Nền văn minh Minoan từ huyền thoại đến lịch sử
Sudha Mahalingam Hà Đan dịch Minoan (còn có tên gọi Minos) được coi là một trong những nền văn minh tráng lệ nhất của Hy Lạp. Minoan tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 2700 đến năm 1450 tr.CN. Sau đó, một trận động đất ở hòn đảo Santorini đã chôn vùi nền văn minh tinh xảo ...
Sudha Mahalingam
Hà Đan dịch
Minoan (còn có tên gọi Minos) được coi là một trong những nền văn minh tráng lệ nhất của Hy Lạp. Minoan tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 2700 đến năm 1450 tr.CN. Sau đó, một trận động đất ở hòn đảo Santorini đã chôn vùi nền văn minh tinh xảo này và thay thế bằng nền văn minh Mycenae, trên bán đảo Pelopenese.
Theo huyền thoại, nền văn minh Minoan do vua Minos sáng tạo lên và trị vì. Minos là một trong ba người con yêu quý của thần Dớt đáng kính, nhưng Dớt lại giao quyền cai quản đảo Crete cho người con khác: Asterion. Một thời gian sau, Asterion băng hà, Minos lên thay thế. Để tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với thánh thần, vua Minos hứa sẽ tặng cho thần biển Poseidon một con bò mộng. Sau vì tiếc chú bò đẹp đẽ, Minos đã thất hứa với Poseidon và bị thần này trừng trị bằng cách: làm cho người vợ của Minos – nàng Pasiphae – trở nên dâm đãng, đi tình tự và yêu say đắm con bò mộng ấy. Kết quả của cuộc tình duyên là một đứa con nửa người nửa bò – có tên Minotaur. Vua Minos vô cùng tức giận, không đành giết Minotaur nhưng để lại cũng không được – tốt hơn cả là nhanh chóng tìm cách che giấu. Được quần thần tin cậy hiến kế, Minos quyết định xây một cung điện thật lắt léo, phức tạp để nhốt Minotaur . Cung điện được thiết kế theo kiểu đường vào thì có mà lối ra thì không. Kẻ nào lần mò được đường vào thì dứt khoát không có ngày ra. Minos được nghe kể về một chàng trai tên gọi Daedalus ở xứ sở nọ, tài năng khác lạ phi thường, đã cho gọi đến. Theo lệnh vua, Daedalus cho xây cung điện Labirinto (mê cung) có những lối vào hiểm hóc, xoáy trôn ốc để nhốt Minotaur. Dạng cung điện này được xem là sản phẩm nổi tiếng nhất của nền văn minh Minoan tinh xảo cổ xưa…
Từ huyền thoại, Minoan đi vào lịch sử. Nền văn minh Minoan do vua Minos tạo ra đã để lại những dấu tích bất ngờ thông qua các công trình nghiên cứu khảo cổ học.
Minoan cổ xưa đã từng thu hút sự nghiên cứu của rất nhiều nhà khảo cổ học – trong đó phải kể đến công lao to lớn của khảo cổ gia người Anh: Arthur Evans (1851- 1941). Năm 1894, ông quyết định khai quật một cách hệ thống quần thể di tích Knossos và đưa nó trở về thời lâu đài Minoan tráng lệ. Arthur Evans công bố những tìm kiếm của mình trong 4 quyển sách với tựa The Palace of Minos: A Comparative Account of the Successive Stages of the Early Cretan Civilization as Illustrated by the Discoveries at Knossos (Cung điện Minos: một báo cáo so sánh về những giai đoạn thành công của nền văn minh Crete thời kỳ đầu, minh họa bằng các phát hiện khảo cổ học tại Knossos, xuất bản lần đầu trong khoảng thời gian 1921-1935, tái bản năm 1964). Trong sự háo hức, Arthur Evans đã tái tạo lại những phần bị hư hại của cung điện theo hình dạng mà nó đã từng tồn tại như trong hiểu biết của ông. Ông phát hiện ra rất nhiều những bức bích họa, hầu hết đều nguyên vẹn và chuyển chúng đến bảo tàng ở đảo Heraklion và thay thế vào đó là các bản sao.
Tiếp theo các thành công ban đầu của Arthur Evans, rất nhiều thành công của khảo cổ học hiện đại về sau đã được tiếp nối, với đa dạng chủng loại hiện vật được khai quật, cho chúng ta cái nhìn sâu sắc và thấu suốt hơn về thế giới của nền văn minh Minoan. Thương mại thời Minoan thuận lợi nhờ hệ thống đo lường sử dụng phân số và cân. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dầu oliu và rượu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp gốm của Minoan. Thực ra, một vài sản phẩm gốm đẹp tinh tế có thể thấy tại địa điểm khai quật và cả viện bảo tàng. Người Minoan cũng xuất khẩu các loại đá quý, con dấu, dao và sản phẩm mỹ nghệ. Nhiều chiếc lọ, vại cao hơn 1,2m dường như vẫn còn nguyên vẹn sau 3.600 năm. Chúng có dung tích lên đến 85m3 nước, đặc biệt được chạm trổ với nhiều mẫu hoa văn thanh nhã.
Nét đặc trưng nổi bật khác của nền văn minh Minoan là ngay từ thời xa xưa, phụ nữ đã hoàn toàn bình đẳng với nam giới trong tất cả các lĩnh vực, đến mức còn có cả nữ võ sĩ quyền anh và đấu bò. Các nơi thờ cúng linh thiêng cũng do các nhân vật được gọi là nữ tu điều hành. Người dân Minoan thờ cúng những thế lực tự nhiên và tôn sùng nữ thần – biểu tượng cho sự màu mỡ, tốt tươi… gần giống với những vị thần hiện nay ở châu Á.
Ở Knossos, người Minoan đã xây dựng một mê cung và chào đón khách tham quan bằng một hồi còi trâu oai nghiêm, biểu hiệu riêng của nền văn minh xứ sở. Nơi ấy là một chuỗi phức hợp các phòng xử án, cầu thang lớn, bếp, phân xưởng, khu nhà ở và phòng tắm… Tại trung tâm của chuỗi phức hợp Knossos là sân chầu – trước kia có một ngai bằng gỗ. Giờ thì một chiếc ngai bằng đá thay thế cho hiện vật nguyên bản. Những mảnh vỡ của bức bích họa gốc mô tả cây cối, quái vật mình sư tử đầu chim (một con thú khổng lồ trong thần thoại) được tìm thấy trong sân chầu này. Người ta cũng tìm thấy những hang động bằng đá – dùng trong những nghi lễ thờ cúng – có khả năng từng chứa dầu oliu. Ở cửa bắc là bức tường chạm khắc nổi, tái tạo lại hình một người với những bông hoa nhỏ. Người ta tin rằng người trong bức bích họa là hoàng tử Minoan. Ngài mang những cọng lông chim công và một vòng hoa lili, dẫn đầu một con vật vô hình trong đám rước. Những mảnh vỡ của bức bích họa mô tả những thiếu nữ đang nhảy múa với đàn cá heo. Người ta cho rằng nó được dùng để trang trí cho phòng ngủ của nữ hoàng.
Có lẽ, Minoan là nền văn minh đi biển, được tổ chức theo nền tảng kinh tế hàng hải chứ không phải quân sự. Họ hầu như không có có quân đội, lực lượng dân phòng, pháo đài, hạm đội… Không có gì chứng minh và cho biết dấu hiệu về một chính quyền đầu não như hình dung của chúng ta ngày nay. Mậu dịch mua bán của người Minoan đã tồn tại. Kể từ khi đất đai bị thu hẹp, sự thịnh vượng chỉ được duy trì thông qua giao dịch trên biển với các nước khác như Hy Lạp, Ai Cập và nhiều vùng đất khác. Knossos được quản lý bởi một hệ thống phức hợp gồm các quan lại, viên chức làm việc nơi cung điện. Họ phân phối sản phẩm hàng hóa bằng các con dấu trên đất sét. Người ta đã tìm thấy những bản lưu con dấu này, trong đó, có bản lưu chữ A hiện vẫn chưa được giải mã xong.
Kể từ khi người Minoan định cư ở khu vực gần núi lửa, những cung điện và thành phố nhiều lần bị phá hủy rồi được xây dựng lại, hậu quả của các trận động đất. Những cung điện Minoan khác nằm ở Phaistos và Kato Zakros ở vịnh phía đông, gồm khá nhiều phòng, có hàng ngàn chiếc bình trang trí, hồ bơi, sàn lát gỗ, vài món xa xỉ phẩm giống như trong xã hội ngày nay… Thật ra, người Minoan tinh thông tất cả các kỹ thuật gần với thời hiện đại của chúng ta và thậm chí họ đã có hệ thống thoát nước. Những bức bích họa và các sản phẩm gốm được phát hiện từ địa điểm khai quật là tiếng nói của một nền văn minh vô cùng tinh xảo trong bảo tàng. Người dân ở Akroriti đã xây dựng những trung tâm đô thị theo thiên hướng nghệ thuật trên các con đường, các công trình và hệ thống thoát nước… trong khi người châu Âu còn đang sống trong những căn lều nguyên thủy theo kiểu nhóm thợ săn. Những bằng chứng phong phú cho thấy rằng một dân tộc đầy khiếu thẩm mỹ này đã làm phồn thịnh vùng biển Eagen trước thời kỳ vàng kim cổ điển của Hy Lạp cả mấy ngàn năm.
Nét đặc trưng nhất của nền văn minh Minoan chính là nghệ thuật tinh xảo. Tương phản với phong cách cổ điển của Hy Lạp, nghệ thuật Minoan là sự duyên dáng không gì sánh bằng. Phong cách nổi bật của nó là sự thanh thoát và tự nhiên. Phần nhiều những gì về cuộc sống của người Minoan mà chúng ta được liếc nhìn chủ yếu từ các bức tranh hay bích họa. Chúng mô tả cuộc sống sung túc của xã hội Minoan hài hòa với cảnh vật xung quanh. Những hình người được mô tả rất cân đối theo nguyên tắc mỹ học, thể hiện ở chiếc eo thon, những dòng thay đổi bất thường, và sức sống trong từng chi tiết, như bức bích họa Taureador mô tả vận động viên thực hiện động tác nhảy nguy hiểm lên lưng chú bò. Ở đảo Crete, nhảy bò là môn thể thao quý tộc, người ta không giết bò như những trận đấu ngày nay. Bức bích họa này có ở bảo tàng khảo cổ Heraklion và bản sao được đặt tại Knossos. Tương tự, phụ nữ Minoan cũng thật cá tính và thanh lịch giống những người phụ nữ ở bất kỳ cộng đồng xã hội hiện đại nào.
Người Minoan mặc những bộ đồ đầy cá tính, đi lại bằng ngựa, tổ chức những buổi đấu bò, tiệc tùng, uống rượu vang, đắm mình trong các lễ hội phức tạp… thâm nhập thương mại đường biển tới những vùng đất xa xôi và ăn mừng cuộc sống như chúng ta ngày nay vẫn làm. Dựa trên những gì chúng ta biết về nền văn minh Minoan và cuộc sống của họ thì quả là không khác xa mấy so với xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống ngày nay.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010