Thiên Chúa, Chính phủ và Ý tưởng lớn của Roger Williams
John M. Barry Hoàng Lan dịch Bị trục xuất khỏi Massachussetts, một Mục sư Thanh giáo đã đề ra nguyên tắc vẫn còn tính thời sự ngày nay: Phân ly Giáo hội và Nhà nước. Đến cả những đối thủ quyết liệt nhất của Roger Williams cũng phải thừa nhận rằng ở ông có sự duyên ...
John M. Barry
Hoàng Lan dịch
Bị trục xuất khỏi Massachussetts, một Mục sư Thanh giáo đã đề ra nguyên tắc vẫn còn tính thời sự ngày nay: Phân ly Giáo hội và Nhà nước.
Đến cả những đối thủ quyết liệt nhất của Roger Williams cũng phải thừa nhận rằng ở ông có sự duyên dáng, tự tin và mãnh liệt mà người đời sau này gọi là sức cuốn hút của một lãnh đạo. Tuy vậy, họ không coi những đặc điểm của nhà truyền giáo này là điều có thể tận dụng, bởi vì những đức tính đó chỉ khiến ông trở nên nguy hiểm hơn trong vùng vịnh thuộc địa Massachusetts. Với một người như ông, họ không thể thỏa hiệp.
Về phần mình, Williams cũng không có ý định thỏa hiệp, mặc dù ông có trí thông minh nhân từ và lòng bác ái của Kitô giáo. Ông tin rằng lỗi không phải ở ông, và khi tự biết rằng mình đúng, ông không cần sự ủng hộ của ai cả.
Vì vậy, xung đột giữa Williams và những người buộc tội ông cách đây gần 400 năm đã là điều không thể tránh khỏi. Đó cũng là một cuộc xung đột có bề dày lịch sử, vì nó liên quan đến mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước, cũng như minh định chính bản chất của quyền lực nhà nước. Hệ quả của nó thực to lớn, tác động đến cả ngày nay.
Phần câu chuyện liên quan đến nước Mỹ bắt đầu khi John Winthrop dẫn 1000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em di dân đến Vịnh thuộc địa Massachusetts năm 1630. Những người Thanh giáo này phẫn nộ với những gì họ coi là tham nhũng trong Giáo hội Anh và sự chuyên chế của nhà vua. Trong khi chủ trương nghi lễ tôn giáo đơn giản và niềm giao cảm riêng tư với Thiên chúa, những nhà truyền đạo Thanh giáo đã bị ép buộc phải mặc áo lễ thụng, sử dụng Sách Cầu nguyện Chung, và giáo đoàn của họ bị buộc phải tham gia vào cái mà họ coi là sự thờ phụng cửa miệng. Hình phạt cho sự phản kháng là nhà tù. Khi họ rời nước Anh vào tháng Tư, Winthrop đã nhắc nhở những người đi cùng về mục tiêu của họ: thiết lập một “thành phố trên cao nguyên” dành riêng cho Chúa, tuân theo pháp luật của Thiên chúa, và hưng thịnh dưới hình ảnh của Thiên chúa như một mô hình để cả thế giới nhìn vào.
Williams, đã có tiếng về học vị và đạo đức khi còn là mục sư ở Anh, mang gia đình ông đến thuộc địa này vài tháng sau đó. Winthrop ca ngợi ông như một “nhà truyền đạo thần thánh,” và nhà thờ Boston ngay lập tức đề đạt một công việc, một vị trí cao cấp nhất ở nước Mỹ thuộc địa. Nhưng Williams từ chối, bác bỏ nhà thờ là đã không toàn tâm với sự thờ phụng Thiên chúa một cách đúng đắn. Lời buộc tội gây kinh ngạc này đã khiến ông mâu thuẫn với các lãnh đạo thuộc địa cho đến tận cuối đời.
Williams không có sự khác biệt nào với họ về thần học. Họ chia sẻ cùng một đức tin, thờ phụng Thiên chúa của Calvin, tôn vinh Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống và nhìn mục đích của con người là thúc đẩy vương quốc của Chúa. Tuy nhiên, các lãnh đạo của thuộc địa, cả giáo dân và giáo sĩ, tin tưởng chắc chắn rằng nhà nước phải ngăn chặn các sai lầm của tôn giáo. Họ tin tưởng rằng sự thành công của thuộc địa Massachusetts phụ thuộc vào điều đó.
Williams tin rằng phòng tránh sai lầm của tôn giáo là không thể, bởi điều này đòi hỏi con người phải giải thích các luật của Chúa, mà con người thì sẽ không tránh được sai lầm. Vì thế, ông kết luận rằng chính phủ phải tự rời xa bất kì điều gì có dính dáng đến mối quan hệ giữa con người và Chúa. Một xã hội được xây dựng dựa trên những nguyên tắc do Massachusetts ban hành, khá lắm cũng dẫn đến đạo đức giả, bởi vì, ông viết, thờ phụng cưỡng ép bản thân nó “là điều khó coi trong mắt Chúa.” Trong trường hợp tồi tệ nhất, một xã hội như vậy sẽ dẫn đến tham nhũng ghê gớm– không phải của nhà nước, nhà nước đằng nào cũng đã tham nhũng – mà là của Giáo hội.
Cuộc tranh cãi này lần đầu tiên đã minh định hai vết nứt chạy suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ kể từ đó. Đầu tiên, tất nhiên, là mối quan hệ thích hợp giữa chính phủ và những gì con người đã lập ra nhân danh Chúa – giáo hội. Vết nứt thứ hai là trong mối quan hệ giữa cá nhân tự do và quyền lực chính phủ – định hình tự do.
Về sau, sau khi Williams đã chấp nhận một công việc trong nhà thờ ở Salem, phía Bắc Boston, và quy tụ một giáo đoàn cùng chí hướng, chính quyền Vịnh sợ rằng sai lầm ghê gớm xuất phát từ ông sẽ lan truyền và làm hư hỏng cả thuộc địa. Tháng Mười năm 1635, Tòa án Vịnh thuộc địa Massachusetts trục xuất ông, ra lệnh ông phải rời khỏi thuộc địa trong vòng sáu tuần. Nếu trở lại, ông có nguy cơ bị hành quyết.
Williams lúc đó bị bệnh và mùa đông sắp đến, vì vậy tòa án mở ân xá cho ông, đình chỉ thi hành lệnh trục xuất đến mùa xuân. Đổi lại, ông hứa sẽ không nói chuyện công khai. Tuy nhiên, trong nhà riêng, giữa bạn bè, ông đã không giữ miệng. Coi đó là sự vi phạm lời hứa, chính quyền trong tháng Một năm 1636 đã đột ngột gửi binh lính đến bắt ông và dự định đưa ông lên một con tàu về Anh. Điều này vượt quá lệnh trục xuất: điều khá nhất Williams có thể mong đợi ở Anh là cuộc sống trong tù; trong các nhà tù ở Anh, các bản án thường ngắn.
Nhưng Winthrop không tin Williams đáng bị trừng phạt như vậy; ông đã bí mật cảnh báo Williams về việc bắt giữ sắp xảy ra. Williams đã hành động ngay tức khắc. Mặc quần áo để chống chọi mùa đông, nhồi đầy túi lượng bột ngô khô mà những người thổ dân dùng để sống trong nhiều tuần, ông bỏ trốn khỏi nhà mình. Ông sẽ không nhìn thấy căn nhà ấy một lần nữa.
Cái lạnh mùa đông năm đó thật dữ dội. Ngay cả đến 35 năm sau, Williams vẫn nhắc đến cái lạnh đó và “thứ tuyết mà tôi chưa từng thấy.” Trong 14 tuần, ông viết, ông đã không biết “Bánh mì và Giường nghĩa là gì.” Ông đã có thể chết, nếu không nhờ “những con quạ… cho tôi ăn,” tức là những người thổ dân mà từ lâu ông giao dịch qua lại. Trong mùa đông ấy, một trong những giáo sĩ vùng Vịnh viết thư cho ông, vài lá thư được những người thổ dân chuyển đến. Lá thư cuối cùng cay độc một cách lạ thường, nó nói rằng nếu Williams “chết” giữa những kẻ “Man rợ,” “máu của ngươi đã luôn ở trong chính đầu ngươi; đó là tội lỗi mà ngươi phải chịu.” Lá thư cuối cùng này, cay độc thế, mà vẫn được gửi, được gửi bởi một kẻ hiểu rất rõ tình trạng tuyệt vọng ông đang đối mặt, và dày vò ông sâu sắc – “làm tôi chết lặng,” như Williams nhớ lại nhiều thập kỷ sau đó. Nó khiến ông cảm thấy bị cô lập cùng cực, thậm chí bị “cắt bỏ”, một cụm từ thường mang nghĩa “bị chặt đầu”.
Williams không phải là người thích cô độc. Ông là một sinh vật xã hội, một người kết bạn dễ dàng, vậy mà khi đó ông bị xua đuổi lênh đênh cả về tình cảm, tinh thần và thể xác. Nhưng phiêu bạt trong một thế giới hoàn toàn mới có một lợi ích: Ông bắt đầu khảo sát, thăm dò, suy nghĩ về một dạng xã hội mà ông muốn tạo ra, bởi vì, như Thống đốc Plymouth Edward Winslow đã nói với ông, bây giờ ông có “cả một đất nước tự do trước mặt.”
Sau này, Williams tìm đường xuống phía nam Vịnh Narragansett và chọn điểm định cư tại một tiểu vịnh nơi hai con sông nhỏ đổ vào. Ông mua đất từ thổ dân Narragansett và viết rằng “với cảm giác Thiên chúa đã tỏ lòng nhân từ phù hộ tôi trong cơn đau khổ, tôi gọi nơi này là Providence (Thượng đế), mong muốn nó sẽ là nơi che chở cho những người chịu khổ đau vì lương tâm.”
Qua “lương tâm” (“conscience”), ông nói đến tôn giáo. Gia đình ông và hơn chục gia đình khác, những người đã từng theo ông hồi còn ở Salem, đến gia nhập cùng ông. Dù ít người, Williams sớm nhận ra sự cần thiết của một hình thái chính phủ nào đó. Những người Narragansetts đã chỉ bán đất cho riêng ông, và theo tiền lệ của Anh và thuộc địa, các quyền sở hữu này đồng thời cho ông quyền kiểm soát chính trị trên thuộc địa. Tuy vậy, ông soạn thảo một khế ước chính trị cho Providence, trong đó ông chứng minh rằng những suy nghĩ của ông đã đưa ông vào một thế giới mới thực sự.
Ông từ bỏ gần như tất cả đất của mình – cho dự trữ chung của thị trấn – cũng như mọi quyền chính trị đặc biệt, chỉ dành cho bản thân mình quyền bỏ phiếu bình đẳng với những người khác. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là những gì khế ước không đề cập đến. Khế ước đã không đề xuất xây dựng một mô hình vương quốc của Chúa trên trái đất, như Massachusetts đã từng làm. Nó thậm chí cũng không tuyên bố nâng cao ý muốn của Chúa như tất cả các văn bản sáng lập những vùng thuộc địa châu Âu trên Bắc Mỹ và Nam Mỹ, dù đó là thuộc địa Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Pháp. Bản khế ước thậm chí không yêu cầu phước lành của Thiên Chúa. Nó không đề cập đến Chúa một chút nào.
Những kẻ thù gay gắt nhất của Williams chưa bao giờ đặt câu hỏi về lòng mộ đạo của ông. Sự thành tâm với Chúa của ông truyền đi trong mọi việc ông làm – suy nghĩ của ông, tác phẩm của ông, các hành động của ông. Trong hai tuyển tập các lá thư còn lưu giữ lại của ông, gần như không có đoạn văn nào là không nhắc đến Chúa một cách gần gũi thân thiết. Đối với ông, bỏ qua việc đề cập đến Chúa trong bản khế ước chính trị nhấn mạnh niềm tin rằng: cho rằng Chúa nâng đỡ bất kỳ một nhà nước nào ngoài Israel cổ đại là coi thường Chúa và biểu hiện sự kiêu ngạo tột cùng của con người.
Và những người định cư khác ở Providence đồng loạt thống nhất: “Chúng tôi, có tên dưới đây… hứa sẽ chỉ phục tùng, một cách thụ động hay chủ động, những mệnh lệnh hay thỏa thuận thông qua vì lợi ích chung… và chỉ trong các vấn đề dân sự.”
Chính phủ này là trần trục, theo nghĩa đen, tức là nó chỉ giải quyết những vấn đề thuộc về thế giới này. Không như những thuộc địa Anh khác, thuộc địa này không thiết lập một nhà thờ hay yêu cầu đi lễ nhà thờ. Thực vậy, sau này nó ra sắc lệnh công nhận “một tuyên bố tín ngưỡng đơn giản có hiệu lực đầy đủ như một lời tuyên thệ” tại Tòa án. Tất cả những điều này là một cuộc cách mạng.
Williams đã đến với những tư tưởng đó như thế nào là cả một câu chuyện của quyền lực, máu và mưu đồ. Ông đã quản lý và đảm bảo sự tồn tại của Nhà nước Rhode Island và Các Thuộc địa Providence (tên đầy đủ của Providence ngày nay) như thế nào, cũng là một quá trình đầy máu, liên quan đến các cuộc chiến tranh tôn giáo trên lục địa châu Âu, nội chiến ở Anh và hành quyết một ông vua.
Năm 1534, vua Henry VIII bác bỏ Công giáo Rome và biến vương quốc theo đạo Tin Lành. Nghị viện tuyên bố nhà vua đứng đầu giáo hội mới của nước Anh; vua hành quyết những người phản đối ông, coi họ là dị giáo và phản bội. Con gái của ông là Nữ hoàng Mary biến nước Anh thành Công giáo một lần nữa, và thiêu sống những người theo đạo Tin Lành nếu họ là mối đe dọa. Rồi Nữ hoàng Elizabeth lại đưa nước Anh trở lại đạo Tin Lành và xử tử những người Công giáo âm mưu chống lại– trong đó cả chính người em họ của nữ hoàng là Nữ hoàng Mary xứ Scots. Người kế vị bà là Vua James, con trai Nữ hoàng Mary.
James đã từng theo đạo Tin Lành, nhưng dần biến Giáo hội Anh gần lại với Công giáo, làm tức giận những người theo đạo Tin Lành. Năm 1604, cho rằng các cuốn Kinh thánh Anh chưa nhấn mạnh đủ yêu cầu phục tùng quyền lực, ông ra lệnh cho dịch bản mới; bản này được biết đến với cái tên Kinh Thánh của Vua James, và khiến ông hài lòng vì điều đó. Trong chính trị, ông đưa các lý thuyết về quyền thần thánh của nhà vua vào lịch sử nước Anh, và tuyên bố rằng “quân vương là pháp luật. Rex est lex loquens, vua chính là pháp luật đang nói.” Ủng hộ vua là Ngài Francis Bacon, được biết đến nhiều nhất như một nhà tư tưởng khẳng định rằng hiểu biết đến từ quan sát. Ông đã giúp phương pháp khoa học hiện đại tiến xa. Nhưng đồng thời, ông cũng là một cận thần và một luật sư, và trở thành thủ tướng của nước Anh, địa vị chỉ dưới nhà vua trong chính phủ.
Đối lập với James là Ngài Edward Coke, người có thể dễ dàng được coi là luật gia vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh. Chính ông là người đã phán quyết từ ghế quan tòa rằng “ngôi nhà của mỗi người thuộc về anh ta như lâu đài của anh vậy.” Các án lệ ông đặt ra bao gồm nguyên tắc cấm xét xử một tội hai lần, quyền ra trước tòa án để vô hiệu hóa một văn bản pháp luật, và việc sử dụng lệnh đình tạm quyền giam giữ (*) để hạn chế quyền lực nhà vua và bảo vệ các quyền cá nhân. Cook thường dẫn theo một thư ký trẻ đến Phòng Tinh Tú – Tòa án nước Anh, đến Tòa án tối cao của Nhà vua, đến Hội đồng cố vấn riêng của vua, đến Nghị viện, để gặp nhà vua. Người thư ký đó, mà đôi khi Coke gọi là “con trai” của ông và sau đó cho đi học ở những trường tốt nhất ở Anh, là Roger Williams, người sinh ra trong một gia đình trung lưu ở London khoảng 1603.
Những xung đột giữa Coke với Vua James, và sau là với vua Charles, ngày càng hằn sâu và nóng bỏng; năm 1621, James ra lệnh giam Coke vào Tháp London. Nhà tù đã không chế ngự được ông. Sáu năm sau khi ra tù, ông viết Kiến nghị về Quyền (Petition of Right), tuyên bố các giới hạn của quyền lực hoàng gia. Ông đã xoay sở để bản Kiến nghị được thông qua ở cả hai viện của Nghị viện và buộc Vua Charles phải chấp thuận nó. Winston Churchill sau này gọi bản kiến nghị của Coke là “nền tảng chính của tự do nước Anh… hiến chương của mọi con người có lòng tự trọng tại bất kỳ thời điểm nào trên bất kỳ đất nước nào.”
Nhưng chỉ vài tháng sau đó, năm 1629, Charles phá vỡ lời hứa và giải thể Nghị viện. Khi binh lính đập các cửa ra vào của Hạ viện, nghị trường hỗn loạn, hành động cuối cùng của Nghị viện là thông qua quyết nghị tuyên bố những kẻ ủng hộ nhà vua là phản bội.
Williams tận mắt chứng kiến những rối ren của giai đoạn đó, trước là trong thời thanh niên đi theo Coke, và sau với tư cách là một nhà truyền đạo trẻ, tốt nghiệp từ Cambridge, và phục vụ trong chính phủ như người đưa tin tin cậy giữa các lãnh đạo nghị viện. Không còn Nghị viện, Charles bắt đầu một thời kỳ 11 năm “Cai trị Cá nhân,” dẹp tan bất đồng chính kiến chính trị và tôn giáo với một mạng lưới gián điệp và biến Phòng Tinh Tú (Star Chamber) từ một “tòa án của dân nghèo,” với triển vọng công lý bình đẳng, thành một danh từ riêng chỉ tư pháp lạm quyền. Chính áp lực này đã khiến Winthrop, Williams và những người khác đến Thế Giới Mới, tới Massachusetts.
Tại Mỹ, Massachusetts không chỉ trở nên đủ mạnh để diệt trừ những thổ dân kẻ thù, mà thậm chí còn lên kế hoạch kháng chiến vũ trang chống lại nhà vua khi có tin đồn nhà vua sẽ áp đặt hình thức thờ phụng của ông lên mảnh đất đó. Massachusetts cũng trở nên đủ mạnh để đè bẹp Rhode Island, nơi quy tụ những kẻ ngoài lề bị trục xuất khỏi Massachusetts vì lý do tôn giáo, mà Massachusetts xem như một ổ dịch hạch tại biên giới. Vì vậy Massachusetts đòi thẩm quyền, mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, tại Cranston, phía nam của Providence. Và năm 1643 họ đã chiếm Warwick bằng vũ lực, binh sĩ của họ diễu hành qua Providence.
Khi đó nước Anh đang trong nội chiến, nhà vua chống lại Quốc hội. Những người Anh theo đạo Thanh giáo, mà Massachusetts vẫn còn cần sự hỗ trợ, đứng về phía các nhà lập pháp. Điều đó khiến Quốc hội trở thành cơ quan quyền lực duy nhất có thể ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Massachusetts. Williams ra khơi, về lại nước Anh ngột ngạt, để tìm kiếm từ Nghị viện hiến chương pháp lý cho Rhode Island, và thuyết phục nước Anh về sự đúng đắn của ý tưởng của ông.
Cả hai nhiệm vụ đều dường như không thể. Williams phải thuyết phục Quốc hội cho phép Rhode Island tách rời nhà thờ và nhà nước. Tuy nhiên, Quốc hội đã chẳng mặn mà với ý kiến này hơn Massachusetts là mấy. Thật vậy, cuộc nội chiến xảy ra phần lớn là vì quyền kiểm soát của nhà nước với Giáo hội Anh, và truyền thống trí thức châu Âu khi đó từ chối tự do tôn giáo. Như nhà sử học Henry Lea quan sát vào năm 1887, “công luận phổ quát thế kỷ mười ba đến thế kỷ mười bảy” cho rằng những kẻ dị giáo phải chết. Cho đến năm 1643, hàng trăm hàng ngàn Kitô hữu đã bị giết bởi các Kitô hữu khác vì sự khác biệt trong cách họ tôn thờ Chúa Kitô. Nhà sử học W. K. Jordan ghi nhận: “Chưa từng có tiếng nói nào được nêu lên tại Nghị viện về việc khoan dung tất cả các nhóm Tin lành,” chứ đừng nói gì đến những nhóm Công giáo, những người bị coi là kẻ dị giáo phản bội. Cả vua và Nghị viện đều muốn “một Giáo hội quốc gia không cho phép bất đồng chính kiến.” Nhưng Williams, không nao núng và và đầy sức thuyết phục, đưa ra lập luận của mình với niềm đam mê, kiên trì và logic. Ngay cả đối thủ Baillie Robert của ông cũng thừa nhận sự “chân thành” của ông, và gọi “tâm tính của ông… không hề có khuyết điểm.” Williams cũng đã vận động nhiều mối quan hệ – trong đó có những người như người bạn cũ Oliver Cromwell của ông, để đưa quan điểm của mình vào hành lang của Quốc hội, vào các quán rượu, vào những ngôi nhà lớn và cung điện của London. Ông đã làm bất cứ điều gì để giành sự ủng hộ, thậm chí đảm bảo một nguồn cung cấp củi đốt mùa đông cho London, nơi các nguồn cung cấp than bình thường bị chiến tranh làm gián đoạn.
Quan trọng hơn cả, vào đầu tháng 2 năm 1644, ông xuất bản một cuốn sách nhỏ (các cuộc tranh luận khi đó sử dụng các tờ rơi và sách nhỏ như vũ khí ngôn luận), trong đó ông đã cố gắng khiến độc giả sống lại kinh nghiệm của ông, làm cho họ hiểu lý do của sự khác biệt của ông so với Massachusetts, làm cho họ nhìn thấy sự đạo đức giả của thuộc địa này. Những người dân của Vịnh Massachusetts đã rời nước Anh để thoát khỏi áp đặt tôn giáo. Vậy mà, ở Massachusetts, bất cứ ai cố gắng “thiết lập Nhà thờ và nơi Thờ phụng khác,” kể cả Tân giáo (Presbyterian), khi đó được ưa chuộng nhất ở Nghị viện, đều “không được phép. . . sống và hít thở một bầu không khí chung trong một khối thịnh vượng chung, đó là trường hợp của tôi.”
Williams mô tả nhà thờ thực sự là một khu vườn tuyệt đẹp, không vết nhơ và tinh khiết, mang âm hưởng của Eden. Còn thế giới, ông mô tả là “chốn Hoang dã,” một danh từ có vang vọng trải nghiệm của cá nhân ông. Rồi ông phát biểu lần đầu tiên một câu nói mà ông sẽ còn sử dụng nữa, một câu nói mà dù không phải ai cũng biết là của ông, đã không ngừng vang vọng trong lịch sử nước Mỹ. “Dù hàng rào hay bức tường ngăn cách giữa Khu vườn của Nhà thờ và chốn Hoang dã của thế giới từng có lỗ hổng,” ông cảnh báo, “Thiên Chúa chưa bao giờ đập các bức tường đó, bỏ đi các cây đèn nến, và biến Khu vườn của Ngài thành Chốn hoang.”
Ý ông là, để giáo hội và nhà nước dính dáng đến nhau thì sẽ làm hỏng giáo hội, và khi tôn giáo và chính trị bị trộn lẫn, cái người ta nhận được là chính trị. Khi đó, ở London, trong lòng cuộc nội chiến, ông cổ vũ cho điều mà ông bắt đầu gọi là “Tự do Tâm hồn” (Soul Libertie). Baillie ghi nhận, với vẻ mất tinh thần thấy rõ: “Williams đã thu hút một số lớn những người theo ông.”
Williams còn một lập luận cuối cùng. Rhode Island có thể là một thử thách, một thử nghiệm. Đảo này cô lập với Anh một cách an toàn; nếu nó được cấp một hiến chương và cho phép thử nghiệm về tự do tâm hồn, cả nước Anh có thể thấy kết quả.
Ngày 14 tháng 3 năm 1644, Uỷ ban các Thuộc địa Nước ngoài của Anh cấp cho Williams hiến chương ông mong đợi.
Ủy ban đã có thể áp đặt một thống đốc hoặc định đoạt chính phủ. Nhưng không, họ đã cho phép một nền dân chủ, trao cho thực dân “Quyền lực và Thẩm quyền để tự cai trị và quản lý… qua đó lập một Chính phủ dân sự với sự đồng thuận của tất cả hoặc do phần lớn trong số họ thấy phù hợp” chừng nào mà pháp luật của thuộc địa “phù hợp với Pháp luật của nước Anh, trong giới hạn mà Tự nhiên và Hiến pháp nước này cho phép.”
Đặc biệt hơn, Ủy ban đã để mọi quyết định về tôn giáo cho đa số người dân thuộc địa quyết định, dù biết rằng đa số Rhode Island sẽ không cho nhà nước can thiệp vào các vấn đề tôn giáo. Tự do tâm hồn từ nay đã được chính thức công nhận.
Williams đã kiến tạo xã hội tự do nhất trong thế giới phương Tây. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu.
Trong hàng tháng trời, Williams đã làm việc không ngừng nghỉ để để hoàn thành kiệt tác của ông. Ông đặt tựa đề cho tác phẩm là “Giáo lý Nhuộm máu về Đàn áp Lương tâm, Bàn luận trong Hội nghị giữa Sự thật và Hòa bình” (The Bloudy Tenent of Persecution for cause of Conscience, Discussed in A Conference betweene Truth and Peace). Đó là một trong những luận án toàn diện nhất về tự do tôn giáo từng được soạn thảo. Cuốn sách 400 trang này phản ánh rõ ràng ảnh hưởng của cả quan điểm của Bacon về phương pháp khoa học, và quan điểm của Coke về tự do, và ông trích dẫn Bacon và Coke trong những trang đầu. Sự kết hợp này khiến Williams tách biệt thế giới vật chất và thế giới tâm linh, và rút ra những kết luận về chính trị mà từ đó ông thiết lập một lý thuyết dân chủ, hiện đại không ngờ, về nhà nước.
Mục đích chính của Williams là để chứng minh, “Từ chính ý chí và mệnh lệnh của Thiên Chúa, từ khi Con trai của Chúa Giêsu giáng trần, sự cho phép tín ngưỡng và thờ phụng Đa thần, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Chống Ki-tô, được cấp cho tất cả mọi người trong mọi Quốc gia và mọi Đất nước.” Trong hàng trăm trang, ông đưa ra trường hợp của ông, mở rộng quan điểm của ông rằng nhà nước chắc chắn sẽ làm hỏng giáo hội, phản bác các lập luận từ Kinh Thánh về sự không khoan dung bằng những lập luận từ chính Kinh Thánh về sự khoan dung.
Sau đó, ông phản đối quan điểm gần như phổ quát rằng Chính phủ nhận được quyền lực từ Thiên Chúa, và rằng trong thế giới vật chất, Thiên Chúa ưu ái những người ngoan đạo và trừng phạt những người khác. Nếu chỉ đơn giản như vậy, tại sao Chúa lại đặt Job qua thử thách? Và Williams lưu ý rằng tại thời điểm đó, giữa các cuộc xung đột ở châu Âu, người Công Giáo đã luôn chiến thắng và thống trị. Nếu “thành công là thước đo,” phải chăng điều này chứng minh rằng Thiên Chúa đã chọn người Công giáo thay vì Tin Lành?
Luôn luôn là một người theo trường phái Calvin, Williams bác bỏ khả năng đó. Ông tiếp tục bác bỏ ý tưởng rằng Thiên Chúa ủy quyền cho chính phủ. Thay vào đó, Williams ra một tuyên bố mang tính cách mạng trong thế kỷ 17: “Tôi suy luận rằng, chủ quyền ban đầu, và nền tảng của quyền lực dân sự nằm trong nhân dân.” Chính phủ do nhân dân thành lập, ông viết, “không có nhiều quyền lực hơn, và cũng không trong thời gian lâu hơn, quyền lực dân sự mà nhân dân thỏa thuận và thống nhất tin tưởng trao cho.”
Không một thành viên của Nghị viện Anh, ngay cả trong khi tiến hành chiến tranh chống lại nhà vua, đã nghĩ xa đến như vậy. Đến cả Winthrop, người gọi dân chủ là “biểu hiện vi phạm điều răn thứ 5 của Chúa,” cũng không nghĩ vậy, và nhấn mạnh rằng, mặc dù được bầu làm thống đốc, ông vẫn “nhận quyền lực từ Thiên Chúa.”
Cuốn Bloudy Tenent được xuất bản vào tháng Bảy 1644, đã gây choáng váng và tức giận. Ngay cả những người đã từng trả giá đắt đỏ cho quan điểm của tôn giáo của họ cũng cảm thấy bị xúc phạm. Nghị viện đã ra lệnh đốt tất cả ấn bản của cuốn sách này. Cả hai viện lập pháp lắng nghe một mục sư lên án nó, nhưng cảnh báo: “Cái vỏ đôi khi bị ném vào lửa, nhưng hạt nhân được thưởng thức như miếng kẹo ngọt.”
Williams đã rời nước Anh về lại Providence trước đó, trước cả khi cuốn sách của ông in xong. Lần này ông không vượt Đại Tây Dương để thoát thân; ông đã vượt Đại Tây Dương trong chiến thắng. Sự trở về của ông đánh dấu một kiểu thách thức, một sự quay lưng lại với London và địa vị ông đã đạt được ở đó. Đó là một sự khẳng định tự do của chính ông. Tại Rhode Island, người ta có thể được tự do. Williams sẽ không từ bỏ mảnh đất ông đã gây dựng cũng như khái niệm mà ông đã đặt ra. Trong khi đó, không phải tất cả các ấn bản của cuốn sách của ông đều bị đốt cháy. Một ấn bản mới đã xuất hiện sớm sau đó; hạt nhân của nó sẽ ngày càng trở nên ngọt ngào.
Mặc dù Roger Williams không phải là một cái tên thường được nhắc đến, giới học thuật đã biến ông thành một trong những nhân vật được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử Tiền cách mạng Mỹ. Trong những nghiên cứu đó, cũng như những người cùng thời với ông, ông là một nhân vật gây tranh cãi.
Một số người không nhìn nhận Williams như đã đạt được bất cứ điều gì, bởi vì, họ nói, thành công của ông tại Rhode Island chỉ là cục bộ. Những người khác lập luận rằng những biện minh bởi Williams cho tự do tôn giáo phát sinh quá nhiều từ Kinh thánh, và là những lập luận yếu. “Williams không phải là tiền thân của sự Khai sáng theo kiểu Jefferson”, nhà sử học Emil Oberholzer Jr. khẳng định vào năm 1956. “Jefferson ủng hộ tự do tôn giáo, với tư cách là một thế hệ của Khai sáng, động cơ của ông là chính trị và xã hội. Với Williams, đứa con của thời đại thần học, động cơ của ông hoàn toàn tôn giáo.”
Những người khác có quan điểm ngược lại. Vernon Parrington, một nhà sử học hàng đầu vào nửa đầu thế kỷ 20, coi ông “chủ yếu là một nhà triết học chính trị chứ không phải là một nhà thần học,” và cho rằng lý thuyết của ông về khối thịnh vượng chung “phải được công nhận như những đóng góp dồi dào nhất của Thanh giáo cho tư tưởng Mỹ.” Thậm chí Perry Miller từ Harvard, người đặt Williams hoàn toàn trong lĩnh vực tôn giáo, ngưỡng mộ ông như “một nhà thám hiểm những vùng đất tối, những bản chất sâu xa nhất của tự do.” Và Yale Edmund Morgan, người được cho là nhà sử học thuộc địa hàng đầu của Mỹ, lưu ý rằng Williams “đã viết thường xuyên nhất, hiệu quả nhất, và ý nghĩa nhất về chủ đề chính phủ dân sự” và “đưa xã hội loài người tới những viễn kiến mới; và đối với những người chấp nhận quan điểm của ông, ông đã phá hủy một số các giả định làm trì trệ các chính trị gia thời đại của ông, và vẫn còn ám ảnh thời đại của chính chúng ta.”
Williams thực sự đã định hình các thuộc địa khác một cách trực tiếp và gián tiếp. Sau khi khôi phục quyền lực, vua Charles II đã xác nhận Hiến chương của Rhode Island, nêu rõ ràng rằng không ai có thể bị “lạm dụng thể xác, bị trừng phạt, bị quấy rầy, hoặc bị thẩm vấn, vì bất kỳ sự khác biệt nào trong quan điểm, trong các vấn đề tôn giáo.” Những lời này về tự do tôn giáo đã được ghi trong văn bản nhượng đất ở New Jersey. Những bảo đảm tương tự xuất hiện trong hiến chương của Carolina, ngay cả khi hiến chương này thành lập Giáo hội Anh giáo.
Điều quan trọng là tác động của Williams lên tư tưởng. Ông đã trở thành hình mẫu đầu tiên cho những người Mỹ sau này sẽ đối đầu với quyền lực. Ông cũng định hướng phần lớn các cuộc tranh luận ở Anh, ảnh hưởng đến những người như John Milton và đặc biệt là John Locke, người mà các tác phẩm của ông được Jefferson, James Madison và các kiến trúc sư khác của Hiến pháp Hoa Kỳ nghiên cứu kỹ lưỡng. W.K. Jordan, trong công trình nghiên cứu kinh điển nhiều tập về khoan dung tôn giáo, đã gọi “những lý luận chặt chẽ và cẩn thận của Williams về sự phân ly hoàn toàn giữa Giáo Hội và Nhà nước. . . là đóng góp quan trọng nhất của thế kỷ trong lĩnh vực tư tưởng chính trị quan trọng này.”
Roger Williams không phải là một nhân vật phi thời đại. Ông thuộc về thế kỷ 17 và Thanh giáo của thế kỷ này. Tuy nhiên, ông là một trong những người đáng chú ý nhất trong thế kỷ của ông hoặc trong bất kỳ thế kỷ nào. Dù có niềm tin tuyệt đối vào những chân lý trung thực theo ngôn từ của Kinh Thánh, vào giải thích của ông về những chân lý đó, và dù tự tin tuyệt đối vào khả năng thuyết phục những người khác về sự thật của những xác tín của mình, ông vẫn tin rằng ép buộc người khác phải tuân theo niềm tin của ông hoặc của bất kỳ người nào là một điều “vô lý.”
Dù đã chiến đấu cho quyền tự do thờ phụng của tất cả mọi người theo cách họ muốn, cuối cùng Williams, cũng như những người bạn của ông, John Milton và Oliver Cromwell, không đi lễ tại bất kỳ nhà thờ nào. Ông kết luận rằng Thiên Chúa được nhận thức trung thực hơn bởi các cá nhân, chứ không phải bởi bất kỳ định chế nào. Ông qua đời ở Providence năm 1683, năm 80 tuổi. Kẻ thù của ông gọi ông là “khúc củi đang cháy.” Họ sợ những ngọn lửa lan rộng mà tự do tư tưởng có thể nhen nhóm. Họ sợ sự hỗn loạn và bất định của tự do, và họ sợ sự cô đơn của nó. Williams chấp nhận tất cả những điều đó. Bởi ông biết đó là giá của tự do
* Lệnh đình quyền giam giữ – “writs of habeas corpus”: người bị bắt có quyền ra trước tòa để xem nhà nước có quyền bắt giữ anh ta hay không.
Nguyên văn tiếng Anh và hình minh họa được đăng tại Tạp chí Smithsonian, số Tháng 1/2012, và trên trang web: Smithsonian.com