Lý Quang Diệu – Người cha lập quốc của Singapore
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 17/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Là người cha lập quốc của quốc gia-thành phố Singapore độc lập, Lý Quang Diệu (1923-2015) đã đưa nền kinh tế nước này từ thế giới thứ ba lên vị trí của một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế ...
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 17/7/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Là người cha lập quốc của quốc gia-thành phố Singapore độc lập, Lý Quang Diệu (1923-2015) đã đưa nền kinh tế nước này từ thế giới thứ ba lên vị trí của một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Ông giữ chức thủ tướng từ năm 1959 đến 1990. Thời kỳ nắm quyền không bị gián đoạn đã giúp ông hiện thức hóa tầm nhìn của mình. Ngay từ ban đầu, Lý Quang Diệu đã nhận ra Singapore cần có một nền kinh tế vững mạnh để tồn tại như một quốc gia độc lập, do đó ông tiến hành chương trình hiện đại hóa Singapore và biến nước này thành nước xuất khẩu lớn các sản phẩm hoàn thiện. Trong suốt 30 năm, Lý Quang Diệu đã thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa, đô thị hóa và phát triển giáo dục đất nước mình.
Sinh ra trong một gia đình người Hoa giàu có, Lý Quang Diệu theo học trường luật ở Cambridge, Anh, rồi sau đó trở về Singapore hành nghề luật.
Vốn là người theo chủ trương độc lập, Lý Quang Diệu thành lập Đảng Hành động Nhân dân (PAP). Ông tới London và tham gia đàm phán về việc nước Anh trao trả độc lập cho Singapore. Sau khi đảng của ông thắng cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1959, Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng. Ông giữ chức vụ này cho tới năm 1990, một phần do đảng đối lập tẩy chay bầu cử trong nhiều năm.
Lý Quang Diệu nhận thấy rằng sự tự chủ về chính trị phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế, bởi vậy ông tập trung xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, hiện đại hóa và dựa vào xuất khẩu. Trong quá trình tiến hành, ông gặp phải những thách thức đến từ sự thiếu hụt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ông khuyến khích đầu tư nước ngoài và kỳ vọng người dân Singapore chấp nhận một cuộc sống hà khắc. Tuy nhiên, ông cũng tiến hành các chương trình đảm bảo lợi ích cho tầng lớp lao động. Những hy sinh của cả dân tộc cuối cùng cũng gặt hái được thành công: đến năm 1980 người dân Singapore đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản.
Lý Quang Diệu cho rằng thành công của Singapore là do văn hóa và tính cách của chính người dân nước này: chăm chỉ, tiết kiệm, coi trọng giá trị gia đình, đi cùng với một hệ thống giáo dục vững chắc và môi trường tri thức rộng mở. Lý Quang Diệu thúc đẩy một xã hội có kỷ luật. Ông thẳng thắn lên án việc sử dụng súng, ma túy và những hành vi không phù hợp ở nơi công cộng. Đồng thời ông cũng chịu những chỉ trích về việc áp dụng việc đánh gậy đối với những người phạm các tội có vẻ không quá nghiêm trọng như graffiti (viết và vẽ lên những công trình công cộng – ND).
Cuối cùng, tầm nhìn của Lý Quang Diệu đã gặt được trái ngọt. Một số người có thể cho rằng người dân Singapore đã phải hy sinh nền dân chủ vì sự thịnh vượng của nền kinh tế, họ phải chấp nhận sự lãnh đạo độc đoán của Lý Quang Diệu. Tuy vậy, hình mẫu Lý Quang Diệu đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nước ở Châu Á và các nơi khác. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia thảo luận và tư vấn với các lãnh đạo Châu Á về việc thúc đẩy kinh tế ở các nước này.
Lý Quang Diệu qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2015, thọ 92 tuổi.