơ mạnh mẽ đanh thép, còn Nước Đại Việt ta triển khai thêm luận điểm nhân nghĩa và nhiều dẫn chứng về văn hóa, địa lí, lịch sử để khẳng định nền độc lập tự chủ của nước nhà trong một lối văn chính luận cân đối, nhịp nhàng, chặt chẽ, giàu tính thuyết phục.

Mai Thu


Từ khóa tìm kiếm:

  • cảm nhận về bình ngô đại cáo đoạn 1
  • như nước đại việt ta từ trước song hào kiệt đời nào cũng có hay viêat đoạn văn cảm nhận
0