22/06/2018, 09:31

Thiếp Mộc Nhi – Hoàng đế chinh phạt Trung Á

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 21/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Thiếp Mộc Nhi (tên tiếng Anh: Timur) là một vị tướng thành công, một người cai trị hùng mạnh, và là một nhà bảo trợ nghệ thuật. Trong thế kỷ thứ 14, ông đã xây dựng nên một đất nước rộng lớn ở ...

Equestrian statue of Amir Timur at Amir Timur Maydoni (square).

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 21/7/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

 Thiếp Mộc Nhi (tên tiếng Anh: Timur) là một vị tướng thành công, một người cai trị hùng mạnh, và là một nhà bảo trợ nghệ thuật. Trong thế kỷ thứ 14, ông đã xây dựng nên một đất nước rộng lớn ở vùng Trung Á. Thiếp Mộc Nhi đã lật đổ sự cai trị của Hãn Quốc Kim Trướng và xâm chiếm phần lớn nửa phía tây của đế chế Mông Cổ. Thiếp Mộc Nhi vừa được mô tả như một nhà lãnh đạo khai sáng, khuyến khích sự phát triển văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ; lại vừa là một kẻ xâm lược tàn bạo, giết chóc hàng nghìn người để giành được nhiều lãnh thổ hơn. Những cuộc xâm lược của Thiếp Mộc Nhi đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Á, và biến hàng loạt các thành phố như Herat, Samarkand và Tashkent thành các trung tâm văn hóa và thương mại.

Thiếp Mộc Nhi, thành viên của bộ lạc du mục Barlas, được sinh ra ở gần Samarkand (1336), một vùng đất nằm dưới sự cai trị của hậu duệ con trai Thành Cát Tư Hãn – Chagatai, và là nơi sinh sống của các bộ lạc người Turk. Thuở nhỏ, Thiếp Mộc Nhi dành phần lớn thời gian trên lưng ngựa, chiến đấu để giành được một vị thế đáng kể cho bộ lạc của mình. Ở tuổi 30, ông đã chinh phục được tất cả các bộ lạc người Turk trong vùng và lật đổ vị thủ hiến (emir) ở địa phương. Năm 1370, ông trở thành người cai trị toàn bộ vùng Trung Á.

Dưới sự lãnh đạo của Thiếp Mộc Nhi, các bộ lạc người Turk ở Trung Á tạo thành một lực lượng quân sự hùng mạnh. Mặc dù Samarkand được đặt làm thủ đô, Thiếp Mộc Nhi hầu như không ở đây. Ông đưa quân từ Nga tới Ấn Độ, vùng Lưỡng Hà và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông giải phóng người Nga khỏi sự đô hộ của người Mông Cổ dưới trướng Hãn Quốc Kim Trướng[1] (Golden Horde). Việc Thiếp Mộc Nhi đánh bại người Turk thuộc đế chế Ottoman đã giúp Đế chế Đông La Mã (đang có chiến tranh với đế chế Ottoman – NBT) tồn tại thêm một thế kỷ nữa.

Thiếp Mộc Nhi nổi tiếng là một kẻ xâm lược tàn bạo. Các sử gia thời kỳ này đã ghi lại những cuộc tàn sát cả thành phố, đặc biệt là ở Ấn Độ. Ở Delhi, Thiếp Mộc Nhi yêu cầu xây dựng những tòa tháp bằng xương sọ của những người bị trị để cảnh báo bất cứ ai muốn chống đối lại quân đội của ông.

Là một nhà bảo trợ nghệ thuật, Thiếp Mộc Nhi tập trung các nghệ sĩ và các học giả khắp Trung Á tại triều đình ở Samarkand. Ông cho xây dựng những nhà thờ Hồi giáo to lớn ở quê hương mình – Kesh, ở Yasi (Turkistan) và ở Samarkand. Ngôn ngữ của người Turk – tiếng Chagatay – được sử dụng ở Trung Á, và trở thành ngôn ngữ nghệ thuật tại khu vực này trong suốt năm thế kỷ.

Thiếp Mộc Nhi qua đời khi đang xâm lược Trung Quốc (1405). Đế chế Timurid do ông gây dựng tiếp tục tiến hành những cuộc chinh phục, tuy nhiên không thể hiệu quả cả về tính chiến đấu cũng như sự cai trị như thời Thiếp Mộc Nhi.

————————————–

[1] Kim Trướng hãn quốc (hay còn gọi là Ulus Jochi) là tên gọi của một hãn quốc Hồi giáo Mông Cổ được thành lập ở vùng phía tây Đế quốc Mông Cổ sau khi Mông Cổ xâm lược Nga trong thập niên 1240. Lãnh thổ ngày nay của hãn quốc này gồm Nga, Ukraina, Moldova, Kazakhstan và Kavkaz.

0