Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp không thể hòa giải?
Nguồn: “Why Turkey and Greece cannot reconcile”, The Economist , 14/12/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Hai nước không còn đối đầu nhau như trước đây, nhưng việc lập lại quan hệ hữu nghị thì dường như bất khả. Tuần vừa qua, ông Recep Tayyip ...
Nguồn: “Why Turkey and Greece cannot reconcile”, The Economist, 14/12/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hai nước không còn đối đầu nhau như trước đây, nhưng việc lập lại quan hệ hữu nghị thì dường như bất khả.
Tuần vừa qua, ông Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên bởi một tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp trong hơn sáu thập niên. Ông Erdogan đã đến thăm người đồng nhiệm phía Hy Lạp, tổng thống Prokopis Pavlopoulos; thủ tướng Alexis Tsipras; và các đại diện của cộng đồng Hồi giáo hùng mạnh gồm 130.000 người của quốc gia này tại Tây Thrace. Các thảo luận tập trung vào số lượng người di cư và tị nạn; một hiệp định đã tồn tại 94 năm xác định biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; và tiến trình hòa bình bị đình trệ ở đảo Síp, vốn bị chia rẽ giữa chính quyền thân Hy Lạp ở phía nam được công nhận bởi quốc tế và Cộng hòa Síp ly khai thân Thổ Nhĩ kỳ ở phía bắc, chỉ được công nhận bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm đã mang lại hy vọng cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng bị ngăn cách bởi biển Aegean, một đường biên giới đất liền dài 200 km, và một loạt những hiềm khích xưa cũ. Nhưng liệu đó có phải là một bước đột phá?
Không hẳn vậy. Trước hết, chuyến thăm của ông Erdogan đã không mang tính lịch sử như vẻ ngoài của nó. Vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gần nhất đến thăm Hy Lạp là vào năm 1952, năm mà cả hai nước cùng gia nhập NATO, một liên minh quân sự lớn của phương Tây. Các mối quan hệ sụp đổ ba năm sau đó khi một cuộc tàn sát diễn ra nhằm vào các doanh nghiệp và cư dân Hy Lạp trên khắp Istanbul, khiến người Hy Lạp phải tháo chạy khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Có thêm 50.000 người Hy Lạp đã bị buộc phải rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1964, sau những cuộc đụng độ giữa các cộng đồng ở Síp. Cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ vào hòn đảo bị tranh chấp một thập niên sau đó, các cuộc hỗn chiến liên tiếp giữa các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, và căng thẳng dọc các đường biên giới trên biển đã khiến cuộc chiến giữa hai đồng minh NATO luôn là một nguy cơ thực sự cho mãi đến những năm 1990.
Mọi thứ bắt đầu được cải thiện vào năm 1999 khi người Hy Lạp bày tỏ sự cảm thông và an ủi trong một trận động đất tàn khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đáp lại tương tự khi một trận động đất xảy ra ở Athens vài tuần sau đó. Một cuộc điều đình ngoại giao đã diễn ra. Kể từ đó, các thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã thường xuyên đến thăm Hy Lạp, và ngược lại. (Thực tế rằng các tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện các chuyến thăm như vậy không phải là điều quan trọng. Mãi cho đến khi ông Erdogan được bầu vào năm 2014, chức tổng thống vẫn chủ yếu mang tính hữu danh vô thực). Bản thân ông Erdogan cũng đã tới thăm Hy Lạp khi còn giữ cương vị thủ tướng vào năm 2004 và 2010.
Việc tăng cường quan hệ từ đó đã bị đình trệ. Các vi phạm về không phận gia tăng. Các cuộc đối đầu trên vùng biển Aegean tái diễn trong năm vừa qua khi các quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, theo sau là các vị đồng nhiệm Hy Lạp, đã đến thăm một vài đảo đá không có người ở (và đang bị tranh chấp) được gọi theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là đảo Kardak và theo tiếng Hy Lạp là Imia, nằm giữa khu vực bờ biển phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ và các đảo Dodecanese của Hy Lạp. Chính phủ Hy Lạp tiếp tục bác bỏ quyền của cộng đồng thiểu số người Hồi giáo trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ.
Hy vọng về một giải pháp cho xung đột tại Síp đã biến mất khi các cuộc đàm phán hòa bình nhiều hứa hẹn nhất trong hơn một thập niên đã kết thúc vào mùa hè mà không có một thỏa thuận nào được đưa ra. Nhiều người Hy Lạp đã chùn lại trước quy mô của cuộc đàn áp của ông Erdogan chống lại các đối thủ sau một âm mưu đảo chính vào năm 2016, cũng như những gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể muốn xem xét lại Hiệp ước Lausanne ký năm 1923, nền tảng của mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và các nước láng giềng khác. Điệp khúc của vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này trong chuyến thăm gần đây của ông tới Athens đã tạo ra một cuộc trao đổi căng thẳng với người đồng nhiệm Hy Lạp, khi ông Pavlopoulos loại trừ một cách dứt khoát bất kỳ sửa đổi nào đối với hiệp định này. Các vị chủ nhà trong chuyến thăm của ông Erdogan cũng đã gạt sang một bên yêu cầu dẫn độ tám binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã chạy trốn sang Hy Lạp sau cuộc đảo chính bất thành.
Tin tốt vào thời điểm này đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp không còn chực nhảy bổ vào nhau như trước nữa. (Thay vào đó, họ đang thảo luận về các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng khác). Tin xấu là thực tế sẽ không có chỗ cho các mối quan hệ được cải thiện khi ông Erdogan vẫn tiếp tục những luận điệu về yêu sách phục hồi lãnh thổ. Điều từng hứa hẹn sẽ là một sự xích lại gần nhau thực sự nay lại giống như một thời kỳ “hòa bình lạnh”, Dimitrios Triantaphyllou, một học giả người Hy Lạp làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. Điều tốt nhất có thể hy vọng là hai nước láng giềng sẽ tiếp tục trao đổi kinh tế và nói chuyện với nhau – và giữ cho sự khiêu khích ở mức thấp nhất.
Liệu Síp có thể được tái thống nhất không?