Tại sao Đảng Bảo thủ Anh được gọi là Đảng Tory?
Nguồn: “What to call Britain’s Conservative party”, The Economist , 01/06/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Đảng của Theresa May được biết đến với nhiều tên gọi. Những cái tên này đến từ đâu? Có những gì trong một cái tên? Một tuần trước ...
Nguồn: “What to call Britain’s Conservative party”, The Economist, 01/06/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đảng của Theresa May được biết đến với nhiều tên gọi. Những cái tên này đến từ đâu?
Có những gì trong một cái tên? Một tuần trước cuộc tổng tuyển cử của Anh [8/6/2017], các cử tri đã nên có một ý tưởng tương đối rõ ràng về những gì mà các đảng đại diện, ngoại trừ trường hợp của Đảng Bảo thủ, bởi lẽ nhiều người vẫn có thể đang tự hỏi về tên gọi thực sự của đảng này. Họ thường được gọi là đảng viên “Đảng Bảo thủ” (Conservatives), nhưng tuyên ngôn của họ đã được đưa ra dưới tên gọi “Đảng Bảo thủ và Liên hiệp” (Conservative and Unionist Party). Thường xuyên hơn, họ chỉ đơn giản được gọi là “Tory”. Vậy tên gọi nào là chính xác?
Cả ba tên gọi đều chính xác và được các ứng cử viên Đảng Bảo thủ chấp nhận. Việc có nhiều tên gọi như vậy phản ánh cả lịch sử lâu dài của đảng này, cũng như khả năng đại diện cho những mục tiêu khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Thật vậy, tính linh hoạt ý thức hệ chính là điều đã làm cho đảng này trở thành đảng chiến thắng nhiều nhất trong lịch sử bầu cử nước Anh. Về mặt lịch sử, tên gọi Tory được sử dụng đầu tiên. Thuật ngữ này bắt nguồn từ cuộc “Khủng hoảng Loại trừ” năm 1679-1681, dưới thời trị vì của Charles II. Hai phe phái nổi lên trong Nghị viện vào giai đoạn này mâu thuẫn xung quanh vấn đề liệu anh trai của Charles, James, một người Công giáo La Mã, có nên được phép kế vị ngôi vua hay không. Một phe, phe “Whigs”, muốn ngăn cản việc James lên ngôi. Phe còn lại, Tory, ủng hộ quyền kế vị ngôi vua của James. Phe Tory thắng thế trong cuộc chiến, và James trở thành Vua Stuart James II. Cả hai thuật ngữ này đều được sử dụng với nghĩa xấu. Tory có nguồn gốc từ một từ trong tiếng Gealic ở Ireland “tóraidhe”, nghĩa là một người sống ngoài vòng pháp luật, đặc biệt là một người nổi dậy chống lại cuộc xâm lăng Ireland của Anh Quốc, trong khi Whig xuất phát từ một từ cổ nghĩa là người nhà quê vụng về.
Mặc dù phe Tory khởi đầu bằng cách giành được quyền thừa kế ngai vàng cho một người Công giáo, nhưng họ lại sớm gắn bó với việc bảo vệ Giáo hội Anh Quốc (Church of England, một nhánh của Công giáo, chia sẻ các nền tảng giáo lý nhưng có một số khác biệt với Công giáo như về thẩm quyền của Giáo hoàng, ly hôn, phá thai… – NBT) và các quyền của tầng lớp quý tộc chống lại yêu cầu thay đổi chính trị phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp và sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu mới vào nửa sau của thế kỷ 18. Phe Tory chủ yếu tập trung lại dưới sự lãnh đạo của William Pitt Con, Thủ tướng Anh giai đoạn 1783-1801, và tiếp theo là 1804-06.
Năm 1830, một nhà báo tên là John Wilson Croker, trong Tạp chí Quarterly Review, một tạp chí văn học và chính trị định kỳ, đã đề nghị rằng họ nên chọn tên họi “Bảo thủ”. Cái tên này nhanh chóng trở nên phổ biến. Vào cuối thế kỷ 19, thuật ngữ “Liên hiệp” cũng bắt đầu được sử dụng, để thể hiện sự phản đối của đảng này đối với quyền tự chủ của Ireland. Ngay cả sau khi miền Nam Ireland giành được độc lập vào năm 1922, tên gọi “Liên hiệp” vẫn tiếp tục được sử dụng để thể hiện sự ủng hộ của đảng này đối với việc tiếp tục giữ Bắc Ailen ở trong Vương quốc Liên hiệp Anh.
Gần đây, thuật ngữ Liên hiệp đã trở nên phổ biến trở lại để nhắc nhở cử tri rằng đảng Tory phản đối sự độc lập của Scotland, hay việc Bắc Ireland bị sáp nhập vào Cộng hòa Ireland. Thuật ngữ này nêu bật bản năng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ của đảng này, một điều luôn hữu ích trong thời gian bầu cử. Tory, Bảo thủ và Liên hiệp đã thực sự trở nên có thể thay thế lẫn nhau trong sử dụng thông thường, nhưng riêng từng thuật ngữ lại tiết lộ một khía cạnh trong bản chất lịch sử và ý thức hệ của đảng này.