Đồn điền Cao Su
Cây cao su có tên gốc gọi là cây Hê vê (Hévéa), mọc dọc theo sông A-ma-zôn ở Nam Mỹ, cách đây gần 10 thế kỷ, thổ dân Mainas sống ở đây đã biết lấy nhựa của cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, và tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Họ gọi chất nhựa này là Caouchouk, theo Thổ ...
Cây cao su có tên gốc gọi là cây Hê vê (Hévéa), mọc dọc theo sông A-ma-zôn ở Nam Mỹ, cách đây gần 10 thế kỷ, thổ dân Mainas sống ở đây đã biết lấy nhựa của cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, và tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Họ gọi chất nhựa này là Caouchouk, theo Thổ ngữ Mainas nghĩa là “Nước mắt của cây” (cao là gỗ. Uchouk là chảy ra hay khóc).
Những cây cao su đầu tiên xuất hiện ở nước ta được trồng ở vườn thực vật Sài Gòn vào năm 1877, lấy giống từ Singapore nhưng không cây nào sống. Đến năm 1897, dược sỹ Raoult đã gửi hạt giống và một số cây con từ Java để gieo trồng tại vườn thí nghiệm ông Yêm (Thủ Dầu Một); Đồng thời bác sỹ Yersin cũng đã nhận được một số cây con đem trồng tại suối Dầu trong phần đất của viện Pasteur Nha Trang. Sau đó bác sỹ Yersin nhập nhiều hạt giống từ Cô Lôm Bô (Srilanca) để thành lập đồn điền cao su đầu tiên ở nước ta.
Thông thường cây cao su có chiều cao khoảng 20 mét, rễ ăn rất sâu để giữ vững thân cây, hấp thu chất bổ dưỡng và chống lại sự khô hạn. Cây có vỏ nhẵn màu nâu nhạt. Lá thuộc dạng lá kép, mỗi năm rụng lá một lần. Hoa thuộc loại hoa đơn, hoa đực bao quanh hoa cái nhưng thường thụ phấn chéo, vì hoa đực chín sớm hơn hoa cái. Quả cao su là quả nang có 3 mảnh vỏ ghép thành 3 buồng, mỗi nang một hạt hình bầu dục hay hình cầu, đường kính 02 cm, có hàm lượng dầu đáng kể được dùng trong kỹ nghệ pha sơn.
Cây phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ẩm, có nhiệt độ trung bình từ 220C đến 300C (tốt nhất ở 260C đến 280C), cần mưa nhiều (tốt nhất là 2.000 mm) nhưng không chịu được sự úng nước và gió. Cây cao su có thể chịu được nắng hạn khoảng 4 đến 5 tháng, tuy nhiên năng suất mủ sẽ giảm. Tại Việt Nam cây thích hợp với đất đỏ sẫm ở vùng Đông Nam Bộ.
Cây chỉ sinh trưởng bằng hạt, hạt đem ươm được cây non. Khi trồng cây được 5 tuổi có thể khai thác mủ, và sẽ kéo dài trong vài ba chục năm.
Việc cạo mủ rất quan trọng và ảnh hưởng tới thời gian và lượng mủ mà cây có thể cung cấp. Bình thường bắt đầu cạo mủ khi chu vi thân cây khoảng 50 cm. Cạo mủ từ trái sang phải, ngược với mạch mủ cao su. Độ dốc của vết cạo từ 20 đến 350, vết cạo không sâu quá 1,5 cm và không được chạm vào tầng sinh gỗ làm vỏ cây không thể tái sinh. Khi cạo lần sau phải bốc thật sạch mủ đã đông lại ở vết cạo trước. Thời gian thích hợp nhất cho việc cạo mủ từ 7 đến 8 giờ sáng.
Hiện nay cây cao su là một trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, và đang được trồng nhiều trên các huyện Châu Đức, Tân Thành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.