23/05/2018, 15:22

Lợi ích của việc cai sữa sớm lợn con

Do việc cai sữa sớm lợn con mang lại nhiều lợi ích, nhiều nước trên thế giới đã cai sữa sớm lợn con lúc 4 tuần tuổi. Mỗi lợn nái một năm đẻ được 2,1 đến 2,4 lứa, sản xuất 20 – 25 lợn con nuôi thịt, đến 90 ngày tuổi đạt 30 – 35kg mỗi con; thời gian vỗ béo rút xuống còn 3 tháng, để tăng trọng được ...

Do việc cai sữa sớm lợn con mang lại nhiều lợi ích, nhiều nước trên thế giới đã cai sữa sớm lợn con lúc 4 tuần tuổi. Mỗi lợn nái một năm đẻ được 2,1 đến 2,4 lứa, sản xuất 20 – 25 lợn con nuôi thịt, đến 90 ngày tuổi đạt 30 – 35kg mỗi con; thời gian vỗ béo rút xuống còn 3 tháng, để tăng trọng được 1kg thịt hơi, chỉ cần từ 3 – 4kg thức ăn tinh.

Tăng năng suất lợn nái cả về lứa đẻ và sản lượng thịt

Nâng cao lứa đẻ

Nuôi con tháng thứ 2, cơ thể lợn nái hao mòn từ 15 – 30%, trung bình 20% thể trọng. Nếu rút ngắn thời gian nuôi con, lợn nái sẽ sung sức, động hớn sớm, phối giống dễ thụ thai. Lợn nái nuôi con 60 ngày, có chửa 114 ngày, như vậy một lứa sinh sản (chửa, đẻ, nuôi con) hết 174 ngày. Một năm lợn đẻ 2 lứa cần phải 348 ngày. Vậy chỉ còn 17 ngày dành cho 2 lần lợn nái động hớn trở lại và phối giống. Thường từ 6 – 7 ngày sau cai sữa, lợn nái động hớn. Nếu phối giống không thụ thai phải đợi 19 – 21 ngày sau mới động hớn trở lại và phối giống tiếp. Như vậy cai sữa 60 ngày, một năm lợn nái khó đạt 2 lứa. Nếu cai sữa 55 ngày thì khoảng cách giữa 2 lứa đẻ là 13 ngày (không phải 17/2 ~ 8 như trên); cai sữa 50 ngày có khoảng cách 18 ngày, cai sữa 40 ngày có khoảng 28 ngày để lợn nái động hớn và phối giống lợn, dù có trượt một chu kỳ vẫn đủ thời gian để đạt chỉ tiêu 2 lứa một năm. Nhiều nước trên thế giới đã cho lợn con cai sữa sớm 28 ngày (4 tuần) nên nái đẻ 2,4 – 2,5 lứa/năm. Như vậy một lợn nái sản xuất từ 2 – 2,5 tấn thịt hơi/năm.

Tăng số lượng lợn con nuôi đuợc cả năm để tăng sản lượng thịt

Lợn nái nước ta đẻ 1,3 – 1,4 lứa/năm, mỗi lứa nuôi được 6 – 7 con. Như vậy mỗi năm một lợn nái chỉ sản xuất 7 – 9 con, đạt 600 – 700kg, chỉ bằng 1/3 năng suất lợn nước ngoài, vì vậy cần tổ chức cai sữa sớm để tăng lứa đẻ.

Cai sữa sớm lợn con bằng phương pháp tách xa lợn mẹ, có nhiều Iợi ích

– Sử dụng kháng thể thu được từ sữa đầu.

– Hạn chế hoặc có thể loại trừ các bệnh truyền nhiễm từ lợn nái sang lợn con như:

+ Viêm phổi do mycoplasma.

+ Viêm màng phổi Hemophilus.

+ Bệnh lỵ.

+ Viêm đường hô hấp khí quản.

+ Viêm ruột, dạ dày.

+ Ghẻ và ký sinh trùng đường ruột.

+ Song liên cầu trùng.

+ Tụ huyêt trùng gây độc tố.

+ Lepto các chủng.

+ Rối loạn sinh sản.

+ Cúm lợn.

Giảm chi phí

Giảm số đầu lợn nái phải nuôi

Tổng số lợn nái nước ta có 14 triệu con, trong đó có 1,7 triệu lợn nái chiếm 13% so với tổng đàn; có 12 triệu lợn thịt, một nái cả năm chỉ sản xuất 7 con lợn thịt. Nếu nâng được số lợn thịt từ 7 lên 12 con/năm (đẻ 1,7 lứa x 7 con) thì cả nước chỉ cần 1 triệu lợn nái, giảm được 0,7 triệu nái phải nuôi.

Nếu cai sữa sớm thì đàn lợn có thể tăng lên 20%.

Nái đẻ 1,6 – 1,7 lứa, nuôi sống 7 – 8 con thì tỷ lệ nái chiếm 10% so với tổng đàn.

Nái đẻ 2 lứa thì tỷ lệ nái chỉ còn 8 – 9% so với tổng đàn.

Giảm chi phí thức ăn

Nếu lợn mẹ được nuôi tốt, đẻ sai thì bình quân 1kg lợn con cai sữa cần chi phí 6 – 7kg thức ăn (cả mẹ lẫn con); nếu lợn đẻ thưa, nuôi ít chi phí sẽ lên đến 10 – 12kg thức ăn.

Nhờ giảm thức ăn, nên có thể tập trung được thức ăn tốt cho giai đoạn tiết sữa, tạo sự chuyển hoá thức ăn cao cho lợn con.

Ngoài ra, cai sữa sớm còn giúp lợn con sinh trưởng nhanh hơn, đều hơn, thu nhận thức ăn không bị động vào sự cung cấp sữa không đều của lợn mẹ.

Giảm bớt diện tích chuồng nuôi

Đầu lợn nái ít, đàn lợn con quay vòng nhanh, yêu cầu về chuồng trại giảm, hiệu suất sử dụng chuồng cao hơn, giảm chi phí khấu hao chuồng cho một đầu lợn. Đối với các chuồng trại chăn nuôi công nghiệp thì cần tăng số đầu nái trong 1 ô chuồng/năm.

Giảm bớt lao động nuôi lợn nái và các chi phí khác

Nuôi 20 – 25 lợn nái phải có một lao động chuyên trách. Nếu giảm được số đầu nái thì sẽ giảm được người nuôi và các chi phí khác. Trong cơ cấu giá thành chăn nuôi lợn, chi phí lao động chiếm 1,6%, thức ăn 75%, giống 17%, khấu hao chuồng 2%, chi phí sản xuất khác (cả thú y) 4,4%. Nếu giảm đầu lợn thì sẽ giảm được các chi phí khác.

Cai sữa sớm không ảnh hưởng đến sinh lý, sinh sản, sinh trưởng và phát dục của lợn nái

Kết quả nghiên cứu của Grummer và Self cho biết:

– Lợn nái cho con bú hay không cho con bú, động dục sau khi đẻ 4 – 7 ngày không có trứng rụng.

– Cai sữa lợn con khi 10 ngày, 21 ngày và 56 ngày tuổi thấy rằng, thời gian từ lúc đẻ đến cai sữa càng dài thì lợn mẹ động dục trở lại càng ngắn.

– Cai sữa lợn con 10 ngày tuổi thì thời gian lợn mẹ động dục trở lại là 9,4 ngày; tương ứng cai sữa 21 ngày tuổi – 6,2 ngày và cai sữa 56 ngày tuổi – 4 ngày, số lượng – trứng rụng khi cai sữa 10 ngày tuổi là 12,8 trứng, 21 ngày tuổi – 15,2 và 56 ngày tuổi – 16,4 trứng.

– Cai sữa muộn quá, cơ thể lợn hao mòn nhiều (> 30% thể trọng). Ngược lại, cai sữa quá sớm, các hoocmon FSH và LH hoạt động còn yếu nên lợn nái cũng không sớm động dục trở lại.

Heo con ăn cám

– Cai sữa sớm không ảnh hưởng tới sinh trưởng của lợn con. Nghiên cứu trên 55 lợn nái cai sữa sớm lợn con lúc 10 ngày tuổi, phối giống trở lại 19,5 ngày, số lợn con sống là 98 con; kết quả sinh sản đạt như những nái cai sữa 60 ngày.

– So sánh lợn cai sữa sớm (3 tuần) với lợn cai sữa muộn (8 tuần), khi đến 9 tuần rưỡi (67 ngày) đàn lợn cai sữa sớm đạt bình quân 23,55kg/một con, trong khi đó đàn cai sữa muộn 8 tuần chỉ đạt có 18,33kg.

Như vậy, cai sữa sớm hệ số tăng trọng lợn con lớn, không ảnh hưởng đến sinh trưởng phảt dục của lợn nái (thí nghiệm của Brinegar, Hornback và Hunter, 1958).

Cai sữa sớm phải đi đôi với tập cho lợn con ăn sớm

Sau sơ sinh, tốc độ sinh trưởng của lợn con cao (tăng từ 2,3 đến 10 – 12 lần) đòi hỏi sữa mẹ nhiều dinh dưỡng. Sữa lợn mẹ giảm dần sau 3 tuần tiết sữa, giảm nhanh từ tuần thứ 4. Vì lẽ đó phải tập cho lợn con ăn sớm để thoả mãn nhu cầu về các chất dinh dưỡng (có trong sữa và trong thức ăn tập ăn sớm).

Thức ăn tập ăn sớm phải đạt 3 yêu cầu: dễ tiêu hoá, giá trị dinh dưỡng cao, ngon miệng và sạch.

Thức ăn dễ tiêu hoá phải chọn thức ăn tinh ít xơ (bột gạo, bột ngô), thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao như bột cá nhạt, đậu tương, xác men. Để lợn con ngon miệng, phải nghiền nhỏ thức ăn bột có đường kính 0,5 – 1mm, đỗ tương phải rang (để có mùi thơm và khử axit có hại), sử dụng rau tươi non.

Tình hình cai sữa sớm lợn con

Tập quán cai sữa lợn con ở nước ta là 60 ngày. Riêng ở ven đô Hà Nội thì lợn con được cai sữa lúc 45 ngày tuổi. Vùng Đại Mỗ (Hà Nội) thường bán lợn con mới đẻ (đã cho bú sữa đầu) 1 – 2 ngày, dân mua về ghép vào lợn nái đẻ ít để nuôi.

Từ những năm 1970, các doanh nghiệp như nông trường Thành Tô, Tam Đảo, Kiều Thị, Đông Á đã cai sữa lợn con đồng loạt ở 45 ngày tuổi.

Nguyễn Nghi và ctv (1973 – 1974) nghiên cứu cai sữa lợn con ở 35 – 45 ngày tuổi so với 60 ngày tuổi cho thấy, lợn càng cai sữa sớm càng ăn được nhièu thức ăn, nên sinh trưởng và phát dục tốt hơn. Phạm Quang Hoán (1976 – 1980) nghiên cứu cai sữa sớm lợn con ở 28 ngày tuổi tại các trại ven thành phố Thái Nguyên, trại lợn tập thể ở Đại Từ (Thải Nguyên), trại lợn Đông Mại – Uông Bí (Quảng Ninh) với tổng số 28 ổ (cả lợn nội, lợn lai) gồm 192 lợn con. Tác giả rút ra kết luận: Cai sữa sớm lợn con 28 ngày tuổi (4 tuần tuổi) sẽ tiết kiệm được từ 17,9 – 30,5% thức ăn của lợn mẹ, làm nâng cao năng suất sinh sản của chúng từ 68 – 80%. Đồng thời làm giảm tỷ lệ nuôi nái từ 10% nái cơ bản xuống còn 6,5% cho các trang trại nuôi lợn thịt tự túc giống và tiết kiệm được 1,4 công lao động nuôi lợn nái theo chuyên đề (mức khoán của một số cơ sở chăn nuôi lợn nái từ 25 – 28 con).

Nguyễn Lương Hồng và ctv (1999) nghiên cứu sản xuất thức ăn lợn con từ 7 ngày tuổi đến cai sữa sớm 28 ngày tuổi, đạt khối lượng trung bình 6, 5kg/con (lợn Landrace Yorkshire).

Trần Quốc Việt và ctv (1999) đã nghiên cứu mức năng lượng và tỷ lệ lyzin/năng lượng thích hợp trong thức ăn hỗn hợp cho lợn con giống ngoại F1 (Landrace x Yorkshire và Yorkshire X Landrace) cai sữa 35 ngày tuổi trên 12 lợn nái gồm 72 lợn con. Tác giả rút ra kết luận: mức năng lượng thích hợp trong khẩu phần có 20% protein thô và 1,25% lyzin cho lợn con trong giai đoạn 7 – 20kg là 3.250 – 3.350 kcalo/kg.

Các nước trên thế giới đã cai sữa lợn con như sau:

– Mổ tử cung lấy lợn ra nuôi trong lồng cách ly (Hungari) hoặc cho lợn mới đẻ vào túi vô trùng nuôi tại lồng cách ly (Học viện Hormel) bằng sữa bò, bổ sung trứng gà và muối khoáng hỗn hợp.

– Cai sữa 2 ngày tuổi trong chuồng nền cứng hoặc lồng nuôi bằng thức ăn lỏng, gồm các chất dinh dưỡng như cazein hoặc a-protein (lấy từ đỗ tương), đường gluco, mỡ lợn, muối khoáng và vitamin hỗn hợp.

– Cai sữa 10 ngày tuổi, thực hiện rộng rãi ở nhiều nước với khẩu phần khô, nước uống riêng (Canada).

– Cai sữa từ 16 – 20 ngày tuổi hoặc 21 – 25 ngày tuổi. Ở Cộng hoà Liên bang Đức người ta thấy rằng, cai sữa lợn 21 – 25 ngày tuổi đạt mức tăng trọng cao nhất.

Chi phí cho 1kg tăng trọng hết 1,5kg thức ăn, trong đó cứ 1 đơn vị protein cần 118 – 126 kcalo năng lượng trao đổi. Nhờ cai sữa 3 tuần tuổi, lợn nái đẻ 2,3 lứa/năm, chi phí giảm 20%, lao động giảm 25% so với cai sữa bình thường (Tạp chí Seluveineprod, 1975).

Ở Bungari, cai sữa lợn 30 ngày tuổi, dùng thức ăn hỗn hợp cùng sữa chua khử bơ, tiêu tốn cho 1kg tăng trọng là 2, 17kg thức ăn hỗn hợp.

Ở Pháp, đã thực hiện cai sữa lợn con bình quân 27,3 ngày tuổi, số con cai sữa bình quân đạt 9,5 con/lứa và đạt 22,7 lợn con cai sữa/nái/năm.

Ở Anh, từ 1962-1992 nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thức ăn và cai sữa sớm nên đã đạt bình quân số lợn con đẻ còn sống/lứa là 11,1 con. Số lứa đẻ/nái/năm là 2,38 với số con cai sữa/nái/năm là 23,5 con (Trần Thế Thông, 1999).

Ở Canada, một số trại chăn nuôi thực hiện cai sữa lợn con 14 – 21 ngày tuổi, lúc 3 tuần tuổi đạt bình quân 5 – 6kg/con. Để cai sữa thành công, thêm vào khẩu phần ăn của lợn con từ 1 – 2% axit hữu cơ như axit lactic, axit citric hoặc axit propionic, nhờ đó làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn 4 – 5% (Đỗ Thị Thoa, 1998).

Ở Mỹ chia 3 loại hình cai sữu theo phương pháp công nghiệp:

– Cai sữa sớm từ 15 – 17 ngày.

– Cai sữa tách biệt từ 10 – 17 ngày tuổi.

Phương pháp này tiến hành tách lợn con ra khỏi chuồng lợn mẹ, hoặc chuyển lợn mẹ đến chuồng chờ phối giống lúc lợn con 10 ngày tuổi. Tiến hành tiêm phòng dịch cho lợn con để tránh những mầm bệnh do vi khuẩn mà khả năng miễn kháng trong sữa mẹ không bảo hộ được cho lợn con. Như bệnh viêm teo mũi ở lợn con 10 ngày tuổi đã xuất hiện và bệnh lây lan do virus giả dại cần được tiêm phòng ngừa trước 21 ngày tuổi.

– Cai sữa theo tập quán từ 17 – 21 ngày tuổi (Hancock J.,1996).

0