Tại sao Nhật khơi dậy hoài niệm về Minh Trị Duy Tân?
Nguồn: “After 150 years, why does the Meiji restoration matter”, The Economist , 05/02/2018 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Vào tháng 1 năm 1868, một số samurai trẻ tuổi và những thương gia ủng hộ họ đã lật đổ chế độ Mạc Phủ Tokugawa của Nhật Bản cùng ...
Nguồn: “After 150 years, why does the Meiji restoration matter”, The Economist, 05/02/2018
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào tháng 1 năm 1868, một số samurai trẻ tuổi và những thương gia ủng hộ họ đã lật đổ chế độ Mạc Phủ Tokugawa của Nhật Bản cùng với bảy thế kỷ chế độ phong kiến. Cái gọi là Minh Trị Duy Tân đã mở đường cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh chóng mà ngay cả những cải cách gần đây của Trung Quốc cũng không thể sánh bằng. Phong trào này đã đưa Nhật Bản bước vào hàng ngũ các cường quốc lớn trên thế giới. Chính phủ của ông Shinzo Abe đang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện này. Đối với ngài thủ tướng, câu chuyện tự hào về Minh Trị Duy Tân là một bài học về cách mà mọi người nên đón nhận sự hiện đại và thay đổi, trong khi vẫn tôn trọng truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người Nhật không cảm thấy thoải mái với cách diễn giải này.
Trước khi các tàu chiến Mỹ xuất hiện vào năm 1853 tại Vịnh Edo và đòi quyền giao thương với Nhật, Nhật Bản đã có hơn hai thế kỷ bế quan tỏa cảng. Sự xuất hiện của các con tàu làm lộ rõ sự yếu kém không tương xứng của tầng lớp chiến binh samurai. Khi áp lực của phương Tây đòi các quyền giao thương và mở cửa các cảng tăng lên, các samurai trẻ tuổi đã cay đắng chỉ trích chính phủ vì đã thỏa hiệp. Những người hiếu chiến nhất đã bắt đầu âm mưu thay đổi. Khẩu hiệu mà họ đưa ra cùng với cuộc đảo chính là “Tôn vương, nhương di” (“Tôn kính hoàng đế, xua đuổi bọn man di”). Tôn vương nghĩa là họ ủng hộ truyền thống. Họ đã đưa dòng dõi hoàng tộc, những người đã tồn tại theo kiểu hữu danh vô thực hàng thế kỷ tại Kyoto, trở lại trung tâm của chính thể. Họ đưa vị hoàng đế 12 tuổi, Mutsuhito (trong hình, đang ngồi, chụp khi đã nhiều tuổi hơn), đến Edo, thành phố sau được họ đổi tên thành Tokyo, hay Đông Kinh. Mutsuhito đã chọn Minh Trị (“khai sáng”) làm niên hiệu cho triều đại của mình. Từ đó ra đời cái tên Minh Trị Duy Tân.
Đó thực sự là một cuộc cách mạng. Không đuổi nổi những người “man di”, các nhà lãnh đạo mới đã chấp nhận mọi thứ từ nước ngoài. “Hiến chương Tuyên thệ” vào tháng 4 năm 1868 đã chính thức chấm dứt chế độ phong kiến với tuyên bố rằng “kiến thức sẽ được tìm kiếm trên khắp thế giới”. Khoảng 50 quan chức đã lên đường đi thăm Mỹ và châu Âu để tìm hiểu về quản trị, thương mại, công nghiệp và quân sự. Khi trở về, và với sự trợ giúp của nước ngoài, họ đã đưa đất nước của mình vào cuộc đua để bắt kịp với phương Tây, xây dựng đường sắt và đường bộ, theo đuổi cải cách ruộng đất để phân phối lại tài sản phong kiến cũ, thiết lập một hệ thống giáo dục dựa trên mô hình phương Tây và xây dựng một quân đội hiện đại.
Năm 1889, hiến pháp Minh Trị, được mô phỏng theo hiến pháp nước Phổ, đã quy định về chính quyền đại diện lẫn sự tôn kính cho Thiên hoàng. Tất cả đều là những bước đi mạnh mẽ. Năm 1895, Nhật Bản làm bẽ mặt Trung Quốc, cường quốc có lịch sử lâu đời của Đông Á, trong một cuộc chiến ngắn ngủi để tranh giành ảnh hưởng ở Triều Tiên. Năm 1905, Nhật Bản làm điều tương tự với Nga. Trước đó, Nhật Bản đã sợ hãi trước việc nền độc lập của mình có thể bị chấm dứt bởi các cường quốc phương Tây. Theo lối nói của những người theo thuyết Darwin Xã hội vào thời bấy giờ, Nhật có nguy cơ bị biến thành món ăn trên bàn tiệc của các hoàng gia phương Tây. Sau Chiến tranh Nga-Nhật, kết cục Nhật Bản đã ngồi vào bữa tiệc quyền lực đó.
Tất cả những điều đó đã khiến Nhật Bản trở nên kiêu ngạo. Không có sự gián đoạn rõ ràng nào như đã từng có ở Đức với việc lên nắm quyền của Hitler giữa một Nhật Bản được khai sáng được xây dựng bởi các nhà cải cách Minh Trị và nước Nhật quân phiệt vốn bước vào một cuộc chiến tranh tổng lực vào năm 1937. Hạt giống của sự hung hăng và tàn bạo của Nhật đã được gieo từ việc tôn thờ Thiên hoàng và sự tôn vinh các lực lượng vũ trang vốn là những nhân tố thiết yếu của thế giới Minh Trị. Đây là vấn đề khó nói đối với những người, giống như ông Abe, vốn từ chối đối mặt với quá khứ chiến tranh. Nó có nguy cơ dẫn đến việc câu chuyện phục hưng quốc gia thời Minh Trị sẽ bị đem ra nghi ngờ. Và rồi còn lại gì để tự hào? Tốt hơn là hãy đánh bóng huyền thoại.
Một số người bảo thủ trong đảng của ông Abe thậm chí còn hoài niệm việc Hiến pháp Minh Trị đặt gia đình lên trên cá nhân, và đặt Thiên hoàng lên trên tất cả. Tuy nhiên, nhiều người Nhật Bản không nhận thấy có nhiều điều cần hoài niềm ở một thời kỳ khi mà phụ nữ và các nhóm khác phải đối mặt với sự đối xử khắc nghiệt.
Ông Abe là người nhìn xa trông rộng nhất trong số các Thủ tướng Nhật Bản gần đây, khi ông nhận thức sâu sắc về những thách thức của một dân số đang ngày càng giảm và một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Việc ông chật vật khơi dậy nỗi niềm hoài cổ thời kỳ Minh Trị cũng là vì mục đích đó của mình.