Cảm nhận thơ Dương Kiều Minh
(ĐHVH) - Có phải nhà thơ Dương Kiều Minh đã tiên lượng được một điều gì đó đang “chuyển mùa” trong mình nên lẽ ra tập thơ mang tên Khúc chuyển mùa dự kiến sẽ ra đời vào năm 2013, thì anh cho in luôn vào Toàn tập thơ Dương Kiều Minh . Như vậy, độc giả may mắn được thưởng thức khá ...
(ĐHVH) - Có phải nhà thơ Dương Kiều Minh đã tiên lượng được một điều gì đó đang “chuyển mùa” trong mình nên lẽ ra tập thơ mang tên Khúc chuyển mùa dự kiến sẽ ra đời vào năm 2013, thì anh cho in luôn vào Toàn tập thơ Dương Kiều Minh. Như vậy, độc giả may mắn được thưởng thức khá trọn vẹn thế giới thơ Dương Kiều Minh, trước khi anh từ giã cuộc đời và nàng thơ của mình.
Tập Thơ Dương Kiều Minh do Nxb. Hội Nhà văn ấn hành năm 2011, là sự tập hợp của 7 tập thơ: Củi lửa, Dâng mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tựa cửa, Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, Khúc chuyển mùa của Dương Kiều Minh. Với hơn 20 năm sáng tạo, Dương Kiều Minh đã đứng tên 7 tập thơ với 240 bài và 562 trang in, đó thật những con số “biết nói” đáng trân trọng của một người mà đằng sau vẻ bên ngoài hiền lành, nhỏ nhẹ, khiêm nhường nhưng lại ẩn chứa một niềm đam mê mãnh liệt và kiêu hãnh: “Đối với tôi thi ca là tất cả, nó cao hơn cả một định hướng sống”. Có thể nói hành trình thơ của Dương Kiều Minh từ Củi lửa đến Khúc chuyển mùa như là một “tự truyện” bằng thơ của anh. Ngay từ nhan đề của các tập thơ đã cho thấy sự kỹ lưỡng, chắt lọc của tác giả khi đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình, những cái tên thật ám gợi và ấn tượng đã thể hiện một “tín ngưỡng” trong thơ Dương Kiều Minh. Có thể nói thơ Dương Kiều Minh hiện diện một kiểu ngôn ngữ, một lối biểu đạt vừa giản dị, vừa “thôi xao” cho thấy sự xâm nhập, đan xen của các yếu tố thực và ảo, đời thường và tâm linh, cội nguồn và thời đại, thực tại và quá vãng, chất thơ và chất văn xuôi với những đồng vọng và tương phản...
Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, cùng với các đồng nghiệp của mình, Dương Kiều Minh may mắn được sống và sáng tạo nghệ thuật trong không khí đổi mới và dân chủ hoá của nền văn học. Vì thế, ngay từ những bước đi đầu tiên, thơ Dương Kiều Minh đã bộc lộ rõ nhu cầu thức tỉnh cá nhân của cái tôi trữ tình. Đó là một đòi hỏi, một thôi thúc khá mạnh mẽ trong lớp thơ trẻ xuất hiện từ sau 1975. Cái tôi trong thơ Dương Kiều Minh không tồn tại với tư cách là đại diện cho cái tôi thế hệ mà tồn tại với tư cách là cá tính của cái tôi cá nhân. Với tư cách cá nhân, nhân vật trữ tình của thơ Dương Kiều Minh luôn ý thức rõ ràng về cái tôi của mình. Đó là cái tôi tinh thần được chiếm lĩnh như một đối tượng. Cái tôi của Dương Kiều Minh lặng lẽ trú ngụ trong những con người bình thường và nhỏ bé, cái tôi của những cảm giác, cảm xúc mơ hồ, hư ảo, mông lung, rất khó nắm bắt. Không phải ngẫu nhiên người đọc thường bắt gặp trong các câu thơ của Dương Kiều Minh những từ chỉ cảm giác không xác định, không cụ thể của các dạng thái thiên nhiên cũng như của tâm trạng nhân vật trữ tình, với những “bóng người thấp thoáng”, “hy vọng mong manh”, “lèo tèo lũ trẻ”, “lác đác khu vườn”, “dập dờn bướm trắng”, “bồng bềnh sương khói”, “phảng phất vị hè”, “chập chờn phố xá”, “nhập nhoà gò bãi”, “bồng bềnh cố nhân”, “hanh heo phơ phất”, “lóe chiều chập choạng”, “thoi thóp tiếng gà”, “lập lòe thôn bản”, “bồn chồn heo may”...
Ta hiểu vì sao những bạn viết cùng thế hệ đã nhận xét ngòi bút Dương Kiều Minh có khả năng, có sở trường “quá khứ hoá hiện tại” và chính khả năng đó đã tạo ra một chất giọng thơ của riêng anh. Một giọng buồn mà kiêu hãnh của một tâm hồn thơ nhậy cảm và tinh tế.
Trong thơ Dương Kiều Minh khái niệm thời gian chảy trôi theo dòng cảm giác của cái tôi trữ tình. Vì cảm xúc, suy tư của nhà thơ trôi theo dòng cảm giác nên thời gian trong thơ Dương Kiều Minh thường nhoè đi, quá khứ và hiện tại đan xen lẫn lộn bởi sự đột hiện của những hồi ức, kỷ niệm, hoài tưởng từ dĩ vãng, mờ mờ nhân ảnh. Thế giới tâm linh hiện hữu trong tiếng vọng của cội nguồn, của mẹ, của quá vãng, tuổi ấu thơ xâu chuỗi trong các tập thơ của Dương Kiều Minh càng về sau càng quằn quại, dữ dội và thống thiết. Ở đây thời gian được ý thức như là sự chia xa, tạ từ, vĩnh biệt, không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn có ý nghĩa tượng trưng.
Dễ nhận thấy quá khứ và hiện tại đồng hiện trong thơ Dương Kiều Minh, hoá thân vào hình tượng người mẹ, cứ trở đi trở lại trong những giấc chiêm bao, trong tiềm thức và trong tâm tưởng của nhà thơ:
Con biết mẹ buồn
Bên rặng xoan đầu đông trút lá
Mẹ ngóng chờ biền biệt
Niềm tin nhoà màu sương trắng xa xa.
Rồi sau đó, anh tự trấn an, trở về với thực tại:
Vâng con biết chẳng khi nào nữa
Mẹ nằm... xa vắng chuyện đời
Đau đớn hơn cả trong tình cảm của nhà thơ là khi người mẹ thân yêu nhất chỉ còn là “nấm đất nhỏ nhoi xé rách chân trời”. Khi ấy nhà thơ càng cảm nhận hơn bao giờ hết nỗi buồn phải từ biệt nơi chôn rau cắt rốn của mình. Vì thông thường, khi những người thân thiết nơi quê hương không còn nữa, thì sợi dây ràng buộc với mảnh đất cha ông cũng nới lỏng dần:
Thôi thôn dã buồn vui ở lại
Tiết thanh minh thôi ngong ngóng sum vầy
Tôi đã hẳn đứa con xa lạ
Ao đầm, gò bãi, cảnh quê.
17 tuổi, Dương Kiều Minh đã “tạ từ những ngôi nhà lợp rạ; tạ từ âm thanh điền dã” đến những vùng đất mới. Khi đã trưởng thành, đã bôn ba qua nhiều nơi, nhà thơ bỗng thấy khắc khoải một nỗi nhớ nhà, nhớ “làng mạc mơ hồ, sương khói ngập ngừng”, với “những gò đống nhấp nhô như nấm”, với “những đụn rơm mùa gặt khô vàng”. Với nhà thơ, quê hương bây giờ là sự trông ngóng từ xa, với nỗi niềm nhớ thương vời vợi:
Nhiều khi buồn nức nở
Ngóng cánh đồng bên sông Hồng cuộn đỏ
có nấm mộ cha
nấm mộ của mẹ
đây cố hương
và đây cố hương.
Có thể nói cảm hứng trở về nguồn thể hiện khá rõ trong những bài thơ về mẹ và quê hương, trong những bài thơ về các truyền thuyết, huyền thoại và lịch sử in đậm trong trí tưởng của Dương Kiều Minh với những câu thơ run rẩy, những tứ thơ không rõ ràng tạo cảm giác và ấn tượng đối với người đọc bởi “ý chí sống của bản thể”, “tín ngưỡng” thơ của người cầm bút có bản lĩnh. Tác giả đã sử dụng những ẩn dụ hình tượng thể hiện qua các giấc mơ và âm thanh vĩ cầm để thức tỉnh nhu cầu và cá tính sáng tạo của cái tôi trữ tình.
Dương Kiều Minh đã viết những câu thơ giàu liên tưởng, ở đó tuổi ấu thơ của anh đã từng vùng vẫy trong một không gian khoáng đạt và nên thơ:
Thơ ấu chạy trên cánh đồng tím nhạt
Giữa nước nôi, giữa bờ cỏ đầm sương.
Từ thuở ấy, trong tâm hồn anh đã sớm có một “tuổi thơ ăm ắp buồn” và sau này nỗi buồn ngày bé dại đã bồi đắp cho đời sống nội tâm của anh. Khi trở thành “kẻ sáng tạo” thì nỗi buồn ngày nào trở thành niềm cô đơn, anh khát “thèm cô đơn”, “thèm tĩnh lặng”, cùng với “niềm cô tịch”, “niềm đơn độc”, “niềm nhớ”, “niềm vọng niệm” được lặp lại nhiều lần không phải để kêu cầu, than thở mà chính là mài sắc và khơi sâu thêm các tầng ngữ nghĩa của một cá tính thơ độc đáo.
Dấu ấn của làng quê ngàn năm sương khói với những ngôi chùa, ngôi đền thâm u, cổ kính, đã khắc sâu vào đời sống tâm linh của chủ thể trữ tình:
Trong mưa có một ngôi đền
Và mưa từng ngón buông mềm mái tây.
Vượt qua lớp thông tin thuần tuý trong thơ Dương Kiều Minh là những lớp thông tin tiềm ẩn, gây một sự động chạm, nghĩ ngợi trong cảm thụ của người đọc. Đó là những câu thơ mang màu sắc hư ảo về một cõi thiêng:
Ngàn suối lạch ngầm chảy tràn lòng đất
Mê man ngôi chùa thâm u lặng sáng
Tiếng tiêu sáo phiêu bồng.
Ngòi bút Dương Kiều Minh cũng tỏ ra chủ động khi sáng tạo những câu thơ giàu hình ảnh tượng trưng:
Tiếng chim cạnh khu vườn lảnh lót
Dội vào bóng tối cầm cô
Ta gục đầu lên ánh sáng chan hoà.
Thơ Dương Kiều Minh không phải là thơ dễ nói lên, dễ thuộc hiểu Anh cảm hứng thơ trên từng câu chữ, rất “thôi xao” (Sự đẽo gọt ngôn từ, cân nhắc chữ nghĩa). Ấn tượng và cảm giác chiếm vị trí quan trọng trong thơ anh:
Khúc thu
Khúc thu
Bần bật lá vàng
Đôi giầy nhỏ xinh xinh nàng công chúa.
Nhận định về thơ Dương Kiều Minh, nhà thơ Vân Long viết: “Đọc thơ Dương Kiều Minh xin đừng hỏi bài thơ đó nói gì? Thơ Dương Kiều Minh không “kể lại” được.
Bởi “kể lại” bằng một ngôn ngữ khác là mất đi hoàn toàn Dương Kiều Minh. Phải kể lại bằng chính ngôn ngữ của tác giả, có nghĩa là không kể gì cả mà phải đọc” (1).
Bên cạnh cảm hứng thơ hướng về cội nguồn, quê hương, tuổi thơ, Dương Kiều Minh khơi nguồn lạch mới trong cảm hứng hướng về phía trước với niềm khát khao sáng tạo, kháng cự quyết liệt với các tập tục, lề thói, vươn tới khám phá những vùng đất lạ, đầy bí ẩn của thi ca. Ở luồng thơ này có khi nhà thơ bộc lộ trực tiếp ý tưởng thơ ca của mình, có khi cái tôi nhà thơ ẩn náu vào số phận và tư tưởng của những thần tượng mang màu sắc huyền thoại, lịch sử như Apôlông, Cristốp Côlông, Faust, Prômêtê, Donkihôtê, Lý Bạch, Mozart, Hămlét, Giêsu Krixto. Ở mảng thơ này, Dương Kiều Minh nung nấu một khao khát tìm kiếm nghệ thuật thơ ca, làm lạ đi cách diễn ngôn, lối viết, tìm một kiểu tư duy mới trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ luôn mong muốn sao cho thi sĩ và thơ phải “xuyên qua các triều đại”:
Có bài thơ mang thai thế kỷ
Có câu thức dậy kiếp người.
Trên con đường tìm kiếm nghệ thuật, khát khao sáng tạo, nhà thơ đã phải niếm trải, nghiệm sinh để trở về với chính mình:
Tôi uống bao nhiêu phiền muộn
Dài dặc sao cuộc kiếm tìm mình.
Phải đối mặt với những nghịch lý của số phận con người:
Phải ta tìm thấy mình trong niềm sầu xứ
Phải ta đánh mất mình trong niềm sầu xứ.
Để hướng tới “những con đường – chân dung khát vọng”.
Có thể nói những câu thơ sau này được Dương Kiều Minh viết ra như một sự đầu thai, thoát xác. Anh quằn quại, vật lộn, tự xé mình ra để “giữa lưng chừng đêm vùng dậy” sáng tạo:
Câu thơ toác những đêm không ngủ
Câu thơ toác nỗi đau thế kỷ.
Nếu như trước đây, nhà thơ bình yên “ở giữa cánh đồng của mẹ; trong chiếc nôi màu thiên thanh”, thì giờ đây, nhà thơ trần trụi giữa cuộc đời “ru tôi không chiếc nôi tre giọng dịu buồn của mẹ; ru tôi giờ chiếc nôi bão tố; phận mỏng manh bọt nước ngàn trùng”. Nếu như nhà thơ Phùng Quán, người đã từng trải qua những kiếp nạn của đời người và thân phận đã “vịn câu thơ mà đứng dậy” thì với lối nói của người làm thơ thuộc “làn sóng thứ ba” như Dương Kiều Minh đã “liều mình” hơn:
Con trằn trọc lăn qua cay đắng
Bám vào câu thơ.
Càng về sau này, với Dương Kiều Minh: “Thơ người ở đâu? Người không hình, không ảnh/ Người bám riết theo ta – định mệnh/ Người ánh phản quang của mặt trời trong đêm, hình bóng những người đã khuất/ Người lẫn vào gió sớm, mưa chiều”. Những câu thơ ứng với lời tự sự của Dương Kiều Minh: “Dường như công việc làm thơ luôn thuộc về một sự thôi thúc, một sự chỉ dẫn của một khả năng nào đó nằm ngoài bản thân mình; từ việc khởi hứng cho đến việc hoàn tất những bài thơ” (2).
Cái tôi của Dương Kiều Minh là cái tôi quằn quại đi tìm niềm tin, “băng qua đèo dốc trập trùng, băng qua tháng năm tàn liệt” đến “cửa ngõ tự do”, “cửa ngõ số mệnh”, để cuối cùng “chở thanh bình về tặng cõi người”.
Trong thơ Dương Kiều Minh, ý thức về cái tôi như một cá nhân đồng thời và cảm ứng với ý thức về thời gian. Với Dương Kiều Minh, ý thức về thời gian gắn liền với ý thức về bản thể, về sự hữu hạn của kiếp người: “Thời gian mang quyền lực tuyệt đối: sinh sôi và tàn hủy/ Đời người mãi như những câu thơ dang dở, đứt đoạn, dập xóa/ Tôi nhìn thấy bạn và nhìn thấy mình nằm dưới đoạn dập xóa của những câu thơ/ Sớm là hoa, chiều cuốn theo dòng nước/ Ham muốn và nuối tiếc, ích gì?”. Ở những tập thơ sau này, từ Ngày xuống núi, Tựa cửa, Tôi ngắm mãi những ngày thu tận đến Khúc chuyển mùa, khi đã ở bên này dốc cuộc đời thì cảm thức thời gian càng bám riết hồn thơ Dương Kiều Minh: “Những cơn lũ của cuộc đời cuốn chúng ta mải miết/ Xô dạt vào bờ bến của tuổi già/ Nỗi bất an lấn sâu vào giấc ngủ”. Trong thơ Dương Kiều Minh, thời gian có thể biến mất trong từng khoảnh khắc thực tại, khiến nhân vật trữ tình không khỏi nuối tiếc một thời quá khứ, một thời trai trẻ đã qua: “Không trở lại được nữa những rung động xốn xang mười ba năm dựng lên trên con đường núi/ Không trở lại được nữa những âm thanh tinh khiết dào lên rạo rực tuổi hai mươi/ Không trở lại được nữa/ Giờ ta chỉ còn nghe thấy tiếng mờ đục gượng gạo kiệt sức lả tả bên kia bìa rừng buổi hoàng hôn”. Nhưng không chỉ nhìn nhận thời gian từ thước đo cá nhân, với Dương Kiều Minh cảm thức thời gian gắn với nỗi ưu tư, với “nỗi niềm thế tục” về thân phận con người trong một thời đại đầy biến động: “Thời đại đổ gấp những dòng sông cuồn cuộn ngầu đục lần lượt nhấn chìm các số phận”. Tâm trạng trữ tình nhưng trĩu nặng hơn với “Niềm xót thương dâng nghẹn khi gặp lại người thân. Kiếp người nghèo khó. Kiếp người khốn khó. Kiếp người gầy guộc và đen đúa”. Thời gian co giãn trong vòng sinh hóa bất tận: “Sinh gửi, thác về. Một chu trình biến hiện không ngừng của sự sống”. Có thể diễn tả ý niệm thời gian trong thơ Dương Kiều Minh qua sự đồng vọng và tương phản hay trên một cấp độ song hành là khát vọng và hạn hữu: “Ôi, đời người tựa đóa hoa để ngắm, sao giằng dặc, sao mê đắm. Những câu hỏi thảng hoặc vang lên trong đêm nhói lòng. Kìa những giai điệu du dương lướt qua thời trẻ. Kìa những âm thanh quặn xiết không buông rời vào buổi cuối chiều. Con làm sao biết được bàn tay vô hình sẽ cuốn con tới những nẻo nào. Ước ao bồng bềnh theo gió sớm mưa chiều, tháng năm ngày một lùi xa, phiền muộn lo toan không dứt. Sao con mắc nợ mãi với cuộc đời”. Suy cho cùng, những suy tư, cảm thức về thời gian dầy đặc, thấm đẫm trong thơ Dương Kiều Minh thực chất là những suy tư về thân phận con người, không phải của một cá nhân đơn lẻ mà là thân phận nói chung của con người trong trạng thái sống đầy nguy cơ, bất trắc. Như vậy trong thơ Dương Kiều Minh, thời gian được thể hiện như một phúng dụ về trạng thái nhân sinh phổ quát: “Tôi thấy bổn phận phải gọi tên sự trống rỗng được trào ra từ thế giới chồng chất đồ vật, ngổn ngang danh lợi. Gọi tên ảo vọng cuồng loạn ác độc như những loài vi rus nguy hiểm phá hủy tâm hồn con người, đánh sập thế giới tinh thần loài người, đổ ập xuống hố vực của lòng tham và tội ác. Không có thế lực nào thù địch với con người. Thiên nhiên – không! Muôn loài – không! Chỉ có con người thù địch với con người. Cơn cuồng khát đẩy con người thành loài quái vật khủng khiếp nhất trên trái đất”. Điều này cho thấy một tâm trạng có phần lo âu của nhà thơ vì xuyên qua trục không thời gian đó, cái nhìn thế giới và con người của Dương Kiều Minh như là sự lặp lại những vận hành của lịch sử, là một hiện thực không hoàn kết, không lý tưởng, đầy bất trắc và nghịch lý.
Thơ Dương Kiều Minh nghiêng về thể thơ tự do và thơ văn xuôi với giọng điệu tự sự từ tốn, da diết là một lựa chọn phù hợp với cái đích bộc lộ sự cảm nghiệm đời sống trong những chiều kích thời gian khác nhau, với sự mờ nhòe của quá khứ và hiện tại. Thời gian ở đây gắn liền với những thức nhận về đời sống nhân sinh mà cái cốt lõi của nó là cảm giác lo âu, nghi ngại trước những gì tưởng như quen thuộc lại trở nên lạ lẫm khi trở về “sục tìm trong ký ức” nơi thôn dã mà Dương Kiều Minh “suốt đời tôi hoài vọng về người”: “Ba mươi năm, năm nào tôi cũng trở về. Chợt nhận thấy mình đã là người khác. Một cảm giác xa lạ lẫn cùng làn sương khói buổi cuối thu phủ sẫm dần làng mạc ruộng đồng/ Có lẽ tôi đã uống quá nhiều nước những dòng sông xứ lạ/ Có lẽ tôi đã hít thở quá nhiều khí trời từ những ngọn gió lang bạt. Có lẽ tôi đã bị những đốm sáng chập chờn cuốn hút phía xa xa”.
Như trên đã nói, tên các tập thơ đã nói lên hành trình thơ Dương Kiều Minh từ Củi lửa, Dâng mẹ đến Những thời đại thanh xuân là một chặng, từ Ngày xuống núi, Tựa cửa, Tôi ngắm mãi những ngày thu tận đến Khúc chuyển mùa là một chặng. Những tập thơ với nhan đề của nó như đã ám vào người viết, có những bài thơ như “tự truyện”, có khả năng làm cho “quá khứ tái sinh”, nhà thơ như được phục sinh lại một lần nữa đoạn đời đã qua của mình. Chất liệu tự truyện đậm đặc trong các bài thơ mang hình vóc thơ văn xuôi của Dương Kiều Minh: Khúc tưởng niệm, Những quyển sách, Tự sự ngày mưa, Ghi ở bến sông Đà, Mưa nghiêng đổ những ngày buồn bã, Tự sự bên mùa, Những ngày tháng chín, Nhớ ngôi nhà lá trên đồi, Những cuộc tiễn đưa, Chạnh miền thôn dã. Phần lớn các bài thơ của Dương Kiều Minh cứ tuôn trào một cách tự nhiên như lời giãi bày, tự bạch hoặc như sự trình bày tư tưởng của nhân vật trữ tình. Chất thơ của thơ văn xuôi đã được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khơi gợi, bất ngờ, đậm chất triết lý, giúp người đọc hình dung được một cách đầy đủ con đường đến với thi ca của Dương Kiều Minh là hành trình “đau đáu tìm đường đi, nghiền ngẫm trau dồi thể nghiệm... Dương Kiều Minh không lớn tiếng với ai, anh chỉ nói lên những bức xúc trên con đường tìm kiếm thơ ca của mình” (3).
Càng về sau này, Dương Kiều Minh càng chủ động hơn với cảm xúc và suy tư của mình. Anh đã gây được ấn tượng với độc giả bởi cách biểu đạt khá mới lạ, gợi cảm. Với ý thức lảng tránh sự nhàm chán mà không rơi vào lập dị, Dương Kiều Minh đi sâu vào chọn lựa ngôn từ, khai thác đến cùng chất liệu bản ngã. Như Dương Kiều Minh đã viết: “Tên tuổi rồi chìm/ Gương mặt rồi khuất” khi cảm nhận được sự hữu hạn của con người. Nhưng với Dương Kiều Minh – người làm thơ có cái tên thật lãng mạn và đầy chất thơ ấy, bằng những trang thơ của mình đã giúp người đọc hiểu được một con người với “Mười ba năm Hòa Bình/ Hai mươi năm Hà Đông” đã sống với “Thời của người/ Thời của ta” như thế nào bằng “hiện thực thi ca”. Với 7 tập thơ của mình, Dương Kiều Minh đã góp phần làm nên diện mạo riêng cho thơ Việt đương đại. Thơ Dương Kiều Minh đã và sẽ “thường trú” trong ngôi nhà chung của văn học Việt Nam đương đại và trong trái tim của những người yêu thơ.
Tài liệu tham khảo
1. Vân Long. Lời bạt trong tập thơ Dâng mẹ. Nxb. Văn hoá; 1990, tr.72
2. Thơ Dương Kiều Minh. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2011, tr.481
3. Trúc Thông. Dâng mẹ; Văn nghệ quân đội, số 7-1993; tr.97
Bài viết: Bích Thu
Admin3