25/05/2018, 17:38
Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?
Chưa thể trả lời ngay được câu hỏi này, nếu chưa khai thông được các tiền đề vốn móc xích nhau: thế nào là một chặng đường văn học? gần hơn: thế nào là một hệ giá trị thẩm mỹ? và, sát sạt: thế nào là một thế hệ văn học? Lịch sử văn học thống nhất nhưng không đồng nhất với lịch sử xã hội. Một ...
Chưa thể trả lời ngay được câu hỏi này, nếu chưa khai thông được các tiền đề vốn móc xích nhau: thế nào là một chặng đường văn học? gần hơn: thế nào là một hệ giá trị thẩm mỹ? và, sát sạt: thế nào là một thế hệ văn học?
Lịch sử văn học thống nhất nhưng không đồng nhất với lịch sử xã hội. Một chặng đường lớn của văn học có thể có lúc được cắm mốc bằng sự kiện chung nào đó của xã hội. Nhưng không phải lúc nào một sự kiện xã hội như vậy cũng đồng thời là khởi đầu hay kết thúc cho một chặng đường văn học. Về căn bản, một chặng đường văn học cần được xác lập dựa trên việc đã kiến tạo được trọn vẹn hay chưa một hệ giá trị thẩm mỹ mới cùng một diện mạo mới cho nền văn học. Một chặng đường lớn phải là một hệ giá trị mới được kiến tạo với những khác biệt lớn so với chặng trước đó. Khi một hệ giá trị đã hoàn mãn, phía sáng tạo đã bão hòa, phía tiếp nhận đã bội thực, thì một hệ giá trị mới tất sẽ ra đời. Nó có thể manh nha trứng nước đâu đó trong lòng chặng trước, nhưng phải đến lúc này, nhờ được cổ vũ lớn, kích hoạt mạnh từ phía tiếp nhận, nó mới đạp toang lớp vỏ để chính thức khai sinh. Và khi đó một hệ giá trị mới mới thực sự được xác lập và lên ngôi. Một chặng đường văn học mới bấy giờ mới thực sự được mở ra. Nhờ nguồn sinh lực của hệ giá trị mới đó mà diện mạo văn học được tượng hình rồi thắm da đỏ thịt, đồng thời nhờ sức vóc và dung nhan của văn học mà hệ giá trị ấy được tôn vinh. Về sau, hành trình văn học sẽ bắt đầu vào khúc ngoặt để sang chặng mới, khi phía trước lấp ló một hệ giá trị khác kế tiếp. Chưa làm xong điều này, thì chặng đường văn học hãy còn dang dở. Khắt khe hơn: văn học chưa thực sự có một chặng mới. Vì vậy, về bản chất, chặng đường văn học chính là quá trình vận động trọn vẹn của một hệ giá trị thẩm mỹ nào đó trong văn học.
Đến đây, tất có câu hỏi: vậy thế nào là một hệ giá trị thẩm mỹ? Về điều này, có thể có những quan niệm khác nhau và mỗi quan niệm lại chọn cho mình một điểm nhấn khác nhau đối với các thành tố cấu thành một hệ thẩm mỹ. Nhưng, dù khác nhau đến đâu, cuối cùng, vẫn phải gặp nhau trên những nét cơ bản. Cụ thể, một hệ giá trị thẩm mỹ phải được hiện hình qua cách ứng xử của một lớp người viết trong ba mối quan hệ: với hiện thực, với ngòi bút và với người đọc. Và được hình dung bằng một chuẩn mực đặc thù về cái đẹp, một điệu tình cảm thẩm mỹ nổi bật và một hệ thống thi pháp tương ứng. Hệ thẩm mỹ ấy được kiến tạo bằng cả kế thừa và phủ định đối với cái cũ, nhưng chủ yếu bằng thử nghiệm và xác lập cái mới. Một chặng đường văn học thực sự phải là một tiến trình sống động trong đó hệ giá trị thẩm mỹ vừa được kiến tạo bởi thực tiễn sáng tạo vừa âm thầm kiến tạo nên chính thực tiễn đó. Nghĩa là, một hệ giá trị vừa là động lực vừa là sản phẩm của một chặng đường văn học.
Một thế hệ văn học thực sự phải là chủ thể cốt lõi của một chặng đường văn học. Sáng tạo, xét đến cùng, là chuyện cá nhân. Từng cá nhân có thể có trường hợp sắc màu dị biệt, tầm vóc ngoại cỡ. Nhưng, một thế hệ văn học không phải là phép cộng giản đơn của các cá nhân. Đó phải là một lớp người cầm bút được kết nối bởi cùng một hệ giá trị chung của thời mình. Họ vừa là kẻ sản sinh lại vừa là sản phẩm của hệ giá trị đó. Do vậy, nhìn nhận một thế hệ văn học, không phải là phép mô tả lần lượt từng cá nhân. Mà phải nhìn vào gương mặt nghệ thuật chung của cả một lớp người. Thêm nữa, việc này không thể không tính đến ngoại lệ, nhưng căn cứ chính không thể là ngoại lệ.
Nhìn vào lực lượng cầm bút trong mỗi chặng đường lớn, người ta thấy một cơ cấu gồm ba thành phần được phân vai khá rõ. Ấy là ba lớp người. Tạm gọi là lớp trên, lớp giữa và lớp dưới. Lớp trên, vốn là chủ lực của chặng trước. Họ là đại diện cho một hệ giá trị đã lên ngôi và ngự trị giai đoạn trước đó. Có thể có người đến lúc này vẫn còn tỏa sáng, thản hoặc, có trường hợp mãi khi này mới bừng sáng, nhưng về căn bản, độ sung sức nhất trong ngòi bút của cả thế hệ đã ở sau lưng. Có thể có cá nhân tinh anh nào đó của lớp ấy làm được cái việc thám thính dò đường cho chặng sau. Thậm chí, có cây bút nội lực dồi dào, dám phủ định mình, dám lột xác để có thể tiếp tục thắp sáng trong hệ giá trị mới. Nhưng cực hiếm. Và, dù sao, kí ức của hệ giá trị trước vẫn trầm tích sâu nặng trong sáng tác mới của họ. Bởi thế, về thực chất, họ vẫn là chính chủ của chặng trước và là khách danh dự của chặng này. Còn lớp dưới thì đã bắt đầu góp mặt, hăng hái đầu quân. Hơn thế, có thể ít nhiều đã thành tựu. Nhưng, về căn bản, họ sẽ là nguồn lực của chặng sắp tới, những chồi mầm của hệ giá trị kế tiếp. Bởi vậy, chủ lực của một chặng đường văn học bao giờ cũng là lớp giữa. Họ là lớp người có sứ mạng chính trong việc kiến tạo, xác lập và hoàn thiện hệ giá trị của thời mình. Không lớp nào tranh chấp được với họ và họ cũng không thể đùn đẩy được cho các lớp khác. Sáng tạo của họ vừa là chân dung nghệ thuật tự họa của thế hệ mình vừa quyết định đến gương mặt nghệ thuật chung của cả chặng. Nhìn vào từng cá nhân, có thể có trường hợp vượt khung, nhưng nhìn chung, các cá nhân trên mỗi chặng thường thuộc về một trong ba lớp người như vậy. Mặc dù đây chỉ là dạng phổ biến, không phải lúc nào, ở đâu cũng nhất nhất như vậy, nhưng thực tiễn văn học Việt Nam hiện đại thì khá chuẩn với mô hình chung đó[1].
*
Những đường viền đầu tiên của bức chân dung thế hệ, đương nhiên, phải là độ tuổi và thời điểm gia nhập văn đàn. Trừ một ít ngoại lệ, về căn bản, một thế hệ phải có sự gần gũi nhau về độ tuổi. Nếu phổ tuổi của thế hệ Hiện đại hóa là +/- 1x, thế hệ chống Pháp là +/- 2x, thế hệ chống Mỹ chủ yếu là 3x - 4x, thì thế hệ sau 1975, trên đại thể, chủ yếu là 5x – 6x. Và, thế hệ này chỉ thực sự bước lên văn đàn từ sau 1975. Nói “thực sự”, vì ngoài phần đại thể, có thể có người đã cầm bút từ trước đó. Song, quãng trước, họ mới mon men mé ngoại vi, thủ vai chầu rìa, thậm chí, còn lạc lõng, lạc dòng. Phải sau 1975, họ mới đĩnh đạc cất tiếng.
Ở văn xuôi, họ là các cây bút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai,Dạ Ngân, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Trần Vũ, Thu Trân, Phan Thị Vàng Anh, v.v… Ở thơ là những gương mặt: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Hùng, Inrasara, Trương Đăng Dung, Đỗ Trọng Khơi, Đỗ Minh Tuấn, Dương Thuấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Phạm Công Trứ, Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân, Tuyết Nga, Thu Nguyệt, Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Hoàng, v.v… Ở lí luận phê bình là: Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Inrasara, Nguyễn Hưng Quốc, Đoàn Cầm Thi, Trần Đăng Khoa, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thị Minh Thái, Đoàn Thị Đặng Hương, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu, Trần Thị Trâm, Hồ Thế Hà, Lê Tiến Dũng, Phan Huy Dũng, Phạm Phú Phong, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang, Bùi Thanh Truyền, Trần Hoài Anh, Mai Bá Ấn, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Hòa, Đông La, v.v… Và dịch thuật là: Phạm Xuân Nguyên, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành, Trương Hồng Quang, v.v…
Bên cạnh đại thể đó, không thể bỏ qua những ngoại lệ. Ấy là những cây bút, về độ tuổi có thể thuộc 4x, nhưng thời điểm gia nhập văn đàn thực sự và khẳng định thành tựu thì lại sau 1975. Trong thơ, là những Trúc Thông, Y Phương, Dư Thị Hoàn, Hoàng Trần Cương,… trong lý luận phê bình là Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lã Nguyên, v.v…
Với màn điểm danh chưa thể đầy đủ như vậy, đã có thể khẳng định thế hệ nhà văn sau 1975 là một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được.
Nhưng, nghệ thuật là lĩnh vực của chất lượng. Làm nên gương mặt và tầm vóc của một thế hệ không phải là quân số. Điều cốt yếu phải là thành tựu. Thành tựu riêng bầu lên mỗi cá nhân, thành tựu chung bầu lên một lớp người. Bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương/trang mới.
Muốn hình dung rõ về chặng này, có lẽ cần điểm lại chặng trước.
Từ 1945 đến 1975, đất nước lâm vào hai cuộc chiến tranh liên tiếp. Sự tồn vong của tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Số phận dân tộc là mối quan tâm nóng bỏng của toàn dân. Lòng yêu nước của mọi công dân đều được kích hoạt quyết liệt. Cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh cho tổ quốc là yêu cầu bức thiết của hoạt động tuyên truyền. Vì thế, văn học Việt Nam, về căn bản, vận hành theo mỹ học thời chiến. Đó là mỹ học của cái phi thường. Chiến tranh là chuyện bất thường, nó hòng cướp đi đời sống bình thường của mỗi người dân. Muốn tồn tại, cần phải có một sức mạnh phi thường. Vì thế, hiện thực kháng chiến là một hiện thực phi thường. Trong hệ thẩm mỹ thời chiến, cái phi thường tất phải lên ngôi. Và nó có tên là chủ nghĩa anh hùng. Xu hướng thẩm mỹ bao trùm của thời chiến là làm nổi bật cái phi thường, cũng có nghĩa là nổi bật cái anh hùng. Âm hưởng chủ đạo tất phải là âm hưởng anh hùng ca. Phương cách làm nổi bật cái phi thường trùm lên tư duy thẩm mỹ cả thời đại ấy là: tìm cái bình thường trong cái bất thường. Bình thường hóa cái bất thường chính là sự phi thường. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”, “Tất cả như là trong báo động/ Tất cả như là trong báo yên”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Thế đấy giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”,… là cái tứ chung của cả thời đại, không chỉ ở thi ca. Chúng ta hiểu vì sao đó là chặng đường văn học của chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến, của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, của xu hướng trữ tình hóa và kí hóa ở mọi thể loại văn học. Vì sao đó là chặng đường của tư duy phân tuyến ta - địch, với lược đồ: ta tốt – địch xấu, ta cao - địch thấp, ta sang - địch hèn, ta thắng - địch thua khi mô tả mọi tình thế của thực tại. Vì sao ý thức hệ giai cấp lại thành khung tư tưởng chung của mọi người cầm bút. Và vì sao hệ thống thi pháp chủ yếu xoay quanh cái trục xuyên suốt là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chặng đường văn học ấy dừng lại, khi thế hệ nhà văn chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo hệ thẩm mỹ đó một cách vẻ vang. Họ là hình ảnh chuẩn của mẫu nhà văn chiến sĩ.
Sau 1975, đất nước hòa bình trở lại. Sau hai cuộc đụng độ biên giới, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường. Mỹ học của cái phi thường tỏ ra không còn phù hợp. Nhưng quán tính của nó vẫn chưa hết lai rai câu giờ. Một số cây bút tinh anh của thế hệ chống Mỹ đã sớm nhận ra điều này. Họ muốn chấm dứt và phủ định nó. Họ thám thính, dò đường. Họ đập cửa, mở cửa. Khi nhận ra đường mới, họ đã hăm hở đặt những bước đầu tiên. Một số đã vật vã lột xác để thành người lữ hành của chặng đường mới. Nhưng, do trầm tích của chặng trước nặng đè, năng lượng xài nhiều đã vơi, đi được dài trên chặng mới là không dễ. Dầu sao, họ cũng đã làm được cái việc khởi động cho cả một công cuộc sắp sửa, đặt những tiền đề quan trọng cho chặng tới. Hệ thẩm mỹ mới không thể không biết ơn những Việt Phương, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Ý Nhi, v.v… trong thơ, những Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, v.v… trong văn xuôi, những Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, v.v... trong lí luận phê bình. Họ là chính chủ chặng trước cũng là những tiền nhân của chặng sau.
Tuy nhiên, phải đến năm 1986, khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, thì một thế hệ cầm bút mới mới chính thức khai hỏa, một sự nổi loạn trong thẩm mỹ chính thức bắt đầu. Mỹ học thời chiến lùi hẳn vào hậu trường nhường chỗ cho mỹ học hậu chiến. Đó là mỹ học của cái ngày thường muôn thuở. Cái ngày thường không còn ta – địch, chỉ có con người và những phiền tạp bất tận của nhân gian. Cùng với những gì có từ muôn thuở, thực tại nhiễu nhương thời này lại có thêm bao bộ mặt mới. Trong thực tại ngày thường, việc sống cho ra con người là bận tâm sâu thẳm nhất. Phẩm tính nhân bản mới là vẻ đẹp đích thực muôn đời. Bởi thế, bồi đắp phẩm tính nhân bản cho con người trong cái đời thường đầy phiền tạp này là tiếng gọi bức thiết đối với nghệ thuật. Trong cái bình lặng yên ả của thực tại ngày thường, những giá trị người cứ bị ăn mòn, tính người cứ bị băng hoại bởi những thứ axit vô hình nào đó. Chính vì thế,phát hiện cái bất thường trong cái bình thường là tư duy thẩm mỹ bao trùm của chặng đường này. Dù có viết về các cuộc chiến tranh đã qua như là thực tại đặc thù của chặng trước, thì văn học chặng này cũng sẽ nhìn chiến tranh bằng tư duy mới này. Nếu trong mỹ học thời chiến chủ nghĩa yêu nước được ưu tiên, cái phi thường được ưu tiên, thì trong mỹ học hậu chiến cái được ưu tiên là cái bình thường, là chủ nghĩa nhân bản. Và điều này dường như đã kích hoạt và kiến tạo nên khuynh hướng thẩm mỹ chung của thế hệ này.
Điều đập ngay vào sự tiếp nhận là: thế hệ văn học này không ưu tiên ca ngợi hiện thực, mà ưu tiên tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn hiện thực mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạn thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại. Hoài nghi và đối thoại trở thành nhu cầu thời đại. Do cảm hứng phản tư, đối thoại thúc đẩy mà trong hệ thẩm mỹ này, việc ru vỗ ve vuốt con người thành viên, con người đoàn thể mất dần hấp dẫn, thay vào đó là việc phục hồi mối quan tâm tới con người cá thể và rồi chuyển mạnh sang đào bới con người bản thể. Khoan xoáy sâu vào những miền tối thuộc bản thể là kim la bàn định hướng khá xác định của việc tiếp cận con người trong chặng văn học này. Tóm lại, mối bận tâm về con người công dân đã nhường chỗ cho mối quan hoài về con người phổ quát - Con Người viết hoa.
Ta hiểu vì sao, những mâu thuẫn và nghịch lí của đời sống, những nhức nhối âm ỉ trong con người hậu chiến được phơi bày ráo riết và thấm thía như vậy. Nó hiện diện phong phú trong các chủ đề văn học chống tiêu cực, văn học chấn thương, văn học giải ảo, văn học nữ quyền, văn học sinh thái, văn học đồng tính, v.v… vừa tiếp ứng nhau vừa nhất loạt ra đời trong chặng này. Và chưa bao giờ những khuất khúc, những bí mật ẩn sâu trong vùng mờ của bản thể lại được soi rọi bạo dạn, sắc sói như chặng này. Người đọc quen tiếp nhận hình ảnh một hiện thực được cho là đang “vận động trong quá trình phát triển cách mạng của nó” sẽ luôn thấy khó khăn khi tiếp nhận hình ảnh một thực tại bất toàn và nhất là sự bất toàn của những mẫu nhân vật từng ngự trị chặng trước giờ được văn học chặng này khám phá.
Một cách ứng xử với hiện thực như thế tất phải dẫn đến hệ quả về điệu cảm xúc bao trùm. Thấm thía vào mọi tiếng nói văn học không còn là niềm hân hoan nồng nhiệt dễ dãi của một chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến, mà phải là nỗi băn khoăn day dứt, là nỗi buồn cao cả, là mối quan hoài khôn cầm của chủ nghĩa phản tư. Những nỗi niềm thời thế, thân thế, nhân thế ùa vào văn chương. Nỗi cô đơn cá thể được sẻ chia. Nỗi cô đơn bản thể được trân trọng. Những điều đó đã đem đến cho chặng văn học này một âm hưởng mới mang một chiều kích khác hẳn chặng trước: ấy là nỗi băn khoăn triết luận về phận người.
Ta hiểu vì sao từ văn xuôi đến thơ, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tùy bút tản văn, tạp văn, từ thơ cực ngắn đến những bản trường ca của chặng này đều thấm đượm những cung bậc day dứt, trăn trở, đều thấm thía những lo âu, hoang hoải, đều khắc khoải những bất an và trang văn nào dường như cũng nặng trĩu triết luận buồn. Những người đọc quen thụ hưởng tiếng nói vui vẻ và cho rằng phải luôn hoan hỉ mới là tích cực và xem bi kịch là không tích cực, sẽ khó mà tiếp nhận được nét cao quí của loại bi cảm nhân bản, những bi cảm nâng cao phẩm tính con người như vậy.
Sự ra đời một hệ thẩm mỹ mới thực sự trong nghệ thuật bao giờ cũng phải là cuộc đảo chính về thi pháp. Hệ thống thi pháp của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từng điều phối sáng tạo văn học chặng trước giờ được miễn nhiệm nghỉ ngơi. Sân chơi sáng tạo chặng này không còn sự độc tôn của riêng một phương pháp nào. Tinh thần hậu hiện đại được hấp thụ. Tôn trọng sự khác biệt vốn là linh hồn của nó. Cho nên, sự thoải mái trong lựa chọn những chiêu nghệ thuật riêng để thỏa mãn cá tính mình càng trở thành nhu cầu mạnh mẽ của sáng tạo chặng này. Và cuối cùng, là sự nổi loạn về ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ đơn sắc, đơn giọng, qui lát, đồng phục thời chiến tỏ ra nghèo, lũa trước thực tại đời thường. Một ngôn ngữ đa sắc, đa âm, đa tầng có khả năng sinh sự, gây hấn với những lối tiếp nhận quen mòn đã mang lại sức sống mới cho ngôn ngữ của thế hệ này.
Ta hiểu vì sao, các khuynh hướng văn chương của thế hệ này lại phong phú thế. Các lề lối kiến tạo thế giới nghệ thuật như tượng trưng, siêu thực, huyền ảo, kinh dị, viễn tưởng, dã sử/ giả sử, cổ tích/ giả cổ tích,… được huy động. Các kĩ thuật tự sự hiện đại xâm nhập vào văn xuôi. Các kĩ năng trữ tình tân kì hấp thụ từ Đông sang Tây được nhập tịch vào thơ. Nhiều thể loại mới bùng nổ, và ngay trong những thể loại quen thuộc, thì hình thái thể loại cũng hoàn toàn khác trước. Chưa bao giờ văn xuôi Việt Nam lại phong phú về cấu trúc, biến ảo về phương thức và cách thức trần thuật như vậy. Chưa bao giờ thơ Việt Nam lại dồi dào về lối kiến tạo thi ảnh và táo bạo về thi liệu cùng vật liệu đến như vậy. Chưa bao giờ lí luận phê bình Việt Nam lại cập nhật các lí thuyết mới, các cách đọc mới và ứng dụng chúng linh hoạt đến thế để khảo tả, cảm luận các giá trị văn chương như vậy. Và chưa bao giờ ngôn ngữ văn học lại được làm mới với những khả năng biểu đạt bằng những góc cạnh đầy bất ngờ, được kết nối với ngôn ngữ của nhiều loại hình nghệ thuật khác mạnh tay như vậy. Tất cả những điều đó đều khiến văn học của thế hệ này luôn tồn tại như một thách thức với thói quen thẩm mỹ trước. Và lối đọc quen với mỹ học của chặng trước không khỏi có lúc dị ứng, kì thị, thậm chí xung đột với hệ thẩm mỹ mới này. Điều đó âu cũng là bình thường trong sự vận động thẩm mỹ của đời sống một dân tộc nói riêng và mọi dân tộc nói chung.
*
Cái nhìn khái lược và sơ lược trên đây chắc chắn chưa bao hết được toàn cảnh chặng đường văn học sau 1975 cũng như gương mặt của thế hệ văn học sau 1975.
Gọi họ là Thế hệ hậu chiến? Thế hệ sau chống Mỹ? Thế hệ đổi mới?… những cụm từ như thế hoặc ít hoặc nhiều, hoặc góc này hoặc phía khác đều có được những đường viền nào đó giúp hình dung về gương mặt họ. Chúng ta gọi họ là thế hệ nhà văn sau 1975. Và, cho dù cách gọi nào thì cũng không thể né tránh được sự thực này: đến chặng này, với hệ thẩm mỹ hậu chiến, mẫu nhà văn chiến sĩ thời chiến đã nhường chỗ cho mẫu nhà văn kẻ sĩ hiện đại thời bình. Ngay các cây bút chiến sĩ theo nghĩa đen của chữ ở chặng này cũng trình hiện mình trong mẫu nhà văn kẻ sĩ hiện đại. Đó cần được xem là một bước vận động tích cực của tiến trình văn học. Và, cho dù cách gọi nào cũng không thể bác bỏ được: họ là chủ thể cốt lõi của chặng đường văn học sau 1975.
Đến giờ bó đuốc trên tay họ vẫn tiếp tục tỏa sáng, dù trong cuộc chạy tiếp sức không mệt mỏi của lịch sử văn học đã rầm rập bước chân của lớp người kế tiếp.
--
Tác giả: TS. Chu Văn Sơn
Nguồn: Tham luận Hội thảo khoa học quốc gia "Thế hệ nhà văn sau 1975" do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 28.4.2016
Admin 4
[1] Các chặng trước 1945, chống Pháp, chống Mỹ đều trình hiện một tình hình như vậy. Ví dụ, chặng trước 1945. Có thể thấy sự góp mặt của những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Tử Siêu, Phan Khôi,… thuộc lớp trước. Và đến cuối chặng, đã thấp thoáng bóng dáng Hoàng Cầm, Trần Dần,… nhưng họ sẽ là những cây bút chủ chốt của chặng sau - chặng chống Pháp. Còn chủ lực lúc này vẫn là thế hệ của những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam,… Cũng như thế, ở chặng chống Pháp. Có thể các nhà Thơ mới đã lột xác để nhập cuộc vào thời mới, nhưng đại diện cho hệ giá trị mới của thời này vẫn phải là những cây bút của lứa Tô Hoài, Kim Lân, Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Trần Dần,… Lúc này, những cây bút như Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc đã xuất hiện, nhưng họ sẽ là hạt giống mẩy của chặng sau. Chặng chống Mỹ, vẫn có sự góp mặt của các nhà văn từng thành danh ở các chặng trước, tuy nhiên, lực lượng chính làm nên diện mạo chặng này vẫn là thế hệ của những Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Tô Nhuận Vĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt,…