Tokugawa Ieyasu- Triết lý “tín nghĩa” và “nhẫn nại”
Nguyên tác của : Sakaiya Taichi Người dịch : Đặng Lương Mô Từ “con tin” trở thành “đại chúa tể” Nhân vật Tokugawa Ieyasu là một tồn tại quá ư nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, nên tài liệu ghi chép và giai thoại về ông nhiều vô kể. Song, một ...
Nguyên tác của : Sakaiya Taichi
Người dịch : Đặng Lương Mô
Từ “con tin” trở thành “đại chúa tể”
Nhân vật Tokugawa Ieyasu là một tồn tại quá ư nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, nên tài liệu ghi chép và giai thoại về ông nhiều vô kể. Song, một mặt vì ông đã được tô son điểm phấn bởi quá nhiều truyền thuyết và thần thoại, nên có một khoảng cách rất xa giữa cái “thực ảnh” và cái “hư ảnh” về ông.
Trước khi xem cái ảnh hưởng có tính cách đương đại của những truyền thuyết và thần thoại về Ieyasu, chúng ta hãy nhắc lại một cách hết sức vắn tắt cuộc đời ông căn cứ vào những sự thực lịch sử.
Ông sinh năm 1542, (niên hiệu Tenbun thứ 11), với ấu danh[1] là Matsudaira Takechiyo và mất năm 1616, (niên hiệu Genna thứ hai), hưởng thọ 75 tuổi. Nếu muốn đổi thành cảm giác tuổi tác của thời đại tuổi thọ 80 như ngày nay, thì người ta phải thêm vào tuổi thời chiến quốc hai phần mười rồi cộng với ba năm nữa. Thí dụ, thời chiến quốc tuổi 15 tương đương với tuổi 21, và tuổi 50 tương đương với tuổi 63. Ðiều đó có nghĩa là, với tuổi 75, Ieyasu đã thọ bằng 93 tuổi của thời nay.
Cha ông là Matsudaira Hirotada, làm tướng giữ thành Mikawa Okazaki trong vùng thuộc quyền cai quản của lãnh chúa Imagawa Yoshimoto. Mẹ ông là bà Odai no Kata. Lúc mất, bà được gọi tên Phật là Dentsu-in. Chùa thờ bà tên là Dentsu-in (Truyền Thông Viện) hiện còn thấy ở Koishikawa thuộc thành phố Tokyo. Cha bà là Tadamasa cũng là một lãnh chúa nhỏ. Như vậy, cha Ieyasu đã lấy người vợ có gia cảnh tương tự như mình.
Tuy nhiên, ông ngoại Ieyasu là Tadamasa đã mất năm 1551. Người anh mẹ Ieyasu là Nobumoto nối nghiệp, nhưng lại thần phục cha của chúa Nobunaga là Nobuhide. Họ Matsudaira thì thuộc phe Imagawa, cho nên hai bên trở thành cừu địch với nhau. Mẹ Ieyasu bị li dị. Lúc ấy Ieyasu mới lên ba tuổi. Từ đó đến năm 19 tuổi, ông không hề được gặp mặt mẹ nữa. Thoạt mới nghe chuyện như vậy thì thấy mủi lòng, song thật ra, cảnh chia lìa như vậy ở thời Chiến quốc không phải là hiếm. Con trai hàng trấn thủ thành trì bị như vậy là chuyện thường.
Lúc lên sáu tuổi, cậu bé Takechiyo rời thành Okazaki để đi làm con tin cho họ Imagawa, nhưng dọc đường cậu bị tướng thuộc hạ của Nobuhide, cha Nobunaga, bắt nộp cho thành Owari. Cậu trở thành con tin của họ Oda.
Hai năm sau, cậu được tám tuổi thì cha cậu là Hirotada mất. Lúc đó, cậu lại bị đem ra đổi tù binh để chuộc lại người con thứ tên là Nobuhiro (một người anh cùng cha khác mẹ của Nobunaga) của Oda Nobuhide đã bị họ Imagawa bắt. Thế là cậu lại trở thành con tin của họ Imagawa. Vì vậy, thời niên thiếu của cậu Takechiyo thường được coi là vô cùng gian khổ.
Trong khi sống ở thành Sunpu, đến tuổi trưởng thành (thời ấy là 15 tuổi), cậu bèn đổi tên là Motonobu, nhưng sau lại đổi là Motoyasu. Năm 1557, cậu kết hôn với con gái quan hình bộ thiếu phó Sekiguchi, cũng là người thuộc thế lực của họ Imagawa, nghĩa là, với thân thế của một tiểu lãnh chúa đang bị giữ làm con tin, cậu đã xin làm rể của phe Imagawa lớn mạnh. Người vợ này, sau này gọi là bà chúa Tsukiyama, trở thành vai chính của một tấn bi kịch.
Cơ hội thoát thân đã đến với Motoyasu là năm 1560, tức là khi Imagawa Yoshimoto bị thua Oda Nobunaga ở trận Okehazama[2]. Lúc ấy với tư cách tướng tiên phong cho Imagawa, Motoyasu đã bỏ luôn về thành Okazaki. Từ đó, Motoyasu đoạn tuyệt với họ Imagawa, rồi mon men tới làm thân và sau cùng thì làm đồng minh với Oda Nobunaga.
Năm 1563, Motoyasu đổi tên thành Ieyasu. Năm 1568, ông đã cấu kết với họ Takeda, cùng đánh chiếm đất của con trai Imagawa Yoshimoto tên là Ujizane, hẹn lấy sông Oikawa làm ranh giới chia cắt. Chỉ tám năm sau trận Okehazama, Ieyasu đã từ một tiểu lãnh chúa với vẻn vẹn 100 ngàn hộc, chiếm hai đất Mikawa và Toto’umi để nghiễm nhiên trở thành đại lãnh chúa có đất rộng 600 ngàn hộc.
Quan hệ đồng minh với Nobunaga, Ieyasu đã duy trì một cách trung thực suốt 25 năm, cho đến khi Nobunaga bị giết trong vụ Honnoji năm 1582. Thật là một quan hệ đồng minh hiếm có trong thời Chiến quốc. Phần lớn các võ tướng thời chiến quốc lúc liên minh với người này, lúc lại ngả sang người khác, lúc nào cũng thiên về phe có lợi cho mình. Họ luôn luôn dùng mưu mẹo, kế sách để thủ lợi riêng. Trong số những người đó, Ieyasu được coi là rất trung thực với Nobunaga. Ðiều này cũng chứng minh lòng tín nghĩa của Ieyasu nữa.
Năm 1568, Nobunaga vào được kinh đô[3], nhưng đồng thời lúc nào ông cũng có nhiều kẻ địch bao quanh. Trong khi đó thì Ieyasu là người duy nhất giữ niềm trung tín, hễ gọi tới là lúc nào cũng đưa quân đi yểm trợ. Thế rồi, khi Nobunaga nghi ngờ vợ ông, bà Tsukiyama, và con trưởng ông, Nobuyasu, là đã thông đồng với Takeda Katsuyori định làm phản, ông đã chém vợ và bắt con trai tự mổ bụng. Dầu có phải hi sinh vợ con đi, Ieyasu vẫn một lòng tin theo Nobunaga. Những người hâm mộ Ieyasu cho đây là chứng cớ của lòng trung tín của ông.
Sau vụ Honnoji, Nobunaga mất, thì lần này Hashiba Hideyoshi đã đánh thắng các trận Yamazaki, Iyashiga’oka, rồi thoán đoạt luôn cơ nghiệp của họ Oda. Tokugawa Ieyasu đã giao chiến với Hashiba Hideyoshi ở Komaki Nagakute và đã tỏ thực lực bằng cách không thua trận đó. Nhưng rút cục, ông cũng chịu thần phục Hideyoshi. Cho đến năm 1598 khi Hideyoshi mất, ông đã duy trì lòng trung tín với Hideyoshi 15 năm trường.
Thế nhưng, Hideyoshi vừa mất xong, là ông đổi thái độ, vi phạm di mệnh của Hideyoshi. Lúc đầu với Maeda Toshi’ie, sau với Ishida Mitsunari, ông đã lần lượt đối lập, rồi chừng 750 ngày sau khi chúa Hideyoshi mất, ông đã đánh thắng trận Sekigahara, và như thế trên thực tế, đã đoạt được thiên hạ.
Ba năm sau, năm 1603, ông thụ phong Chinh Di Ðại Tướng Quân, lập ra nhà mạc phủ Tokugawa. Nhưng chỉ hai năm sau đó, ông nhường chức cho con trai là Hidetada, về đóng ở thành Sunpu, với địa vị “đại chúa tể,” trông chừng thiên hạ..
Ieyasu nhường địa vị Ðại Tướng Quân cho Hidetada, chẳng phải là vì muốn thoái chức để dạy bảo con. Ông muốn chứng minh cho thiên hạ thấy rằng cái chức vị Ðại Tướng Quân này không phải là để truyền cho Hideyori, con của Hideyoshi, mà là của dòng họ Tokugawa. Ðưa ra người kế vị chức Ðại Tướng Quân từ dòng họ Tokugawa, chính là để tuyên bố với thiên hạ như vậy, để chứng tỏ cho thiên hạ thấy sự bất di bất dịch của quyền bá chủ đó vậy.
Thế rồi, năm 1615, ông đã tiêu diệt xong dòng họ Toyotomi bằng trận Ozaka mùa Hạ, và năm sau 1616, ông mất. Lý do tử vong là ăn đồ chiên quá nhiều. Chắc hẳn là bộ máy tiêu hóa đã suy nhược nên bị bội thực chăng.
Dựng thành Edo với chức năng thủ đô
Ieyasu đã để lại cho xã hội Nhật bản và người Nhật ngày nay những ảnh hưởng gì?
Thứ nhất, với tư cách một nhà chính trị, với tư cách mạc tướng, ông đã làm tròn hai vai trò vô cùng trọng yếu, là thống nhất thiên hạ và lập ra mạc phủ. Thứ hai, cá nhân ông, cá tính của ông đã làm thành mẫu mực cho lối sống của người Nhật Bản. Thứ ba, xã hội Nhật Bản đã được quy định bởi việc làm của nhà mạc phủ do ông lập ra. Với ba mặt như vậy, kể cả những hư cấu nhằm đưa ông lên hàng thần thánh, ông đã để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với xã hội Nhật Bản ngày nay.
Bằng cách nâng thủy tổ Tokugawa Ieyasu lên hàng thánh như gọi ông là “Ðông Chiếu thần quân (vua thần Ðông Chiếu)” hay “Ngài Quyền Hiện (hiện thân của Thần Phật)[4].” Mạc phủ Tokugawa đã không dứt tuyên truyền rằng, không những mỗi điều ông làm đều đúng hết, thậm chí bản thân ông cũng là con người có đạo đức tối cao. Ðương nhiên, người ta đã dựng nên nhiều thần thoại về ông, người ta đã mỹ hóa ông về mọi mặt. Rồi, nếu đã khẳng định mọi việc làm của Ieyasu, thì cũng phải tạo dựng nên cái luân lý quan, cái ý thức thẩm mỹ của ông. Nghĩa là, chỉ riêng sự tồn tại của Ieyasu thôi, cũng đã có ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa và nhân sinh quan của nước Nhật.
Với ý nghĩa trên, chính Tokugawa Ieyasu mới đáng là nhân vật trọng yếu nhất trong lịch sử Nhật Bản vậy.
Một điểm nữa không thể quên được trong những cái Tokugawa Ieyasu đã để lại ảnh hưởng cho Nhật Bản và cho người Nhật ngày nay, là việc ông đã xây dựng cơ sở cho thành phố Tokyo ngày nay.
Năm 1590, Tokugawa Ieyasu đã theo lệnh của Toyotomi Hideyoshi di chuyển tới vùng Kanto, lấy thành Edo làm thành gốc, để sau này lập ra mạc phủ ở đây. Ông đã phát triển thành Edo thành một nơi đại đô hội, đầy vẻ cá tính và sức tưởng tượng của chính ông.
Thật ra, hình như chính Hideyoshi đã bảo Ieyasu lấy thành Edo mà ở.
Thời đó trung tâm của vùng Kanto là thành Odagawa của năm đời họ Hậu Hojo. Thành quách lớn, phố xá sầm uất, xung quanh thành lại có hào sâu lũy cao bao bọc kín. Hideyoshi thật ra không muốn thấy Ieyasu ở một cái thành kiên cố như vậy.
Thêm nữa, ở vùng Kanto còn có Kamakura. Mặc dầu nhà mạc phủ Kamakura đã diệt 300 trăm rồi, nhưng đó vẫn là một nơi nhiều chùa chiền, lại có tượng Ðại Phật nữa. Ðường quốc lộ Kamakura hẳn lúc ấy vẫn còn. Ieyasu đã xưng là dòng dõi Genji (tức là họ Minamoto), nên nếu cho ông ở Kamakura thì như vậy là gợi ý quá mạnh chăng. Ðây là điều Hideyoshi lưu tâm cảnh giác.
Ðể tránh những lo âu trên, Hideyoshi đã lựa thành Edo ở trong vùng đồng lầy cho Ieyasu ở. Thời đó, Edo chỉ có một ngôi thành nhỏ do Ota Dokan (1432-1486) dựng mà thôi.
Ngày nay, Ota Dokan mới được biết tên là người đã khai sinh ra thành Edo. Nhưng nếu Ieyasu không lấy Edo làm thủ đô chính trị, thì Dokan cũng chỉ là một nhà thơ hạng xoàng. Dokan vốn cùng tuổi với Hojo So’un (võ tướng xuất gia, đóng ở thành Odagawa kể trên), song so với So’un, thì Dokan chỉ là một võ tướng tầm thường, con cháu cũng không thành đạt gì cả. Không những thế, cái thành Edo mà Dokan xây dựng, chỉ là một ngôi thành hết sức hèn mạt. Khi Toyotomi Hideyoshi đánh họ Hojo ở vùng Kanto, thì thành Edo này bị ông hạ đầu tiên trong những thành của đất Musashino.
Khi Hideyoshi bảo Ieyasu đóng ở thành Edo làm trấn thủ tám châu quận Kanto, thì không phải là ông có ý chơi hiểm. Thật ra, ông đã nhìn thấy ở vùng bình nguyên đang được bồi đắp này một tương lai hết sức hứa hẹn.
Nhưng, điều quan trọng nhất là khi thụ phong Chinh Di Ðại Tướng Quân để được mở ra mạc phủ, Tokugawa Ieyasu đã chọn đất Edo này làm căn cứ, rồi đã áp dụng chế độ phong kiến tập quyền ở trung ương, chứ không theo chế độ phong kiến phân quyền ra địa phương của mạc phủ Muromachi (1392 – 1573).
Ngoài ra, mạc phủ Tokugawa về sau đã áp dụng chế độ “luân phiên chầu hầu[5],” khiến cho các “phiên hầu[6]” phải sống một nửa đời mình ở thành Edo, vợ con thì phải ở hẳn trong thành Edo làm con tin. Nhờ vậy, Edo không những đã trở thành thủ đô hành chính, chính trị, mà còn hoàn thành chức năng của nơi trao đổi xã giao và thông tin, của trung tâm văn hóa nữa. Với ý nghĩa xây dựng một thành phố như vậy, Ieyasu cũng đã để lại ảnh hưởng lớn lao cho nước Nhật và người Nhật.
Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố (kế hoạch đô thị hóa) Edo thành thủ đô, thì không phải là việc làm đáng khen.
Khi Oda Nobunaga xây thành Azuchi, thì ngay từ đầu, ông đã chủ trương xây làm thủ đô chính trị, nên không nghĩ gì tới những thiết bị phòng thủ. Do những khai quật gần đây, người ta tìm thấy nhiều con đường thẳng tắp tới ngọ môn. Thành Ozaka của Hideyoshi cũng vậy, tất cả những đường lớn đều thẳng tắp, chạy suốt tới chân thành.
Nhưng khi Tokugawa Ieyasu xây thành Edo, ông sợ Hideyoshi tiến đánh, nên đã phải có những sắp đặt phòng ngự quân sự. Ông đã cho làm nhiều ngã tư gấp khúc rất khó đi. Nói khác đi, thành Edo đã được xây dựng để chiến đấu, bí hiểm về mặt tình báo. Vô hình chung, nó đã phản ánh cái ý hướng cầu ổn định và cái bản năng phòng vệ của ông.
Sau khi Edo đã trở thành căn cứ của mạc phủ Tokugawa, chúa Ieyasu mới cho lấp biển từ bờ Hibiya ra thành một thửa đất vuông mỗi chiều 4 km để làm một khu đô thị hóa vĩ đại. Người sau đã tiếp tục cải thiện, tô điểm thành đô thị Tokyo khổng lồ vậy.
Như đã kể, tính từ khi nhà mạc phủ Tokugawa được mở ra năm 1603, thì nay thành phố Tokyo đã được xấp xỉ 400 năm. Trong lịch sử Nhật Bản, nơi có chức năng thủ đô lâu đời nhất là Kinh thành Heian, với 398 năm. Thành Edo rồi thành phố Tokyo như vậy chắc chắn là nơi có chức năng thủ đô lâu đời nhất Nhật Bản. Với ý nghĩa là người đã xây dựng cơ sở cho một thành phố khổng lồ như Tokyo, đã để lại ảnh hưởng có tính cách quyết định về cấu tạo địa vực của Nhật Bản, thì Tokugawa Ieyasu cũng xứng đáng được kể là một người đã “lập ra nước Nhật” vậy.
Triết lý “tín nghĩa” và “nhẫn nại”
Sau khi trở thành Chinh Di Ðại Tướng Quân, những việc Tokugawa Ieyasu đã làm với tư cách một nhà chính trị, một nhà quân sự, đã lưu lại ảnh hưởng như thế nào đối với người Nhật ngày nay? Ta hãy xem những sự thực lịch sử, kể cả những chuyện đã được thần thánh hóa.
Ðiều thứ nhất là lời giáo huấn về thuật xử thế: “võ sĩ samurai (tức là người Nhật) hãy nên có tín nghĩa như Ieyasu.” Trong suốt 20 năm làm đồng minh với Oda Nobunaga, ông đã bị Nobunaga đòi hỏi đủ điều cắc cớ, song ông đã làm tròn phận sự một cách trung thực. Vì thế, ông được người đời đánh giá là con người rất có tín nghĩa. Con người ta, càng làm lớn càng phải có tín nghĩa, hay nói khác đi, có tín nghĩa thì có thể làm lớn được. Cái triết lý này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với người Nhật ngày nay. Sự kiện người làm công ở Nhật Bản rất coi trọng lòng trung thành với xí nghiệp cũng có quan hệ với điều đó. Nghĩa là, người làm công phải có tín nghĩa đối với xí nghiệp như là Ieyasu mới được.
Cái quan hệ với Nobunaga, nếu chỉ nhìn bề mặt, thì đúng là như vậy. Chẳng hạn, năm 1570 khi Nobunaga sắp đánh họ Asakura ở xứ Etsuzen, thì Ieyasu là người đầu tiên đã hưởng ứng lời kêu gọi ra quân.
Lúc đó, Ieyasu đang đóng ở thành Okazaki, thoạt đầu ông theo Nobunaga vào kinh đô. Nhưng, khi Nobunaga xuất phát đi đánh họ Asakura ở Etsuzen, thì chính Ieyasu đã làm điều nguy hiểm là xin đi tiên phong. Nhưng khi tiến quân tới Kanegasaki, thì bị Asai Nagamasa làm phản. Ông phải triệt thoái toàn quân và chính Ieyasu cũng suýt chết.
Thế nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau, ông lại bị Nobunaga gọi đi đánh họ Anekawa ở Omi. Quân của Nobunaga kéo đi là 29 ngàn người, trong khi quân của Ieyasu chỉ có 5 ngàn người. Thế nhưng, ông vẫn chiến đấu dũng cảm và đã đưa đến thắng lợi cho Nobunaga.
Trong thời gian những sự việc như vậy tiếp diễn, thì xẩy ra vụ con trai lớn là Nobuyasu và vợ cả là Tsukiyama, bị nghi ngờ đã thông đồng với họ Takeda, nên ông đã giết cả hai. Việc như vậy, thời đó cũng không phải là dễ làm (mặc dầu quyền sinh sát nằm trong tay ông). Thế mà ông vẫn phải làm, thì đủ hiểu đám gia thần dưới trướng ông muốn tỏ lòng trung thành với Nobunaga như thế nào.
Xét tình huống thời đó, sự việc chẳng phải đơn thuần là Ieyasu tâm phục Nobunaga, hay cũng chẳng phải là vì bản tính trọng tín nghĩa của Ieyasu. Ðúng ra, lý do thứ nhất chính là vì Ieyasu kinh sợ quân lực của Nobunaga. Bởi vì, dù cho có bị đồng minh thân tín yêu sách thế nào đi chăng nữa, thì việc giết vợ con ắt không phải vì lòng trung nghĩa được.
Nhìn vào sự thực lịch sử thì khoảng năm 1580 đó, phía tây lãnh địa của Ieyasu có lãnh địa của Nobunaga, phía đông có lãnh địa của Takeda Katsuyori. Lúc đó, cha Katsuyori là Takeda Shingen đã mất được năm năm, và trong trận đánh Nagashino thì Nobunaga đã đại thắng quân của Katsuyori. Khí thế quân Oda vượt trội hẳn Takeda. Vì thế, xét về mặt chính trị, cũng như về mặt thủ lợi, thì theo Nobunaga là phải.
Cái khôn ngoan của Ieyasu là ngay từ khi Takeda Shingen còn sống, ông đã nhìn thấy cái sức mạnh đáng sợ đang lên của Nobunaga. Cái đáng sợ của Nobunaga là gì? Ðó là áp lực của bộ đội lính đánh thuê mà Nobunaga đã xây dựng được bằng đường lối tách rời binh và nông ra (Chương IV).
Khác với quân nông binh của Takeda, binh của Nobunaga có thể đánh dai, đánh mãi vì họ là lính thuê bằng tiền. Lính nông dân có điều bất tiện là không thể ra trận trong thời kỳ gặt lúa hoặc thời kỳ cấy lúa được. Chứ lính đánh thuê thì ngay trong thời kỳ cấy lúa hay thời kỳ gặt lúa cũng đến đánh được. Cái đáng sợ này Ieyasu biết rất rõ. Vì thế, ông biết là nếu có được Shingen yểm trợ để chống lại Nobunaga, thì cũng không mong thắng được. Bởi vì, trong lúc quân Takeda làm ruộng thì ông bị Oda diệt vong rồi.
Ông cho rằng Nobunaga sẽ được thiên hạ. Vậy cứ bám lấy Nobunaga, nếu Nobunaga lớn mạnh, ông cũng lớn mạnh lên. Chính cái biết nhìn xa này đã khiến ông phục tùng Nobunaga vậy.
Với ý nghĩa trên, khi đánh giá Ieyasu ở địa vị chóp bu của họ Tokugawa, ông được coi là một nhà lãnh đạo có con mắt sáng suốt. Biết “thủ lợi” như vậy mới là bộ mặt thật của cái gọi là “lòng tín nghĩa của võ sĩ samurai.” Cái “tín nghĩa” mà người làm công hoặc chính trị gia ngày nay thường bày tỏ, phần lớn cũng chỉ là vì lợi ích cá nhân mà thôi. Cái mà xí nghiệp đòi hỏi ở người làm công, là nếu muốn thành đạt trong xí nghiệp, chớ có nhìn thụt lùi, mà hãy nhìn lên phía trước, làm việc đi. Ở điểm này quả nhiên Ieyasu đáng là gương mẫu vậy.
Ðiều thứ hai người ta thường nói rằng, Tokugawa Ieyasu là người đã chịu cực khổ rất nhiều. Như đã kể, ông đã bị bắt làm con tin từ lúc còn nhỏ. Làm con tin là ở thế vô cùng nguy hiểm, vì nếu thái độ ở quê nhà có gì thay đổi thì con tin có thể bị giết như chơi. Lên sáu tuổi, ông bị bắt làm con tin cho họ Oda, rồi lên tám, ông bị đổi tù binh sang làm con tin cho họ Imagawa. Tổng cộng trước sau, ông đã làm thân con tin trong suốt 10 năm trời. Lần đầu tiên lấy vợ cũng là ở vị thế con tin.
Quả thật là ông đã chịu cực khổ nhiều. Lại nữa, về sau này, ông phải thần phục Oda Nobunaga, phải giết cả vợ con đi, rồi sau khi Nobunaga chết, lại phải nhịn nhục mà thần phục Toyotomi Hideyoshi, một người xuất thân b tốt, bị Hideyoshi bắt đổi lãnh địa, bị gia thần đào ngũ. Thật là biết bao nhiêu cơ cực. Nghĩa là về mặt con người, ông được coi là người có lòng nhẫn nại kiên trì ghê gớm.
Không những vậy, với tư cách võ tướng, ông đã nhiều lần thua trận. Một trận thua tiêu biểu là trận Mihogahara. Ông đón đánh quân xâm lược của Takeda Shingen ở cánh đồng Mihogahara. Ðịa điểm này ở ngay gần thành Hamamatsu, tức là thành chính của Ieyasu lúc đó. Thua trận, ông bỏ chạy về thành Hamamatsu. May là Takeda Shingen vì vi vào kinh đô nên đã bỏ qua thành Hamamatsu nên ông thoát chết. Sau đó, Shingen mắc bệnh lao mà chết đi, nên ông thoát nạn mà giữ nguyên được địa vị lãnh chúa. Nghĩa là ông đã nhờ lòng nhẫn nại mà thoát nạn sau khi bị thua trận một cách nhục nhã.
Qua sự kiện trên, người ta có thể rút ra được lời giáo huấn thứ hai là con người ta không nên vì một hay hai lần thất bại mà chùn chí.
Nhưng nói cho cùng, thì các võ sĩ samurai thời Chiến quốc ai là chẳng phải chịu cực khổ ngần ấy. Nhẫn nại cũng chẳng phải là của riêng của Tokugawa Ieyasu. Oda Nobunaga đã ba lần bị thương trong chiến trận. Ishida Mitsunari hay Ukita Hide’ie cũng đã có lần bị thương tại chiến trường. Chứ Tokugawa Ieyasu thì không bị thương lần nào cả. Xem như thế, ta thấy Ieyasu quả là võ tướng có may mắn lắm vậy.
Việc phổ cập “Ý thức quan trên” và nền “trật tự phong kiến”
Ðiều quan trọng nhất là sau khi Hideyoshi mất đi, Tokugawa Ieyasu đã thắng trận Sekigahara và được thiên hạ. Như đã kể ở Chương V, trong trận đánh chia hai thiên hạ Sekigahara đó, Ieyasu đã thắng nhờ hoạt động chính trị khéo tạo ra được tình huống có lợi cho mình, hơn là nhờ binh lực. Rồi ba năm sau, ông đã lập ra mạc phủ. Trong khoảng thời gian này ông đã hành động chớp nhoáng, không để cho ai kịp bình luận phê phán gì cả. Cái đáng sợ của Tokugawa Ieyasu là ở chỗ “hoãn cấp tự tại,” nghĩa là “thong dong đấy,” mà lại “gấp rút đấy,” cái nào cũng làm theo ý mình được cả.
Trước ông, cũng đã có mạc phủ. Như đã kể ở Chương III, Minamoto Yoritomo đã lập ra nhà mạc phủ Kamakura và như thế đã xác lập được khái niệm mạc phủ. Yoritomo thụ phong Chinh Di Ðại Tướng Quân, rồi với tư cách Tổng tư lệnh Quân lực miền Ðông ông đã lôi cuốn võ sĩ samurai toàn quốc vào dưới trướng của ông để thống trị. Ông đã nắm lấy thực quyền bằng một cơ cấu bên ngoài cơ chế luật lệnh của nhà nước lúc đó. Cơ chế mạc phủ này đã được Ashikaga Taka’uji kế thừa mà lập ra nhà mạc phủ Muromachi.
Hai nhà mạc phủ vừa kể, Kamakura và Muromachi, chủ yếu là thống trị tầng lớp võ sĩ samurai, chứ với giai cấp quý tộc và đền chùa thì họ chỉ có quan hệ gián tiếp mà thôi. Thế nhưng mạc phủ Tokugawa thì thống trị mọi tầng lớp, mọi giai cấp. Triều đình ở kinh đô Kyoto vẫn có Dajo Daijin (tướng quốc), Sa Daijin (tả thừa tướng), U Daijin (hữu thừa tướng) và các quan chức khác nữa, nhưng tất cả cái cơ chế luật lệnh này, cho tới thời mạc phủ Tokugawa, đã trở thành còn tệ hơn một bộ xương khô, đã biến thành một tồn tại khôi hài.
Với mạc phủ Kamakura thì tuy chỉ là một phần thôi, nhưng những thế lực lấy triều đình làm trung tâm vẫn còn có ảnh hưởng chính trị. Mạc phủ chỉ quản lý giai cấp võ sĩ samurai toàn quốc, bởi vì tướng quân shogun là cột trụ của samurai. Trên thực tế mạc phủ Kamakura quả có uy lực trong hàng ngũ võ sĩ samurai. Chẳng hạn, pháp hoàng Go-Toba chỉ vì đã kháng cự lại mạc phủ mà đã bị đày ra đảo Oki.
Tuy nhiên, từ thời Heian, đất đai do giai cấp quý tộc cai quản thì khá rộng, đất đai của đền chùa cũng nhiều vô kể. Nói về diện tích thì quý tộc và đền chùa chiếm bốn phần mười toàn thể đất đai. Quyền thống trị của mạc phủ Kamakura không hẳn đã có ảnh hưởng tới nhũng vùng đất này. Hơn thế nữa, mạc phủ Kamakura chỉ được ba đời là do người của họ Minamoto làm chúa mà thôi, chứ sau đó đều là hàng công khanh của triều đình xuống làm chúa cả. Cho nên, thể chế mạc phủ lần lần suy đồi.
Ðến mạc phủ Ashikaga, với hình thức tiếm đoạt mạc phủ Kamakura, thì quyền thống suất lại càng yếu kém hơn. Sau một thời loạn ly dài, đất đai của hàng công khanh đã bị giảm đi nhiều. Trong khi đó, đất đai của võ sĩ samurai tăng rộng ra. Ðược sự yểm hộ của các võ sĩ địa phương, mạc phủ Ashikaga đã thắng, nên chúa Ashikaga Taka’uji đã chọn những võ tướng chủ chốt phong cho làm thái thú, quận thú, trấn thủ các địa phương. Nói khác đi, mạc phủ Ashikaga là một chính quyền liên bang gồm có các thái thú, quận thú. Như thế nghĩa là từ khoảng nửa sau của thế kỷ thứ XV thì quyền uy của mạc chúa đã yếu đi nhiều, không còn có thực lực như trước nữa.
Nhưng, mạc phủ Tokugawa đã thống trị toàn quốc bằng một chế độ quan liêu hết sức tinh vi. Ðường lối phân ly tôn giáo khỏi chính trị do Oda Nobunaga khởi đầu, đã được triệt để áp dụng bằng cách giảm bớt đất đai của đền chùa đi, đồng thời bắt mọi người phải đăng ký thành phần tôn giáo hàng năm, nghĩa là xếp đặt chùa chiền vào trong cơ cấu hành chính. Trong thời mạc phủ Tokugawa, thì ngay ông từ giữ đền Thần đạo cũng phải đăng ký làm tín đồ Phật giáo, và khi chết cũng phải làm ma chay ở chùa.
Triều đình trở nên nghèo nàn đến cực độ, quyền thế của hàng công khanh bị mất hẳn. Nhật hoàng (Thiên hoàng) và công khanh chỉ còn là những nhân viên điển lễ.
Ở đây, người ta thấy xuất hiện cái “ý thức quan trên” của người Nhật ngày nay. Ðây mới là cái ảnh hưởng lớn nhất mà mạc phủ Tokugawa đã tạo ra. Chính Tokugawa Ieyasu là người đã nhắm tới mục tiêu đó. Không phải là Ieyasu đã từ trên ngựa chiếm được thiên hạ, rồi con cháu đời sau lo việc giữ thành. Chính Ieyasu đã có cái nhìn xa, đã có ý nghĩ sâu xa về cơ chế cơ bản và đường hướng phát triển tương lai.
Từ sớm, Tokugawa Ieyasu đã dương khẩu hiệu “Yếm ly uế thổ, hân cầu tịnh độ,” nghĩa là “Hãy ghét bỏ và lánh xa cõi đời ô uế này. Hãy hân hoan đi tìm một thế giới trong lành.” Cái ý nghĩa thực của khẩu hiệu này là gì? Cái gì gọi là “cõi đời ô uế”, và cái gì là “thế giới trong lành.” Cái gọi là “cõi đời ô uế” chính là cõi đời “hạ khắc thượng,” cõi đời tự do cạnh tranh.
Thật vậy, thời đại chiến quốc Nhật là cõi đời “hạ khắc thượng.” Nếu có một kẻ xuất thân hèn hạ như Hideyoshi đã được thiên hạ, thì ngược lại có biết bao nhiêu lãnh chúa bị mai một đi. Nếu có hạng gia thần giết chủ chiếm đoạt lấy cơ đồ, thì ngược lại cũng có biết bao gia thần bị chủ giết bỏ hoặc đầy ải. Tóm lại, đó là cõi đời cạnh tranh tự do. Dưới con mắt của Ieyasu, đây là “cõi đời ô uế.”
Thế rồi, cái “thế giới trong lành” mà Ieyasu cầu tìm là một xã hội có trật tự hẳn hoi, có trên có dưới. Thứ bậc phải rõ rệt, lễ nghi phép tắc phải đâu ra đó, gia đình thì trưởng ấu, già trẻ trên dưới phải phân minh, mọi sự cái gì cũng phải ổn định. Ðó mới là cái chính nghĩa lớn, cái đại nghĩa mà ông truy cầu.
Tokugawa Ieyasu, từ sớm đã nêu cao khẩu hiệu “Yếm ly uế thổ, hân cầu tịnh độ” với ý nghĩa như trên, nên đã thực hiện khẩu hiệu đó bằng thể chế Mạc Phiên Tokugawa[7].
Ieyasu chỉ làm chúa hai năm, rồi nhường ngôi chúa cho con trai là Hidetada. Nhưng sau đó, ông đóng vai “đại chúa tể,” đóng ở thành Sunpu mà hành sử thực quyền. Nói theo kiểu ngày nay, thì vai trò “đại chúa tể” này giống như địa vị Chủ tịch sáng lập Công ty, và con trai tuy làm Tổng Giám đốc Công ty, nhưng quyền hạn bị hạn chế đến nỗi ngay cả những nghị quyết của hội đồng quản trị cũng nhiều khi bị vị Chủ tịch sáng lập phủ quyết.
Trong lúc vừa thi thố ảnh hưởng của mình như vậy, Ieyasu đã lần lượt xây dựng cái trật tự phong kiến của ông. Cả quý tộc công khanh lẫn đền chùa, cũng đều bị đặt vào trong vòng trật tự này. Mặc dầu quan chức gọi là quan Chấp chính đền chùa đã chỉ xuất hiện sau khi Ieyasu qua đời, song trong lúc sinh thời ông đã chế định những luật lệnh áp dụng cho võ sĩ samurai, gọi là “Mười ba điều cấm kỵ đối với nhà võ” và áp dụng cho công khanh gọi là “Những điều ngăn cấm trong cung cấm và đối với công khanh.” Như vậy là thống trị toàn quốc không sót ai cả. Hai bộ luật lệnh này nội dung hơi khác nhau, và ngày nay thì chúng không đáng gọi là luật pháp mà chỉ tương tự như luật đạo đức hay nội quy công chức.
Ðồng thời, chế độ “luân phiên chầu hầu” bắt đầu, dần dần biến đổi xã hội thành tổ chức phong kiến kiểu tập quyền trung ương, nghĩa là mọi quyền hành đều do trung ương thâu tóm.
Trên khắp thế giới, ở đâu cũng vậy, xã hội phong kiến là xã hội địa phương phân quyền. Chỉ duy ở Nhật Bản thời đại Tokugawa này mới có xã hội phong kiến kiểu tập quyền trung ương. Phiên hầu (chư hầu) trên toàn quốc hàng năm cứ phải hoặc đi hoặc về giữa thành Edo và phiên địa. Vợ con phải để làm con tin ở thành Edo. Võ sĩ samurai gia thần của các chư hầu cũng phải chia ra một số không ít đóng ở thành Edo trong thời gian phiên chúa ở đó. Trong khoảng những năm hậu bán của thời đại mạc phủ Tokugawa, chi phí cho dinh thự ở thành Edo của mỗi phiên hầu là khoảng từ ba mươi tới bốn mươi phần trăm của tổng thu nhập đối với phiên hầu lớn, hoặc khoảng năm mươi phần trăm đối với phiên hầu nhỏ. Xem như vậy đủ biết ngân sách dùng cho dinh thự ở thành Edo của các phiên hầu là phần chi tiêu lớn nhất của họ. Ðiều này cho thấy thể chế tập quyền trung ương này mãnh liệt như thế nào, sự tiêu xài ăn chơi xã giao ở thành Edo thời đó xa xỉ như thế nào. Võ sĩ samurai thời Edo đều lấy sự tiết kiệm làm đức hạnh, song chỉ riêng giao tế phí ở thành Edo thì hình như đã là ngoại lệ. Nói cách khác sự “tiêu xài vì xí nghiệp” hình như đã được rộng lượng bỏ qua.
Nhờ có chế độ “luân phiên chầu hầu,” các phiên hầu và gia thần của họ đã mang về phiên bang đủ loại văn vật. Từ ngôn ngữ tiêu chuẩn của Edo được truyền bá ra khắp nước, mọi thông tin được trao đổi, những nghệ thuật đặc trưng của Nhật Bản như Kabuki (tương tự như Hát Bội) và No (kịch mặt nạ), cờ vây, cờ tướng, v.v., đã lan tràn ra khắp nơi. Cả nước đã trở thành một vùng văn hóa chung. Toàn nước Nhật đã trở thành một xã hội đồng chất.
Thêm nữa, cái thói quen “học thủ đô” đã hình thành, làm cho quyền uy của chính phủ trung ương càng được nâng cao. Vốn yêu chế độ giai cấp, Ieyasu còn thành công trong việc phân đẳng cấp của đô thị, của địa vực nữa. Trong thể chế tập quyền trung ương của thời đại Edo, thì cao sang nhất là võ sĩ samurai gia thần của mạc phủ, sau đó mới đến samurai gia thần của các phiên hầu địa phương. Nói khác đi, công chức trung ương được địa vị ưu việt, còn công chức địa phương thì phải chịu đặt dưới sự chỉ huy giám thị của công chức trung ương. Sự việc này đã có ảnh hưởng không ít tới tình trạng hiện tại của Nhật Bản.
Tiêu chuẩn đánh giá nhân tính của Ieyasu
Một ảnh hưởng nữa của Tokugawa Ieyasu là chính ông đã trở thành mẫu mực để đánh giá nhân tính. Nếu có ai bảo Ieyasu, con người thành công nhất Nhật Bản, hiện thân của chính nghĩa, có tính nọ tính kia, thì cái tính đó phải được coi là tấm gương chung cho mọi người Nhật.
Vậy thì, Tokugawa Ieyasu có đức tính nào? Những đức tính nào ông đã được người đời gán cho rồi truyền tụng? Trước nhất, người ta nói rằng ông có tính “chịu đựng.” Người ta coi Ieyasu là người đã “chịu đựng” nhiều trong suốt cuộc đời. Sau đó, có quan hệ với đức tính “chịu đựng” là “nhẫn nại” và “tiết kiệm.” Ðó là nhân tính của Ieyasu, những đức tính đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mọi người. Trên thực tế, hình như chính Ieyasu cũng luôn miệng nói tới tính “nhẫn nại” và tính “tiết kiệm.”
Sau khi chết, Ieyasu được thờ ở đền Nikko làm thần “Ðông Chiếu thần quân (vua thần Ðông Chiếu).” Trong lời “di huấn của đền Ðông Chiếu” có câu như sau: “Ðời người ta tựa hồ như vác nặng đi đường xa. Cho nên chớ có hấp tấp vội vàng.” Câu này thường được kể lại là câu nói của Ieyasu, nhưng theo những nghiên cứu gần đây, thì tác giả câu này lại là Mito (Tokugawa) Mitsukuni (Mito Komon)[8]. Toàn thể bản di huấn này là ngụy tác, tức là không phải do Ieyasu làm ra, mà phần lớn đã được viết ra sau khi Ieyasu đã mất đi gần hai chục năm rồi. Tuy nhiên, đọc câu trên, người ta thấy đó dường như chính là lời Ieysau, bởi vì nó đúng với hình ảnh ông.
Nhắc đến ông, người đời thường bảo nhau rằng: “Luôn luôn chịu đựng, nhẫn nại và cần kiệm, Ieyasu quả là đáng phục. Ta nên bắt chước vua thần Ðông Chiếu mà chịu đựng, mà tiết kiệm. Phải biết sống trong sự chịu đựng kiên trì.”
Ðúng ra thì Ieyasu sống như thế nào? Lúc còn nhỏ, mẹ ông bị li dị, ông bị đưa đi làm con tin cho họ Oda, rồi họ Imagawa. Như vậy thời thơ ấu ông quả thật phải sống trong sự chịu đựng, trong sự nhẫn nại. Thế nhưng, kể từ sau trận Okehazama mà Imagawa Yoshimoto bị tử trận, rồi nhờ quan hệ đồng minh với họ Oda, nên tuy có nhiều lúc cơ cực thật, song mỗi năm, mỗi năm, cơ nghiệp của ông đều lớn mạnh hơn lên. Như thế thì dù có bị lao khổ, nhưng cuộc sống hẳn là rất đáng phấn khởi.
Ngày nay cũng vậy, một ông chủ sáng lập ra xí nghiệp, mà mỗi ngày mỗi thấy xí nghiệp mình phát triển, số thu tăng lên, lợi nhuận nhiều lên, nhân viên đông thêm, bản thân ông chủ cũng mỗi ngày mỗi được nhiều người biết đến hơn, thì ông chủ hẳn phải vui sướng lắm chứ cho dù công ty Tokugawa chỉ là công ty con, chỉ sống bằng đơn đặt hàng của công ty mẹ Oda đi chăng nữa, nhưng với tình trạng làm ăn phát đạt như vậy, dù cho chủ tịch công ty mẹ có đáng khiếp sợ đến đâu, thì điều đó cũng không phải là không thể chịu đựng nổi.
Nhưng vấn đề là ông chủ tịch công ty mẹ Oda Nobunaga lại khác hẳn ông cả về luân lý quan lẫn về ý thức thẩm mỹ. Người kia thì độc tài, có nhiều sáng kiến, đồng thời khích lệ việc “hạ khắc thượng,” điều bị Ieyasu ghét. Do đó, Ieyasu bị Nobunaga nghi ngờ. Rốt cuộc, ông bị bảo rằng: “Nếu muốn được công ty tao đặt hàng, thì mày phải đuổi cổ thằng con trai gai mắt của mày ra ngoại quốc đi.” Thời đó, bắt mổ bụng chỉ tương đương với sự chế tài “cách chức và đuổi đi” của ngày nay mà thôi.
Mặc dầu vậy, phải đuổi cổ đứa con cưng nối dõi tông đường đi, thì với bậc cha mẹ ngày nay quả là điều quá quắt lắm. Với Ieyasu điều đó hẳn cũng là điều đau khổ.
Sau đó, Oda Nobunaga chết trong vụ Honnoji, và sự tranh giành chức chủ tịch công ty đã diễn ra. Là chủ tịch công ty phụ thuộc có thế lực, Ieyasu rất muốn chiếm lấy địa vị chủ tịch công ty mẹ. Thế nhưng, một quản trị viên xuất thân hèn mạt là Hideyoshi, đã khéo tay cuỗm mất cái địa vị ấy. Hideyoshi trở thành chủ nhân và Ieyasu lại phải phục tùng. Một kẻ ngang bướng tham quyền như Ieyasu hẳn phải lấy sự thể này làm điều đau khổ hơn chúng ta tưởng. Tệ hơn nữa là địch thủ của ông lại chỉ là một tên vô học, chó ngáp phải ruồi, thích hoa hòe hoa sói.
Mặc dầu vậy, ông cũng chẳng vì thế mà than khóc làm gì. Bởi chính ông cũng đã lớn mạnh lên vì đã chiếm được hai châu quận Koshu và Shinshu (nay là tỉnh Yamanashi và tỉnh Nagano) của họ Oda.
Xem như vậy thì cái “chịu đựng” của Ieyasu đã được thổi phồng quá đáng. Nhất là kể từ khi đã bắt đầu thời đại Tokugawa rồi, thì cái “chịu đựng” của Ieyasu đã có phần được ngụy tạo để tuyên truyền cho mỗi người “hãy chịu đựng tuân theo cái trật tự phong kiến” của mạc phủ.
“Tiết kiệm” cũng vậy.
Người ta truyền tụng rằng Ieyasu là người rất tiết kiệm. Một ví dụ là ông đã bắt các nàng hầu yêu mặc đồ vải bông. Thời Edo, những người khá giả thường mặc đồ lụa cho nên sự việc ông cho các nàng hầu mặc đồ vải này được coi như biểu hiện cho tính tiết kiệm của ông.
Thực ra, thời Ieyasu thì hàng vải bông còn hiếm và có khi đắt hơn hàng lụa. Chỉ từ sau trận Sekigahara, mới thấy xuất hiện vải bông Kawachi, vải bông Yamato, vải bông Mikawa nghĩa là có thêm nhiều vùng sản xuất vải bông. Giá cả vải bông nhờ thế đã giảm đi nhiều, chứ trước đó thì đắt vô cùng. Vì thế, mặc hàng vải bông là đúng mốt thời trang, chứ chẳng phải là tiết kiệm. Chỉ có điều khác với Hideyoshi, là Ieyasu không ưa thích văn hóa lòe loẹt.
Toyotomi Hideyoshi là người rất ham chơi trội, muốn làm nổi đình đám. Ở đời, những kẻ không có gia thế, không có học thức thì thường lại hay phô trương sự giầu có bằng cách đeo vàng ngọc đầy người, cưỡi xe ôtô thể thao chạy nhông nhông. Hideyoshi cũng là người thích khoe của. Ðúng ra, việc làm của Hideyoshi lúc đó là đối sách kích thích thị trường, đối sách thúc đẩy sự tiêu dùng trong nước. Hideyoshi cho xây thành Ozaka, rồi thành Fushimi chẳng phải là vì ưa thích việc thổ mộc hay vì cái thú xa hoa của ông, mà chính là vì ông muốn tạo ra nhu cầu xây dựng công cộng. Thế nhưng, mầu sắc và kiểu dáng của những kiến trúc đó thì đã mang nặng cái tính ưa phô trương của Hideyoshi.
Ieyasu thì không có tính phô trương, cũng không ưa thích hào nháng. Nhưng hỏi ông có phải là con người tiết kiệm không, thì chưa chắc ông đã là người như vậy. Duy có điều ông thích sống ở thôn quê hơn là ở thành thị, nên ý thích về màu sắc và hình dáng thì không lòe loẹt cầu kỳ. Ðó có lẽ là điều mà hậu thế đã diễn đạt ra thành đức tính “nhẫn nại” và “tiết kiệm” của đức vua thần Ðông Chiếu chăng. Thế rồi cái đó đã trở thành một ý thức thẩm mỹ của người Nhật: từ lâu rồi, sống thanh đạm nén lòng không phô trương đã được coi là đức hạnh.
Một điểm nữa về hình ảnh nhân cách của Ieyasu, là “tàn nhẫn phi nhân.” Nhất là ông đã tru diệt biết bao nhiêu lãnh chúa đã từng về phe với ông trong trận đánh Sekigahara. Ví dụ tướng Fukushima Masanori đã làm tiên phong cho ông trong trận đánh Sekigahara, lập được công đầu, thoạt tiên được ông phong cho làm lãnh chúa đất Aki Hiroshima 490 ngàn hộc, nhưng chẳng bao lâu, đã bị ông chèn ép đến nỗi bị giam lỏng rồi chết bệnh, con cháu bị đuổi xuống làm thứ dân. Dòng họ Kato Kiyomasa cũng vậy, khi phiên chủ Kiyomasa chết bệnh rồi, thì con cháu cũng bị tước mất lãnh địa. Họ Kato Yoshiaki, họ Mogami Yoshimitsu cũng bị tru diệt một cách tương tự.
Cái ấn tượng tàn nhẫn phi nhân nhất về Ieyasu là, mặc dầu đã nhiều lần nhận lời phó thác con côi của Hideyoshi, đã hứa sẽ phò con Hideyoshi là Hideyori lên làm chúa thiên hạ, nhưng rồi chính ông đã giết đi. Không những ông đã giết Hideyori và mẹ là bà chúa Yodo, mà còn tru diệt luôn cả đứa con thơ vô tội của Hideyori nữa.
Không những Ieyasu có hình ảnh là con người tàn nhẫn phi nhân, mà còn bị coi là ông già giả vờ.
Vì thế, ở Nhật Bản, người ta quan niệm rằng làm chính trị gia thì phải đóng vai ông già giả vờ, nắm quyền lực trong tay thì phải tàn nhẫn phi nhân. Ðây là những điều mà Ieyasu đã lưu lại ảnh hưởng quan trọng cho người Nhật ngày nay.
Từ “xu hướng tăng trưởng” sang “xu hướng ổn định”
Tại sao một người đã được tôn thờ là “vua thần Ðông Chiếu” như Tokugawa Ieyasu, mà còn bị gán cho cái hình ảnh xấu xa là “tàn nhẫn phi nhân?” Ðây là kết quả của một cuộc tuyên truyền xấu từ cuộc Duy tân Minh Trị bởi chính quyền Satsuma, tức là phe đã lật đổ mạc phủ Tokugawa, cùng giới thương gia và văn nhân Osaka. Trong thời kỳ thịnh vượng của mạc phủ Tokugawa thì họ chẳng dám hé môi nói ra như vậy.
Thế nhưng, cái mầm gây ra sự tuyên truyền xấu như vậy quả thật đã có ở nhân cách của Ieyasu và đường lối chính trị của ông, bởi khi cướp đoạt chính quyền từ tay họ Toyotomi thì ông cần phải làm như vậy. Cái đó cũng tựa hồ như thời kỳ phản động lực trầm trọng của nền kinh tế Nhật Bản thời Heisei[9], khi bong bóng thịnh vượng đã nổ vỡ ở cuối thời kỳ tăng trưởng cao độ.
Nhật Bản của thời Heisei đã thấy bong bóng thịnh vượng nổ vỡ, và nền kinh tế đã đổi từ sự tăng trưởng theo đường dốc đi lên, sang hình dạng đường dốc từ từ hạ thấp xuống. Cho đến lúc đó, người Nhật luôn luôn hướng tới sự tăng trưởng. Mỗi năm đều có tăng lương, có tiền thưởng nhiều hơn. Tùy theo thâm niên, chức vị từ từ được thăng cao, người làm dưới quyền mỗi ngày một đông hơn. Giá đất đai mỗi ngày một lên cao, cho nên bỏ tiền ra đầu tư thì hơn. Ở sở thì bầu không khí là nên làm việc hăng say, và ai ai cũng say sưa hướng tới sự tăng trưởng.
Trong họ Oda và họ Toyotomi, người ta còn có ý thức tăng trưởng mạnh hơn cả các xí nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ. Kẻ vương bá của thời Chiến quốc là tổ chức tăng trưởng khủng khiếp, mỗi thành phần của tổ chức ai ai cũng sôi sục lên vì sự ham muốn tăng trưởng. Thế nhưng, sau khi thống nhất toàn quốc rồi, thì lãnh địa của võ sĩ không tăng thêm nữa. Nếu không chặn cái ý hướng tăng trưởng lại thì không sao đối phó được với thời đại “tổng số zero[10].” Nói khác đi, tổ chức chư hầu toàn quốc cần phải được “tái cấu trúc” (re-structuring) và “tái thiết kế” (re-engineering). Muốn làm được như vậy, con người ta cần phải đổi cách suy nghĩ, phải làm cuộc cải cách tư tưởng, từ “xu hướng tăng trưởng” sang “xu hướng ổn định.” Ðể thực hiện cuộc cải cách tư tưởng như vậy, Tokugawa Ieyasu đã tru diệt những võ sĩ hăng máu, những phiên hầu có ý chí tăng trưởng mạnh.
Ðứng đầu đám phiên hầu ham tăng trưởng là những người đã cùng tranh đoạt thiên hạ dưới cờ của Hideyoshi, tức là bọn Kato Kiyomasa, Ishida Mitsunari, Fukuda Masanori. Bọn này không phải chỉ chính họ ham lập chiến công trong một trận đánh khác để có cơ hội tăng trưởng hơn nữa, mà ngay đám thuộc hạ của họ cũng đều là những người ham danh lợi như vậy cả. Cả tổ chức là loại hình đầu tư quá mức, nhân viên dư thừa. Mỗi thuộc hạ cũng lại ôm đồm thêm một mớ thuộc hạ dư thừa nữa, để mong có thời cơ lập công danh. Nói theo kiểu xí nghiệp ngày nay thì không những công ty mẹ, mà cả các công ty con lẫn các nhà hàng đại lý đều hướng tới tăng trưởng, đều đầu tư quá mức cả.
Hideyoshi là người có lòng nhân, cho nên ông không đang tâm cách chức những người đã làm việc cho ông. Ở thời Chiến quốc, thì cách chức tức là bắt mổ bụng, tước đoạt lãnh địa, tru diệt gia tộc. Nếu không cách chức, thì phải triển khai thêm doanh nghiệp để duy trì công ăn việc làm. Vì thế, ông đã phải mở cuộc xâm lăng Triều Tiên và đã bị thất bại nặng nề.
Trong tình huống ấy, Ieyasu sau khi nắm được thiên hạ mới thấy cần phải trấn áp cái ý chí tăng trưởng. Muốn vậy, không gì hơn là chính ông phải chỉ bảo cho họ hiểu rằng “Bây giờ không còn là lúc hướng tới tăng trưởng nữa. Phải biết cam phận chịu đựng với thu nhập hiện tại;” rằng “Mỗi năm thu nhập có giảm đi cũng đành chịu. Hãy tiết kiệm mà vượt qua;” rằng “Mỗi xí nghiệp hãy cắt giảm nhân viên dư thừa đi.” Nhưng nếu chỉ nói miệng thì chẳng khác gì công tác “cải cách hành chính” của chính phủ, hay việc làm “tái cấu trúc” của xí nghiệp ngày nay, khó lòng thực thi được. Vì thế, ông đã phải dùng phương pháp “trị liệu sốc,” tức là chữa bệnh mạnh tay, để làm cho mỗi người khiếp sợ. Muốn vậy, chỉ cần tru diệt vài tổ chức ưu tú có chí hướng tăng trưởng là xong. Nghĩa là mặc dầu không có chỗ nào tỏ ra bất trung bất tín cả, song chỉ vì có chí hướng ham tăng trưởng nên đã bị ông tru diệt mà thôi.
Sau trận Sekigahara, trong bọn đã chống lại ông thì Ishida Mitsunari và Ukita Hide’ie đã bị tiêu diệt rồi, còn Mori và Uesugi thì đã đầu hàng và được tha tội rồi. Nay dẫu có tru diệt bọn này đi, thì người đời cũng không kinh đởm. Ngược lại, người ta sẽ đàm tiếu rằng ” Ấy chẳng qua là báo thù trận Sekigahara.” Nhưng nếu tru diệt ngay bọn phiên hầu trung tín không có chỗ nào chê trách được, như Fukuda Masanori, Kato Kiyomasa, Mogami Yoshimitsu, thì hẳn mỗi người sẽ tự hỏi, rồi sẽ hiểu rằng “Những người đó bị tru diệt vì họ có ý chí tăng trưởng.” Như vậy thì hẳn sẽ sinh ra trong xã hội võ sĩ samurai cách suy nghĩ rằng “Từ nay trở đi, chớ có hướng tới sự tăng trưởng nữa.”
Ieyasu đã ra tay “tàn nhẫn,” chính là để xây dựng lại và đổi hướng xã hội từ loại hình “xu hướng tăng trưởng” sang loại hình “xu hướng ổn định.” Cái tàn nhẫn như vậy đã được kể lại như là nhân cách của Ieyasu, có thể đã làm tổn thương tới hình ảnh ông. Song việc làm tàn nhẫn như vậy để ổn định cái xã hội chiến loạn, chắc chắn là một quá trình không thể không trải qua được.
Tóm lại, Tokugawa Ieyasu tài giỏi quá, thần thánh quá. Kết quả là ông đã được hậu thế tả lại bằng đủ mỗi loại hình người, và như vậy ông đã để lại đủ thứ ảnh hưởng vậy.
Sự hình thành của bản tính “đảo quốc” và tính “nghi kỵ ngoại quốc”
Cuối cùng, nếu xem những chính sách do mạc phủ Tokugawa thực thi dựa trên tư tưởng của Ieyasu, đã ảnh hưởng tới Nhật Bản ngày nay như thế nào, ta có thể tóm lược chúng lại thành ba điểm sau đây.
Thứ nhất, mạc phủ Tokugawa đã triệt để thực thi chế độ tập quyền trung ương, đã xác lập được chế độ quan lại. Ðiều này cũng chính là ý nguyện của Ieyasu. Rồi, ông đã thống trị được toàn quốc, kể luôn cả hoàng gia. Như vậy, cái xã hội dưới sự chỉ đạo gần như quá đáng của quan lại ngày nay, có thể nói là đã có mầm mống từ đó vậy.
Thứ hai, như đã kể, là sự khích lệ tính tiết kiệm, cái cảm nghĩ lo sợ đối với ý chí tăng trưởng. Nhất là sự tiết kiệm thì đã được triệt để đề cao trong đời trị thế của vì chúa thứ tám tên là Yoshimune. Ðây là do lợi dụng kết quả của việc thần thoại hóa tư tưởng và con người của Ieyasu, mà thành, đúng như đã kể trên.
Thế rồi thứ ba là đường lối “bế môn tỏa cảng.” Bế môn tỏa cảng thật ra không phải là trách nhiệm trực tiếp của Ieyasu. Bởi vì không phải Ieyasu đã thi hành chính sách đóng cửa. Ngược lại, ông có phần tích cực nhìn nhận nền mậu dịch quốc tế bằng cách đã gửi tầu bè có mang giấy phép của mạc phủ ra nước ngoài. Từ những sự thật này, có người đã coi Ieyasu là thuộc phái người chủ trương mở nước khai hóa.
Thế nhưng, từ thất bại lớn trong việc Hideyoshi gửi quân đội xâm lăng Triều Tiên, về sau Ieyasu quả đã có ý nghĩ rằng không can thiệp vào việc nước khác là đắc sách. Từ đường lối ổn định trật tự phong kiến, thì việc đi tới chính sách “bế môn tỏa cảng,” áp dụng đường lối kinh tế tự cấp tự túc, là quy kết tất nhiên không thể phủ nhận được.
Thêm nữa, trong thời kỳ đầu của mạc phủ Tokugawa, cảng Nagasaki đã được mở ra để thông thương với nước ngoài, nhưng vì việc này mà một số vàng bạc lớn đã bị thất thoát ra ngoài. Thời đó, số tơ lụa nhập từ Trung Quốc rất lớn, khiến cho cán cân mậu dịch của Nhật bị lệch về phía mua vào quá nhiều. Vì mậu dịch thua lỗ, vàng bạc thất thoát ra nước ngoài nhiều thì trong nước sinh ra sự sụt giá. Cho nên cần phải ngăn chặn ngay sự thất thoát vàng bạc. Sinh thời Ieyasu thì còn đỡ, chứ sau khi Ieyasu mất được khoảng mười lăm năm, tức là khoảng năm 1630 trở đi, thì tình trạng này trở nên khá trầm trọng.
Ngoài vấn đề mậu dịch, còn có vấn đề đạo Cơ Ðốc. Ngay từ thời Hideyoshi, đã có sự nghi ngờ tín đồ đạo Cơ Ðốc trung thành với giáo hội Rôma hơn là với nhà nước Nhật Bản. Tự nhận việc giữ thiên hạ là nhiệm vụ thứ nhất của mình, Ieyasu không thể không quan tâm tới vấn đề này được. Thế nhưng, không phải là Ieyasu đã tăng cường sự đàn áp đối với tín đồ đạo Cơ Ðốc. Thật ra, sự đàn áp đã trở nên khắc nghiệt là cùng thời với đường lối bế môn tỏa cảng, tức là sau khi Ieyasu đã qua đời rồi.
Mặc dầu vậy, với chủ nghĩa tiết kiệm, với lối sống bình dị, với chế độ phong kiến tập quyền trung ương, thì đường lối kinh tế tự cấp tự túc, chính sách bế môn tỏa cản