Thác Xuân Sơn (Sông Ray)
Thác Sông Ray còn có tên gọi là thác Xuân Sơn và nay còn có tên là thác Hòa Bình nằm trên địa phận huyện Châu Đức nhưng tiếp giáp với huyện Xuyên Mộc do đó có thể đi từ hai lối để đến với thác Xuân Sơn. Nếu theo đường từ Vũng Tàu qua Bà Rịa đi Long Khánh đến Ngãi Giao khi gặp Ngã tư đường Đẹp ...
Thác Sông Ray còn có tên gọi là thác Xuân Sơn và nay còn có tên là thác Hòa Bình nằm trên địa phận huyện Châu Đức nhưng tiếp giáp với huyện Xuyên Mộc do đó có thể đi từ hai lối để đến với thác Xuân Sơn.
Nếu theo đường từ Vũng Tàu qua Bà Rịa đi Long Khánh đến Ngãi Giao khi gặp Ngã tư đường Đẹp Việt Nam thì rẽ về tay phải, đi tiếp một đoạn sẽ có bảng chỉ đường về thác Xuân Sơn. Nếu đi từ hướng trung tâm huyện Xuyên Mộc tới lối rẽ đi thị trấn Phước Bửu thì rẽ tay trái sẽ đến thác.
Thác Xuân Sơn là một điểm du lịch còn chưa được khai thác của huyện Châu Đức, trong tương lai đây sẽ là nơi nghỉ ngơi, du lịch sinh thái của du khách trong nước mà có lẽ hợp nhất là với lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên.
Người Châu Ro ở huyện Châu Đức có câu chuyện kể về sự tích Thác sông Ray:
Ngày xưa, có một ông già người Châu Ro tên là Klêu có sức khỏe hơn người. Một hôm, Klêu dắt chó vào rừng đi săn. Rất lạ là đi từ sáng cho đến trưa mà chẳng gặp một con thú nào. Bụng đói, chân chồn, mắt hoa, Klêu định tìm bóng mát cây rừng ngã lưng thì bỗng đâu ở phía trước đàn chó săn sủa lên dữ dội, Klêu mừng lắm, bụng bảo dạ: chắc có thú bự lắm đây. Theo thói quen của người thợ săn lành nghề, Klêu rút tên, giương ná lom khom tiến về phía bầy chó săn đang sủa, ngó bên trái, tìm bên phải nhưng thật lạ Klêu chẳng thấy có con thú nào cả. Trong lúc đó bầy chó săn càng lúc càng sủa mạnh, bực mình Klêu bèn xua bầy chó ra, thì chao ôi, có một chiếc lá to bằng bàn tay lật lên, lật xuống đều đặn như có người đang thở vậy. Để ý nhìn kỹ vào vật lạ, rồi cho thỏa chí tò mò Klêu lấy mũi tên khều thử vào chiếc lá thì tự nhiên nước ở đâu phun lên, dựng thành tháp nước khổng lồ, trắng xóa, chảy lên láng vây quanh Klêu. Còn chưa hết bàng hoàng thì Klêu đã nghe từ trong dòng nước tiếng gọi rất to:
- Mẹ Biển! Mẹ Biển! Đưa ta về với Mẹ Biển.
(Daq lêêng! Daq lêêng! Dop anh xi bây mây Daq lêêng).
Klêu lặng lẽ bước đi. Lạ thay Klêu đi đến đâu nước cũng theo đến đó, Klêu đi về hướng Đông nước cũng theo đi về hướng Đông, Klêu đi về hướng Tây nước cũng theo đi về hướng Tây, Klêu phải đi vòng vèo, trèo lên, lội xuống qua những tảng đá cao nước cũng vòng vèo uốn lượn chảy theo. Thật lạ là đi như thế mà Klêu không hề thấy mỏi chân. Khi đến rừng T’Dao thì trời tối, Klêu và bầy chó săn cũng tìm chổ nghỉ đêm. Klêu leo lên tảng đá to nằm ngủ. Đàn chó vây xung quanh. Để bảo vệ Klêu, nước chảy vây quanh Klêu.
Sợ Klêu đói, bệnh không ai đưa đi gặp Mẹ Biển, nước liền biến sức khỏe của mình thành không khí để Klêu hít thở nuôi cái bụng.
Sáng sớm hôm sau Klêu và dòng nước tiếp tục đi về với Mẹ Biển. Đang đi quen địa hình rừng núi cao khi xuống đồng bằng phẳng phiu, nhiều đoạn Klêu phải đu dây rừng mới xuống được. Nước không đu được dây rừng, đành nhảy vực. Vực thẳm nơi nhảy nay là thác Sông Ray.
Đi được một quãng đường nước lại gặp hai dãy núi cao ngất chắn đường. Leo không được, nước cứ chảy vòng quanh chân Klêu như kêu cứu. Klêu hiểu ý, ra lệnh cho bầy chó săn đào bới, khoét thành ngách nhỏ rồi bảo nước dùng lưỡi liếm mạnh, cuối cùng trổ được kẽm sâu, nước chảy ào xuống vực. Kẽm đó nay vẫn còn tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức. Trong dân gian Châu Ro còn truyền lại phương ngữ nói về sự tích này:
Klêupõh phoong
T’lung zoong vôq r’waiq…
Nghĩa là : Sông Ray chảy ngọn (dòng)
Vực thẩm đầu con voi.
Đi hai ngày ngủ một đêm, ngủ một đêm đi hai ngày thì Klêu đưa Sông Ray về gặp Mẹ Biển tại cửa Lộc An. Khi đến cửa Lộc An, Sông Ray gặp Sông Hỏa. Ai cũng giành mình đến trước. Cuối cùng Sông Ray nhường cho Sông Hỏa ra gặp Mẹ Biển trước. Vì Sông Hỏa đi trước nên nước nổi lên trên. Còn Sông Ray đi sau nước chảy chìm bên dưới.
Ngày nay, tại cửa Lộc An, nơi Sông Hỏa và Sông Ray gặp nhau vẫn còn hai dòng nước khác biệt.
Sau khi đã nhận hai con yêu thương về trong vòng tay lớn của Mẹ Biển cảm tạ ơn Klêu bằng cách cắt cử bầy cá Sấu đưa Klêu và bầy chó lên bờ về xứ sở. Do quá mừng ngày đoàn tụ nên khi nhảy lên bờ, bấy chó săn của Klêu đã vấy bẩn lên đầu cá Sấu, từ đó đầu cá Sấu có vết dơ như bây giờ.