18/06/2018, 13:14

TRIỆU HIẾN KHẢ

Triệu Hiến Khả, tự Dưỡng Quỳ, tự hiệu Y Vu lư tử, người đời Minh, Ngân Huyện (nay là Chiết Giang, Ninh Ba), là một y gia lớn, đề xướng thuyết ‘Thận thủy mệnh hỏa’, cống hiến lớn cho học thuyết ‘mệnh môn’. Ông hiếu học, nghiên cứu sâu Dịch kinh, tinh thông y thuật. Sở học ...

 Triệu Hiến Khả, tự Dưỡng Quỳ, tự hiệu Y Vu lư tử, người đời Minh, Ngân Huyện (nay là Chiết Giang, Ninh Ba), là một y gia lớn, đề xướng thuyết ‘Thận thủy mệnh hỏa’, cống hiến lớn cho học thuyết ‘mệnh môn’. Ông hiếu học, nghiên cứu sâu Dịch kinh, tinh thông y thuật. Sở học của ông theo Lý Đông Viên, Tiết Kỷ, phản đối thuyết ‘Lục khí giai tùng ‘hỏa hóa’ của Lưu Hoàn Tố, chủ trương ‘thêm hàn lương’ cùng quan điểm với Chu Đan Khê (dương thường hữu dư') và Tri Bá (‘tả hỏa’). Nghị luận của ông thường thường hợp với Trương Giới Tân, phát huy một cách đột xuất học thuyết ‘Mệnh môn’ của thân thể con người. Nói về mệnh môn (nhà y học Trung Quốc gọi chỗ khoảng giữa hai trái thận), trong y kinh các đời như ‘Nội kinh’, ‘Nạn kinh’, đều có luận thuật. Một số y gia trứ danh như Tiết Kỷ, Trương Giới Tân, Tôn Nhất Khuê cũng nhấn mạnh đến tính trọng yếu của mệnh môn trong thân thể con người, nhưng mà nghiên cứu sâu nhất, cống hiến lớn nhất là Triệu Hiến Khả. Ông nhận xét rằng làm chủ trong nhân thân không phải là tim, mà là mệnh môn. Mệnh môn là chân quân, chân chúa của nhân thân, vị trí của mệnh môn ‘ở giữa cách hai trái thận một tấc năm phân, chính giữa thân người’, tức là ‘tiểu tâm’ mà thiên ‘Thích Cấm Luận’ (Tố Vấn) nói tới, chỉ rõ cái hỏa của mệnh môn là chí bảo (quý nhất) của nhân thân, là chỗ liên hệ đến cơ năng sinh lý của thân thể. Hỏa vượng thì cơ năng sinh lý do đó mà mạnh, hỏa suy thì cơ năng sinh lý do đó mà yếu, hỏa tiêu thì cơ năng sinh lý do đó mà ngừng. Để nhấn mạnh tác dụng trọng yếu hỏa của mệnh môn, ông đem thân thể con người ví với cái đèn kéo quân quay được nhờ lửa của ngọn nến; trong đèn, nếu nến sáng thì đèn quay nhanh, nến mờ thì đèn quay chậm, nếu tắt thì đèn ngưng quay. Ông

còn nói rằng hỏa của mệnh môn hàm chú a trong nước của thận (thận thủy), hai thứ dựa nhau và không khi nào rời nhau. Người mắc bệnh là vì thủy hỏa không đều gây ra. Cái gọi là ‘hỏa có dư', thực sự là ‘chân thủy không đủ', khi trị liệu không nên ‘tả’ hỏa, mà chỉ lo bổ thủy để chế hỏa, tức là cái ý của Vương Băng ‘tráng thủy chi chủ, dĩ chế dương quang’ (chủ yếu lo thủy mạnh để chế ngực hỏa). Trái lại, nếu ‘hỏa không đủ' thì làm cho ‘thủy có dư', khi trị liệu cũng bất tất ‘tả’ thủy, mà chỉ lo bổ hỏa để hóa thủy, tức là cái ý của Vương Băng ‘ích hỏa chi nguyên, dĩ tiêu âm ế’ (lo tăng nguồn hỏa để triệt tiêu thủy).

Căn cứ theo đó, khi ông viết đơn dùng thuốc, phần nhiều dùng Bát Vị Hoàn và Lục Vị Hoàn làm phương chủ yếu bổ hơn bổ thủy, đồng thời tùy chứng  gia giảm, trị được nhiều loại tật bệnh. Ông một đời đi đến rất nhiều địa phương, dấu chân có khắp Trung Quốc, danh vang Tần Tấn. Ông không màng vinh hoa phú quý, sống đời sống kẻ giang hồ dật sĩ. Ông viết sách cũng rất nhiều, đó là các sách ‘Y Quán’, ‘Nội Kinh Sao’, ‘Tố Vấn chú', ‘Kinh Lạc Khảo’, ‘Chính Mạch Luận’, ‘Nhị Bản Nhất Trắc’, trong đó chỉ có quyển ‘Y Quán’ được lưu hành rộng hơn. Sách này ghi đầy đủ rõ ràng quan điểm học thuật ‘thận thủy mệnh hỏa’ của ông tuy nghị luận có chỗ phiến diện, nhưng cũng không mất tiếng là một sách tham khảo trọng yếu để nghiên cứu học thuyết mệnh môn.

0