22/06/2018, 09:25

Tony Blair – Thủ tướng trẻ nhất nước Anh hiện đại

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 19/4/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Blair (1953- ) giữ chức thủ tướng Anh tròn một thập niên, từ 1997 đến 2007. Ông chịu trách nhiệm chuyển khuynh hướng chính trị của Công Đảng từ thiên tả sang trung dung, và là người đầu ...

tblair-1996_desertislanddiscs_bbc

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 19/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Blair (1953- ) giữ chức thủ tướng Anh tròn một thập niên, từ 1997 đến 2007. Ông chịu trách nhiệm chuyển khuynh hướng chính trị của Công Đảng từ thiên tả sang trung dung, và là người đầu tiên dẫn dắt đảng này chiến thắng ba cuộc tổng tuyển cử liên tiếp.

Anthony Blair sinh ngày 6 tháng 5 năm 1953 tại Edinburgh. Ông trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, và đến năm 1983 được bầu làm thành viên nghị viện Công Đảng, đại diện cho Sedgefield. Blair sớm gia nhập vào nhóm những người ‘đổi mới’ trong đảng (bao gồm cả Gordon Brown và Peter Mandelson). Họ cố gắng làm cử tri cảm thấy hài lòng với Công Đảng hơn thông qua việc từ bỏ mối liên hệ với các công đoàn, với quá trình giải trừ hạt nhân đơn phương, quyền sở hữu tài sản công và thuế cao.

Năm 1994, sau cái chết đột ngột của lãnh tụ đảng John Smith, Blair trở thành người đứng đầu Công Đảng sau khi Gordon Brown không tham gia tranh cử để tránh việc chia rẽ các phiếu bầu ủng hộ đổi mới đảng. Blair nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo mà không có trở ngại nào, đặc biệt sự ủng hộ còn tăng lên sau chiến thắng tuyệt đối của Công Đảng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1997. Ông là thủ tướng trẻ nhất của Anh ở tuổi 43, kể từ thời thủ tướng Robert Jenkinson (còn được biết đến với tên gọi Lord Liverpool) đắc cử khi 42 tuổi (1812).

Blair nỗ lực thúc đẩy hình ảnh một nước Anh trẻ trung, hiện đại thông qua những biểu tượng như BritPop (nhạc pop và rock của Anh), BritArt (phong trào nghệ thuật hiện đại ở Anh), và công trình kiến trúc Mái vòm Thiên niên kỷ. Một số chính sách của ông thực sự cấp tiến, đặc biệt những cải cách hiến pháp đã đem lại một phương thức tự quản trị cho xứ Wales và Scotland. Tuy nhiên việc thực hiện cam kết cải cách dịch vụ công gặp nhiều khó khăn hơn, và sự lệ thuộc gây tranh cãi vào những sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân dường như không cải thiện được tình trạng giao thông, giáo dục và chăm sóc y tế như mong đợi.

Blair tái đắc cử thủ tướng năm 2001. Nhiệm kỳ thứ hai của ông gặp nhiều trở ngại hơn, bị chi phối bởi rạn nứt trong mối quan hệ với cựu đồng sự – Bộ trưởng tài chính Gordon Brown. Trong hai năm 2002-2003, bất chấp những quan ngại từ trong chính đảng của mình và dư luận, Blair đã tự đặt bản thân vào rủi ro cao khi ủng hộ ‘cuộc chiến chống khủng bố’ của chính quyền Mỹ. Ông tiếp tục tái đắc cử vào năm 2005, trở thành thủ tướng đầu tiên của Công Đảng nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp. Cùng năm đó, ông chủ trì hội nghị G8 ở Gleneagles và đặt trọng tâm vào hai nội dung: biến đổi khí hậu và Châu Phi – những vấn đề ngày càng trở nên ưu tiên đối với ông.

Blair từ chức vào tháng 6 năm 2007, nhường chỗ cho người kế nhiệm là thủ tướng Gordon Brown. Blair và các đồng sự đã thành công trong việc đưa Công Đảng trở lại cuộc đua bầu cử sau gần hai thập niên ở vị trí đảng đối lập. Đối với các nhà phê bình, để đạt được thành tựu này, Blair đã từ bỏ những nguyên tắc của đảng mình. Còn đối với những người ủng hộ ông, Blair là một người sẵn sàng hy sinh sự ủng hộ của quần chúng để tiến hành những chính sách mà ông cho là chính đáng (đáng kể nhất là cuộc chiến ở Iraq).

0