18/06/2018, 17:02

Minh -Trung Quốc và Đông Nam Á trong thế kỉ XV : Một đánh giá mới

Tác giả: Geoff Wade Viện nghiên cứu châu Á Đại học Quốc gia Singapore/ Tháng 7/2004 Nguyễn Quốc Vương dịch Dẫn Nhập. Vào đầu thế kỉ 14 ở Trung Quốc nhà Nguyên rơi vào tình trạng suy thoái trên cả phương diện quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự. Tình ...

ming navy power.jpg

Tác giả: Geoff  Wade

Viện nghiên cứu châu Á

Đại học Quốc gia Singapore/ Tháng 7/2004

Nguyễn Quốc Vương dịch

Dẫn Nhập. 

Vào đầu thế kỉ 14 ở Trung Quốc nhà Nguyên rơi vào tình trạng suy thoái trên cả phương diện quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự. Tình trạng này đã mang đến cơ hội và sự khích lệ đối với nỗ lực tìm kiếm quyền lực hay đơn giản hơn là tự vệ của các đối thủ khác. Tình trạng quân phiệt hóa cao độ của xã hội Trung Hoa trong thời kỳ này đã tạo ra các cuộc chiến tranh giữa quý tộc Nguyên, các thủ lĩnh cát cứ địa phương, những kẻ buôn lậu và các cánh quân khởi nghĩa – thứ tạo nên bộ mặt của các thập kỉ tiếp theo. Vào trước những năm 1350, các cánh quân khởi nghĩa đã biến “Trung Quốc” nơi những kẻ thống trị nhà Nguyên kiểm soát thành nhiều nước và các nước này thôn tính lẫn nhau. Một thủ lĩnh quân khởi nghĩa tên là Chu Nguyên Chương (Zhu Yuan-zhang) cuối cùng đã có khả năng kiểu soát và mở rộng những vùng lãnh thổ rộng lớn và lập nên nhà nước Trung Quốc mới – nhà nước được ông ta gọi là Đại Minh. Bằng sự ra đời của kinh đô Nam Kinh (Nan-jing) năm 1368, Chu (Nguyên Chương) đã dựng nên một triều đại mới có quyền lực kéo dài đến tận năm 1644(1). Tuy nhiên ngay cả sau khi kinh đô Nam Kinh được xây dựng, quân đội nhà Minh vẫn phải đánh lại các lực lượng kình địch trong những trận chiến lớn. Trong một trận đánh như thế với Koko Temur – qúy tộc nhà Nguyên, quân Minh đã bắt sống 85.000 quân và 15.000 ngựa chiến. Tuy nhiên trước thời điểm đó, quân Minh cũng đã chiếm đóng thủ đô của quân Nguyên ở Dadu và đổi tên nó thành Bei-ping (Bắc Bình) và sự thống nhất quốc gia tiến triển thuận lợi.

Minh e ngại những người Mông Cổ – những kẻ đã bị đuổi ra khỏi Trung Quốc nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối nội và đối ngoại ở những thế kỉ tiếp theo và nó cũng tạo nên cơn ớn lạnh của người sáng lập nhà Minh ở thủ đô cứ điểm cuối cùng(2). Sau khi đóng đô ở Nam Kinh, phong thái tử và hoàng hậu, đặt ra sáu bộ và chỉ định các quan chức quản lý chủ yếu, Chu Nguyên Chương đã ban hành bộ luật mới của nhà Minh. Tất cả những việc làm đó đã đặt nền tảng cho triều đại mới.

Trong những năm 1370, Chu Nguyên Chương đã mở rộng cơ cấu bộ máy nhà nước triều Minh và có lẽ một phần do đa nghi mà ông đã lập ra nhiều cung điện với số lượng hoạn quan ngày càng tăng đóng vai trò như những cố vấn tin cậy và can gián trong việc trị dân. Cơ cấu quản lý do ông tạo ra này được duy trì ở những bộ phận quan trọng tới những người kế nghiệp của vương triều. Cơ cấu triều đình và hệ thống quản lý này đã được bắt đầu và thực thi cả trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Minh suốt 280 năm tiếp theo.

Chính sách đối ngoại của nhà Minh và Đông Nam Á

 

Như chúng ta thấy trong cả các tư liệu chữ Hán chính thức và không chính thức, những kẻ cầm quyền nhà Minh coi mình hoặc ít nhất cũng mô tả mình như những minh quân sáng suốt thay trời cai trị Trung Quốc và xa hơn là “toàn bộ hạ giới”. Điều này đòi hỏi rằng họ sẽ “cấp phong thái ấp” cho các “chư hầu” ở xung quanh – những kẻ sẽ phải “triều cống” Đại Minh. Và điều này đã tạo ra nền tảng của những nghi lễ hoa mĩ trong mối quan hệ với nhà Minh dựa trên sự kiểm soát hành chính tức thời(3).

Tuy nhiên không phải tất cả các nhà nước Đông Nam Á đều đồng ý với điều trên mà thậm chí vị trí đối lập của họ với Trung Quốc rất rõ ràng thể hiện ngay trong cả các văn bản chữ Hán. Ví dụ như vào giữa thế kỉ 15, Krung Phra Nakhon Sri Ayudhya, người đứng đầu nhà nước Ayudhya từ chối tuân theo lời yêu cầu cúi đầu về phía bắc để bày tỏ sự tôn kính hoàng đế nhà Minh của sứ thần nhà Minh và sứ thần nhà Minh đã bị “cô lập” và chết sau đó(4). Tuy nhiên bất chấp những ví dụ như thế, việc có được sự công nhận từ nhà Minh ngoài mặt đã trở thành quan trọng đối với một số người đứng đầu các nhà nước và nó đã đóng vai trò rất rõ ràng trong chính trị và kinh tế của Đông Nam Á trong khoảng thời gian này. Nhà Minh đóng vai trò như là đối trọng với các Hegemon (từ gốc Hy Lạp có nghĩa là đế chế hay nước có quyền lực lớn chi phối các nhà nước khác – chú thích của người dịch) khác như Majapahit và đưa ra chính sách nhắm tới cả mối quan hệ “triều cống” – thương mại với Trung Quốc và hệ thống an ninh đặc biệt. Sự tham dự vào hệ thống này được những người Việt (annals) chấp nhận không úp mở và nó được ghi chép lại ví dụ như vua Đại Việt đã từng “cầu phong” nhà Minh năm 1457(5).

Mối quan hệ giữa nhà Minh và Đông Nam Á cũng trở thành chủ đề chú ý của học thuật(6) và dựa trên cơ sở của những tác phẩm này cũng có một vài nghiên cứu tổng quát có thể giải quyết trước. Cũng cần phải nói ngay rằng đã có sự trao đổi sứ giả thường xuyên giữa nhà Minh Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á. Một trong những hành động đầu tiên của các vua Minh trong việc thể hiện quyền lực là phái sứ thần tới các nước khác để thông báo về sự lên ngôi của họ. Các sứ giả nhà Minh cũng có thể được phái tới các nước với những chức năng khác bao gồm “phong cấp” hoặc là tham dự lễ tang của ông vua nào đó. Những sứ giả này thường bị giám sát bí mật bởi rất nhiều cơ quan của Lục Khoa. Một vài ví dụ dưới đây cũng đủ nói lên chức năng của những phái đoàn nói trên (ít nhất là những gì được phát biểu ra ngoài).

1. Thăm viếng lễ tang của vua Champa năm 1452(7).

2. Thăm viếng lễ tang của vua Xiêm và “sắc phong” cho con trai ông ta năm 1453(8).

3.  Sắc phong cho vua Malacca năm 1459(9)

4. Sắc phong cho vua Annam năm 1460(10)

5. Sắc phong cho vua Champa năm 1478(11)

Một nhân tố chính khác trong sự tác động qua lại giữa nhà Minh và các nhà nước ở Đông Nam Á là “triều cống” – thứ được công nhận rộng rãi như là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy mậu dịch. Nó đã trở thành chủ đề của hàng loạt các bài báo và có một danh sách các bài báo tuyệt vời, thứ có thể được dùng để  lần tìm  ra những phái bộ tới nhà Minh chí ít là của các nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á trong phần lớn thế kỉ 15(12). Sự thiếu tập trung vào các phái bộ đó trong bài báo này sẽ là trách nhiệm của một số lượng lớn các nghiên cứu đã được tiến hành hơn là những chỉ dẫn về sự quan trọng tương đối của chúng.

Cho dù có ai đó hoài nghi các tư liệu chữ Hán phản ánh những gì xảy ra ở Đông Nam Á trong thế kỉ 15 hay ai đó cho rằng mối quan hệ  “sắc phong” và “triều cống” mà các tư liệu nhà Minh có viết chẳng qua cũng chỉ là sự trao đổi ngoại giao giữa những nhà nước đi nữa thì chúng tôi vẫn khẳng định chắc chắn rằng nhà Minh đã có sự can dự sâu sắc vào Đông Nam Á trong suốt thế kỉ.

Để biết được ảnh hưởng của nhà Minh đối với Đông Nam Á trong thế kỉ 15, có lẽ trước tiên chúng ta cần xem xét xem những chính sách nào được các vua kế tiếp của nhà Minh theo đuổi trong vùng.

Phần đầu của bài báo này sẽ nghiên cứu về niên đại của những chính sách đó và tiếp theo sẽ cố gắng tổng hợp các chính sách và hành động riêng lẻ sao cho mạch lạc để làm rõ xem nhà Minh và các cơ quan của nó đã tác động tới Đông Nam Á trong suốt thế kỉ như thế nào.

Các chính sách liên quan tới Đông Nam Á của Minh Thái Tổ (Minh Tai-zu)/ Triều vua  Hồng Vũ (Hong-wu)

Vào đầu vương triều, Chu Nguyên Chương, hoàng đế đầu tiên của nhà Minh đã đưa ra những lời huấn thị đối với các thế hệ đi sau. Những châm ngôn này bao gồm lời khuyên đối với Hội đồng quân sự tối cao chỉ ra nước nào đe dọa quân sự đối với Minh và nước nào không. Ông ta nói rằng những nhà nước ở phía bắc là nguy hiểm trong khi những nước phía nam không chứa đựng sự đe dọa và không phải là đối tượng của những cuộc tấn công không xác đáng(13). Tuy nhiên,  bất chấp điều đó hoặc cũng có thể là do hậu quả của chính sách đó mà các quốc gia ở phía nam nhà Minh đã phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn nhất từ sự bành trướng của nhà Minh trong thế kỉ tiếp theo.

Xâm lược  các nước  ở Vân Nam (Yun-nam)

 

Năm 1369, không lâu sau ngày Chu Nguyên Chương lập ra vương triều, ông ta đã ra tuyên bố  về “Các quốc gia Vân Nam và Nhật Bản” (Vân Nam Nhật Bản Đẳng Quốc)(14).

Sự công nhận Vân Nam như một quốc gia từ rất sớm này về sau đã thay đổi nhanh chóng. Trước năm 1380, Vân Nam được coi như là lãnh thổ của Trung Quốc kể từ triều Hán(15)và có 250.000 quân đã được triển khai tấn công nước này và chiếm được Da-li, Li-jian và Jin-chi năm 1382. Bằng cách đó người sáng lập triều Minh đã giành quyền kiểm soát các trung tâm đô thị chính của vùng tây bắc mà ngày nay gọi là Vân Nam bao gồm cả những vùng có nhiều người Thái sinh sống.

Trước năm 1387, Minh Thái Tổ đã thể hiện rõ tham vọng của mình khi chuẩn bị tấn công vào nước  Bai-yi (Mong Mao) nằm ở phía nam nơi ông ta đã xâm chiếm trước đó, một viên tướng được phái tới Shi-chuan để mua 10.000 gia súc kéo cày. Những gia súc này được dùng để cày những cánh đồng nuôi quân phục vụ cho cuộc viễn chinh lâu dài. Dưới sự chỉ huy của tướng Mu Ying quân Minh đã tấn công Bai-yi bằng súng và giết được 30,000 người(16).  Si Lun-fa, vua của nước này đã bị buộc phải trả toàn bộ chi phí cho quân đội nhà Minh trong cuộc chiến bành trướng này và đổi lại ông ta được công nhận là vua của Ba-yi(17). Khi Dao Gan-meng nổi dậy chống lại Si Lun-fa năm 1397, chính quyền Trung Quốc đã  cung cấp nơi trú ẩn cho vị vua chạy trốn và đưa quân tới đánh lại Dao Gan-meng và đưa Si Lun-fa trở lại ngôi vua và lấy một dải đất rộng lớn cắt cho nhà Minh coi như là trả ơn sự giúp đỡ(18). Nhà Minh cũng mở rộng lãnh thổ của mình tới những nhà nước như Lu-chuan, Meng-yang, Mu-bang, Meng-ding, Lư Giang (Lu-jiang), Gan-yai, Da-huo và Wan Dian dưới các triều vua khác nhau(19). Đây là sự bắt đầu của chính sách chia để trị, thứ được theo đuổi suốt thời nhà Minh và nó đã có ảnh hưởng sâu sắc tới những nhà nước người Thái  ở vùng cao.

Những “cơ quan bản xứ” của Vân Nam.

Những chính thể (nhà nước) mới được “dựng nên” (hoặc được công nhận) ở Vân Nam dưới triều vua đầu tiên của nhà Minh được nhà Minh coi là các “cơ quan bản xứ” (tusi, Thổ ty), như trước đó đã từng và chức này thường được cha truyền con nối. Thông qua các viên quan này, nhà Minh đã tiến hành kiểm soát và chiếm đoạt kinh tế bằng việc đưa ra yêu cầu triều cống và các thứ thuế khác. Che-li (Chiang Hung), nhà nước Thái, tiền thân của Sipsong Panna, đã được công nhận như là “Thổ ty” vào năm 1384 với vị trí của người cai trị được giữ nguyên. Năm 1385, nhà Minh lập ra Cơ quan tối cao (Chief-office) Yin-yuan-luo-bi dian ở tỉnh Nguyên Giang (Yuan-jiang), Vân Nam  (gần sông Hồng). Nhà nước Thái này có một “viên chức tối cao luân chuyển”  và một phó viên chức bản xứ. Viên chức luân chuyển vốn nằm trong bộ máy quan liêu chính thức của nhà Minh còn viên phó thì hiển nhiên thuộc gia đình đã nắm quyền lãnh đạo từ trước đó(20). Ở đây, về sau chúng ta chứng kiến sự bắt đầu của quá trình ở đó các nhà nước vốn có của Đông Nam Á đã dần dần bị hấp thụ vào nhà nước Trung Hoa.

Sự bóc lột kinh tế ở Vân Nam.

Trong qúa trình các nhà nước dần dần bị hấp thụ vào Minh, các nhà nước này phải gánh những yêu cầu triều cống rất rộng như lao dịch và những nghĩa vụ khác bao gồm cả binh dịch. Ví dụ, ở trường hợp của nhà nước Tai Mao của Lu-chuan/Ping-mian, triều đình nhà Minh đã đòi 15.000 ngựa, 500 thớt voi và 30.000 gia súc từ vua Shi Lun-fa vào năm 1397(21). Về sau, ở Lu-chuan bạc trở thành thứ được nộp cống thay cho lao dịch. Số  lượng bạc ban đầu được quy định là 6.900 “lạng”(liang)(22) nhưng sau đó nó tăng gần gấp ba lên tới 18.000 “lạng”. Khi người ta nhận ra rằng không thể đáp ứng nổi yêu cầu này số lượng bạc yêu cầu đã giảm trở về khối lượng ban đầu(23). Rất nhiều các loại thuế nữa đã được áp dụng đối với các nhà nước khác và được cưỡng ép thực hiện thông qua sử dụng quân đội hoặc đe dọa bằng quân sự.

Triều cống/mậu dịch 

Triều đại Hồng Vũ (Hong-wu) được đánh dấu bằng việc thường xuyên gửi sứ thần Trung Hoa tới nước ngoài và tiếp nhận sứ thần đến bằng đường biển từ các nước như Annam, Champa, Căm-pu-chia, Xiêm, Cochin ( Nam Bộ -có lẽ chỉ Đàng Trong – chú thích của người dịch), San Fo-qi, Java, Nhật, Ryukyu (Lưu Cầu – nay là Okinawa – chú thích của người dịch), Bru-nây và Triều Tiên. Dường như họ hướng về Trung Quốc bởi sự nhân nhượng về mậu dịch luôn sẵn có để triều cống sứ thần và  các phần thưởng đã được ban cho các ông vua – những người đã “triều cống”(24). Tuy nhiên, cỗ máy ngoại giao mậu dịch cũng bị một vài kẻ bên trong triều Minh sử dụng cơ cấu cai trị để thực thi ảnh hưởng và kiểm soát. Có một bản tấu của sứ thần Champa đã được trình lên và hậu quả là  Hồ Duy Dung (Hu Wei-Yong), tể tướng của nhà Minh từ năm 1377 tới 1380 đã trở thành đối tượng điều tra nghiêm khắc và sau đó đã bị xử tử với tội danh làm phản(25). Sự dính líu có thể của Hồ Duy Dung trong những mối liên hệ phi chính thức với những nhà nước ở Đông Nam Á trước đó đã được bàn thảo bởi Wolters(26) và không cần phải nhắc lại ở đây. Chỉ cần biết rằng rất có khả năng giới quan liêu nhà Minh đã có dính líu sâu nặng với các nhà nước trên biển Đông Nam Á trước những năm 1390.

Cấm biển

Vào đầu những năm 1370, những người sống ở vùng duyên hải Trung Quốc bị cấm không được vượt đại dương ngoại trừ những nhiệm vụ chính thống(27). Các viên chức quân sự Phúc Kiến (Fu-jian) những người vốn đã từng tự mình cử người băng qua biển tham gia vào các hoạt động mậu dịch đã bị trừng phạt sau đó không lâu(28). Sự cấm đoán này được tái khởi động năm 1381 và một sắc lệnh từ triều đình có nội dung “nghiêm cấm thần dân liên lạc với người nước ngoài” được ban ra năm 1390(32). Sự thường xuyên của những cấm đoán này gợi ý rằng chúng không mấy có liệu lực và lí do biện hộ cho lệnh cấm của triều đình là “vào thời kỳ đó ở Quảng Đông/Quảng Tây,  Triết Giang (Zhe-jiang) và Phúc Kiến có những người dân nghèo. Họ không hề biết đến điều này (lệnh cấm) và thường xuyên tự ý tiến hành mậu dịch với người nước ngoài”. Năm 1394, tài liệu cho biết rằng trước đó đã có lệnh cấm áp đặt đối với những nhà buôn nước ngoài tới Trung Quốc và chỉ có Ryukyu (tức Lưu Cầu, nay là Okinawa của Nhật – chú thích của người dịch), Cam-pu-chia và Xiêm được phép tới Trung Quốc và triều cống. Vào thời gian này, những người dân thường Trung Quốc bị cấm không được dùng bất cứ thứ hàng hóa và hương liệu nào của nước ngoài(33). Lệnh cấm không được tự ý ra buôn bán bên ngoài được tái ban hành năm 1397(34). Cho dẫu vấn đề những sự cấm đoán này có gây ảnh hưởng thực sự tới mậu dịch trên biển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á hay không không được thể hiện một cách rõ ràng, trực tiếp trên các văn bản của nhà Minh nhưng có lẽ thông qua các nghiên cứu khảo cổ sâu hơn người ta có thể chắp nối lại sự thăng trầm trong mậu dịch biển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á trong suốt thời gian này.

Những chính sách liên quan tới Đông Nam Á của Minh Thành Tổ (Ming Cheng-zu)/ Triều đại Vĩnh Lạc (Yong-le) (1403-1424). 

Hiểu biết về hoàng đế Kiến Văn (Jian-wen) (1399-1402) người kế nghiệp Minh Thành Tổ (Ming Cheng-zu) hầu như bị mất mát toàn bộ do hậu quả của nội chiến và  cuộc đảo chính do chú ông ta là Chu Lệ (Zhu Di) tiến hành. Và kết quả là Chu Lệ (Zhu Di) ra sức tẩy xóa tất cả các bằng chứng về sự cai trị của cháu mình trong các tư liệu lịch sử. Và như vậy, mối liên hệ giữa nhà Minh Trung Quốc và Đông Nam Á trong thời kì lịch sử tồi tệ này buộc phải tồn tại trong vương quốc của sự phỏng đoán.

Tuy nhiên trong thời kì của Vĩnh Lạc, gọi thế vì Chu Lệ  đã đặt tên triều đại mình như vậy, nó được ghi chép lại bằng văn bản rất tốt và ở đó  diễn ra phần lớn những sự trao đổi qua lại đầy kịch tính giữa Minh và Đông Nam Á.

Giống như cha ông ta, sau khi nắm trong tay quyền lực, Chu Lệ đã  yêu cầu Bộ Lễ gửi tới các nước những “chỉ dụ” yêu cầu họ triều cống(35). Trong cùng năm, ông ta cũng lập ra Cơ quan giám sát mậu dịch biển tại các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông (Guang-dong), nhằm kiểm soát việc buôn bán trên biển với tất cả các nước ngoài(36). Năm 1405, yêu cầu xây dựng các khu nhà ở các tỉnh nói trên được đưa ra nhằm phục vụ những sứ thần của nước ngoài đến đây(37). Có thể thấy rõ rằng vào giai đoạn đầu của vương triều hoàng đế  Vĩnh Lạc đã có kế hoạch tiến hành nhiều việc với các nước châu Á trên biển.

Cùng thời gian này, tân hoàng đế cũng có mối quan tâm quảng bá nền văn hóa ưu việt của Minh tới phần còn lại của thế giới và cuối cùng ông ta đã  cấp 10.000 bản sao cuốn Liệt nữ truyện (Biographies of Exemplary Women) cho các nhà nước ngoài Trung Hoa để dạy dỗ họ về đạo đức(38). Chưa có bất cứ một mô-típ nào của dạng văn bản này xuất hiện trong văn học Đông Nam Á được nghiên cứu. Các cuốn lịch triều đình cũng được chuyển tới các nhà nước Đông Nam Á bởi Bộ Lễ(39). Một số cuộc viễn chinh lớn tới Đông Nam Á cũng ghi dấu vương triềuVĩnh Lạc.

Sự xâm lược Đại Việt 

Năm 1406, trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh quyền lực của nhà Minh tại Đại Việt – quốc gia vốn được nhà Minh biết đến với cái tên An-nan (An Nam) – hoàng đế Vĩnh Lạc  đã gửi tới một ông vua bù nhìn có tên Chen Tian-ping (Trần Thiên Bình)(40). Trần Thiên Bình đã bị giết trên đường tới quốc gia này.

Việc người Việt Nam giết Trần Thiên Bình ngay lập tức đã trở thành lý do để Vĩnh Lạc tiến hành một cuộc xâm lăng đối với quốc gia này(41) tuy nhiên hành động này thực ra đã được chuẩn bị chu đáo từ trước đó. Cũng trong năm 1406, hai đạo quân khổng lồ của Trung Quốc được phái theo hai đường khác nhau qua Vân Nam và Quảng Tây vào Đại Việt. Những chiến dịch và hành động quân sự sau đó đã được giải quyết với một vài chi tiết trong một vài tác phẩm bao gồm cuốn Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421). Quân Trung Quốc tuyên bố rằng đã có 7 triệu người Việt bị giết trong chiến dịch tiên phong đánh chiếm nước này(42). Năm 1407, Jiao-zhi(43)(Giao Chỉ) trở thành tỉnh thứ 14 của Minh – Trung Quốc và tình trạng này duy trì cho đến tận năm 1428 khi nhà Minh bị người Việt ép phải rút quân. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 21 năm này các cuộc xung đột hầu như không dứt.

Ngay khi quân đội nhà Minh kiểm soát được quốc gia này, sự thay đổi đã bắt đầu. Trong năm đầu tiên, 7600 nhà buôn và nghệ nhân (bao gồm cả thợ đúc súng) bị bắt ở Đại Việt đã bị giải về kinh đô nhà Minh (ngày nay là Nam Kinh)(44). Sự tước đoạt những thành viên giỏi nhất của xã hội chắc chắc đã có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội của người Việt. Về sau, thêm nhiều đội quân người Hoa và không phải người Hoa được phái tới đây để cố duy trì sự kiểm soát bề ngoài và những cơ quan cai trị dân chúng trải trên diện rộng đã được thiết lập. Trước năm 1408, Jiao-zhi (Giao Chỉ) có 41 khu và 208 hạt(45) tất cả đều bị quản lý theo mô thức Trung Hoa nhưng có nhiều viên chức là người Việt. Trong nỗ lực làm sâu sắc thêm cách thức Trung Hoa, các trường Nho giáo được lập ra và người Hán được cử tới đây dạy học(46). Bất kể quyền lãnh đạo chính trị bị ném bỏ nhiều như thế nào vào cuối những năm 1420 khi nhà Minh rút đi, di sản cai trị từ sự chiếm đóng của người Trung Hoa chắc chắn đã gây ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Việt Nam.

Năm 1407 cũng là năm chứng kiến sự ra đời của cơ quan giám sát mậu dịch biển được thành lập tại thành phố Yu-tun ở Jiao-zhi (Giao Chỉ) trong khi hai cơ quan khác cũng giống như thế được lập ra tại Xin-ping (Tân Bình) và Shun-hua (Thuận Hóa) vào năm 1408. Do đó trong vòng hai năm, đã có 3 cơ quan giám sát mậu dịch biển được lập ra trong tỉnh mới này và một số lượng tương tự cũng tồn tại ở Trung Quốc. Điều này diễn giải rõ ràng rằng Minh muốn kiểm soát mậu dịch biển với phương nam và muốn bóc lột kinh tế thông qua sự kiểm soát này(47). Sự bóc lột kinh tế khác ở tỉnh mới này có liên quan tới thuế ngũ cốc, thuế sơn, thuế gỗ vang (sapan), lông chim bói cá, chim công, hương liệu hàng năm và chiếm độc quyền trong buôn bán vàng, bạc, muối, sắt và cá. Thêm vào đó, các hoạn quan cũng được  phái tới Giao Chỉ để thu thập châu báu cho hoàng đế tuy nhiên có một nửa số châu báu thu được rơi vào tay của các hoạn quan này. Sự tham lam của các hoạn quan này, ít nhất được mô tả trong các bản kê khai của nhà Minh, đã khiến cho hoàng đế nhà Minh phải can thiệp trong một vài trường hợp chỉ định. Hoàng đế Hong-xi (Hồng Hi) đã không chấp thuận phái viên hoạn quan Ma Qi tới Giao Chỉ khi viên hoạn quan này  cố gắng để được tái chỉ định nhằm kiểm soát vàng, bạc, hương liệu và ngọc trai ở xứ này vào năm 1424(48).

Trước năm 1414, nhà Minh đã kiểm soát tốt miền bắc Đại Việt và có điều kiện để mở rộng về phương nam và đã lập ra thêm 4 hạt nữa thuộc vùng ở phía nam vốn trước đó thuộc quyền quản lý của Champa(49). Vai trò của sự chiếm đóng Đại Việt của người Trung Hoa  đối với việc người Việt mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam sau đó và cuối cùng là sự sụp đổ của Champa là thứ không thể không chú ý.

Nhưng những thứ thuế và đòi hỏi của nhà Minh đưa ra ở tỉnh mới này có nghĩa rằng nó chưa có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ. Mặc dù hàng ngàn “lính bản xứ” từ 9 đạo quân ở Giao Chỉ được thuê mướn vào làm ở trong các nông trang quân sự trong năm 1426, nhưng vẫn không đủ để nuôi mọi người và lực lượng binh lính và trong những năm 1420 đã rất nhiều lần ngũ cốc đã được vận chuyển tới Giao Chỉ(50). Những sự thiếu thốn nói trên chắc chắc đã có ảnh hướng lớn tới cấu trúc và sự ổn định xã hội trong vùng đi kèm với các cuộc chiến liên miên và những đòi hỏi quá đáng của Trung Hoa. Hàng loạt những chính sách thuộc địa mà nhà Minh theo đuổi(51) rõ ràng đã có ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội Việt Nam lúc đó cũng như sự phát triển của quốc gia của người Việt trong tương lai sau này.

Sự xâm lược nhà nước Vân Nam dưới tay Vĩnh Lạc (Yong-le) 

Trước khi Vĩnh Lạc xâm lược Đại Việt năm 1406, ông ta đã can dự vào các hoạt động xâm lược mở rộng lãnh thổ ở Vân Nam. Năm 1403 nhà Minh đã thành lập các đội quân mới ở các biên giới xa xôi với hai đạo quân lớn được lập ra tại Teng-chong và Yong-chang chịu sự chỉ huy trực tiếp của Hội đồng quân sự địa phương Vân Nam(52). Nơi đây đã trở thành các căn cứ từ đó những hoạt động chiếm đóng và kiểm soát các cùng đất của người Thái đã được theo đuổi tiếp sau đó. Cùng năm, cơ quan chỉ huy mới (Trưởng Quan Ty) được lập ra ở Vân Nam tại Zhe-le Dian, Da-hou, Gan-yai, Wan Dian,  Lư Giang (Lu-jiang)(53) và trong năm 1406 có 4 cơ quan nữa cũng được lập ra tại quận Ning-yuan mà ngày nay là Sip Song Chau Tai của Việt Nam(54). Hai quốc gia Thái là Mu-bang (Hsenwi) và Meng-yang trong vùng đất ngày nay là bắc Miến Điện đã được “công nhận” như là một đơn vị quản lý dân sự và quân sự dưới tay nhà Minh vào năm 1404(55). Khi một loạt các quốc gia Thái không tuân theo các yêu cầu mà hoàng đế nhà Minh đưa ra, các hành động quân sự được triển khai nhằm trừng phạt họ. Ví dụ như vào năm 1405, Mu Sheng viên chức đại diện người Hoa ở  Vân Nam (Yu-nan) đã mở cuộc tấn công vào Ba-bai (Lanna)(56).

Sau một loạt sự công nhận hay chấp nhận vị trí bề trên của triều Minh, các viên thư lại hay viên chức người Hán được bổ nhiệm tới các “cơ quan bản xứ” để “giúp đỡ” các nhà cai trị truyền thống và đảm bảo rằng lợi ích của nhà Minh được bảo vệ. Các viên thư lại người Hoa được bổ nhiệm để tiến hành các công việc liên quan tới tiếng Hoa trong rất nhiều cơ quan bản xứ của Vân Nam trong năm 1404(57), trong khi các vị trí thư lại luân phiên tương tự (tất cả đều là người Hán) đã được lập ra trong 7 cơ quan chính ở Vân Nam năm 1406(58). Các nhà nước “Cơ quan bản xứ”  sau đó đã trở thành đối tượng bị yêu cầu nộp vàng/bạc thay thế cho lao dịch được đặt dưới sự giám sát của Bộ Ngân Khố(59) đồng thời cũng bị yêu cầu cung cấp quân đội để trợ giúp nhà Minh trong các chiến dịch. Ví dụ như Mu-bang đã bị yêu cầu gửi quân đánh lại Ba-bai (Lanna) vào năm 1406(60). Mô hình bóc lột này đã tiếp tục trong suốt thời gian tồn tại của vương triều.

Các cuộc hành trình tiến hành bởi Trịnh Hòa (Zheng He) và các hoạn quan khác.

 Z- The route of the voyages of Zheng He's fleet.

Việc phái đi các các viên hoạn quan dẫn đầu các phái đoàn trên biển tới “Đại dương phía Tây” (biển Đông Nam Á phía tây Borneo và Ấn Độ Dương) cũng như các phái đoàn khác vốn ít được biết tới hơn tới Đông Dương (ngày nay là Philippines, Borneo và Đông Indonesia) là một trong ba mũi nhọn bành trướng xuống phía nam do hoàng đế Vĩnh Lạc theo đuổi. Sứ thần được biết đến rộng rãi nhất là Trịnh Hòa hay cũng được gọi là “San-bao” hay “Tam Bảo” và xung quanh viên hoạn quan này đã có rất nhiều huyền thoại. Các đô đốc hoạn quan khác bao gồm có Wang Gui-tong và Hou Xian. Các sứ thần là hoạn quan như Trương Khiên (Zhang Qian) chịu trách nhiệm trong các chuyến đi tới các quốc gia ở trên biển Đông Dương như Bo-ni, Pangasinan, Sulu và Luzon và đảm nhận cả việc đưa các sứ thần hay các ông vua ở đó tới Trung Quốc. Những nhiệm vụ do các viên hoạn quan đảm đương, giống như sự bành trướng của Vĩnh Lạc vào Vân Nam và sự chiếm đóng Đại Việt, là nhằm tạo ra tính hợp pháp của ông vua tham vọng quyền lực, phô trương sức mạnh của nhà Minh, bắt các quốc gia mà nhà Minh biết khuất phục và vơ vét châu báu cho triều đình(61). Để đạt được các mục đích này, lực lượng thủy quân phải đảm bảo lớn và mạnh. Việc đóng thuyền đã được bắt đầu gần như ngay khi hoàng đế Vĩnh Lạc nắm quyền trong tay. Năm 1405, ngay sau khi Trịnh Hòa lên đường trong chuyến viễn chinh đầu tiên, Triết Giang (Zhe-jiang) và các ủy ban quân sự địa phương đã được lệnh đóng 1180 chiếc thuyền đi biển. Trước năm 1408, công việc được chuyển giao cho các bộ ở trung ương và Bộ Công (Ministry of Works) đã được lệnh đóng 48 chiếc “thuyền quý”(63).

Kích cỡ và số lượng thuyền đồng hành với các viên đô đốc hoạn quan trong các chuyến đi tới Đông Nam Á đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên có vẻ chắc chắn rằng một vài chiếc trong số đó có chiều dài hơn 250 feet(64) (feet – số ít là foot, đơn vị đo độ dài của Anh, 1 foot = 0, 3048m – chú thích của người dịch). Mill gợi ý rằng: “Có vẻ có lý khi kết luận rằng con thuyền lớn nhất của Trịnh Hòa (Zheng He) có thể dài tới 300 feet,  rộng 150 feet và chiếm khối lượng nước khoảng 3100 tấn(65). Những con tàu này có khả năng chở kỵ binh và những thứ giống như téc nước. Các hạm đội di động khoảng từ 50 tới 100 chiếc thuyền và  tiến hành cuộc hành trình tới 2 năm. Các ghi chép chữ Hán thế kỉ 16 cho biết có 27.500 người  đã đồng hành trong các phái đoàn lớn nhất tới Tây Dương(66). Điểm quan trọng ở đây không nằm ở khía cạnh kĩ thuật của các hạm đội mà đơn giản nó lưu ý rằng chúng là các hạm đội khổng lồ lớn hơn bất cứ một hạm đội nào khác tồn tại trên thế giới ở vào khoảng thời gian đó. Các hạm đội này đã chết rất chậm. Một “lực lượng triều đình khám phá đất nước ngoài” (Hạ Bang Quan Quân) vẫn còn tồn tại và được dùng trong các chuyến đi ít nhất tới Champa vào năm 1453(67).

Để cho phép các hạm đội vĩ đại này băng qua Ấn Độ Dương tới Châu Phi, cần phải tạo ra các bưu trạm và đồn trú ở nơi ngày nay thuộc Đông Nam Á. Những cơ sở này được lập ra ở thành phố cảng Malacca và ở phía cực bắc eo biển Malacca tới Samudera. Eo Malacca có lẽ vẫn là thứ có giá trị sống còn trong thế kỉ 15 khi toàn bộ sự liên kết quốc tế phụ thuộc vào đường biển hơn cả bây giờ và kiểm soát đường thủy này là bước quan trọng đầu tiên trong việc kiểm soát khu vực. Nó cũng nói lên rằng nhà Minh  giúp đỡ sự trưởng thành của chính thể mới ở Mallacca và vì thế căn cứ được bảo vệ.  Bằng cách ấy mối quan hệ giữa Malacca và Minh được duy trì mật thiết trong phần lớn thế kỉ 15. Mức độ phát triển của thành phố cảng Malacca và thành phố cảng bắc Sumatran của Samudera, một sản phẩm của chính sách nhà Minh ở Đông Nam Á trong thế kỉ 15 cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Khía cạnh quân sự của những chuyến đi này cần phải được nhấn mạnh bởi vì các học giả của Trung Quốc hiện tại coi đây là “những chuyến đi hữu nghị”. Một tỉ lệ lớn những thành viên của các chuyến đi này là binh sĩ và trong tài liệu tham khảo Minh thực lục (Ming shi-lu) năm 1427 viết có “10.000 lính thiện chiến – những người đã từng được phái tới Tây Dương”(68). Điều này nói lên rằng một tỉ lệ lớn các thành viên của những hạm đội này là binh sĩ được huấn luyện tốt. Điều này rõ ràng nói rằng lực lượng như thế đã đóng vai trò đe dọa chủ yếu và rất hữu ích trong việc thúc đẩy những ông vua cứng đầu nước ngoài đi tới triều Minh. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm khác khi cần tới mối đe dọa khác ngoài quân đội và lịch sử các cuộc hành trình của Trịnh Hòa đầy ắp bạo lực bởi vì các đô đốc hoạn quan đã cố gắng thực thi cho được những yêu cầu của hoàng đế nhà Minh. Những hành động quân sự chính bao gồm:

Tấn công vào Old Port (1407)

 

Vào đầu thế kỉ 15, Old Port (Cựu Cảng) gần Palembang ở Sumatra đã trở thành nhà của một số lượng lớn người Hoa. Sau khi nó được nhà Minh để mắt tới vào năm 1405, nhà lãnh đạo địa phương Liang Dao-ming đã tới Trung Quốc. Năm 1407, Trịnh Hòa trở về từ chuyến đi lớn đầu tiên ra nước ngoài và mang về cùng một “hải tặc” có tên Chen Zu-yi bắt được ở Old Port kèm lời tấu rằng:  “y đã giả vờ đầu hàng nhưng bí mật âm mưu tấn công quân đội triều đình”(69).  Hạm đội nhà Minh báo cáo rằng đã có 5000 người bị giết với 10 chiếc thuyền bị đốt cháy và 7 chiếc bị bắt trong trận đánh. Sau đó vào cùng năm, nhà Minh công nhận nhà nước ở Old Port. Tuy nhiên,  do có số lượng lớn người Hoa sống ở đây bao gồm cả cựu binh sĩ và dân thường, những người từ Quảng Đông và Phúc Kiến sống ở đó cho nên ít ai nghĩ rằng đây là một quốc gia. Mà trái lại, nó được thừa nhận như là một “Truyền Úy sứ ty”, một khái niệm thường được dùng để chỉ những nhà nước không phải do người Hoa cai trị ở biên giới Trung Hoa. Người được chỉ định làm tổng quản-Shi Jin-qing- giống như những người được bổ nhiệm bởi Trịnh Hòa trở thành người cai trị địa phương thay cho nhà Minh(70). Trong thời gian Vĩnh Lạc  cai trị, Malacca đã tìm kiếm lãnh thổ của Old Port có lẽ là bởi vì nguồn gốc của nhưng người cai trị Malacca là ở Sumatra hoặc có thể đó là sự đe dọa. Cho dù là gì đi nữa thì yêu cầu được đưa ra theo gợi ý của nhà Minh đã nói lên rằng nhà Minh đã kiểm soát nhà nước đó ở mức độ nhất định. Các tài liệu tham khảo chữ Hán đương đại liên quan đến nhà nước này kết thúc năm 1430 ngụ ý rằng số phận của nó gắn chặt với sự tiếp tục có mặt của nhà Minh ở Đông Nam Á, thứ nói lên rằng các ông vua này thực sự đã trở thành công cụ của nhà Minh.

Bạo lực ở Java (1407) 

Năm 1407,  quân của Trịnh Hòa đổ bộ lên Java nơi đặt dưới chính thể của Majapahit, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của nhà Minh trong việc giành quyền bá chủ khu vực biển Đông Nam Á. Trong một trận đánh tiếp theo, có khoảng 170 lính nhà Minh bị giết. Các ghi chép chữ Hán nói rằng lực lượng người Hoa “lên bờ để buôn bán”, “nơi vua phía Đông đã cai trị”, điều này gợi nhắc rằng người Hoa đã can dự có chủ ý hay không chủ ý vào cuộc nội chiến của người Java. Để đáp trả, nhà Minh  hối thúc vua phía Tây của Java (có lẽ là vua của Majapahit) bồi thường. “Ngay lập tức trả 60.000 lạng (liang)(72) vàng để bồi thường cho mạng sống của họ và để chuộc lại tội ác của các ngươi…Nếu không tuân theo sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài đưa quân tới trị tội các ngươi. Những gì xảy ra ở An Nam là một minh chứng”(73). Sự đe dọa ám chỉ nói trên là cuộc xâm lược của nhà Minh vào Đại Việt. Cách thức của quân đội các nước thực dân Châu Âu ở châu Á sau này: đòi bồi thường theo sau các hành động mạo hiểm của chính quân đội của họ có lẽ sẽ là sự so sánh hữu ích về chủ nghĩa cơ hội phong kiến.

Đe dọa Miến Điện (Burma) (1411) 

Trong những năm đầu cầm quyền, trong khi ganh đua với Ava-Burma nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Vân Nam, Vĩnh Lạc đặc biệt quan tâm tới nhà nước Mu-bang (Hsenwi). Khi sứ thần của Mu-bang đến triều Minh vào năm 1409, theo như tường trình thì đã có những lời phàn nàn về Na-luo-ta, vua của Ava-Burma, lời đáp trả của Vĩnh Lạc có đoạn sau: “ Na-luo-ta, với mảnh đất đẹp đẽ của hắn, là kẻ ăn ở hai lòng và đang hành động sai trái. Ta đã biết điều đó từ lâu. Lý do mà ta chưa phái quân đội tới là vì ta e ngại rằng những người lương thiện sẽ bị thương.  Ta đã phái người đi cùng lời dạy bảo yêu cầu hắn  thay đổi con đường và làm lại từ đầu. Nếu hắn ta không thay đổi, ta sẽ lệnh cho các tướng lĩnh đưa quân tới. Quân đội sẽ tấn công từ đường biển và các ngươi có thể bố trí kị binh bản xứ tấn công từ trên bộ. Tên đê tiện đó sẽ không thể chống đỡ nổi”(75). Điều này ám chỉ lực lượng thủy quân đang ở trên biển phía tây dưới sự chỉ huy của đô đốc Trịnh Hòa, người cùng với Jing-hong và Hou Xian, những người đã được lệnh tiến hành nhiệm vụ khác ở biển tây. Sự đe dọa này của hoàng đế nhà Minh nhấn mạnh bản chất quân phiệt đầy hăm dọa của các cuộc hành trình trên biển.

Tấn công Srilanka (1411) 

Có lẽ sự kiện nói lên nhiều nhất về bản chất của các cuộc hành trình đường biển dưới sự chỉ huy của các viên hoạn quan là sự xâm lược quân sự vào Srilanka, bắt sống nhà vua và đưa ông ta về kinh đô của nhà Minh (nay là Nam Kinh) năm 1411. Nó xảy ra trong quá trình trở về của phái đoàn doTrịnh Hòa, người đã đưa quân Minh tới bờ biển phía tây của tiểu lục địa Ấn Độ bao gồm Quilon, Cochin và Calicut. Theo những tư liệu của nhà Minh, trong chuyến hành trình ra bên ngoài, vua Sri Lanka là Ya-lie-ku-nai-er (Alagakkonara)(76) đã “xấc xược và bất kính”, điều này có nghĩa rõ ràng rằng ông ta đã không công nhận sự  ưu việt của Minh và sứ thần của nhà Minh. Ông ta cũng được mô tả như một bạo chúa bản xứ – người đã “dụ dỗ” Trịnh Hòa trở lại hòn đảo vì thế mà Trịnh Hòa đã có thể cướp được chúng. Điều này, theo lịch sử chính thống của nhà Minh, là những thứ đã làm trỗi dậy sự thù địch khiến cho Trịnh Hòa xâm chiếm kinh đô bắt sống vua, tiêu diệt quân đội của ông ta và đưa vua cùng gia quyến về triều Minh(77). Cũng có một kịch bản tương tự ở Vân Nam, nhà Minh đã chỉ định ra một nhà vua bù nhìn thay thế cho người đã bị bắt cóc, và có lẽ ông ta đã đóng vai trò đem lại những lợi ích cho nhà Minh(78). Binh lính người Hoa – những người trở về từ cuộc viễn chinh tới Sri Lanka được trọng thưởng với mức độ và cách thức giống y như phần thưởng đã dành cho lực lượng xâm lược Đại Việt năm 1406 và điều này nói lên rằng mục đích của các đội quân đó là như nhau(79).

Tấn công và bắt sống Su-gan-la của Samudera (1415) 

Một ví dụ khác về mục đích và phương pháp của phái đoàn trên biển có thể thấy vào năm 1415 khi Su-gan-la, theo như ghi chép thì là “thủ lĩnh của những tên cướp Samudera”, bị Trịnh Hòa đưa tới Trung Quốc. Theo MInh thực lục (Ming shi-lu), Su-gan-la (Iskander?) đã âm mưu giết vua bản xứ là Zainuli Abidin, chiếm đoạt vương miện và tức giận vì sứ thần Trung Quốc đã không công nhận ông ta là nhà vua và không ban cho ông ta quà tặng. Do đó ông ta đã dẫn quân lính chống lại nhà Minh nhưng bị đánh bại và chạy trốn tới Lambri. Ông ta bị bắt tại đó cùng với vợ và các con và bị đưa về trừng phạt ở Trung Quốc bằng thuyền(80). Trong khi những sự kiện xảy ra trong năm 1414 và 1415 vẫn còn trong mờ mịt thì điều rõ ràng là Trịnh Hòa và quân đội của ông ta đã can dự vào một cuộc nội chiến ở bắc Sumatra ủng hộ phe thân nhà Minh và tham gia cuộc chiến chống lại phe kia. Một lần nữa, chúng ta thấy một ví dụ về sự viễn chinh bằng đường biển với vai trò chính của quân đội trong nỗ lực phô bày hòa bình kiểu Minh (pax Ming) ở vùng mà ngày nay được chúng ta biết tới là khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Những ví dụ bên trên gợi nhắc rằng những đội quân được phái ra nước ngoài trong thế kỉ 15 là nhằm tạo ra sự công nhận sự ưu việt của Minh từ tất cả các quốc gia khác trong thế giới biển mà nhà Minh biết tới. Những ai không công nhận uy quyền tối thượng của Minh đã trở thành mục tiêu của quân đội. Cũng không phải tất cả các quốc gia đều cần tới sự đe dọa bằng quân sự. Những lợi ích theo sau “nghĩa vụ triều cống” đã gợi nhắc một vài  nước gần như là vui vẻ thực thi triều cống và nhà  vua đích thân tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, số lượng các vua Châu Á tới Trung Quốc bởi các phái đoàn  của Trịnh Hòa nói lên rằng đe dọa đã là một yếu tố quan trọng. Có rất ít ví dụ khác về những ông vua tới thăm các quốc gia khác trong Đông Nam Á trong thời kì này điều này nói lên rằng đã có một sức ép lớn đặt lên họ buộc họ phải tới triều Minh và bày tỏ tình trạng thuộc cấp trước hoàng đế Trung Hoa.

Các chính sách liên quan đến Đông Nam Á của Minh Tuyên Tông (Ming Xuan-zong/ Vương triều Tuyên Đức (Xuan-de) (1426-1435)

Sự cai trị của hoàng đế Tuyên Tông (Xuan-zong )được đánh dấu bằng quyết định duy trì kinh đô của nhà Minh ở Bắc Kinh(82) (Beijing) thay vì đưa nó trở lại Nam Kinh, có lẽ nó được gợi cảm hứng từ sự bình yên rõ ràng của biên giới phía bắc. Sự di chuyển kinh đô của nhà Minh có khả năng thể hiện sự di chuyển mối quan tâm và chú ý của nhà Minh ra xa hơn nữa khỏi khu vực các vương quốc Đông Nam Á. Charles Hucker phát biểu rằng hoàng đế Tuyên Tông đã “không có tham vọng nào đối với việc phiêu lưu bành trướng hay sự nghiệp mới đầy kịch tính. Trái lại, ông thiên về thắt chặt cơ cấu chính quyền và có lẽ hơn hết là làm dịu bớt nỗi đau khổ của mọi người”. Ông ta cố gắng làm theo đúng thể thức quản lý tư pháp và làm sống lại các chuyến  hành trình do các hoạn quan dẫn đầu vốn đã được hoàng đế Nhân Tông (Ren-zong) trước đó chấm dứt(84)và nó có lẽ đã gợi nhắc rằng những phái đoàn này có xu hướng giống như  những người tìm kiếm nguồn thu thuế.

Đại Việt 

Đối với phía nam thì vấn đề chính thuộc về Giao Chỉ tức Đại Việt bị chiếm đóng thứ thừa hưởng từ những hoàng đế đi trước. Chính hoàng đế Tuyên Tông đã quyết định chấm dứt sự can dự của nhà Minh vào Việt Nam khi nó trở nên rõ ràng rằng nhà Minh không thể duy trì được phí tổn quân sự  hay trấn áp được quân đội mà họ đang phải đối mặt. Bằng quyết định này của nhà Minh, tướng Lê Lợi của Việt Nam đã cử người đại diện của ông ta tới triều Minh vào năm 1427 để thương thuyết một mối quan hệ mới giữa người Việt và nhà Minh(85). Trong các cuộc thương thuyết kéo dài – thứ diễn ra vào những năm tiếp theo, người Việt phủ nhận  cầm tù bất cứ người Trung Hoa nào hay bắt giữ  vũ khí của họ và tuyên bố rằng tất cả các viên chức người Hoa và quân lính đã được gửi trả lại Trung Quốc. Cái tên An Nam được phục hồi như là cái tên tiếng Hán chính thức để chỉ chính thể này tuy nhiên vài năm sau thì nhà Minh đã công nhận “quốc gia” Đại Việt.

Sự phục hồi các phái đoàn do hoạn quan dẫn đầu 

Dưới triều vua này, các phái đoàn  do hoạn quan dẫn đầu đã được tái khởi động trong đó có chuyến đi do Trịnh Hòa chỉ huy đi tới duyên hải Châu Phi năm 1431-1433(87).  Để biết thêm chi tiết chính xác về nhiệm vụ này cùng với lịch trình, ngày tháng tới các cảng nước ngoài mời xem phần trích trong cuốn Qian-wen-ji của Zhu Yun-ming, do Mill dịch(88).

Chính sách Vân Nam 

Tại Vân Nam sự kiểm soát hành chính Trung Hoa được mở rộng trong thời gian tồn tại triều vua này với sự ra đời của các đồn cảnh sát ở các con đường ở Teng-chong và Wei-yuan trong năm 1433(89). Sự quản trị quân sự trước đó – đội quân Yong-chang – đã được đổi thành khu  Lư giang (Lu-jiang), một cơ quan dân sự trực thuộc Ủy ban quản trị tỉnh Vân Nam như thể sự kiểm soát của người Hoa đã được thống nhất. Trong cùng năm, nhà Minh “thành lập” cơ quan tối cao Dong-tang, bên trong lãnh thổ người Miến như một cố gắng nhằm chia tách lãnh thổ và sức mạnh của chính thể Ava-Burma(90). Các “cơ quan bản xứ” khác cũng được “thành lập” (được công nhận bởi nhà Minh) bao gồm cơ quan Niu-Wu ở  lãnh thổ Ha-ni/Akha(91). Tương tự như vậy, các trạm dịch cũng được lập ra để giúp cho mối liên lạc giữa triều đình nhà Minh với quân đội và các cơ quan cai trị dân sự trong vùng(92). Cùng vói việc đòi hỏi các ông vua của các chính thể trong khu vực Đông Nam Á phục tùng bằng những chuyến đi của thuyền chiến Trịnh Hòa, nhà Minh cũng gửi các sứ thần đi thực thi các nhiệm vụ khác với những yêu cầu được đưa ra với các chính thể  bao gồm cả chính thể lớn hơn là Vân Nam. Những nhiệm vụ như thế cũng được hỗ trợ bởi các viên hoạn quan được gửi tới các nước khác. Năm 1433, viên hoạn quan Yun Xian đã dẫn về triều đình sứ thần từ các chính thể ở Vân Nam như Mu-bang, Lu-chuan/Ping-mian, Ava-Burma, Meng-ding, Jing-dong và Wu-sa, Wei-yuan, Guang-yi, Zhen-kang, Wan Dian, Nan Dian Da-hou và Teng-chong cũng như Lu-jiang, Gan-yai, Cha-shan, Wa Dian, và Meng-lian(93). Những nhà nước này có dân số chiếm số đông là người Thái và các chính thể người Miến ở bắc Ayudhya và tây Lào

Chính sách liên quan đến Đông Nam Á của Ming Anh Tông (Ming Ying-zong) và Ming Đại Tông (Ming  Dai-zong)/ Triều vua Chính Thống (Zheng-tong), Cảnh Thái (Jing-tai ) và Thiên Thuận (Tian-shun )(1436-1464)

Ba triều đại nói trên được kết thành một trong tư liệu Minh thực lục (Ming shi-lu) dưới miếu hiệu Anh Tông (Ying-zong ) nói lên rằng hai triều đại của hoàng đế Anh Tông bị ngắt quãng bởi sự trị vì của Minh Đại Tông (Ming Dai-zong) do hậu quả của việc vua trước đó bị người Mông Cổ bắt một thời gian ngắn trong chiến dịch năm 1449(94). Điều đó thậm chí nhấn mạnh rằng biên giới phía bắc quan trọng như thế nào trong tâm trí của vua Minh trong giai đoạn này tuy nhiên nó cũng không thể ngăn trở nhà nước này can dự vào các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới lục địa Đông Nam Á. Chính biên giới Vân Nam đã trở thành tâm điểm của tương tác Minh – Đông Nam Á trong suốt 28 năm.

Tấn công quân sự vào các nhà nước “Vân Nam”

 

Ba cuộc tấn công nhằm vào nhà nước Tai Mao vốn được người Trung Hoa biết đến với cái tên Lu-chuan(95) kéo dài từ năm 1838 tới năm 1445 đã không được chú ý đúng mức trong những nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng lại là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Đông Nam Á dẫn đến kết quả làm tan vỡ ra từng mảnh  nhà nước lớn nhất này.

Nhà lãnh đạo Si Ren-fa của Tai Mao trong những năm 1430 đã cố gắng phục hồi lãnh thổ trước đó nằm trong tay cha ông là Si lun-fa nhưng nó đã bị tán nhỏ bởi các chính sách ngay từ sớm của nhà Minh. Ông ta đã có được sự kiểm soát đối với Gan-yai, Nan Dian, Teng-chong, Lư Giang (Lu-jiang) và Jin-chi vào trước năm 1438 khi triều đình cử các tướng lĩnh tới giúp đô đốc địa phương Mu Sheng đánh lại ông ta(96). Trong khi lực lượng người Hoa tuyên bố thành công bước đầu thì sau đó 50.000 lính từ khắp  nam Trung Quốc đã được động viên trong năm 1439 trong cuộc bành trướng lớn lần thứ nhất vào Lu-chuan(97). Khoảng năm 1440, người ta nói rằng 120.000 lính sẽ trở nên cần thiết nếu như Si Ren-fa giành được thắng lợi lần nữa(98). Điều này nói lên sức mạnh của nhà nước Mong Mao trong thời gian này. Năm 1441, triều đình nhà Minh ra lệnh mở một cuộc bành trướng nữa do tướng Jiang Gui và Wang Ji chỉ huy(99). Wang Ji đã dẫn 50.000 lính hướng về Shang Jian trên sông Salween trong năm đầu tiên và tuyên bố rằng quân ông ta đã chiếm được và phá hủy Lu-chuan vào năm 1442 nhưng Shi Ren-fa đã chạy thoát(100). Vào tháng 8 năm 1442, một cuộc bành trướng nữa được tiến hành nhắm vào Lu-chuan(101) và cả Wang Ji và Jiang Gui được tái triệu tập nắm vai trò chỉ huy. Năm 1444 cũng chứng kiến sự sụp đổ của Lu-chuan, căn cứ quyền lực của Si Ren-fa, giết chết Si Ren-fa và sự ra đời của Hội đồng bình định Long-chuan của nhà Minh (chắc chắn đây là lần đầu tiên sử dụng khái niệm Tuyên phủ ty trong lịch sử Trung Quốc) để thay thế một phần cho Lu-chuan. Một tù trưởng Lu-chuan cũ là Gong Xiang người đã chạy theo nhà Minh sau đó đã được chỉ định là người đứng đầu cơ quan này(102). Những chi tiết về các cuộc bành trướng quân sự này được cung cấp bởi Liew(103).

Một cuộc bành trướng quân sự nữa có ảnh hưởng lớn lao tới các nhà nước Đông Nam Á ở vùng cao đã được tiến hành vào năm 1448 để bắt Si Ji-fa, con của Si Ren-fa. Vào thời điểm tương đương với tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1448, chỉ dụ của triều đình được chuyển tới Wang Ji lệnh cho ông ta bắt sống Si Ji-fa và các tù trưởng của Meng-yang(104). Các chính thể  đầu hàng như Ava-Burma, Mu-bang, Nan Dian, Gan-yai và Long-chuan cũng bị yêu cầu cung cấp binh lính tham gia đánh lại Si ji-fa(105). Những mệnh lệnh của triều đình đưa tới Wang Ji đã tiên đoán sự đổ vỡ do cuộc bành trướng tạo ra trong vùng. “Hắn (Si Ji-fa) có thể chạy trốn vào lãnh thổ Ava-Burma và sẽ được dân ở đây cất giấu. Nếu vậy, hãy bắt sống họ khi tình thế yêu cầu làm sao để người Di biết sợ và Đại Quân sẽ không bị rơi vào cảnh trống rỗng”(106). Trong khi Wang Ji báo cáo rằng cuộc tấn công vào khu vực phòng thủ của Si Ji-fa đã thành công(107) nhưng sau đó các ghi chép cho biết Wang Ji đã phải xoay xở như thế nào trong việc tìm kiếm lợi thế con người từ “các viên chức bản xứ” và ông ta đã bị đánh bại bởi Si Ji-fa như thế nào trên thực tế(108).

Năm 1454, một lần nữa lực lượng Trung Quốc lại được phái đi lần này là nhằm vào Si Ken-fa và những thủ lĩnh khác ở Meng-yang, những người đã tự lập ra vương triều và kình địch với những người mà nhà Minh chỉ định(109).

Sự bóc lột kinh tế ở Vân Nam

0