18/06/2018, 15:44

Time: “bộ mặt khủng bố Phật giáo” Miến Điện

Arnaud Dubus (RFI) đăng ngày 05/07/2013 Thanh Hà dịch Tuần báo Time của Mỹ trong ấn bản đề ngày 01/07/2013 trên trang bìa đã đăng ảnh nhà sư Wirathu, một trong những người lãnh đạo của phong trào. Bên dưới là hàng tựa « Bộ mặt khủng bố của Phật giáo » Từ khoảng một năm ...

Arnaud Dubus (RFI) đăng ngày 05/07/2013

Thanh Hà dịch

Tuần báo Time của Mỹ trong ấn bản đề ngày 01/07/2013 trên trang bìa đã đăng ảnh nhà sư Wirathu, một trong những người lãnh đạo của phong trào. Bên dưới là hàng tựa « Bộ mặt khủng bố của Phật giáo »

Từ khoảng một năm nay, báo chí Miến Điện thường xuyên đề cập tới phong trào Phật giáo cực đoan chống lại đạo Hồi. Phong trào mang tên 969 ngày càng có ảnh hưởng lớn tại một quốc gia với 90 % dân số theo đạo Phật. 969 đã giành được cảm tình của chính quyền. 

khung bo Phat giao mien dien 1

(Hình bên trái: Biểu tình phản bác báo Time của Mỹ. Ảnh chụp ngày 30/06/2013 Reuters)

Tuần báo Time của Mỹ trong ấn bản đề ngày 01/07/2013 trên trang bìa đã đăng ảnh nhà sư Wirathu, một trong những người lãnh đạo của phong trào. Bên dưới là hàng tựa « Bộ mặt khủng bố của Phật giáo ».

969 bị coi là một phong trào kích động bạo lực, chống lại người Hồi giáo gây nên các cuộc xung đột tôn giáo hồi năm ngoái ở miền Tây Miến Điện giữa cộng đồng nguời theo đạo Phật và thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Gần đây hơn, thành phố Meiktila ở miền Trung Miến Điện đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp cũng vì lý do tương tự. Thông tín viên đài RFI tại khu vực Đông Nam Á, Arnaud Dubus cho biết thêm về nguồn gốc của phong trào Phật giáo cực đoan Miến Điện 969. 

Arnaud Dubus : Thực ra phong trào đã được hình thành từ năm 2001. Một nhà sư theo xu hướng dân tộc cực đoan tại Mandalay, tu sĩ U Wirathu là người khởi xướng. Phong trào này đã nảy sinh sau khi quân Hồi giáo Taliban tàn phá những pho tượng Phật cổ ở Bamiyan, Afghanistan và nhất là sau hai vụ khủng bố tấn công ở New York 11 tháng 9 năm đó.

Tên gọi của phong trào là 969. Đó là một chuỗi số tương ứng với Tam bảo của đạo Phật. Đó là Phật – Pháp -Tăng. Người Miến Điện rất mê số học, tu sĩ Wirathu xem chuỗi số này là biểu tượng đoàn kết của những người theo đạo Phật để đối kháng với cộng đồng người theo đạo Hồi. 

khung bo Phat giao mien dien 2

(Hình nhà sư thủ lãnh Wirathu)

Vào năm 2001, nhà sư Wirathu đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở Mandalay và nhiều người đã là nạn nhân của những đợt biểu dương lực lượng đó. Nhà sư này đã bị chính quyền quân sự Miến Điện thời bấy giờ bắt giam và bị kết án 25 năm tù. Năm 2011 tu sĩ Wirathu được trả tự do trong khuôn khổ tiến trình cải tổ chính trị do tổng thống dân sự Thein Sein khởi xướng. Thế là U Wirathu lại tiếp tục huy động các phật tử biểu tình chống lại người theo đạo Hồi. Xung đột tôn giáo đẫm máu vào mùa hè năm ngoái ở miền Tây Miến Điện đã xảy ra giữa người Rakhine theo đạo Phật và người Hồi giáo Rohingya lại càng tạo thêm uy tín cho phong trào 969.

Đến mùa xuân năm nay, các cuộc bạo động ở Meiktila hồi tháng Tư rồi ở Lashio vào tháng Năm khiến hàng chục người Hồi giáo bị các nhóm người theo đạo Phật do các nhà sư được cho là thân cận với tu sĩ Wirathu dẫn đầu sát hại. Trong số các nạn nhân có cả nhiều trẻ em.

Cùng lúc, phong trào Phật giáo cực đoan 969 cũng đã mở ra cả một chiến dịch vận động, kêu gọi tẩy chay các cửa hàng của người Hồi giáo, kêu gọi cộng đồng theo đạo Phật chỉ lui tới những cửa hàng có logo 969 vì chắc chắn đó là những cơ sở của người Phật giáo. Cũng tương tự như vậy các tu sĩ Phật giáo cực đoan còn kêu gọi tẩy chay các tài xế xe taxi hay lái xe buýt theo đạo Hồi. Thống kê của Miến Điện không chính xác lắm, nhưng có khoảng từ 4 đến 6 % dân số Miến Điện theo đạo Hồi. 

RFI : Vậy chính quyền cũng như là đảng đối lập do bàn Aung San Suu Kyi có thái độ như thế nào đối với phong trào P hật giáo theo xu hướng dân tộc cực đoan này ?

Arnaud Dubus : « Không có bằng chứng nào cho thấy là chính quyền Miến Điện tích cực ủng hộ phong trào 969. Nhưng rõ ràng là Naypidaw nhìn phong trào Phật giáo cực đoan này với nhiều thiện cảm. Từ ở cấp quốc gia đến cấp địa phương, đâu đâu, các nhà sư Miến Điện cũng được tự do hội họp hay các mở chiến dịch kêu gọi chống lại người Hồi giáo.

Thậm chí có những trường hợp người Hồi giáo bị bắt giam khi họ tìm cách tháo gỡ logo 969 của phong trào Phật giáo này. Phủ tổng thống Miến Điện và văn phòng bộ trưởng đặc trách về các vấn đề Tôn giáo đã chính thức lên tiếng ghi nhận những hành vi của phong trào 969 và của nhà sư U Wirathu là tích cực và nhằm đem lại một sự hài hòa trong xã hội. 

Một trong những nhân vật đã có ảnh hưởng lớn đối với tu sĩ Wirathu là nhà sư KyawLwin. Nhân vật này, ngay sau cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào phong trào dân chủ năm 1988, đã từng là người đầu tiên được chính quyền quân sự Miến Điện chỉ định để đứng đầu một cơ quan quảng bá cho Phật giáo. 

Vào thời điểm đó các tướng lĩnh cầm quyền ở Miến Điện đã tìm cách tranh thủ cảm tình của các tu sĩ Phật giáo. Như vậy có thể nói chính quyền quân sự Miến Điện đã tạo cơ sở cho phong trào Phật giáo cực đoan chống lại người theo đạo Hồi phát triển. 

phong trao 969

(Hình logo của phong trào 969)

Về phần đảng của bà Aung San Suu Kyi, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân chủ, tình hình tương đối phức tạp hơn. Phong trào 969 thỉnh thoảng chỉ trích đảng đối lập là đã để cho người Hồi giáo chiếm vị trí áp đảo trong cơ quan điều hành Liên Đoàn. Bản thân bà Aung San Suu Kyi bị chỉ trích là đã không dứt khoát đứng về phía cộng đồng Phật giáo trong các cuộc xung đột xảy ra ở miền Tây Miến Điện vào năm ngoái.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi cũng đã tỏ thái độ thận trọng đối với cộng đồng người Rohinga theo đạo Hồi. Bà không đưa ra lập trường rõ ràng về các cuộc bạo động tôn giáo trên quê hương mình. Dường như, vì những tính toán chính trị lãnh đạo đối lập Miến Điện cố tình giữ thế trung lập.

Thế nhưng gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng chống lại chính sách giới hạn sinh đẻ đối với các gia đình theo đạo Hồi. Nhà nước Miến Điện muốn quy định, mỗi gia đình Hồi giáo chỉ được quyền có 2 con là tối đa. Theo giải Nobel Hòa bình Miến Điện, chính sách giới hạn sinh đẻ nói trên vi phạm quyền cơ bản của con người. 

RFI : Vậy thì trong thời gian gần đây nhất phong trào phật giáo cực đoan 969 của Miến Điện này đã có những hoạt động nào ?  

Arnaud Dubus : « Tôi thấy là rất đáng quan ngại khi vào tuần trước, hàng trăm tu sĩ Phật giáo đã mở một cuộc họp tại Rangoon. Đây là một trong những cuộc tập hợp quan trọng nhất của giới tăng ni Miến Điện từ nhiều năm qua. Chiến dịch bài Hồi giáo do tu sĩ U Wirathu và phong trào 969 chủ xướng đã được rất nhiều thành phần tham dự hưởng ứng và tán đồng.

Nhà sư U Wirathu cách nay vài tuần từng đề nghị cấm phụ nữ theo đạo Phật lập gia đình với tín đồ Hồi giáo. Theo đề nghị của nhà tu hành này, để được kết hôn với một người theo đạo Hồi, cô dâu tương lai chẳng những phải được cha mẹ đồng ý mà còn phải xin phép cả chính quyền địa phương.

Một lần nữa đề xướng này của phong trào 969 đi ngược lại với các quyền tự do cá nhân. Ấy thế mà các chức sắc trong giáo hội Phật giáo Miến Điện đã tán đồng đề xuất của nhà sư Wirathu. Đương nhiên đề nghị này còn phải được trình lên Quốc hội trong nay mai.

Tình hình trở nên hết sức nghiêm trọng. Một trong những nghịch lý đáng nói là chính sách cởi trói của chính quyền dân sự Miến Điện đã mở đường cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan phát triển. Quyền tự do của người Hồi giáo cũng như là của những cô gái theo đạo Phật muốn lập gia đình với người ngoại đạo thì đang bị thu hẹp lại đến một mức đáng báo động.

Nguồn bài đăng

0