Tìm hiểu một số kỹ thuật chọn lọc và nhân giống gà
Nhân giống gà thuần chủng Thông thường mỗi gia đình gà có 1 trống và 10 – 12 mái. Ngoài ra, trong mỗi gia đình còn có 1 – 2 trống dự phòng. Các cá thể trong gia đình đều được đeo số để tiện theo dõi. Gà mới nở được đeo số ở cánh, lớn lên được đeo thêm số ở chân. Trứng của từng con mái đẻ cũng ...
Nhân giống gà thuần chủng
Thông thường mỗi gia đình gà có 1 trống và 10 – 12 mái. Ngoài ra, trong mỗi gia đình còn có 1 – 2 trống dự phòng. Các cá thể trong gia đình đều được đeo số để tiện theo dõi. Gà mới nở được đeo số ở cánh, lớn lên được đeo thêm số ở chân. Trứng của từng con mái đẻ cũng được đánh số và đưa vào ấp trong các khay riêng biệt. Để tránh nhầm lẫn do gà nhảy ra trong thời gian nở, người ta làm những khay ấp có chụp đậy. Dựa vào số liệu ghi trên vỏ trứng sẽ biết được lý lịch của chúng. Sau khi đã được chọn lọc qua các giai đoạn tuổi khác nhau: lúc 1 ngày tuổi, giai đoạn hậu bị và giai đoạn đẻ, tiến hành đánh giá giá trị giống của từng cá thể và chọn ghép gia đình để tái sản xuất thế hệ tiếp theo với nguyên tắc anh em ruột hay anh em cùng bố khác mẹ hoặc cùng mẹ khác bố không được ghép vào một gia đình mới.
Chọn lọc giống gà ông bà
So với các dòng thuần, công tác giống đối với gà ông bà đơn giản hơn. Việc đánh giá chọn lọc giống đối với các đối tượng này chủ yếu theo phương pháp chọn lọc quần thể, tức là dựa vào chỉ tiêu năng suất, ngoại hình của bản thân con giống, không tính đến chỉ tiêu năng suất bố mẹ, anh chị em ruột và anh chị em họ. Chỉ tiêu chọn giống quan trọng nhất đối với gà ông bà là khối lượng cơ thể và ngoại hình. Số gà bị loại do khuyết tật ngoại hình hoặc khối lượng không đạt tiêu chuẩn. Mặc dù tiến bộ di truyền đạt được do chọn lọc đối với mỗi cá thể là khiêm tốn, nhưng lợi ích kinh tế tổng thể thu được từ tất cả đàn gà sản xuất ra là đáng kể.
Chọn gà con 1 ngày tuổi
+ Gà con mang từ máy nở ra phải để riêng theo từng dòng trống và dòng mái và chọn tách trống mái theo yêu cầu đối với mỗi giống. Cân 10% số gà nở ra để xác định khối lượng bình quân của từng dòng. Chọn những cá thể có khối lượng xấp xỉ khối lượng sơ sinh trung bình của từng dòng. Chọn những cá thể có ngoại hình chuẩn: Thân hình cân đối, không dị tật, lông bông tơi xốp, bụng thon nhỏ, không hở rốn, mắt tinh nhanh, mỏ và chân cứng cáp, sáng bóng, dáng đi nhanh khoẻ. Loại bỏ những cá thể: Mỏ vẹo, mắt kém, đồng tử méo; cổ vẹo; lưng cong; không có phao câu; không có đuôi; xương lưỡi hái bị vẹo, ngắn, dị dạng, ngón chân và bàn chân cong, bàn chân sưng hoặc bị nhiễm khuẩn, trẹo đầu gối; ngực bị phồng lên; cơ ngực phát triển không bình thường; bộ lông không tơi xốp hoặc bị ướt dính.
+ Gà con sau khi được chọn cho vào hộp và phải để riêng theo từng dòng, mỗi hộp đựng 100 con riêng biệt
+ Chuyển gà con xuông chuồng nuôi riêng biệt theo từng dòng theo cơ cấu đàn như sau: So với bà ngoại thì số lượng gà bà nội chiếm tỷ lệ 30%, ông ngoại chiếm 20% và ông nội chiếm 19% so với bà nội. Mỗi ô nuôi không quá 300 con (nếu nuôi nền), nuôi tách riêng trống, mái từ lúc 1 ngày tuổi đến 19 – 20 tuần tuổi.
Chọn gà lúc 21 ngày tuổi hoặc 42 ngày tuổi (ngày tuổi chọn lọc tuỳ thuộc từng giống, dòng)
+ Trước khi chọn giống cần phải kiểm kê chính xác số gà còn lại của từng dòng.
+ Xác định quy mô đàn giống dự kiến (số gà mái đầu kỳ của cả dòng mái và dòng trống ông bà).
+ Đối với bà ngoại: Chỉ loại những cá thể có khuyết tật, ốm yếu, gà trống bị lẫn. Thường giữ lại 95 – 97% số gà so với đầu kỳ. Đối với ông ngoại: Sau khi loại những cá thể có khuyết tật, ốm yếu, chỉ giữ lại những con nặng cân nhất để làm giống; số lượng trống giữ lại thường là 60 – 65% so với đầu kỳ.
+ Đối với bà nội: Cũng chỉ loại những cá thể có khuyết tật về ngoại hình và thể chất, kể cả trống bị lẫn mái. Thường giữ lại 94 – 95% so với đầu kỳ. Đối với ông nội: Sau khi loại những cá thể bị khuyết tật, ốm yếu, chỉ giữ lại những con nặng cân, khoẻ nhất để làm giống, chỉ giữ lại 15% so với bà nội.
+ Những khuyết tật của cá thể được biểu hiện trong những đặc điểm sau: Mỏ vẹo, mắt kém, đồng tử méo, cổ vẹo, lưng cong vẹo, xương lưỡi hái bị vẹo, ngắn, dị dạng, đi bằng đầu gối, khèo chân, hở rốn, ngón chân bị cong, sưng bàn chân, lông phát triển kém. Công việc chọn lọc được tiến hành như sau:
Nếu đàn gà vào chọn được nuôi trong nhiều ô chuồng thì chọn theo từng ô độc lập. Mục tiêu là giữ lại những cá thể tốt nhất của từng ô.
Xác định khối lượng cơ thể trung bình của từng ô bằng cách cân chọn mẫu từ 10 – 20% số gà có mặt trong từng ô, sau đó tiến hành cân từng cá thể. Căn cứ vào khối lượng sống trung bình của từng mẫu, ngoại hình và số gà cần chọn của từng ô, mà quyết định giữ lại những cá thể nào làm giống.
Chọn gà lúc 19 – 20 tuần tuổi
Trước khi đàn gà được chuyển lên chuồng gà đẻ để ghép trống mái, cần tiến hành chọn lọc lần thứ 3. Các tính trạng được chọn lọc trong giai đoạn này chủ yếu là ngoại hình và thể chất.
+ Đối với 2 dòng trống: Chọn những cá thể đạt khối lượng chuẩn, khoẻ mạnh nhanh nhẹn, bộ lông phát triển, màu và tích tai to màu đỏ tươi, hai chân chắc chắn cân đối, không dị tật về ngón, dáng đứng tạo với mặt nền chuồng một góc 45o. Loại bỏ những cá thể quá gầy, dị tật . Tỷ lệ trống được giữ lại 12 – 13% so với dòng mái. Sau đó sẽ loại thải dần trong qua trình khai thác trứng giống để đạt tỷ lệ trống so với mái khoảng 9 – 10%.
+ Đối với 2 dòng mái: Giữ lại những cá thể có khối lượng sống đạt xấp xỉ trung bình của đàn, bộ lông bóng mượt, mào và tích tai phát triển màu đỏ tươi mỏ và 2 chân chắc chắn cân đối, khoảng cách xương chậu và mỏm xương lưỡi hái rộng, bụng mềm, lỗ huyệt rộng cử động. Loại bỏ những cá thể gầy yếu, dị tật.
Chọn lọc giai đoạn gà đẻ
Để giảm bớt sự lãng phí về thức ăn, trong qua trình khai thác trứng giống, định kỳ hàng tháng một lần tiến hành loại thải những cá thể đẻ kém theo một số đặc điểm ngoại hình sau: Những cá thể có mào và tích tai kém phát triển, màu nhợt nhạt, lỗ huyệt nhỏ, khô, ít cử động, những cá thể vào giai đoạn cuối khai thác trứng mà bộ lông vẫn bóng mượt, lông lưng và lông cổ vẫn còn nguyên vẹn thì chứng tỏ rằng những cá thể đó đẻ kém cần phải loại thải. Một công đoạn quan trọng trong công tác giống đối với gà ông bà là chọn phối giữa các dòng. Những con trống và mái đưa vào thử nghiệm lai phải được chọn lọc kỹ càng, đặc trưng cho các dòng hoặc giống về năng suất, ngoại hình, đồng thời người chọn giống phải biết chọn phối thích hợp nhằm củng cố hoặc tạo ra ưu thế lai về một số tính trạng mong muốn ở con lai.
Cácphương pháp lai tạo giống
Khác với nhân giống thuần, lai giống là cho giao phối những cá thể thuộc các dòng hoặc các giống khác nhau. Bản chất di truyền của lai tạo giống là nâng cao ưu thế lai của đời con, là cơ sở nâng cao năng suất và sức sống của gia súc, gia cầm. Lai là sự đối lập với phương pháp nhân giống thuần. Theo quan điểm di truyền học trong lai tạo giống có sự tổ hợp của các yếu tố di truyền khác nhau. Như vậy lai giống sẽ làm tăng dị hợp tử gen. Tuỳ thuộc vào mục đích của công tác giống trong chăn nuôi gia cầm, có thể áp dụng các phương pháp lai giống khác nhau:
– Lai kinh tế (còn gọi là lai thương phẩm): Đây là phương pháp lai chính trên cơ sở chọn lọc những giống thuần có những tính trạng năng suất nổi bật có thể bổ sung cho nhau.
– Lai cải tiến (thêm hay pha máu).
-Lai cải tạo hay lai cấp tiến.
– Lai gây thành.
+ Lai kinh tế
Đó là phương pháp lai giữa hai cá thể thuộc 2 dòng hoặc 2 giống khác nhau để tạo con lai F1 làm sản phẩm. Con lai F1 này không sử dụng để làm giống. Các ví dụ về lai kinh tế trong chăn nuôi gia cầm ở nước ta như sau: Lai giữa dòng: Lai giữa 2 dòng, lai giữa 3 dòng, lai giữa 4 dòng, lai giữa 2 giống. Lai kinh tế dựa vào hiện tượng sinh học là ưu thế lai, nhằm tạo các con lai có năng suất và sức sông cao. Phương pháp lai kinh tế tuy đơn giản, nhưng để ổn định tính chất của sản phẩm ở con lai nuôi thịt hay đẻ trứng, khi sử dụng các cá thể đực, cái đưa vào giao phối phải chọn lọc kỹ lưỡng và cần nghiên cứu những tính trạng trội vốn có ở chúng nhằm tổ hợp được những tính trạng mong muốn ở con lai. Tùy theo từng tính trạng mà mức độ biểu hiện khác nhau ở con lai. Có tính trạng nằm trung gian giữa hai giống gốc bố và mẹ, có tính trạnh thiên về bố hoặc thiên về mẹ. Thông thường tính trạng khối lượng cơ thể của con lai F1 nằm trung gian giữa bố và mẹ.
+ Lai cải tiến (lai pha máu)
Trong trường hợp một dòng, một giống đã đạt được các tiêu chuẩn cần thiết, nhưng còn thiếu một vài đặc tính theo yêu cầu (ví dụ sản lượng trứng cao nhưng khối lượng trứng hơi bé) thì dùng phương pháp lai cải tiến. Phương pháp này còn gọi là phương pháp lai pha máu vì trong quá trình lai tạo, người ta có thể dùng đực của một giống khác có mang tính trạng mong muốn nhưng chỉ dùng 1 lần, không dùng liên tiếp. Khi tiến hành lai cải tiến cần chú ý là các con lai phải giữ nguyên được những đặc tính cơ bản của giống gốc. Vì vậy con trống, mái lai đời đầu tiên tốt nhất phải cho giao phối với con trống, mái thuần chủng của giống được cải tiến. Tiếp đó các con lai cho tự giao (nghĩa là giống được cải tiến mang 1/4 máu của giống cải tiến), hoặc cho giao phối thêm một đời nữa (tức đời III) rồi mới chuyển sang tự giao (nghĩa là mang 1/8 máu của giống cải tiến).
Khi áp dụng phương pháp lai cải tiến cần chú ý chọn lựa cẩn thận con trống của giống cải tiến, vì nó đóng vai trò rất quan trọng là di truyền các đặc tính tốt cho giống được cải tiến. Nếu đặc tính này mang, tính di truyền trội lại càng tốt. Việc giữ được các đặc tính mới bổ sung ở đời sau rất quan trọng. Vì trong phương pháp này việc dùng con trống cải tiến thường chỉ một lần, cho nên phải làm thế nào để giữ được tính trạng đó, điều này liên quan mật thiết đến việc chọn lọc con tốt nhất và chọn phối để củng cố tính trạng mong muôn. Phương pháp lai cải tiến hay pha máu trong điều kiện của nước ta cần áp dụng rộng rãi bởi vì các loại gia cầm của nước ta có những đặc tính quý như: mắn đẻ, chóng thành thục, chịu đựng kham khổ tốt… nhưng sản lượng trứng và tăng trọng thấp, cho nên cần bổ sung thêm các đặc tính tốt về năng suất của giống gia cầm cao sản vào các giống gia cầm nội.
+ Lai cải tạo
Phương pháp này được áp dụng khi cần cải tạo một giống nào đó không đáp ứng được nhu cầu về kinh tế. Theo phương pháp này, người ta dùng một giống cao sản để cải tạo giống địa phương. Khác với phương pháp lai cải tiến phương pháp này cho phép lai F1 liên tục với con đực của giống cải tạo trong nhiều thế hệ, chừng nào mà con lai sinh ra đáp ứng được những yêu cầu của người lai giống. Thông thường quá trình lai tạo sẽ ngừng ở đời III – V. Qua mỗi thế hệ lai tạo, tỷ lệ máu (hiểu theo nghĩa tần số gen) của quần thể nền được cải tạo giảm đi 50%, đến đời V chỉ còn 3,12%. Kết quả của nhiều thí nghiệm cho thấy nếu dùng một giống cao sản cải tạo một giống địa phương, phổ biến là dùng một giống cao sản ôn đới để cải tạo giống địa phương nhiệt đới thì nên dừng ở mức 1/8 máu của giống gia cầm nền được cải tạo và 7/8 máu của giống cải tạo. Một điều cần chú ý khi áp dụng phương pháp lai này là điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng phải đạt tôi ưu. Trên thế giới, nhiều giống gia cầm mối đã được tạo ra theo phương pháp này. Ví dụ: giống gà trắng Nga.
+ Lai gây thành
Đây là phương pháp lai được áp dụng khi tạo giống mới, với sự phối hợp của nhiều giống, mỗi giống có những đặc tính mong muốn riêng. Bản chất của phương pháp lai phối hợp là ở chỗ con lai phức hợp ở thế hệ thứ hai và thứ ba tự giao. Điều cần chú ý trong khi tiến hành phương pháp lai này nếu nhận thấy tính trạng nào đó đã đạt được yêu cầu thì phải dùng giao phối cận huyết vừa để củng cổ tính trạng đó và phải tiến hành chọn lọc rất khắt khe và chọn phối có nghệ thuật. Hầu như các giống gà thịt, trứng cao sản trên thế giới đều được tạo ra bằng phương pháp lai tạo này. Tuy nhiên, lai tạo giống mới là một công việc phức tạp đời hỏi chi phí lốn về thời gian và kinh phí.