24/05/2018, 16:22

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

, phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi được gọi khái quát là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Đông Nam Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Đối với người Việt, nó gần ...

, phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi được gọi khái quát là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Đông Nam Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Đối với người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo; không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà.

Nghi lễ đối với người bình thường

Lúc hấp hối

Ai cũng mong muốn mình được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Những người lâm trọng bệnh, biết rằng mình khó qua khỏi thì rất mong muốn được đón nhận cái chết. Cái chết đối với họ chính là sự giải thoát, chấm dứt mọi nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng. Người thân đều mong muốn người ốm nhanh chóng được giải thoát. Có gia đình mời nhà sư đến cầu kinh niệm phật cho người ốm được ra đi nhẹ nhàng hoặc mời thầy cúng đến cúng bái, yểm bùa. Khi sắp mất, sự có mặt của người thân xung quanh chính là niềm an ủi lớn lao, khiến người ốm có thể nhắm mắt bình an, thanh thản. Những người theo các tôn giáo thì làm phép cầu nguyện của tôn giáo đó.

Con cháu người quá cố phải làm những nghi lễ sau:

  • Đưa người sắp mất sang phòng chính tẩm, hướng phía Đông.
  • Hỏi han xem người mất có dặn dò, trăng trối gì không, nguyện vọng chính của người sắp mất là gì?
  • Đặt tên thụy hiệu, hỏi xem người sắp mất đồng ý hay không?
  • Thay nhau túc trực bên cạnh.
  • Chuẩn bị mọi thứ để làm lễ mộc dục (tắm rửa) và khâm liệm, nhập quan.
  • Ghi nhớ thời gian người chết tắt thở, sau đó nắn chân tay thật thẳng và vuốt mắt cho người chết.

Người chủ tang và ban lễ tang

  • Người chủ tang và chủ phụ: Người chủ tang sẽ là con trai trưởng và con dâu trưởng. Người con trai trưởng chống gậy tre nếu là tang cha, gậy vông nếu là tang mẹ. Nếu là tang cha mà mẹ còn sống thì mẹ là chủ phụ. Nếu con trai trưởng mất trước thì cháu đích tôn thừa trọng (thay thế cha đã mất) là chủ tang. Những người chú đứng 2 bên chỉ là bồi tế vợ của người cháu là chủ phụ thay thế bà chồng hay mẹ chồng đã mất, các bà thím chỉ là những người phụ. Cháu đích tôn còn quá nhỏ, chưa chống gậy tạ được thì người con trai thứ hoặc người chú thứ hai vào thay thế, nhưng vẫn phải nhân danh cháu đích tôn mà lạy tạ.
  • Người hộ tang: Người hộ tang là người thay thế tang chủ và gia đình điều hành những công việc quan trọng trong lễ tang. Phải chọn người có tuổi, kinh nghiệm tốt, tháo vát, uy tín trong dòng họ, hướng dẫn những nghi lễ chính: mộc dục, phạm hàm, khâm liệm, nhập quan...
  • Người chấp sự: Là người thay thế cho người hộ tang cúng lễ, nếu người hộ tang biết cúng thì kiêm luôn. Người chấp sự cũng chăm lo những nghi lễ chính như trên. Phải chọn người có văn hóa (biết chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ...) có thể kiêm luôn việc viết văn tế, văn cúng, bài vị, cáo phó...
  • Người thu lễ: Là người thu lễ của khách khứa đến phúng viếng đến hết 3 ngày sau khi an táng. Người thu lễ tức trực bên ngoài, thu lễ của người đến viếng đặt lên bàn thờ, báo tang gia đến để bái tạ. Người thu lễ có trách nhiệm ghi đầy đủ danh sách người đem lễ đến để tang gia cảm ơn sau này, kiểm tra lễ vật khách đem đến. Phải chọn người thân tín.
  • Người chấp hiệu: Là người chỉ huy việc đưa quan tài ra xe hay lên kiệu, điều khiển việc đi đứng, nâng lên hạ xuống, sang trái sang phải... bằng hiệu lệnh hay bằng cây gậy gỗ chỉ huy đến khi hạ huyệt xong. Người chấp hiệu ngồi trên đại dư hoặc đi lùi trước quan tài để điều khiển.

Mộc dục

Lễ Mộc dục (tức là tắm gội) là lễ tắm rửa để người chết sạch bụi trần. Khi làm lễ này, đặt một con dao nhỏ, một vuông vải (khăn), một ít đất ở ông đồ rau, một nồi nước ngũ vị hương, một nồi nước nóng khác. Khi làm lễ mộc dục, quây màn xung quanh thật kín, tang chủ quỳ xuống khóc rồi cáo từ: "Nay xin tắm gội để sạch bụi trần". Cha mất thì con trai vào tắm, mẹ mất thì con gái vào tắm. Lấy tấm vuông vải đắp trên ngũ vị, lau mặt, lau mình cho thật sạch sẽ rồi lấy lược chải tóc và lấy vải buộc tóc (nếu là tang mẹ), lấy khăn khác lau hai tay hai chân, cắt móng tay móng chân. Móng tay gói lại để phía trên quan tài, móng chân gói lại để phía dưới quan tài, mặc quần áo cho chỉnh, phủ một tờ giấy bản trên mặt. Dao, lược, thìa đem đi chôn xuống đất, rước thi thể đặt lên giường.

Sau một thời gian chưa nhập quan, đặt chiếc ghế con trên đầu người chết, đặt trên đó một bát cơm úp, một quả trứng luộc, dựng đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có thể để thêm một con dao trên bụng nhằm mục đích đuổi tà ma ác quỷ đến quấy rối vong hồn.

Phạm hàm

Lấy ba nhúm gạo nếp sát cho sạch, ba đồng tiền mài thật sáng (nhà giàu thì ba miếng vàng sống, chín hạt châu trai). Tang chủ và người chấp sự quỳ, cáo từ rằng: "Nay xin phạn hàn, phục duy hâm nạp". Người chấp sự lần lượt xướng: Sơ phạm hàm (lần thứ nhất), Tái phạm hàm (lần thứ hai), Tam phạm hàm (lần thứ ba cũng là lần cuối cùng). Tang chủ làm liên tục 3 lần, mỗi lần một nhúm gạo nếp và một đồng tiền tra vào miệng bên phải, bên trái và giữa. Làm xong thì bóp mồm lại, phủ giấy bản lên mặt như cũ.

Hiện nay, nhiều nơi đã bỏ tục trên, thay thế bằng một chiếc túi đựng tiền và ít gạo cùng với những đồ lặt vặt mà người chết hay dùng lúc còn sống.

Khâm liệm và nhập quan

Trước khi khâm liệm, đặt thi thể của người chết dưới đất một lúc để nguồn điện âm thoát hết ra ngoài, tránh hiện tượng quỷ nhập tràng(người chết đuổi theo và đứng song song với người sống, ngã xuống tức thì), đồng thời không cho chó mèo nhảy qua, tránh để giọt nước mắt hoặc chén rượu hắt vào xác chết. Sau đó, để kích thích người chết sống lại, thì người con cầm chiếc áo của người đã tắt thở, trèo lên nóc nhà chỗ cao nhất, hú ba lần "ba hồn bảy vía" nếu là tang cha hoặc "ba hồn chín vía" nếu là tang mẹ. Hú ba lần mà người chết không sống lại thì đành chịu lòng khâm liệm mà chưa đóng chốt áo quan vội.

Con cháu đứng sang hai bên quan tài, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự lần lượt xướng: Tự lập (đứng gần vào), cử ai(khóc cả lên), quỳ. Người chấp sự cũng quỳ theo, cáo từ: "Nay được giờ lành, xin được khâm liệm nhập quan". Sau đó lại lần lượt xướng tiếp: Phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).

Con cháu đứng tránh sang hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho kín, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái rồi đến bên phải, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng kín lại. Nếu những quần áo người đang sống có mặc chung thì không nên bỏ vào áo quan. Để khâm liệm, dùng những thứ sau: Nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà bình thường dùng vải trắng may làm đại liệm (một mảnh dọc, năm mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (một mảnh dọc, ba mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được. Xong xuôi thì gắn quan tài lại cho thật kỹ càng, đặt ở gian giữa. Nếu nhà có người bậc cao hơn người chết còn sống thì đặt sang gian bên trái hoặc bên phải của nhà.

Đặt linh sàng hoặc linh tọa

Sau khi nhập quan thì làm lễ thiết linh (tức đặt bàn thờ tang). Nhà hẹp thì đặt linh sàng, nhà rộng thì đặt linh tọa (tức bàn thờ người qua đời lúc chưa chôn cất; linh sàng là chỗ để linh hồn người chết ngự trên nơi đó chứng lễ của con cháu, kích cỡ nhỏ hơn; linh tọa là chỗ ngồi của linh hồn, đồng nghĩa như trên, kích cỡ lớn hơn). Vật phẩm con cháu dùng để cúng phải thật tinh khiết, hoa quả phải tươi và mới. Bên cạnh linh sàng, linh tọa đặt chậu nước để tang chủ rửa tay sách trước khi thắp hương, đặt đồ cúng lên.

Thành phục

Trong thời gian chưa chôn cất có Lễ triêu tịch điện: Buổi sáng dậy bưng khăn lược vào linh sàng, các con quỳ khóc ba tiếng rồi quấn màn lên cáo từ rằng: "Ngày đã sáng rồi xin rước linh bạch ra linh toạ (hoặc linh sàng)". Sau đó rước hồn bạch ra đặt vào ỷ, vắt màn, dọn chăn gối, chiều tối lại rước linh bạch vào, đắp chăn thả chiếu, màn xuống. Thờ như lúc cha mẹ còn sống, chỉ lạy hai lạy (chỉ sau khi an táng, làm lễ thành phục xong mới lạy bốn lạy theo nghi lễ người chết).

Sau khi thiết linh, con cháu đều phải mặc đồ tang phục để cúng tế và đáp lễ khi khách khứa đến phúng viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách. Sau lễ thành phục mới là lễ chính thức phát tang, nổi kèn trống cho họ hàng, làng xóm đến phúng viếng. Khi thân bằng cố hữu đến phúng viếng, người chủ tang và người chủ phụ đứng cạnh linh sàng hoặc linh toạ và ngoảnh mặt về phía khách, hễ khách lạy hai lạy thì chủ lễ tạ lại một lạy. Khách vái cha mẹ mình ba vái thì vái tạ một vái. Người hộ tang có trách nhiệm tiếp trầu, nước, cỗ bàn cho người phúng viếng. Trước khi làm lễ chuyển cữu để chuẩn bị phát dẫn thì áo quan vẫn trở đầu vào trong, coi như lễ người sống, đọc văn cũng chưa dùng chữ Hiển thảo (cha) hay Hiển tỷ (mẹ) mà con vẫn dùng chữ Cố phụ (cha), Cố mẫu (mẹ). Nếu có con trai nào vắng mặt, chưa về kịp thì phải đặt áo, gậy, mũ lên bên cạnh hương án.

Năm hạng tang phục (ngũ phục)

Theo sách Thọ mai gia lễ:

Có năm hạng tang phục tuỳ theo quan hệ huyết thống và nghĩa tình phân biệt thân sơ.

Những đồ tang phục đó như sau:

  • Đại tang (trảm thôi và tề thôi; để tang ba năm):
    • Quần áo có sổ gấu gọi là trảm thôi: Con để tang cha hoặc con để tang mẹ khi cha đã mất.
    • Quần áo không sổ gấu gọi là tề thôi: Con để tang mẹ, vợ để tang chồng khi cha chưa mất (mẹ mất trước cha).
      • Thời hạn: 3 năm, đời sau giảm bớt còn 2 năm 3 tháng (sau lễ giỗ 2 năm, thêm 3 tháng dư ai).
      • Áo xô, khăn xô có hai giải sau lưng (gọi là khăn ngang): Nếu còn cha hoặc còn mẹ thì hai giải dài ngắn lệch nhau, nếu cả cha và mẹ đều đã mất thì hai giải bằng nhau.
      • Con trai chống gậy: Tang cha chống gậy tre vót tròn, tang mẹ chống gậy vông đẽo vuông.
    • Con trai trưởng mất trước thì cháu đích tôn thừa trọng (thay thế cho cha đã mất) đại tang ông bà nội thay thế cha.
  • Cơ niên (để tang một năm):
    • Cháu nội để tang ông bà nội.
    • Con riêng của vợ để tang bố dượng nếu bố dượng có công nuôi và ở cùng đến khi trưởng thành, nếu không ở cùng thì không tang.
    • Con để tang mẹ đẻ ra mình nhưng bị bố ruồng rẫy (xuất mẫu) hoặc cha chết, mẹ lấy chồng khác (giá mẫu).
    • Chồng để tang vợ cả có gậy, nếu cha mẹ còn sống thì không gậy.
    • Cháu để tang bác trai, bác gái, chú ruột, thím, mợ và cô ruột.
    • Anh chị em ruột để tang cho nhau (cùng cha khác mẹ cũng tang 1 năm, cùng mẹ khác cha thì tang 5 tháng).
    • Cha mẹ để tang con trai, con gái và con dâu cả, kể cả con đi làm con nuôi nhà người.
    • Chú, bác, thím, mợ, cô ruột để tang cho cháu (con anh em ruột).
    • Ông bà nội để tang cho cháu trưởng (đích tôn).
    • Đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu tang các con chồng, thứ mẫu tang con mình và con chồng như nhau đều một năm. Tang con dâu cả cũng một năm.
    • Con dâu để tang dì ghẻ của chồng (tức vợ lẽ cha chồng).
    • Con rể để tang cha mẹ vợ (vợ chết đã láy vợ khác cũng vậy).
    • Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng, các con riêng chồng cũng như con riêng của mình (các họ hàng bàng thân bên nhà chồng đều không tang).
  • Đại công (để tang chín tháng):
    • Anh chị em con chú ruột, con bác ruột để tang cho nhau.
    • Cha mẹ để tang con dâu thứ hoặc con gái đã lấy chồng.
    • Chú, bác, thím, mợ, cô ruột để tang cháu (con gái đã xuất giá, con dâu của anh em ruột).
    • Cháu dâu để tang ông bà của chồng, chú, bác, thím ruột, hoặc cô ruột của chồng.
    • Mẹ để tang con dâu thứ và con gái riêng của chồng.
    • Con gái đã xuất giá để tang bác trai, bác gái, chú thím, cô ruột.
  • Tiểu công (để tang năm tháng):
    • Chắt để tang cụ nội, ngoại.
    • Cháu để tang anh chị em ruột của ông nội (ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô).
    • Con để tang vợ lẽ, nàng hầu của cha (nếu cha giao cho nuôi mình thì để tang 3 năm như mẹ đẻ).
    • Cháu để tang đường bá thúc phụ mẫu và đường cô (anh chị em con chú bác ruột của cha).
    • Anh chị em con chú, bác ruột để tang cho vợ của nhau.
    • Anh chị em chung mẹ khác cha để tang cho nhau (vợ con của anh chị em ấy thì không tang).
    • Chú bác ruột để tang cho cháu dâu (con dâu của anh em ruột).
    • Ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô để tang cho cháu (tức là cháu nội của anh em ruột).
    • Ông bà nội để tang cho vợ cháu đích tôn hoặc cháu gái xuất giá.
    • Cháu ngoại để tang ông bà ngoại và cậu ruột, dì ruột (anh chị em ruột của mẹ, kể cả đối với anh chị em ruột của đích mẫu, thứ mẫu, kế mẫu).
    • Cháu dâu để tang cô ruột của chồng.
    • Chị dâu, em dâu để tang anh chị em ruột của chồng và con của những người đó (tức là cháu gọi bằng bác, bằng thím, bằng mợ).
  • Ty ma (để tang ba tháng):
    • Chít để tang can (kỵ) nội.
    • Chắt để tang cụ nhà bác, nhà chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với cụ nội).
    • Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội).
    • Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố).
    • Con riêng của vợ để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội).
    • Con để tang nàng hầu của cha.
    • Con để tang bà vú (cho bú mớm).
    • Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).
    • Chồng để tang vợ lẽ, nàng hầu.
    • Anh chị em họ nội 5 đời để tang cho nhau.
    • Bố mẹ vợ để tang con rể.
    • Ông bà ngoại để tang cháu ngoại và cháu dâu ngoại.
    • Ông của chồng để tang cháu dâu.
    • Cụ để tang cho chắt nội.
    • Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.
    • Anh chị em con cô ruột và bạn con dì ruột để tang cho nhau.
    • Cậu ruột để tang vợ của cháu trai
    • Cháu dâu để tang ông bà ngoại của chồng, cậu ruột, dì ruột chồng
    • Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng.
    • Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.
    • Cụ để tang chắt nội trai gái.
    • Ông bà để tang các cháu gái của con nhà chú, nhà bác.

Chuyển cữu và yết cáo tổ tiên

Trước ngày phát dẫn thì có lễ yết cáo tổ tiên rằng sẽ có thân phụ hoặc thân mẫu về chầu tổ. Nếu không đưa được linh cữu thì chỉ cần rước hồn bạch đến nhà thờ họ. Hồn bạch không để trên bàn thờ mà phải để phía dưới. Xong lại rước hồn bạch về nhà, đặt lại lên linh sàng hoặc linh tọa.

Điếu văn

Điếu văn là văn bản được viết bởi người chấp sự hoặc một người có khả năng viết để đọc tại nhà tang lễ. Nội dung bài điếu văn gồm thân thế, sự nghiệp người mất. Điếu văn sẽ là người cao tuổi có vị thứ trong họ tộc với người qua đời đọc điếu văn, nếu tang lễ tại cơ quan thì người có chức vụ đọc. Khi đọc điếu văn, con cháu người quá cố đứng 2 bên quan tài, người đến dự đứng nghiêm hướng về người đọc điếu văn.

Phát dẫn và an táng

Lễ phát dẫn

Ngày phát dẫn là ngày đưa tang. Con trai trưởng phải chống gậy đi đầu tiên, con trai thứ thì chống gậy đi sau con trai trưởng. Tang cha thì chống gậy tre vót tròn, tang mẹ thì chống gậy vông đẽo vuông. Đầu tiên, có hai thần phương tướng làm bằng giấy đặt hai bên, dáng vẻ giữ tợn cầm đồ qua mâu để đuổi ma quỷ. Có hai người khiêng thể kỳ, đặt một bức mành vải trướng làm bằng vóc nhiễu, đề dòng chữ Hồ sơn vân ám (胡山云闇) nếu là tang cha hoặc Dĩ lĩnh vạn mê (已岭万迷) nếu là tang mẹ. Hai bên treo đèn lồng đề chức tước, húy hiệu người đã mất. Sau nữa đến minh tinh, được làm bằng vóc nhiễu, trên đề họ tên thụy hiệu người mất bằng phấn trắng treo lên cành tre. Tiếp đến là hương án lớn đặt giá hương, độc bình, đồ tam sự và mâm ngũ quả. Tiếp theo là thực án bày chiếc tam sinh và linh xa để rước hồn bạch, rồi theo sau là phường bát âm và những đồ minh khí, gồm có: Đèn làm bằng giấy, tấm biển đan triệu đề hai chữ trung tín (中囟) nếu là đàn ông hoặc trung tiết (中暬) nếu là đàn bà, đặt những bức trướng, câu đối viếng của con cháu và người phúng viếng sang hai bên.

Sau đó đến cờ công bố, đèn chứ á. Nhà phú quý thì có thêm nghị trượng sứ thần, đồ bộ lộ, áo mũ đại trào, chiêng, trống cà rùng... Nhà bình dân thì chỉ cần phường kèn trống thổi nhạc đưa ma. Cuối cùng là đại dư rước linh cữu, trên linh cữu đặt nhà táng bằng giấy. Thân nhân, theo thứ tự nhân sơ quy định, tang phục theo gia lễ, đều xếp hàng đi theo sau linh cữu hoặc ngồi hai bên linh cữu. Thời xưa có cái bạt bằng vải trắng che trên đầu gọi là bạch mạc. Người con trưởng đi trước hoặc kèm sau xe quan tài theo tục Cha đưa mẹ đón. Nhiều nơi còn có thêm các sư vãi cầm phướn đi hai bên tụng kinh niệm Phật để linh hồn được về nơi Tây phương cực lạc. Trên đường đi, rắc vàng giấy sang hai bên đoàn đưa tang làm lộ phí cho ma quỷ.

Nhà trạm

Đối với những nhà phú quý, đám tang giữa đường có dựng nhà trạm để dừng linh cữu mà điện tế. Nhà trạm lợp bằng lá hoặc cót, bên trong kết hoa, treo đèn, bài trí lịch sự. Lúc tế thì người phủng chủ ra đặt trên án, người đề chủ chấm nét bút trên đầu chữ chủi, sổ một nét. Nhà có lễ hậu tạ người đề chủ.

Lễ an táng (gọi là hạ huyệt)

Giờ hạ huyệt (下穴) thường chọn giờ hoàng đạo. Trước lúc hạ huyệt phải cúng thổ thần nơi hạ huyệt, đồ lễ gồm trầu rượu, đĩa xôi, vàng hương, thủ lợn hoặc chân giò... Tất cả mọi người cầm một nén hương, đi một vòng xung quanh huyệt thả một hòn đất xuống dưới, sau đó đắp mộ thành vòng rồi trồng cỏ. Đắp mộ xong, mọi người đứng vòng quanh mộ, người hộ tang, người chấp sự tiến hành lễ thành phần, tiếp đãi trà, thuốc lá cho người qua đường. Nếu đĩa dầu lạc và chén rượu đặt trên quan tài mà không bị đổ, người khiêng quan tài sẽ được tang gia thưởng tiền rất hậu. Kể từ ngày này, chủ nhà thắp hương cơm canh vào hai bữa chính hằng ngày cho đến hết 100 ngày thì dừng lại.

Lễ 3 ngày (tế ngu)

Sau 3 ngày chôn cất, con cháu sẽ đến mộ để sửa sang lại mộ phần, đắp lại mộ tròn, sửa soạn cỗ bàn để tiếp đãi họ hàng thân thuộc, khách khứa đến dự, gọi là lễ tế ngu (蔽虞). Con cháu chỉ lấy đất đắp vào những chỗ bị hở và khơi rãnh thoát nước, kiêng động cuốc hay chèo lên mộ vì làm thế mộ dễ bị sập trong thời gian áo quan và thi hài đang bị tan rữa. Việc viếng mộ ngày này không cần thiết phải đi đầy đủ con cháu tang gia mà chỉ cần vài ba người cũng được, nhưng bắt buộc phải có trưởng nam hay cháu đích tôn thừa trọng. Nếu trưởng nam hay cháu đích tôn thừa trọng có việc bận hay bị đau ốm thì phải nhờ người khác vào thay thế. Buổi lễ này tính theo âm lịch.

Lễ 49 ngày (chung thất)

Lễ cúng 49 ngày còn gọi là lễ chung thất (终七) hay tứ cửu (四九) dựa theo thuyết của Phật giáo: Âm hồn sau khi chết phải trải qua tất cả là 7 lần phán xét, mỗi lần mất 7 ngày (tương đương 1 tuần), đi qua một điện lớn dưới âm ty, sau 7 tuần vong hồn người chết mới được siêu thoát. Tuần chung thất là tuần quan trọng, đưa linh hồn người chết lên nương nhờ cửa Phật.

Lễ 100 ngày (tốt khốc)

Khi người chết đã được 100 ngày là đến tuần tốt khốc (卒哭). Từ tuần này trở đi, con cháu người mất sẽ thôi không khóc nữa. Tuần tốt khốc thì con cháu cũng làm lễ để cúng và làm cỗ bàn mời họ hàng thân thuộc. Sau lễ trăm ngày, hằng năm con cháu lấy ngày chết là ngày làm giỗ.

Cải táng

Sau từ 3 đến 4 năm, người ta sẽ làm lễ Cát táng tức đem táng ở nơi khác. Vì người ta quan niệm rằng, trong thời gian hung táng thì người mất hay bị ma quỷ quấy nhiễu, sau khi cát táng thì mới không bị ma quỷ quấy nhiễu nữa. Hoạt động này nhiều nơi còn được gọi là bốc mộ, cát cải. Cải táng phải chọn một ngày thích hợp, không nên xung khắc với người mất. Trước khi cát táng, người ta sẽ cúng Thổ thần Thiên địa nơi đào mả lên, rồi lại cúng Thổ thần Thiên địa nơi sẽ đem chôn cất. Người ta sẽ dùng cuốc đào đất, lấy hài cốt người chết cho vào Tiểu nhỏ làm bằng sành (giống hình cái lọ hoa), đem chôn ở vị trí khác. Sau đó sẽ xây mộ kiên cố.

Ngày cúng giỗ

Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.

Bàn thờ tổ tiên

Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố, chỗ thắp nến. Đồ cúng cơ bản không thể thiếuhương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ... Sau khi tàn một nửa tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là hoá vàng, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng phải làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất.

Cách bài trí

Lớp trong

  • Chiếc rương thật lớn, cao khoảng 1m, dài và rộng 2m. Mặt trước gồm ba ô, mỗi ô khắc một chữ đại tự (大佀). Đôi khi, chiếc rương được thay bằng chiếc bàn to, kê trên 2 chiếc mễ (1m).
  • Có 2 chiếc mâm đặt phía trong bàn thờ. Mâm to đựng cỗ, mâm bé bày hương hoa trong ngày giỗ. Chiếc thứ 2 phải bé hơn chiếc thứ 1.
  • Có một chiếc thần chủ đặt trong khám thờ kê trên chiếc bệ. Có thể thay thế bằng chiếc ngai (chiếc ỷ) để tổ tiên thuộc hàng cao có thể kiểm soát con cháu thờ cúng.
  • Trước thần chủ thường có đĩa đựng trầu cau, 3 ly nước lã trong, chén (hoặc bình) rượu nhỏ, đĩa đồng hoặc sứ đặt 2 bên để đặt hoa quả, thức ăn để thờ...
  • Bên trong đặt bài vị của tổ tiên bằng sứ, có thể thay thế bằng ảnh chân dung người mất được treo lên tường sau hoặc đặt trên mặt bàn thờ.

Lớp ngoài

  • Hương án thật cao
  • Bình hương lớn bằng sứ hoặc đồng, trong đó có để cát hoặc tro ở trong, ở giữa cắm trụ sắt cao để đặt hương vòng.
  • Hai bên có 2 cây đèn, bật khi cúng lễ
  • Hai cây đồng để thắp nến, có thể thay thế bằng 2 con hạc đồng. Đồng có thể thay bằng sứ.
  • Có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi, câu đối... vào chính giữa bàn thờ hoặc hai bên.

Thắp hương

Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,... mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,... Người ta quan niệm rằng, số lẻ là âm nên nó phù hợp hơn với tổ tiên. Loại hương thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây Hỏa hoạn.

Khi thắp hương, có thể trông coi khi cần thiết.

Cúng Tổ tiên

Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc - Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ hoặc bất kỳ lúc nào cần được gia tiên phù hộ như: sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe. Đây là cách để thể hiện đạo lýUống nước nhớ nguồn.

Bàn thờ vọng

Sự hình thành

Bàn thờ vọng là một loại bàn thờ mà những người sống ở xa quê, ít có điều kiện về nhà con trai trưởng dịp giỗ Tết lập nên. Ngày xưa, bàn thờ vọng chưa phải là phong tục chủ yếu bởi đa số người ta đều sống và sinh cơ lập nghiệp ngay tại quê hương, chỉ có một số trường hợp đặc biệt gọi là biệt quán, li hương.

Đến thời phong kiến, các quan trong triều đình tập trung vọng bái thiên tử tức vái lạy từ xa. Những người ở nơi biên ải cũng lập hương án hướng về phía kinh đô để làm lễ khi nghe tin vua chúa mất mà chưa đến dự đám tang được. Những người làm quan cũng lập một hương án hướng về quê hương để làm lễ khi nghe tin có người thân mất mà chưa kịp về chịu tang. Sau đó, họ cáo quan xin về cư tang 3 năm. Kể từ đó, bàn thờ vọng được hình thành, chỉ có những người sống xa quê mới lập bàn thờ vọng. Những người ở gần quê, dù giàu hay nghèo cũng phái về nhà người con trai trưởng hoặc trưởng họ làm lễ trong dịp giỗ Tết, chú hoặc ông chú vẫn phải đền nhà cửa trưởng làm lễ dù cửa trưởng chỉ thuộc hàng thấp như cháu, chắt... Do đó, không có tục lập bàn thờ vọng đối với đời thứ ba ngay tại quê. Nếu người con trưởng mất hoặc sống xa quê, người con thứ kế tiếp con trưởng được lập bàn thờ chính, còn bàn thờ tại nhà con trưởng là bàn thờ vọng.

Cách lập bàn thờ vọng

Trước khi lập bàn thờ vọng, chủ nhà phải về quê để báo cáo với tổ tiên tại bàn thờ chính, xin phép chuyển một vài lư hương phụ hoặc một vài nén hương đang cháy giở đến bàn thờ vọng để thắp tiếp. Nếu có phòng riêng, để bàn thờ đặt ở một phòng riêng biệt để tăng vẻ tôn nghiêm. Nếu không có phòng riêng thì đặt kết hợp phòng khách, phải đặt cao hơn chỗ tiếp khách. Bàn thờ đặt hướng về quê chính để gia chủ vái lạy thuận hướng về quê chính. Không nên đặt tại những chỗ uế tạp, cạnh lối đi, trừ trường hợp nhà quá hẹp. Những người mà sống trong khu tập thể thì chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.[4]

Bàn thờ bà cô ông mãnh

Bà cô ông mãnh là từ mà dân gian dùng cho những người chết trẻ, chưa lập gia đình. Người ta cho rằng vì chết trẻ nên bà cô ông mãnh rất linh thiêng. Nếu cảm thấy "hợp" người thân nào thì sẽ phù hộ độ trì rất nhiều. Nếu thờ cúng bà cô ông mãnh không đến nơi đến chốn sẽ bị quở phạt. Bà cô ông mãnh lẽ ra cũng nên thờ cúng với tổ tiên, nhưng dân gian quan niệm rằng bà cô ông mãnh tuổi thấp nên chưa thể hưởng hương hoa cùng các cụ đời trước được. Giống như trên cõi dương gian, trẻ con chỉ ngồi riêng một mâm khi ăn giỗ nên bà cô ông mãnh cũng được thờ riêng 1 bàn thờ.

Bàn thờ bà cô ông mãnh được đặt dưới gầm hương án bàn thờ tổ tiên. Cũng có thể đặt cùng trên bàn thờ tổ tiên nhưng bát nhang phải thấp hơn thờ gia tiên 1 bậc. Cũng có thể lập riêng bàn thờ nhưng phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Bài trí bàn thờ bà cô ông mãnh rất đơn giản, sơ sài. Chỉ đặt bài vị (hoặc ảnh), bát nhang, chén nước, bình hoa, đôi đèn... Người ta cúng vào ngày sóc vọng, ngày kỵ, giỗ Tết giống thờ tổ tiên.

Nếu người cúng ngang hàng với bà cô ông mãnh thì chỉ lâm râm khấn mà không cần lễ. Nếu thuộc hàng dưới thì phải khấn và lễ. Khi gia đình gặp chuyện về sức khỏe, vật chất... người ta cúng bà cô ông mãnh để được phù hộ độ trì cho mọi sự được hanh thông và tốt hơn.

Bàn thờ người mới chết

Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn... Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, "hồn vía còn nặng" chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức lễ chung thất).

Sau 49 ngày, bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ tổ tiên. Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ.[6]

Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên. Người ta thường nhớ ngày người chết để làm giỗ. Sau ngày người mất tròn một năm (tính theo âm lịch) thì bát nhang sẽ được đặt lên bàn thờ tổ tiên để thờ chung với tổ tiên.

Lễ hội Samhain vào đầu tháng 11 của người Celt (Ireland, Scotland...) là ngày dân chúng tưởng nhớ những người thân đã chết (ngoài việc ăn mừng sự gặt hái đã xong). Trong dịp này thức ăn được để ngoài cửa cho người chết và đèn được thắp sáng trong đêm (như đêm Giáng sinh).

0