22/06/2018, 09:25

Tại sao Fed có thể làm cho tiền ‘biến mất’?

Nguồn: “Why America’s Federal Reserve might make money disappear”, The Economist , 17/4/2017. Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra tín hiệu rằng nó sẽ sớm giảm quy mô bảng cân đối kế toán. ...

Nguồn: “Why America’s Federal Reserve might make money disappear”, The Economist, 17/4/2017.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra tín hiệu rằng nó sẽ sớm giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

Trước khủng hoảng tài chính 2007-2008, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ các tài sản trị giá khoảng 850 tỷ USD. Ngày nay, bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này lớn gấp 5 lần, ở mức 4,5 nghìn tỷ. Nó đã tăng lên trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính khi Fed mua số lượng lớn trái phiếu chính phủ và chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp bằng cách sử dụng lượng tiền mới được tạo ra, phần lớn theo một chính sách được gọi là chính sách “nới lỏng định lượng” (quantitative easing – QE). Bây giờ Fed đang chuẩn bị bán một số tài sản, và rút về lượng tiền tương ứng. Tại sao và làm thế nào mà nó có thể làm được điều này?

Fed đã sử dụng QE để kích thích nền kinh tế sau khi đã chuyển lãi suất ngắn hạn, công cụ chính sách thông dụng của mình, xuống mức thấp nhất có thể (0%). Các cuộc tranh cãi dữ dội nổi lên xoay quanh vấn đề cách thức QE vận hành chính xác là như thế nào. Ben Bernanke, cựu chủ tịch Fed, đã có lần châm biếm rằng chính sách này “có hiệu quả trên thực tế nhưng không hiệu quả theo lý thuyết”. Nhưng rõ ràng là QE đã đẩy giá trái phiếu dài hạn lên cao. Điều này gây áp lực làm giảm lãi suất dài hạn (nhân tố vận động ngược chiều với giá trái phiếu). Tuy nhiên, Fed, đứng đầu lúc đó bởi Janet Yellen (trong ảnh), đang tăng lãi suất ngắn hạn nhằm kiểm soát lạm phát. Vì vậy, theo logic, nó cũng phải thu hẹp bảng cân đối kế toán nhằm đẩy lãi suất dài hạn lên cao.

Có nhiều cách khác nhau để thu hẹp bảng cân đối kế toán kế toán. Cách tiếp cận mạnh mẽ nhất là bán trái phiếu. Điều này sẽ làm hài lòng những người chỉ trích QE, những người tuyên bố rằng một bảng cân đối kế toán lớn sẽ làm méo mó thị trường tài chính. Tuy nhiên, không ai chắc chắn được những ảnh hưởng của việc gỡ bỏ chính sách QE sẽ ra sao, trong khi Fed muốn chính sách của mình có thể dự đoán được. Vì vậy, có nhiều khả năng bảng cân đối kế toán sẽ được “thu hẹp” dần dần, bằng cách ngưng tái đầu tư số tiền Fed nhận được khi trái phiếu đáo hạn vào các chứng khoán mới. Điều đó xảy ra liên tục. Ví dụ, 425 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính sẽ đáo hạn vào năm 2018 và 350 tỷ USD nữa sẽ đáo hạn vào năm 2019. Fed có thể ngưng tái đầu tư một phần trong số tiền này. Hoặc nó có thể chọn phương án đơn giản nhất, tức là ngưng tái đầu tư hoàn toàn.

Bảng cân đối kế toán sẽ thu hẹp lại bao nhiêu? Thanh khoản dồi dào giúp giữ cho hệ thống tài chính ổn định. Một số người cho rằng lợi ích này là quá lớn nên Fed không nên thu hẹp bảng cân đối kế toán, và thay vào đó nên tập trung vào việc nắm giữ danh mục tài sản phù hợp. Những lập luận này vẫn chưa giành được ưu thế. Trong bất kỳ trường hợp nào, bảng cân đối kế toán sẽ vẫn lớn hơn mức trước khủng hoảng tài chính, bởi vì nền kinh tế cần nhiều tiền hơn trước đây. Chẳng hạn, trước khủng hoảng, có hơn 800 tỷ USD trong lưu thông; hiện nay, con số này là hơn 1,5 nghìn tỷ USD. Tất cả số tiền đó xuất hiện như một khoản nợ trên bảng cân đối kế toán kế toán của Fed và do đó phải được đảm bảo bởi các tài sản. Vì vậy, mặc dù Fed có thể bắt đầu bãi bỏ dần chính sách QE, nó vẫn sẽ phải nắm giữ ít nhất một số loại chứng khoán đã mua.

Nới lỏng định lượng là gì?

0