Trần Quốc Vượng và “phương pháp vận dụng lựa chọn” trong việc nghiên cứu quá khứ
Tác giả: Lê Minh Khải Người dịch: Hoa Quốc Văn Tôi đang đọc một bài tiểu luận được kèm trong một tập bài viết của cố [học giả] Trần Quốc Vượng trong đó ông khuyến khích người ta nghiên cứu về cái mà ông gọi là “vấn đề Hùng vương”. Mục đích của việc nghiên ...
Tác giả: Lê Minh Khải
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Tôi đang đọc một bài tiểu luận được kèm trong một tập bài viết của cố [học giả] Trần Quốc Vượng trong đó ông khuyến khích người ta nghiên cứu về cái mà ông gọi là “vấn đề Hùng vương”.
Mục đích của việc nghiên cứu vấn đề này, Trần Quốc Vượng khẳng định, không phải là cố gắng nhằm tìm ra cái gì đó cụ thể về một vua Hùng cụ thể, mà thay vào đó là nhằm tập trung vào “con người, xã hội và dân tộc ta trong thời đại Hùng Vương, nghiên cứu nền văn hoá cổ Việt Nam thời đại Hùng vương – thời đại bắt đầu dựng nước của lịch sử Việt Nam” [nguyên văn tiếng Việt của Trần Quốc Vượng – HQV].
Trần Quốc Vượng tiếp tục tiểu luận này với lập luận rằng cách tốt nhất để làm việc đó là sử dụng “phương pháp vận dụng tổng hợp”, phương pháp tổng hợp các thông tin và những hiểu biết sâu sắc từ sử học và các ngành khác.
Nhìn bề ngoài, đây là một ý tưởng hay, tuy nhiên cái cách Trần Quốc Vượng sử dụng trên thực tế phương pháp vận dụng tổng hợp đó trong tiểu luận này thì mang tính lựa chọn và có sơ hở.
Trần Quốc Vượng lập luận trong tiểu luận này rằng có 15 “bộ lạc” trước và trong thời kì Hùng Vương. Trên thực tế, chỉ có một văn bản lịch sử (cuốn Đại Việt sử lược ở thế kỉ XIV) đề cập đến các bộ lạc. Các văn bản lịch sử khác (như Đại Việt sử kí toàn thư ở thế kỉ XV) đề cập đến các “bộ”.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn, và một sự thực là các văn bản ghi chép thông tin về các bộ/bộ lạc này muộn hơn 1500 năm so với thời điểm chúng được cho là đã từng tồn tại, và tất cả những cái tên bộ lạc/bộ đó được viết bằng chữ Hán cổ, với một số tên gọi có niên đại thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên).
Trần Quốc Vượng lưu ý rằng các học giả đã bàn luận về vấn đề này trước đây, nhưng ông khẳng định rằng chúng ta có thể đi đến một kết luận về vấn đề này, và ông trích dẫn một tuyên bố của sử gia Đào Duy Anh năm 1964 để cho biết điều mà chúng ta có thể kết luận:
“[chúng ta] có thể đoán rằng khi các sử gia xưa của nước ta muốn cho nước Văn Lang trong truyền thuyết một nội dung cụ thể thì họ đã lấy các tên đất ở các đời từ nhà Đường về trước, chọn lấy một số tên, một là nhằm cho đủ số 15 bộ trong truyền thuyết, hai là nhằm làm thế nào để cho 15 tên đất ấy trùm được cả địa bàn sinh tụ của tổ tiên ta ở thời Hùng Vương” [nguyên văn tiếng Việt trong bài của Trần Quốc Vượng – HQV].
Tuyên bố này của Đào Duy Anh dựa trên nhiều giả định khác nhau mà Đào Duy Anh không cung cấp chứng cớ chứng minh. Để lập luận rằng các sử gia trung đại đã cố gắng đưa “nội dung cụ thể” vào các truyền thuyết từ thiên niên kỉ đầu trước Công nguyên, Đào Duy Anh lẽ ra cần cung cấp chứng cứ cho thấy rằng các truyền thuyết đó thực sự có niên đại ở thiên niên kỉ đầu trước Công nguyên. Ông lẽ ra cùng cần cho thấy khả năng có thể lưu truyền thông tin đó (rõ ràng là truyền miệng) qua cả hơn nghìn năm. Tuy nhiên, Đào Duy Anh không làm việc này.
Trong khi đó, Trần Quốc Vượng tránh đối diện với một sự thật là một công trình lịch sử đề cập đến 15 “bộ lạc”, trong khi công trình khác đề cập đến 15 “bộ”. Lời khẳng định nào trong số đó là đúng đắn về mặt lịch sử? Làm thế nào chúng ta biết?
Cuối cùng, Trần Quốc Vượng bắt đầu tiểu luận của mình với những giả định còn rộng hơn bằng việc thừa nhận rằng “nước ta” đã tồn tại trong suốt “thời đại Hùng vương” và rằng vì vậy nền văn hoá của thời đại đó là “nền văn hoá cổ Việt Nam”.
Vậy là thông tin “lịch sử” trong tiểu luận này được xây dựng trên một số lớn những giả định không được chứng minh bằng các chứng cứ lịch sử, và từ những giả định đó, Trần Quốc Vượng tiếp tục đưa ra một số ý tưởng của riêng mình. Cụ thể, ông căn cứ vào một số cái tên của những “bộ lạc” được nói đến đó rồi đưa ra lập luận rằng chúng ta có thể đọc qua chữ Hán được dùng để viết những cái tên đó (khoảng 1500 năm sau thời điểm những bộ lạc đó được cho là đã tồn tại) để thấy được tên của các loại chim (Mling, Bling, Kling Klang, Blang), những loại chim mà Trần Quốc Vượng cho là bái vật của một số bộ lạc ở thời đại Hùng Vương.
Phương pháp này sai ở chỗ nào? Vấn đề là chỗ Trần Quốc Vượng căn cứ vào thông tin không được kiểm tra bằng bất kì phương pháp nào (qua các văn bản lịch sử hoặc các chứng cứ khảo cổ học) – ví như ý tưởng rằng có 15 “bộ lạc” ở đồng bằng sông Hồng vào thiên niên kỉ đầu trước Công nguyên – và rồi ông phát triển các ý tưởng dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng này, những thông tin mà sau đó ông tin là có thể giúp chứng minh rằng những thông tin chưa được kiểm chứng kia là đúng.
Chẳng hạn, trong tiểu luận này, Trần Quốc Vượng tin rằng các ý tưởng về ngôn ngữ học mà ông đưa ra giúp chứng minh sự tồn tại của 15 bộ lạc được đề cập trong các “truyền thuyết”. Tuy nhiên, điều này không đúng vì các ý tưởng của ông không trả lời được bất kì câu hỏi nào xung quanh những thông tin chưa được kiểm chứng đang tồn tại.
Việc nói rằng “Mê Linh” thực chất là tên của một loại chim, Mling, không cho chúng ta thấy bằng cách nào thông tin này có thể được truyền miệng trong 1000 năm. Nó cũng không lí giải được vì sao một văn bản thời trung đại đề cập đến 15 “bộ lạc” trong khi văn bản khác đề cập đến 15 “bộ”. Và nó không lí giải được tại sao một số trong 15 “bộ lạc/bộ” đó được đặt tên sau khi những địa danh ấy chỉ xuất hiện ở thời nhà Đường.
Thay vào đó, Trần Quốc Vượng lảng tránh toàn bộ những vấn đề quan trọng này, và phá triển những ý tưởng của mình dựa trên những giả định thiếu căn cứ.
Do đó, đây không phải là “phương pháp vận dụng tổng hợp” trong việc nghiên cứu quá khứ. Nó là một “phương pháp vận dụng lựa chọn” trong việc nghiên cứu quá khứ. Trần Quốc Vượng lựa chọn thông tin mà ông muốn dùng, rồi phát triển các ý tưởng của mình từ những thông tin đó.
Phương pháp gì tốt hơn cần có để xem xét những vấn đề này? Trước hết, nhất thiết phải chứng minh rằng một truyền thống truyền miệng có thể được lưu truyền qua một khoảng thời gian 1500 năm trước khi nó được ghi chép lại. Chứng cứ như thế không tồn tại ở đồng bằng sông Hồng, vì vậy học giả phải tìm chứng cứ ở khác vùng khác trên thế giới cho thấy điều có thực sự có thể xảy ra, và rồi sử dụng các chứng cứ đó để nói rằng: “trong khi chúng ta không có chứng cứ gì ở đồng bằng sông Hồng cho thấy những “truyền thuyết” đó được truyền miệng trong 1500 năm trước khi nó được ghi chép lại trong văn bản, chúng ta biết rằng điều này đã xảy ra ở XXX, và vì vậy, về mặt lí thuyết có khả năng điều đó cũng đã xảy ra ở đồng bằng sông Hồng”.
Về 15 “bộ lạc”, các học giả Việt Nam hiện đại đã chỉ ra tầm quan trọng của khảo cổ học trong việc tìm hiểu quá khứ. Điều này xem ra là một vấn đề hoàn hảo để khảo cổ học lí giải. Các nhà khảo cổ học đã tìm ra 15 tổ hợp văn hoá khác nhau ở đồng bằng sông Hồng hay chưa? Họ đã tìm thấy những chứng cứ về 15 bái vật ở đồng bằng sông Hồng hay chưa?
Nếu có chứng cứ ở đâu đó trên thế giới cho thấy khả năng một truyền thuyết có thể được lưu truyền trong 1500 năm trước khi nó được ghi chép lại, và nếu có chứng cứ từ ghi chép khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng cho thấy có 15 nhóm người riêng biệt ở thiên niên kỉ đầu trước Công nguyên, thì chúng ta có thể lập luận dứt khoát rằng những “truyền thuyết” như truyền thuyết mà Trần Quốc Vượng xem xét trong tiểu luận này đã dựa trên sự thực lịch sử nào đó.
Tuy nhiên, đây không phải là cách Trần Quốc Vượng làm. Thay vào đó, ông dựa vào nhiều giả định – rằng có một quốc gia/dân tộc ở thiên niên kỉ đầu trước Công nguyên ở đồng bằng sông Hồng, rằng nó bao gồm 15 bộ lạc,… – và rồi ông tạo ra những ý tưởng của riêng mình để “chứng minh” rằng những ý tưởng được giả định đó là đúng.
Đây không phải là loại sử học có giá trị, bởi những ý tưởng mà Trần Quốc Vượng tạo ra không giải quyết bất kì vấn đề hiện tồn nào xung quanh các ý tưởng mà ông dựa vào. Ông đơn thuần lờ đi các vấn đề lịch sử đích thực, và rồi dựng nên các ý tưởng của mình.
Đây là bài tiểu luận tôi đang nhắc đến: Tu Truyen Thuyet, Ngu Ngon Den Lich Su
Nguồn bài đăng