25/05/2018, 17:46

Tiếp xúc văn hóa Việt Nam và Pháp (phần 3/3)

Phan Ngọc Quá trình giải thể cấu trúc Mặc dầu thời gian dài chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Pháp chỉ sáu mươi năm, có thể nói văn hóa Việt Nam đã thay đổi rõ rệt hơn thời gian dài tiếp xúc với văn hóa Hán trên hai nghìn năm. Xét về bề mặt, mọi mặt của văn hóa Việt Nam ...

Phan Ngọc

         Quá trình giải thể cấu trúc

Mặc dầu thời gian dài chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Pháp chỉ sáu mươi năm, có thể nói văn hóa Việt Nam đã thay đổi rõ rệt hơn thời gian dài tiếp xúc với văn hóa Hán trên hai nghìn năm. Xét về bề mặt, mọi mặt của văn hóa Việt Nam trước đây đều mang hình thức Trung Quốc, song văn hóa Trung Quốc không tạo nên được một sự thay đổi về hệ tư tưởng. Đó là vì Việt Nam và Trung Quốc đều là biểu hiện cùng một phương thức sản xuất gọi là phương thức sản xuất châu Á, đều là những biểu hiện của nền kinh tế cống nạp. Có sự khác nhau về trình độ, nhưng không khác nhau về bản chất. Dưới một chế độ như vậy, người dân chỉ có quyền hưởng dụng, không có quyền sở hữu, quyền sở hữu là quyền của nhà vua về danh nghĩa, nhưng thực ra là để phục vụ bộ máy quan liêu. Kết quả, không thực sự có giai cấp, nên mọi người chỉ cần thi đỗ là làm quan, và mội người làm quan thì cả họ được nhờ, và ngược lại một người phạm tội, cả họ bị trị tội.

Cũng vậy, không có hàng hóa theo nghĩa đen của chữ này, tức là một vật mà mọi người phải mua với một giá như nhau. Cũng không có pháp luật, theo nghĩa là những qui định chung áp dụng như nhau cho mọi người, khách quan. Ở đây, tục lệ gần như thay thế pháp luật, và pháp luật chỉ chú trọng đến hình luật, tức là những qui định về sự vi phạm tục lệ, mà hầu như không có dân luật, khi quyền lợi một người thay đổi theo cương vị trong tôn ti, trong đó có vai trò của lí lịch là cực kì quan trọng. Ở một xã hội như vậy, tôn ti là tất cả, chứ không phải là tài năng, sức lao động. Tôn ti cai trị biểu hiện thành bổng lộc, những đặc quyền theo cấp bậc. Tiền lương thực tế không đáng kể, mà sự hưởng thụ là dựa trên bổng lộc. Toàn bộ bộ máy nông thôn sống đơn thuần bằng bổng lộc, mà không có lương. Dân phải nộp cả thuế lẫn tô. Tô và thuế là được qui định chung cho từng làng rồi sau đó bộ máy hào lí qui định phần đóng góp của từng hộ. Lễ là then chốt, cái chìa khóa làm xã hội này vận hành. Người ra phải học nó từ nhỏ và phải suốt đời theo nó. Mục đích của lễ là củng cố tôn ti bằng một hình thức đẹp, đôi khi có vẻ dân chủ. Do đó, có họp làng, cúng tế, khao vọng, lễ hội. Dĩ nhiên, đã có sự thay đổi khi triều đại Nguyễn thay thế triều đại Lê, khi ông quan này thay ông quan khác. Nhưng các nguyên lý làm kỉ cương cho xã hội không hề thay đổi. Chính vì vậy sự tiếp thu văn hóa Hán, xét cho cùng chỉ là cấp những hình thức mới, có thể đẹp mắt hơn, nhưng không xảy ra hiện tượng cấu trúc hóa lại văn hóa cũ, trước hết bằng cách giải thể cái cấu trúc cũ, tổ chức nó lại theo một kiểu mới. Khi tiếp xúc với Pháp, dần dần diễn ra một sự giải thể cấu trúc. Quá trình này cho đến năm 1945 vẫn chưa trọn vẹn, nhưng điều cơ bản đã xuất hiện. Việt Nam, từng bước một, rời khỏi phương thức sản xuất châu Á để nhập vào guồng máy chung của thế giới.

Trước hết, là sự ra đời những thành phố. Văn hóa Việt Nam trước đây là văn hóa làng mạc. Một thành phố chỉ có giá trị chính trị, quân sự và là trung tâm cai quản một vùng nông thôn rộng lớn. Nó có thành lũy để bảo vệ, trong đó có quan lại, quân đội, các kho lúa, kho tiền, kho hàng hóa. Còn phố xá, dân buôn dứt khoát nằm ngoài sự che chở này. Các phố xá chỉ là cái đuôi của nông thôn để bán các sản phẩm của nông thôn (nông phẩm, đồ thủ công) mà dân thành phố cần. Ai làm chủ thương nghiệp? Nội thương, ngoại thương là do quan lại điều khiển, những con người như Trương Phúc Loan ở thế kỷ XVIII, chẳng biết gì thương nghiệp, nhưng có quyền. Vật bán ra chưa phải hàng hóa, chỉ là quà tặng, cái để bắt chẹt ai cần nhưng không có thế lực. Cả một hệ thống quan lại bắt chẹt dân buôn.

Có một sự thay đổi cơ bản. Ở nông thôn, nó biểu hiện rõ nét nhất ở Nam Bộ. Ở đây, làng mạc không phải là những ốc đảo có lũy tre bao bọc mà nhà cửa chạy dài theo các đường giao thông thủy, bộ. Sản xuất là để bán không phải để tự túc. Đồng tiền trở thành vật ngang giá cho mọi hàng hóa. Có nền kinh tế hàng hóa. Thành thị điều khiển nông thôn. Không có thổ ngữ. Từ Bình Thuận đến Cà Mau nói cùng một phương ngữ. Không những chế độ tư hữu xuất hiện, mà chính nó trở thành thước đo về giá trị độc lập với địa vị xã hội, lí lịch.

Điều này đã từng gây phẫn nộ khi những con người được đề cao là một chú khách ở “pên Tàu” sang, mà quá khứ rất hèn kém; khi đó là một “chú Mán”, một me Tây, một con đĩ, thậm chí những tên vô lại, lưu manh ăn bám vào thực dân, đàn áp đồng bào, vơ vét ruộng đất của nông dân. Với tình trạng đồng tiền là bá chủ, thì mọi tệ nạn do đồng tiền gây nên cũng xuất hiện. Nhưng văn hóa học cần xét văn hóa độc lập với đạo đức. Điều quan trọng nhất là văn hóa từ chỗ là quà tặng trở thành hàng hóa, một đối tượng để kiếm tiền. Quà tặng này có thể là lớn như điện thờ Angkor, lăng tẩm Huế, có thể là nhỏ như một bài thơ, nhưng mục đích dẫn tới việc sáng tạo không phải là để kiếm tiền, mà để có được một ân huệ, và đối tương nhận quà tặng là rất hẹp. Còn văn hóa hàng hóa lại có mục đích thỏa mãn yêu cầu một số người càng đông càng tốt, để đem đến thu nhập cho người chế tạo, tổ chức. Nó là một bộ phận của kinh doanh văn hóa. Cùng một vật, tùy giai đoạn lịch sử, có thể thuộc hai văn hóa khác nhau. Một cung điện xây dựng lên để phục vụ một ông vua, chỉ là văn hóa quà tặng, Nhưng khi nó trở thành đối tượng cho khách du lịch tham quan thì lập tức nó chuyến thành văn hóa hàng hóa. Và để lấy tiền hàng triệu du khách, sẽ có sự thiết kế thích hợp (đường sá, giao thông, khách sạn, quảng cáo, vật lưu niệm để bán, người hướng dẫn,…).

  Điều này đã xảy ra đối với việc học. Trước kia, việc học thực hiện chủ yếu ở nông thôn. Mục đích của nó là đào tạo những người bảo vệ trật tự cũ, chế độ cống nạp, cái tôn ti đã có. Giờ đây, là những người được đào tạo theo một khuynh hướng khác hẳn. Họ chỉ biết tiếng Việt và tiếng Pháp (ở những mức độ khác nhau), không biết chữ Hán đủ để đọc sách cổ. Họ hiểu Pháp và phương Tây hơn là Việt Nam và Trung Quốc. Họ có óc phê phán đối với quá khứ, và không chấp nhận kinh tế cống nạp. Họ coi trọng chế độ tư hữu, thích tự do, dân chủ, và xã hội theo pháp luật. Nếu như Nho giáo vẫn còn địa vị trong gia đình, thì họ thấy rõ nó đã mất địa vị trong xã hội. Đối với những người từ trình độ cao đẳng tiểu học trở lên, thì vai trò của văn hóa Pháp là chủ đạo. Có một sự đứt đoạn ở thế hệ sinh sau năm 1910. Khi họ hai mươi tuổi thì ảnh hưởng Nho giáo đã rất phai nhạt trong xã hội thành thị. Mọi người đều nhận thấy một điều hiển nhiên là phải chuyển sang hệ tư tưởng phương Tây với tự do, bình đẳng, pháp luật, dân chủ.

Con người báo trước sự chuyển biến to lớn này là Phan Châu Trinh (1872-1926). Công trình tiếng Việt tốt nhất về ông là tác phẩm của GS Huỳnh Lý (Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp – NXB Đà Nẵng, 1993). Chính Phan Bội Châu đã viết cảm tưởng của mình năm 1926, sau khi người bạn lớn qua đời: “Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng? Đón ông về nước, tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay dặn mấy lời sau hết: “Từ thế kỉ XIX về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng của một nước gửi trong tay một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ! Thế mà nay bác còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?”. Ông nói thế, lúc đó tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã hơn hai mươi năm rồi, lời ông càng lâu càng nghiệm. Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông”. Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được!”.

Lớn hơn Nguyễn Ái Quốc 18 tuổi, đỗ Phó bảng năm 1901, cùng một khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Nguyễn Ái Quốc, ông là linh hồn phong trào Duy tân cả nước. Tôi nhận thấy những lời đánh giá dưới đây của GS Huỳnh Lý là khách quan và đúng đắn: “Trên con đường cứu nước, Phan Châu Trinh là một nhân vật hiếm hoi đã có quan hệ với hầu hết những khuynh hướng, nhân vật chính trị quan trọng nhất phong trào giải phóng dân tộc một phần tư đầu thế kỷ XX từ Phan Bội Châu, Trần Quí Cáp, các sĩ phu phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Hoàng Hoa Thám cho đến Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Tường, Nguyễn An Ninh,… Ông là người đã lăn lội ra Bắc gặp các yếu nhân của Đông Kinh nghĩa thục, lên Phồn Xương gặp Đề Thám, sang Nhật gặp Phan Bội Châu, rồi sau này khi phải sống ở Pháp, Phan Châu Trinh trở thành hạt nhân tập hợp những người Việt Nam yêu nước khác…”.

Xét theo quan điểm hiện đại, quan điểm của Phan Châu Trinh là quan điểm tư sản dân tộc. Nếu như quan điểm này được Pháp chấp nhận, như Anh chấp nhận đối với Gandhi, thì Việt Nam tránh được ba mươi năm binh lửa mà Pháp, Mỹ cũng đỡ hao tiền, tốn của, mất hàng chục vạn thanh niên, mà kết quả là xôi hỏng bỏng không, chế độ thực dân cũ và mới bị sụp đổ. Nhưng nhắc chuyện quá khứ làm gì?

Có thể nói Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc là ba giai đoạn khác nhau cùng biểu hiện sự chuyển biến của một bản sắc văn hóa thống nhất, trong đó Nho giáo Việt Nam (không phải Nho giáo Trung Quốc) có vị trí nhất định. Phan Bội Châu, trong khi chủ trương bạo động, khởi nghĩa, vẫn còn chờ đợi sự giúp đỡ của Nhật, Trung Quốc, vẫn còn duy trì chế độ quân chủ, dù đây là chế độ quân chủ lập hiến kiểu Nhật Bản. Trong Pháp – Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Châu Trinh đã thấy rõ đó là cách “đuổi hổ cửa trước, rước hùm cửa sau”, sẽ đưa tới cảnh “dịch chủ, tái nô” (thay đổi chủ lại bị nô lệ lần nữa). Ông chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” (làm chí khí nhân dân vững mạnh, trí tuệ nhân dân mở mang, đời sống nhân dân dồi dào). Chủ trương không bạo động, dựa vào Pháp cầu tiến bộ chẳng qua là chiến thuật để “tự lực khai hóa”, tranh thủ thời gian để đi đến tự trị và dành độc lập. Phan Châu Trinh cùng với Nguyễn Ái Quốc, trong năm 1921 cùng ở nhà của Phan Văn Tường số 6 Villa des Gobelins. Ba người nhiều lần đến cả chi bộ Đảng Xã hội theo Đệ Tam quốc tế (sau này là Đảng cộng sản Pháp). Phan Châu Trinh không hề chống lại chủ nghĩa cộng sản. Bức thư ông gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922 viết: “Bấy lâu nay tôi cùng anh và anh Phan (Phan Văn Tường – P.N) đàm đạo nhiều việc mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi; còn tôi lại không thích cái phương pháp ngoại ngọa chiêu hiền, đãi thời đột nội (nằm ngoài nước chiêu tập những người tài giỏi, đợi thời xông vào nước) của anh, và cả cái phương pháp dùng lý thuyết thâu nhân tâm của anh Phan. Bởi phương pháp bất hòa, mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng người hủ nho thủ cựu, cái điều anh gán cho tôi đó, tôi chẳng giận anh tí nào cả… Thực tình, từ trước đến nay, tôi chẳng hề khinh thị anh, mà tôi còn phục anh nữa là khác… Bởi vậy, tôi thành tâm mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ kia đi để mà mưu đồ đại sự, tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng bọn mình cùng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”. Như vậy là giữa các ông, chỉ có sự khác nhau ở biện pháp, còn mục đích cứu nước là thống nhất.

Hai nhà Nho Việt Nam lớn nhất thế kỷ này, cuối cùng đều đến với chủ nghĩa xã hội. Phan Bội Châu viết Chủ nghĩa xã hội, xem đó là con đường cứu nước. Phan Châu Trinh, cuối cùng nhận thấy thực dân Pháp không chấp nhận bất kỳ một sự cải cách nào có lợi cho nhân dân Việt Nam, lời trối trăng cuối cùng của ông với Huỳnh Thúc Kháng là: “Độc lập của dân tộc ta sau này sẽ cậy có Nguyễn Ái Quốc”. Bài Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925) kết luận: “Nay nước ta muốn độc lập, tự do phải có đoàn thể, phải truyền bá chủ nghĩa xã hội”. Phó bảng Phan Châu Trinh (1972-1926), tiến sĩ luật Phan Văn Trường (1875-1933), cử nhân luật Nguyễn An Ninh (1900-1943), tuy không vào Đảng cộng sản đều là những người hướng về chủ nghĩa xã hội, và làm thành khâu nối của truyền thống văn hóa yêu nước sang giai đoạn mới. Không những thế, khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925), tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản, ta thấy trong hàng ngũ của nó có những nhà Nho như tú tài Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Hồ Tùng Mậu,… và con cái họ chiếm địa vị nổi bật.

Như vậy là sự tiếp xúc văn hóa với Pháp đã dẫn tới một kết quả cực đoan, do chỗ thực dân Pháp ngoan cố, không chấp nhận một sự san sẻ quyền lợi nào hết. Nó chỉ muốn có những tay sai. Nó đã phản bội văn hóa của Pháp. Nó không hiểu người Việt Nam, do bản sắc văn hóa của mình qui định, sẵn sàng tiếp nhận văn hóa Pháp, và biết nhân nhượng, nhưng không chịu mất nước làm nô lệ cho ai hết. Một khi thực dân không chấp nhận, thì Việt Nam sẵn sàng đi con đường đạt đến mục đích, bất chấp mọi khó khăn gian khổ…    

          Đóng góp của văn hóa Pháp

Chế độ giáo dục của Pháp thực tế đã đổi mới nhận thức của dân tộc, dù cho số người được đào tạo không nhiều. Điều này nằm ngay trong bản chất của văn hóa Pháp. Đặc điểm của văn hóa Pháp là một chủ nghĩa duy lý nhìn đối tượng ở khía cạnh toàn nhân loại, chống mọi giáo điều, đề cao cá nhân, chấp nhận đối thoại, và đòi hỏi sự phân tích triệt để. Nó là thứ văn hóa đối lập triệt để với văn hóa truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc, còn triệt để hơn là văn hóa Mỹ và văn hóa Anh. Nếu như văn hóa Mỹ còn có chỗ gần với văn hóa truyền thống Việt Nam là tính thực dụng, chấp nhận cái siêu logic miễn là có lợi; nếu như văn hóa Anh còn có chỗ gần là lấy kinh nghiệm làm nền tảng, thì văn hóa Pháp gạt bỏ tính vụ lợi, cái siêu logic, mà đòi hỏi sự hiển nhiên về logic, sự sáng rõ về lập luận, và sự thấu triệt về phân tích: Xét về nguồn gốc, nó tiêu biểu bởi Montaigne ở thế kỷ XVI, khi ông lấy chính mình làm đối tượng nghiên cứu, và phát hiện ra cái toàn nhân loại qua sự phân tích cá nhân Montaigne. Sang thế kỷ XVII, nó chuyển thành xu hướng cổ điển với tham vọng tìm hiểu cái bất biến ở con người bất chấp dân tộc, thời đại và hoàn cảnh. Sang thế kỷ XVIII, nó chuyển thành phong trào ánh sáng với chủ nghĩa bách khoa toàn thư và mang một nội dung xét lại. Nó chống lại toàn bộ quá khứ về chính trị, xã hội, nhân danh những nguyên lý mới mang tính toàn nhân loại: dân chủ, tự do, bình đẳng. Nó nêu lên ba nguyên lý sẽ làm chủ thế giới cho đến ngày nay: Khoa học, tiến bộ, chủ nghĩa nhân đạo. Đó là cái thế kỷ mà văn hóa Pháp làm bá chủ thế giới, quý tộc châu Âu nói tiếng Pháp. Từ chỗ xét lại quá khứ về lý luận, nó đi đến chỗ đưa các nguyên lý nó phát hiện được vào thực tế, và dẫn tới cuộc cách mạng vĩ đại 1789, một trang mới mẻ xán lạn trong lịch sử loài người. Nhưng văn hóa Pháp vẫn có những nhược điểm mang tính bản chất. Thực tế xã hội, con người không đơn giản đến mức có thể quy bằng những sơ đồ hình học, và khi làm thế, sẽ có các sơ đồ chết cứng và giả tạo. Kết quả là, chế độ nó dựng lên, dù với nhiệt tình cách mạng cao nhất, vẫn cứ sụp đổ trước thực tế, dẫn tới điều trái ngược là một đế chế chuyên chế; rồi cứ thế, mấy cuộc cách mạng diễn ra trong thế kỷ XIX, và con người lao động mà nó bênh vực vẫn cứ đói khổ. Sự thất vọng này dẫn những chiến sĩ ưu tú nhất của nó tới chủ nghĩa xã hội, rồi chủ nghĩa cộng sản.

Không nền văn hóa nào chống chủ nghĩa thực dân bằng văn hóa Pháp, thế mà cái nghịch lý vẫn diễn ra: nước Pháp có một đế quốc rộng lớn nhất thế giới sau nước Anh, và để bảo vệ đế quốc, nó phải gánh tai họa của hai cuộc chiến tranh thế giới, để rồi sau đó, hao tiền tốn của, chết hàng chục vạn thanh niên, rồi bị trắng tay. Nền văn hóa mà Pháp dạy ở các trường, có thể nói không quá đáng, đã đảo ngược lại toàn bộ truyền thống văn hóa Việt Nam. Trước hết, bởi công cụ của nó là sự phân tích, điều mà một nhà Nho không thể biết được trừ khi anh ta hiểu Phật giáo. Để viết chữ Hán, hay chữ Nôm, chẳng phải phân tích đây là danh từ hay động từ, chủ ngữ hay vị ngữ. Chỉ cần học thuộc lòng một số kiểu câu, rồi theo đó mà đặt. Đến khi nào nhạy cảm với tiết tấu, lập tức từ chỗ mới là một học sinh nhớ sách, anh ta trở thành một tác gia có thể vẫy vùng bằng ngọn bút. Đó là giai đoạn gọi là “hóa”. Có người học mãi không hóa, nên văn viết khô khan, sáo rỗng. Có người chỉ vài năm là “hóa”, và trở thành một thứ pháp sư. Sách Nho giáo không có cái gì gọi là định nghĩa cả. Những chữ “nhân”, “hiếu”,… chẳng qua là những kiểu ứng xử thay đổi tùy theo hoàn cảnh, những chữ “âm”, “dương”, “lý”, “khí” là những kiểu quan hệ. Từ đầu đến cuối, người học chỉ biết phục tùng không thể có thái độ “tự do phê phán”. Đây là lối giáo dục cấp những khuôn mẫu hành vi, có khả năng đảm bảo sự duy trì nguyên vẹn các thể chế của quá khứ. Nó không thể hình dung sự tiến bộ, sự biến đổi thực tế, sự cải tạo thế giới. Nó thèm khát sự ổn định, sự im lìm, dù đó là sự ngưng trệ.

Dĩ nhiên, giáo dục này không biết đến cá nhân, mà tập trung vào việc xây dựng nhân cách. Chữ nhân cách ở đây đúng nghĩa từ “persona” của tiếng Latinh, tức là cái mặt nạ mà diễn viên đeo, qua đó người xem biết cương vị xã hội, tư cách của nhân vật kịch. Một diễn viên có thể đeo nhiều “persona”. Cũng vậy, nhân cách không phải cái tôi sẵn có, mà qua cách đối xử của tôi với những người khác, người ta nắm được nhân cách của tôi. Tùy theo đối tượng có quan hệ với tôi mà tôi là cha, là con, là thầy, là trò, là quan, là dân,… Qua các cách đối xử phù hợp, hay không phù hợp, với những tiêu chuẩn được chọn, mà tôi có nhân cách, hay thiếu nhân cách, có nhân cách cao, hay thấp. Xét cho cùng, đạo Nho yếu về chủ nghĩa nhân đạo. Muốn có một chủ nghĩa nhân đạo, ít nhất phải chấp nhận có một yếu tố chung cho tất cả mọi người, và chỉ cho con người mà thôi, rồi trên cơ sở yếu tố chung ấy mà xây dựng học thuyết. Đạo Nho phân biệt “quân tử” và “tiểu nhân” một cách dứt khoát “Quân tử là gió, tiểu nhân là cỏ” (Luận Ngữ) tách biệt hẳn người cai trị với người lao động.

          Dưới đây tôi tự phân tích những cảm nghĩ tôi đã trải qua, khi chuyển từ chữ Hán tôi học trong gia đình sang chữ Pháp, rồi giải thích nó bằng triết học.

Cái lạ đối với anh chàng Việt Nam là một danh từ chỉ là danh từ mà thôi, không thể là cái gì khác (một tính từ, động từ…), rồi danh từ ấy đã là chủ ngữ thì chỉ có thể là thế, không thể nào là vị ngữ chẳng hạn. Nhưng muốn viết hay nói một câu tiếng Pháp thì trước hết phải phân tích ngữ pháp. Rồi sau đó phải phân tích logic, trong đó câu phụ chỉ thời gian chỉ có thể là thế, không thể là cái gì khác. Rồi sau khi đọc một bài văn, lại phải phân tích ý chính, ý phụ, nội dung, hình thức. Đối với ai học tiếng Latinh hay tiếng Hi Lạp thì sự phân tích này là quan trọng vô cùng. Rồi cứ thế, đến phân tích tác phẩm, tư tưởng, phong cách, triết học,… Đó là thao tác đầu tiên, bên ngoài ngó rất bình thường, nhưng vô cùng quan trọng, sẽ khiến người Việt Nam có một thói quen mới mà cha ông anh ta không biết: qui đối tượng ra thành yếu tố.

Điều mới thứ hai là thái độ phê phán. Cái học của Pháp rất khác cái học cổ xưa ở điểm: giáo viên trình bày khách quan, cho phép học sinh có ý kiến độc lập, ý kiến này có thể khác ý kiến giáo viên. Xưa kia thì khác, mọi ý kiến Tống Nho cho là đúng, thì học sinh cũng phải cho là đúng; mọi ý kiến Tống Nho cho là sai, thì cũng phải cho là sai. Giá trị một ý kiến không phải ở bản thân nó, mà ở cương vị xã hội của người nói. Giờ họ thấy một chàng Rousseau chẳng có một cương vị xã hội nào vẫn có thể là người mở đường cho cách mạng. Tình hình Trung Quốc trước nhà Tần cũng thế: Khổng Tử, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử đều chỉ là những chàng cù bơ cù bất, nhưng từ nhà Tần về sau không còn tình trạng này nữa. Giấc mơ Rousseau sẽ ám ảnh mọi học sinh Việt Nam. Từ nay, một chàng trẻ tuổi Việt Nam sẽ chọn một trong hai con đường mà anh ta cho đều là cao quý. Hoặc là tiếp tục con đường giải phóng đất nước, hoặc là đổi mới văn hóa. Dĩ nhiên,con đường thứ hai có thể mang tính cơ hội. Nhưng nó cũng có thể là một ham muốn tha thiết, chân thành. Và cũng chính vì vậy, trong giai đoạn 1930 – 1940 có những tác phẩm có giá trị đến nay vẫn đầy sức sống.

Điều mới thứ ba là một loạt nguyên lý trước đây không hề có trong chế độ cũ: khoa học, dân chủ, tự do, pháp luật, tiến bộ, kinh tế thị trường, tập trung quanh khái niệm cá nhân. Nó đối lập hai hệ thống nguyên lý cổ xưa: tôn trọng qui phạm, quân chủ, tôn ti, lễ, cương thường, kinh tế tự túc theo cống nạp, tập trung chung quanh khái niệm nhân cách. Diễn ra một quá trình đảo ngược giá trị. Đối tượng xưa tôn thờ thì nay bị đả kích thậm tệ: vua quan, hào lý, tôn ti trong gia đình. Trào lưu này đi từ thành thì đến thôn quê, vào tận gia đình là tế bào của xã hội. Nó xuất phát từ tầng lớp tân học, rồi kéo theo tiểu thương, nông dân, công nhân. Nó biểu hiện thành một cuộc vận động văn hóa rất tiêu biểu vào những năm 1930 – 1940.

Một điều cần thấy là thực dân Pháp là một chuyện, còn những người truyền bá văn hóa Pháp là một chuyện. Dĩ nhiên, là có những thầy Pháp có tư tưởng thực dân, nhưng dù óc thực dân của họ có nặng đến đâu họ cũng phải thừa nhận học sinh Việt Nam thông minh, học giỏi, về trí tuệ chẳng thua gì người Pháp. Họ cũng phải biết trọng những con người trẻ tuổi dưới quyền cai trị của Pháp, chỉ vì một sai lầm về đường lối, chứ cái lớp người này không phải sinh ra để mãi mãi chịu lệ thuộc. Một số khác vẫn trung thành với văn hóa Pháp, được người Việt quí trọng. Những người Việt Nam chân chính biết trọng những người Pháp chân chính, và những người này đã góp phần tạo nên nhân cách. Họ biết vượt qua các thành kiến về tôn giáo, dân tộc, phong tục. Càng thấm nhuần tinh thần quốc tế, họ càng biết trọng các nhân cách cao quí. Và hoàn cảnh một nước Việt Nam mở cửa càng cho phép họ biểu lộ trung thực hơn thái độ sòng phẳng này. Mặt khác, trong cuộc đua tài hằng ngày về học vấn với học sinh Pháp, học sinh Việt Nam dần dần mất cái mặc cảm tự ti dân tộc. Họ hiểu văn hóa Pháp và nước Pháp khác cha anh họ. Họ hiểu, để đổi mới dân tộc, phải đổi mới văn hóa theo con đường châu Âu. Là những người mà đầu óc là những ông thầy Pháp, không phải những ông thầy Trung Hoa, họ không chủ trương một thứ văn hóa lấy phương Đông làm thể lấy phương Tây làm dụng, họ thiên về một văn hóa cả thể và dụng đều châu Âu, chủ yếu đều Pháp, nhưng được Việt Nam hóa cả về nội dung lẫn hình thức.

Đây là văn hóa hàng hóa bán ở thị trường đem tiền về để nuôi người làm ra nó (văn nghệ sĩ) và những tổ chức xuất bản, phát hành, chứ không phải văn hóa quà tặng chỉ dành cho một người để tranh thủ một thiện cảm, hay một ân huệ. Thước đo của nó là số lượng bán ra, đồng tiền thu về. Xuất hiện một lớp người mới mà trước đây không hề biết đến. Đó là lớp nghệ sĩ sống gần như đơn thuần bằng lao động trí óc bán ra thị trường. Nếu như trước đây đã có những nhà văn lớn, nhưng họ chẳng kiếm được đồng xu nhuận bút nào hết. Họ viết vì thôi thúc nội tâm, muốn lưu danh hậu thế, chứ không hề nghĩ đến thù lao. Người nhận quà tặng tặng lại một món quà, đãi họ một bữa ăn, một chai rượu. Con người đầu tiên đi con đường này là một nhà Nho, Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Mặc dầu Hổ Biểu Chánh (1884-1958) xuất bản đến 63 quyển tiểu thuyết và nổi tiếng là nhà văn lớn ở Nam Bộ, nhưng nghề viết văn của ông vẫn là nghề tay trái của một ông đốc phủ sứ. Phải đến Nguyễn Khắc Hiếu mới có con người: Nhờ trời năm xưa học ít nhiều – Vốn liếng còn một bụng văn đó – Giấy người, mực người, thuê người in – Mướn cửa hàng người bán phường phố (Hầu trời).

Một khi văn hóa là hàng hóa, không còn là quà tặng, thì nội dung của nó cũng thay đổi. Nội dung của văn hóa quà tặng là sự trao đổi tâm tình giữa tác giả với người tặng quà. Văn thơ Nguyễn Khuyến là thí dụ cụ thể của văn hóa quà tặng. Người này đến xin đôi câu đối, người khác yêu cầu vịnh điều gì đấy. Tác giả bộc lộ tâm sự trước một đối tượng cá biệt (Hội TâyTiến sĩ giấy). Đối tượng cá biệt ấy có thể cực kỳ đa dạng (bữa ăn, gặp bạn, phong cảnh…), và nội dung của bài là liên quan tới cảm nghĩ của tác giả với người tặng (mừng bạn thi đỗ, lấy vợ, một kỷ niệm giữa hai người). Về hình thức, loại văn học quà tặng thiên về những hình thức cố định, có qui phạm chặt chẽ và ngắn. Nó không chứng minh gì, bởi vì tôi chỉ nói những điều mà hai ta đều biết. Nếu ta soát lại văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam thì thấy tình trạng này rất rõ.

Còn văn hóa hàng hóa lại rất khác. Hàng hóa là để bán cho số đông, và bán được hay không là căn cứ vào nhu cầu của một số đông cần được thỏa mãn. Do đó, tôi phải nâng mọi cái cá biệt lên thành cái phổ biến cho mọi người. Tôi phải chứng minh, phải lý luận, phải trình bày đầu đuôi chu đáo. Tôi phải thuyết phục. Kết quả, hình thức phải dài không nằm trong một khuôn khổ có sẵn, và phải cố gắng đổi mới về hình thức để tạo vẻ mới mẻ cho hàng hóa. Hàng hóa này cần đến những người bình và phê bình. Người bình chủ yếu là khen, nêu lên những mặt tốt để cho việc thưởng thức càng thêm thú vị. Còn người phê bình giới thiệu một quan điểm đánh giá riêng, qua đó tác phẩm chỗ này được tán dương, chỗ kia có thể bị công kích. Và phê bình văn nghệ làm thành một yêu cầu cấp thiết đến mức có nhiều người chỉ sống bằng phê bình.

Sự phân chia này không đến nỗi rạch ròi. Vào thời trước, vẫn có những tác phẩm theo xu hướng hàng hóa khi mục đích của nó là kêu gọi. Thí dụ Bình Ngô đại cáo, thơ văn Phan Bội Châu. Vào thời đại ngày nay vẫn có những tác phẩm quà tặng. Thí dụNgục trung nhật kí là quà tặng của tác giả cho chính mình. Nhưng dẫu sao, sự phân biệt này cũng rất quan trọng, và thường không được chú ý đến.

Người tạo ra, đổi mới văn hóa cũng khác trước. Trước kia, chủ yếu là triều đình, quan lại. Triều đình có các bộ phận chuyên trách làm sử, viết chiếu biểu, sắc phong, soạn các sách để phổ biến. Sau đó, đến quan lại. Ngoài việc chính là cai trị, họ có thì giờ rảnh viết sách, làm văn thơ. Bây giờ thì khác. Mọi công trình do triều đình, quan lại làm đều không có tác dụng đối với người Việt Nam, vì uy tín chính trị của triều đình và quan lại đã mất. Trong lớp tân học, số người làm quan, làm công chức khá đông, nhưng dù học cao, họ cũng không có địa vị về văn hóa đối với nhân dân. Chỉ có những người sống trực tiếp bằng lao động trí óc, hoặc là lao động tự do (thầy thuốc, thầy giáo), không gắn liền trực tiếp với chính quyền, mới có uy tín thật sự đối với dân. Lần đầu tiên, ta thấy xuất hiện ở Việt Nam hình ảnh người trí thức phương Tây, vị thầy của nền văn hóa mới từ Phong trào Phục hưng đến giờ, kẻ thay thế tầng lớp tăng lữ của nhà thờ Thiên chúa giáo.

Cũng như những người anh của họ ở phương Tây, họ là thị dân hoặc được thị dân hóa, có tư tưởng chung của tầng lớp thị dân: thích tự do, bình đẳng, dân chủ, kinh tế thị trường, đề cao cá nhân, ra sức gây ảnh hưởng tới dư luận bằng hai công cụ là sách và báo, để tạo nên một thứ quyền lực độc lập với chính trị. Nhưng họ lại khác trí thức phương Tây ở một điểm rất căn bản. Họ sinh ra trong một nước thuộc địa, chưa bao giờ có địa vị gì về chính trị. Họ không thể có tham vọng chính trị, bởi vì trong hoàn cảnh của họ, muốn theo đuổi tham vọng này thì phải theo Tây, chống lại dân tộc, cụ thể là chống lại những người cộng sản. Họ thừa biết không phải họ, mà những người cộng sản mới là người đại diện cho phong trào cứu nước, vì từ sau Xô-viết Nghệ Tĩnh họ thấy ngoài Đảng cộng sản Đông Dương ra, không ai có thể lôi cuốn đông đảo quần chúng chống thực dân bằng chính sức mạnh của quần chúng. Dù họ có thành kiến với chủ nghĩa cộng sản, họ cũng phải nhận thấy rằng chút tự do ngôn luận họ được hưởng không phải do họ giành được bằng đấu tranh, mà do chỗ thực dân gượng nhẹ đôi chút để  họ khỏi bị chủ nghĩa cộng sản lôi cuốn. Họ hiểu giá trị mới mà người Việt Nam có được, bắt thực dân nể sợ là xuất phát từ Đảng cộng sản. Nên cuộc vận động văn hóa 1930 – 1940 phần nào giống như cuộc vận động văn hóa ở Đức sau cách mạng Pháp 1789. Những người như Goethe, Kant không có đủ dũng khí làm cách mạng trong thực tế, như Robespierre, Saint Just, nên chuyển sang cách mạng trong tư duy, cố nhiên trong phạm vi chế độ quân chủ kiểu Phổ còn chấp nhận được. Xem báo Phong hóaNgày nay ta thấy có tình trạng này. Hai tờ báo này đả kích lung tung nhưng không dám đụng đến những người cộng sản. Không một bài thơ, bài báo nào chống lại cộng sản. Dường như có một tình trạng đồng mưu im lặng (conspiration du silence) đầy ý nghĩa?

Trường Viễn Đông bác cổ, lẽ ra phải gọi là Trường Viễn Đông Pháp (École Française d’Extreme-Orient), thành lập vào năm 1890 có thể xem là tiêu biểu cho văn hóa Pháp. Ngày 15-12-1888, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lậpPhái đoàn Khảo cổ học thường trực tại Đông Dương (Mission Archéologique Permanente en Indochine), ngày 20-11-1890 đổi tên là Trường Viễn Đông bác cổ phụ trách việc bảo vệ và sắp xếp các di tích, hiện vật lịch sử – văn hóa. Nó đã phát hiện nhiều di tích bị lãng quên như khu vực đền đài Angkor ở Campuchia, các tháp Chàm ở Trung Bộ, nhiều di tích chưa được nhắc đến trong bộ Đại Nam nhất thống chí (1909), là bộ địa lý lớn nhất của Việt Nam do Cao Xuân Dục chủ biên. Các nhà bác học Pháp tiến hành những cuộc khai quật khảo cổ học, thiết lập nền móng cho khảo cổ học ở Đông Dương, tiến hành những sự khảo sát về ngôn ngữ học, dân tộc học, fonklo, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, làng xã… và để lại những tác phẩm nổi tiếng, góp phần đào tạo những nhà ngôn ngữ học, dân tộc học, fonklo học, địa lí học, sử học, khảo cổ học… Việt Nam. Có thể nói trong truyền thống khoa học xã hội và khoa học nhân văn Việt Nam hiện nay, công lao của Trường thực sự không nhỏ. Điều này là rất quan trọng đối với người Việt. Người Việt trước kia làm khoa học chủ yếu bằng con đường tự học là chính. Chỉ sau Cách mạng tháng Tám 1945, mới có một số người được đào tạo có bài bản ở các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng cả hai kiểu người này, để nghiên cứu ở Việt Nam, đều phải dựa vào một công trình tương tự được thực hiện trên đất Việt Nam, hầu hết là của người Pháp.

Với sự đóng góp của một số học giả làm việc tại Trường (như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu), Trường đã tiến hành nghiên cứu làng xã Việt Nam, và thu về một khối tư liệu đồ sộ gồm hầu hết các làng xã ở đồng bằng và trung du Bắc kỳ, các tỉnh miền núi nhưng chưa đầy đủ về các tỉnh Trung kỳ và Nam kỳ, cùng các hương ước và các tục thờ cúng. Đồng thời, Trường tiến hành dập các văn bia, sưu tập được 16.164 cuốn sách. Đây là một đóng góp to lớn, bên cạnh các Viện bảo tàng ở Hà Nội, ở Đà Nẵng. Sự đóng góp của các nhà văn hóa là to lớn.

Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của văn hóa Pháp đối với văn hóa Việt Nam không phải là những đồ vật, những tác phẩm, mà cái tinh thần Pháp, tuy điều này ít ai để ý. Thứ nhất, là óc phân tích. Truyền thống Nho giáo không biết phân tích. Còn truyền thống Phật giáo, tuy phân tích rất giỏi, nhưng không phải để tìm ra những yếu tố độc lập khách quan, rồi kết hợp chúng lại thành những cấu trúc đặc thù làm nền tảng cho khoa học. Trái lại, nó phân tích để phủ định mọi tồn tại. Do tiếp thu văn hóa Pháp, người Việt làm quen với phân tích. Thứ hai, là óc duy lý. Văn hóa Pháp lấy duy lý luận làm nền tảng. Nó chỉ chấp nhận cái gì được lý trí xác nhận. Nó có thể lầm lẫn trong việc lựa chọn, cũng như trong việc xác nhận, chuyện đó là bình thường. Nhưng bất kì cái gì nó theo cũng phải được lý trí xác nhận thì nó mới chịu. Còn văn hóa xưa là văn hóa mô hình. Con người phục tùng các mô hình: mô hình cho người con, người chồng, người vợ, người dân… Nghệ thuật, văn học, khoa học đều vâng theo những mô hình. Khi chấp nhận óc duy lí, mọi mô hình cũ đều tan rã, bắt đầu được xây dựng lại theo lí trí. Thứ ba, là óc phê phán. Vì văn hóa xưa xây dựng trên mô hình, nên nó không chấp nhận phê phán, mà chỉ chấp nhận óc tuân thủ. Với óc phê phán, văn hóa Việt Nam sẽ phê phán tất cả.

Hậu quả của ba xu hướng này, lại dẫn tới điều mà người Pháp không thể ngờ. Đó là chủ nghĩa xã hội. Người Việt là con người yêu nước. Lợi ích kinh tế cá nhân chẳng thu hút được nó; trái lại quyền lợi đất nước đối với nó là tất cả. Từ xưa Trần Bình Trọng đã khẳng định “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Cho nên, cái mới có nguồn gốc từ văn hóa Pháp (duy lý, phân tích, phê phán) đã đưa những người con lỗi lạc nhất của đất nước tới chủ nghĩa Mác, ở đấy trình độ duy lý, phân tích, phê phán là triệt để nhất, quyết liệt nhất. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều con người lỗi lạc nhất của Đảng cộng sản lại xuất thân từ các trường do Pháp đào tạo, và toàn là học sinh xuất sắc. Trong một cuộc họp của Trường Quốc học Huế, tôi gặp Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu… và người ta còn nhắc đến Nguyễn Chí Diểu, Trần Phú… và bao người khác nữa. Bác Hồ cũng học ở đây. Và đó mới chỉ là một trường.

Bây giờ chúng ta bước vào một cuộc tiếp xúc văn hóa mới. Nước Pháp đã khác trước, và nước Việt Nam cũng khác trước. Hơn mọi nước, nước Pháp có lợi thế: một nước Việt Nam hiểu văn hóa Pháp, và những lớp người tuy cầm súng đánh thực dân Pháp, nhưng vẫn hiểu rằng thực dân Pháp bôi nhọ văn hóa Pháp; trái lại, trongdi sản văn hóa của họ, có sự đóng góp rất lớn của văn hóa Pháp.

Theo: phebinhvanhoc.com.vn

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0