Liệu Síp có thể được tái thống nhất không?
Nguồn: “Will Cyprus be reunified?“, The Economist , 15/01/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Đảo Síp bắt đầu bị chia cắt từ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974, sau một cuộc đảo chính bắt nguồn từ Hy Lạp nhằm tiến đến thống nhất Síp với Hy ...
Nguồn: “Will Cyprus be reunified?“, The Economist, 15/01/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đảo Síp bắt đầu bị chia cắt từ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974, sau một cuộc đảo chính bắt nguồn từ Hy Lạp nhằm tiến đến thống nhất Síp với Hy Lạp (hay còn được biết đến là enosis). Kể từ đó Síp đã bị phân chia thành nước cộng hòa Síp của người Hy Lạp ở miền Nam, một quốc gia có tư cách thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc (UN) và Liên minh châu Âu (EU); và một quốc gia tự xưng là Cộng hoà Bắc Síp của người Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ được công nhận bởi Thổ Nhĩ Kỳ.
Những nỗ lực thi thoảng để thống nhất đảo Síp đã gặp phải nhiều trắc trở, gần đây nhất là vào năm 2004 khi Kế hoạch Annan (đặt theo tên TTK Liên Hiệp Quốc khi đó là Kofi Annan – NBT) nhận được sự hậu thuẫn của cử tri Síp – Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bị bác bỏ bởi ba phần tư người Síp – Hy Lạp vốn chiếm đa số. Nhưng kể từ năm 2015, các nhà lãnh đạo của hai cộng đồng đã tăng cường nỗ lực thiết lập một thỏa thuận mới để đưa ra cho các cử tri của mình. Những cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian tại Geneva kết thúc mà không thể đưa ra một thỏa thuận, nhưng vẫn có nhiều hy vọng rằng hai bên sẽ giải quyết những bất đồng còn tồn tại của họ kịp thời để có thể tổ chức một cuộc trưng cầu kép vào mùa hè này. Liệu Síp sẽ có thể được tái thống nhất không?
Mô hình tổ chức cho nhà nước tái thống nhất là một “liên bang hai khu vực, hai cộng đồng dân cư”, trên cơ sở phân cấp sâu rộng cho cả hai cộng đồng và các thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại trung ương. Các cuộc đàm phán gần đây đã đề cập đến nhiều yếu tố gây tranh cãi, trong đó có cơ chế quản trị, điều chỉnh lãnh thổ và bồi thường cho người Síp Hy Lạp đã phải bỏ chạy khỏi miền bắc vào năm 1974. Ngoài ra các vấn đề kinh tế gai góc cũng cần được giải quyết.
Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất là an ninh. Theo hiến pháp năm 1960 của nước cộng hòa này, Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có quyền can thiệp quân sự tại Síp nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này bị đe dọa (đây là cái cớ cho cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ). Những người Síp Hy Lạp muốn xóa bỏ các quy định này, lập luận rằng an ninh được đảm bảo bởi tư cách thành viên EU (Síp gia nhập EU vào năm 2004, mặc dù thẩm quyền của EU chỉ được áp dụng tại phía Nam). Nhưng nhóm thiểu số Síp Thổ Nhĩ Kỳ, mang theo mình những ký ức cay đắng về các xung đột phe phái trên hòn đảo vào những năm 1960 và 1970, lại không muốn từ bỏ sự bảo vệ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 30.000- 40.000 binh lính đang đóng quân ở phía bắc.
Ba cường quốc có thẩm quyền bảo đảm an ninh, vốn đã tham gia vào vòng đàm phán mới nhất, sẽ phải chấp nhận bất kỳ thỏa thuận an ninh nào mà hai bên đạt được. Recep Tayyip Erdogan, vị Tổng thống thất thường của Thổ Nhĩ Kỳ, có thể là một trở ngại. Ông ta cần sự hỗ trợ của các nhà dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc hội để đạt được một loạt các thay đổi hiến pháp mà ông đề xuất, và họ có thể cản trở những nhượng bộ về đảo Síp.
Những người theo dõi tình hình đảo Sip lâu năm, những người đã nhiều lần thấy hy vọng của mình tiêu tan, lại tỏ ra thận trọng. Ngay cả khi một thỏa hiệp về an ninh có thể được thiết lập, có lẽ liên quan đến một “điều khoản hoàng hôn” (sunset clause – điều khoản hết hiệu lực) đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ, rào cản lớn nhất vẫn nằm ở phía trước: đa số cử tri trong cả hai cộng đồng trên đảo phải ủng hộ thỏa thuận ấy.
Lưu ý về sự thất bại của Kế hoạch Annan, vốn chủ yếu được áp đặt lên Síp từ bên ngoài, Nicos Anastasiades và Mustafa Akinci, các nhà lãnh đạo của cộng đồng Síp Hy Lạp và Síp Thổ Nhĩ Kỳ, đã tự mình thúc đẩy quá trình này. Họ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào mà họ tin rằng cử tri sẽ bác bỏ. Đây có lẽ là lý do tốt nhất để lạc quan. Nhưng thời gian thì lại eo hẹp: Ông Anastasiades đang phải đối mặt với cuộc tái tranh cử trong chỉ hơn một năm nữa. Và các chính phủ châu Âu gần đây đã phát hiện ra rằng họ khó có thể giành chiến thắng trong các cuộc trưng cầu dân ý, như đã được các vị thủ tướng (và cựu thủ tướng) Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Italia chứng thực.
Những người hưởng lợi đầu tiên từ việc tái thống nhất sẽ chính là những người dân Síp. Nhưng các lợi ích sẽ lan tỏa ra bên ngoài phạm vi hòn đảo này. Một thỏa thuận sẽ làm dịu mối quan hệ trục trặc giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra tiềm năng năng lượng ở vùng biển Síp, và do Thổ Nhĩ Kỳ sẽ công nhận quốc gia tái thống nhất, quan hệ hợp tác giữa EU và NATO sẽ được cải thiện. Nó cũng sẽ là một tin tốt cho một khu vực EU đang ngập trong những cuộc khủng hoảng bất tận.
Nhưng những cảnh báo rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để tái thống nhất đất nước không phải không có: chính những người Síp lớn tuổi, những người còn nhớ rõ về bạo lực và hận thù của quá khứ, là những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho một thỏa thuận. Và ngày càng có ít những người như họ còn sót lại.