Các tòa án Mỹ kiểm soát chính phủ như thế nào?
Nguồn: “How America’s courts can keep the government in check”, The Economist , 15/02/2017. Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Quyền lực của nhánh tư pháp trong việc hạ bệ các đạo luật và các hành động hành pháp được coi là vi hiến có từ năm 1803. ...
Nguồn: “How America’s courts can keep the government in check”, The Economist, 15/02/2017.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Quyền lực của nhánh tư pháp trong việc hạ bệ các đạo luật và các hành động hành pháp được coi là vi hiến có từ năm 1803.
Cuối tuần qua, Stephen Miller, một cố vấn Nhà Trắng, đã chỉ trích các thẩm phán liên bang vì đã chặn các lệnh cấm đi lại và di trú của Donald Trump. Trên chương trình “This week” của đài ABC, Miller nói với George Stephanopoulos rằng “nhánh tư pháp không phải là tối cao”. Trên chương trình “Fox News Sunday“, ông gọi những phán quyết gần đây của các thẩm phán tòa án quận và tòa phúc thẩm liên bang là “một sự tiếm quyền của tư pháp”. Thẩm quyền của Trump trong việc hạn chế nhập cư, ông nói, là “không cần tranh cãi”.
Quan điểm quá rộng này đối với quyền hành pháp là khá mâu thuẫn với quan điểm của các thẩm phán. Trong phán quyết của mình vốn ủng hộ phán quyết của tòa án quận về việc đình chỉ sắc lệnh hành pháp [của Trump], ban thẩm phán gồm 3 người tại Tòa Phúc thẩm Liên bang số 9 đã mô tả các khiếu nại từ luật sư của Trump là vượt quá giới hạn: “Tòa án tối cao đã nhiều lần và một cách rõ ràng bác bỏ quan điểm cho rằng các nhánh chính trị có thẩm quyền không thể phủ nhận đối với vấn đề di trú hay không buộc phải tuân thủ Hiến pháp khi hoạch định chính sách trong bối cảnh đó”. Và rằng “rõ ràng hệ thống tư pháp liên bang vẫn duy trì thẩm quyền phân xử những khiếu nại về việc vi hiến đối với các hoạt động hành pháp”.
Việc mỗi nhánh của chính phủ đều tuyên bố với phía bên kia rằng lập trường của mình là “không cần tranh cãi” đã cho thấy một sự bế tắc. Điều đáng ngạc nhiên là, nếu chỉ xem qua Hiến pháp Mỹ thì sẽ không thể đưa ra cách giải quyết: trong khi Điều VI tuyên bố rằng hiến pháp “là luật tối cao của quốc gia” và mỗi “điều trong hiến pháp hoặc luật pháp của bất kỳ tiểu bang nào mà trái [với Hiến pháp]” sẽ phải tuân thủ Hiến pháp, nhưng không có điều luật nào quy định phán quyết cuối cùng sẽ được dành cho bất kỳ thể chế cụ thể nào. Vậy, điều gì là cơ sở cho quyền lực của ngành tư pháp trong việc kiểm soát các hoạt động hành pháp của một Tổng thống?
Câu trả lời nằm trong vụ Marbury v Madison, một vụ việc từ năm 1803, trong đó John Marshall (hình trên), Chánh án thứ tư của Mỹ, đã cứu giúp – và mở rộng – một cách xuất sắc quyền lực của Tòa án tối cao. Đối mặt với một vụ việc mà trong đó các đảng viên Đảng Liên bang chống lại các đối thủ gay gắt của họ, Đảng Dân chủ – Cộng hòa của Tổng thống Thomas Jefferson, Marshall lo lắng rằng một phán quyết có lợi cho chính quyền sẽ trông giống như một sự đầu hàng nhưng một phán quyết chống lại chính quyền lại có thể dẫn đến việc Jefferson thách thức lại Tòa án Tối cao. Trong vụ Marbury, Marshall đã nỗ lực để làm giảm quyền lực của đối thủ chính trị của mình bằng cách trao cho họ một chiến thắng danh nghĩa nhưng lại trang bị cho tòa án một quyền lực mới đáng kể: thẩm quyền của ngành tư pháp trong việc xem xét lại các đạo luật. “Việc diễn giải luật pháp là gì chính là nhiệm vụ và địa phận của nhánh Tư pháp”, ông viết.
Các Tổng thống thường tôn trọng nguyên tắc này, nhưng không phải tất cả – bao gồm Andrew Jackson, Abraham Lincoln và Franklin Delano Roosevelt – đã luôn luôn tuân thủ ranh giới này của Tòa án Tối cao. Jackson, người có chân dung được Trump treo trong phòng bầu dục một vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống, tin rằng “Tòa án tối cao không… được phép kiểm soát Quốc hội hay cơ quan hành pháp”.
Các học giả tiếp tục tranh luận về tính đúng đắn trong lập luận của Marshall trong vụ Marbury, nhưng quyền lực của ngành tư pháp trong việc bác bỏ các đạo luật và các hoạt động hành pháp do vi hiến đã trở thành một tiêu chuẩn phổ quát và lâu đời. Thậm chí Thẩm phán Clarence Thomas, người thường ít khi thể hiện sự hối hận về việc bãi bỏ các tiền lệ lâu đời khi chúng đi trệch khỏi quan điểm của ông về vai trò của hiến pháp, tin rằng các tòa án là “trọng tài cuối cùng” về việc diễn giải hiến pháp. Theo lời của Thẩm phán Joseph Story, trong một cuốn sách bình luận pháp lý từ năm 1833, “lời giải thích [của bộ máy tư pháp] … sẽ mang tính bắt buộc và chung thẩm đối với tất cả các cơ quan thuộc chính phủ liên bang”.
Bất chấp các phát biểu của Trump về “những vị gọi là thẩm phán” và phán quyết “mang tính chính trị” của Toà Phúc thẩm Liên bang số 9, ông vẫn không cố gắng đi vòng qua các quyết định của các thẩm phán. Hiện tại, Trump đang cho phép các tòa án kiểm soát quyền lực của mình.