18/06/2018, 15:37

Sử thi Ấn Độ RAMAYANA

Phù điêu miêu tả sử thi Ramayana tại đền Angkor Wat (ảnh : Hà Khánh) Nguyên tác : Valmiki Tác giả : R.K. Narayan Dịch giả : Đào Xuân Quý Nhà xuất bản Đà Nẵng MỤC LỤC 1. LÀM QUEN VỚI RAMA Câu chuyện của Thataka Câu chuyện Mahabali ...

ramayana battle

Phù điêu miêu tả sử thi Ramayana tại đền Angkor Wat (ảnh : Hà Khánh)

Nguyên tác: Valmiki
Tác giả: R.K. Narayan
Dịch giả: Đào Xuân Quý
Nhà xuất bản Đà Nẵng 

MỤC LỤC

1. LÀM QUEN VỚI RAMA
Câu chuyện của Thataka
Câu chuyện Mahabali
Chuyện sông Hằng
Chuyện nàng Ahalia
2. HÔN LỄ
3. HAI LỜI HỨA SỐNG LẠI
4. NHỮNG CUỘC CHẠM TRÁN TRONG RỪNG
5. TÊN BẠO CHÚA HÙNG CƯỜNG
6. VALI
Câu chuyện của Xugriva
Câu chuyện Đunđubi
7. KHI MÙA MƯA CHẤM DỨT 8. VẬT KỶ NIỆM CỦA RAMA
9. RAVANA TRONG CUỘC HỌP
10. VƯỢT QUA ĐẠI DƯƠNG
11. VÂY HÃM LANKA
12. RAMA VÀ RAVANA XUẤT TRẬN
13. KHÚC GIỮA
14. LỄ ĐĂNG QUANG
15. HẬU TỪ

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

          Ấn Độ là một nước rộng, lớn ở châu Á và là nước có một nền văn minh, văn hóa đạt
đến trình độ hoàn chỉnh vào loại sớm nhất trên thế giới. Gần đây, nhà học giả Ấn Độ rất quen biết Radha – Krishnan, trong tác phẩm Phương Đông và Phương Tây đã cho rằng “nền văn minh cao cả của Ấn Độ ngót 3.000 năm nay đã có ảnh hưởng lớn đến phương Tây, thông
qua nước Hy Lạp và các nước Ả rập. Kết quả của quá trình khảo cổ cho biết rằng khoảng
3.000 năm trước công nguyên đã có một nền văn minh phát triển đến độ rực rỡ trong thung
lũng Ấn Độ”. Và cũng trong giai đoạn lịch sử xa xưa đó, Ấn Độ đã để lại cho nhân loại hai bộ
sử thi vĩ đại, đó là bộ Ramayana và Mahabharata, mỗi bộ từ hai đến bốn vạn khổ thơ. Riêng
bộ Ramayana đã có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn bộ nhân dân Ấn Độ đến nỗi từ các tầng
lớp trí thức quý tộc đến những người dân bình thường, mù chữ, ai cũng thuộc lòng từng
đoạn, từng chương của tác phẩm. Ấn Độ là nước có rất nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ khác
nhau. Mỗi dân tộc đều có một bản Ramayana trong ngôn ngữ của mình. Được như vậy một
phần vì nghệ thuật tuyệt vời của tác phẩm, nhưng một phần nữa, quan trọng hơn, là vì nó đã
trở thành một bài học rất sâu sắc về đạo lý ở đời. Những nhân vật chính trong tác phẩm,
Rama và vợ là Xita là những người có nhiệm vụ phải làm tròn sứ mệnh cao cả mà đấng
sáng thế đã giao cho là phải tiêu trừ tội ác trên cõi trần này, và những kẻ tàn bạo, xấu xa dù
có lúc thâu tóm được tất cả quyền lực trong tay, như Ravana chẳng hạn, cuối cùng cũng phải
thất bại thảm hại.

     Bản Ramayana mà chúng tôi giới thiệu với bạn đọc đây là bản văn xuôi do nhà văn Ấn Độ
Narayan viết lại dựa trên bản tiếng Tamil của nhà thơ Kamban ở thế kỷ 11. Theo lời tác giả,
đây không phải là bản tóm lược, không phải là bản dịch, lại càng không phải là một công
trình nghiên cứu tác phẩm của Kamban, mà là một sản phẩm riêng của ông, có được là nhờ
ấn tượng sâu sắc, nhờ sự hứng thú đến cao độ mà tập sử thi đã đem lại cho ông.

     Trong những thập kỷ gần đây, qua những cuộc đấu tranh không mệt mỏi chống lại bọn đế
quốc xâm lược để dành lại tự do cho bản thân mình và cho tất cả các dân tộc bị áp bức,
đồng thời để bảo vệ hòa bình cho toàn thể loài người, nhân dân ta bà nhân dân Ấn Độ càng
ngày càng xích lại gần nhau. Càng thêm gắn bó với nhau. Chúng tôi mong rằng việc giới
thiệu những tác phẩm văn học tiêu biểu của Ấn Độ như những loại tác phẩm này sẽ góp
phần làm cho nhân dân hai nước ngày càng hiểu nhau hơn và nhờ đó sẽ càng thêm gần gũi,
gắn bó với nhau hơn nữa.      

Nhà xuất bản Đà Nẵng

LỜI NÓI ĐẦU

     Bản anh hùng ca Ấn Độ, Ramayana (Cử chỉ của chàng Rama) có từ năm 1500 trước
Công nguyên, theo một số nhà học giả thời trước. Những công trình nghiên cứu gần đây thì
cho là khoảng thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Nhưng tất cả những vấn đề về năm tháng
đều còn có thể bàn cãi và cũng chỉ để tham khảo, và dù có xếp về sau này cũng không một
chút nào làm giảm bớt giá trị chân chính của bản anh hùng ca vĩ đại cả. Tác phẩm do nhà thơ Valmiki soạn bằng tiếng Sanskrit, ngôn ngữ cổ điển của Ấn Độ. Ông đã soạn toàn bộ tác
phẩm, lên đến hai mươi bốn nghìn khổ thơ, trong tình trạng cảm hứng thuần khiết và liên tục.

Chuyện nghe có vẻ khó tin, nhưng tôi sẵn sàng để nói rằng gần như từng người một có trong
số năm trăm triệu người sống trên đất Ấn Độ đều say mê chuyện Ramayana ở nhiều mức
khác nhau. Bất cứ ở tuổi nào, cất cứ quan điểm nào, học hành, giáo dục ra sao hoặc vị trí xã
hội như thế nào, ai cũng biết những phần chủ yếu trong bản anh hùng ca và khâm phục, kính trọng những nhân vật chính của tác phẩm – Rama và Xita. Ban đêm, vào giờ đi ngủ, người ta hay kể chuyện này cho các cháu bé nghe. Một số người nghiên cứu tác phẩm này như một phần trong công trình thể nghiệm tôn giáo, mỗi ngày đọc một số khổ, đọc đi đọc lại quyển sách nhiều lần trong cuộc đời mình. Tác phẩm Ramayana ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của chúng tôi dưới hình thức này hay hình thức khác, trải qua tất cả các thời đại, nó có thể là buổi nói chuyện trong một phòng họp công cộng, hoặc là theo lối kể chuyện cổ truyền ngoài trời, hoặc đưa diễn trên sân khấu dưới dạng kịch nói hay vũ kịch. Bất cứ ở trình độ nào, người nghe, người xem luôn luôn là những người say mê, nồng nhiệt. Nhiều người đã biết rồi vẫn thích nghe lại. Người ta tiếp nhận tác phẩm này ở nhiều tầm cỡ khác nhau: là một truyện kể thông thường với những nhân vật rất sâu sắc, là một tác phẩm văn học kiệt xuất, thậm chí là một bản kinh thánh. Trình độ hiểu biết của người ta càng phát triển, người ta càng tìm ra được ý nghĩa tinh vi của tác phẩm; tính chất tượng trưng đã được xác định và soi rọi vào trong cuộc sống hàng ngày. Ramayana, theo nghĩa đầy đủ nhất của từ, có thể gọi là một quyển sách “triết lý trường cửu”.

     Tác phẩm Ramayana đã đem lại những bài học trong việc đưa ra những động cơ, những
tác động hoặc phản tác động có thể vận dụng cho tất cả các thời đại và cho tất cả các điều
kiện khác nhau trong cuộc sống. Ngày nay, chúng ta nhìn thấy Ravana – lực lượng chống đối
suy đồi, tội lỗi – không phải chỉ trong phạm vi những quyền lực về kinh tế, chính trị và quân
sự, mà còn trong những đơn vị xã hội và gia đình thấp kém hơn, ít lộ liễu hơn và ở nhiều mức độ khác nhau, chúng ta phát hiện được một Rama ra sức chống Ravana để lập lại hòa bình và công lý.

     Dấu ấn của Ramayana đối với một nhà thơ, đi xa hơn là việc xây dựng tác phẩm riêng
của mình; nó gợi hứng cho nhà thơ viết lại bản anh hùng ca bằng ngôn ngữ riêng của mình
với phong cách của chính mình. Do đó Ramayana đã là nguồn cảm xúc lớn nhất cho các nhà
thơ Ấn Độ qua các thế kỷ. Ấn Độ là một nơi có nhiều ngôn ngữ, mỗi ngôn ngữ thống lĩnh một vùng đất riêng, và trong mỗi ngôn ngữ như vậy, có một bản Ramayana lưu hành, độc đáo và rực rỡ, tập hợp hàng triệu độc giả biết thứ ngôn ngữ đó. Thế là chúng tôi đã có những bản Ramayana lâu đời bằng tiếng Hindi, tiếng Bengali, tiếng Assami, tiếng Ôri-i-a, tiếng Tamin, tiếng Kan-na-đa, tiếng Kasơmia, tiếng Têlêgu, tiếng Malayalam, đó là chỉ mới kể một ít thôi.

Những trang tiếp theo đây là dựa trên bản Tamin của một nhà thơ ở thế kỷ 11, tên là
Kamban. Tamin là một ngôn ngữ rất cổ của bộ tộc Dravidien, có hơn 40 triệu người sống ở
Nam Ấn Độ sử dụng, và có những giá trị văn hóa, văn học riêng của nó.

     Người ta bảo rằng cứ mỗi đêm, với sự giúp đỡ của các học giả uyên thâm, nhà thơ
Kamban đã nghiên cứu bản gốc bằng tiếng Sanakrit của Valmiki phân tích kỹ càng, và mỗi
ngày viết mấy nghìn câu thơ của ông. Về công việc tìm hiểu, thâm nhập bản gốc của Valmiki
và chuyển thành thơ tiếng Tamin, Kamban có nói: “Tôi cũng giống như con mèo ngồi trên bờ một cái biển sữa, và hy vọng liếm cho hết”.

     Tác phẩm của Kamban, ghi lại trên lá cọ, có mười nghìn năm trăm khổ thơ, có lẽ thành
một chồng cao đồ sộ, vì bản in ngày nay tôi có trong tay gồm sáu phần, mỗi phần một nghìn
trang (với phần bình luận và chú thích).  

    Tôi đã dùng rất nhiều phần kế cận nhau trong tác phẩm của Kamban vào trong chuyện kể
của tôi. Bản của tôi không phải là một bản dịch, cũng không phải một công trình nghiên cứu
uyên bác, mà có thể coi như một tác phẩm văn học do ấn tượng sâu sắc mà Kamban đã để
lại trong đầu óc tôi, một nhà văn, mà có. Là một nhà văn viễn tưởng, tôi rất hứng thú khi đọc
Kamban, lại được thơ ông khích lệ, sung sướng thưởng thức ngôn ngữ của ông, và trên hết
là lòng yêu quý và kính trọng mà ông đã đem lại cho người đọc đối với nhân vật chính, Rama, – được giới thiệu với chúng ta như là một chàng thanh niên, một đồ đệ, một người anh, một người yêu, một nhà khổ hạnh và một chiến binh; chúng ta kính trọng và kinh ngạc theo dõi chàng trong từng vai trò. Trong những sau đây, tôi cố gắng chuyển lại những hứng thú mà tôi đã tìm thấy trong tác phẩm của Kamban.

R.K. NARAYAN (Mysore – 1971)

NHÂN VẬT

ĐAXARATHA: Hoàng đế ở Kôxala, thủ đô là Ayođhya.
KAUXALYA: Vợ của Đaxaratha và mẹ của Rama
KICAI-I: Vợ của Đaxaratha và mẹ của Baratha.
XUMITRA: Vợ của Đaxaratha và mẹ của hai người con sinh đôi Lasơmana và Xatruna.
XUMANTRA: Đại thần của Đaxaratha.
VAXIXTA: Đạo sỹ của Đaxaratha.
VIVAMITRA: Thầy của Rama và Lasơmana trong thời trẻ, là một tướng giặc, về sau bỏ cả
quyền hành và chịu khổ hạnh trở thành một vị thánh, một ông thầy.
KOONI: Nữ tỳ của Kicai-i, đã gây ra những hậu quả ghê gớm. 
JANAKA: Vua của nước Gianaka.
XITA: Con gái của Janaka, còn có tên là Janaki.
XOÓCPANAKA: Một con quỷ cái, em của Ravana.
KARA: Thủ lĩnh đội quân quỷ của mụ.
JATAYU: Con Đại bàng, bảo vệ những người con của Đaxaratha.
SAMPATHI: Anh của Jatayu.
VALI: Thống lĩnh đất Kiskinđa, xứ sở của loài khỉ khổng lồ.
XUGRIVA: Em Vali.
TARA: Vợ Vali
ANGAĐA: Con trai Vali
HANUMAN: Còn gọi là Anjaneya, con của thần Gió, đồng minh của Xugriva, rất tận tụy với
Rama.
JAMBAVAN: Một trong những bậc đàn anh thông thái của Hanuman, đội lốt một con gấu.
THATAKA: Một con quỷ cái, con gái của Xukêta và là vợ của Xunđa. Xubahu và Marisa, con
trai của mụ.
RAVANA: Thống trị vùng Lanka, và hai anh em là Vibishana và Kumbakarna. Mandodari, vợ hắn – Inđrajit, con trai hắn.

Xen vào trong truyện:

GÔTAMA: Một đạo sĩ đã biến người vợ ngoại tình thành đá
BHAGHIRATHA: Vị thần đã đưa sông Hằng xuống đất để cứu rỗi tổ tiên ông bằng cách rửa
sạch xương của họ trong nước sông.
MAHABALI: Một con quỷ dữ. Thần Vixnu hóa thân thành một người lùn Vamana để diệt trừ
hắn.
MAHAVIXNU: Vị thần tối cao, tự chia mình ra làm ba vị Brahma, Vixnu và Xiva.

LỜI TỰA

     Theo truyền thống cổ điển, Kamban bắt đầu bản anh hùng ca bằng cách mô tả
mảnh đất ở đó câu chuyện đã xảy ra. Khổ thơ đầu tiên nói đến con sông Saraya, chảy qua
đất nước Kôxala. Khổ thứ hai hướng chúng ta nhìn lên trời để quan sát những đám mây
trắng đang bay lang thang qua bầu trời hướng về phía biển và sau đó chuyển thành những
khối đen nặng trĩu nước trên các đỉnh núi, đọng lại và trút xuống những chỗ dốc thành những dòng suối lũ chảy khắp các sườn núi, cuốn sạch cả những kho tàng khoáng sản và những tinh hoa khác (“đúng như một cô gái làng chơi khéo léo tháo hết những gì có giá trị của khách ra trong khi đang ve vuốt”). Con sông chảy xuống với một khối hàng hóa nặng trĩu gồm có ngọc quý, gỗ đàn hương, lông chim trĩ và những cánh và nhị hoa sáng lấp lánh, mang đi qua khắp các núi, rừng thung lũng và đồng bằng của đất nước Kôxaia và sau khi đã phân phát hết cả tặng phẩm, chảy luôn ra biển, chấm dứt cuộc đời của nó luôn.

     Tiếp đó nhà thơ mô tả đến vùng quê với vườn tược và rừng trúc, với những người đàn ông, đàn bà bận rộn trong công việc đồng áng như cày cuốc, gặt hái và cãi cọ nhau khi xem chọi gà trong một buổi chiều. Ở phía sau là tiếng cót két liên hồi của những cái cối xay lúa hoặc những cái che ép mía, tiếng gia súc kêu rống, tiếng những đàn bò kéo chở nặng những sản vật đưa ra các nơi xa thẳm. Nhiều thứ khói bay lên trên trời, từ những nhà bếp, từ  những lò nung, những đống lửa tế thần và những thứ gỗ thơm đốt lên để xông hương.     

Những loại mật khác nhau – mật ma và mật cây thốt nốt, những giọt sương trong hoa cúc và hoa sen, hay những thứ tích trữ rất kỹ dưới những cây có hương, những thứ này nuôi những đàn ong mật cũng như những con chim sâu chỉ sống bằng loại thức ăn đó thôi, đến cá cũng rất muốn thưởng thức thứ của ngọt này nó nhỏ xuống từng giọt và chảy vào trong sông. Trong ngôi đền này hay ngôi đền nọ, có một buổi lễ hay một đám cưới thường được tổ chức có trống, kèn, và những đám rước đi theo. Kamban đã tả từng tiếng, từng cảnh, và từng mùi hương của vùng quê, ông cũng ghi cả những đống rác có những con quạ và gà đang bới tìm trong đó.  

     Kôxala là một nước rộng lớn và không mấy ai có thể đi suốt từ đầu nọ tới đầu kia. Ađôdia là thủ đô của nó – một thành phố với rất nhiều cung điện, nhà cửa, hồ nước, công viên, và những thành quách cùng với Hoàng cung nổi bật trùm lên trên tất cả.

Thành phố trang nghiêm và có thể so sánh với Amravati, thành phố thần tiên của Indra, hay thành phố Alkapuri của Kubêra. Đứng đầu thủ đô và cả nước này là Hoàng đế Đaxaratha, người đã trị vì với tình thương yêu và long dũng cảm và đã được thần dân yêu mến, kính trọng và được hưởng phúc lành theo nhiều cách. Nỗi buồn lớn nhất của ông ta là không có con.

     Một hôm, ông gọi vị cố vấn của ông, Đạo sĩ Vaxixta, vào triều và nói: “Ta đang có một nỗi buồn. Triều đại lẻ loi đang đến ngày chấm dứt đối với ta. Khi ta không còn nữa, ta sẽ không có người nối ngôi, Ý nghĩ đó dày vò ta. Quân sư hãy cho ta biết có cách gì để cứu vãn không? ”.
    
Đến đây, Vaxixta nhớ lại một sự kiện ông ta đã được chứng kiến qua cái nhìn bên trong của ông. Có một thời, các vị thần kéo nhau thành một đoàn đến trước mặt Thần tối cao Vixnu và kêu gọi Người giúp đỡ. Họ trình bày: “Những pháp thuật cao siêu mà chúng tôi có được qua nhiều công phu tu luyện khắc khổ và cầu nguyện đã bị con quỷ mười đầu Ravana chiếm đoạt và giờ đây chúng dọa sẽ tiêu diệt tất cả các thế giới của chúng tôi và bắt chúng tôi làm nô lệ. Chúng cứ ngang nhiên tiếp tục sự nghiệp bạo tàn của chúng, xóa bỏ tất cả mọi thứ đạo đức và lòng thiện mà chúng tìm thấy bất cứ ở đâu. Thần Xiva không thể giúp đỡ được gì; đấng sáng thế Brahma cũng làm được rất ít, vì những pháp thuật mà ngày nay an hem Ravana đem dùng vào những việc tội lỗi vốn là của hai vị thần này ban cho, và không thể lấy lại dược. Chỉ có Người là vị thần bảo trợ mới có thể cứu được chúng tôi”. Thần Vixnu liền hứa: “Ravana sẽ bị một người trần tiêu diệt, bởi nó không bao giờ kêu gọi sự che chở của một người trần cả. Ta sẽ hóa thân thành người con trai của Đazaratha và chiếc tù và của ta, chiếc bánh xe của ta, mỗi thứ ta cầm trong một tay để khi cần thì dùng; chiếc tù và của ta, tên là Adisexha, con Rắn, mà ta thường vào nghỉ ngơi trong vòng cuốn của nó, sẽ đầu thai làm những người em của ta, và tất cẩ các vị thần ở đây cũng sẽ đầu thai xuống cõi trần làm một đàn khỉ – từ thời xa xưa, Ravana đã bị rủa là sau này sẽ bị một con khỉ tiêu diệt”.

     Nhớ lại giai đoạn đó, nhưng không ghi chép, Đạo sĩ khuyên Đaxaratha: “Hoàng thượng cần phải thu xếp ngay để làm lễ tế thần. Người duy nhất đủ thông thạo để cử hành một buổi lễ như vậy là đạo sĩ Rishya Sringa”.      

     Đaxaratha hỏi: “Đạo sĩ ở đâu? Làm sao có thể mời ông ta đến đây?”.

     Vaxixta trả lời: “Tâu, lúc này, Rishya Sringa đang ở nước láng giềng Anga của chúng ta”.

     Nhà vua reo lên: “Ôi, may quá! Ta cứ tưởng ông ta ở đâu trong một dãy núi nào xa lắc xa lơ kia”.

     Và tiếp đó, Vaxixta trình bày: “Để chấm dứt nạn hạn hán kéo dài, trong khi ở gần đó thì mưa dầm dề, Người khuyên vua xứ Anga nên mời Rishya Sringa đến thăm đất nước của Người; nhưng họ biết rằng không có gì làm cho ông ta chịu rời khỏi ngọn núi làm nơi trú ẩn của ông. Trong khi nhà vua suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề, thì một thiếu nữ xinh đẹp tình nguyện đi tìm vị đạo sĩ trẻ này. Họ đến được chỗ ẩn náu của ông ta và mời ông đến Anga. Đạo sĩ chưa bao giờ thấy một người trần nào ngoài phụ thân ông, và khi những cô nàng ở Anga đến đứng chung quanh ông, ông không thể hiểu nổi họ là gì. Họ tự giới thiệu là những người khổ hạnh và mời đạo sĩ đến thăm nơi tu hành của họ, và chở ông ta đi” (trong bang Mysore, ở Kigga, cao 4.000 bộ trên mặt biển, một bản khắc trên cột một ngôi đền cho biết vị ẩn sĩ trẻ được đưa đi trên một chiếc cáng làm bằng những cánh tay của những người đàn bà trần truồng đan lại với nhau). “Ông vừa mới tới Anga, thì trời mưa. Nhà vua vui mừng, thưởng cho các cô gái, và thuyết phục người đạo sĩ lấy con gái mình và ở lại trong triều đình của Người”.    

Đaxaratha đến Anga và mời đạo sĩ đén Ađôdia. Lễ tế thần đã được cử hành theo sự hướng
dẫn của ông ta và tiếp tục suốt một năm liền, và đến giai đoạn cuối của lễ, thì một nhân vật
siêu phàm từ trong ngọn lửa tế thần hiện ra, trong tay cầm một cái khay bằng bạc, trên khay
có một cái bát đựng gạo thần. Anh ta đặt chiếc khay bên cạnh vua Đaxaratha rồi lại biến vào
trong lửa.

     Rishya Sringa khuyên nhà vua: “Xin Hoàng thượng hãy lấy gạo chia cho các hoàng hậu rồi các bà sẽ có con”. Đúng ngày tháng, các bà vợ của vua Đaxarata, hoàng hậu Cooxxanlia và hoàng hậu Kicai-i đã sinh Rama và Baratha, còn hoàng hậu Xumitra sinh Lasomana và Xatruna.

     Cuộc đời của Đaxaratha đã có đầy đủ ý nghĩa hơn và cảm thấy rất sung sướng khi theo dõi mấy người con khôn lớn. Cứ đến mỗi giai đoạn, nhà vua lại tìm người đỡ đầu để giúp các con tập luyện và phát triển. Trong thời gian đó, cứ mỗi sáng các cậu vào trong rừng trúc học yoga và học triết học với những bậc thầy rất tinh thông đang sống ở đó. Buổi chiều muộn, sau khi học xong, khi các hoàng tử đi bộ trở về cung, nhân dân đứng đông đặc trên đường để ngắm nhìn họ. Rama lúc nào cũng nói một lời với mọi người trong đám đông, thăm hỏi họ: “Các người ra sao, có khỏe không? Con cái có sung sướng không? Các người có cần ta giúp đỡ gì không? ”. Và họ lúc nào cũng trả lời: “Với ngài là vị hoàng tử của chúng tôi, và phụ vương ngài là người trông nom bảo vệ chúng tôi, chúng tôi không thiếu thốn gì cả”.

1. LÀM QUEN VỚI RAMA

        Sân chầu mới, vốn là niềm tự hào của vua Đaxaratha suốt ngày tấp nập những đoàn khách tới lui không ngớt, những đoàn tham quan của các vị đại thần, những đoàn sứ giả của rất nhiều vương quốc, và những đoàn dân đến kêu ca và đòi hỏi công lý. Nhà vua lúc nào cũng sắn sàng tiếp xúc với mọi người và làm tròn bổn phận của kẻ trị vì đất nước Kôxala mà không hề thấy có chút gì miễn cưỡng trong khi thi hành công vụ.

     Một buổi chiều nọ, các sứ giả chạy vào báo cáo với nhà vua: “Có đạo sĩ Vivamitra”. Được
tin này, nhà vua liền đứng dậy, vội vàng chạy ra đón khách. Vivamitra trước đây đã từng làm
vua, đã từng là người có nhiều chiến công hiển hách, và tên tuổi của ông đã từng là niềm sợ
hãi của bao người, cho đến khi ông từ bỏ cương vị nhà vua của mình và chọn con đường
khổ luyện để trở thành đạo sĩ, ông đã phối hợp được trong người ông đạo đức cao cả của
một vị đạo sĩ và uy phong lẫm liệt của một ông vua, và chẳng mấy chốc ông đã trở nên điềm
tĩnh và cương nghị. Đaxaratha mời ông ngồi vào chỗ thích hợp rồi nói: “Hôm nay là một ngày vinh quang của chúng tôi, chúng tôi rất sung sướng được chào đón sự có mặt cao quý của Người. Người đi từ xa đến, có lẽ cần nghỉ ngơi một chút”.

     “Thôi, không cần đâu”, vị đạo sĩ giản dị trả lời. Ông ta hoàn toàn làm chủ mọi nhu cầu của thân thể qua nhiều năm khổ luyện và tu dưỡng tinh thần, ông  có thể khống chế tất cả mọi tác dụng của nóng, lạnh, đói, mệt, và đến cả sự suy nhược nữa. Sau đó nhà vua lại kính cẩn hỏi: “Thưa đạo sĩ, chúng tôi có thể làm gì được cho Người chăng? ”. Vivamitra nhìn nhà vua và đáp: “Vâng, tôi đến đây là để xin nhà vua ban cho chút ân huệ. Tôi có ý muốn, trước tuần trăng sắp tới đây, tổ chức một buổi tế thần ở Xiđaxtrama. Chắc nhà Vua đã biết đó là nơi nào rồi”.      

“Tôi đã nhiều lần đến chỗ đất thiêng liêng này, ở bên kia sông Hằng”.

     Vị đạo sĩ ngắt lời: “Nhưng có những kẻ lởn vởn ở đó để chờ dịp phá rối tất cả mọi công việc thiêng liêng, và cần phải đánh dẹp chúng nó đi, như người ta đã từng đánh dẹp năm tội ác[i] dai dẳng trước khi có thể tiến hành những công việc thiêng liêng. Những sinh vật tội lỗi này lại được ban cho những pháp thuật hủy diệt không bờ bến. Thế nhưng bổn phận của chúng tôi là phải theo đuổi công việc cho đến cùng, không hề thay đổi. Lễ tế thần mà tôi định làm sẽ tăng thêm sức mạnh của cõi trần tục này và sẽ làm vui lòng các thần, thánh ở trên kia”.

     “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải che chở cho công việc cao quý của Người. Xin Người cho biết bao giờ sẽ làm, và tôi xin sẽ có mặt ở đó”.

     Vị đạo sĩ nói: “Hoàng thượng không cần phải làm phiền đến thánh thể của Người. Chỉ xin Người cho hoàng tử Rama cùng đi với tôi, hoàng tử sẽ giúp tôi. Cậu ta có thể làm được”.

     “Rama ư! ”, nhà vua kêu lên, kinh ngạc, “trong khi tôi đang ở đây để phục vụ Người”.

     Vivamitra đã cảm thấy khó chịu, và cắt ngang lời của nhà vua: “Tôi biết rõ tấm
lòng cao cả của Hoàng thượng, nhưng tôi muốn nhờ Rama cùng đi với tôi. Nếu Người
không thích như thế, Người có thể nói thẳng ra thôi”.

     Không khí bỗng trở nên căng thẳng. Tất cả triều đình đều theo dõi, đợi chờ trong cảnh im lặng trang nghiêm. Nhà vua trông thật khổ sở. “Rama hãy còn là một đứa trẻ con đang còn theo học nghệ thuật sử dụng vũ khí”.

Câu nói của nhà vua dường như không bao giờ kết thúc, mà cứ kéo dài ra để tránh trớ và
tìm cách thanh minh. “Nó là một thằng bé, một đứa trẻ con, nó còn quá trẻ và quá mềm yếu
để có thể đương đầu với lũ quỷ”.

     “Nhưng tôi biết Rama”, đó là câu trả lời dứt khoát của Vivamitra.

     “Tôi có thể gửi đến Người cả một đạo quân, hay bản thân tôi sẽ dẫn một đạo quân đến bảo vệ cho công việc của Người. Một chú nhóc con như Rama thì có thể làm gì được với những thế lực khủng khiếp kia…? Tôi sẽ xin giúp Người như tôi đã có lần giúp Indra khi ông ta bị quấy nhiễu và bị cướp mất đất đai”.

     Vivamitra không cần nghe hết câu nói của nhà vua và đứng dậy để ra về. “Nếu nhà vua không thể cho Rama đi, thì thôi, tôi không cần gì khác nữa”. Ông ta bước luôn xuống đường.      Nhà vua sửng sốt đến mức không thể cử động được. Khi đạo sĩ Vivamitra đi được nửa đường nhà vua mới nhận thấy khách đã ra đi không một lời cáo biệt và không được tiễn đến cửa theo phép lịch sự thông thường. Vaxixta, giáo sĩ và là cố vấn của nhà vua, rỉ tai Đaxaratha: “Hãy chạy theo đạo sĩ và mời Người trở lại”, rồi vội vã lao theo trước khi nhà vua kịp nghe những lời ông vừa nói. Ông đi mà gần như chạy, khi Vivamitra đã tới cuối sân chầu, chắn ngang đường đạo sĩ và nói:

“Xin Người đừng đi nữa, Hoàng thượng đang đến. Không phải Hoàng thượng muốn…”     
Một nụ cười ngượng nghịu hiện lên trên khuôn mặt đạo sĩ khi ông nói, giọng không hề đượm vẻ chua cay: “Tại sao ông và ai nữa kia bận bịu làm gì? Tôi đến đây là có dụng ý, nhưng nó đã thất bại, thì chẳng còn lý do gì để ở lại đây nữa”.

     “Ôi, thưa Đại nhân, chính Người cũng đã có lúc làm vua”.

     “Nhưng giờ đây, việc đó có quan hệ gì đến chúng ta? ”. Vivamitra đáp lại, lòng càng thêm cay đắng, bực bội vì đã lâu ông không thích nghe ai nhắc lại những chuyện cũ kỹ đó nữa, và ông chỉ muốn người ta luôn luôn biết ông là một người Brahma.

Vaxixta nhẹ nhàng đáp lại: “Chỉ là muốn Người nhớ đến những tình cảm thông thường của
con người, nhất là của một người như Đaxaratha, không có con và phải vất vả cầu xin mới
có được…”

     “Vâng, có thể là như vậy, thưa ngài, nhưng tôi xin nói lại rằng tôi đến đây với một sứ mệnh, và khi sứ mệnh đó không thành, thì tôi phải đi thôi”.

     “Nó không thất bại nữa đâu”, Vaxixta nói, và đúng vào lúc đó nhà vua vừa đến gặp họ trên đường; cả triều đình cũng cất bước đi theo.

     Đaxaratha cúi mình thi lễ và thưa: “Kính thưa Đại nhân, xin mời Người trở lại nơi an tọa”.

     “Để làm gì, tâu Hoàng thượng? ”. Vivamitra hỏi lại.

     “Xin cứ ngồi rồi nói chuyện dễ hơn…”

     “Tôi không tin ở bất cứ một cuộc nói chuyện nào cả”.Vivamitra nói, nhưng Vaxixta khẩn khoản mời mãi cho đến khi đạo sĩ trở lại chỗ ngồi.

     Khi tất cả mọi người đều ngồi lại chỗ cũ, Vaxixta nói với nhà vua: “Qua cử chỉ của nhà truyền giáo này, chắc là có một ý đồ thiêng liêng của thần thánh mà ông ta có thể biết nhưng không thể giải bày được. Rama được tìm dến để giúp đỡ, đó là một điều may mắn. Xin Hoàng thượng đừng ngăn cản cậu ta. Xin hãy để cậu ta cùng đi với đạo sĩ”.  

    “Ô, nhưng bao giờ, bao giờ? ” Nhà vua lo lắng hỏi lại.

     “Ngay bây giờ” Vavimitra nói. Trông nhà vua có vẻ như bị tổn thương, và thất vọng, vị đạo sĩ dịu lòng đi chút ít, nói đôi lời khích lệ: “Hoàng thượng không thể trông cậy mãi mãi vào sự gần gũi về thể xác với kẻ mà Nguời thương yêu.

Một hạt giống cứ nằm luôn dưới gốc cây mẹ sẽ bị cằn cỗi mãi cho đến khi nó được đem trồng ở nơi khác. Rama sẽ sống trong sự chăm sóc ân cần của tôi, và câu ta hoàn toàn yên ổn. Nhưng cuối cùng, rồi cậu ta cũng sẽ xa tôi. Người trần, ai cũng vậy, khi đến lúc, đều phải ra đi và tìm lấy sự trưởng thành bằng con đường riêng của mình cả”.

     Nhà vua bắt đầu: “Nhưng, Siđaxrama đang ở rất xa…”

     Vivamitra đọc được tâm trạng của nhà vua và nói: “Không cần xe để chở chúng tôi đến đó, tôi sẽ làm cho con đường của cậu ta được dễ dàng”.

     “Rama chưa bao giờ rời xa người em Lasơmana của nó. Có thể cho đi cùng với nó chăng? ”. Nhà vua xin được như vậy, và có vẻ yên lòng hơn khi nghe đạo sĩ nói: “Vâng, tôi sẽ trông nom cho cả hai, mặc dầu sứ mệnh của họ là phải trông nom tôi. Xin hãy cho các cậu ấy chuẩn bị sẵn sàng để theo tôi, xin cho các cậu ấy chọn thứ vũ khí họ thích nhất và sửa soạn ra đi! ”.

     Đaxaratha, với cái nhìn của kẻ đang giao những con tin vào tay quân thù, quay lại phía viên cận thần và bảo: “Hãy đi gọi mấy đứa con của ta”.

     Đi theo sát bước chân thầy như hai cái bóng, Rama và Lasơmana đã vượt qua ranh giới của đô thành và tới con sông Xaradu chảy bọc quanh kinh đô về phía Bắc. Khi đêm xuống họ nghỉ lại trong rừng thưa và sáng sớm qua sông. Khi mặt trời vượt lên quá đỉnh núi, họ đến một khu rừng rất thú vị, treo tỏa lên như một vòm khói từ rất nhiều dàn hỏa thiêu.

Vivamitra giảng giải cho Rama: “Ở đây, đã có lúc thần Xiva ngồi nhập định, và đã nghiền nát vị thần Tình ái ra tro khi vị này đến tìm cách phá rối cuộc suy tưởng của Người. Từ những thời xa xưa không thể nào nhớ được, các vị thánh đến cầu xin thần Xiva tiến hành lễ hỏa thiêu của họ, và vòm khói mà hai cậu nhìn thấy là từ những ngọn lửa hỏa thiêu mà đến”.     

Một nhóm ẩn sĩ từ những nơi ẩn dật ra đón Vivamitra và ông cùng đệ tử của ông ở lại nghỉ đêm với họ. Vivamitra hoãn cuộc hành trình đến sáng hôm sau và, tới một vùng đất hoang vu vào lúc giữa trưa. Cái từ “hoang vu” gợi ra ý nghĩ về sự cằn cỗi hoàn toàn của mảnh đất này. Dưới sức nóng như thiêu như đốt của mặt trời, tất cả cây cối đều khô héo và biến thành bụi, đá và sỏi đều nát ra thành cát, nằm mênh mông thành những đụn, những gò kéo dài mãi đến tận chân trời. Ở đây, mỗi tấc đất đều bị lở lói, khô cằn và nóng đến mức không thể tưởng tượng được. Đất bị nứt nẻ bày ra ở khắp nơi những khe hở khổng lồ. Ở đây cũng không còn phân biệt được sáng, trưa, chiều, tối nữa và mặt trời dường như ở lì một chỗ trên đầu mọi người, thiêu đốt mặt đất, không hề chuyển động.

Những nơi súc vật bị tiêu diệt, xương trắng phơi đầy, kể cả xương của lũ rắn dữ mồm há hốc
ra vì khát đến chết. Trong những cái  mồm vĩ đại này (theo lời nhà thơ kể lại), có những con
voi đi tìm bóng mát không được đã chết, cả voi và rắn đều biến thành hóa thạch. Một đám
hơi mù nóng nực xông lên, đốt cháy tất cả các vòm trời trong khi băng qua chỗ đất này.
Vivamitra nhận thấy trên sắc mặt của hai chàng thanh niên hiện lên vẻ phân vân và hoảng hốt nên ông truyền cho họ hai câu thần chú (gọi là “Bala” và “Adi-Bala”). Khi họ tập trung suy nghĩ và niệm những câu đó, thì không khí nóng bỏng, khô cằn trên chặng đường còn lại đã thay đổi, và họ cảm thấy như đang đi dạo qua một luồng mát dịu với ngọn gió heo may từ
phương Nam thổi vào mặt họ. Rama lúc nào cũng tò mò muốn biết đất nước chàng đang đi
qua, hỏi: “Sao chỗ đất này ghê gớm thế nhỉ? Sao nó có vẻ tàn khốc thế nhỉ? ”.

     “Cậu sẽ biết được câu trả lời khi cậu nghe câu chuyện này – của một người đàn bà kiêu căng, thô bạo, ăn và tiêu hóa tất cả mọi sinh vật, có sức mạnh của hàng nghìn con voi điên”.

Câu chuyện của Thataka

     Người đàn bà ta vừa nói đến là con gái của Sukêta, một Yakisha, tức là một nhân thân trong sạch, hùng mạnh, phẩm chất cao cả. Nàng rất xinh đẹp và cương nghị. Khi lớn lên, nàng lấy một thủ lĩnh tên là Xunda. Họ sinh được hai đứa con trai là Marisa và Xubaku, cả hai đều được hưởng những quyền lực phi thường, cộng thêm với sức mạnh cường tráng của cơ thể. Với tính khí kiêu căng, hợm hĩnh, họ coi thường tất cả mọi người chung quanh họ. Phụ thân họ thích thú với cái lối huênh hoang ồn ào đó và cũng bị nhiễm tính khí đó nên cũng hùa theo họ. Ông ta có thể dễ dàng nhổ bật gốc những cây cổ thụ và ném ra ngoài xa và tiêu diệt tất cả mọi sinh vật gặp trên đường đi của ông. Những hành vi tàn ác này đã đến tai nhà hiền triết vĩ đại Agaxtia (một vị thánh đã có lần hút cạn nước biển khi một số người điên loạn bị ngã xuống tận đáy biển và Ngọc hoàng Indra kêu gọi Người đến cứu). Agaxtia ẩn dật trong khu rừng này và khi Người biết được có một cuộc hủy diệt đang xảy ra ở chung quanh, Người liền nguyền rủa kẻ đã gây ra chuyện đó và Xunda đã bị giết. Khi vợ hắn biết tin hắn chết, mụ và các con mụ gầm thét lên, đòi phải trả thù; chúng thách thức Người khi bị Người nguyền rủa: “Khi chúng bay còn là một bọn hủy diệt cõi đời, chúng bay chỉ có thể trở thành một bọn quỷ dữ – acuras – và sống trong những thế giới thấp hèn nhất” (Cho đến lúc này chúng đã thành những nhân thần. Giờ đây chúng đã bị hạ thấp xuống hàng ngũ của bọn quỷ dữ). Cả ba đều phải hóa kiếp, nét mặt và dáng điệu trở nên kinh tởm, và tính tình, bản chất cũng vậy. Mấy đứa con ra đi tìm kết bạn với bọn quỷ dữ siêu đẳng. Người mẹ thì ở lại sống một mình ở đây, hít thở hơi lửa và chịu đựng tất cả mọi bệnh tật. Không có chút gì mọc lên ở đây: chỉ có hơi nóng và cát. Mụ ta là một người nóng nảy, khó tính, mụ cầm trong tay đinh ba và cây nhọn, và lũ rắn độc quấn vào tay mụ như một tràng dây trang sức. Cái con người đang kinh tởm đó tên là Thataka. Đúng là sự có mặt của một chút loba (tội lỗi thấp hèn) đã làm khô héo và suy vong bản chất của con người. Và thế đấy, sự có mặt của con quỷ này đã làm cho khu vực này, đã có lúc hết sức phì nhiêu, trở nên cằn cỗi. Mụ luôn luôn tìm cách phá rối những người ẩn dật, không để cho họ yên tĩnh cầu kinh; mụ ngoạm vào mồm tất cả mọi sinh vật đang chuyển động và đẩy chúng xuống tận dưới ruột mụ.

     Nắm chiếc cung đang đeo trên vai, Rama hỏi: “Bây giờ tìm mụ ta ở đâu?”.

     Trước khi Vivamitra kịp trả lời, thì mụ đã dẫn xác đến, đất rung chuyển dưới bàn chân của mụ và một trận cuồng phong thổi đến trước. Mụ lườm họ với đôi mắt nảy lửa, hai chiếc nanh lòi ra, đôi môi chìa ra để lộ cái mồm há hốc như một cái hang, và đôi mày nhíu lại giận dữ. Mụ đưa cái đinh ba lên gầm thét: “Đây là vương quốc của ta, ta sẽ nghiền nát đến con sâu nhỏ nhất trong cõi đời và con người phải chui xuống nhanh đi để ta khỏi phải chịu nhịn đói”.

     Rama do dự, bởi mặc dù tất cả mọi tội ác, mụ vẫn còn là một người đàn bà. Làm sao ta có thể giết mụ được? Vivamitra thấu hiểu tâm tình của chàng và nói: “Cậu không nên xem mụ ta như một người đàn bà. Một con quỷ dữ như vậy không nên coi trọng. Sức khỏe, sự thô bạo, dáng điệu bên ngoài của mụ đã loại mụ ra khỏi hạng đó rồi. Trước đây, thần Vixnu đã từng giết Kyathi, vợ của Brigu, kẻ đã che chở cho bọn quỷ dữ acuras trốn khỏi cơn giận của 

Người, khi bà từ chối không chịu nhân nhượng đối với Người. Mandorai, một người đàn bà
đã tiêu diệt tất cả mọi cõi đời, bị Ngọc Hoàng Indra đánh quỵ, mà Indra vẫn được cả nhân
loại tha cho. Đấy mới chỉ là hai trường hợp. Một người đàn bà sống như quỷ dữ thì đã mất
tất cả mọi tư cách, và không còn được đối xử như một người đàn bà nữa. Mụ Thataka này
còn đáng sợ hơn cả Thần chết Yama, vì Thần chết chỉ lấy cuộc đời của người khác khi thời
gian đã chín muồi rồi. Nhưng con quỷ cái này, khi ngửi thấy mùi của một sinh vật là đã háo
hức muốn giết và ăn ngay. Đừng có hình dung mụ ấy như một người đàn bà. Cậu phải truất
bở hắn ra khỏi thế giới này đi. Đó là nghĩa vụ của cậu”.

     Rama thưa: “Con sẽ xin làm theo lời thầy”.

     Thataka ném chiếc đinh ba về phía Rama. Trong khi chiếc đinh ba đang bay tới,
rừng rực lửa hồng, Rama giương cung lên, bắn một mũi tên dập tan chiếc đinh ba ra làm
trăm mảnh. Sau đó, mụ ta hốt luôn tất cả sỏi đá ném đi mong đè bẹp kẻ thù. Rama lại bắn
mấy mũi tên nữa và biến tất cả những thứ đó thành ra vô hiệu. Cuối cùng một mũi tên của
Rama xuyên qua họng con quỷ dữ và chấm dứt cuộc đời của nó; và cũng từ đó Rama bắt
đầu nhận lấy sứ mệnh của mình là diệt trừ quỷ dữ và tội ác trong cõi trần này. Các thần tụ
hợp trên trời bày tỏ nỗi vui mừng và niềm sảng khoái, rồi nói với Vivamitra: “Ôi, tôn sư,
người là bậc thầy của các thứ vũ khí, xin người hãy đem tất cả hiểu biết và quyền lực của
người truyền lại cho cậu bé này không chút e dè. Cậu ta là một vị cứu tinh”. Vivamitra làm
đúng theo lời dặn này là đã dạy cho Rama tất cả những môn cần thiết cho việc sử dụng vũ
khí. Sau đó ít lâu, các vị thần đứng đầu từng loại ashiras (vũ khí) kính cẩn hiện lên trước mặt Rama và tuyên bố: “Giờ đây, chúng tôi là người của Ngài, xin Ngài cứ ra lệnh cho chúng tôi, không kể ngày đêm”.

     Khi họ đến một khu rừng mịt mù sương phủ, trên một ngọn núi, Vivamitra lại kể một câu chuyện khác.

Câu chuyện Mahabali

     Đây là vùng đất thánh nơi thần Vixnu đã có lần ngồi nhập định. (Mặc dầu Rama chính là Vixnu, cái lốt người trần thế của chàng trong lúc này làm cho chàng không hay biết gì về nguồn gốc của mình cả). Trong khi thần Vixnu dấn thân vào cuộc hóa kiếp này, thì Mahabali đã tóm cả đất và trời bắt phải thần phục lão. Lão chúc mừng chiến thắng này bằng cách tổ chức một lễ tế thần rất lớn và nhân dịp này mời tất cả các vị trí thức đến dự. Tất cả các vị thần đã từng chịu khổ đau khi phải đương đầu với Mahabali, đều kết thành đoàn kéo nhau đến nơi trước kia thần Vixnu đã ngồi nhập định và cầu xin Người giúp đỡ họ lấy lại đất nước. Đáp lại những lời kêu gọi đó, thần Vixnu đầu thai vào một gia đình Brama làm một cậu bé tý hon. Trong con người hình dáng nhỏ nhoi này, lại có vô vàn kiến thức và uy lực. Mahabali rất nhanh chóng nhận ra tầm cỡ lớn lao của cậu, khi chính bản thân cậu đến trình diện trước cung vua. Mahabali đã hết sức kính cẩn và nồng nhiệt đón tiếp người khách này.  

    Người khách nói: “Tôi được nghe danh tiếng lẫy lừng của Ngài nên tôi đã từ rất xa tìm
đến. Lòng ham muốn cả đời tôi là được nhìn thấy một người lừng danh vì lòng cao cả và
lượng bao dung. Hôm nay, được gặp Ngài đây thì tôi đã thỏa mãn nỗi lòng ham muốn trọn
đời của tôi rồi. Toàn thiện, toàn mỹ đến như Ngài thực không có gì có thể so sánh được. Khi
một kẻ nghèo hèn như tôi mà được nhìn qua một chút thánh thể của Ngài, thì một phần của
thánh thể cũng đã đến với tôi rồi”.

     “Thôi, xin ngài đừng ca ngợi tôi nữa”, Mahabali trả lời, “tôi chẳng qua cũng chỉ là một võ tướng, một kẻ đi chinh phục đất đai – những loại người thấp kém nếu đem so với những người học vấn uyên thâm như ngài. Tôi không phải dễ dàng bị cái dáng dấp bên ngoài ám ảnh. Tôi biết ngài là một vĩ nhân. Tôi sẽ tất sung sướng nếu ngài bằng lòng nhận một chút quà của tôi gọi là đáp lại cái vinh dự mà cuộc đi thăm của ngài đã đem lại cho tôi”.

     “Thưa, tôi không muốn gì cả. Tôi không cần một món quà nào khác hơn là thiện chí của ngài”.

     “Không, xin ngài chớ đi, ngài cứ yêu cầu một cái gì đi. Ngài cứ ghi lại cái gì ngài thích đi. Tôi sẽ rất sung sướng được thỏa mãn điều đó”.

     “Vâng, nếu ngài cứ khẩn khoản như thế, thì tôi xin ngài cho tôi một mảnh đất”.

     “Được rồi, ngài cứ chọn chỗ đất nào ngài thích”.

     “Một mảnh đất rộng không hơn ba bước chân của tôi”.

     Bali mỉm cười, nhìn anh ta từ trên xuống dưới, rồi hỏi: “Thế đã đủ chưa? ”.

     “Đủ rồi”.

     “Bây giờ, tôi sẽ…” Mahabali bắt đầu nói, nhưng không để ông ta nói hết câu, quân sư Sucrucharya đã cắt ngang và nói xen vào: “Tâu Hoàng thượng, xin Người hãy thận trọng. Con người nhỏ bé trước mặt Người đây chỉ là một sự trá hình; anh ta nhỏ đấy nhưng là một vũ trụ nhỏ…”     

“Thôi, đừng nói nữa! Ta biết rõ trách nhiệm của ta. Cho, khi mình có thể cho, là thức thời, còn ngăn cản một tặng phẩm là một hành động phỉ báng, không xứng đáng với ông. Một người ích kỉ cũng không xấu gì hơn một kẻ đã đưa tay ra cho rồi dừng lại. Thôi, đừng ngăn ta nữa”.

Nhà vua nói xong, rồi rót một chút nước trong bình vào lòng bàn tay lật ngửa của người tí hon kia để khẳng định lời hứa của mình. (Theo một vài bản thì lúc này quân sư Sucrucharya biến thành con ong bay vào làm nghẽn cái bình, không rót được nước ra, và như thế đất vẫn còn giữ lại được, không phải đem cho. Người tí hon nhận thấy điều đó, đã lấy một ngọn cỏ nhọn cho vào bình, nhờ vậy chiếc bình được thông, nhưng cỏ lại bắn vào mắt Sacrucharya; do đó về sau người ta thường gọi ông là nhà học giả một mắt). Rót nước rồi, Bali mới bảo người tí hon: “Nào, ngài hãy đo và lấy chỗ đất ba bước của ngài đi”.

     Vào lúc nước rơi vào bàn tay thì cái con người mà khuôn mặt đối với cha mẹ trông cũng buồn cười, bỗng dưng có vó

0