23/05/2018, 15:21

Bàn luận về thú chơi đá gà

Thú chơi đá gà trên thế giới Trò chơi đã có từ thuở xa xưa, khỏi sự từ những vùng văn minh đầu tiên của nhân loại, rồi sau đó được lan truyền đi các nơi. Nhiều, người cho rằng, chính những thương gia người Phéniciens đã du nhập gà vào những vùng mà họ có liên lạc buôn bán, cũng như các đoàn quân ...

Thú chơi đá gà trên thế giới

Trò chơi đã có từ thuở xa xưa, khỏi sự từ những vùng văn minh đầu tiên của nhân loại, rồi sau đó được lan truyền đi các nơi. Nhiều, người cho rằng, chính những thương gia người Phéniciens đã du nhập gà vào những vùng mà họ có liên lạc buôn bán, cũng như các đoàn quân đi chinh phục của người Hy Lạp và La Mã đã đem gà tới những nơi mà họ đã chiếm cứ được. Việt nam cũng không ra khỏi thông lệ đó, đối với ảnh hưởng của người phương Bắc.

Ở thời đại phong kiến, nhiều quốc gia trên thế giới có tục lệ chơi , một tục lệ thường được các vị vua chúa và quan lại trong triều đình ưa thích. Cũng như trò chơi giải trí về đua ngựa và đua chó săn, các cuộc đá gà, ở một số nước châu Âu và Trung hoa, vào thời kỳ phong kiến ấy, cũng rất được thịnh hành.

Lúc đầu, tại các cung điện nhà vua, người xưa chỉ tìm cái thú vui là để thấy con gà trống đá nào thắng: con gà nhạn (sắc trắng) hay con gà ô (lông đen) hoặc con tía vỉa (màu tía, sở trường đá đòn vỉa, tức đòn luồn)? Nhưng khi những cuộc đá gà đã được phổ quát trong các tầng lớp dân chúng thì thú vui ấy đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự say sưa đánh cuộc. Thay vì đánh cuộc trong các trận đua ngựa, thì họ lại đánh cuộc trong các trận đá gà.

Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đã có luật cấm trò chơi đá gà vì nhiều lý do, nhưng vẫn còn 27 quốc gia hay miền xứ, hoặc được chính quyền giả lơ để người dân tổ chức, hoặc công khai cho phép như ở quần đảo Antilles, quần đảo Nam dương… và đặc biệt là hải đảo Bali, nơi rất nổi tiếng về các đấu trường đá gà.

Ai cũng biết đặc tính bẩm sinh của gà trống là hiếu chiến. Loại gà trống nào cũng thích kèn cựa nhau dù ở tình trạng nào: hoang dã ngoài rừng núi hay được dưỡng nuôi trong các gia đình. Tuy nhiên, có một vài giống gà lại hiếu chiến hơn, một vài loại có sức mạnh hơn. Và đôi khi, trong cùng một loại, lại có những con có dị tướng, có những ngón đòn lạ… mà người ta thường bảo là “thần kê”. Đó là lý do thúc đẩy những ai muốn chơi gà chọi thì cần phải tìm tòi và chọn lựa.

Vào thời phong kiến, thú chơi đá gà này có lúc rất thịnh hành trong nhiều đế quốc, nhất là khi được nhà vua và triều đình ưa thích. Chẳng hạn như ở Anh quốc, vào thế kỷ XVII, dưới triều vua Charles II, những cuộc đá gà đã được đặt thành luật lệ, mang tầm cỡ quốc gia, được to chức ngang hàng với những cuộc đua ngựa.

Ở Tây Ban Nha, đá gà là môn thể thao đã và đang tồn tại qua hàng ngàn năm. Chưa ai biết đích xác môn thể thao này du nhập qua Tây Đan Nha từ thời nào, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng nó được truyền bá qua thương gia từ các vùng Trung Đông. Ngày nay, đá gà vẫn là bộ môn thể thao phổ biến tại những vùng như: Bilbao, Oviedo, Madrid, Barcelona và Valencia. Chọi gà. Tranh khắc của Henri Oger(1908)Chọi gà. Tranh khắc của Henri Oger(1908)

Ở Mỹ, đá gà cũng có thời rất thịnh hành. Tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson và Abraham Lincoln là những người rất ham mê đá gà. Thời đó, đá gà được xem là một môn thể thao của giới đàn ông sành điệu. Có lúc những cuộc chọi gà được tổ chức ngay trong phòng của tổng thống! Đến khi cuộc nội chiến xảy ra, môn đá gà từ đó suy tàn theo thời gian. Cho đến nay, chỉ có bang Louisana và một phần bang New Mexico cho phép đá gà, còn các bang khác đều có luật cấm đá gà.

Ở Trung hoa, từ đời nhà Đường (618 – 907) đến nhà Nguyên (1280 – 1341) rồi nhà Thanh (1644 – 1795)…tục lệ chơi đá gà cũng rầm rộ không kém. Ngay cả đến Việt Nam, dưới đời vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293), các tướng sĩ cũng rất ham mê đá gà.

Sự ham mê này kéo dài rất lâu. Linh mục Richard (1778), trong cuốn Histoire Naturelle, Civile et Politique du Tonkin đã cho biết: Vào cuối thế kỷ XVIII, đời chúa Trịnh – Khải (1783 – 1786), để trống đá, nhà chúa đã đặt một ông quan phụ trách trống coi. Nếu vị quan này lơ là trong việc nuôi dưỡng và huấn luyện gà, sẽ bị trừng phạt rất nặng.

Chơi đá gà, dù ở phương Đông hay phương Tây, không chỉ là một trò chơi giải trí, mà kèm theo đó, có việc đánh cá, một lối chơi cờ bạc. Không biết có phải vì cờ bạc mà nhiều nước trên thế giới đã có luật lệ cấm ngăn? Hay ngăn cấm, chỉ vì cho rằng, đó là trò chơi dã man? Nhưng dù sao chăng nữa, hiện giờ cũng vẫn còn có nhiều nước và nhiều miền tổ chức.

Thú chơi đá gà ở nước ta

Thú chơi gà nòi và truyền thống đá gà tại Việt Nam đã có từ lâu đời, có thể hơn 700 năm trước vào thế kỷ thứ XII. Trong thời gian đầu, khi sở thích chơi gà nòi được bắt đầu phát triển cho một số bậc vua chúa quyền quý và sau đó lan rộng ra chốn dân giã, những tài liệu về văn chương được truyền tụng đã bị thất lạc hoặc tiêu huỷ và lấy mất do những lần Việt Nam bị nước Trung Quốc xâm lăng và thống trị. Lịch sử Việt Nam ghi lại những lần trở lại đô hộ Việt Nam, các sách vở quý giá đều bị người Trung Quốc tịch thu và đốt cháy để áp dụng chính sách “ngu dân” hòng thống trị Việt Nam lâu dài. Những tài liệu hướng dẫn về cách chọn lựa xem tướng gà nòi chỉ xuất hiện gần đây vào thế kỷ thứ XVII. Một trong những người tiên phong trong việc biên soạn và để lại cho hậu thế nguồn tài liệu quý giá là Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), một trung thần có công bình định và xây dựng tỉnh Gia Định ngày nay dưới thời vua Gia Long (Nguyễn Ánh).

Tục truyền Tả quân Lê Văn Duyệt đã nuôi 5.000 con chiến kê để nghiên cứu về các thể loại như Ngũ hành luận dựa trên sắc lông, phép xem tướng và phép xem vảy. Một trong những thủ bản cẩm nang về gà nòi còn được truyền tụng đến ngày nay là “Kê kinh”, mặc dù do bản sao chép lại đã “tam sao thất bổn” nhưng vẫn còn nhiều giá trị và được các sư kê và các tay chơi gà gối đầu giường và dùng làm “kim chỉ nam” cho việc chọn và xem tướng gà nòi.

Một điển tích khác trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ thứ XIII đó là dưới thời nhà Trần, cựa gà nòi được nhắc đến trong bài Hịch tướng sĩ trong Hưng Đạo Đại vương liệt truyện. Vào thời đó, thú chơi gà nòi đã trở thành một hiện tượng rất phổ thông trong dân gian. Khi hiểm hoạ của giặc Mông cổ với một đạo quân hùng hậu dưới thời vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt tràn sang biên giới để xâm lăng nước Đại Việt vào năm 1258. Ở vào tuổi 30 Tam thập như lập Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thống lãnh quân đội để chống lại giặc “Thát Đát” . Để cảnh tỉnh binh sĩ và dân chúng chỉ lo mải mê với thú chơi gà nòi mà quên đi mối họa nước mất nhà tan, ngài đã cảnh tỉnh quân lính bằng lời hiệu triệu:

“Hùng kê chi cự, bất túc dĩ xuyên lỗ giáp

Đổ bác chi thuật, bất túc dĩ thi quân mưu”.

Diễn thơ:

Đúng có lúc quân Mông, Thát tới,

Cựa gà không chọc nổi áo da,

Những nghề cờ bạc tinh ma,

Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân?

Ngày nay các tay chơi gà nòi có thể tham khảo về những kỹ thuật nuôi, tập luyện và chuẩn bị gà ra trường từ các tay chơi gà nòi đầy kinh nghiệm và lão luyện đã từng sống tại Hà Nội với dòng gà Mã lại (Mã mái) vào những năm của thập niên 30. Một số tài liệu, ấn bản về nghệ thuật và văn chương truyền khẩu qua cách chơi gà nòi đã được ghi nhận lại vào thời kỳ tiền chiến (1945). Vào thời này ở miền Bắc có nhiều trường gà (sới) cho các tay chơi gà nòi so tài cao thấp với số người tham dự lên đến cả hàng ngàn người.

KS. Nguyễn Hoàng

0