23/05/2018, 15:45

Trồng và chăm sóc cây nho

Chuẩn bị đất trồng cây nho Thời vụ trồng : Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 – 7. Lúc này khí hậu ôn hòa, sau khi trồng có lượng mưa vừa phải, cây bén rễ thuận lợi; sau đó trời mưa lớn thì cây đã sinh trưởng ổn định. Nếu trồng vào mùa khô mà được che nắng và tưới nước đầy đủ cũng ...

Chuẩn bị đất trồng cây nho

Thời vụ trồng: Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 – 7. Lúc này khí hậu ôn hòa, sau khi trồng có lượng mưa vừa phải, cây bén rễ thuận lợi; sau đó trời mưa lớn thì cây đã sinh trưởng ổn định. Nếu trồng vào mùa khô mà được che nắng và tưới nước đầy đủ cũng tốt. Trồng trong những tháng mưa lớn, bộ rễ phát triển kém, cây sinh trưởng chậm, yếu ớt.

Khoảng cách: Khoảng cách cây tùy theo giống nho và phương pháp tạo hình, ở các nước, với các giống nho phát triển trung bình đến mạnh như Cardinal, Black Queen… và tạo hình theo kiểu giàn lưới qua đầu áp dụng khoảng cách hàng 3 m, khoảng cách cây 1,5 – 2,5 m. Đối với các giống phát triển yếu như Muscat và tạo hình theo kiểu hàng rào hoặc kiểu chữ T thì trồng theo khoảng cách hàng 1,8 – 3,0 m, khoảng cách cây 1,0 – 1,8 m. Ở nước ta với các giống nho hiện nay và tạo hình theo kiểu giàn lưới qua đầu thường trồng với khoảng cách hàng 2,7 – 3,0 m, khoảng cách cây 1,7 – 2,0 m (mật độ 1.500 – 2.000 cây/ha). Nếu trồng quá dày cành sẽ nhỏ và yếu, chùm trái tuy nhiều nhưng nhỏ, không thích hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Làm đất, đào hố: Đất trước khi trồng cần cày sâu, nhặt sạch cỏ dại. Ở nơi đất thấp thì làm những liếp cao để trồng trên liếp, giữa các liếp là rãnh để thoát nước mùa mưa và tưới nước mùa khô. Đào hố có kích thước mỗi chiều 0,8 – 1,2 m tùy loại đất, đất tốt đào hố nhỏ hơn đất xấu.

Cũng có thể đào thành đường hầm rộng và sâu 0,8 – 1,0 m, chiều dài hầm tùy lô đất. Trên lô đất trồng khi thiết kế cần lưu ý bố trí hệ thống tưới tiêu, nhất là tiêu nước mùa mưa.

Sau khi đào hố xong thì bón phân lót, gồm hỗn hợp 30 – 50 kg phân hữu cơ hoai mục, 30 – 50 kg đất mặt và 1,0 – 1,5 kg super lân, đủ để lấp đày hố hoặc hầm. Với mật độ như trên khối lượng thân lá trên diện tích rất lớn, muốn cây nho cho năng suất cao và thu hoạch lâu dài nhất thiết phải bón phân lót đầy đủ. Nên đào hố và bón phân lót trước khi trồng khoảng 2 tháng.

Trồng và chăm sóc cây con

Cây con được trồng vào giữa hố, góc cây ngang mặt đất. Sau khi trồng nên làm thành một bền trũng xung quang gốc để khi tưới nước không đọng vào gốc cây. Dùng chân nén nhẹ đất quanh gốc và tưới nước ngay, cắm cọc che mát cho cây con và thường xuyên tưới nước đủ ẩm.

Nếu đủ hom có thể cắm 2 hom vào một hốc, sau đó để lại một cây tốt, không nên để 2 cây vì sau này cây sẽ nhỏ, tàn lá um tùm dễ bị sâu bệnh và năng suất thấp.

Khi cây nho cao 20-30 cm thì dùng cọc tre dài 2,0 – 2,5 m cắm đỡ cây. Khi cây bắt đầu có tua cuốn thì buộc cây vào cọc. Vặt bỏ các cành nách để tập trung dinh dưỡng cho cây.

Định kỳ 15 – 20 ngày một lần kết hợp xới xáo vun gốc và bón phân, mỗi lần khoảng 30 – 50 g urê + 30 – 50 g super lân cho 1 gốc, lượng bón tăng dần theo sinh trưởng cây. Khi cây đã có cành cấp 3 thì bón thêm 20 – 30 g kali sulfat hoặc clorua.

Khi cây cao vượt giàn khoảng 0,7 -1,0 m thì bấm ngọn xuống sát mặt giàn để tạo cành từ mầm ngủ. Cũng có thể bấm ngọn sớm khi cây cao tới giàn để tạo cành từ chồi nách nhưng chồi nách thường cho cành nhỏ hơn từ mầm ngủ.

Thường xuyên phát hiện và phòng trừ sâu bệnh cho cây con, chú ý sâu xanh da láng, nhện vàng, bệnh mốc sương và bệnh phấn trắng hại lá. Dùng tay bắt giết sâu hoặc phun thuốc kịp thời khi sâu bệnh phát sinh.

Làm giàn và tạo hình

Nho là cây leo nên cần phải làm giàn. Có nhiều kiểu giàn và mỗi kiểu giàn có một kiểu tạo hình khác nhau.

Kiểu giàn lưới qua đầu

Kiểu giàn này thường thấy ở các nước có khí hậu nhiệt đới bán khô hạn, trong điều kiện trang trại nhỏ, nhân công nhiều và thao tác kỹ thuật chủ yếu là thủ công. Đây cũng là kiểu giàn duy nhất ở vùng nho Ninh Thuận nước ta hiện nay. Dùng các trụ bê tông cắm cao 2,0 – 2,2 m, cách nhau 3 – 4 m. Gác lên đầu các trụ bằng các thanh gỗ, sắt hoặc dây kẽm lớn. Trên các đà ngang căng một hệ thống lưới bằng dây kẽm với khoảng cách giữa các dây 30 – 40 cm.

Khi cây mọc cao gần tới mặt giàn khoảng 20 – 25 cm thì bấm ngọn để tạo thành 3 – 4 cành cấp 1. Khi cành cấp 1 leo lên giàn dài 50 – 60 cm thì ngắt ngọn để cho 2 – 3 cành cấp 2. Khi cành cấp 2 dài 50 – 60 cm thì lại ngắt ngọn để cho cành cấp 3 là những cành sẽ cho quả vụ đầu. Cách làm này là lấy cành nách làm bộ khung cơ bản, có ưu điểm là nhanh phủ kín giàn và mau cho quả nhưng nhược điểm là cành yếu, một số cành có thể bị chết hoặc không cho quả sau 2 – 3 năm thu hoạch (gọi là hiện tượng “bỏ cành”). Tốt nhất là để cây cao khỏi giàn rồi mới bấm ngọn để lấy các cành cấp 1 từ mầm ngủ, sau đó các cành cấp 2 và 3 thì được tạo thành từ cành nách. Như vậy sẽ có được cành cấp 1 to khỏe, thúc đẩy cành cấp 2 và 3 phát triển.

Kiểu giàn lưới qua đầu có ưu điểm là tận dụng được nhiều ánh sáng mặt trời, tăng mật độ cây nên cho năng suất cao. Nhiêu khảo sát ở Ấn Độ cũng như ở vùng Ninh Thuận nước ta đều có kết luận là kiểu giàn lưới qua đầu cho năng suất cao hơn hẳn các kiểu giàn lưới khác. Nhược điểm của kiểu giàn này là vườn nho kém thông thoáng, dễ bị bệnh, chi phí làm giàn tương đối cao, đòi hỏi phải đầu tư thâm canh và tốn nhiều công lao động.

Kiểu giàn hình chữ T

Trụ giàn là các cột xi măng cốt thép hình chữ T, cao khoảng 1,5 – 2,0 m, rộng 1,2 – 1,5 m, chiều dài tùy ý. Trên nét ngang của cột chữ T căng dây kẽm cách nhau 30 – 35 cm. Cây nho được trồng thành hàng dọc theo giàn, các cành thứ cấp cho vắt ngang dây.

So với dạng giàn lưới qua đầu thì kiểu giàn hình chữ T vườn nho thông thoáng hơn, dễ chăm sóc và cơ giới hóa. Ở các nước khí hậu nhiệt đới ẩm như nước ta thì kiểu giàn chữ T là thích hợp nhất, đặc biệt là với những giống nho có khả năng sinh trưởng mạnh. Tuy vậy mức đầu tư tương đối cao.

Kiểu dạng hình đầu (cắm cây đơn)

Cách tạo hình này thường thấy ở vùng California (Mỹ) và các nước châu Âu, chủ yếu với các loại nho làm rượu. Sau khi trồng, cắm cho mỗi cây một cọc tre hoặc gỗ để đỡ cây. Cây cao 1,0 – 1,2 m thì bấm ngọn để cho ra 4 – 5 nhánh xung quanh đầu của cây. Qua 3 – 4 lần cắt thì để lại những đoạn cành ngắn 2 – 3 đốt sẽ có một số lượng cành nhất định để cho quả.

Ưu điểm của dạng hình này là đơn giản, dễ làm, ít tốn chi phí, dễ đi lại chăm sóc và có thể trồng dày để tăng mật độ. Nhược điểm là phải cắt cành sâu làm cây mất sức, quả dễ bị thối do tập trung nhiều trên đầu cây, màu sắc quả kém.

Trồng và chăm sóc nhoTrồng và chăm sóc nho

Kiểu giàn hàng rào

Cắm cọc và căng dây kẽm tạo thành hàng rào cho nho leo. Các tay nho được phân bố đều về 2 phía giàn. Khi cây nho cao khoảng 45 cm thì bấm ngọn để 2 tay về 2 phía và một ngọn lên thẳng tới khoảng 70 cm thì lại bấm ngọn để tiếp 2 tay nữa về 2 bên, như vậy sẽ được kiểu giàn hàng rào 4 tay. Để tiếp 2 tay nữa thì được kiểu hàng rào 6 tay. Giữa 2 cây khi các tay chạm nhau thì bấm ngọn để một khoảng cách 25 cm. Từ các tay chính này sẽ cho nhiều cành thứ cấp và hàng vụ cắt chừa lại 2 – 3 đốt để lấy quả.

Ưu điểm của kiểu giàn hàng rào là chùm quả phân bố đều ở cùng độ cao, thuận lợi cho thu hoạch cơ giới, giàn nho thông thoáng và màu quả tốt. Nhược điểm là chi phí tương đối cao, việc chăm sóc không thuận tiện vì chỉ có thể đi dọc theo hàng rào.

Cắt tỉa và thiến cành

– Cắt và tỉa cành là một kỹ thuật quan trọng trong nghề trồng nho. Cây nho ra hoa ở các cành non. Nếu không cắt cành, cây vẫn có thể nảy mầm và cho quả nhưng chùm quả nhỏ, năng suất thấp. Mục đích của việc cắt tỉa cành là để cho những cành quả to khỏe, phân bố đều theo vị trí xác định để tận dụng ánh sáng tốt nhất và dễ quản lí chăm sóc.

Ở các nước ôn đới, mùa đông nho ngừng sinh trưởng, lá rụng hết, lúc này người ta tiến hành tỉa bỏ các cành yếu, cành bệnh và cắt ngọn các cành khung để mùa xuân cây nho cho ra các cành quả khỏe và đều. Trồng và chăm sóc nhoTrồng và chăm sóc nho

Ở nước ta cây nho sinh trưởng suốt năm nên có thể cắt cành bất kỳ lúc nào nhưng nên tránh lúc quả lớn và chín gặp mưa gió nhiều, ở Ninh Thuận có thể cắt cành một năm 3 lần để cho 3 vụ quả. Vụ Đông Xuân cắt cành từ tháng 12 – 1 là vụ cho năng suất và chất lượng quả tốt nhất do thời tiết mát và khô ráo. Vụ Hè Thu cắt vào tháng 4 – 5 cũng cho năng suất tương đối cao nhưng khi hoa nở thường gặp thời tiết nóng dễ bị khô héo. Vụ Thu Đông cắt cành vào tháng 9 – 10, khi cây ra hoa thường gặp mưa lớn, bệnh hại nhiều (nhất là nấm cuống) làm hư chùm hoa, năng suất và chất lượng thấp, có khi mất trắng.

Sau khi thu hoạch không tưới nước và bón phân khoảng 1 tháng cho cây nghỉ, sau đó tiến hành cắt cành và vặt hết lá. Sau cắt khoảng 7-10 ngày thì bón phân (nặng đạm và lân, nhẹ kalí) để thúc đẩy nứt mầm.

Cắt ngọn các cành quả, để lại 4 – 7 mắt tùy theo giống và sức khỏe cây. Ở Ninh Thuận, với giống nho đỏ Cardinal có thể cắt để lại 6 – 12 mắt. Các cành nho già hoặc cành bánh tẻ sinh trưởng kém thì cắt sâu hơn so với các cành non và khỏe mạnh. Sau khi cắt từ các mắt sẽ sinh ra các cành mới. Buộc các cành mới này cho phân bố đều trên giàn, sao cho 1 m² chỉ giữ lại 10 – 12 chùm quả là vừa. Từ khi đốn đến khi có quả thu hoạch chỉ cần 110 – 120 ngày, cộng với 1 tháng để cây nghĩ trước khi đốn thì một vụ nho chỉ khoảng 5 tháng, 1 năm cho 2 vụ hoặc 2 năm 5 vụ.

Trong việc cắt cành nho, việc xác định đúng vị trí cắt rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây nho. Nếu cắt không đúng vị trí có thể làm mất một số mầm ra hoa hoặc cho ra nhiều chồi sinh trưởng và tua cuốn cũng làm ảnh hưởng đến chồi và hoa. Thực tế cho thấy cùng một giống nho ở cùng một vùng, cách cắt cành có thể khác nhau tùy điều kiện thời tiết và dinh dưỡng. Vì vậy việc xác định được vị trí mầm ngủ sẽ trở thành ngọn mang hoa là rất quan trọng, người trồng nho cần theo dõi nhiều vụ để có kinh nghiệm. Ngày nay nhờ sự tiến bộ của công nghệ sinh học người ta có thể thông qua việc lấy mẫu để xác định vị trí mầm mang hoa, từ đó tiến hành cắt cành thích hợp và dự đoán được năng suất cho vụ tới.

Trồng và chăm sóc nhoTrồng và chăm sóc nho

Trong thời gian cây nho sinh trưởng phát triển cần thường xuyên tỉa bỏ các chồi vượt, chồi yếu, các lá già úa và bị sâu bệnh, tạo điều kiện cho giàn nho thông thoáng. Ngoài ra cũng cần tỉa bớt những chùm hoa nhỏ, dị hình, các quả “đẹt”, quả bệnh để chùm quả phát triển đồng đều. Thường tỉa quả ở giai đoạn 10 ngày sau khi đậu quả.

Thiến cành (thiến nho) cũng là biện pháp được áp dụng ở nhiều nước, có tác dụng làm tăng đậu quả, tăng kích thước quả, đẩy mạnh sự chín và tạo màu quả đẹp.

Cách thiến là bóc đi một vòng vỏ rộng 1 – 5 mm xung quang thân hoặc gốc của cành mang quả. Nếu thiến cành thì bóc khoanh vỏ hẹp, chỉ khoảng 1 – 2 mm, thiến thân thì bóc khoanh vỏ rộng 3 – 5 mm. Khi thiến phải lấy hết vỏ nhưng không được phạm sâu vào phần gỗ bên trong để không ảnh hưởng đến mạch dẫn. Sau 3 – 4 tuần chỗ bóc vỏ sẽ lành. Chú ý chăm sóc, bón phân cho cây nho thiến để cây sinh trưởng bình thường.

Để có quả to và chùm quả chặt nên thiến vào giai đoạn mới đậu quả (sau khi’“xổ dù”). Để thúc đẩy nho chín sớm và quả đậm màu có thể thiến khi quả đạt 1/2 độ lớn tối đa hoặc lúc quả bắt đầu chuyển màu. Kết hợp cách thiến với sử dụng chất điều hòa sinh trưởng sẽ cho hiệu quả rõ hơn.

Tưới nước

Quả nho chín chứa 70 – 80% nước vì vậy nhu cầu nước của cây nho rất lớn, nhất là từ khi đậu quả đến quả chín, cần tới 50 – 60% lượng nước tưới cả vụ. Theo một tính toán ở vùng Ninh Thuận, lượng mưa cần cho 1 vụ nho 4 tháng là 350 – 450 mm, tức là 3.500 – 4.500 m³/ha.

Trong một vụ thường tưới lần đầu 2 – 3 ngày sau khi cắt cành, sau đó tưới định kỳ 7 – 10 ngày một lần tùy tình hình độ ẩm đất. Trong thời gian 5 – 7 ngày khi cây nho đang nở hoa không nên tưới hoặc tưới lượng nước ít để giúp cho việc đậu quả tốt hơn. Giai đoạn này nếu nhiều nước quá sẽ làm cho ngọn sinh trưởng mạnh hạn chế sự đậu quả. Giai đoạn, từ khi đậu quả tới quả chín cần nhiều nước, có thể rút ngắn chu kỳ tưới hoặc tăng lượng nước của mỗi lần tưới. Thời gian này nếu thiếu nước quả sẽ nhỏ. Trước khi thu hoạch 6-10 ngày cần ngưng tưới để quả có màu đẹp, không bị mềm và tăng chất lượng.

Phương pháp tưới là tưới tràn hoặc tưới theo rãnh. Lượng nước tưới sao cho đủ thấm tới độ sâu khoảng 50 – 60 cm là tầng bộ rễ nho tập trung, không để nước đọng lâu quanh gốc cây. Trong mùa khô nhiệt độ không khí cao có thể áp dụng cách phun mưa để tăng độ ẩm cho vườn, hạn chế sự khô héo của chùm hoa. Khi nho chín nếu gặp nhiệt độ cao sẽ không chín đầy đủ, dẫn đến hiện tượng cầm màu, nên phun nước 2 – 3 ngày một lần đê quả nho có màu đẹp. Tuy vậy trong những ngày hoa nở rộ thì không nên phun nước để tránh ảnh hưởng đến sự thụ phấn, trường hợp cần thiết thì phun nước trước 7 giờ sáng trước khi hoa nở.

Cũng cần chú ý đến chất lượng nước tưới. Nếu nước tưới bị nhiễm mặn, chứa nhiều Clo hoặc Natri có thể làm cháy lá nho, rụng lá, thậm chí làm chết cây. Theo một khảo sát gần đây, nguồn nước giếng tưới cho nho ở vùng Ninh Thuận đã bị nhiễm mặn với hàm lượng Clo và Natri cao, nên dùng nguồn nước bề mặt để tưới.

Bón phân

Lượng phân bón

Theo nghiên cứu ở Ấn Độ, một vườn nho cho năng suất quả 10 tấn/ha lấy đi từ đất 72,3 kg đạm + 10,4 kg lân + 71,7 kg kali và 8,3 kg magiê nguyên chất. Với giống nho Gulabi để có năng suất cao nhất cần lượng phân là 489,4 kg N + 457,4 kg P2O5 và 459 kg K2O cho 1 ha. Phân kali có vai trò rất quan trọng với cây nho.

Ở Việt Nam hiện chưa có những thí nghiệm nghiên cứu lượng phân bón với cây nho. Việc bón phân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Theo Vũ Xuân Long (1993), các vườn nho ở Ninh Thuận thường bón đạm khá cao (trung bình khoảng 500 kg N/ha), bón ít kali (khoảng 300 kg K2O/ha). Phân canxi và magiê hầu như không được bón. Tình hình này đã làm mất cân đối nghiêm trọng về dinh dưỡng trong cây, làm đất bị chua hóa, sâu bệnh phát triển nhiều và cuối cùng là năng suất và chất lượng nho ngày càng giảm. Bón thừa đạm cây nho mọc quá xum xuê, cành dẹp, lóng dài, ít đậu quả.

Từ năm thứ 3 trở đi lượng phân bón có thể tăng. Phân hữu cơ thì mỗi năm bón 1 lần, khoảng 30-50 kg/gốc.

Các kết quả nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy tùy chất đất khác nhau, lượng phân bón cho 1 ha nho từ 3 năm tuổi trở lên như sau:

Phân hữu cơ hoai mục : 30 – 50tấn (chứa 18 kg N/tấn)

N : 400 -500 kg

P2O5: 150 – 200 kg

K2O : 400 – 600 kg

Nho dưới 3 năm tuổi thì bón bằng 1/3 – 1/2 liều lượng trên. Những giàn nho bị “cầm màu” thì nên bón thêm kali ở giai đoạn quả sắp chín sẽ làm quả nho có màu đẹp và tăng chất lượng.

Ngoài NPK, cây nho rất cần bón bổ xung 2 nguyên tố vi lượng kẽm và bo. Cung cấp đầy đủ 2 nguyên tố này có thể làm tăng năng suất nho 20 – 25 % so với không bón. Kẽm làm giảm độ chưa còn bo làm tăng tích lũy đường trong quả. Phân kẽm nên phun lên lá với liều lượng 1,8 – 2,2 kg kẽm Sunfat pha với 400 – 500 lít nước phun cho 1 hecta. Nên phun 2 lần vào lúc trước ra hoa 7 – 10 ngày và lúc quả bắt đầu chín. Còn bo thì bón 2 vụ một lần với liều lượng 18 kg borat cho 1 hecta. Phân bo thường trộn đều với phân NPK bón vào đất. Chú ý là cây nho rất cần bo nhưng không nên tăng liều lượng bón vì quá liều dễ gây ngộ độc cho cây.

Nhiều giàn nho còn có hiện tượng thiếu magiê, lá vàng nhưng gân vẫn xanh, nên phun dung dịch Clorua Magiê hoặc Nitrat Magiê lên lá.

Cây nho ưa đất gần trung tính đến hơi kiềm (pH từ 6,5 – 8,5), vì vậy nếu đất chua cần bón thêm vôi hoặc dùng phân lân nung chảy để bón.

Cách bón phân

Theo các tác giả P.H.Nhượng, N.H.Bình, L.X.Đính và L.Q-Quyến, ở Ninh Thuận nên bón phân 3 đợt cho một vụ nho với liều Lượng từng đợt như sau:

Phân đạm có tác dụng thúc đẩy sự hình thành mầm lá, vì vậy cần bón nhiều vào giai đoạn sau cắt cành, phân lân nên bón nhiều vào thời gian sau khi thu hoạch đến trước khi cắt cành, các giai đoạn sau cần ít hơn. Phân kali có dụng thúc đẩy hình thành mầm hoa và tăng chất lượng quả nên bón muộn hơn, chủ yếu từ sau cắt cành đến khi quả lớn sắp chín. Còn phân hữu cơ tập trung bón sau khi thu hoạch đến trước khi cắt cành.

Ở Ninh Thuận người trồng nho thường bón trên 50% lượng đạm, lân và kali vào trước khi cắt cành, như vậy là không hợp lí vì tốn chi phí nuôi cành không cần thiết, ngoài ra còn tiếp tục duy trì sự sinh trưởng của cây mà lẽ ra cây cần phải tạm nghỉ một thời gian trước khi cắt cành vụ tới. Một lượng đạm lớn cũng thường được bón vào cuối vụ với mong muốn làm cho quả to đã làm cho độ thành thục của cành kém đi, ngọn sinh trưởng quá mạnh làm bệnh hại phát sinh nhiều và hạn chế sự hình thành các chồi mang hoa nên giảm năng suất vụ sau. Ngoài ra lượng đạm cuối vụ nhiều còn làm quả mọng nước dễ bị nứt vỡ và “cầm màu”. Tập quán bón phân như trên cần được sửa đổi.

Về cách bón, ở đợt bón sau cắt cành 1- 3 ngày của năm đầu đào rãnh rộng 20 cm, sâu 20 – 25 cm cách gốc 50 cm dọc theo hàng nho, rải phân dã trộn đều rồi lấp đất. Từ vụ thứ 2 trở đi mỗi vụ. đào rãnh cách xa gốc thêm 15 – 20 cm. Cách đào rãnh bón phân vào lúc này còn có tác dụng tạo hình cho bộ rễ, làm tăng cường sự phân nhánh của rễ theo một thứ tự nhất định để hấp thụ phân bón được nhiều hơn. Các đợt bón khác nên bón theo từng lỗ sâu 20 – 25 cm cách nhau 10 – 15 cm cũng dọc theo dải phân trên. Cách bón phân theo lỗ tăng cường hiệu suất sử dụng phân, tiết kiệm được phân so với cách rải phân trên mặt đất. Đến lúc nào đó 2 dải bón phân của 2 hầm cạnh nhau sẽ giáp nhau thì lại đào rãnh trở về phía gốc nhưng cách xa hơn, khoảng 60 – 90 cm.

Sử dụng phân bón lá

Việc phun phân bón lá cho nho là cần thiết để cung cấp bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng cho cây, thực tế cho thấy đã mang lại kết quả tốt. Ngoài bổ sung lượng NPK, nhiều loại phân bón lá còn chứa các nguyên tố vi lượng kẽm, sắt, đồng, mangan, bo… rất cần cho cây nho. Đặc biệt những dạng phân có lượng kali và kẽm cao phun vào giai đoạn 35 – 40 ngày sau cắt cành trở đi sẽ làm tăng số chùm hoa đáng kể. Hiệu quả của phân bón lá cũng thể hiện rõ trong các trường hợp bộ rễ cây bị ảnh hưởng do hạn, úng hoặc cây bị sâu bệnh hại.

Kết quả nghiên cứu kỹ thuật canh tác nho an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại Ninh Thuận (2003 – 2004) với giống nho xanh NH.01-48, bón phân hữu cơ Humix liều lượng 500 kg/1.000 m² làm tăng số lượng chùm quả, tăng trọng lượng chùm quả và tăng năng suất 20 – 40%. Chất lượng quả tốt hơn (độ Brix tăng 0,5 độ), sâu bệnh hại cũng giảm rõ rệt nên ít phải dùng thuốc. Sử dụng các phân bón lá hữu cơ như K. Humate, Bio-Green, định kỳ 10 ngày phun 1 lần từ khi nho vừa đậu quả đến khi quả bắt đầu chín cũng tăng năng suất và phẩm chất quả rõ rệt.

0